3 tháng 12, 2011

HƠI BỊ HOÀNH TRÁNG..

Mình hì hục trèo lên tận nơi, ngồi để thỏa nỗi ước ao. Dĩ nhiên, hoành tráng thì hoành tráng rồi, nhưng hoành tráng hơn, thì vẫn thích hơn chứ. Mà cái quả xe tăng ở Điện Biên Phủ này, cũng phù hợp với việc xâu hàng!..
Vác hàng vào Trường cho tụi trẻ con người Mông, huyện xa xôi miền Tây Điện Biên
Trao sách tượng trưng, cho cô giáo Hiệu trưởng
Cu cậu người Thái, lẫm chẫm theo chị đi bộ. Thôi, ra đây chú bế, để kiếm tý hơi, kiếm quả con giai nào...

BẮT CÁ Ở VŨNG TÀU

Mai Thanh Hải - Cuối tuần buồn buồn, đi lại hành trình Vũng Tàu, ngơ ngẩn dọc đường từ Bến tàu Cánh ngầm ra phía Núi Lớn, chợt hút vào mắt hình ảnh 2 cha con người đàn ông đang lom khom đi dọc mép biển.

Tò mò dừng lại, thu lu bó gối ngồi nhìn và ghi lại những phút "thu hoạch biển" của 2 cha con; cùng vỡ òa niềm vui khi kéo lưới nặng trịch khỏi lòng biển; cùng nhảy choi choi như cả đàn cá đối, khi cả tấm lưới được đặt đánh thịch xuống nền đá vỉa hè; cùng hả hê với 2 cha con khi mắm môi mắm lợi gỡ từng chú cá trắng bạc, ném vèo vào thùng và cong lưng bê thùng cá, đang giẫy - quẫy đành đạch... Chỉ vào đây, mình mới gặp cảnh này!..

Tách mình ra khỏi đám đông, vùa dừng xe máy - ôtô ven đường, bu lại quanh tấm lưới để "ồ, à", hỏi han, mặc cả mua vài con hay vài phần cá... đốt điếu thuốc và lại lững thững trong nắng, trong gió, chợt ngơ ngẩn: Giá như, được hòa mình thực sự trong cuộc sống phương Nam, để trải nghiệm và thử thách mình, biết đâu sẽ dễ thở, dễ sống hơn. Sự hào phóng, thẳng thắn, hình như lâu rồi, mình chưa gặp.

Thôi! Kể lại chuyện bắt cá vậy. Để mấy bác Vũng Tàu thấy rằng, mình chả nói xấu - soi mói gì ai đâu. Kể xong chuyện này, lại thở dài phát vậy. Giá như và giá như. Để thay đổi môi trường sống!...
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tung lưới, sau khi phát hiện tăm cá

Dặm lưới, cho chắc là không chú nào thoát ra được

Kéo từ tư

Đã xong, lò dò lội đá ven biển, mang sản phẩm lên bờ thôi

Đã thấy cá rồi nhé!

Nặng trình trịch, tươi roi rói

Cẩn thận đấy, kẻo "được con cá, lại đứt cái chân"

Cha gỡ cá, ngay tức thì khi nhận lưới từ con

Kiểm tra... kẹp chì dưới tấm lưới? May mà vẫn còn nguyên...


Tuột kìa, để xuống vỉa hè đi bác

Tươi roi rói và giãy đành đạch

Giá mình có 1 cái bếp, cái nồi, mình sẽ mua ngay vài con và đi chợ, mua đồ nấu bát canh cá đối...

Thèm quá là thèm, Phương Nam ơi!..

BÀI HÁT MỚI, RẤT Ý NGHĨA: "ĐÂY HOÀNG SA! ĐÂY TRƯỜNG SA!"...

 
Hãy lắng nghe bài hát "Đây Hoàng Sa! Đây Trường Sa" (Nhạc Ngô Nguyễn Trần, Thơ Tâm Thơ), do các em thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh trình bày, để càng thấy rõ tác dụng của "công tác tuyên truyền nhân dân". Chả biết khi nào, Ban Tuyên giáo TW, Bộ VHTTDL, Ban Biên giới Chính phủ, Tổng cục Biển và Hải đảo... có những kết quả cụ thể như thế này, sau hàng chục cuộc thi - tìm hiểu... về biển đảo, Hoàng Sa - Trường Sa, để "nhân rộng" một cách nhanh chóng, đúng thời điểm và rất... tiết kiệm, giống như những Nhà thơ, Nhạc sĩ và ca sĩ tý hon ở mãi trong TP. Hồ Chí Minh - Hòn ngọc của Viễn Đông ngày xưa...

