2 tháng 6, 2012

"QUY ĐỊNH SỬ LÝ TÌNH HUỐNG TRÊN KHÔNG"

Tấm biển "Quy định Sử (viết sai chính tả nha) lý tình huống trên không", đặt tại 1 trận địa pháo phòng không, bảo vệ điểm cao được đánh giá là "Vị trí chiến lược, có vai trò trọng yếu tại cửa ngõ Biển Đông". Mình mới chụp được, nhá!..

ĐỒN BIÊN PHÒNG KAZAKHSTAN TRÊN BIÊN GIỚI TRUNG QUỐC BỊ XÓA SỔ

QPVN - 15 lính Biên phòng Kazakhstan chết và mất tích trên biên giới Trung Quốc. Biến cố nghiêm trọng này xảy ra tại một Đồn Biên phòng mấy ngày trước (chưa xác định được thời gian chính xác).

Ngày 30/5, lực lượng của Đồn Biên phòng Sary Bokter phát hiện trên núi tòa nhà của Đồn Arkan Kergen, tỉnh Alma-Ata, giáp giới Trung Quốc, bị cháy và và thi thể những lính Biên phòng bị chết. Các khu nhà ở, các kho đồ và thực phẩm đều bị cháy.

Đồn này đóng ở nơi hẻo lánh, khó tiếp cận, có tin chỉ có thể đến đó bằng trực thăng.

Tại Đồn Biên phòng bị cháy từng có 15 lính biên phòng phục vụ. Hiện tại, mới tìm được xác 14 người lính. Các thi thể đã được đưa đến Astana để kiểm tra AND (việc nhận dạng gặp khó khăn do các thi thể bị cháy trong đám cháy).

Một lính Biên phòng phục vụ tại đồn vẫn mất tích. Người ta đã tiến hành tìm kiếm tại hiện trường sự cố.

Ngoài ra, còn phát hiện xác một thợ săn ở một phường săn cách đó không xa.

Một nguồn tin công lực cho hay, xác của người thợ săn (bị đạn bắn vào đầu) được tìm thấy không phải tại đồn mà tại ngôi nhà thợ săn nhỏ cách tòa nhà Đồn Biên phòng trong tầm nghe thấy và nhìn thấy.

Một nhóm điều tra do Cục trưởng Biên phòng, kiêm Phó Giám đốc Ủy ban An ninh quốc gia Kazakhstan Nurzhan Myrzalyiev dẫn đầu đã đến hiện trường.

Nguyên nhân làm chết các lính Biên phòng chưa được chính thức nêu ra. Không lâu sau khi sự cố được công khai, một nguồn tin công lực cho biết, các binh sĩ đã bị giết, sau đó xác họ bị thiêu cháy. Tuy nhiên, ông Nurzhan Myrzalyiev sau đó nói rằng, các lính Biên phòng có thể đã bị thiêu cháy khi đang ngủ. Các xác chết được tìm thấy trong doanh trại giữa những chiếc giường bị cháy.

Sáng 1/6, được biết, Kazakhstan đã khởi tố vụ án liên quan đến sự cố nghiêm trọng này.

Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev đã đưa ra những bình luận đầu tiên về vụ tàn sát lính Biên phòng trên biên giới với Trung Quốc. Ông Nazarbayev đã gọi đây là một vụ khủng bố.

“Tôi cho đây là một hành động khủng bố. Có thể, điều đó đã xảy ra do những mâu thuẫn nội bộ” - Ông Nazarbayev.

Nhưng vẫn không rõ là giả thiết khủng bố ăn nhập thế nào với “những mâu thuẫn nội bộ” (và những mâu thuẫn đó là gì).

Trước khi ông Nazarbayev phát biểu nói đây là vụ khủng bố thì các cơ quan công lực Kazakhstan đưa ra giả thiết vụ giết người hàng loạt này xảy ra do nguyên nhân mâu thuẫn nội bộ đơn vị Biên phòng.

Dư luận cũng đưa ra nhiều giả thiết khác nhau, từ khả năng tấn công khủng bố, cho đến mâu thuẫn trong sinh hoạt. Những người theo thuyết âm mưu thì đưa ra các giả thiết có sự dính líu của Nga (buộc Kazakhstan phải "nhờ" Nga bảo vệ biên giới), Mỹ (để cài bẫy Trung Quốc, gây mâu thuẫn giữa Kazakhstan), thậm chí là Trung Quốc (khi liên hệ với vụ Trung Quốc xâm nhập biên giới Liên Xô năm 1969 và bị Biên phòng Liên Xô đánh lui).

Mặt khác, việc cả một Đồn Biên phòng 15 người bị tiêu diệt mà không kịp phát tín hiệu báo động khiến người ta lo ngại về công tác huấn luyện binh sĩ và tổ chức bảo vệ biên giới.

Những lo ngại như vậy đã phát sinh sau những vụ đấu súng giữa các phần tử cực đoan với các cơ quan công lực Kazakhstan.

Ví dụ, sau khi đột kích một căn hộ ở Alma Ata có 3 thành viên của một nhóm cực đoan ẩn náu, bọn tội phạm trang bị súng tự động và lựu đạn đã làm bị thương 11 lính đặc nhiệm (nguyên nhân thương vong lớn người ta nói là do những yếu kém trong công tác lập kế hoạch chiến dịch).

Một trường hợp không thể dung thứ cũng đã xảy ra ở Taraz khi một tên cực đoan đi trên đường phố và bắn giết các nhân viên công lực. Trong mấy giờ liền, hắn đã giết chết 2 nhân viên đặc vụ theo dõi hắn và 2 nhân viên cảnh sát định truy đuổi hắn (hắn lấy được 1 khẩu AK và 1 súng ngắn K59 ở những người bị giết), sau đó bắn súng phóng lựu vào tòa nhà cơ quan an ninh quốc gia địa phương, bắn tiểu liên làm bị thường 2 nhân viên cảnh sát kỵ binh và cuối cùng cho nỗ lựu đạn tự sát, đồng thời làm chết thêm 1 cảnh sát.

Nguồn: Tengrinews, Lenta, 31.5, 1.6.2012.
Last Updated ( 9:08 PM, 01/06/2012)

1 tháng 6, 2012

CON YÊU TRƯỜNG SA

Mình đi công tác ngoài đảo, đường hành quân trên biển cứ dằng dặc sóng nước - mây trời, đến điểm đóng quân của bộ đội mới có sóng điện thoại để tất tưởi gọi điện thoại về nhà (chỉ Vịt teo thôi nhá) và nghe con gái Mai Trần Thục Linh nức nở: "Ba ra đến đảo chưa? Khi nào về ngủ với con". Nghe mình thầm thì kể chuyện ngoài đảo, có các chú bộ đội, cũng có những em bé, nhưng cả năm trời biền biệt, các chú và các em bé không gặp nhau mà vẫn chẳng khóc nhè, bởi "bộ đội thế là thường", con gái nín khóc ngay và lại lẩn mẩn, ê a hỏi về đảo, về biển, về các chú bộ đội. Hôm nay, mẹ Hằng gọi điện kể: "Con đi học về, vào phòng đóng cửa hì hục vẽ 1 bức tranh, gửi tặng cho ba". Mình bảo mẹ Hằng chụp ảnh lại, gửi lại cho mình xem "thành quả cách mạng" của con. Xem xong, gọi điện hỏi, con rành mạch giải thích lại cho mình về.. biển xanh, mây trắng, đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn, bộ đội Hải quân, ống nhòm... Toàn những chuyện con được nghe, qua lời kể của mình và giải thích của mẹ, về Trường Sa xa xôi. Xem những nét bút, điểm màu con vẽ, nghe con trong vắt líu lo, mình lẩn mẩn ra mạn tàu đốt thuốc, nhìn biển ào ạt sóng trắng. Cảm ơn con gái yêu. Cảm ơn những điều nhỏ nhặt nhất, nhưng không hề bình thường, cho con biết về biển đảo - chủ quyền đất nước, ở nơi xa xôi - gian lao nhất: Trường Sa xa xôi...
Hỏi con về hình này, con giải thích: Biển Trường Sa rất nhiều cá đẹp, ba và các chú bộ đội Hải quân phải canh biển đẹp trong ụ súng (màu xanh lá cây) để bảo vệ biển và trời, cho con và các bạn ra ngắm cá vàng, tắm biển xanh Trường Sa... Giải thích xong, con bảo: "Con yêu Trường Sa".

