23 tháng 4, 2011

KHÓC CƯỜI CÙNG... CẢNH SÁT

CSGT Yên Bái... tè bậy
Mai Thanh Hải Blog - Công bằng mà nói, CSGT là một trong những lực lượng vất vả trong ngành Công an và cũng nhiều tai tiếng nhất, khiến ngành Công an bị bôi xấu nhiều nhất.

Quanh đi quẩn lại, cũng chỉ là việc xưa như trái đất: Mãi lộ và thái độ ứng xử với người vi phạm.

Hồi xưa còn bao cấp, các nàng xinh đẹp có tiêu chí chọn chồng giàu sang "nhất vốt cô (thủy thủ tàu viễn dương), nhì biển số (Công an nói chung và CSGT nói riêng)".

Thế nhưng bi giờ, có ở "trong chăn" (ngồi gần chăn, hay giặt chăn...) mới thấy làm chú đứng đường cũng chẳng sung sướng gì: Mùa hè nắng chang chang, lính tráng đen nhẻm, tóc tai bơ phờ chỉ mỗi răng là trắng ởn, nên vừa rùi Công an Hà Nội đã phải xin lãnh đạo Bộ cho CSGT đội mũ cứng che đầu, giữa sức khỏe cho lính tráng, thay mũ kê pi dẹp và oách nhưng như... không đội gì; mùa đông, lạnh thấu xương, dân tình ngồi trong ôtô, bật điều hòa nóng ấm áp, ai đi xe máy cũng áo khăn găng mũ xù xụ, trong khi lính ta chỉ được mặc thêm cái áo bông xốp xồm xộp do Hậu cần CAND may dập khuôn theo kiểu trấn thủ từ hồi... đánh Điện Biên Phủ 1954...

Thời trang riêng của CSGT
Ở các Đội Tuần tra kiểm soát trên Quốc lộ, ngoài chịu đựng nắng mưa như các đội bục (trong đô thị), còn phải căng dây thần kinh để phân biệt xe nào của người nhà VIP, lãnh đạo, đại gia mà cho qua; tỉnh táo nhận biết ý đồ của lái xe để... nhảy xuống ruộng, tránh mấy chú tài nghiện ngập, côn đồ sẵn sàng lao thẳng xe vào CSGT, giữ sinh mạng cho vợ con, chứ không như nhiều đồng nghiệp, tự dưng bị oan gia bởi xe lao thẳng vào, hy sinh mỗi năm cũng gần chục người trên toàn quốc, từ Bắc chí Nam, từ Cục đến Phòng...

Làm việc chuyên môn không xuể, CSGT hãi nhất là những dịp nhiều lễ lạt, Hội nghị, họp hành cấp cao... phải tham gia dẫn đường, hú còi phục vụ các đoàn đội và đứng ngã 3- ngã 4 ngăn đường, dẹp xe cho các lãnh đạo vểnh râu ngồi trong xe...

Liệt kê mấy sự vất vả, để thấy chuyện vài "con sâu" vòi vĩnh, nhận hối lộ chẳng thấm tháp gì so với kết quả, thành tích đạt được hàng tháng, hàng năm và hàng quý.

Mình nhớ có đợt báo chí nhà ta hết thứ để viết, lại quay sang ra táng CSGT với đề tài cũ: "Mãi lộ" (nhất là dịp cận Tết hàng năm dư thế này). Ngay sau đó, trong 1 cuộc họp của ngành, một bác lãnh đạo Bộ đã rất hồn nhiên đặt câu hỏi: "Ngoài đường có gì mà ai cũng xin ra... đứng đường?".
Đi ẩu thì cũng bị đâm

Tiếp đó, cũng trả lời báo chí về chuyện "mãi lộ", bác lãnh đạo khác đưa ra sáng kiến: "Tăng lương, tăng thu nhập cho CSGT để anh em... thừa tiền, không lấy nữa".

Sáng kiến này ngay lập tức bị chính nội bộ phản ứng.

Ông Cảnh sát Phòng chống Ma túy bảo: "Tôi mới là vất vả vì luồn rừng, trèo núi bắt đối tượng ma túy".

