13 tháng 10, 2012

CHẢ PHE NÀO THẮNG

SGTT - Như thông lệ, cuối Thu, Thuỷ Tinh lại kéo quân vào bờ để đấu với Sơn Tinh.

Nhưng đã mấy lần khua chiêng gióng trống mà phía Sơn Tinh vẫn lặng như tờ.

Mãi mới thấy Mỵ Nương cầm cờ trắng lấp ló, áo quần rách rưới, thân thể hao gầy. Thuỷ Tinh chưng hửng:
– Ủa, thế tinh binh của nàng đâu: Hổ? Voi? Bò tót?...

Mỵ Nương ngơ ngác:
– Mấy con đó là con gì? Nghe... quen quen nhưng không nhớ chúng hình dáng ra sao?.

Thuỷ Tinh kêu trời:
– Than ôi, nếu không bệnh Alzheimer thì chắc nàng phải bị cướp bóc tàn tệ, mới thê thảm thế này!.

– Đừng xúc cảm, cũng đừng trông mong gì nữa vì em là gái đã có chồng!.

– Sao nàng nói thế, bởi giờ nàng vừa ốm đói mà lại già nua! Hôm nay ta đến đây, chẳng qua theo thông lệ mọi năm!...

– Ra vậy. Lâu nay chồng em và nhà bác đấu đá nhau hoài em cũng chán, nhưng phận bé mọn biết làm sao, chỉ mong bác hiểu ra rằng: “Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh, phe nào thắng thì nhân dân đều bại!”.

Thuỷ Tinh vỗ đùi:
– Nàng nói chí phải, chẳng qua Biển Đông giờ khó sống nên ta định vào đây giành giựt với vợ chồng nàng một mảnh đất cắm dùi!.

– Nhưng dẫu cắm được cái dùi thì lấy chi mà sống? Tài nguyên đã cạn, một mẩu kỳ nam bằng ngón út có sót lại thì con người cũng mót sạch, có đâu đến bác?..

– Tệ vậy sao? Thôi, không nói chuyện với nàng nữa! Sơn Tinh đâu ra đây ta hỏi?.

– Thế bác không biết gì à? Trước cảnh rừng hoang núi trọc, muông thú tận diệt, nhà em suy kiệt rồi thác đã mấy tháng!.

Thuỷ Tinh nghẹn ngào:
– Không ngờ tinh ấy bạc mệnh sớm thế. Nghĩa tử là nghĩa tận, chồng nàng an táng ở đâu để ta đến viếng?.

Mỵ Nương khóc ồ:
– Than ôi, chồng em sau khi qua đời người ta đã nhồi bông bán mất, đến nay vẫn chưa biết đang được trưng trong dinh thự của đại gia nào!..

Người già chuyện
***
Hình ảnh trong bài (cuộc sống - sinh hoạt ở một số địa phương nông thôn - đô thị miền Nam sau ngày Giải phóng và trong thời kỳ bao cấp, đăng trên corbis), chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến bài viết nguyên bản, đăng tải trên Báo Sài Gòn Tiếp thị.

TRẦN TRỤI GIỮA BẦY SÓI

Mai Thanh Hải - Dùng chữ này, mới chính xác về "hoàn cảnh" của cô giáo Hà Thị Thu Thủy (Giáo viên dạy Văn, Trường THCS Lômônôxôp, Từ Liêm, Hà Nội) những ngày này.

Nguồn cơn bắt đầu từ việc cô Thủy cho điểm 8 bài viết của học sinh bình mấy câu ca dao ngày xưa viết về Hồ Tây (Hà Nội), khiến "Phụ huynh phát hoảng khi thấy con bình: Canh gà Thọ Xương là món canh gà của Hà Nội" (nguyên văn chữ dùng của báo chí) và vị phụ huynh này "méc" với 1 phóng viên, sau đó báo chí ào ào lao vào xâu xé, "đánh hội đồng" cô giáo trẻ tuổi đời, ít tuổi nghề, khiến cô giáo phải làm Đơn xin nghỉ việc, về quê, vào Bệnh viện điều trị.

Lâu lắm rồi, mình không đọc báo, nhất là báo mạng. Hôm ngồi quán bia, nghe mấy ông bạn phàn nàn: "Cách viết của Vnexpress không khác gì đẩy người ta vào chân tường. Cô giáo này mà quẫn lên tự tử, chúng nó lại có thêm đề tài để... kim bôi thêm nữa. Quá lá cải và mất tính người!", mới lẩn mẩn tìm đọc, để rồi lắc đầu cùng tiếng thở dài của đám bạn: "Thế này, cái lão trong Quy Nhơn tố cũng phải!"..

