15 tháng 10, 2011

"TỐT NHẤT LÀ NÊN IM LẶNG"...

1. Thấy Quạ ngồi trên cây cả ngày mà không làm gì, Thỏ bèn hỏi:

- Bác Quạ ơi?. Tôi có thể ngồi cả ngày không làm gì, như bác, được không?.

- Tất nhiên, sao lại không? - Quạ trả lời

Vậy là Thỏ cũng ngồi yên dưới gốc cây nghỉ ngơi. Bỗng Sói từ đâu nhảy ra, vồ lấy Thỏ và ăn thịt.

Kết luận: Để được ngồi không, bạn phải ở vị trí cao, rất cao.

2. Gà Tây nói với Bò Tót:

- Tôi muốn nhảy lên ngọn cây cao, nhưng tôi không đủ sức!.

- Vậy thì bạn hãy rỉa phân của tôi đi!. - Bò Tót khuyên.

Gà Tây mổ phân Bò Tót và thấy khỏe ra, đủ sức nhảy lên cành cây thấp nhất. Ngày hôm sau, cũng ăn phân Bò Tót và nhảy được lên cành cao hơn.
Cứ thế, đến một ngày kia, Gà Tây đã bay lên được ngọn cây cao. Chưa kịp vỗ cánh mừng thì bị một người nông dân bắn rơi.

Kết luận: Sự ngu ngốc có thể đưa bạn lên đỉnh cao nhưng không thể giữ bạn ở đó.

3. Chim non bay về phía Nam tránh rét. Không đủ sức nên bị rét cóng và rơi xuống đất. Một con Bò cái đi qua vô tình ỉa trúng người Chim non. Đang chết cóng, bãi phân bò làm Chim non ấm lên và tỉnh lại.

Nó sung sướng hót véo von. Một con Mèo nghe thấy bèn mò đến và lôi chú Chim ra khỏi đám phân bò, ăn thịt. 

Kết luận: 

- Không phải ai vấy bẩn vào bạn cũng đều là kẻ thù.
 

- Không phải ai kéo bạn ra khỏi chỗ bẩn thỉu cũng đều là bạn.

- Và, khi đang ở trong chốn dơ bẩn thì tốt nhất là nên im lặng!..


Nguồn: Hậu Khảo cổ Blog

14 tháng 10, 2011

CHỈ DÀNH CHO... SẾP TỔNG

Tuân phẹt - Ngày cuối tuần, nằm ở nhà, khểnh... cúc cu xem phim, thì alô rung bần bật:

- Đang đâu đới?. 3h chiều đi Quảng Ninh nhế?. Anh qua đón!.

Chưa kịp trả lời thì đã cúp máy.

Anh Hải - Trong danh bạ điện thoại mình ghi là "Hải Phò", ở trong Nam ra. Anh người Hà Nội gốc, nhưng làm trong nghành Dầu khí, nên phải ở hẳn trong Nam.

Ra Hà Nội, đi công tác hay đi chơi, anh đều gọi mình, toàn nhậu nhẹt, gái mú, hát hò.... Anh bảo: "Thằng em nhậu tốt, chuyện hay, gái cũng được".

Anh hơn mình 2 tuổi, làm Giám đốc Tài chính kiêm cả Dự án cho một Cty con của Tập đoàn. Ăn nên làm ra lắm.

Chẳng hiểu do phải tính toán hay bị nhiễm độc của tiền, mà tóc anh rụng trụi hết cả. Mà trọc rất ác, khi để sót lại một búi chứng 50 cọng, xồm xoàm ngay ở đỉnh đầu. Trông rất thảm!..

Đứng giờ, anh đến. Con Camry mới thửa bóng nháng. Anh bảo là "hàng nhập khẩu, đi sướng lắm".

Anh nói thế, mình biết thế, chứ xe cộ là mình chịu. Babétta với lại SH, với mình, giống nhau hết.

Lên xe, anh nói: "Đi qua đây, đón 2 con em nữa nhế!". Mình nhạy cảm: "Hàng à?". Anh gắt: "ĐM! Anh mà phải dùng... hàng à?". Mình im, chẳng nói gì.

Anh vòng xe, ghé đít vào 1 quán cafe sang trọng, dặn: "Ngồi trên xe nhế! Anh vào ới nó ra. Bọn này cành cao lắm, mình hạ cố tý!".

Mình nghe lời, ngồi im. Hồi hộp...

Hai em đẹp mê hồn thong thả ra, lên xe, anh bắt 1 em ngồi ghế sau với mình, rồi giới thiệu rất ngắn: "Đây là 2 em Ngọc Diệp và Thuỳ Trang!".

Mẹ kiếp!.. Người đẹp mà tên cũng đẹp.

Xe lăn bánh, mùi nước hoa thơm nức, ngào ngạt.

Anh bi bô nói chuyện, 2 em cũng nhiệt tình hưởng ứng. Mình thì ngồi ép lưng vào ghế, run bần bật vì... 2 em quá đẹp, cả đời chưa từng mơ thấy.

Chẳng mấy chốc cũng đến Hạ Long, anh chui tọt vào 1 khách sạn sang trọng, lấy 2 phòng, rồi nháy mắt với mình đầy ẩn ý.

Mình sướng rơn, nghĩ về kịch bản của đêm nay.: Kiểu gì anh chả một em và riêng mình một em?...

Anh nói như ra lệnh: "Tất cả đi nhậu nhé!. Xong rồi về tắm giặt, nghỉ ngơi sau. Anh đói lắm rồi!".

Mùa đông, biển lạnh. Quán hàng vắng ngắt, nhưng anh vẫn chọn được một nhà hàng ấm cúng, sang trọng và rất đông khách. Anh gọi bao nhiêu là hải sản ngon. Ăn mệt nghỉ.