Bên Cảnh sát Hình sự nằng nặc: "Bên này mới vất vả vì phải thâm nhập, triệt phá các băng ổ nhóm có hàng nóng. Toàn đi đêm về hôm, tội phạm nó đòm phát, chết luôn".

Kỹ thuật Hình sự lắc đầu: "Bọn chuyên khám nghiệm hiện trường, giải phẫu tử thi, hài cốt mới là khổ nhất".

Cảnh sát Trại giam phản ứng: "Khổ nhất là trông coi, quản lý phạm nhân ở những nơi heo hút, thiếu thốn và khổ cực"...
 Không thèm chấp bọn... tiểu đường
Rút cục, mọi sáng kiến đều chỉ là... sáng kiến và mọi việc Nguyễn Y Vân, CSGT vẫn "gian khổ", vẫn "thiếu thốn" và vẫn "chịu tai tiếng" như bao nhiêu năm nay. Khổ thế chứ!

Tuy nhiên, nhìn vấn đề ở con mắt... lạc quan, không thèm chấp mấy "con sâu nhỏ nhoi" thì hình ảnh CSGT cũng rất "ngộ nghĩnh" (tất nhiên cũng cần phải "khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, hạn chế" - nguyên văn các báo cáo nhé!). Không tin thì cả nhà xem hình cho vui nhé! Cuối tuần rồi.
--------------------------------------
Đè vạch tý nhưng không sao
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ

Cảm ơn bác nông dân


Chết máy trên đường tuần tra
Bay đi đâu cho thoát, hả?

Ga lăng nhất quả đất

Tiện đường vi phạm

(Entry có sử dụng một số hình ảnh đã đăng tải trên các trang mạng xã hội, internet)

22 tháng 4, 2011

TẠI SAO, BẢN GIỐC?..

Mai Thanh Hải Blog - Khoảng năm 2000, lần đầu tiên mình lên Cao Bằng. Địa điểm đầu tiên mình đến là Khu Di tích Pắc Bó và Thác Bản Giốc.

Thuê 1 chiếc xe máy và lọ mọ lang thang cả tuần, nhưng nhớ nhất là 2 ngày ở Thác Bản Giốc.

Hồi ấy, con đường mòn từ Trạm Kiểm soát Biên phòng băng qua cánh đồng xuống bãi đất ngắm thác vẫn còn lầy lội và chi chít vết chân trâu ngọn hoắt. Thác đẹp mê mẩn nhưng vắng vẻ.

Mấy cậu Biên phòng khoát tay chỉ bãi đất nổi giữa sông, giữa mù mịt bụi nước, thì thầm: "Mình cứ trồng ngô là họ sang nhổ. Xô xát suốt. Chỉ còn thiếu nước... nổ súng" và ao ước: "Giá khu vực này được đầu tư, phát triển bằng một phần bên kia, bọn em cũng đỡ buồn và đỡ... tủi thân".

Lặng người: Biên phòng ở biên giới, quanh đi quẩn lại toàn núi đồi, cây lá, thôi thì cũng quen dần. Thế nhưng ở cái nơi hùng vĩ, tuyệt đẹp và "nhạy cảm" này, cứ phải chong ống nhòm, theo dõi bờ sông bên kia tấp nập khách du lịch đàn ông đỏ đắn béo tốt, con gái mặc áo trễ váy ngắn khoe đùi dài trắng nõn, nhà cửa xây cao kiên cố mọc lên từng ngày... thì đúng là tủi thân thật.

Toàn cảnh Thác Bản Giốc

Bây giờ lên Thác Bản Giốc, cột mốc 836 đã được cắm trên đỉnh ngọn thác và mọc thêm 2 cột phụ ở phía bên ta và bên Trung Quốc. Đường từ Trạm Kiểm soát Biên phòng xuống cánh đồng để vào chân thác đã được bạt đất đồi và trải đá dăm cho dễ đi.