Hết báo "đánh", đến báo "bênh", khiến chủ đề "Cô giáo Thủy - Canh gà" trở nên hót, hơn cả những việc "đại sự quốc gia" đang được bàn bạc trong Hội nghị TW6, làm quên luôn việc "Trung Quốc liên tục có những động thái xâm phạm chủ quyền Việt Nam" mãi tít Hoàng Sa, lấp luôn chuyện giá cả ngày một tăng - đời sống người dân tụt xuống, như chơi đồ hàng trên cát...

Xuôi ngược và tanh bành, mình tâm đắc nhất câu than thở của 1 Nhà báo lớn trên FB: "Lãnh đạo đi họp Tối mật, không khánh thành - khai trương - động thổ, báo chí chả có gì đưa, đâm ra tội nghiệp cô giáo Canh gà Thọ Xương và thằng cu bắt cóc trẻ con"...

Khổ! Báo chí bay giờ, phần đa là như thế đấy. Căn bệnh "đánh hội đồng", "hiếp dâm tập thể" tưởng chỉ xảy ra ở những vụ việc lớn, có tý màu mè... nhưng giờ lại diễn tiếp ở khía cạnh xã hội, đơn thuần mục đích "kiếm tý định mức bài vở - nhuận bút".

Đã thế, hành vi này lại được tiếp tay bởi vô số những người viết (không phải Nhà báo - Phóng viên), ngày đêm mài đũng quần trên ghế, lướt mạng tìm thông tin, xào xáo thành tin - bài - ảnh lâm ly bi đát, câu khách - giật gân...

Hậu quả nhãn tiền, nhìn ngay lúc này là cô giáo Hà Thị Thu Thủy dạy Văn bị chính những người học - làm trong nghề Văn chương chữ nghĩa lao vào cắn xé, móc máy, tìm ra mọi chi tiết "công tằng tổ tỷ" từ hồi còn nhỏ, sống ở nhà, đi học, đi làm... và trưng lên trang nhất, khiến 1 thân cô trần trụi, đỡ không nổi...

Đến cô giáo đàn bà con gái, quá trẻ tuổi đời - tuổi nghề và với cái lỗi như vậy, mà còn bị "phang" tới tấp, thành trụi trần giữa bầy sói đói tin bài - đề tài, nữa là...
 Chả thế mà bây giờ, người ta chả muốn đọc báo và chả tin vào báo, cho dù đó là những tờ, chính danh "Báo chí Cách mạng Việt Nam".

Đăng lại Bài viết của tác giả Hiệu Minh, để lý giải nguyên nhân: Tại sao người đọc thích tìm đến Blog hơn là báo, cho dù người viết Blog chẳng có lương viết, chẳng làm nghề "định hướng tư tưởng - tuyên truyền chủ trương", như những người viết suốt ngày ăn cải - viết cải và sống bằng lá cải, bây giờ...

Cũng mong cô giáo Thủy sớm quay trở lại công việc. Ai chả có lỗi lầm, quan trọng là biết để không mắc phải và hơn nữa: Đừng bận tâm gì đến mấy thứ báo vớ vẩn. Lá cải đấy, đầy ngoài chợ. 
----------------------------------------------------------------------------------------------
                                                   NỀN GIÁO DỤC... HÓC XƯƠNG GÀ

Nhớ hồi cu Luck đi học vỡ lòng bên Mỹ, cô giáo ra bài, hãy vẽ cầu vồng. Ở thành phố biết cái cầu tròn méo như thế nào, bố ấy vẽ luôn hai trụ, một vạch nối ở giữa và đề “Cầu Vồng”. Cô vẫn chấm điểm “good – 8”.

Nghĩ là giáo dục Mỹ bị “hóc xương gà”, lão bố lầm bầm, tưởng giỏi và hiện đại, hóa ra cũng…dốt.

Tai nạn nghề nghiệp

Mấy ngày nay, báo chí rộn lên về cô giáo Hà Thị Thu Thủy của trường THPT Lômônôxôp (Từ Liêm, Hà Nội) cho điểm 8 một bài viết của học sinh bình mấy câu ca dao nổi tiếng viết về Hồ Tây (Hà Nội):

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mờ khói toả ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ


Phụ huynh phát hoảng khi thấy con bình “canh gà Thọ Xương” là món “canh gà” của Hà Nội.