Có cơm rượu, lại có cả người đẹp, chuyện chẳng mấy chốc mà trở nên ấm áp thân tình. Mình cũng gạt bỏ được nỗi run sợ, hồi hộp trước 2 em gái xinh tươi.

Ăn, uống, nói năng... rất bốc. 2 em tít mắt cười, khen duyên, cụng li côm cốp rồi lại trách cứ: "Thế mà lúc trên xe, anh chẳng nói gì!".
Thấy anh Hải ôm 1 em, rất chi là tự nhiên và tình cảm. Thi thoảng, còn đưa cái mép còn dính miếng thịt cua, hôn lên má em chùn chụt, mình rất thích.

Mình táng thêm 3 ly cô-nhắc, rồi cũng thò tay ra sau lưng cô em ngồi cạnh mình. Chẳng thấy ứ hự gì!. Sướng mê tơi...

Đang vui, anh Hải ngó đồng hồ. "Thôi, về nhé!".

Mình dắt tay một em bước ra khỏi nhà hàng, rồi như trong phim, mở cửa xe, chìa tay mời em lên trước.

Em quẳng cho mình nụ cười hân hoan, kèm theo câu "Cảm ơn anh!", mềm ngọt.

Mình ngất ngây, lâng lâng, hình dung ra chuyện chăn chiếu, khi về tới khách sạn...

Bụng thầm thì cảm ơn anh Hải.

Tới nơi, rất nhanh, mình lại nhảy ra mở cửa xe, lại chìa tay mời em xuống. Em lại quẳng cho mình nụ cười hân hoan, kèm theo câu "Cảm ơn anh!", mềm ngọt.

Anh Hải đưa 2 chiếc chìa khoá cho 2 em rồi bảo: "Lên trước đi nhé!". Mình phấn khởi: "Chắc anh tế nhị, muốn... hội ý, phân chia với mình, nên bảo 2 em lên trước, để anh em nói chuyện cho lịch sự!"...

Cầu thang máy chạy lên đến tầng thứ 7, anh kéo tay mình: "Tao với mày đi nhậu tiếp, rồi ngủ chỗ khác. 2 thằng sếp Tổng của tao nó đang nằm trên phòng rồi. 2 đứa đó không thuộc về tao và mày. Hiểu chứ???".

Mình lí nhí... Rồi thì thầm: "ĐM anh!"...
--------------------------------------------------------
* Hình ảnh sử dụng trong Entry này chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết

PHẢI NHAI MÌ TÔM VÌ HOA HẬU... ĂN HẾT PHẦN CƠM?..

Đất Việt - “Khi dọn cơm, các Người đẹp và Ban Tổ chức ngồi vào ăn đủ cả. Các em thiếu chỗ, nên có em phải nhịn chờ ăn sau!” - Bà Hồng kể: "Một số em, buổi tối phải... pha mì tôm để ăn cho đỡ đói bụng".

Chương trình "Hoa hậu Việt Nam 2010 – Một năm nhìn lại", diễn ra từ 30/9 đến 5/10 tại TP. Huế, do Công ty TNHH Sắc Màu Mới tổ chức.

Ông Đào Đức Hiếu, Giám đốc Công ty này là Trưởng Ban Tổ chức.

Trong thời gian ở Huế, ngoài việc thực hiện một cuốn sách ảnh Áo dài Việt Nam, đoàn Người đẹp của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010, đã có nhiều hoạt động từ thiện xã hội, trong đó có đến Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Thủy Xuân (TP Huế), để “cùng sống với các em một ngày”.

Tuy nhiên, theo lời ông Đào Đức Hiếu, do không có thời gian, nên những Người đẹp chỉ “cùng sống” với trẻ em tại Trung tâm từ 15 giờ đến 20 giờ ngày 3/10.

Tại buổi họp báo, ông Đào Đức Hiếu cho biết: Những Người đẹp sẽ cùng tham gia dọn dẹp, nấu cơm cho các em ở Trung tâm, rồi đi đón các em từ trường học về và cùng dùng cơm chung, sinh hoạt, chia sẻ với các em.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Thủy Xuân, thực tế các Người đẹp đến Trung tâm lúc gần 16 giờ 30 phút và khi đó, việc nấu ăn đã được các Bảo mẫu ở Trung tâm hoàn tất.

Các Người đẹp cũng không hề đi đón các em ở trường học như lời mà ông Hiếu nói…

Bà Ngô Thị Thu Hồng- Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Thủy Xuân cho biết: Trước khi đến Trung tâm, Ban Tổ chức có gặp bà Hồng đưa 1,5 triệu đồng và nói là số tiền này để chuẩn bị bữa ăn cho các em chiều hôm đó. Phía Ban Tổ chức cũng nói thêm rằng “phía đoàn Người đẹp cũng có thêm khoảng 30 người sẽ dùng cơm chung”.

Do trung tâm có hơn 70 trẻ, cộng với số người của phía Ban Tổ chức nên lên hơn 100 người, thấy số tiền 1,5 triệu đồng không đủ mua thức ăn, nên một Bảo mẫu phải bỏ thêm tiền túi ra để đi chợ.

Sự việc không dừng lại ở đó.

Khi đoàn người đẹp đến Trung tâm, số lượng người tổng cộng lên đến gần 60, thay vì 30 người như thông báo lúc đầu.

“Khi dọn cơm, các Người đẹp và Ban Tổ chức ngồi vào ăn đủ cả. Các em thiếu chỗ nên có em phải nhịn chờ ăn sau”- bà Hồng kể: Một số em, buổi tối phải... pha mì tôm để ăn cho đỡ đói bụng.