Thế nhưng vẫn cứ thấy tủi thân khi đi ngang những chiếc cầu bắc bằng tre - gỗ ọp ẹp, đặt chân lên con đường quanh co, bé tý như thể bờ ruộng để ra với "Khu Thương mại... chợ" nằm cạnh thác.
Cây cầu tre dẫn ra Thác
 
Hai dãy lều tranh tre nứa lá, xiêu vẹo dọc đoạn đường dài khoảng 100m, bán đủ thứ đồ chơi, mỹ phẩm - nước hoa, quần áo nón mũ lưu niệm, nước giải khát - thuốc lá. Tất cả, chiếm đến 95% là hàng... Trung Quốc. Những mặt hàng Madein Việt Nam, đếm trên đầu ngón tay: Thuốc lá Vinataba, Ngựa Trắng, bia lon Hà Nội, nước giải khát đóng chai và... chiếc nón cùm cụp, nặng trịch đan tre, đặc trưng của đồng bào Tày - Nùng Cao Bằng.

Dưới chân Thác Bản Giốc: Hàng quán tạm bợ phía Việt Nam

Nhìn sang bên kia, những tòa nhà sơn xanh liên láo ô cửa kính trắng, trố mắt nhìn chòng chọc; mái ngói sùm sụp nặng mi trên những khối bê tông xám ngoét; con đường bê tông ngoằn ngoèo, bí ẩn qua những gốc cây, bờ sông, ì ì tiếng động cơ ôtô chở nặng trèo lên tận điểm ngắm nhìn mới xây, lưng chừng con thác; những chiếc bè mảng ghép tre treo khung gỗ loằng ngoằng chữ Hán, lượn le ve trên sông bởi tay chèo đàn ông vâm vấp, mặc áo xanh da trời... 
Khu Du lịch của Trung Quốc bên Thác Bản Giố

Chiều muộn, những bố, những mế nháo nhác dọn hàng sớm, lịch kịch chất lên xe máy, phi qua cánh đồng, trượt trên con dốc sỏi, lên đường nhựa về bản. Cả cánh đồng rộng, nửa sông rộng và thác phụ mờ mờ rộng, so vai lại co ro trong sương lạnh và hoang vắng, u buồn.

Phía bên kia, điện bừng lên sáng trắng, rực rỡ kèm tiếng hoa đài, hát hò ông ổng.

Cậu lính Biên phòng người Nam Định tha thẩn tựa hiên cửa ngoài Trạm, nhìn sang nơi sáng rực rỡ, huyên náo nhạc và buồn buồn: "Tủi thân lắm! Chỉ ước bên mình có thêm vài cái nhà xây cao rộng.

Dưới chân thác, ven bờ sông, nếu có mấy ngọn điện sáng thì cột mốc đỡ lạnh và đường biên tuần tra cũng đỡ hoang vắng"...

Cách đây gần 5 năm, người ta đã vạch ra cái gọi là Dự án Khu Du lịch Thác Bản Giốc với cơ man các khu chức năng (Trung tâm đón tiếp, điều hành du lịch và dịch vụ công cộng; cơ sở lưu trú; thể thao nước; thăm quan và nghiên cứu hang động kết hợp thể thao leo núi; bản văn hóa các dân tộc...) do 1 Phó Thủ tướng Chính phủ ký đàng hoàng.

Thế nhưng, đến bây giờ, cái mà dự án làm được, chỉ là đoạn đường trải đá dăm đã trôi hết đá, lổn nhổn đá xanh u cục, chiếc cầu tre đủ 2 người tránh nhau và... mấy tấm biển gỗ nền xanh, chữ trắng nhắc nhở "Không tè bậy, vứt rác"...

Lại nhớ hôm rồi, hình như Thác Bản Giốc lại được đưa lên "bàn hội đàm" cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc với nội dung ngắn gọn nhưng... khó hiểu là "Hiệp định hợp tác và khai thác tài nguyên du lịch khu vực Thác Bản Giốc".

Không hiểu cái "Hiệp định" đao to búa lớn, có phải là tiền đề để những tòa nhà xanh, nằm phía bên kia kéo sang chềnh ềnh trong cánh đồng, để những bóng điện nối bập bõm lội sông, kéo chân sang soi sáng đất của ta...