Chuyện này không lạ. Thời xưa, tôi cũng từng hiểu “canh gà” là món canh nấu thịt gà vì tiếng Việt rắc rối, đồng âm khác nghĩa. Đi học đói khát, nghe canh gà tiết vịt là chảy nước dãi. Hề Sác Lô đi tìm vàng, đói quá, nhìn ông bạn hóa con gà tây thì sao.

Chuyện quá nhỏ mà phụ huynh kiện, báo chí đánh hôi, bạn đọc chế giễu, dù cô Thủy đã giải trình “Có một số học sinh hiểu sai “canh gà Thọ Xương” là món canh của Hà Nội, tôi đã trừ điểm… Tôi đã trực tiếp nhắc các em trên lớp về sửa lại lỗi sai này”.

Dư luận vẫn không tha, cho rằng cô dốt nát, không đủ tư cách đứng trên giảng đường.

Kết quả, giáo sư tâm hồn đi bệnh viện khám tâm lý, đâm đơn nghỉ việc sau áp lực nặng nề tứ phía. Về quê, tắt điện thoại di động và hiện không biết ở nơi nào. Chắc là nàng khóc hết nước mắt.

Các em học sinh ngơ ngác, nhớ cô, lập Facebook, lên internet, kêu tha thiết “cô hãy về với chúng em”.

Ai từng làm giáo viên sẽ hiểu, làm nghề này không đơn giản.

Một lớp 50 học sinh, nộp 50 bài văn, mỗi bài vài trang, nhân lên khoảng 200 trang, bằng một cuốn sách gồm 50 truyện ngắn mà phải đọc trong vài tiếng,  nhận xét, cho điểm. Các truyện cùng nội dung, đầy lỗi chính tả và ngữ pháp, câu  lủng củng, chữ tát đánh chữ tộ,  viết như gà bới.

Chấm 10 bài đầu còn đọc kỹ, duyệt lỗi, chi li từng câu chữ. 10 bài tiếp là có vấn đề vì mắt hoa và môi trường “lợn kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem”. 30 bài còn lại coi như tháo khoán. Bỏ qua lỗi “canh gà” xảy ra như cơm bữa.

Hồ Tây nay có như xưa?

Chuyện nhầm lẫn này còn có nguyên nhân khác. Học đi đôi với hành. Liệu học sinh của ta có được đi thực tế để so với những gì viết trong văn thơ?

Lên hồ Tây bây giờ, thấy cành trúc la đà chỗ nào, có nghe gà gáy sang canh, chày Yên Thái giã giấy hay mặt gương Tây Hồ mịt mù khói tỏa mộng mơ?

Hay là thấy nhà cửa nhấp nhô, cái cao, cái thấp, thò ra thụt vào, nửa tây nửa ta, nửa Á, nửa Âu, pha chút kiến trúc đạo Hồi, đôi khi thêm củ hành nước Nga trên nóc.

Hồ thối hoăng, cá chết đầy, nước đục ngầu. Những kẻ câu trộm cá cởi trần trùng trục tha hồ làm mưa làm gió. Có dám chắc là mặt gương Tây Hồ trong thi ca.

Làng Yên Thái đâu còn ai giã giấy mà nghe được tiếng chày. Đất cát bán hết đất rồi, dân có tiền  lao vào cờ bạc, rượu chè, nghiện hút đầy, sáng ra quán nước, hút thuốc lào vặt, chiều đợi lô đề.

Có người vẫn làm giấy, nhưng là thu giấy vụn từ mọi nguồn, kể cả giấy vệ sinh đã qua sử dụng, mang về nghiền ra, rồi làm thành giấy lau miệng. Loại giấy ấy không cần chầy giã.

Làng quanh Hồ Tây đã bị đô thị hóa, nham nhở như Thị Nở, làm gì còn chỗ nuôi gà, để đêm đến nghe được tiếng gà gáy mà gọi là “canh gà”. Thay vào đó là nhà hàng từ hải sản đến thú hoang, gà đồi Vĩnh Phú, gà chân chì hay gà ri thả rông.