Các Thanh niên tình nguyện dẫn đoàn Người đẹp đến Trung tâm cũng thực sự bất ngờ vì cách làm của Ban Tổ chức. “Em không ngờ Chương trình của họ lại tổ chức sơ xài như vậy. Kinh phí mua quà giao lưu họ cũng chẳng bỏ tiền”- một Thanh niên tình nguyện cho biết.

Được biết, khoản kinh phí 2 triệu đồng này dùng để mua tập vở tặng các em, mua bánh kẹo để sinh hoạt giao lưu giữa đoàn Người đẹp và các em. Số tiền này, đoàn Thanh niên tình nguyện cũng phải tự đóng góp.

Bà Ngô Thị Thu Hồng, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Thủy Xuân, bức xúc: “Tôi đã nói với Ban Tổ chức là làm gì thì làm, chứ đừng đưa các em ở Trung tâm ra để quảng bá hình ảnh cho Người đẹp. Không có đoàn Hoa hậu, các em vẫn được ăn uống và học tập bình thường. Có nhiều đoàn đến chỉ để thăm Trung tâm thôi, nhưng chúng tôi sẵn sàng đón tiếp.

Làm từ thiện cũng phải đúng cách. Cách làm của Ban Tổ chức Chương trình Hội ngộ hoa hậu Việt Nam 2010 – một năm nhìn lại đã làm nhiều em, Bảo mẫu ở trung tâm thất vọng!”.

Trên một số báo mạng, ông Đào Đức Hiếu cho rằng: Đoàn Người đẹp đã trao từ thiện cho một số gia đình khó khăn ở Huế, với tổng cộng 50 triệu đồng, nên có lẽ vì thế mà bà Hồng “ghen tỵ”.

Tuy nhiên, Báo Tiền Phong ngày 6/10 đăng tin: Đoàn Người đẹp chỉ trao tổng cộng 20 triệu đồng.

Để tìm hiểu sự thật, chúng tôi đã gặp nhà báo Thanh Tùng- Trưởng Đại diện Báo Tiền Phong tại Huế.

Ông Tùng cho biết: Chính ông là người dẫn đoàn Người đẹp đi trao tiền từ thiện trong ngày 5/10 và số tiền mà đoàn trao, chỉ có 20 triệu đồng.

Số tiền này không phải của Ban Tổ chức, mà do người đẹp Thu Hà và bạn bè vận động. Quỹ từ thiện này có hơn 50 triệu đồng, nhưng chỉ trao ở Huế 20 triệu, số còn lại, Thu Hà và những người bạn sẽ trao cho những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương khác.

VỀ MIỀN TÂY

Dr.Nikonian - Dễ đã hơn hai mươi năm, vậy mà tôi vẫn chưa quên được cái cảm giác khi lần đầu tiên xuống miền Tây.

Xin các bạn miền Tây thứ lỗi, nếu như tôi thành thật nói rằng cảm giác đầu tiên đó không mấy gì dễ chịu, thậm chí hơi ơn ớn.

Đã quen với con sông xanh biếc, “bóng tre êm ru” lẫn “con diều vật vờ”, hay với cây đa cổ thụ đầu làng, thật muôn phần lạ lẫm khi nhìn dòng sông cuồn cuộn đục ngầu phù sa, đám dừa nước rậm rạp, khóm lục bình trôi vất vưởng…

Chưa kể con người!. Không nón lá, áo dài e ấp. Chỉ bà ba quần lãnh, nụ cười hết cỡ với kha khá răng vàng (thời đó răng vàng còn là mode), lại thêm rất nhiều mùi kem Hoa Lan.

Chưa kể lão nông lực điền uống rượu như nước lã, nghêu ngao câu vọng cổ buồn bên bờ kênh tối đen như mực…

Nhiều lắm những lạ lẫm như thế.

Mà hồi đó, khi người ta trẻ, người ta chưa hiểu được sông ngầu đục phù sa là no ấm, là trên cơm dưới cá. Người  ta cũng chưa hiểu câu “gạo trắng nước trong”.

Người ta cũng chưa đủ nhạy cảm để hiểu tố chất miền Tây, suy nghĩ hào sảng như miền Tây là điều đáng quí.

Rồi nước cứ chảy qua cầu, tôi cũng già đi theo năm tháng. Bước chân tôi đã lưu lạc đến rất nhiều vùng miền của đất nước.

Tôi đã từng yêu Hà Nội đến độ check in ở khách sạn quen cứ ngỡ mình đang về nhà.

Mà Hà Nội năm ấy, chưa như bây giờ, chưa làm người ta sợ, chưa làm người ta ngán ngẩm.

Những tấm ảnh đầu tiên tôi chụp, từ chiếc lá vàng rơi trên mặt phố, từ chiếc lưng còng nhẫn nại của chị hàng hoa…đều từ những ngày lang thang với phố phường Hà Nội.

Tôi đã từng phải lòng Hà nội như thế đấy!.

Tình yêu Hà Nội nay đã thành quá khứ, như làn khói hương trầm dâng Phật của bà cụ N. nơi khách sạn quen mỗi sáng.

Cũng vậy, rất nhiều tình cảm dành cho một địa danh nào đó đã phai nhạt dần, hoặc chỉ là sự choáng váng thất kinh ngay từ phút đầu.

Vì sự thiếu thân thiện, hỗn hào! Vì thói chanh chua, chụp giật. Vì lối sống mạnh được yếu thua…

Vũng Tàu, Nha Trang, Huế, Hà Nội… dần dần trở thành những hoài niệm về một thành phố hiền lương, thuần hậu.