31 tháng 5, 2012

"ĐẠI.. MẤT ĐOÀN KẾT?"..

Mai Thanh Hải - Mình ở xa ngái Hà Nội, nơi đây chỉ toàn biển và nước.

Cứ tưởng sẽ yên lành, nhưng khổ nỗi vẫn có cái anh Vịt teo, phủ sóng đến tất cả nơi nào, cốt là chỗ ấy có điểm đóng quân của bộ đội - mà bộ đội mình, thì nơi khó khăn gian khổ, lại càng có mặt nhiều.

Có cái anh Vịt teo ý, nên trưa nay chả được yên lành hết giờ làm việc, ngồi đọc cả gần chục cuốn sách, mua giá rẻ ở Đinh Lễ trước khi rời Hà Nội, bởi anh em gọi điện đau đáu: "Ông đọc tiếp Báo Người Cao tuổi đi, lại viết tiếp về cán bộ phóng viên gọi là của báo - cái nơi thân thương, tụi mình rất trân trọng, yêu quý, hoài niệm măng séc, mà phải ra đi đấy!".

Mình cậm cạch ra ra vào vào để rồi buồn: Tờ báo mà bao lớp cha ông đã dày công gây dựng, gìn giữ. Chỉ trong thời gian ngắn, khi có Tổng Biên tập mới, đã "tai tiếng" thế này ư?. Mặt trận ơi? Các bác nghe - đọc - thấy thế này, có buồn và động lòng không?..
Ông Huy (đeo kính đen, đầu tiên từ trái qua phải)

Câu chuyện đáng được ghi trong lịch sử báo chí Việt Nam: "2 cán bộ, phóng viên Báo Đại Đoàn kết đưa hối lộ" (đọc ở đây), cứ tưởng là chuyện đùa, bởi anh Đing Đức Lập, Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn kết hiện thời, đã ký văn bản, thậm chí đăng báo to chình ình (đọc ở đây) "phản pháo" lại Báo Người Cao tuổi.

Thế nhưng xét ở khía cạnh ảnh hưởng chính trị - nghiệp vụ báo chí, thì không hề bình thường.

Bởi cơ quan chủ quản của Báo Đại Đoàn kết là Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - Nơi cần những tập thể, cá nhân yêu nước, gắn bó với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam và những người làm Báo Đại Đoàn kết, cũng cần phải "tâm sáng, lòng trong", đừng lợi dụng tờ báo để kiếm chác, đánh bóng và che lấp những toan tính cá nhân tầm thường, để ít nhất thi lên Chuyên viên chính, cũng phải đạt.

Nói đến đây, tự dưng lại nghĩ đến câu chuyện của mấy ông chú - ông anh mình bên Tổng cục An ninh Nội địa (Bộ Công an).

Mọi người hỏi: "Sao mấy anh em không ở lại giữ cái măng séc Đại Đoàn kết, cho đất nước?", mình cười buồn: "Tờ báo không bao giờ có tội. Tội là của người đứng đầu" bởi nghĩ lại câu chuyện của Hồng Sâm, nguyên Trưởng Ban Thư ký Tòa soạn Đại Đoàn kết, cũng được anh Đinh Đức Lập mời gọi về và giúp anh Lập rất nhiều trong việc ổn định vai trò của người đứng đầu tờ báo, nhưng Sâm cũng phải ra đi mới đây.

Sâm bạn mình kể: Dịp thành lập ngành Công an, Sâm phỏng vấn anh Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an về những thành tích của ngành, chen vào chuyện "giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tâm bởi lý do "sao không hỏi và thông tin về những sai phạm của ngành ấy?", khiến Sâm chết sững, buồn ơi buồn, mọi công lao "chắp nối", chìm hết xuống sông xuống biển.

Hôm nay, khi Báo Người Cao tuổi đăng bài kể chuyện anh Huy (người mà anh Lập rất tin yêu, coi như cánh tay phải, thậm chí trong văn bản "phản pháo" Người Cao tuổi, ở đoạn cuối vẫn có những ý bênh vực) này khác, mình chắc là anh chị em bên Cục An ninh Thông tin - Truyền thông (Bộ Công an) sẽ dứt anh Huy ra khỏi chuyến công tác miền Tây, chỉ gồm anh Lập, anh Huy và em Đinh Quang Sơn (mới lên chức Kế toán trưởng tờ báo, là cháu ruột anh Lập), để về làm việc.

Mình tin là anh em bên Cục An ninh Thông tin - Truyền thông, Bộ Công an (A87), vẫn giữ được những ấn tượng tốt về một tờ báo từ khi xưa và không chấp nhận thỏa hiệp với những thứ ề à, bẩn tính, kiêu căng, cũng như không chấp nhận cái thông tin "đi vào rồi lại phải ra, chả làm được gì" mà một số người lãnh đạo tờ báo đã đưa ra, khi anh em vào làm việc với Báo, về những đơn thư chính danh, nặc danh ào ạt phát ra, khi có dàn "lãnh đạo Báo" mới về, tuy chả biết gì về báo chí nhưng hay "nổ" về... báo chí.

Và mình lại càng tin là UBTWMTTQVN sẽ có cách xử lý công khai, nghiên túc với những gì đã - đang xảy ra ở tờ báo Đại Đoàn kết (nhưng đang bị gọi là "Đại mất đoàn kết"), bởi ít nhất, một tổ chức lớn - có uy tín như Mặt trận, chả dại gì mang tiếng "bao bãi, bợ đỡ" cho những đối tượng, đang trực tiếp làm mất uy tín - danh dự của MTTQVN và gián tiếp xâm hại đến "miếng cơm manh áo", "tiếng tăm tên tuổi" của từng cá nhân trong Ban Thường trực MTTQVN.
Ông Huy (đầu tiên từ trái qua) trong buổi thăm làm việc tại Tuần Châu

Khái niệm "trách nhiệm của người đứng đầu", đang được đặt lên bàn cân nặng nhất, ở tờ báo Mặt trận và câu chuyện "đệ tử - làm tiền - hối hộ" đang chình ình, lộ liễu chưa bao giờ thấy, khiến đến người ngoài, chả phải mặt trận - đầu trận cũng phải than thở: "Mạt rồi, Đại Đoàn kết ơi!".

Cái bài viết đó đây, mọi người đọc xem sao (nguồn bài viết):    
----------------------------------------
Xung quanh những sai phạm ở Trường ĐHKTQD:

ÔNG NGUYỄN XUÂN HUY (BÁO ĐẠI ĐOÀN KẾT) MẠO DANH LÀ "TIẾN SĨ", "CỤC PHÓ CỤC BÁO CHÍ - XUẤT BẢN".

Báo Người cao tuổi số 61 (1066) ngày 23-5-2012 đăng bài “Xung quanh những sai phạm ở trường ĐHKTQD: Lật tẩy vụ hối lộ không thành” (xem ở đây).

Sau khi báo phát hành, Tòa soạn nhận được nhiều thông tin của bạn đọc, đặc biệt cán bộ, giáo viên (CBGV) trường ĐHKTQD phản ánh ông Nguyễn Xuân Huy (làm phát hành, quảng cáo Báo Đại đoàn kết) có nhiều biểu hiện tiêu cực. Báo Người cao tuổi khái lược về con người này, đồng thời công bố bằng chứng về sự khai man của ông Nguyễn Xuân Huy, mạo danh học vị và chức vụ cơ quan quản lí báo chí ở Trung ương...