Thế hệ ngày nay lên phía Hồ Tây liệu có tưởng tượng ra nơi mà cố thi nhân đi qua cách đây cả thế kỷ và viết nên những áng thơ để lại cho muôn đời.

Với các em, quanh Hồ Tây là nơi hết giờ học có thể chia nhau đĩa ốc luộc, quả ổi, cánh gà nướng, chân gà luộc, lê la nhìn những kẻ bắt cá trộm văng tục chửi thề.

Trong bối cảnh như thế, tại sao người lớn chúng ta cứ bắt các em hiểu canh gà Thọ Xương là gà gáy sang canh cách đây hàng 100 năm.

Đó là vết mòn trong giáo dục, trong gia đình, đầu óc cố hữu và bảo thủ, không chịu nhìn vào thực tế mà dạy dỗ các em. Một nền giáo dục theo khuôn mẫu, văn mẫu, toán mẫu, người mẫu, chỉ tội ra đời là hết cả mẫu mực.

Mải đi theo lối mòn nên học sinh viết khác đi chút là không thể chấp nhận được. Một học sinh phản hồi về Tấm Cám, là Tấm thật ra rất độc ác, giết cả em và gì ghẻ rồi làm mắm ăn, hay em khác lên án tại sao người mẹ – chị Dậu lại bán con. Cả xã hội lên án ầm ầm và nghi ngờ thế hệ tương lai.

Để các em hiểu “canh gà Thọ Xương” là món canh nấu thịt gà thì chẳng chết ai, vì nó thực tế với Hồ Tây bây giờ, vì cái tiếng Việt nước mình nó thế.

Hãy để không gian cho các em tự do sáng tạo, quan sát Hồ Tây và chiêm nghiệm với thơ ca theo cách hiểu của tuổi thơ.

Vĩ thanh

Kết thúc entry, tôi xin kể tiếp về cuộc gặp với cô giáo vỡ lòng của cu Luck. Tôi băn khoăn tại sao cho điểm good (tốt) về cái cầu vồng mà không phải…cầu vồng.

Cô giáo cười, anh nên để trẻ vẽ theo những gì mà chúng cảm nhận. Tại sao cầu vồng phải có bẩy sắc, có lúc chỉ thấy vài mầu thì sao. Mầm mống của sáng tạo và thiên tài được phát huy khi bản ngã và tự do cá nhân được tôn trọng.

Một lần đi câu cá ở Chesapeak Bay, trời mưa chiều, cả nhà reo lên khi thấy cầu vồng. Từ đó cu Luck biết vẽ cái cầu đa sắc mầu cho Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau.

Lúc ấy tôi mới hiểu, chính lão bố mới cổ hủ, được giáo dục trong môi trường “không thể chấp nhận cầu vồng không có mầu”, “canh gà nhất định phải là gà gáy” mà không thể là món xúp gà mà bọn trẻ yêu thích.

So sánh giáo dục Mỹ và nước mình không biết anh nào đang “hóc xương gà”.

HM. 13-10-2012

PS. Xin chúc cô giáo Thu Thủy bình an và mong cô trở lại trường tiếp tục giảng dạy môn văn mà cô yêu quí.  Trong hoạn nạn, đám học trò lập facebook gọi cô giáo trở về, các em xứng đáng là chủ tương lai cho đất nước này. Chúng không lập blog trolambao.com hạ bệ cô là may lắm rồi

"BÌM BỊP KÊU NƯỚC LỚN ANH ƠI!"...

Đàm Hà Phú - “Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi,
Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê”...

1. Vợ tôi cũng hay ru con bằng câu ca dao này.

Má vợ tôi ngày xưa nuôi tám đứa con dại cũng bằng cách chèo chống bán buôn nhỏ.

Đêm thì mua trái cây trong Phong Điền rồi chèo ra Cần Thơ bán cho kịp chợ mai Ninh Kiều.

Ngày thì mua hàng tạp hóa từ Cần Thơ chèo vô Phong Điền bán đặng kịp chợ chiều, chủ yếu lấy công chèo chống làm lời.

Xưa chưa có vỏ lãi, chưa có máy đuôi tôm, chèo tay đẩy một ghe trái cây nặng, gặp lúc ngược nước hay đêm trời trở gió thì người khỏe như Lý Đức còn chưa chắc kham nổi, vậy mà má vợ tôi chèo ngon lành, chèo tối ngày sáng đêm luôn.

