|
Vợ chồng Nhà văn - thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ |
Mai Thanh Hải - Mình đi qua miền Trung đúng dịp mùa mưa. Thế nhưng đến Huế, trời trong veo, chẳng thấy mưa gió gì cả. Ngồi trên tầng 2 quán nhỏ cạnh cầu Tràng Tiền, nhìn xuống sông Hương đục ngầu màu đất, cuồn cuộn nước từ trên rừng chảy ra cửa Thuận An, bác Minh Tự (Trưởng Đại diện Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh tại TP. Huế) cứ thắc mắc: "Hay hè!. Mấy hôm trước mưa gió mịt mù, hôm ni lại tạnh mưa, ngớt gió. Hay hè!".
Ngồi với nhau cả buổi tối, nói chuyện linh tinh lang tang, cả những kỷ niệm của mình với bác Minh Tự và những người anh, người bạn ở Huế từ hồi mới biết, chơi với nhau, gần chục năm trước, gian khó vất vả nhưng giàu ú hụ tình cảm, sẻ chia.
Uống bên sông Hương chưa đủ, bác Minh Tự lại cùng mình lang thang quán bia hè phố khu Tây, ồn ào giữa lòng Cố Đô bình lặng và mặc trầm. Lặng lẽ giữa ồn ào, giữa vùng trầm mặc, cứ nhẩn nha nhớ lại những kỷ niệm về Huế, của một thời làm báo lăn lộn nhưng say nghề.
|
Ngày cưới anh Tường chị Dạ |
Càng kỷ niệm, càng nhắc nhiều đến những con người Huế. Câu chuyện của mình với bác Minh Tự, kéo dài tưởng như hết đêm nhưng cứ thấy thiêu thiếu cái gì đó. Trời ạ!.. Đó là qua thăm 2 Nhà văn - Nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ. Bác Minh Tự cũng giật mình: "Ngày mai phải qua thăm anh chị!".
Thế là sáng hôm sau, tụi mình lếch thếch đến thăm 2 người nổi tiếng, mà có lẽ chỉ cần nhắc đến họ, trong lòng rất nhiều người sẽ dâng lên niềm xúc cảm rưng rưng.
Mà không rưng rưng sao được, bởi với mình, cả một thời học sinh - sinh viên cho đến khi đi làm, cứ đọc những câu của 2 anh chị, tự dưng thấy lòng mình ấm lại, mọi suy ngẫm mềm đi và thấy yêu thương cuộc sống, hoài niệm Cố Đô và tin vào những rung cảm rất thật trong sâu thẳm con người, mà người ta hay gọi là Tình yêu...
Một chuyến thăm anh chị, chẳng thể viết được gì nên đăng lại bài đã đăng trên
Trang của bác Ngô Minh, để nhớ 1 buổi sáng yên lành, thăm 2 người yêu nhau, yêu đến bây giờ già cả, bệnh tật nhưng tình yêu dành cho nhau, vẫn không bao giờ vơi cạn...
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------
LÂM THỊ MỸ DẠ - CHO ANH TỰA VÀO EM
Đến năm 2011 này, đã 13 năm nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ vừa sáng tác thơ, nhạc, vừa chăm nuôi người chồng, một nhà văn lớn, bị bạo bệnh phải nằm một chỗ, vất vả nhọc nhằn hơn nuôi con mọn.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong chuyến đi dạy “cua” về Văn hóa Huế ở Đại học Duy Tân, Đà Nẵng, bị tai biến mạch máu não tại khách sạn Faifô đêm 14/6/1998, hôn mê hai tháng liền.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ , lúc đó đang ở Hà Nội, chuẩn bị bay đi Mỹ, dự hội thảo văn học do Trung tâm William Joiner ở thành phố Boston, Mỹ mời. Nghe tin chồng bị nạn đang cấp cứu ở Bệnh viện Đà Nẵng, chị quyết định bỏ chuyến đi Mỹ, tức tốc bay về Đà Nẵng, và bên chồng như một “điều dưỡng viên” từ ấy tới giờ.