Thế nhưng có một điều đơn giản mà ai cũng biết: Một quốc gia, dù nghèo khó đến mấy, cũng không phải không làm nổi một con đường, 1 tòa nhà và kéo 1 hàng bóng điện ở nơi thắng cảnh nổi tiếng - duy nhất và đang rất nhạy cảm về chính trị, trước dư luận.

Nhất là khi Khu Du lịch đó đã được vẽ rõ ràng, rành mạch và cụ thể hóa bằng hẳn vài trang quyết định có ký tên, đóng dấu của người đứng đầu Chính phủ...

Mấy trăm mét đường biên giới thiêng liêng, nơi địa đầu Tổ quốc, ở địa điểm mang tính nhạy cảm nhất nhì, mà không kéo được ngọn điện soi sáng, mà hình như có ý định nhờ láng giềng bên cạnh, nổi tiếng là thâm hiểm - tham lam soi hộ... thì việc người dân đặt câu hỏi về phương thức ngoại giao "buôn bạc giả" cũng là điều dễ hiểu và nguy cơ bị mất đất, nói thật, cũng không thể không xảy ra...
 
MỘT SỐ HÌNH ẢNH THÁC BẢN GIỐC

Khẩu hiệu chăng ngang đường lên Thác Bản Giốc
Guồng lấy nước từ suối - Đặc trưng rất riêng của Cao Bằng

Trạm Kiểm soát Biên phòng Thác Bản Giốc

Căn lều duy nhất có người ở ban đêm gần Thác Bản Giốc

Bên trong lều là những chiếc can nhựa của Trung Quốc


Đống vỏ chai bia Trung Quốc dọc đường ra thác

"Trung tâm thương mại" Thác Bản Giốc phía Việt Nam


Những người bán hàng vất vả

Thiếu nữ Thác Bản Giốc

Mảng chở khách ra thăm thác của Việt Nam

Toàn cảnh Thác

Thác chính, bây giờ chia mỗi bên 1 nửa

Thác phụ nằm hoàn toàn trong địa phận Việt Nam

Cột mốc phụ

Mảng Việt Nam chở khách Việt Nam

Bè Trung Quốc chở người Trung Quốc

Người chèo bè Trung Quốc không có khách, ngồi buôn dưa lê


Mấy chú Trung Quốc này thì ngồi nhậu nhẹt

Quà lưu niệm duy nhất đặc sắc Cao Bằng: Nón đan bằng tre
Gà vịt đường biên

Thuyền bơi giữa đường biên giới mong manh

20 tháng 4, 2011

ĐỪNG MANG SÚNG DỌA LINH TINH

Chớ đùa với... Gấ
Mai Thanh Hải Blog - Câu chuyện thuộc dạng ngụ ngôn cười, nhưng cũng rất thâm thúy, sâu cay.

Sau một ngày vất vả vật lộn với manh áo - miếng cơm, đầu căng như dây đàn vì những toan tính, nói cười vô hồn theo kiểu... nghệ thuật để "ít người ghét, nhiều người yêu", cảm giác bất an luôn thường trực và không biết "niềm tin - hy vọng" đặt vào chỗ nào, cho những ai... - Tại sao chúng ta không cười lên 1 chút nhỉ? Cho chính mình nhẹ nhàng, cho cuộc sống thoải mái và tìm chút gì đó. Để sống tốt và để tin...

Thỏ đi chơi nhặt được khẩu súng, thích quá cầm súng chạy tung tăng khắp rừng.

Trên đường, gặp Gấu đang trèo cây lấy mật, Thỏ hất hàm:
- Gấu, mày đang làm gì đấy?
- Bố mày đang lấy mật ong chứ làm gì!

- Gấu! Không lấy mật ong nữa. Xuống đây bố bảo!
- Ơ! Mẹ cái thằng ranh này! Đéo xuống!

- Mày thích nát đầu không? - Thỏ rút súng nhằm vào đầu Gấu.
Nhìn thấy súng, Gấu sợ quá, tụt vội xuống.