MỘT MÌNH MỘT... CHỢ

Nhìn chú CSGT Hà Nội đứng ngơ ngẩn giữa đường Thăng Long - Nội bài này, thấy buồn và cô độc quá, nên cứ chú thích hình này ngắn gọn là "Một mình một... chợ". Hình như, thời gian này, mình cũng giống chú ý, nên có lẽ sẽ xin vào làm CSGT cho nó... giống vậy. Còn hiện tại, thì cứ vẩn vơ suốt. Cuối tuần, có ai rượu chè gì không?..

QUA BỜ HỒ, THẤY CHUYỆN... SẮP RA.

Truyện Bựa -  Mình vừa đi có việc qua Bờ Hồ, định kể chuyện mấy tuần trước, nhưng thôi, kể chuyện này thời sự hơn, hot đệ nhất:

Lúc mình đi qua Nhà hát múa rối Thăng Long, khoảng gần 11h, thấy có 5-6 con rối đứng ở đó, gần đó có một cái máy quay phim.

Con rối mô phỏng các nhân vật rối, cao khoảng hơn 2 mét, tức là thằng người chui vào bên trong đội con rối ấy, thì vị trí cái rốn của rối chính là mắt của người thật bên trong, đủ thấy nó cao như thế nào.

Nhiều người đi qua chậm chậm nhìn, nếu đứng lại thì bị anh đeo băng đỏ đuổi luôn.

Mình đi thẳng vào Hội rối đó, hỏi người đang đi quanh quẩn. Họ nói: "Nhà hát Múa rối thực tập cảnh đón đưa khách du lịch là VIP đến xem múa rối. Hôm nay là tổng duyệt. Trong nhà hát đang trống kèn sáo nhị, là đang duyệt cho mấy bố mẹ quan chức xem. Màn chào khách đã qua rồi, nay đợi quan khách ra để diễn màn tiễn khách!".

Trời hôm nay nắng khá, lúc sáng thì mát chứ trưa thì nóng lắm.

Mấy anh chàng - cô nàng đội rối, cầm bằng chui vào một cái chăn, chỉ hở mỗi con mắt, vì con rối có váy hoặc quần quét đất. Chắc hẳn là rất nóng nực.

Mình ghé mắt vào... rốn một con rối, hỏi: "Có ấm áp không?". Trong cái rốn ấy, nói: "Nóng!. Khó chịu bỏ mẹ lên ấy!. Sao các bố ấy lâu ra thế?".

Mình lại hỏi những người... chức việc, đang đi đi lại lại: "Sao lâu ra thế?". Một người nói: "Có gì phải vội?. Cái gì cũng có đầu có cuối, qua màn dạo đầu, lên đến cao trào rồi!. Sắp ra rồi!".

Lúc đó, mình đã hơi buồn cười. Mình hay nghĩ bậy: Nói dạo đầu, rồi lên đến cao trào, rồi xuất ra nghe khoái tai quá. Như là đọc Tố Nữ kinh vậy. Hóa ra cuộc đời có một cái quy luật ấy, mà vận dụng vào đâu cũng hay cả.

Một lát sau, quan khách ra. Các con rối gật gù, vẫy tay, các cô áo xanh áo đỏ xòe quạt tiễn khách. Nhanh khoảng 1 phút. Vì có gì đâu, hơn chục vị đi từ cầu thang qua cái đoạn lối đi khoảng gần chục mét thôi.

Quan khách chưa yên chỗ trên ô tô, mấy tay đội rối bèn tốc ra, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, cười sướng lắm, kêu: "Ra rồi!. Đợi mãi mới ra!. Sướng quá!".

Một em là nữ thì thẽ thọt: "Các bác ấy không ra ngay!. Lâu ra, thì chỉ khổ chúng em!"...

Ối Trời!. Mình cười rũ. Tất cả cùng cười. Nói chuyện tử tế cũng ra chuyện ấy, mới cười được. Mới hay các cụ làm truyện tiếu lâm cũng na ná thế!. Nhỉ?. He! He!...
---------------------------------------------------------------
* Hình ảnh chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

2 tháng 12, 2011

NGỦ 1 GIẤC, CHỈ 1 GIẤC THÔI, THẬT DÀI!..

Mình thèm lắm, được ngủ 1 giấc, 1 giấc thôi, thật dài, để quên đi tất cả!.. Có thể lắm chứ, những ngày tới!..

9 TUỔI ĐI BỘ ĐỘI, 12 TUỔI HY SINH - LIỆU CÓ NHẦM?..

Mai Thanh Hải - Mình xem được ở đây, chính thống Nghĩa trang oline và có rất nhiều người thắp hương, đốt nến: Liệt sĩ Lê Trung Tương; sinh 1959, nhập ngũ tháng 4/1968; cấp bậc Hạ sĩ; quê quán: Xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Bình Trị Thiên (nay là tỉnh Quảng Bình); hy sinh ngày 5/1/1971. Phần mộ này nằm ở Nghĩa trang Trường Sơn (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị).