Nữ thi sĩ vừa là người vợ tần tảo, vừa là “Người Mẹ” bao dung, săn sóc, đút mớm cơm cháo, thuốc men, xoa bóp, tắm rửa cho chồng. Trăm thứ việc nặng nhọc không tên đổ lên đôi vai mỏng mảnh của Dạ.
|
Nhà thơ LTMD hồi trẻ |
Trong tập thơ mới nhất "Hồn đầy hoa cúc dại", xuất bản 2007, có một bài thơ rất cảm động thể hiện bản lĩnh và sức mạnh tình yêu của người phụ nữ: "Cho anh tựa vào em".
Người ta hay nói chị em nữ là “phái yếu”. Nhưng ở đây nữ thi sĩ xinh đẹp của chúng ta đang hoá thành “kẻ mạnh” để cho chồng “tựa vào” :
"Bàn tay nâng em thành bảo mẫu/ Nước mắt lặn vào trong cho anh thấy nụ cười/ Bệnh tật lo toan giấu vào đêm trắng/ Giữa tháng ngày trĩu nặng/ Em đứng thẳng người/ Cho anh tựa vào em...'.
Mỹ Dạ kể rằng: Năm 1972, Anh Tường đang là cán bộ của Thành ủy Huế, được trên điều động ra Quảng Trị để lập tham gia bộ máy của tỉnh Quảng Trị vừa mới giải phóng đến sông Thạch Hãn. Anh giữ chức Trưởng ty Văn hóa. Đầu năm 1973, vì ham vui, Hoàng Phủ Ngọc Tường theo xe của đạo diễn Hoàng Tích Chỉ vào làm phim chiến tranh Quảng Trị, để ra thăm miền Bắc. Đến Đồng Hới, hai anh em ghé thăm Hội Văn nghệ Quảng Bình sơ tán ở Phú Vinh.
|
HPNT (đứng giữa) trong phong trào HSSV Huế |
Tại đây người trí thức Huế, giáo sư siêu hình học Trường Khải Định (tức Trường Quốc học) 36 tuổi Hoàng Phủ Ngọc Tường nổi tiếng “xuống đường” ấy đã bị nữ nhà thơ trẻ xinh đẹp Lâm Thị Mỹ Dạ hớp hồn.
Dạ lúc đó mới 24 tuổi, mới được Hội Văn Nghệ Quảng Bình gọi từ Lộc Thủy, Lệ Thủy về vừa làm văn thư, vừa để bồi dưỡng tài năng sáng tác thơ.
Hoàng Phủ nhớ lại: “Hồi ấy ở Hội Quảng Bình, nhà văn Trần Công Tấn (gốc Quảng Trị, tập kết ra Đồng Hới, là người viết rất nhiều sách về Lào, do thành tích cứu Hoàng thân Xuphanuvông được công nhận là thành viên của Hoàng Gia Lào), là “ông mối” nhiệt tình nhất. Chúng mình thư từ qua về, 6 tháng sau là cưới”.
Tôi hỏi :”Lúc ấy, anh đọc thơ Mỹ Dạ chưa?”. Tường cười :“Ở chiến khu mình có đọc vài bài thơ Dạ trên báo nhưng không để ý mấy. Ra đây nghe các anh giới thiệu, mới biết Dạ vừa giành được giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm ngoái, khi mới 23 tuổi. Nhưng thơ không quan trọng. Mình “bị sốc” vì Dạ quá hiền dịu và rất dễ thương”.
|
Từ trái sang: HPNT, Nguyễn Trọng Tạo |
Lại hỏi Dạ : “Lúc ấy đã đọc gì của anh Tường?”. “Dạ biết anh Tường là nhân sĩ trí thức yêu nước nổi tiếng ở Huế, không ngờ anh lại trẻ thế. Còn sách thì chưa được đọc cuốn nào của anh ấy!”. Nghĩa là trước khi đến với nhau, họ đều là những người cầm bút đang bước những bước đầu tiên trên con đường văn chương thăm thẳm.
Đám cưới Tường Dạ hoàn toàn do bạn bè văn nghệ người Huế ở Hà Nội chung tay lo liệu.
Nữ nhà văn Ngọc Trai (chị tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Ngọc Trai, nhưng ra Bắc, sợ bị quy lý lịch là “ Nhà Nguyễn bán nước" , nên phải đổi là Nguyễn Ngọc Trai), lo xoong nồi chén bát, chỉ huy nấu nướng món Huế. Chị Trai nhớ lại: Lúc đó “Tường thì lơ ngơ, còn Dạ lại như con nai vàng, thương lắm”.