Từ phản ánh của CBGV Trường ĐHKTQD

Thẻ Tiến sĩ (mạo danh) của ông Huy với mã số công chức GVHD0203
Đơn thư phản ánh: Ông Nguyễn Xuân Huy thường hay “chém gió”, khoe khoang rằng ông là Cục phó Cục Báo chí - Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam; làm xong Tiến sĩ từ năm 2010; thân thiết với Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam và đang kiêm giảng tại Khoa Khoa học quản lí...

Ông Huy khoe về mối quan hệ với rất nhiều vị lãnh đạo ở Trung ương, nhà trường và giáo viên trong khoa, làm nhiều đề tài khoa học với các thầy, cô như: thầy Chiến, thầy Bưu, cô Huyền... ông đi giảng trong trường chỉ để cho vui, luôn để lại tiền thù lao giảng dạy cho quỹ của khoa, vì ông rất dư giả tiền bạc, do thường xuyên đi nước ngoài.

Ông Huy nói với cán bộ trong trường rằng, sinh viên rất ngưỡng mộ những kiến thức ông giảng dạy, còn các thầy trong khoa thì đánh giá cao, nói rằng lớp nào mà “thầy Huy” giảng xong, thì giáo viên giảng sau không có gì để cho sinh viên hứng thú nữa...

Thực ra, những ai chứng kiến ông Huy giảng bài sẽ thấy đó chỉ là những lời sáo rỗng. Có người góp ý chân thành thì ông chống chế: Nếu lên lớp mà chỉ dạy theo giáo trình thì chỉ để cho sinh viên buồn ngủ. Rằng cần phải thể hiện cho sinh viên thấy mình có phong thái, hiểu biết đến cả những ngóc ngách của xã hội, chợ búa để sinh viên kính nể, không coi thường ông thầy sách vở...

Ông Huy còn tung tin về lĩnh vực quản lí, điều hành của Trường ĐHKTQD, mối quan hệ giữa ông với Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam và các ông Nguyễn Đức Hiển, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ và Vũ Anh Trọng, Trưởng phòng Quản trị thiết bị.

Theo ông Huy nói, thì ông có cảm giác không tốt về ông Hiển và ông Trọng nên rất đề phòng.

Ông Huy còn nói với một cán bộ trong trường rằng: Hiệu trưởng Nam (khi còn là Phó Hiệu trưởng) chỉ đạo ông Hiển đấu tố Hiệu trưởng Nguyễn Văn Thường (nhiệm kì 2003 - 2008) tại Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức của trường, nhằm hạ uy tín ông Thường và nhiều PGS, GS thân thiết với ông Thường, vì ông Hiển là người rất “giỏi hùng biện”.

Rằng việc chuyển đổi Khoa Ngân hàng - Tài chính thành Viện Ngân hàng - Tài chính là chủ ý của ông Nguyễn Đức Hiển, để tạo đường thoái lui cho Hiệu trưởng Nam sau khi hết nhiệm kì vào tháng 6 năm 2012.

Với vị trí Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, ông Nam vẫn đủ điều kiện để duy trì chức Bí thư Đảng ủy, nhằm sắp xếp công tác nhân sự nhiệm kì mới, đồng thời tiếp tục thao túng lãnh đạo nhà trường.

Quả đúng như vậy, trên thực tế thì ông Huy rất thân với ông Nam và ông Hiển, từng tham mưu, kết nối cho ông Nam, ông Hiển nhiều mối quan hệ, trong đó có cả mối quan hệ với Cục Báo chí, mà cụ thể là Cục Báo chí đã chủ trì cuộc làm việc giữa lãnh đạo Báo Người cao tuổi với tập thể lãnh đạo nhà trường (khoảng 20 người) vào chiều 13-4-2012.

Ngoài việc ba hoa, khoác lác, cuối năm 2011 ông Huy còn hỏi vay của một cán bộ trong trường số tiền khá lớn.

Nể quá, cuối cùng cán bộ đó ngờ ngợ cũng chỉ dám cho vay 20 triệu đồng. Vì ông Huy khoe là có công nói với ông Hiệu trưởng về công việc của cán bộ ấy.

Sau đó, ông Huy úp mở thông tin cho biết, vị cán bộ ấy có nguy cơ bị chuyển công tác khác, rồi bày cách bảo hãy đem tiền đến nhà ông Nam mà xin việc.

Qua cách nói chuyện của ông Huy, vị cán bộ nọ ớn lạnh, hiểu rằng ông ta có ý đòi trả ơn, bằng số tiền mà ông đã vay...

Ai “phù phép” cho ông Huy thành người của Cục Báo chí và có học vị Tiến sĩ?.

Ông Nguyễn Xuân Huy có thật là Tiến sĩ, Cục phó Cục Báo chí như ông nói với CBGV trong trường không?.

Chúng tôi đã xác minh thông tin về Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông. Phó cục trưởng Cục Báo chí cho biết trong Cục nhiều năm qua không có vị Cục phó và cán bộ nào tên là Nguyễn Xuân Huy.
Kệ báo chí phản ánh, anh Huy vẫn đi với anh Lập đi miền Tây (cuối 5/2012)

Thế nhưng, tại Quyết định số 1874/QĐ-ĐHKTQD ngày 6-10-2009, do Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam kí về việc đồng ý cho ông Nguyễn Xuân Huy kiêm giảng tại trường, Điều 1 nêu rõ: “Nay đồng ý để ThS Nguyễn Xuân Huy, cán bộ Cục Báo chí - Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam được kiêm giảng tại Khoa Khoa học quản lí kể từ ngày kí”.

Như vậy, rõ ràng ở đây có sự mạo danh cán bộ Cục Báo chí của ông Nguyễn Xuân Huy.

Tệ hơn, ông Huy còn dựa vào quan hệ thân thiết với Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam, thường xun xoe, xu nịnh để Hiệu trưởng chỉ đạo làm thẻ giảng viên kiêm giảng cho ông ta với học vị Tiến sĩ có mã số công chức.

Việc mạo danh này, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam vô hình trung tiếp tay cho ông Huy “phù phép” trở thành Tiến sĩ trước đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường.

Nhiều CBGV khẳng định, ông Nguyễn Xuân Huy chưa bao giờ là Tiến sĩ của Trường ĐHKTQD.

Như vậy là đã rõ, ông Nguyễn Xuân Huy làm công việc quảng cáo, phát hành Báo Đại đoàn kết, là người ngoài của Trường ĐHKTQD chỉ kiêm giảng, nhưng ông Huy bằng những thủ đoạn lừa đảo, mạo danh, dối trá nhằm tạo vỏ bọc cho mình; tham mưu, tiếp tay cho nhóm người tiêu cực là ông Nam, ông Hiển, ông Trọng... góp phần tích cực gây sự bất ổn nghiêm trọng ở Trường ĐHKTQD.

Trong đó, rõ nhất là hành vi giả mạo Tiến sĩ, giả danh cán bộ của “Cục Báo chí - Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam”.

Ông Huy đóng vai trò trực tiếp cùng ông Hiển, ông Lê Tự trong vụ việc hối lộ Tổng Biên tập bất thành mà Báo Người cao tuổi đã nêu trong số báo 61 (1066) ngày 23-5-2012.

Hoàng Kim - Sơn Hùng

* Hình ảnh minh họa của Báo Người Cao tuổi và Đinh Quang Sơn FB

30 tháng 5, 2012

CẢM ƠN BÁC ĐÃ RA THĂM CHÚNG EM!