Đến nỗi phải chua chát mà tự trào lộng về câu quảng cáo cho du lịch Việt Nam: ” Đi nhanh đi, trước khi chúng tôi phá sạch bây giờ!”

Theo đà chụp giật này, chẳng biết khi nào tôi sẽ nhớ đến Hội An, Qui Nhơn, Tuy Phước… với một tiếng thở dài. Hay sẽ chép miệng than vãn một câu quen thuộc: “Hồi đó, vùng miền X, Y, Z… này không tệ như vầy (?)”

Sự xa lạ, dè chừng khi ngao du ngay trên đất nước của mình thật khó chịu.

Nó như một cái gai xốn mắt, như phải mặc một chiếc áo bẩn ngay khi vừa tắm xong.

Nó vướng víu, nhưng không gột rửa được. Vì cứ bước ra đường là thấy đủ điều chướng tai gai mắt.

Tôi nào có muốn mang lòng phụ rẫy?.

Miền Tây không thế! Đã lâu thật lâu, tôi choàng dậy vì tiếng xuồng máy xình xịch trên sông Tiền. Phố xá tinh tươm, như thể trận mưa rào đêm qua đã gột sạch mọi dấu vết cần lao của người dân nơi đây. Nắng đẹp và ấm áp, như lời mời quá dễ thương từ một chị tour guide đường phố:

“Đi xuồng tham quan chợ nổi không cưng?”

Không, “cưng” này không có thời gian đi chợ nổi.

“Cưng” này khoát tay đi tiếp một vòng, lại để nghe một anh xe ôm phong sương với nụ cười rất hồn hậu mời tiếp:

“Đi xe ôm chơi một vòng hôn anh Hai?”

Loanh quanh hỏi đường với một anh bán vé số cụt chân. Nhiệt tình, hào hển hoa tay múa chân chỉ trỏ.

Cũng ngạc nhiên, cũng choáng vì sự nhiệt tình quá sức dễ thương ngày.

Ít nhất cũng ngang với cái sự choáng khi lần đầu tiên được nghe câu “lượn đi cho nước nó trong” khi trót dại hỏi đường.

Lạy trời chứng giám! Qua bao năm lê bước rất nhiều nơi chốn, chứng kiến bao nhiêu cảnh buồn nhiều hơn vui của nước non mình, nay nghe lại, hít thở lại sự chân chất nguyên vẹn của người miền Tây mà hơn 20 năm trước tôi đã từng không hiểu, tự dưng thấy cảm động đến tận đáy lòng.

Chỉ vậy thôi, mà cũng đủ để thấy nao nao trong lòng khi thấy dân mình lương thiện, hiền hòa, cần lao để mưu sinh nhưng vẫn giữ lòng ngay thẳng.

Chỉ dăm phút loanh quanh, tôi đã nhanh chóng phải lòng đất này, nơi mà sự tốt bụng, chân chất của người dân nơi đây chẳng phải là một “vẻ đẹp tiềm ẩn”, phải căng mắt ra mới thấy như ở những nơi “thanh lịch” khác.

Vậy đó, tuy “cưng” không đi xuồng, tuy “anh Hai” từ chối xe ôm… nhưng sẽ hẹn một ngày trở lại. Về lại nơi đây, chẳng để “mặc áo the, đi guốc mộc”. Chỉ để thấy thương mến quê hương  nghèo khó của mình vô hạn.

Vì tuy quê mình nghèo nhưng lương thiện, thưa các bạn!..
--------------------------------------------------------------------------------
Tuần tới này, mình sẽ bay từ Hà Nội vào và lang thang các tỉnh miền Tây mùa nước nổi. Có ai đi cùng mình không, cho đỡ lẻ loi - cô độc?.. Có bạn nào ở miền Tây, giúp chỉ bảo mình đường sá?..

"NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐỒNG CHÍ BÍ THƯ THÀNH ỦY HẢI PHÒNG"...

Chuyện cắt băng rôn, dán khẩu hiệu to đùng, đầy ặc những chữ hoa kèm mỹ từ to đùng, chào mừng các lãnh đạo đến thăm, làm việc đã trở thành quốc nạn. Chả thế mà cả khi bão lụt, thiên tai, người chết, nhà đổ... lãnh đạo Trung ương phải lạch tạch bay trực thăng hoặc ngồi SUV chuyên dụng gầm cao về họp hành, chỉ đạo "khắc phục hậu quả", phía địa phương nghênh đón cũng đôn đáo cắt dán khẩu hiệu to đùng "Nhiệt liệt chào mừng đồng chí... về chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ lụt", khiến dân tình nhìn thấy, đang bị thương cũng muốn... chết hẳn luôn. Có lẽ, rút kinh nghiệm những khẩu hiệu vải đỏ (dùng nhiều lần) và chữ vàng, quá to tát và... lộ liễu như kể trên. Ở TP. Hải Phòng, mới đây đã có doanh nghiệp nảy ra "sáng kiến" làm khẩu hiệu chào mừng lãnh đạo đến thăm, bằng kiểu đế gỗ, chân gỗ và khung gỗ rất gọn nhẹ và... kín đáo. Chẳng biết tấm biển này có... kinh tế, dùng đi dùng lại nhiều lần không, chứ tính ra, chi phí làm còn nhiều tiền hơn cả khẩu hiệu vải đỏ - chữ vàng. Thể loại chào mừng mới này, có vẻ hơi lạ, nên bác Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành, cũng tươi hơn hớn, líu ríu, e thẹn đứng cạnh chụp hình lưu niệm, như ai... (Nguồn: tại đây)

 Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành (áo trắng, cavat xanh, áo khoác màu sáng, đứng cạnh em gái áo đỏ - đen) cười sung sướng, chụp hình lưu niệm sau tấm bảng gỗ "Nhiệt liệt chào mừng". Nhìn không kỹ, cứ tưởng Bí thư Thành ủy đi... ăn đám cưới, tại "Trung tâm tổ chức tiệc cưới" của Thành phố Cảng.