Nhà văn Trần Nguyên Vấn lo in thiệp cưới, rồi đạp xe đi mời từng người.
Trần Công Tấn từ Đồng Hới chèo đò 20 cây số lên Lệ Thủy chở Bà Lý Thị Đấu, mẹ Dạ về Đồng Hới rồi đưa ra Hà Nội dự đám cưới con gái.
Thời đó Hà Nội không có cửa hàng cho thuê áo dài cưới như bây giờ. Nên Nghệ sĩ Thanh Vy, Đoàn Cải lương Trần Hữu Trang Nam Bộ, vì phục tài anh Tường, đã dẫn Dạ về đoàn để mượn áo dài là trang phục diễn viên. Dạ – Tường chọn cả buổi mới được một bộ vừa ý.
Ngày 27/10/1973, bạn bè văn chương Thủ đô đến chật khu nhà 51- Trần Hưng Đạo mừng tân hôn hai người. Gia đình Hoàng Phủ ở Huế không ai biết con trai cưới vợ. Thay mặt gia đình bên trai là bà Hoàng Thị Ái, người cô họ của Tường, lúc đó là Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam.
Dự đám cưới Tường -Dạ có đông đủ các cây đa cây đề của làng văn Việt Nam như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Tế Hanh...
Những ngày đông Hà Nội đó, Hoàng Phủ làm thơ tặng Mỹ Dạ: “
Em, chắc em sẽ không quên/ Gốc sấu già đổ bóng dài trên mặt cỏ/ Anh đứng chờ em ở đó… Mai giã từ Hà Nội/ Ta về miền nắng chói/ Nhưng có bóng im nào che đời ta mát hơn/ Một không gian xanh biếc giữa tâm hồn”. Đó là ngày mà số phận và văn chương hai người mãi đồng hành với tình yêu nồng cháy .
|
Từ trái: Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Nguyễn Trọng Tạo, HPNT |
Thời bao cấp, cán bộ đã khổ, vợ chồng nghệ sĩ như Tường – Dạ càng khổ hơn. Tường là người đàn ông “ham chơi”. Lương bổng hai người chưa đến 120 đồng, không đủ nuôi hai đứa con, mẹ già chồng, thế mà hễ bạn bè đến nhà là Tường gọi: “Dạ ơi, cho anh mấy chai bia!”.
Nhưng không chơi, không đàm đạo văn chương thì không thể viết được. Dạ hiểu điều đó. Tường đi lang thang suốt Cà Mau, Quảng Nam, Quảng Trị, Sài Gòn… Dạ đều âm thầm chuẩn bị lộ phí cho chồng. Những tháng ngày ấy, bạn bè đến nhà không hề biết hai vợ chồng đã có lúc “hục hặc” vì thiếu tiền.
Gia đình anh Tường mấy đời ở Huế, Dạ thì gốc gác chân đất Quảng Bình, nên từ chuyện nấu món ăn Huế, đến cách ăn mặc, dáng điệu đi đứng không ít lần mẹ chồng, bà con bên chồng và nàng dâu không hiểu nhau…Nhưng nhờ bản tính dịu dàng, dần dần Dạ đã được mọi người nhà chồng yêu mến.
Năm 1979, chiến tranh biên giới ác liệt. Tường nói với vợ: “Anh phải lên biên giới thôi, đất nước nguy nan!. Em còn tiền không?”.
Thời đó, gia đình nào cũng sống bằng đồng lương, tem phiếu, làm gì có tiền dự trữ. Dạ lẳng lặng đi bán bộ quần áo dài mà mẹ Tường máy bằng nhiễu đỏ, dành tặng cho con dâu từ miền Bắc vào, bộ quần áo ấy Dạ cất kỹ bây lâu nay, như của gia bảo. Bí quá, Dạ phải bán. Rồi Dạ ứng tháng lương để có tiền cho chồng đi biên giới.
Chuyến đi ấy, Hoàng Phủ đã viết bút ký nổi tiếng “Rừng Hồi”. Chuyến đi nào Tường viết được cái gì hay, Dạ đều rất phấn chấn.