"Cảm ơn bác đã bay chuồn chuồn ngô ra thăm anh em, nhưng cứ ước chuồn chuồn chở thêm cho tụi em xin mấy chục cây xà lách?" - Có lẽ mọi người lính nhà giàn đều muốn vậy, khi được đón khách đất liền đi máy bay ra thăm bộ đội. Ừ! Sóng yên biển lặng, thời tiết đẹp, nhà cửa mới xây vững chãi. Giá như có mấy cây rau xanh, tươi roi rói cho anh em ăn xả láng, đỡ thèm "một cọng rau xanh"?... Vâng!. Cảm ơn các bác đã bay ra với tụi em. Chúng em ngoài này gian khổ, vất vả lắm. Cảm ơn các bác, đã ra thăm chúng em trong 1 ngày đẹp giời, mùa yên biển lặng...

Đón các bác, theo đúng nghi lễ quân đội...

29 tháng 5, 2012

"CƠM CÓ THỊT" GỬI LỜI CHÀO NĂM HỌC CŨ

Phạm Ngọc Tiến - Hôm rồi, Đoàn Minh Khôi đến nhà mang theo chai mật ong, túi mận xanh và cân chè mộc.

Khôi trịnh trọng chỉ từng món: "Mật ong cô Thắm ở Y Tý gửi tặng; Chè cô Phương hiệu trưởng Mầm non Tả Thàng tự tay hái và sao; Mận bứt ở vườn nhà cô Vân trường Quan Thần Sán... Đều là gửi đích danh đấy nhé!". Mình nhận từng thứ, cảm ơn!.

"Của một đồng công một nén" - Mấy thứ quà miền núi dân dã này được mang về sau chuyến công tác quyết toán kết thúc năm học của chương trình "Cơm thịt" với những điểm trường đã đầu tư khiến mình thấy thích thú và tự hào.

Thích chứ, tự hào chứ!. Phải thế nào mới được tặng quà thế này!.

Chí ít thì mình cũng tham gia nhiều chuyến đi, đến nhiều điểm trường, được các cô giáo biết mặt, biết tên, yêu mến qua việc làm cơm thịt thế nên mới có vụ quà cáp “biếu xén” độc đáo này chứ!.

Thực tình những món quà ngoài sự tự hào thích thú là niềm cảm động.

Không cảm động sao được, khi những chuyến đi trong chương trình đã cho mình biết đến những vùng đất, những con người mà trong trí tưởng chẳng bao giờ mình có thể hình dung nổi.

Những địa danh, những gương mặt thày cô, học trò giờ đây đã trở nên thân quen. Chuyến đi có thể gọi là cuối cùng của năm học này rất tiếc mình không thể đi được. Suốt thời gian qua mình dành nhiều thời gian đi cơm thịt nên công việc ụn lại khá nhiều, phải tập trung để giải quyết. Nghề viết cứ ngưng lại là rất khó bắt nhịp và khi bắt lại cũng cần phải có thời gian để phục hồi cảm hứng.

Đoàn Minh Khôi, thành viên chủ chốt của chương trình thay mặt "Cơm thịt" chỉ huy chuyến đi. Lẽ ra ông Trần Đăng Tuấn phải xuất tướng chuyến này nhưng cũng kẹt không đi được.

Thời gian quá gấp gáp nếu chậm lại các trường sẽ vào vụ nghỉ hè. Nhiệm vụ của chuyến đi là đến các điểm trường cơm thịt đã đầu tư để quyết toán cả năm học.

Cùng đi với Khôi có Nguyễn Việt Hùng, người đã nhiệt tình tham gia chương trình bằng chiếc xe Everest của cá nhân. Thêm mấy người bạn là những người đã tài trợ trực tiếp bằng những chuyến hàng phụ trợ trước đó tranh thủ kết hợp khảo sát cho những dự định tài trợ sau này.

Công việc quyết toán là việc bắt buộc được đề ra từ đầu theo tiêu chí của chương trình.

Có thể hình dung công đoạn thế này: Khi khảo sát đầu tư, chương trình phải nắm rõ số học sinh cụ thể đến từng độ tuổi, thực trạng từng điểm trường kể cả những điểm trường cắm bản. Khi đạt yêu cầu để chương trình đầu tư cơm thịt, hai bên sẽ ký cam kết.

Điều kiện của "Cơm thịt" rất đơn giản, phải nổi lửa nấu cơm cho trẻ. Cơm phải có thịt. Từng đồng chuyển đến phải được hạch toán, ghi chép, biên nhận từ hiệu trưởng đến cô giáo phụ trách lớp, phụ huynh học sinh và được chính quyền địa phương xác nhận.

Phía chương trình đảm bảo trang bị đúng tình hình thực tế các thiết bị phục vụ cho bếp ăn và sinh hoạt của học sinh và gửi  tiền thông qua tài khoản từ hai phía.

Hàng tuần, các điểm trường ở các bản làm báo cáo gửi về trường.

Hàng tháng các trường được đầu tư phải làm báo cáo hạch toán gửi về để chương trình tập hợp số liệu.

Khi kết thúc năm học sẽ quyết toán tổng thể, phân mình từng khoản.

Số tiền còn thừa sẽ được chuyển sang niên học mới.

Thú thật, cũng là thành viên "Cơm thịt" nhưng những khoản này mình thậm ú ớ.

Thế nên mới kính phục Đoàn Minh Khôi. Một mình tay này, ghi ghi chép chép, sổ sổ sách sách rành mạch từng ly từng tý. Nói không ngoa đầu óc tay này hệt như cái máy tính. Vanh vách tên tuổi từng thày cô, số điện thoại, nhớ không sót một điểm trường, thậm chí những con số về học sinh, về độ tuổi, về tiền đầu tư như là nằm sẵn trong não, cần gì là bật ngay ra được.

Có một chuyện thế này, Khôi nắm rõ từng tháng có bao nhiêu ngày học. Trong một báo cáo hạch toán tháng ở một điểm trường vượt số ngày so với các điểm trường khác. Vậy là vặn vẹo truy tìm và kết quả là cái trường kia phải giải trình lại cho đúng.

Mình cười nói đùa: "Ông kỹ thế, không cho người ta thở à?". Không ngờ Khôi đanh mặt nói như dằn hắt: "Anh bảo không kỹ thế, thất thoát rơi vãi đồng nào mình có tội đồng ấy với những người đóng góp?". Nghiêm trọng đến mức từ đấy mình không dám đùa những việc tương tự như thế nữa.

Chuyến đi kết thúc năm học, đoàn của Khôi hành trình đến tận 9 ngày, quyết toán toàn bộ các trường trên địa bàn Lào Cai. Một hành trình dài đến gần 2.000 cây số.

Đến đâu, các thày cô cũng tíu tít gọi về qua máy của Khôi cho mình. Nơi này là trách móc: "Sao chú hứa mà không đến trường cháu chuyến này?". Nơi kia là ríu rít thông báo: "Chú Tiến ơi, có giảo cổ lam rồi đấy?".

Chi tiết này khiến mình phát khóc. Các cô đi hái cây giảo cổ lam mọc hoang ở núi mang về phơi khô để dành cho mình chữa bệnh khi biết loại cây này rất tốt cho người bệnh tiểu đường. Chả là vì các cô biết mình mắc bệnh đó...

Cứ như thế, dù không có mặt nhưng hành trình của chuyến đi mình luôn như đang đồng hành với đoàn. Thật hạnh phúc...


Mình bồi hồi nhớ lại những chuyến đi. Y Tý mùa đông ảo mờ sương khói, lạnh đến thấu xương, phải đốt củi để sưởi.

Cô Thắm là Hiệu trưởng, rất trẻ. Cùng với chồng là giáo viên Tiểu học, cô cắm chốt tại nơi biên ải xa xôi. Có một đứa con phải gửi gia đình ở thị trấn Bát Xát cách Y Tý đến 7 chục cây số đường núi.

Mỗi thứ Bảy vợ chồng cô lại đèo nhau xe máy về nhà thăm con để rồi chiều Chủ nhật lại tất tả trở lại trường. Gặp lần nào cô cũng xoắn xít: "Chú ơi, bao giờ các chú lại lên với chúng cháu?".