13 tháng 10, 2011

"ĐẦU HOA HẬU, CHẬU CÁM HEO"?..

Đào Tuấn - Hơn 40 người, trong "Đoàn Từ thiện" của Hoa hậu Ngọc Hân, đã gây ra một scandal từ thiện "vô tiền khoáng hậu", tại Trung tâm Bảo Trợ Trẻ em Thủy Xuân (TP. Huế), khi họ buộc chính những cô Bảo mẫu, những đứa trẻ đang phải sống trong diện bảo trợ, phải bỏ tiền làm một "bữa từ thiện" cho các Hoa hậu, Người đẹp.

Nổi hứng trong một cuộc họp báo sang trọng và hoành tráng, được tổ chức tại Khách sạn 5 sao Celadon Palace (nơi có giá thuê phòng thấp nhất là 80 USD), các Hoa hậu, Người đẹp đã đòi đi làm... Từ thiện.

"Đoàn Từ thiện" 40 người, đã có một "hoạt động từ thiện" là nhổ cỏ, nhặt rác để... chụp ảnh và sau đó đưa lại cho Trung tâm 1,5 triệu đồng, để "dùng bữa cùng trẻ em".

Bà Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Thủy Xuân phát biểu trên tờ Pháp luật TP.HCM: " Tôi thấy số tiền này không đủ, nên đề nghị Ban Tổ chức thay vì tặng quà, họ có thể đưa thêm tiền, còn Trung tâm sẽ bỏ thêm 1 triệu đồng để các cháu được ăn ngon một bữa. Thế nhưng họ không đồng ý. Trung tâm có 5 khu nhà, tôi đành chia ra mỗi khu 300 ngàn đồng để nấu ăn”.

Một cô bảo mẫu cho biết: "Đã phải bỏ thêm 100 ngàn tiền túi để đi chợ".

Ông Trưởng Ban Tổ chức, sau đó phân trần rằng "Không có nhiều tiền"; rằng "Đem niềm vui đến cho các em mới là điều quan trọng nhất"; rằng: "Chúng tôi chỉ biết làm bằng cái tâm".

Ông còn nói thêm: Các Người đẹp "đã sắp xếp thời gian có thể nhất của mình rồi".

Cái "tâm" được nói đến nhiều quá. Nhưng cái "tâm" không thể mang ra tiêu ngoài chợ được.

Thế nên xảy ra câu chuyện 1,5 triệu đồng để 40 người "Đoàn Từ thiện" và 70 trẻ em "dùng bữa"...

Hình như đã lâu, các Người đẹp không đi chợ, hoặc chỉ chuyên đi... "ăn cơm chùa".

Cũng không thể nói khác đi một sự thật: Người làm Từ thiện, trong trường hợp này là các cô Bảo mẫu, là những đứa trẻ đang được bảo trợ, chứ không phải là "Đoàn Hoa hậu" nữa.

Có câu: "Của cho không bằng cách cho".

Nhưng ngay cả "cách cho", thì các Người đẹp cũng đã thực hiện theo một cách, không thể xấu xí hơn, bởi ngay cả khi đang nhặt rác - cuốc đất, họ cũng tạo dáng để chụp ảnh.

Và từ chối đưa thêm... "tiền chợ".

Đáng tiếc là "cách cho" như vậy, không phải là hiếm.

Cách đây 4 năm, một Hoa hậu đã bị phản ứng dữ dội, khi cô mặc áo bà ba hồng, mặt mũi bôi vẽ như diễn viên tuồng, xuống "từ thiện" tại một bệnh viện, nơi các nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ đang ngắc ngoải.

Chuyện Hoa hậu mặc áo hở rún, hoặc mỏng đến khoe nội y đen, thì nhiều đến mức có tờ báo, phải đặt câu hỏi "Đi Từ thiện cũng cần phải sexy!".

Và không thể không nhắc lại scandal "đấu giá lòng trắc ẩn", và... xù trong đêm "Hoa hậu Trái đất và doanh nhân hướng về miền Trung"...

Một tờ báo của ngành Công an, mới đây khẳng định như đinh đóng cột "Các chuyến đi từ thiện, có mặt những Hoa hậu đẹp xinh thì nhà tài trợ phải trả thêm cát xê cho các nàng".

Thậm chí báo này còn khẳng định "Nghề tay trái của Hoa hậu không phải làm người mẫu ảnh, không phải diễn viên...mà là làm từ thiện".

Lạ lùng là dù hầu như chỉ "đi làm từ thiện", nhưng các Hoa hậu, Người đẹp lúc nào cũng xe xịn, đồ hiệu, đi giày cao gót ngất ngưởng và cười, và khoe dáng bất kể nơi đâu, bất kể hoàn cảnh nào.

Không còn cần phải nghi ngờ, khi chính "nghề tay trái Từ thiện", đang nuôi sống các Hoa hậu.

Câu trả lời phổ biến của các Người đẹp Việt Nam, trong các cuộc thi sắc đẹp là: "Sau khi đăng quang, em sẽ tích cực tham gia các hoạt động Từ thiện" (hoặc hoạt động xã hội)". Không ai kể là mình đã từng làm Từ thiện gì? Cho ai và bằng tiền ở đâu?..

Các Người đẹp, dường như chỉ "Hoạt động Từ thiện", sau khi họ đã trải qua các cuộc thi.