Mình xem đi xem lại, cân đong đo đếm, cộng cộng trừ trừ mãi, mà vẫn không hiểu nổi: Người ta ghi bia mộ có sai không nhỉ?. Bởi theo thông tin ghi rành rành trên bia, Liệt sĩ Lê Trung Tương đi bộ đội lúc... 9 tuổi và hy sinh lúc chưa tròn 12 tuổi. Trong 3 năm, Liệt sĩ Lê Trung Tương đã được phong cấp hàm Hạ sĩ.

Mình băn khoăn quá: Con gái Miu nhà mình 10 tuổi, học lớp 5 rồi, nhưng vác cái cặp sách còn không xong, đến lớp thì cả nhà vẫn phải thay nhau đón đưa, ăn cơm thì nhiều lúc vẫn phải đút, đi tắm thì vẫn bà vẫn mẹ, đi ngủ thì phải để đèn và ru đến khi ngủ tít mít, mắt nhắm tịt vì... sợ ma...

Băn khoăn thế thôi, nhưng trong chiến tranh, có những điều không thể lại biến thành có thể. Cứ phải tin như vậy và thành kính thắp cho Liệt sĩ Lê Trung Tương, những nén hương tri ân người đã ngã xuống vì Tổ quốc!..

1 tháng 12, 2011

BÁO NHÂN DÂN NGÀY XƯA, CHẮC KHÁC BÂY GIỜ?..

Tấm hình này, hình như lại do phóng viên nước ngoài chộp được (vì đang lưu trữ trên trang Corbis) với chú thích "Công nhân Nguyễn Thị Liên, đọc báo Nhân dân cho các đồng nghiệp khác đang trong ca làm việc tại Nhà máy Dệt kim Hà Nội, vào ngày 13/2/1968". Nhìn tấm hình này, mình cảm động quá cơ: Ngày xưa, chắc Báo Nhân dân hay lắm, nên công nhân ta mới vừa làm việc, vừa có tai để nghe (bây giờ mà làm việc công xưởng mà mất tập trung kiểu này, đốc công Trung Quốc nó đổ keo 502 vào tay là còn nhẹ). Ngày xưa, Báo Nhân dân chắc cuốn hút lắm, nên cô "phát thanh viên không chuyên" Nguyễn Thị Liên mới chăm chú đọc và cuốn cả giấy làm loa, để truyền đạt đến người ở xa, không nghe rõ như vậy (bây giờ á! Vào CA Hoàn Kiếm, mượn cái loa pin Tàu của bác Phương Bích, có mà nghe rõ mồn một)... Thế nhưng nhìn kỹ mới thấy: Báo Nhân dân ngày xưa hay, có lẽ chỉ nguyên bản đen trắng và ngắn gọn 4 trang. Báo này bây giờ chả ai đọc, có lẽ vì in 4 màu và dày hơn gấp mấy trang (À mà bây giờ Báo Nhân dân hàng ngày, có mấy trang đấy nhỉ? Ai biết, chỉ mình biết với). Tấm hình này, Báo Nhân dân mà không đưa vào Phòng Truyền thống, thì nghe chừng hơi bị phí. He! He!..

THƯ GỬI "ÔNG TÂY"!..

Ông Hồ Cương Quyết trong cuộc biểu tình chống TQ, tại Pháp (6/2011)
Kính gửi "Ông Tây"!..


Cháu tự giới thiệu, cháu tên là "Cháu Ông Tây", hiện đang học Trường THCS ở Thủ đô Hà Nội. Mấy hôm vừa rồi, cháu mở trộm máy tính của bố cháu, vào google tìm trò chơi nấu ăn và tiện thể, đọc hết những trang bố cháu hay đọc, để xem có gì "nguy hiểm, đe dọa... hạnh phúc gia đình", còn báo lại mẹ cháu, lĩnh thưởng. Không ngờ, cháu lại tìm được mấy bài báo viết về ông và cả những dòng bố cháu viết về ông. Cháu gửi ông xem xem có phải "nhạy cảm, đe dọa an ninh" không, để cháu còn mách mẹ, kiếm gói Bim Bim, ông nhé!..
-----------------------------------------------------------------------------------------------------


Với mình, cái tên Andre Menras Hồ Cương Quyết rất quen thuộc. Mình chả biết hồi ấy, Việt Nam được bạn bè thế giới yêu quý chừng nào (vì hồi ấy, mình vẫn đang nằm ngoài... bụi tre. Hi! Hi!). Thế nhưng, chắc chắn đất nước phải có tầm vóc thế nào đấy, thì thầy giáo Andre Menras cùng người bạn Jean Pierre Debris, lặn lội từ bên kia trái đất, sang Sài Gòn và dũng cảm phất cao cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, trước tòa nhà Quốc hội của chính quyền Sài Gòn, rải truyền đơn đòi độc lập, hòa bình cho Việt Nam vào năm 1970.
Ông HCQ tại Đà Nẵng 1968


Dĩ nhiên, hành động này khiến ông bị bắt giam tại khám Chí Hòa trong gần 3 năm trời (trong khám, ông đã được những người cộng sản đặt cho tên Việt Nam là Hồ Cương Quyết), rồi bị trục xuất về nước năm 1972. (Lẩn mẩn so sánh hành động của bác Hồ Cương Quyết, mình thấy "bọn đế quốc - thực dân" dã man thật!. Chắc ngày xưa ở chỗ "chúng nó", chưa có Trung tâm Phục hồi nhân phẩm, dạng... Trại Lộc Hà. Hi! Hi!). 