Vậy đó, cho nên mới nói “buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê…”

Có bữa má chèo ghe trái cây có vợ tôi, lúc đó chừng mấy tuổi, cùng một người em ngồi trên, giữa đêm nước lớn, ngang ngã bảy Phụng Hiệp gặp con nước xoáy, lật ghe.

Vợ tôi chìm nghỉm, trôi mất, may mà má bơi theo cứu được, cứu luôn cả người em.

Mất ghe, cụt vốn từ đó.
2.
Hôm rồi nằm nói chuyện với mẹ, mẹ nói ngày xưa bán vé số mà gặp ai mua nguyên cặp là mừng lắm, mang ơn người ta lắm.

Mẹ bán vé số năm năm, chủ yếu bán buổi trưa lúc nghỉ trưa hoặc bán từ chiều tới tối, thời gian còn lại mẹ làm ở bệnh viện, giữ một kho thuốc lớn của bệnh viện, toàn thuốc quí hiếm.

Tôi đi học một buổi còn một buổi bán vé số thay mẹ.

Cái tủ thuốc lá nhỏ bằng gỗ, có hai cánh mở và một ngăn kéo phía dưới để dựng tiền, phía trên là cái khay, cũng bằng gỗ, có đóng đinh và căng dây thun để giữ những xấp vé số được cố tình xòe ra cho đẹp.

Chủ yếu là lời từ vé số, còn thuốc lá thì hai cha con tôi hút dữ quá, nên bán đã chẳng lời lại còn lỗ nặng.

Trời nắng, khó bán, vì ai người ta cũng ngại nắng, muốn đi cho lẹ.

Trời mưa, rất khó bán, vì mưa thì phải mặc áo mưa cánh dơi rồi trùm kín cả tủ thuốc lẫn vé số, ngồi thu lu một đống, ai biết mình bán gì mà mua.

Hai mẹ con tôi lại không giỏi chào mời, chỗ ngồi lại xa các tủ vé số khác, nên càng ế ẩm.

Chủ yếu bán cho người quen, mấy chú trong khu tập thể ghé mua giùm điều thuốc, mấy bác sĩ trong bệnh viện có dịp đi qua cũng ghé làm vài tờ vé số, có người mua xong mấy tờ vé số thì tặng luôn cho tôi, coi như là cho quà.

3.
Bạn có thấy mấy tấm hình tôi chụp trong Saigon Streetlife 01 chủ yếu là những người sống bằng đường phố: Giữ xe, Xe ôm, Hoa, Bánh Mì, Phế Liệu, Vé Số, Tạp Hóa, Trái Cây…

Ai cũng biết cái nắng Sài Gòn dữ dội thế nào, ai cũng biết mưa Sài Gòn ào ào bất chợt thế nào, ai cũng biết ở Sài Gòn, Công an khó khăn, Trật tự đô thị rất nghiêm…cho nên ai cũng biết những người buôn bán này vất vả sinh nhai thế nào.

4.
Tôi cũng là người làm kinh doanh, đôi khi mở miệng nói với khách hàng câu: “Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê”, thì bị mỉa mai, bị cho rằng nói xạo, nói quá.

Tôi có nói xạo, nói quá không thì tôi biết, nhưng tôi thề với bạn rằng câu ca dao trên sẽ đúng với bất cứ một người làm ăn mưu sinh lương thiện nào:

“Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi, Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê"...
---------------------------------------
* Hình ảnh minh họa trong bài viết, đăng trên corbis ghi lại hình ảnh cuộc sống đô thị, người dân Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, sau ngày giải phóng 30/4/1975 và thời bao cấp, từ 1975 đến trước năm 1990.

10 tháng 10, 2012

HÀ NỘI LUÔN GẦN HƠN BẠN NGHĨ

Đàm Hà Phú - Tôi đến Hà Nội vài lần, lần đầu là năm tôi 18 tuổi.

Ngồi 2 ngày liền trên một cái thùng đạn cũ đằng sau một chiếc xe tải chở hàng khởi hành từ Nha Trang, tôi đi qua nhiều nơi, thành phố, thị trấn, làng mạc, đồng quê…trước khi đến với Hà Nội.

Tôi cứ ngỡ mình sẽ cảm thấy lạ lẫm, bàng hoàng một cảm xúc đặc biệt khi đặt chân đến thủ đô, nhưng không, không có một chút gì, thậm chí mọi thứ còn ánh lên một cảm giác thân thuộc, tôi như một đứa trẻ trở về nhà sau một chuyến nghỉ hè.