* Thỏ sướng quá dọa tiếp:
- Gấu, ngồi xổm vào gốc cây!
- Không, tao không ngồi!

- Mày thích không? - Tay Thỏ vung vẩy súng.
Gấu xanh mặt, ngoan ngoãn ngồi vào gốc cây.

* - Gấu! Ị điiiiiiiii! - Thỏ ra lệnh.
- Nhưng tao đéo buồn ị thì ị thế nào? - Gấu mếu máo.

- Không ị tao bắn!
Gấu rơm rớm nước mắt, rặn cố được vài cục.


* Thỏ hất hàm: - Gấu, ăn đi!
- Không, tao không ăn!
- Không ăn tao bắn!.

Gấu không nhịn được nữa, vừa khóc vừa gào lên:
- Không ăn, không ăn, tao nhất quyết không ăn. Mày bắn con mẹ mày đi!.

Thỏ bóp cò : "Cạch!" - Súng không có đạn.
................
- Anh Gấu ơi!
- Con mẹ mầy! Cái gì?
- Anh cứ để đấy! Để em... ăn cho!...

LÂU RỒI MỚI THẤY

Đại hội Đảng Cộng sản Cu Ba lần thứ VI

Mai Thanh Hải Blog - Rất ngắn và xúc tích, cô đọng đến từng câu chữ, khi liên hệ chuyện xưa tới chuyện nay, việc "người ta" với "việc nhà mình". Đó là Nhà thơ Văn Công Hùng (Ủy viên Ban Chấp hành Hội nhà văn Việt Nam), trong bài viết "Lâu lắm rồi mới thấy" trên Blog của Nhà thơ.

Là nói cái cảnh vỗ tay kéo dài không dứt ở Đại hội Đảng Cộng sản Cu Ba, hôm qua. Phải đến mấy chục năm mới thấy lại cảnh vỗ tay sùng bái như thế.

Thực ra tất cả mọi người đều biết cuộc chuyển giao quyền lực giữa ông anh già ơi là già Phi Đen sang ông em cũng đã rất già Ra Un, được chuẩn bị từ rất lâu rồi, và thực tế thì Ra Un đã điều hành đất nước mấy năm nay. Cuộc chuyển giao này gọi là chính thức công khai thôi. Thế mà cả ngàn người dự Đại hội miệt mài, hân hoan sung sướng, xúc động vỗ tay chúc mừng cứ như là mới... đột ngột biết từ sau bỏ phiếu. Diễn đến thế là cùng. Phim truyền hình giờ vàng Việt Nam cứ gọi là... cụ.
Nhân đấy lại nhớ thời phong kiến thối nát Việt Nam: Chúng ta cực lực lên án chế độ cha truyền con nối. Ca dao cũng chả vừa: "Con vua thì lại làm vua/ Con sãi ở chùa lại quét lá đa/ Bao giờ dân nổi can qua..". Hồi mình đi học, thi thoảng lại có cái đề văn bắt phân tích câu này. Lại tố cáo, phê phán, lại thối nát, sa đoạ...

Giờ hết phong kiến rồi, mà Triều Tiên thì cha truyền, thậm chí là... "ông truyền" đến ba đời. Tức là ông truyền, còn Cu Ba thì... "em nối". "Cha truyền con nối" đổi thành "ông cha truyền em nối" được. Mà họ là Xã hội Chủ nghĩa đấy, mục đích cao nhất của Xã hội Chủ nghĩa là đánh đổ chế độ Phong kiến. Hơ! Hơ!...

Nguồn: Nhà thơ  Văn Công Hùng

GỬI EM NƠI ĐỈNH GIÓ

Nữ chiến sĩ thông tin tại mặt trận Lạng Sơn - 1984
Mai Thanh Hải Blog - Ròng rã cả chục năm dai dẳng đánh trả quân xâm lược Trung Quốc và bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc, hình ảnh những người lính lầm lụi lên chốt, thay phiên cho đồng đội, hốc hác tả tơi xuống Quân Y, Hậu cần... , đã trở nên quen thuộc với người dân các tỉnh biên giới từ Quảng Ninh đến Lai Châu.