Lại kể tiếp chuyện Andre Menras: Khi bị trục xuất về Pháp, ông viết cuốn "Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn - Chúng tôi tố cáo" được in ra rất nhiều thứ tiếng.
Từ khi đất nước Việt Nam thống nhất, ông Menras càng có cơ hội tham gia các hoạt động giúp Việt Nam và hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội trao đổi sư phạm Pháp – Việt (ADEP).
Trên cương vị này, ông là cầu nối giúp các Trường Đại học ở Việt Nam trao đổi giáo viên, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy với một số Trường Đại học của Pháp.
Với trẻ em nghèo Tây Nguyên
Ông cũng là người tham gia tích cực chương trình “Nước ngọt cho Trường Sa”, quyên góp tiền mua máy lọc nước biển ủng hộ Trường Sa.


Ngày 5/11/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chính thức công nhận ông Andre Menras là công dân của nước Việt Nam.
Chiều 1/12/2009, tại buổi lễ "Trao Quốc tịch Việt Nam cho ông Andre Menras - Người bạn Pháp thủy chung suốt gần 40 năm qua của nhân dân Việt Nam, mang tên Việt Nam là Hồ Cương Quyết", Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nhấn mạnh: "Chúng ta dành những tình cảm đặc biệt cho Andre Menras vì ông đã dành cho chúng ta những tình cảm đặc biệt, đã sát cánh cùng Việt Nam trong những thời kỳ khó khăn nhất".

Cũng ở buổi lễ đông đặc phóng viên báo chí trong và ngoài nước này, Chủ tịch Nước còn khẳng định: "Sức mạnh đoàn kết của những người bạn quốc tế, là một phần quan trọng của thắng lợi Việt Nam trước những thế lực xâm lược" và bày tỏ mong muốn: "Người công dân mới của Việt Nam sẽ giữ mãi trái tim yêu Việt Nam, tiếp tục cuộc đấu tranh với những ai còn hiểu sai về Việt Nam, chống lại nhân dân Việt Nam"...
Đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Những gì tìm hiểu được về  Andre Menras Hồ Cương Quyết, đã khiến mình ngạc nhiên: "Chả phải quê quán, máu thịt, sao lại yêu thương, gắn bó đến thế nhỉ?".

Nhưng sự ngạc nhiên ấy còn lớn hơn, khi buổi sáng hôm sau, 2 chú cháu ngồi cà phê ngay trên vỉa hè phố Châu Long vừa tan buổi chợ sớm, đầy những rác và tiếng xe máy - ôtô chen lẫn tiếng... chửi tục: "Ông Tây Việt Cộng" này không chỉ yêu thương, mà còn quá sống chết với đất nước Việt - Điều mà rất nhiều người Việt, đã và thậm chí đang chối bỏ, thất vọng đến mức muốn chối bỏ...

Yêu đến mức mang tính mạng mình ra, để chấp nhận đánh đổi - Chả thế mà hồi ra Lý Sơn, mình nghe được bao nhiêu câu chuyện về "Ông Tây Việt Cộng", nào là:

Xin ngành chức năng, theo cách chính thống, để được ra biển cùng ngư dân đánh bắt ngoài Hoàng Sa không được, ông "bí mật" bỏ tiền túi nài nỉ ngư dân, cũng... "bí mật" cho theo. Hình như, cũng có bác ngư dân nào đó xiêu lòng, định... "cắp nách" ông ra Hoàng Sa, nhưng được cái mạng lưới an ninh nhân dân của Việt Nam, thuộc đẳng cấp "nhất quả đất", nên bác kia phải trả lại tiền, không dám cho "Ông Tây" đi cùng nữa...
Tại Nhà trưng bày Hiện vật Hoàng Sa (Lý Sơn)

Đến Bảo tàng Hải đội Bắc Hải - Hoàng Sa (nói chính xác là nhà trưng bày một số hiện vật, tư liệu phục dựng, làm lại và treo một số tấm hình mới cũ về Hoàng Sa - Trường Sa), "Ông Tây" đọc vanh vách các dữ liệu về Hoàng Sa, khiến cô bé thuyết minh tên Hiền, có đôi mắt đẹp ơi là đẹp, sợ quá không dám nói thêm gì nữa, chỉ cắm cúi ghi chép lại để... củng cố kiến thức...