Khi rời Hà Nội, cũng lắc lư trên cái thùng đạn sau mui xe ấy, tôi đã cảm thấy mùi của một cuộc chia ly, tôi bất giác khẽ hát: “Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu, bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều"..

2.

Những kẻ làm thơ và mê giang hồ như tôi có lẽ đã tiến hóa từ một loài bò sát nào đó, bằng chứng là tôi vô cùng thích nước, thích tụ tập ở những chỗ có nước.
 Hà Nội có thật nhiều nước. Sông Hồng lộng gió, Hồ Tây mênh mông, Hồ Gươm trầm mặc… chỗ nào cũng có sức hút mãnh liệt đối với tôi, như một bản năng.

Cho dù bận rộn với những hành trình, cho dù dưới cái rét cắt da hay trong cái nóng căng người, mỗi khi đến Hà Nội, tôi luôn dành thời gian cho nước, một ít cho Sông Hồng, một ít cho Hồ Tây, và những rặng liễu ở Hồ Gươm đã bắt đầu nhớ tôi.

Mọi thứ ở Hà Nội có thể đã khác, đã thay đổi nhiều (kể cả 36 phố phường), nhưng nước ở Hà Nội thì không hề, tôi luôn có cảm giác như nước ở Hồ Gươm đã xanh như thế từ khi chưa có con người và sẽ còn xanh như thế đến khi không còn con người.

3.
Tôi thích đọc “Thương Nhớ Mười Hai” của Vũ Bằng, tất nhiên là vì tôi ham ăn, nhưng còn một lý do khác, mơ hồ hơn, tôi có luôn cảm tưởng như mình vừa đi ra từ những dòng chữ ấy, như nó đang kể một câu chuyện về tôi hay chính xác hơn tôi đang sống trong những câu chuyện ấy, cũng lững thững đi trên con phố mùa đông, tìm ăn món ăn mình ưa thích, lắng lòng nhìn mặt hồ…

Dạo này ít ai nhắc đến Vũ Bằng, kể cả trong dịp một ngàn năm. Người Hà Nội mà không nhớ Vũ Bằng thì thật là dở vì chính những tâm hồn tài hoa như ông đã làm cho nhiều người, rất nhiều người, đem lòng yêu Hà Nội khi họ chưa hề biết đến Hà Nội.

4.
Cũng như mọi chốn khác, Hà Nội luôn có vấn đế của nó, một hoặc nhiều vấn đề, đơn giản hoặc đang ở mức báo động, dù sao, tôi cũng không muốn những vấn đề đó làm ảnh hướng đến cảm xúc khi tôi viết những dòng này, cho nên, chừng nào nước ở Hồ Gươm không còn xanh và nước ngoài Sông Hồng không còn đỏ, chừng nào con chim sẻ ngô không còn bay trên những bãi bồi, những triền đê lộng gió, chừng nào rượu Nếp Cái Hoa Vàng uống vào không say, thì tôi mới không còn yêu Hà Nội.

5.
Thực ra, Hà Nội luôn gần hơn bạn nghĩ
-------------------------------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại.

"HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TP. HẢI PHÒNG"?..

Lần đầu tiên mới biết có cái "Tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời" này, ở ngay quê mình (TP. Hải Phòng). Chiều, chạy qua đường Hoàng Diệu, gần UBNDTP, thấy khối người ngoái đầu nhìn và ngã. Mình phi xuống chụp hình, cũng suýt ngã vật. Giời ạ!. Có bao thứ để làm, để lo và để... tiêu tiền (của dân). Sao lại cứ bày ra những việc thế này, để làm khổ dân nhỉ?. Với mình, học gì thì học, chứ học TP. Hải Phòng suốt đời, thì quá khó, vì chả biết học cái gì?. Đúng là... hết việc!..
Rất hoành tráng và đập thẳng vào mắt
Hết nói...

9 tháng 10, 2012

KỶ LUẬT NGUYÊN CHỦ TỊCH UBND TỈNH ĐẮKLẮK: "HÌNH LUẬT CHẲNG BAO GIỜ PHẠM ĐƯỢC TỚI QUAN QUYỀN"?..

