7 tháng 11, 2013

TẢ LÓ SAN - 14 NĂM TĂM TỐI

AABC - Lập bản mới, lên biên giới giữ đất từ 14 năm nay nhưng dân số của cả bản Hà Nhì, cố mãi mới đạt con số 14 hộ với đúng 69 nhân khẩu, sống trong cảnh đói ăn triền miên (từ đầu năm đến nay, bộ đội Biên phòng phải cứu đói 3 lần, mỗi lần 15 kg gạo/khẩu), tối tăm không điện chiếu sáng, không sóng điện thoại, không tivi - đài đóm...

Tấm hình này chụp lớp học chung cho cả Tiểu học và Mầm non ở điểm Bản, nơi "sống - chiến đấu - lao động" của 2 cô giáo trẻ người xuôi đã mòn mỏi, cô đơn bám bản mấy năm nay, trông giữ 7 học sinh Tiểu học (lớp ghép từ 1 đến 3) và 6 đứa lít nhít Mầm non.

Mình sẽ từ Hà Nội lên TP.Điện Biên, thêm 1 ngày trời ngồi Uoat Biên phòng vào tới Đồn nằm nơi xa hút Mường Nhé và đi bộ 15 km lên tới bản. Nhất định là như vậy!..

Đã cùng các bạn trong AABC xin được 1 màn hình tivi, 1 đầu đĩa VCD, mua giá ưu đãi 15 chiếc radio chạy pin tặng cho các hộ dân trong bản, 2 cô giáo và đang hì hục xin thêm ít chăn chiếu, quần áo, tất mũ, đồ ăn cho bọn trẻ con.

Anh em Biên phòng hớn hở: "Anh cứ có bao nhiêu mang lên đây, bộ đội em gùi cõng mang vào cùng anh hết, bao nhiêu cây cũng đi được!" nhưng buồn rầu: "Trong ấy điện không có, xem tivi sao anh?", khiến mình cũng oải hết cả người: 1 máy phát điện chạy bằng sức nước 3 KW, thêm 1.200m dây dẫn điện từ suối về bản, cũng trên 20 triệu đồng.

Xin đâu ra để xóa mù, đuổi đêm cho bản Hà Nhì thêm động lực, yên tâm giữ mốc giới - đất đai địa đầu Tổ quốc?..

Tự dưng lại ước: Lãnh đạo TP. Hà Nội cho xin 1 cánh cửa nhà vệ sinh tiền tỷ, để bản địa đầu có chút vàng leo lét, sáng qua đêm?..
----------------
Xem thêm bài trên trang của Đài PTTH tỉnh Điện Biên nói về thực trạng Bản hiện nay và khó khăn quá, một số hộ đã bỏ khỏi chỗ ở, khiến các hộ khác cũng đang có ý định bỏ theo. Nếu cả bản bỏ biên giới, thì cột mốc địa đầu Tổ quốc, sẽ ra sao?.. XEM Ở ĐÂY

6 tháng 11, 2013

CHỈ HỌC NỔI NỬA NGÀY...

AABC - Từ Đồn Biên phòng 211 - Thàng Tín (Hoàng Su Phì, Hà Giang) lên đến điểm Trường Mầm non bản Ngải Thầu, phải vượt qua núi, men theo sườn núi và xuyên nhờ qua ngõ - sân của cả chục nhà dân trong bản, mới tới nơi.

Đầu giờ chiều tới lớp, thấy ngôi nhà trình tường đất cũ kỹ, nứt nẻ và tối om om với duy nhất 1 cửa ra vào 1 cửa sổ, vắng hơn cả chùa Bà Đanh.

Đứng đến 20 phút, mới thấy 1 cô tre trẻ lật đật tay bế, lưng cõng, tay dắt mấy đứa lít nhít sấp ngửa chạy lên.

Em tên Huyền, giáo viên Mầm non trông coi - dạy dỗ gần 30 đứa lít nhít trong bản.
Hỏi: "Học sinh đâu hết?", lí nhí: "Về hết rồi ạ!".

Hỏi: "Em ở đâu lên đây?", càng lí nhí: "Em vừa về đến Trường chính, định và bát cơm thì thấy các anh ở Đồn Biên phòng đi lên, nghĩ có thể mọi người rẽ qua thăm điểm Trường nên chẳng kịp ăn, chạy lên mấy nhà gần lớp, đưa học sinh đến!".

Khó hiểu: "Chương trình làm gì có chuyện cho học sinh học nửa ngày?".

Ngân ngấn nước mắt kể, nghe em nói xong mới thấy mình trách nhầm:

Lớp học là nhà dân cho mượn, xây dựng từ tám hoánh hồi nào cũ kỹ đúng phong tục, chút ánh sáng duy nhất cho rõ mặt người là 2 khuôn cửa chính - cửa sổ và chỉ hơi lờ mờ, lúc... gần trưa, dịp mùa hè khi nắng chang chang khắp nơi (dĩ nhiên, mùa đông trên vùng cao Thàng Tín, mây phù đặc quánh quanh năm, học sinh Mầm non, họa may mới đến lớp khi bố mẹ đi chợ búa - giỗ chạp cả ngày, bắt cô giáo làm bảo mẫu trông từ sáng đến đêm).