Rất nhiều ánh lửa (1979), Ai đã đặt tên cho dòng sông (1984) là hai tập bút ký xuất sắc khẳng định vị trí của Hoàng Phủ trên văn đàn. Bậc thầy về ký Nguyễn Tuân phải thốt lên: “Ký Hoàng Phủ Ngọc Tường rất nhiều ánh lửa”.
Đi học Trường viết văn Nguyễn Du 3 năm, Mỹ Dạ mang theo cô gái út Bê Lim mới chưa đầy tuổi đi theo. Hai mẹ con ăn một suất cơm. Hàng ngày lên lớp, con bé theo mẹ như một chú mèo con.
|
Phải sang: Nguyễn Trọng Tạo, HPNT, Nguyễn Quang Lập (Bọ Lập) |
Có lần vào cửa hàng, con bé thấy sữa, nằng nặc đòi mẹ mua. “Con thèm sữa như cái lò xo hắn đã bật đến mức cuối cùng rồi!”. Chị thương con trào nước mắt. Thời gian đi thực tập, Dạ đưa con về cho Ông Tường (chữ Dạ hay dùng) chăm.
Đàn ông Huế xưa nay không ai lo việc bếp núc gia đình bao giờ. Thế mà Hoàng Phủ nuôi hai con nhỏ cả năm trời. Khi nấu ăn cho con Tường phải mở sách dạy món Huế. Mải đọc sách để tra cách nấu, ngoảnh lại thì đĩa xào đã bốc khói.
Cơm Tường nấu bao giờ cũng bị khê cháy vàng. Hai đứa nhỏ ăn quen đến độ, năm sau khi mẹ về nấu cơm chín trắng, chúng bảo: “Ba nấu cơm màu vàng, thơm hơn!”.
Ông Tường có lần ngọng nghịu nói với tôi : "Mỹ Dạ không chỉ là vợ mà là ân nhân của mình !”. Cuộc đời ông Tường đã cấp cứu ở bệnh viện năm bảy lần. Lần nào cũng thập tử nhất sinh.
Bây giờ, Ông Tường bị liệt nửa người, nằm một chỗ, muốn ngồi dậy Mỹ Dạ phải đỡ. Mỹ Dạ “bồng” Tường lên xuống xe lăn, đọc sách, báo, thư từ cho anh Tường nghe. Khi bạn bè đến thăm, ông Tường mừng quýnh , giục Dạ cho lên xe lăn. Những lúc đó anh nói ngọng không rõ tiếng, Mỹ Dạ phải làm “phiên dịch”.
Điện thoại của bạn bè như Lê Huy Cận, Đặng Tiến, Thái Kim Lan , Đinh Cường… từ Pháp, Đức, Mỹ hay Hà Nội, Sài Gòn… cho ông Tường, Mỹ Dạ đều phải dịch lại. Mỹ Dạ đi đâu xa một vài ngày là Ông Tường không ổn.
Có lần chị được Đài Truyền hình Huế mời ra Đông Hới để quay bộ phim tài liệu về chị do tôi viết kịch bản. Chiều tối chị năn nỉ nhờ xe của tỉnh chở vô Huế ngay trong đêm “kẻo không ai chăm sóc ông Tường”. Trăm nghìn thứ việc chưa từng có ập xuống đời người phụ nữ làm thơ nổi tiếng ấy.
Tuổi ngày càng cao, Mỹ Dạ càng bị nhiều thứ bệnh tật hành hạ, viêm khớp, viêm xoang, nhức đầu, tim... Ngày nào cũng một bì thuốc Tây với hàng chục thứ khác nhau. Có lần đưa chồng vào toilet, Dạ ngã ngay bậc cửa. Thế mà chị vẫn hàng ngày dịu dàng bên chồng. Chồng ngủ rồi chị lại thức làm thơ.
|
Trái qua: Nguyễn Trọng Tạo, Phùng Quán, HPNT |
Gần đây chị lại viết ca khúc. Đến nay chị đã sáng tác được 12 ca khúc, trong đó bài hát về làng quê mình bên sông Kiến Giang, về Tây Nguyễn rất hay. Năm 2010, Mỹ Dạ đã cho ra mắt một Album nhạc của mình.
Khát khao cháy bỏng của Mỹ Dạ là làm sao chữa cho Ông Tường đi lại được. Có lần, có ông thầy từ Hà Nội vào, tìm đến nhà Dạ, xưng tên và tự quảng cáo: "Tôi là người đã từng chữa bệnh cho các ông “Trung ương”. Nay nghe tin anh Tường, nhà văn lớn bị liệt, tôi xin nguyện chữa bệnh không mất tiền!”.