Người ta không thể quên cảnh những đoàn xe chạy bụi mù lên biên giới, lính trẻ răng cười sáng bóng, quần áo thơm mùi hồ, súng AK xanh ánh thép, tung thư nhà xuống đường, nhờ người dân mang ra bưu điện, gửi về người thân trước lúc lên chốt.

Người ta càng không được phép quên những chuyến xe từ biên giới về xuôi trong bóng chiều chạng vạng, chạy chầm chậm, để nước không trào ra khỏi đôi mắt ầng ậc nước của cô gái đội mũ Quân y chữ thập ngồi trên buồng lái, để bạt khỏi tung khỏi thùng xe cho những người lính xếp hàng, nằm im lặng say ngủ, che ánh mắt u uất của người cán bộ làm công tác chính sách trong vương vất mùi hương thơm...

Trong đội hình những người lên chốt, mình cứ luẩn quẩn với gương mặt của những nữ chiến sĩ thông tin rặt vùng đồng bằng Bắc Bộ, trẻ trung - tươi tắn, mũ mềm chụp trên tóc, quân phục K82 chít hông, khăn tay thêu làm duyên trên cổ, líu lo qua sóng vô tuyến từ những trạm - điểm nằm tít đỉnh núi, giữa rừng sâu...

Nếu như ở phía sau, dân tình đang rộn ràng chạy theo mốt nhảy đầm, mua sắm xe mini Nhật, xe máy bãi rác đưa về theo đường tàu biển, thì ở trên chốt, bộ đội vẫn chia nhau từng cọng su hào, nhịn từng hớp nước, thay nhau cắn từng miếng lương khô, cả tuần không biết đến tắm...

Trong giấc ngủ vùi vội vã, những người lính vẫn thon thót giật mình choàng tỉnh, níu tay kéo lại sự sống từ mảnh pháo, viên đạn, ngọn lê - nhát dao của đám xâm lược bành trướng hằm hè chiếm chốt, cướp đất.

Sự hy sinh không chỉ đơn giản là ngã xuống bị trúng đạn, pháo, mìn, lưỡi lê - dao găm của địch, mà còn là cắn răng chấp nhận sự thật trần trụi phía sau, cắn răng bảo vệ sự trần trụi đó; Đã bắt đầu nhuốm mùi kinh tế thị trường, người sống vì mình - cho mình nhiều hơn là người sống vì mọi người.

Ký ức mình, vẫn vẹn nguyên hình ảnh những nữ chiến sĩ thông tin tuổi 18-20, lụng thụng trong bộ quần áo lính, còng lưng khoác ba lô ngang qua các thị trấn, thị tứ, thị xã; ngượng nghịu che mặt xấu hổ khi bị người đi đường tò mò ngắm kỹ, dúi mặt vào lưng nhau, hé mắt ngắm những thỏi son, hộp phấn, những chiếc quần con phụ nữ xanh đỏ, viền đăng ten treo trong cửa hàng tạp hóa; những eo lính nữ mềm mại rụt rè xúm quanh hàng chè, thạch đá, cẩn thận mở kim băng gài túi áo, chọn tờ tiền đồng cuốn chặt, cùng đứng chia từng thìa chè, tảng thạch và thi nhau lè lưỡi nghịch ngợm liếm từng viên đá lạnh...

Tháng 4 này, lại lên biên giới. Dừng xe giữa cung đường tay áo, nhẹ bước vào nghĩa trang đỉnh dốc, thắp hương cho những người đã nằm xuống, bia mộ ghi hy sinh 1979-1989.

Nước mắt đã ầng ậc, bất chợt tràn trên má, khi đứng trước bia mộ cô gái thông tin hy sinh đúng tuổi 19 vào đúng năm 1989.

Cô bạn đồng nghiệp sụp xuống nức nở: "Đất nước này nợ các anh, các chị nhiều lắm. Các anh chị ơi!"..