Thời gian vừa rồi, mình lại được biết rất nhiều hành động yêu nước Việt Nam của "Ông Tây Việt Cộng", như: Tham gia phản đối tàu Trung Quốc cắt cáp; đặt in khẩu hiệu nhưng bị "trả lại ông Tây"; phản đối VTV nhà anh Trần Bình Minh đã liệt Trang Boxit (nơi ông làm Cộng tác viên) vào "Web phản động"... và gần đây nhất là việc bộ phim "Hoàng Sa - Việt Nam: Nỗi đau mất mát", do ông đích thân ra Lý Sơn thực hiện, được cả tỉnh và Trung ương cho phép, được báo chí trong và ngoài nước hoan hô, được công chiếu tận bên Pháp về bên Việt, nhưng hôm rồi lại không được chiếu ở quán cà phê trong Khu Du lịch Văn Thánh, TP. Hồ Chí Minh.
Phản đối việc CA TP.HCM không cho chiếu phim Hoàng Sa

Nhìn ông cầm tấm bìa trắng, ghi nắn nót bằng bút dạ đen viết bảng, chắc mới mượn của các cháu nhân viên, phân công ca làm việc trong quán: "Tôi Hồ Cương Quyết công dân Việt Nam phản đối các hoạt động phi pháp và bạo động của Công an TP. Hồ Chí Minh ngăn chặn và cấm việc chiếu phim tài liệu "Hoàng Sa - Việt Nam: Nỗi đau mất mát" dù đó là tiếng nói của đồng bào ngư dân miền Trung và hoàn toàn có lợi cho Việt Nam trong sự nghiệp khẳng định quyền chủ quyền trên biển đảo Hoàng Sa", mình thấy thương "Ông Tây Việt Cộng" quá đi mất...

Vẫn biết ông đã được nhập quốc tịch Việt Nam, được cấp Chứng minh nhân dân, được "đảm bảo các quyền công dân ghi trong Hiến pháp"... thế nhưng có lẽ ông mới biết "tương cà mắm muối", chứ chắc chưa hiểu nhiều về tục ngữ mà các cụ xưa xửa xừa xưa đã đúc rút, truyền lại cho con cháu.
"Ông Tây" đang bức xúc, khi không được chiếu phim 

Ông đã nghe và hiểu hết câu: "Nói một đằng, làm một nẻo" chưa?. Ông đã biết thế nào là "Đừng thấy đỏ mà tưởng chín" chưa?. Ông biết "Nói thì hay, bắt tay thì dở" chưa?, Ông có hay thế nào là "Nói trước quên sau" chưa?...

Thôi ông ạ!. Họ chả cho chiếu phim, thì ông cứ mang về Pháp mà cất cho chắc cú, sớm muộn gì phim của ông chả vô giá (vì có phải cạnh tranh với Đài Truyền hình, Hãng phim, Cty Truyền thông nào đâu?), sau vài chục năm nữa, Đài Truyền hình Việt Nam của anh Trần Bình Minh lại lần mò, tìm mua bản quyền, giống như các anh ý đã mua phim tài liệu về chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ của các "ông Tây" khác, quay từ đời tám hoánh và giới thiệu rầm rộ, chiếu phát kín mít những dịp trọng đại, tưng bừng?..
----------------------------------------------------------------------------------------------------
TB: Bố cháu nói đúng đấy! Ông chả buồn bực mà làm gì ông ạ!. Nếu vẫn còn bực, ông nhờ bác Đỗ Trung Quân, chuyên đeo kính tròn xoe, uống bia như voi uống Philatop, suốt ngày nói chuyện "Hai đua. Ba đua", giống... Đua ngựa, bạn của bố cháu trong Sài Gòn ấy, tìm mua cuốn "Sát thủ đầu mưng mủ", mới bị cấm phát hành, đọc xem biết đâu lại nguôi ngoai. Bởi chẳng riêng bọn trẻ chúng cháu, mà bố mẹ - ông bà cháu cũng hiểu mấy câu cơ bản: "Nói zậy mà hổng phải zậy", "nằm mơ giữa ban ngày", "mơ hão - hao mỡ"...


Mong ông đừng "Buồn như con chuồn chuồn", đừng "chán như con gián", mà hãy coi đó là "chuyện nhỏ như con thỏ", bởi "đời rất dở nhưng vẫn phải niềm nở"... Khi nào ông ra Hà Nội, nếu có ngồi cà phê Châu Long với bố cháu, nói chuyện "Yêu như bát bún riêu", ông nhắc bố cháu cho cháu đi cùng với, để cháu "hồn nhiên như cô Tiên", mong kiếm gói Bim Bim của ông, "Ông Tây" nhé!..

"CỨNG NHƯ BỌC BÌA CÁT TÔNG"...