Họ làm Từ thiện nhiều đến nỗi, đôi khi khó có thể kể ra công việc chính của một Hoa hậu, ngoài Từ thiện.

Họ nghiện Từ thiện đến mức... sóng thần xảy ra ở bên Nhật, cũng thấy họ khóc và đòi làm... Từ thiện.

Họ Từ thiện chuyên nghiệp đến mức, làm Từ thiện ở một xã miền núi, cũng phải có kỳ được các nhà báo đi theo.

Và họ lạm dụng Từ thiện đến mức quẳng vòng một, vòng ba trước ống kính, mang ra khoe ngoài bãi biển (không biết để làm gì), rồi sau đó tuyên bố "bán đấu giá làm... Từ thiện".

Làm Từ thiện cần "cái tâm".

Nhưng "cái tâm" mà cứ nói ra mồm, hoặc chỉ dùng để chụp ảnh, là "cái tâm" rất khó tin. Chưa kể, có người gọi quá lên, đó là... tâm ác.

HỌC CHỮ NGƯỜI CHĂM

Những bé gái người dân tộc Chăm ở Búng Bình Thiên (huyện An Phú, tỉnh An Giang) đang học cái chữ của người Chăm rất say mê. Nhìn cảnh này, hết muốn tìm hiểu công tác giáo dục đào tạo ở các trường Công lập - Tư thục đang mọc lên đầy rẫy ở các thành phố lớn, với bao hệ lụy chạy trường, chạy điểm và... học sinh uýnh nhau. Người ta cứ rêu rao về "giáo dục giá trị truyền thống", với những tiêu chí đâu đâu. Sao không về những nơi xa xôi, heo hút và vất vả thế này, để thấy giá trị đích thực của việc giáo dục đạo làm người, ở những dân tộc được gọi là... thiểu số, nhỉ?.. Sắp tới mình có chuyến lặn lội miền Tây mùa nước nổi, chắc chắn sẽ tìm hiểu kỹ về làng Chăm ở Búng Bình Thiên (An Phú, An Giang) này... (Nguồn hình ảnh: Thành viên Quycoctu - Diễn đàn Phuot.com)

12 tháng 10, 2011

SÌ LỜ LẦU - ĐÃ HƠN 30 NĂM...

Cổng Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu (Phong Thổ, Lai Châu)
Mai Thanh Hải - Sáng sớm ngày 17/2/1979, Quân đoàn chủ lực 11 của Trung Quốc bất ngờ nổ súng tấn công Việt Nam và ào ạt nã pháo, xua bộ binh tiêu diệt các đơn vị bộ đội - dân quân tự vệ của ta đang giữ mảnh đất địa đầu Phong Thổ (Lai Châu).

Đối mặt với cả Quân đoàn chủ lực tinh nhuệ của Trung Quốc (biên chế 50.000 lính bộ binh và 1 Trung đoàn pháo binh), phía ta chỉ có một bộ phận của Sư đoàn bộ binh 326 (gồm các Trung đoàn bộ binh 19, 46, 541, Trung đoàn pháo binh  200); Trung đoàn bộ binh 98 (thuộc Sư đoàn Bộ binh 316), một bộ phận của Trung đoàn pháo binh 187, 2 Trung đoàn bộ binh 193 và 741, Tiểu đoàn pháo binh của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu.
Hướng tấn công vào Lai Châu của lính TQ, năm 1979 là Sì Lờ Lầu

Đặc biệt, những tiếng súng đầu tiên đánh trả, kìm chân, làm chậm bước tiến của quân bành trướng xâm lược, tạo điều kiện cho các đơn vị bộ đội chủ lực dàn thế trận, đánh trả "biển người" xâm lăng, chính là các đơn vị Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), Bộ đội địa phương huyện và dân quân tự vệ các bản làng...

Tại Lai Châu, tiếng súng đầu tiên, bắn thẳng vào quân xâm lược, trong rạng sáng hơn 32 năm về trước trên mảnh đất địa đầu Phong Thổ, Lai Châu là của những cán bộ chiến sĩ Đồn Sì Lờ Lầu (Đồn 1), Công an nhân dân Vũ trang tỉnh Lai Châu (nay là Đồn 289, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu), báo hiệu cho toàn quân toàn dân nổ súng đánh địch. 
Liệt sĩ hy sinh ngày 17/2/1979 trong khi bảo vệ Phong Thổ, Lai Châu

Lịch sử Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã ghi rõ về Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu (Đồn 289):

"Đồn Sì Lờ Lầu phụ trách đoạn biên giới Việt - Trung, phía bắc dãy núi Hoàng Liên Sơn. Trong địa bàn có 8 xã, với 9 dân tộc ít người, thuộc huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, sáng 17/2/1979, địch có pháo yểm trợ tấn công Đồn.

Đồn Sì Lờ Lầu ngoan cường chiến đấu, đánh trả quyết liệt, diệt nhiều tên địch, đẩy lui các đợt tấn công của chúng.

Cùng ngày, tổ công tác cơ sở của Đồn đã phối hợp với 1 Trung đội dân quân của hai xã Si Lờ Lầu và Vàng Ma Chải liên tục chặn đánh địch, diệt 45 tên, phá tan âm mưu của chúng định cấu kết với bọn phản động địa phương gây bạo loạn.
Hình tư liệu: Bộ đội Biên phòng Phong Thổ tiêu diệt quân TQ xâm lược

Ngày 6/3/1979, đồn đã phối hợp với đơn vị bạn chiến đấu, đánh trả quyết liệt 1 Trung đoàn địch ở khu vực Dào San, đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của chúng, diệt 100 tên.