Đào Tuấn - Phát hiện ra được một “con sâu” là việc khó, rất khó. Nhưng ngay cả khi đã phát hiện được thì việc xử lý thế nào để người dân tin tưởng vào sự nghiêm minh, có lẽ, cũng chẳng dễ dàng

Nghị quyết TƯ 3 (khóa VIII) năm 1996 của Đảng đã cảnh báo: “Tệ quan liêu, tham nhũng và suy thoái về phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên làm cho bộ máy Đảng và Nhà nước suy yếu, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ bị xói mòn, các chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước bị thi hành sai lệch dẫn tới chệch hướng”.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) năm 2012 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” thì chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp… sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…

Giữa hai đánh giá này, là đường đồ thị đi lên giữa “Một bộ phận” và “Một bộ phận không nhỏ”.

Nhưng trong suốt 16 năm qua, “Một bộ phận” đó là ai, đơn vị nào, ngành nào, cấp nào?. Thì đến giờ vẫn chưa ai đưa ra câu trả lời.

Có lẽ, đó cũng chính là lý do vì sao “một bộ phận” sau 16 năm, giờ đã thành “một bộ phận không nhỏ”.

Hôm qua, 5 tháng sau khi bị kỷ luật Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk, ông Lữ Ngọc Cư đã được thuyên chuyển sang để “mang ghế” sang ngồi tại Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.

Khuyết điểm, sai phạm của vị quan đầu tỉnh này liên quan đến những dự án trồng rừng, đến việc nâng cấp chỉnh trang đô thị, đến một số nguồn tiền tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước, rồi cả việc bổ nhiệm cán bộ...

Đặc biệt là việc “đứng tên vay ngân hàng với số tiền lớn…để vợ mua đi bán lại nhiều nhà đất, không báo cáo đầy đủ việc làm trên của vợ với tổ chức Đảng, vi phạm Quy định về những điều Đảng viên không được làm”.

Những khuyết điểm của ông Cư, so với đánh giá của NQ 4 “chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”, có lẽ, cũng chẳng còn thiếu thứ gì.

Đây cũng là những khuyết điểm, vi phạm được Ủy ban Kiểm tra TƯ đánh giá là “Nghiêm trọng, gây thiệt hại về kinh tế và gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng và uy tín của cá nhân”.

Nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT Vũ Quốc Hùng bình luận về những khuyết điểm của vị quan đầu tỉnh Lữ Ngọc Cư như sau: “Đó là những sự vụ lợi, mà thực ra những điều này, thì ngay một học sinh phổ thông cũng nhận biết được đó là việc xấu”.

Nhưng ông Cư có phải là một trong “bộ phận không nhỏ”?.

Và khi đã phát hiện sai phạm thì liệu điều chuyển “một trong bộ phận không nhỏ” từ cơ quan này sang cơ quan khác có phải là hình thức “xử lý”?.

Câu trả lời có lẽ là nên dành cho Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang.

Tháng 5 năm ngoái, khi tiếp xúc cử tri Quận 1 - TP.HCM, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang khẳng định với cử tri sẽ rà soát, để thay đổi, tất cả các khâu, thể chế, tổ chức , con người nào chưa đáp ứng được mục tiêu đẩy lùi tham nhũng, lãng phí: “Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là “chết” cái đất nước này!”.

Phát hiện ra được một “con sâu” là việc khó, rất khó. Nhưng ngay cả khi đã phát hiện được thì việc xử lý thế nào để người dân tin tưởng vào sự nghiêm minh, có lẽ, cũng chẳng dễ dàng.

Bởi việc thuyên chuyển đối với những cá nhân đã sai phạm rành rành và nghiêm trọng đến như vậy, có khác gì bỏ con sâu từ cái cây này sang cái cây khác.

Thời phong kiến có câu “Hình bất thượng đại phu”, tức hình luật chẳng bao giờ phạm được tới quan quyền.

Không lẽ câu đó đúng cả ngay trong một xã hội vẫn vỗ ngực cho mình là “thượng tôn pháp luật”?..
------------------------------------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải nguyên bản của tác giả.
* Hình ảnh chỉ có tính minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

8 tháng 10, 2012

LỜI CẢM ƠN TỪ NƠI "PHÊN DẬU CAO BẰNG"...

Vậy là chuyến đi thiện nguyện, trao hàng cho hơn 900 học sinh (Mầm non, Tiểu học, THCS) của xã biên giới Xuân Trường (Bảo Lạc, Cao Bằng) và gần 100 giáo viên, cùng Đồn Biên phòng Xuân Trường đã kết thúc, để chuẩn bị chuyến hàng thứ 2, trong Hành trình dài hơi mang tên "Áo ấm biên cương", những ngày đông lạnh giá.