Mà chẳng riêng vợ chồng cô Thắm, tất cả giáo viên ở nơi đây đều có những hoàn cảnh tương đồng, cũng tình cảm như thế.

Mình nhớ cái thung lũng sâu hun hút bên dưới cổng trường Tả Thàng. Nắng rờ rỡ, nhà cửa hiện ra mồn một đẹp như tranh vẽ bỗng giây phút đã lấp kín mây mù. Cô giáo Phương Hiệu trưởng, mình chỉ được gặp trong chốc lát nhưng chuyện trò cứ như đã thân quen từ bao giờ. Phương bảo: "Cơm thịt đến thế này, chúng cháu mừng lắm!". Rồi cô tha thiết mời hôm nào đó của chuyến sau đoàn ở lại với Tả Thàng một hôm.

Bao nhiêu ký ức của những chuyến đi rong ruổi chốc lát ập về. Mình cảm ơn "Cơm thịt" đã cho mình những kỷ niệm thật ý nghĩa...

Chuyến đi vừa rồi có thể nói là chuyến sau cùng của Chương trình "Cơm thịt" kết thúc năm học.

Khởi đầu cuối tháng 9/2011 từ Suối Giàng với 125 học sinh nội trú của Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở được thụ hưởng "Cơm thịt" từ chương trình, rất nhanh chóng trong 8 tháng kế tiếp hệ thống các Trường được "phủ thịt" đã lan ra đến các xã vùng cao biên giới và đặc biệt khó khăn của 4 tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang.

Sau Lao Chải và Nậm Khắt là 2 điểm Trường được tiếp tục đầu tư cho học sinh Tiểu học nội trú (107 cháu), Chương trình xác định sẽ tập trung vào tổ chức bữa "Cơm có thịt" cho trẻ Mầm non.

Đây là các cháu học bán trú, phải tự túc bữa ăn trưa tại trường rất kham khổ, không có bếp nấu.

Chủ trương được nhanh chóng thực hiện. Cho đến thời điểm kết thúc năm học này, 3.371 cháu Mẫu giáo tại 187 điểm trường ở 28 trường thuộc 26 xã (có xã biên giới rộng phải thành lập 2 trường) đã được ăn cơm có thịt.

Các bếp đã đỏ lửa ở tất cả các điểm trường này mang lại niềm vui cho trẻ, cho thày cô, cho phụ huynh, cho chính quyền địa phương. Có "Cơm thịt", học sinh đi học đông hơn đều hơn, mọi chỉ số đều tăng.

Nhưng chỉ số niềm tin là điều quan trọng nhất.

Trẻ đã tin yêu gắn bó với trường lớp không bỏ học.

Tính riêng điều ấy đã đủ ấm lòng.

Cộng con số của mấy trường Suối Giàng, Lao Chải, Nậm Khắt, Chương trình đã mang "Cơm thịt" đến 3.619 học sinh.

Nếu tính cả 1.411 học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở ở toàn bộ 15 Trường trong toàn huyện Văn Chấn, Yên Bái do "Quỹ Thiện Tâm" đài thọ, thì số học sinh từ ngày chương trình khởi động là một con số không nhỏ: 5.030 cháu.

Viết đến đây, mình băn khoăn một chút.:Có nên kể chi tiết thế này không?. Ai đó không thông cảm lại bảo mới có thế đã kể lể...

Nhưng rồi, mình gạt đi ngay sự vân vi ấy.

Những con số này, những kết quả này, cả những bản quyết toán kết thúc năm học, những đồng tiền trong tài khoản nhất thiết phải công bố.

Đó là sự minh bạch là kết quả là công sức của biết bao nhiêu người trên khắp đất nước và cả đồng bào Việt ở nước ngoài đã chung tay góp sức cùng những người làm chương trình.

Ngoài "Cơm thịt", tại tất cả các điểm trường đều được đầu tư nhiều vật dụng dành cho bếp ăn như bát đĩa xoong nồi rồi những tiện nghi sinh hoạt như chăn đắp, thảm trải, phản nằm, gối, áo ấm

Những vật dụng này khó mà liệt kê hết được.

Có thể là một căn bếp cho trường Lao Chải, Nậm Khắt. Lại có thể là cả hệ thống bồn chứa nước inox vài chục chiếc cho những điểm trường ở Điện Biên, cả những thứ coi là vặt vãnh như tủ thuốc, cây kim sợi chỉ cho rất nhiều điểm trường và vô vàn những thứ khác.

Tất cả đều cho mục tiêu cải thiện đời sống sinh hoạt của trẻ.

Thống kê trong 8 tháng vừa rồi, Chương trình đã trang bị cho học sinh các điểm trường "phủ thịt" và các trường khác 7.500 áo ấm mới, 3.000 quần áo đã qua sử dụng, gần ngàn chiếc chăn, rất nhiều ủng, gối, giày dép…- Những con số biết nói.

Chào năm học cũ. Tạm biệt. Tạm biệt. Hẹn gặp các con ở năm học mới.

Một năm học đã kết thúc. Chưa thể trọn vẹn vì Chương trình "Cơm thịt" khởi động khi năm học đã bắt đầu.

Nhưng những gì còn khiêm tốn của năm học đầu tiên này, đã đủ để khẳng định sự có mặt của Chương trình mang lại những dấu ấn tích cực cho những nơi là đối tượng thụ hưởng.

Vẫn chưa nhiều nhưng đã có những đứa trẻ chăm chỉ đến trường, có bát cơm thịt, có manh áo ấm đỡ đi cái lạnh mùa đông xuyên thấu.

Và điều này nữa: Chương trình đã tập hợp lại được những tấm lòng đồng bào kết lại thành tình người, tình đời đến với những đứa trẻ vùng cao còn nghèo khó...

Đoàn Minh Khôi hào hứng kể lại chuyến đi. Đôi khi Khôi không giấu được những bức xúc từ một vài tồn đọng khiếm khuyết của chương trình của điểm này, trường nọ...

Mình cùng Khôi uống hết một ấm trà từ chính món quà mang về từ miền núi.

Chát, đậm không hương thơm như những thứ trà cao cấp khác nhưng mình thấy ngon ngọt vô chừng.

Nhìn khuôn mặt nhiều cung bậc trạng thái của Khôi mình chợt ớ ra: Từ bao giờ bọn mình đã trở nên gắn bó thân thiết?.

Mình nghĩ đến Trần Đăng Tuấn, đến Thùy Linh, đến những người đã kề vai sát cánh cùng mình từ ngày đầu, từ trong những chuyến đi "Cơm thịt".

Một chặng đường kể như vừa kết thúc. Những khuôn mặt giờ đã trở nên thân thuộc yêu quý. Mình biết họ vừa cùng mình bước qua một chặng đường đầu, có vất vả, có chịu đựng nhưng ngập tràn niềm vui tươi hạnh phúc.

Và nữa, mình nghĩ đến những người  chưa hề gặp mặt trên đời, chỉ biết nhau qua trang Blog, thậm chí chưa cả điều đó - Những người âm thầm mang tấm tình, công sức, tiền bạc chung tay góp vào "Cơm thịt".

Tất cả như cùng đồng thanh cất lời chào năm học cũ.: Tạm biệt các thày cô, tạm biệt các con. Tạm biệt biên cương Tổ quốc, tạm biệt vùng cao. Một năm học vừa kết thúc.

Và một năm học mới sẽ bắt đầu. Bắt đầu.

Chúc tất cả đủ niềm tin, tình yêu, sức khỏe, nghị lực để vững vàng đến với một năm học mới.

Đến với những điều tốt đẹp nhất!..

Hà Nội 28/5/201
-----------------------------------------------
* Hình nahr minh họa, được ghi lại từ các chuyến thành viên "Cơm có thịt" lên với vùng cao của các tỉnh biên giới phía Bắc.