Đơn vị đã kịp thời tổ chức lực lượng luồn sau lưng địch, hợp đồng chặt chẽ với các lực lượng địa phương trấn áp bọn phản động, diệt 5 tên, giữ được địa bàn, bảo vệ được dân.

Đơn vị đã diệt và làm bị thương nhiều tên, thu nhiều vũ khí.

Đơn vị 3 năm liền là Đơn vị Quyết thắng, được tặng thưởng Huân chương Chiến công.

Ngày 19/12/1979, Đồn 1 (Si Lờ Lầu) Công an nhân dân Vũ trang tỉnh Lai Châu được Chủ tịch nước CHXHCNVN tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân"...

Thế nhưng, có 1 điều mà Bản Báo cáo thành tích phong đơn vị  Anh hùng cho Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu, không nhắc công khai, đó là: Ngay trong những ngày đầu tiên đánh trả quân xâm lược, bảo vệ biên cương, bảo vệ Đồn và địa bàn phụ trách đó, những cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu đã bắn đến viên đạn cuối cùng, phải dùng đến lưỡi lê - báng súng đánh trả địch và tất cả họ, đều ngã xuống.
Trạm Kiểm soát BP thuộc Đồn Sì Lờ Lầu

Sau này, khi khởi công xây dựng lại doanh trại mới, trên nền đất cũ, khi đào móng nhà, người ta tìm được rất nhiều hài cốt của những người lính Biên phòng, đã ngã xuống năm xưa.

Các anh dẫu bị vùi trong chiến hào, bờ tường sập đổ do pháo địch, nhưng vẫn nắm chặt dao găm, báng súng và không ít chiến sĩ đang trong tư thế thọc lê vào họng bộ hài cốt nằm rũ rượi bên cạnh, đội mũ mềm gắn sao Bát Nhất

Huyện Phong Thổ, Lai Châu bây giờ có 4 Đồn Biên phòng và cả 4 đều được hưởng Chế độ ưu đãi xã hội dành cho địa bàn đặc biệt khó khăn gian khổ, áp dụng cho Bộ đội Biên phòng. Đó là các Đồn 277 (xã Nậm Xe), Đồn 281 (xã Dào San),  Đồn 293 (xã Vàng Ma Chải) và Đồn 289 (xã Sì Lờ Lầu).
Đường từ Dào San lên Sì Lờ Lầu

Sì Lờ Lầu, theo tiếng địa phương nghĩa là 12 tầng dốc. Nhìn trên bản đồ rất dễ nhận ra, bởi địa danh này nằm tại đường Vĩ tuyến cao nhất của tỉnh Lai Châu, với 3 mặt có đường biên giới giáp Trung Quốc.

Nằm cách trung tâm tỉnh lỵ gần 100km, song trước năm 2005, để đến được Sì Lờ Lầu, người ta phải đi bộ 40 km từ trung tâm cụm xã biên giới Dào San.

Sau một ngày ròng rã đi bộ và nghỉ qua đêm lấy sức, sáng ra ngửa mặt lên, như nhìn thấy Sì Lờ Lầu ẩn hiện trong mây.

Vượt qua dốc Tả Páo, người khoẻ phải mất 2-3h vừa đi vừa bò, còn người yếu thì... cả ngày để qua 12 tầng dốc đứng, chạy hình chữ chi với chiều dài trên 5 km, chiều cao tuyệt đối tới trên 600m.
"Trung tâm Thương mại" xã Sì Lờ Lầu

Trước khi có đường cấp phối chạy lên, không ít cán bộ miền xuôi, khi đến Sì Lờ Lầu phải bò qua 12 tầng dốc, có khi kiệt sức nằm giữa đường, chờ người xuống cáng lên.

Nằm ở nơi gian khó bậc nhất Tổ quốc, Đồn Biên phòng 289 được giao phụ trách 2 xã (Sì Lờ Lầu, Ma Ly Chải), với 28,5 km đường biên giới (từ mốc 70 đến mốc 78); riêng xã Sì Lờ Lầu có 6 bản với 3.500 nhân khẩu đều là dân tộc Dao.

So với các Đồn Biên phòng trong cả nước, Đồn 289 là Đồn Biên phòng nằm gần đường biên giới nhất (từ đơn vị nhìn rõ đường biên, cách địa danh gần nhất của Trung Quốc chỉ khoảng 1km đường chim bay).
Khu dân cư Trung Quốc, nhìn từ trung tâm xã Sì Lờ Lầu

Sau Cửa khẩu Ma Lù Thàng, có lẽ Sì Lờ Lầu là nơi giao thương nhộn nhịp nhất qua biên giới.

Đơn giản cũng chỉ vì bản làng của 2 bên quá gần nhau, đi lại quá dễ dàng.

Mỗi phiên chợ ở Sì Lờ Lầu, có đến vài chục thương nhân từ Trung Quốc mang hàng hoá sang bán, thu mua lâm thổ sản địa phương.

Thu hút hàng nghìn đồng bào từ các thôn bản xuống mua bán.

Ngược lại, đến phiên chợ bên Trung Quốc, đồng bào ta lại lũ lượt kéo sang bán lâm thổ sản, lặc lè vác hàng hóa loằng ngoằng chữ Tàu về sử dụng - tiêu thụ.

Năm 2004, mình lọ mọ cả 1 ngày bằng cả ôtô, xe máy và... đi bộ, mới vượt được 12 tầng dốc, từ Trung tâm cụm xã Dào San lên tới Sì Lờ Lầu.

Hồi ấy, con đường cấp phối mới đang bắt đầu làm, nên xe máy đi đến đâu, bà con người Dao, ăn mặc đỏm dáng, đỏ choét cứ xúm đen xúm đỏ lại để... tròn mắt nhìn xem, tay chân rờ rẫm chỉ trỏ.