Mai Tiến Nghị  - Bọn mình vào lính, toàn ở độ tuổi choai choai, đa phần chưa có người yêu. Thằng nào có người yêu, thì cùng lắm cũng chỉ được “thơm” vào má người yêu, một phát là cùng. Vì ngày ấy kiêng khem dữ lắm, chứ chả như bây giờ.

Tuổi choai choai là tuổi chưa thành “người lớn”, nhưng không còn trẻ con, đã thích con gái.

Đối với bọn mình, chưa có người yêu, nên chỉ biết phái nữ qua tưởng tượng. Lão Hưng, Trung đội trưởng đã có vợ, ngồi kể chuyện ngủ với vợ thế nào... sướng lắm!. Đầu tiên là đưa tay sờ ti, nào mềm, nào ấm, nào đầy đầy…

Bọn lính trẻ chúng mình há hốc mồm ngồi nghe. Khoái củ tỷ!...

Nhưng lão Xuân, Đại đội phó bảo: "Thằng Hưng nó bốc phét!. Nghe làm gì?. Nó như thế này thế này cơ… Nó rắn câng cẩng, nó mát rười rượi!…". Tức thật, chả biết đúng - sai, thật - giả thế nào...

Rồi tưởng tượng!.. Mà tưởng tượng hình dung gì, thì cũng qua cái hình cái bóng cụ thể: Đó là các nữ “anh nuôi”.

Đại đội mình có mấy cô "anh nuôi". Cũng không xinh. “Cằm cô Luận, trán cô Binh, tớ đem ghép lại thành hình Lê Nin”, “Đùi Na, má Dánh, mông Đào, nếu đem ghép vào quỷ dữ chạy xa”... Mình đặt ra câu ấy để trêu. Trêu thì trêu vậy nhưng vẫn thinh thích. Bởi vì cả Đại đội, hơn trăm thằng toàn đực rựa, có mỗi 5 cô khác giới…

Hay thử liều một phát?…

Nhưng lại sợ!. Nhỡ nó tát cho thì... nhục!. Vậy là theo đuôi các anh lớn, mạnh mồm kháo chuyện với nhau. Nhưng đến trước bọn "nữ anh nuôi" thì…ngọng cả đám.

Thằng Quốc trong Tiểu đội là thằng hung hãn nhất, chả biết sợ là gì. Quốc bảo: “Để tao!”. Hôm sau, Quốc ta cố ý lùi lại xếp hàng sau cùng khi ăn cơm.

Cũng nói thêm: Ngày ấy, ăn cơm ở sân kho Hợp tác xã, nghe "Keng!. Keng!" tiếng kẻng cơm khua, thì lính cầm bát đũa ra sân kho.

Cả Đại đội tập trung thành sáu hàng dọc, lần lượt 6 người theo hàng ngang tách ra, biên chế thành “mâm”. 3 "chị nuôi" ở trong cái cửa liếp chắn lưng chừng, đưa cho một xoong cơm, một xoong canh, một đĩa 4 ngăn đựng thức ăn.

Lính đứng ở ngoài liếp nhận lấy. Sau đó, cái biên chế “mâm” bê cả ra sân, tìm chỗ trống ngồi xổm ăn cơm, chứ không có nhà ăn như bộ đội bây giờ.

Đang ăn thì thấy thằng Quốc từ chỗ phát cơm canh, vừa chạy vừa vuốt mặt, mồm la oai oái. Canh rau muống rớt đầy tóc, bám lên mặt lên cổ…

Mọi người ngơ ngác. Chẳng hiểu tại sao.

Hỏi mấy “chị nuôi”, thì thấy mấy cô mặt lạnh... như kem quốc doanh, bảo: “Nhỡ tay!”.

Không thấy Quốc ra ăn cơm nữa. Mình chén xong, về đến nhà trọ thì hắn đã tắm xong.

Quốc thì thầm kể với mình: Hắn đợi ở hàng sau cùng, đến lượt hắn ta đến chỗ “chị nuôi” Dánh để nhận canh. Bằng hai tay, Dánh đưa xoong canh cho Quốc. Thay vì đỡ lấy xoong canh từ tay Dánh, hai tay hắn lại đưa ra bóp…vú “chị nuôi”.
Dánh bị bất ngờ, tức đỏ mặt, nhưng không thể bỏ soong canh xuống, vì vướng tay của thằng giời đánh đang…

Dánh lúng túng đến mấy giây. Và việc gì đến phải đến: Cả soong canh trút lên đầu thằng Quốc. Quốc vội bỏ tay khỏi ngực đối thủ và chạy biến.

Mình hỏi: “Thấy thế nào? Thích không?”.

Quốc ta đượt mặt:

- Chả ra cái đếch gì!. Cứng như bọc bìa cat tông. Khô khồ khồ. Mấy lão chỉ nói phét!..