"TA ĐANG TRỞ VỀ THỜI CHIẾN, KHI SỰ LOẠN KHÔNG CÒN GIỚI HẠN"...

Đào Tuấn - Trong khi ở Hà Nội, người mẫu Hồng Hà bán “tài nguyên xác thịt”, thì ở Cái Răng (Cần Thơ) 2 người phụ nữ khác lại dùng xác thịt để bảo vệ tài nguyên.

Hồng Hà, một diễn viên, kiêm người mẫu vừa bị bắt quả tang bán dâm.

Cô tất nhiên không nổi tiếng bằng “Vàng Anh”.

Cô cũng không có những clip “chuyên nghiệp” như Yến Vi hay “gợi cảm” như những bức ảnh của Hồng Nhung.

Nhưng cô thật thà như nữ hoàng nội y Ngọc Trinh khi “tâm sự”: “Em nghĩ đơn giản là mình chỉ đi chơi Đồng Mô một buổi với khách mà lại kiếm được nhiều tiền thế thì chẳng tội gì…”.

Chuyện này có lẽ đáng ra là rất bình thường. Giờ Việt Nam có tới 200.000 cô gái “đào tài nguyên ra bán”, không ít trong số đó là người mẫu, diễn viên.

Diễn viên, người mẫu Trang Trần chẳng phải có lần đã “ném bom dư luận”, rằng “Không ít người đẹp bán dâm để…ăn diện” đó sao.

Rất thường!. Vấn đề dư luận gây sốc chỉ là từ cái giá: 1.500 USD. Đắt nhất đối với những cái giá công khai đã bị phát hiện từ trước đến nay.

Nhưng nói đến cái giá “đắt nhất” này, chính xác thì vẫn phải dùng chữ “chỉ”: “Tài nguyên phẩm hạnh” được bán vô tội vạ, nhưng cái giá chỉ 1.500 USD.

Ở đây, cần phải nhắc đến câu chuyện kiếm tiền của Hồng Hà. Cô bảo “Phim thì chỉ được khoảng hơn 10 triệu đồng/ bộ, còn chụp ảnh thì em được khoảng 1 triệu đồng/ buổi”. Đóng một bộ phim, chụp ảnh cả 30 buổi mỗi tháng không đủ cho Hồng Hà mua được một cái túi cỡ như của Ngọc Trinh.

Mà đối với người đẹp, đại kỵ là việc dùng hàng fade, hàng sale off.

Bài học Lý Nhã Kỳ bị báo chí ném đá tả tơi còn sờ sờ ra đó, dù chiếc váy “fade” Alexander Mc Queen giá “không fade, không sale off” tí nào: 30.000 USD, hay 600 triệu VND.

Cựu Hoa hậu Thu Thủy từng chém: "Bản thân cái đẹp đã là một tài năng”. Nói chính xác hơn thì bản thân sắc đẹp đã là một tài nguyên.

Từng tham gia một cuộc thi sắc đẹp nhưng không được giải. Đóng vài bộ phim “Ai”, “Giấc mơ biển”, “Một thời ta đuổi bóng”, “Pha lê không dễ vỡ”- Không ai biết là phim gì. Và cái giá 1.500 USD.

Hóa ra ở mình, bên cạnh những người có vui thú tao nhã là tậu “vườn thượng uyển” thì nhiếu người khác không biết tiêu tiền vào việc gì.

Vào cái hôm báo chí làm cho những "thục nữ Việt" choáng váng với cái giá 1.500  USD, thì báo chí thế giới cũng đồng loạt tung tin: Ở Tây Ban Nha, nữ ca sĩ Colombia Shakira đang được Playboy gạ “nhân trần” với giá 50 triệu USD; Còn ở Pháp, một doanh nhân, tất nhiên là đàn ông, đã đứng dưới ban công khách sạn Majestic để như Romeo mà gào lên với, cũng người mẫu kiêm diễn viên, Kelly Brook: “Làm ơn đi, chỉ một đêm thôi”.

1 triệu euro cho “một đêm” nhằm tái hiện lại tình huống trong bộ phim Indecent Proposal mà Kelly Brook thủ vai. Xem ra, dân chơi Pháp hơn đứt dân chơi Việt.

Điều đáng nói là Kelly Brook thản nhiên lắc đầu. Shakira cũng ngoảnh mặt dù 50 triệu USD cho vài bức ảnh “nhân trần” sẽ không chảy vào túi cô mà dành cho quỹ từ thiện Barefoot.

Cái giá cho nhân phẩm, 1 triệu euro, hay 50 triệu USD đôi khi cũng là quá rẻ, nhưng 1.500 USD, kể cả khi đã bị báo chí “đội giá”, cũng là quá đắt.

Nhưng cái giá 1.500 USD, 1 triệu euro, hay 50 triệu USD, những cái giá rất ảo cho “tài nguyên xác thịt”, có lẽ là được định bởi “ánh mắt kẻ đa tình” hơn là giá trị “tài nguyên”.

Cũng giống như giá cây sưa ở Việt Nam mình.

Một câu chuyện đáng để cười rớt răng đang xảy ra ở Buôn Ma Thuột, tỉnh lỵ Đắk Lắk: Giữa thời bình, những công nhân Môi trường đang “lấy võng làm giường, vỉa hè làm nhà” để thức trắng canh…cây sưa.

Phải mở ngoặc đó là những cây sưa bóng mát trồng bên đường.

Truyền hình còn nói có hẳn lực lượng “du kích sưa”

 Báo chí thì nghĩ đến chuyện “cảnh sát sưa”.

Một cái cây mà cần phải có vệ sĩ”, có “du kích”, có “cảnh sát”,  xem ra chúng ta đang trở về thời chiến khi mà cái sự loạn đã không còn giới hạn nữa.

Rồi ở ngay chính tại “vương quốc sưa” Quảng Bình, do trước đây “thiếu kinh phí” nên nhiều cơ quan, đơn vị đã đóng bàn ghế gỗ sưa cho… rẻ tiền, thành thử sau vụ “hỗn chiến gỗ sưa”, chẳng hạn Sở Y tế Quảng Bình phải thuê hẳn một đội “chân tay to” ngày đêm canh giữ một… bộ bàn ghế bằng gỗ sưa đỏ.

Hay ở Minh Hóa, Cảnh sát túc trực bảo vệ… phòng ngủ của Chủ tịch Huyện, chỉ vì trong phòng có một bộ bàn ghế gỗ sưa.

Câu chuyện hài có thật này cho thấy một sự thật là bản thân chính quyền, diện cái áo “bảo vệ tài nguyên”, cũng đang bị chi phối bởi những thứ giá trị ảo.

Bởi ngẫm ra, gỗ chỉ dùng để làm nhà, để đóng bàn ghế, cùng lắm là để làm…quan tài. Hết.

Một Thạc sĩ Viện Khoa học Lâm nghiệp phân tích: Về mặt chịu lực, gỗ sưa không bằng cây gỗ nhóm 1 như lim, gụ… Sưa thuộc loại gỗ đẹp nhưng vẫn đứng sau gỗ trắc.

Người dân coi là loại gỗ thơm nhưng không được ưa chuộng như gỗ giáng hương. (Trừ trường hợp đặc biệt là có  một kẻ điên bỏ 60 tỷ đồng sắm quan tài gỗ sưa. Mà kẻ điên đó, không hề có danh tính, nhiều khả năng cũng là sản phẩm  trí tưởng tượng của những tờ báo chuyên kinh doanh cải).

Gỗ sưa để làm gì?. Cây sưa quý như thế nào mà còn coi trọng hơn cả tính mạng con người?. Quý thế nào mà phải bảo vệ hơn cả nguyên thủ quốc gia?. Chả ai biết...