Cụ thể như sau:

PHẦN QUÀ CHO TỪNG HỌC SINH

- 167 học sinh (hs) THCS, mỗi hs nhận 1 túi quà, trong đó có: 1 cặp sách, 10 cuốn vở, 1 khăn quàng đỏ, 5 bút viết, 1 hộp kem đánh răng, 1 túi bánh kẹo.
- 424 học sinh (hs) Tiểu học, mỗi hs nhận 1 túi quà, trong đó có các món quà như hs THCS
- 249 hs Mầm non, mỗi hs nhận 1 áo khoác chống rét, 1 mũ len, 1 túi bánh kẹo.

HÀNG HÓA CHUNG CHO 12  ĐIỂM TRƯỜNG (tùy theo số lượng học sinh, để điều chỉnh số lượng; Các điểm trường gồm: Trường chính Xuân Trường, Cao Bắc, Mù Chảng, Lũng Mật, Lũng Pù, Xà Phìn, Thắm Tôm, Lũng Rạc, Phia Phoong, Tả Sáy, Phìn Sảng, Lũng Pèo).
 - 41 chăn bông (đã có vỏ), 10 vỏ chăn ngoài, 30 chiếu.
- 60 thùng mì tôm
- 100 hộp sữa đặc có đường
- 4 thùng thuốc ngậm chống ho, C ngậm
- 250 bát, 100 đĩa, 20 chậu sắt tráng men
- 2.000 bút viết các loại
- 100 đôi tất, 200 khăn mặt
- 20 kg cá cơm khô, dầu ăn, nước mắm, muối tinh, bột canh
- Đồ chơi cho các cháu Mầm non
- 2.000 đầu Sách truyện mới và cũ
- 100 kg gạo
- 100 bánh Trung Thu
- 2 radio - catsset, 1 Âm ly di động
- 40 bộ sách Giáo khoa THCS mới
- 7 thùng sách truyện cũ do học sinh THCS Hợp Giang (Thị xã Cao Bằng) quyên góp, ủng hộ
- Đèn pin, quần áo đi mưa

HÀNG HÓA TẶNG CBCS ĐỒN BIÊN PHÒNG XUÂN TRƯỜNG (ĐỒN BP 147, BĐBP CAO BẰNG):

- 1 màn hình tivi LCD Samsung 43inch
- 1 Âm ly
- 1 máy in Canon
- 1 đầu karaoke vi tính.
- 100 cặp cán bộ (tặng cho CBCS trong Đồn, Giáo viên cắm bản và cán bộ xã Xuân Trường).

Tổng giá trị hàng hóa, ước tính 230.000.000 VND.

Xin chân thành cảm ơn các Cô bác/ Anh chị/ Công ty - Doanh nghiệp đã ủng hộ Chương trình và chung tay giúp đỡ Giáo viên - học sinh - bộ đội tại xã biên giới Xuân Trường.

Các nội dung về chuyến đi, đã được thể hiện trong các bài viết sau:

- Thăm thẳm Lũng Màn Sương (đọc ở đây)
- Thồ hàng lên biên cương (đọc ở đây)
- Ấm những mùa trăng (đọc ở đây)
- Đi dọc biên cương (đọc ở đây)

 Xin được công bố các khoản Thu - chi:

Phần thu bằng tiền
Phần thu bằng hiện vật 


Như vậy, số tiền quyết toán là:
44.550.000 - 41.105.000 = 3.445.000 VND

Số tiền thừa còn lại (3.445.000 VND), xin phép dược chuyển tiếp sang Chuyến hàng sau, dành để mua áo ấm tặng cho trẻ em biên giới (Cao Bằng hoặc Hà Giang) trong tháng 11/2012 của Hành trình "Áo ấm biên cương".

Rất mong các Cô bác/ anh chị/ Quý cơ quan - Doanh nghiệp đã tham gia ủng hộ, kiểm tra lại giúp chúng tôi số liệu góp lạt của mình, để chúng tôi cập nhật những khoản thiếu (nếu có).

XIN CHÂN THÀNH CẢM ƠN MỌI NGƯỜI, TỪ BIÊN GIỚI CAO BẰNG!..