Hi! Hi!...
----------------------------------------------------------------
* Chuyện này, bác Mai Tiến Nghị kể góp với Entry "Phụ tùng xích líp" của mình. Cảm ơn bác Mai Tiến Nghị và câu chuyện Mần tình phải bất thình lình của Cu Vinh (nhà văn Nguyễn Quang Vinh), đã dành thời gian để hưởng ứng cái mẩu ký ức be bé, vẫn in hằn trong đầu mình!. Cảm ơn các Đại ca rất nhiều!..


* Hình ảnh chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

30 tháng 11, 2011

VŨNG TÀU: CA NGỢI ĐẢNG, PHẢI ĐƯA VÀO... DI TÍCH.

Mai Thanh Hải - Do cái tính tò mò cố hữu, nên đến đâu mình cũng lọ mọ, để đỡ phí cái công sức được mò đến vùng đất - địa danh đấy.

Bạch Dinh (TP.Vũng Tàu) thì mình chả lạ. Cứ theo Bãi Trước về phía núi Lớn, là nhìn thấy ngay dinh thự trắng, ngói đỏ trên sườn núi xanh.

Vũng Tàu nói vậy nhưng bé tý xíu, quanh đi quẩn lại, chỉ có tắm biển, đi lượn và... ăn nhậu. Tắm biển thì mình lười. Lượn thì mãi cũng mỏi chân.

Còn cái khoản thích nhất là ăn nhậu, thì riêng đến Vũng Tàu mình cạch, chả dám léng phéng "tìm hiểu đặc trưng ẩm thực", bởi đất này đã - đang nổi tiếng... "máy chém", hơn cả Sầm Sơn, Hạ Long ngòai Bắc, đến nỗi UBND tỉnh phải họp đến ong đầu, ra cả tập công văn chỉ đạo, chỉ để dẹp mấy quán ăn chặt chém, đếm trên đầu ngón tay, chuyên đầu têu cho bà con "thi đua chặt chém khách du lịch", mà tình hình cũng chửa đâu vào đâu.

Hôm rồi vào Vũng Tàu, cái loại lọ mọ như mình cũng... dính chưởng và phải cầu cứu đến Minh Tuấn và Đông Hà, 2 bạn hữu thường trú Báo Nhân dân và Tuổi trẻ TP ở Vũng Tàu, chở đi tìm chỗ ăn nhậu.

Ngồi bàn chuyện "chặt chém", 2 tay ma xó bạn mình, vốn người Hà Nội và Quảng Trị xịn, cười lăn bảo: "Bác không biết là ngày xưa đất này mang tên Côn Đảo Vũng Tàu à?. Bây giờ là Con Dao Vũng Tàu, cũng có gì lạ?".

Ối giời!. Nếu có "truyền thống" vậy, thì xin lạy. Đã thế, cứ đến bữa ăn là mình ới 2 lão bạn, còn ngoài... giờ ăn, mình lang thang đi chơi bời, tìm hiểu, ngắm cảnh cho nó... nhã. Và Bạch Dinh là địa chỉ mình tìm đến.

Theo thông tin trên... mạng (Phải khẳng định vậy vì cả di tích rộng lớn, chỉ có duy nhất 1 tảng đá ghi vắn tắt, giới thiệu về Bạch Dinh, chừng khoảng 200 chữ): Trước khi có Bạch Dinh, nơi đây là pháo đài thành Phước Thắng (năm Minh Mạng thứ 20 nhà Nguyễn). Pháo đài này đã nổ phát súng đầu tiên (10/2/1859) vào hạm đội Pháp khi chúng tấn công Sài Gòn - Gia Định (bằng đường biển), cản trở bước tiến của quân Pháp trong 1 ngày đêm.
Sau khi bình định xong xứ Nam Kỳ, viên Toàn quyền Đông Dương người Pháp Paul Doumer đã lệnh san bằng pháo đài thành Phước Thắng (1898), để xây biệt thự cho mình và đặt tên là Villa Blanche (nghĩa Hán Việt là Bạch Dinh). Để xây dựng Bạch Dinh, 800 người tù khổ sai đã phải lao động trong 10 năm trời. Từng tấc đất, viên đá, ngọn cây ở đây đều thấm mồ hôi, nước mắt và máu người tù.
Sau này Bạch Dinh thuộc sự cai quản của Công sứ Nam Kỳ người Pháp. Đặc biệt từ ngày 12/9/1907 tới năm 1916, Bạch Dinh là nơi người Pháp dùng để giam lỏng vua Thành Thái (một vị vua yêu nước có tư tưởng chống Pháp). Từ năm 1926, Bạch Dinh là nơi vua Bảo Đại thường ghé nghỉ mát cùng với gia quyến của mình và trước 1975, là nơi nghỉ mát của Tổng thống chế độ cũ.
Bạch Dinh mang phong cách kiến trúc Châu Âu cuối Thế kỷ 19. Mặt ngoài được trang trí những đường hoa văn cổ xưa, cùng với những hình vẽ và những bức tượng thể hiện chân dung của các Thánh thời Cổ Hi Lạp. Toà nhà cao 19m, dài 25m, rộng 8m, gồm 3 tầng.
Ngôi nhà được quét vôi trắng, lợp ngói đỏ, phía dưới là mảng viền trang trí tinh tế và mỹ thuật.
Sứ men màu là nguyên liệu chính để trang trí, tạo hình ảnh: Đôi chim công màu xanh ngọc, điểm xuyết những chấm bạc lấp lánh đang xoè cánh múa; đôi cá chép uốn lượn; hoa Cúc, Hướng Dương viền từng mảng quanh ngôi nhà...
Gây ấn tượng đặc biệt là 8 bức tượng bán thân mang phong cách nghệ thuật Hy Lạp cổ đại, bao quanh 3 mặt tường chính của ngôi nhà. Các bức tượng là những bức tượng chân dung về một số vị danh nhân trong lịch sử Châu Âu.
Khuôn viên Bạch Dinh rộng chừng 6 ha, một nửa là rừng Giá tỵ (còn gọi là cây Báng súng). Nửa kia trồng bông sứ. Rừng Bạch Dinh là một góc thanh bình và nên thơ của Vũng Tàu...". 