Thế là Dạ xúc động. Ông thầy thuốc xoa bóp chân cho ông Tường 3 buổi , rồi bảo Mỹ Dạ: "Thế là sắp ổn rồi đấy. Bây giờ chị mua cho anh Tường một lạng cao hổ cốt này, ngâm cho anh uống một tuần là khỏi!”. Lạng cao gần hai chục triệu đồng (năm 2008). Dạ không đủ tiền, phải điện vay Ngô Minh . Uống xong mà bệnh vẫn không thuyên giảm. Hay là “cao lừa?”.
Nghe ai nói có thuốc gì hay, thầy nào giỏi, dù xa xôi, tốn kém đến mấy, Dạ cũng tìm bằng được. Nhưng những lần Dạ đưa chồng đi “tìm thầy”, cũng đa đoan lắm, vì thầy thuốc giỏi thực thì hiếm, mà “thầy thuốc “một tấc đến trời” thì nhiều.
Mỹ Dạ đi lùng mua mấy cái máy lắc chân cắm điện, để ông Tường lắc chân hàng ngày, sợ bị teo cơ do nằm một chỗ.
Năm 1999, nghe tin ở Bắc Giang có ông thầy hay lắm, người nằm liệt giường không đi được, uống mấy thang của Thầy là chạy nhảy được liền. Mỹ Dạ mừng quýnh, liền đi Hà Nội tìm thầy, năn nỉ mời thầy chữa bệnh cho chồng.
Thầy bảo phải đưa bệnh nhân ra Hà Nội để thầy bắt mạch, bốc thuốc trực tiếp. Đó là chuyến đầu tiên Mỹ Dạ “cõng” chồng đi chữa bệnh ở Hà Nội.
Mỗi lần đưa được ông Tường ra Hà Nội (hay đi đâu) quả là kỳ công, có trăm việc phải lo liệu, bố trí từ mấy hôm trước. Phải có mấy người “cõng” ông Tường từ trên lầu Khu chung cư Nguyễn Tường Tộ xuống phố. Đặt ông vào xe taxi. Tàu tới Ga Huế chỉ dừng 5 phút, phải có hai người thật nhanh, thật khỏe mới kịp cõng ông Tường lên tàu. Lại phải có mấy người khác thúc hối nhau chuyển bao, gói lên tàu.
Nói Mỹ Dạ “cõng” chồng là nói "cõng” trên việc trù tính. Còn trực tiếp “bồng” Tường xuống lầu, lên tàu nhiều lần, tôi thấy thường có Võ sư huyền đai đệ thập đẳng karate Nguyễn Văn Dũng cùng các đệ tử, hay nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch.
Đó là chưa kể hàng chục bao gói túi xách áo quần, chăn màn, sách vở, soong nồi, bát đũa, bếp ga, nồi cơm điện, phích nước... đi kèm theo, y như một chuyến chuyển nhà. Phải vài ba xe xích lô mới chở hết.
Ra đến Hà Nội , lại phải có người cõng ông Tường xuống tàu, lên xe con. Ở Hà Nội, nhà thơ Hữu Thỉnh và anh chị em ở Văn phòng Hội Nhà văn đã nhiệt tình bố trí chỗ ở cho ông Tường suốt ba tháng liền. Ba tháng điều trị, tính ra gần cả trăm tháng thuốc, Hoàng Phủ không khỏi bệnh.
Năm 2000, nghe đồn ông thầy lang ở Đà Nẵng “bấm huyệt” chữa bệnh trăm người đều lành. Mỹ Dạ lại sốt sắng “cõng” ông Tường đi tàu hỏa vô Đà Nẵng. May mà ở Đà Nẵng đã có tốp bạn bè chí cốt như Lê Diễn, Vĩnh Quyền, Đà Linh, Hoàng Trọng Dũng… lo cho chỗ nghỉ, không thì không biết tiền đâu chịu thấu.
Có lẽ thầy chưa hiểu bệnh của ông Tường là rất nặng, lại muốn ông Tường lành bệnh thật nhanh, nên thầy đã xoa bóp, mat-xa quá mạnh. Thầy bấm huyệt thật mạnh, vỗ thùm thụp vào lưng vào vai. Ông Tường đau nhừ người mà không dám kêu.