Điện thắp sáng ư, cho dù là điện nước vàng ệch?. Giấc mơ quá xa vời từ bao năm nay, bởi đến cả bản cũng chả có, nữa là lớp học?..

Đèn - nến ư?. Tiền đâu mà mua và mua đâu, khi thủ phủ Hà Giang cách nửa ngày đường đi xe máy và thị trấn huyện, tuy nhìn thấy ngay dưới chân núi, nhưng lên xuống cũng mất gần nửa ngày?..

Và sự ngân ngấn, thành nước mắt lăn dài trên má: "Em cũng muốn học sinh ăn học đàng hoàng, để đơ bị khiển trách - kỷ luật vì không hoàn thành nhiệm vụ lắm chứ?. Nhưng anh nhìn xem, duy nhất mỗi cái nhà làm phòng học. Học sinh sáng đến lớp, trưa về ăn cơm và ngủ luôn tại nhà. Muốn ăn tại lớp, cũng đâu có bếp?. Muốn ngủ tại lớp, mỗi nền đất, không có nổi cái bàn, manh chiếu, tấm chăn như những điểm khác?" và tức tưởi: "Đến nhà vệ sinh cũng không có, cô trò toàn phải... đi liều xuống lưng nhà dân phía trước, xong lại xách xô xuống nhà dân xin nước dội hoặc lấy xẻng xúc đất đổ lên, cho đỡ mùi và đỡ bị dân trách móc, mắng chửi!"...

Rời Thàng Tín xuống núi, tới thị trấn Vinh Quang của huyện Hoàng Su Phì, đọc mạng mới biết: Hà Nội vừa phê duyệt xây dựng 15 nhà vệ sinh, trị giá mỗi nhà 1 tỷ đồng.

Không nén nổi, chửi: "Mẹ!. Chỉ cần cái vẩy rơi rớt của số ấy thôi, bộ đội - giáo viên và dân bản cũng xây đủ 1 nhà vệ sinh, kéo 1 đường nước và làm 1 gian bếp, cho gần 30 đứa trẻ con lẫm chẫm thực học ra học, cô giáo thực dạy ra dạy!".

Không có những đứa trẻ, con người, lớp học trên vùng biên giới, giữ đất - giữ mốc và ngăn chặn mọi âm mưu cướp bóc - phá hoại - lấn chiếm từ bên kia biên giới này, chắc gì họ được yên lành mà ăn chơi, ngủ nghỉ, nữa là đi vệ sinh trong những nơi tiền tỷ?..

5 tháng 11, 2013

ĐẶC SẢN... MỲ TÔM, Ở VÙNG BIÊN THÀNG TÍN

AABC - Nó 3 tuổi bé tý, nhỏ hơn cả cái kẹo mút, mới đi học Mầm non nên ăn trưa rất chậm.

Các bạn ăn xong từ lâu, được cô giáo đưa lại lớp, trải chiếu cho năm ngủ trưa cả đống như cá hộp úp thìa rồi, nó vẫn ngồi lập cập xúc từng hạt, trệu trạo nhai cho xong bát cơm không, chan nước canh nổi ít váng mỡ, theo tiêu chuẩn "không người lái".

Thấy tụi mình tanh tách chụp hình, nó mếu máo, nước mắt lưng tròng và òa khóc nức nở - tức tưởi, thương thương là...

Chỉ đến khi cô giáo bụng bầu tướng, bế xốc lên lau nước mắt, vuốt tóc rối bung dỗ dành, nó mới tạm nín, nấc nghẹn dỗi hờn.

Cô giáo thở dài: "Mỗi mình em vừa trông, vừa dạy, vừa nấu ăn trưa cho vài chục đứa. Xong là cho chúng đi ngủ, dọn bàn ghế - bát đũa, đến giờ mình cũng chưa kịp ăn trưa, nên cũng đành để nó tự xúc ăn cơm không vậy!".

Tự dưng lại nghĩ lẩn thẩn: Bao gia đình trong miền Trung đang "bội thực" mỳ tôm, chán chả buồn nhận từ các đoàn cứu trợ, nếu "phát động" thu nhận gửi cho con trẻ vùng cao biên giới, chắc họ vui lắm và cô trò chả phải trệu trạo - tất tưởi từng bữa thế này...

Thương, cả cô lẫn trò trên địa đầu biên giới Thàng Tín (Hoàng Su Phì, Hà Giang).
------------------------------
* Tìm hiểu về hoạt động của Chương trình Áo ấm Biên cương, giúp học sinh xã Thàng Tín nói riêng và các tỉnh biên giới phía Bắc, tại http://aoambiencuong.com

BIÊN GIỚI HÀ GIANG, MÙA HOA TAM GIÁC MẠCH