Thế nhưng "nói zậy hổng phải zậy", vào Bạch Dinh, mình hơi ngạc nhiên khi thấy trong Khu di tích hơi bị nhiều quán cà phê, đầy ắp mùi tiền trong việc cho thuê, từ lề đường vào sân di tích.

Ngạc nhiên biến thành... sửng sốt, khi vào trong Khu chính, thấy 1 bảng ảnh to đùng dài thườn thượt, tô chữ dán ảnh trên nền đỏ chót, toàn những nội dung tuyên truyền về các thời kỳ hoạt động của Đảng, các lãnh đạo và... "thành tựu hôm nay" của không chỉ "Con Dao Vũng Tàu" mà ra tận Hà Nội.

Mình hơi bị lạ về cách tuyên truyền này. Di tích lịch sử - văn hóa chứ đâu phải di tích cách mạng mà làm vậy?.

Giá như thay tấm bảng đỏ chót, chi chít hình ảnh này bằng tấm bảng giới thiệu lịch sử di tích (như mình đã tra trên mạng và viết lại ở trên), cùng bản đồ giống như liên kết các di tích khác trong thành phố, nghe ra còn có tính... văn hóa.

Mình đã tự hỏi và tự tìm câu trả lời bằng cách đứng ở đó theo dõi, kết quả: Khách Việt Nam (khách Châu Á, nhất là Trung Quốc), nhìn thấy là đi nhanh qua, không 1 bước dừng lại; khách các Châu lục khác (nhất là Châu Âu), nếu đi theo kiểu "bụi" thì hùng hục tra sách cẩm nang du lịch, gãi đầu dựng hết cả tóc, để xem "cái đó viết cái gì", không có câu trả lời, lần khân đi hỏi và khi nhận được câu trả lời, đều lắc đầu, đi thẳng; khách Châu Âu đi theo đoàn, các phiên dịch - Hướng dẫn viên bỏ qua tấm bảng, nhưng phần lớn bị níu áo lại, chỉ tay "Đây là cái gì?". Khi được giải thích, các khách đều "Ôi Giời!", lắc đầu quầy quậy và... lại đi thẳng.

Mình lân la hỏi, mấy cô cậu hướng vẫn, mặt đỏ bừng: "Ai cũng bảo: Di tích văn hóa, đừng làm mất đi sự văn hóa" và lắc đầu: "Thiếu gì cách mà phải đưa vào... di tích?".

Mình đưa hình lên cho mọi người cùng ngắm vậy, để mọi người biết thêm một nét "đặc sắc mới" nữa, (ngoài "chặt chém") của ngành Du lịch TP. Vũng Tàu. Hi! Hi!..
------------------------------------------------------------------------------------------------------

Thần công 1 bên...

Rất đỏ chót và rất rực rỡ

Rất nhiều hình ảnh minh họa

Hoa sứ cũng... ngả đầu kính chào

Duy nhất 1 tấm bia bé tý, giới thiệu về Bạch Dinh

Từ Bạch Dinh, nhìn thẳng ra Biển Đông
Khách nước ngoài đến thăm Bạch Dinh rất đông


Kiến trúc cổ

Nhà cổ

và ngoảnh mặt ra về, không chịu đọc - xem bảng ảnh tuyên truyền


Câu đúc kết biến thành khẩu hiệu, oách thế này sao chẳng ai xem?..

Biến thành nơi... đỗ xe chờ khách

Làm vầy, ai đọc đây? Liệu có phí công tuyên truyền không?..