Khi vụ giang hồ đại náo vườn quốc gia Phong Nha, cái giá được tung ra dư luận là “cả chục triệu đồng/kg”, hay “11 tỷ đồng/ m3” nghĩ kỹ thì hóa ra lại được định ra bởi các thương nhân Tàu khiến cho cây sưa giờ đúng là loại cây tai họa và…nặng nợ.

Nhưng trong dòng thời sự về sưa, còn có một câu chuyện tuyệt hay.

Cũng ở Quảng Bình, Huyện ủy  Bố Trạch đã bán quách bộ bàn ghế tại phòng Bí thư với giá 1,5 tỷ đồng. Khi mà trước đó, nhân viên Văn phòng đã phải “ngủ nửa mắt” trên bộ bàn ghế này suốt nhiều đêm liền để phòng “sưa tặc”.

Câu chuyện này thực ra là một gợi ý tuyệt vời. Thay vì phải có “du kích sưa”, “cảnh sát sưa”, thay vì mắc võng trắng đêm trông sưa, chúng ta nên bắt chước Bố Trạch, tổ chức bán đấu giá quách cho xong.

Một cái “giá ảo” do một “người ảo” nào đó định ra cho một thứ “tài nguyên ảo” thì đáng để bán quách cho chính họ.

Câu chuyện “mắc võng canh sưa”, canh một thứ “tài nguyên ảo” đáng coi là câu chuyện khôi hài nhất trong năm.

Nhưng đến hôm qua, khi báo chí đưa tin hai người phụ nữ ở Cái Răng, Cần Thơ đã “khỏa thân để giữ đất” thì đã lại có thêm một câu chuyện “bảo vệ tài nguyên” khác diễn ra theo một chiều hướng bi, nhưng không hài, mà là bi thảm.

Bà Phạm Thị Lài (SN 1960) và con gái là Hồ Nguyên Thủy (SN1979) đã khỏa thân để giữ phần đất mà họ cho rằng đã bị Công ty CIC 8 chiếm đoạt một cách thiếu minh bạch.

Người chồng, sức yếu, thế cô, cổ ngắn uất ức đến nỗi đã một lần uống thuốc sâu tự tử để phản đối.

Còn giờ, hai người phụ nữ nói họ chấp nhận “lột đồ chịu nhục” để phản đối. Bởi “tài nguyên” mà họ bảo vệ chính là ngôi nhà, là sinh kế của họ.

Để dân phải nổ súng, đặt bom, hay tự tử, lột đồ để giữ đất, nói cách gì cũng là lỗi của chính quyền đã đẩy họ vào bước đường cùng.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Mai Văn Ninh, người vừa tạo ra một cuộc đối thoại vô tiền khoáng hậu xung quanh vụ khiếu tố, bao vây trụ sở UBND tỉnh của người dân Bỉm Sơn, từng lý giải giản dị, rằng: “Phải hiểu một điều rất đơn giản: Họ là nhân dân và họ đang đi khiếu kiện”. Rằng: “Phải làm đúng theo luật nhưng cũng phải bám sát thực tế”.

Lợi ích nào cần phải bảo vệ nếu trước hết không vì lợi ích của người dân.

Bởi thế mới nói, còn rất nhiều thứ tài nguyên hữu hình thuộc về phạm trù nguồn sống của người dân không thể đổi bán cho bất kỳ ai với bất cứ giá nào.

Có rất nhiều tài nguyên hữu giá trị cần phải bảo vệ hơn nhiều so với cây sưa.

Có điều, việc bảo vệ không thể là “mắc võng” nằm canh, không thể là “du kích” hay “cảnh sát”, càng không thể là sự tước đoạt.
---------------------------------------
* Hình ảnh (lấy từ các trang mạng xã hội) minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết. 
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải nguyên bản của tác giả.

"TÔ HOÀI ƠI! MIỀN TÂY CỦA ÔNG ĐÂU RỒI?"...

Mai Thanh Hải - Chị Hậu Khảo cổ, làm đủ mọi chức tước, nhưng toàn dạng kiểu như "bưng bê khiêng kê - cờ đèn kèn trống" (TS. Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Sử học TP. Hồ Chí Minh), nên mình toàn láo toét gọi là "Lão Bà Bà Hậu Hậu", bởi cái tính thích khám phá, xê dịch rất chất... bộ đội.

Hồi tháng 2 đầu năm, mình có chuyến lên Hà Giang tặng chốt Biên phòng Mã Lủng Kha (Đồn Biên phòng Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang) dàn âm thanh - hình ảnh để các chú "yên tâm, vững lòng bảo vệ biên cương Tổ quốc", đồng thời khảo sát để giúp đỡ bọn trẻ con THCS Lũng Cú nội trú thiếu cơm, phải ăn ngô.

Biết tin qua Blog, Lão Bà Bà rối rít nhắn tin, gọi điện "Cho chị góp 2 triệu và cho chị đi với!".

Mình nghe vậy, chả tin: "Máu thì bay ra đê!".
Chẳng ngờ, hôm trước khi mình xuất phát, Lão Bà Bà tưng tửng gọi điện: "Tiện đường đi, qua đón tại Nội Bài lúc 20h!" khiến mình và cu Hùng đi cùng phát sốt.

Đúng giờ, đứng trước cửa ra nội địa Nội Bài đón, thấy Lão Bà Bà gọn gàng 1 ba lô sau lưng, tay xách túi du lịch nhỏ, tỉnh bơ: "Xuất phát nhể! Các cu em!".

Thế là chạy thông đêm, thêm 2 đêm nữa ngủ trong Trạm Biên phòng, thấy Lão Bà Bà cứ tỉnh như không.

Tót phát là mở cửa xe nhảy xuống tanh tách chụp ảnh, nói chuyện - tìm hiểu giống như... nhà nghiên cứu xã hội.

Xong 4 đêm 5 ngày lăn lóc, Lão Bà Bà lại tót phát lên tàu bay, về lại Sài Gòn, cứ như không.

Hôm rồi, đúng dịp mình về quê Hải Phòng, Lão Bà Bà lại bay ra họp hành gì đó với Hội Sử học ở tít tận Sơn La toàn la với lừa.
Lão Bà chụp lưu niệm với Hưng bạn mình

Lão Bà rủ nhưng mình chịu, chả đi được, đành phải nhờ đến anh bạn tên Hưng, làm Điện lực tít tắp Điện Biên cùng những nah em bạn bè thân thiết chơi trên Diễn đàn OF, làm "gai" chỉ dẫn cho Lão Bà sùng sục đòi khoác ba lô, từ Sơn La đi bụi lên thăm Điện Biên.

Rất cảm ơn anh Hưng cùng anh em trong "Hội Xe Tây Bắc" đã giúp đỡ, chỉ dẫn cho Lão Bà Bà biết 1 tỉnh Tây Bắc.

Qua chuyến đi này, Lão Bà Bà đã có 1 BÀI VIẾT ĐẦU TIÊN về Tây Bắc, mà theo mình đánh giá là quá chuẩn.

Post lại, để mọi người có một góc nhìn khác, qua lăng kính của một người lần đầu lên Tây Bắc, nhưng đau đáu - xót xa về cái gọi là "Văn hóa Tây Bắc - Văn hóa người Kinh - Văn hóa Việt Nam", trong thời điểm hiện tại.

Bật mí tý: Cuối tháng 6 tới đây, Lão Bà Bà lại lóc cóc bay cuối tuần từ Sài Gòn ra Đà Nẵng, vất vưởng xe khách vào Quảng Ngãi và nhấp nhổm trên tàu khách từ cảng Sa Kỳ ra Lý Sơn cùng mình, thăm hỏi - động viên những gia đình ngư dân - nạn nhân Lý Sơn gặp nạn khi đang đánh bắt thủy, hải sản ngoài Quần đảo Hoàng Sa đấy.

Lão Bà cũng vừa gọi điện tỉnh bơ: "Chị đóng góp hàng cho các gia đinh, trị giá gần 4 triệu. Cu nhá!", làm mình sướng rơn.