Bây giờ đường đã mở lên đến tận xã, kinh tế người dân có vẻ khá giả, nhờ sự chu cấp từ A đến Z của Chính phủ và thi thoảng, trúng được mùa thảo quả, nên "gương mặt" Sì Lờ Lầu cũng có nhiều đổi khác.
Khu dân cư trung tâm Sì Lờ Lầu

Sự đổi khác rõ nhất là mỗi phiên chợ, bà con lại ùn ùn đổ từ trên núi cao xuống, xúm xít quanh các gian hàng bán đồ Trung Quốc và lặc lè khênh về, rặt hàng Tàu chữ loằng ngoằng.

Buồn và đau nhất, khi ra khu trung tâm xã với mấy hàng tạp hóa, sửa xe và khu nhà khung sắt, mái lợp tôn làm thành chợ, nhìn đâu cũng thấy hàng Trung Quốc, từ túi bánh, củ cải muối, tấm vải... cho đến tivi, xe máy, radio. Những thứ hàng hóa Madein Việt Nam, nhìn đi nhìn lại, vẫn chỉ là "hàng chủ lực": Xăng dầu, muối mắm, phân bón và... bia lon Hà Nội.

Buồn hơn nữa, khi mọi giao dịch - mua bán ở nơi biên cương Tổ quốc này, chủ yếu được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ. Đi đến đâu, cũng thấy người dân mua bán, trao đổi bằng tiền Trung Quốc. Trong túi xách, túi quần, ngăn kéo... toàn là tiền Trung Quốc Hãn hữu lắm, mới thấy tiền đồng Việt Nam.
Địa đầu Tổ quốc, nơi cực Bắc Lai Châu (9/2011)

Hơn 32 năm trước, hàng trăm người lính Việt Nam đã ngã xuống trong buổi tờ mờ sáng, giữa mịt mù đạn pháo, bê bết máu xương để ngăn dòng đội quân cướp đất, giết dân với quân số Quân đoàn 50.000 lính Trung Quốc.

Những ngày sau của hơn 32 năm trước, cho đến tận bây giờ, còn biết bao nhiêu xương máu - nước mắt - chia ly - gian khó - chịu đựng... của những người lính Biên phòng, cán bộ cắm bản... đã đổ xuống địa đầu Phong Thổ, để giữ đất, giữ dân và sự toàn vẹn lãnh thổ.

Mình cứ lẩn mẩn: Tại sao, giữ đến thế, mà hàng - đồ ngoại lai vẫn ùn ùn đổ vào, thay thế dần mọi thứ đồ dùng truyền thống, hiện đại có tên Việt Nam, ở ngay nơi xa xôi - heo hút này?. Tại sao, cũng ở nơi hiểm trở xa tít mùa tắp này, người ta rất nhanh chóng phát hiện ra 1 gương mặt lạ (từ người bán hàng, du lịch phượt hay cán bộ dưới xuôi lên công tác) và xịch xuống hỏi giấy tờ, giấy phép vào vùng biên giới... nhưng sao vẫn để tờ tiền của nước ngoài, từng ngày - từng giờ, nhởn nhơ - công khai thay thế  cho tờ tiền quốc gia, trong mọi giao dịch, ở mọi người - mọi nhà, trong cái địa bàn bé tý, cán bộ thông thuộc từng góc rừng, gương mặt trẻ con mới sinh?..

Lại thở dài: Giá như, trên vùng cực Bắc Sì Lờ Lầu - Phong Thổ, người ta khắc mấy chữ trên tấm bia đá, để ghi nhớ nơi mà, quân số của cả một Đồn Biên phòng áo xanh đã hy sinh, trong chỉ 1 ngày, không 1 ai sống sót, thì biết đâu, những người dân nơi đây, cũng phần nào nhớ lại được lịch sử, cảm nhận được khái niệm "tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc", chia sẻ với "người dưới xuôi" chưa bao giờ bước chân lên biên giới, chuyên ngồi trong Hội trường máy lạnh, ngoác mồm cá ngão phát động phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"... thì biết đâu, hàng Tàu sẽ lại bị "đẩy đuổi" về bên kia biên giới, trả lại "địa bàn" cho hàng Việt, vốn được trợ giá, trợ cướp, đang thập thò mãi tít... Điện Biên?..
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Xúm xít xem ôtô, lần đầu tiên lên được Sì Lờ Lầu

Người Dao đỏ - đặc trưng không đâu có ở Sì Lờ Lầu

Đường lên 12 con dốc và ruộng bậc thang

Chợ dọc đường

Cổng chợ Ma Ly Chải (ven đường lên Sì Lờ Lầu) với 2 tảng đá đặt trước cổng chợ, rất hãi...

Đồng bào cõng hàng Tàu về bản, sau phiên chợ bên đất TQ

Hàng tạp hóa ở Trung tâm xã Sì Lờ Lầu, toàn hàng mang về từ bên TQ

Củ cải muối

Bánh Snack

Lợn Việt gườm gườm lườm xe Tàu

Đố tìm thấy cái gì không phải là Tàu

Cột mốc 71 bên phía TQ

Cột mốc 71 phía Việt Nam, rất uy nghi

Sang bên kia cầu là đất TQ rồi, thằng xâm lược nào sang, chém chết bỏ ngay

Hơi bị bất ngờ: Room máy lại, phát hiện cột mốc phía TQ được quây kín bằng dây thép gai, giống... chuồng trâu

Điều lệnh nội vụ trên miền biên giới: Nhìn bên phải, chào!
 -----------------------------------
* Bài viết có sử dụng tư liệu - hình ảnh của Phượt tử Bát Trảm Đao - Phuot.com