Một bài thơ của 1 cựu binh. Để không quên chiều nghĩa trang biên giới, tháng 4-2011.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nữ chiến sĩ thông tin trên chiến hào Vị Xuyên, Hà Giang - 1985


GỬI EM NƠI ĐỈNH GIÓ


Trạm thông tin của em trên đỉnh dốc Chín trăm

Mỗi bận anh lên, ba lần đứng thở

Em nói đấy là đỉnh gió

Yêu chẳng thật lòng, anh chẳng dám lên.



Bấy giờ đang là mùa hanh

Nước hiếm hoi, gió thì khô khốc

“Ai lên thăm nhớ xách giùm xô nước”

Cái biển đề tinh nghịch, thế mà hay.



Nên anh lên với xô nước trong tay

Tim đập thình thình chín mươi nhịp phút

Cứ nói dối gặp em… anh hồi hộp

Em biết thừa, thương quá chẳng dám trêu
.



Lên đến đây mới biết gió quá nhiều

Gió bốn hướng, ù ù như xay lúa

Lời yêu thương thì rất cần nói nhỏ

Bực mình trách gió quá vô tư
.


Em nói gió nhiều, nước mắt mau khô

Tiếng cười dễ tan điều riêng không giấu được

Có lẽ thế mà em thường hay hát

Nỗi buồn riêng ai nỡ để đầu môi
.


Bây giờ nơi xa xôi

Không khi nào nguôi nhớ về đỉnh gió

Ước một mùa hanh lại về qua đó

Chạy ù lên với xô nước trong tay...


(Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Quân đội - 1982)

NGỘ NGHĨNH TRƯỜNG SA

Đàn bò thảnh thơi trước cửa hầm chiến đấu đảo Nam Yết (ảnh: Minhtnvn-OF)

Mai Thanh Hải Blog - Một nơi chỉ có biển và trời. Nơi chỉ có nước và gió. Nơi chỉ có nỗi nhớ và niềm yêu thương quay quắt: Đó là địa đầu Tổ quốc - Trường Sa. Xa xôi thế. Vất vả thế và gian nguy đến thế. Nhưng nơi đây vẫn có những đặc trưng riêng của mỗi miền quê, vùng miền đất nước: Vẫn có những tiếng gà trống cao ngạo gáy chào buổi sáng, tiếng cục tác nhẫn nại của gà mẹ dẫn gà con bới đất tìm giun buổi trưa hè díu mắt buồn ngủ, chim bồ câu gù tiếng trầm gọi nhau về chiều tối, chó con ngái ngủ vu vơ gọi mẹ đêm khuya... Ở nơi đất trời níu tay, kề vai bên nhau, Tổ quốc hiện diện trong màu cờ, tiếng nói, nhịp chân, ánh mắt... và cả những nét ngộ nghĩnh rất đời thường. Nơi đó là hình hài Đất nước...


Phía sau tàu Trường Sa 01 ứng trực tại đảo Song Tử Tây là vẹn nguyên cuộc sống đất liền với bếp nấu ăn, nhà vệ sinh quây bằng cót ép, liếp thưng và cả những tấm nilon "xác rắn" xanh đỏ. Với những người lính đằng đẵng trên biển, cả năm mới đặt chân lên đất liền 1-2 lần, đó là quê hương thân thương gần gũi để họ sống, chiến đấu và đổ máu bảo vệ.

Xe công nông tự chế (còn gọi là "đầu ngang", "tành tạch") - phương tiện vận chuyển cơ động, đa dụng trên đảo Trường Sa Lớn. Nghe tiếng nổ của xe, lính ta lại nhớ đến những mùa gặt, mùa xây dựng trong đất liền xa xôi

Sống trên đảo, tất cả đều cảnh giác và kỷ luật. Đến mức Thủ trưởng trong đất liền ra thăm, cả đảo xếp hàng đứng nghiêm theo Điều lệnh, những chú vịt cũng có tính kỷ luật, đứng nghiêm theo hàng chào... Thủ trưởng.

Nhìn dòng chữ của bao thế hệ lính mình khắc ngang hòm đạn trên đài quan sát của đảo Nam Yết "Nhớ lắm đất liền ơi", nước mắt tự dưng cứ trào ra, chảy tràn trên má: Thương lắm, đồng đội của tôi ơi!...