Lão Bà à! Chị em mình còn sống được bao lâu đâu, sao không làm những việc mình đau đáu, đắm đuối cho những người khác - vất vả hơn mình, nhể?..
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Sơn La. Buổi sáng, hỏi thăm cô phục vụ khách sạn, cô nói: "Chị cứ ra đầu dốc Phượng đón xe từ Hà Nội lên Điện Biên, nhiều xe lắm ạ!".

Thế là sau khi ăn sáng, chào các anh chị cùng đi “Các bác xuôi nhé, em ngược đây!”. Mọi người trêu “Khổ!. Thân gái dặm trường. Nhớ bảo trọng nhé!”, “Mà này! Đừng có làm lọan cả Điện Biên lên đấy!” – “Ấy chết! Sao các bác lại óanh giá iem cao thế”. Mọi người cười ầm ĩ…

Dốc Phượng, chả có cây phượng nào nhưng có dàn bông giấy hoa trắng hoa tím cực đẹp. Phía dưới mấy chị người Thái ngồi bán trái cây: mận, bưởi, dưa hấu… có cả mấy bó măng lay.

Đang định hỏi một chị trông rất xinh tóc búi cao hơi lệch, rằng khỏang mấy giờ có xe Hà Nội qua đây, thì thấy mọi người nhốn nháo thu dọn thùng hoa quả. Hóa ra có mấy anh cảnh sát đang đến.

Cũng đôi co cũng năn nỉ, cũng nói ngang cũng quát nạt… cuối cùng mấy thùng hoa quả cũng phải dịch lên phía trên, chỉ cách khỏang… 20m, cũng hè phố ấy.

Chờ từ 8g đến 10g mới có chuyến xe đi Điện Biên đầu tiên đi qua. Nhìn thấy xe dừng trả khách đã định không lên xe này, nhưng một ý nghĩ rất nhanh: "Nhỡ còn lâu mới có xe khác thì sao?. Kệ!. Lâu không đi xe dù, cứ đi xem sao?". Thế là xách túi bước lên xe.

Bác tài, chừng ngòai 40 tuổi, áo sơ mi đóng thùng giày da đen phủ đầy bụi, nhìn qua gương chiếu hậu, hỏi:
- Em chờ xe lâu chưa?.

Tưởng hỏi ai nên không trả lời. Bác tài hỏi lần thứ 2 mới biết, bảo: "Từ 8g!".

- May cho em đấy, hôm nay có ít xe lên Điện Biên lắm!.
- Vâng!.

Trong xe có khỏang 6-7 khách, tòan các cô cậu thanh niên quần jeans áo thun tóc nhuộm nâu vàng đủ kiểu. Hành lý để ngổn ngang thùng gói bao bị đủ cả. Sàn xe một lớp bụi đỏ dày.

Xe không máy lạnh, mấy cái rèm buộc chặt cứ đập phành phạch vào cửa kính. Xe chạy là cả cửa sổ và cửa lên xuống đều kêu lọc xọc lọc xọc, như đệm với tiếng còi xe bim bim bác tài cứ bấm liên tu bất tận.

Đường đèo dốc thế mà xe phóng như điên. Bác tài vừa lái xe vừa nói chuyện điện thọai, chửi nhau, nịnh gái, hỏi hàng hóa gì đó, nói chuyện như cãi lộn…

Thế mà vẫn nhìn qua gương chửi cô bé say xe bị ói: "Đ.m con kia đã bảo lấy túi lon (nilon) mà lôn vào đấy!".

Thỉnh thỏang xe dừng đón khách. Khi là mấy người đàn bà cùng mấy bao tải mận, khi 2-3 em học sinh của Trường nội trú, khi thì mấy người thợ mộc đi làm thuê…

Không có phụ lái nên bác tài kiêm luôn bốc vác hàng hóa vứt lên xe hay chuyển lên mui, rồi thu tiền của khách.

Nghe mấy màn trả giá mới vui. Với mấy chị buôn mận:
- 5 người 5 bao thì bao nhiêu? (nói tiếng Kinh lơ lớ)
- 120 nghìn một người cả bao!.

- 100 thôi!. Đ. gì mà đắt thế? (ối giời, cả nói bậy cũng bằng tiếng Kinh)
- Trăm mốt!. Đưa đây không ông vứt mẹ xuống đường hết giờ!.
- Đây! Gớm… (lầu bầu cái gì đấy, chắc chửi bằng tiếng Thái).

Với mấy em học sinh nội trú:
- Mấy thằng kia đưa tiền đây. Biết tiếng Kinh không?.
- Bao nhiêu ạ?.

- Trăm hai một đứa.
- Chúng cháu lên sau nhà chị kia mà…
- Lên sau bao nhiêu?. Trăm mốt, đưa nhanh lên!. Ơ kìa, 3 thằng cơ mà?. Đ. biết tiếng Kinh à?. Học lớp mấy rồi mà không biết cộng hả?…

Với mấy ông:
- Cho nhà xe xin tiền đây. Tám chục một người!.
- Đ. gì, tao đi mãi có sáu chục thôi!.
- Thì sáu chục!. Đ.m! Xăng lên giá mà giả tiền thế lần sau đi bộ nhé!.
- Đ. gì!. Không đi xe này có xe khác, thiếu đ, gì mà tinh tướng…

Rồi người trong xe:
- Cái ông kia!. Tắt mẹ thuốc lá nhà ông đi nhá!. Đang say xe ngạt đ. chịu được! – Cô gái quần jeans lưng thấp, lúc lên xe trèo qua mấy bao tải mận lòi hết cả quần lót ra, gào lên từ cuối xe.

Các chị người Thái váy dài lượt thượt, áo chẽn tay ngắn hoa văn kim tuyến lóng lánh, tóc búi cài trâm gắn hột đá giả cũng lóng lánh…thì thầm trò chuyện bằng tiếng Thái, thỉnh thỏang đệm vào vài từ tiếng Kinh.

Rồi điện thọai di động réo lên đủ lọai nhạc.

Rồi bác tài bật video Thúy Nga Paris từ năm nảo năm nào, tòan bài hát về Xuân và Tết giữa trưa nắng như nung và giữa những tiếng nói chuyện điện thọai như chửi nhau của bác tài.

Một lúc lại có người lên xe, rồi người xuống xe. Xe cứ chạy lồng lên rồi lại phanh gấp dúi dụi. May là đường trưa vắng, thi thỏang mới có chiếc xe đi ngược chịều  cũng phóng như điên làm cả bác tài cũng… giật mình.

Cũng chả thấy dừng đâu ăn trưa, mình cũng chả đói, chỉ khát. May mà có mang theo chai nước.

Đầu gối phải co lại đụng ngay ghế trên, chả còn chỗ mà duỗi cái chân một tí. Ai bảo "chân dài" là sướng, cứ đi xe đò như mình lúc ấy thì biết ngay! Hic!.

Qua đèo Pha Đin chỉ tòan thấy bảng quảng cáo hàng ăn với nhà nghỉ… Cũng không còn quá dốc đứng ngoằn ngòeo như hồi xưa. Chắc chỉ còn cái tên đèo vẫn thế!…

Hai giờ chiều xe đến Điện Biên. Không vào bến xe mà đậu gần đấy.

Nắng như đổ lửa. cái mặt mình đen sạm vì bụi vì nắng. Haizzzz! Ai "ước ao khát khao làn da tr/nâu" thì đi xe dù, không chỉ nâu mà thành hoa hậu châu Phi  luôn. Nhá!.

Nhìn quanh. Thành phố Điện Biên hệt như mọi thành phố khác khắp đất nước này.

 Tô Hòai ơi?. Miền Tây của ông đâu rồi?..
---------------------------------------------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải nguyên bản của TS. Nguyễn Thị Hậu