Mười ngày "đấm bóp”, ông Tường không thấy trong người tiến triển gì, nên “xin” Mỹ Dạ cho ra Huế. Rồi Lâm Thị Mỹ Dạ “cõng" Tường đi Sài Gòn , Hà Tây… Vất vả mấy cũng chịu đựng, chỉ mong mỏi Hoàng Phủ lành bệnh.
Cuối năm 2002, Lâm Thị Mỹ Dạ nghe tin đồn ở vùng núi Khe Sanh, Quảng Trị có một “thầy” chữa lành rất nhiều người bị liệt không đi được, chỉ trong một thời gian ngắn. Dạ mừng quýnh, mấy lần nhờ bạn bè lên Khe Sanh thăm dò. Quả có một “thầy" như thế thật. Thế là Mỹ Dạ lại “cõng” ông Tường đi chữa bệnh lần thứ tư.
Lại một chuyến vất vả “ chuyển nhà lên Khe Sanh”. May mà có ở Văn hóa - Thông tin Quảng Trị đưa xe vào Huế chở cả nhà và UBND huyện Hướng Hóa dành một phòng ở nhà khách của Huyện cho ông Tường nằm chữa bệnh, không thì không biết tá túc ở đâu ở thị trấn miền núi ấy.
Tôi lên Khe Sanh thăm ông Tường và được mục kích “thầy “đang chữa bệnh. “Thầy” tên là Phạm Thị Gái, 50 tuổi, có 11 đứa con, khuôn mặt dễ thương, sáng sủa.
Điều lạ lùng là “Thầy" Gái không biết một chữ bẻ đôi, làm nghề quét rác chợ Khe Sanh, lại đi chữa bệnh cho “một bồ sách khổng lồ” như Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Nghe nói bà Gái đã chữa cho rất nhiều bà con người dân tộc Vân Kiều liệt 3 năm rồi vẫn lành, đi lại được, có người chết rồi lại sống lại. Tôi hỏi “ Răng mà tài rứa?”. “Thầy” Gái cười, bảo :” Em mù chữ không biết thuốc men chi mô, đây là làm theo “lệnh trên", “trên” phù hộ là được!”. “Trên” ở đây có nghĩa là thần linh.
Bà Gái chữa bệnh theo kiểu dân gian: Chích, lễ và xông giác. Ba giờ chiều là chích lễ, giác. Những mảnh thủy tinh đập vỡ ra từ bóng đèn Hoa kỳ, được nhúng rượu “quốc lủi“ Khe Sanh thay cho cồn, rạch vào da huyệt, đốt giấy bỏ vào ống giác rồi úp lên chỗ rạch. Dân gian gọi đó là "bầu giác”. Máu màu đen tức là “máu độc”, cần phải hút cho hết. Ông Tường toàn máu màu đen.
Thầy Gái giác hút khắp người đến hai tháng vẫn chưa hết. “Thầy” Gái còn chích lễ ở đầu lưỡi ông Tường. Ông Tường bảo đau lắm, nhưng phải chịu đựng. Hai đứa con gái Bê Líp, Bê Lim và Mệ, ai cũng hoảng sợ khi biết “thầy” châm mũi thủy tinh vào lưỡi ông Tường, mà chẳng có sự bảo hiểm nào...
Sau chích là xông. Khi xông, Thầy Gái cùng chui vào chăn để... “ bấm huyệt chân” cho ông Tường.
Tôi theo dõi, một lần xông 30 phút.” “Trò Tường” mặc quần đùi, mồ hôi ròng ròng. “Thầy Gái” mặc đồ bộ, ướt như tắm. Chữa bệnh dân gian đơn giản thế, mà theo ông Tường thì rất hiệu quả.
Ông Tường kể : “Toàn thân bên trái của mình trước đây nặng lắm. Bây giờ thì nhẹ nhõm hẳn. Có cảm giác như một khối bê tông bị đập bể!”.
Quả thực, ông Tường sau 5 tháng "Thầy" Gái ở Khe Sanh chữa chạy, giọng nói đỡ ngọng hơn, mặt mũi bình thường lại, lại có thể tự mình lật ngồi dậy trên giường, hoặc đứng bằng hai chân trên sân tới năm phút, lại có thể vung tay đến năm bảy lần khi Mỹ Dạ hô…
Và ông Tường lại làm thơ về Khe Sanh, về người Vân Kiều : "Tâm hồn Vân Kiều vốn thế/ Giúp đời chẳng quản công lênh...”. Đặc biệt , sau chuyến “thượng sơn” gặp "Thầy" Gái ấy, Ông Tường viết rất khỏe và đã tự ngồi xe lăn viết viết thư cho con gái, không nằm đọc cho Dạ, hay Mệ chép như trước nữa.
Mới tháng 10 dương lịch mà Ông Tường đã viết tới 10 bài báo Tết Giáp Thân theo đơn đặt hàng. Đây là chuyến Mỹ Dạ đưa ông Tường đi tìm thầy thành công nhất. Nhưng rồi bệnh đâu hoàn đây, anh Tường không thể tự đứng lên được.
Cuối năm 2004, Lâm Thị Mỹ Dạ nghe báo chí viết về khu vườn lạ kỳ, chữa được bệnh ở Long An, chị đã tức tốc vào Sài Gòn, rồi tìm đến tận Khu vườn ở ấp Đức Lập Thượng, Long An để khảo sát. Nữ thi sĩ của chúng ta đã chứng kiến rất nhiều người, kể cả cố Đại tướng Mai Chí Thọ, nhờ khu vườn mà khỏi hoặc thuyên giảm bệnh.
Mấy ngày sau, một chuyến đi Long An cho Hoàng Phủ Ngọc Tường được tổ chức. Tại ga Huế, tôi và nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch, võ sư Nguyễn Văn Dũng, nhà văn Trần Thùy Mai... tiễn đưa ông Tường, chụp ảnh chung với ông Tường và Dạ bên chiếc xe lăn để kỷ niệm, với hy vọng ông Tường sẽ không bao giờ ngồi xe lăn nữa.
Ở vườn Đức Lập Thượng lạ kỳ đó gần ba tháng, Hoàng Phủ đã hàng chục lần tự đứng một mình không vịn đến năm phút.
Lâm Thị Mỹ Dạ mừng quýnh. Chị tin rằng, nếu ở đây một thời gian nữa chắc Hoàng Phủ Ngọc Tường sẽ chống gậy đi được.
Nhưng rồi chính quyền địa phương có lệnh giải tỏa vì cho là “mê tín dị đoan”. Mỹ Dạ đã chạy khắp nơi, gõ cửa những người có quyền thế để kêu cứu cho chồng mình được tiếp tục chữa bệnh ở Khu vườn Đức Lập Thượng ấy, nhưng vô hiệu. Thế là ước mơ được đi đứng của ông Tường không thực hiện được.
Năm Tân Mão này, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tuổi 75. Có lẽ Tường không bao giờ tự mình đứng ngồi, đi lại được nữa.
Hiện nay, hai con gái, cô lớn làm việc ở Sài Gòn, cô út nhà thơ lấy chồng định cư ở Mỹ. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ vẫn hàng ngày chăm sóc chồng , như chăm một đứa trẻ…
Dù tuổi cao, nhiều bệnh tật xuất hiện, Mỹ Dạ vẫn đứng vững để cho "anh tựa vào em". Vâng!. Duyên là phận. Hai trái tim thơ biết đùm bọc nhau vượt qua tai ương cuộc đời, âu đó cũng là một bằng chứng của tình yêu, hạnh phúc giữa cõi đời cay cực này...
-----------------------------------------------------------------------------------------------------
NHÀ VĂN HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG VÀ NHÀ THƠ LÂM THỊ MỸ DẠ (12/2011)
|
2 vợ chồng Nhà văn |
|
Nghe Nhà văn kể chuyện ngày xưa |
|
Tuyển tập mới của Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ |
|
Nhà báo Minh Tự, Trưởng Đại diện Báo Tuổi trẻ TP bên Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường |
|
Ngẩn ngơ nghe Nhà thơ kể chuyện ngày... chưa xưa |
|
Nhà thơ viết lưu bút, tặng sách cho MTH |
|
Lưu bút |
|
Vất vả, lo toan nhưng vẫn không xóa nổi nét duyên của Huế - Xin cảm ơn Nhà thơ |