20 tháng 8, 2011

"BẮN DẬP ĐẦU BỌN PHẢN BỘI BẮC KINH"

Mai Thanh Hải Blog - Đó là câu cuối trong bài thơ "Chúng tôi ở điểm cao" của tác giả Hà Ngọc Thủy (dân tộc Tày), sáng tác tháng 3/1979, ngay tại mặt trận Sa Pa - Than Uyên. Bài thơ in trong tập "Bài ca thắng trận", do Ban Vận động thành lập Hội Văn học nghệ thuật Hoàng Liên Sơn, in ngay trong tháng 3/1979 (in tại Xí nghiệp In Hoàng Liên Sơn). Tập thơ đúng 20 trang, in 6 bài thơ của 6 tác giả, trên nền giấy đen cũ kỹ.

Hôm nay dọn phòng làm việc, tự dưng mình tìm lại được tập thơ này. Quý ơi là quý bởi bìa đã nhàu nát, những trang giấy cũng ẩm mốc thời gian, có nguy cơ bị rụng tơi tả. Tập thơ này mình được tặng lại, cách đây mấy năm, khi đi thu thập tư liệu, làm Chuyên đề Chiến tranh Biên giới phía Bắc 1979.

Để lưu giữ những trang thơ quý giá này, mình phải gõ lưu trữ lại mới được.
-----------------------------------------------------------------------------------------------

CHÚNG TÔI Ở ĐIỂM CAO

Khi chúng tôi truyền cho nhau -
khẩu lệnh:
- Đánh!
Thì tất cả trang nghiêm

Những đôi mắt nhìn căng
Những hàm răng nghiến chặt
Dồn sức mạnh lên lẫy cò - nòng súng

*

Chúng tôi ở điểm cao
Mang tên "Quyết thắng", "kiên cường"
Mang tên ngọn núi, dòng sông

Thế đứng chúng tôi
Đâu chỉ tính bằng độ cao địa hình
Tính cả độ cao
Tình yên Tổ quốc
Và thế đứng bốn - nghìn - năm - giữ - nước.

*

Chúng tôi ở điểm cao
Khi khẩu lệnh đã truyền tin khắp lượt

Thì tất cả trang nghiêm
Trang nghiêm dồn vào tiếng nổ

Bắn dập đầu bọn phản bội Bắc Kinh.

Sa Pa - Than Uyên (3-1979)

TỔ DÂN PHỐ

Đinh Vũ Hoàng Nguyên - Mụ Thấn người béo lẳn, mặt đỏ phừng phừng. Mụ xềnh xệch lôi lão Thông đang co quắp như con dế, từ trong nhà ra sân. Mụ đặt lão lên bể nước, cắp đầu lão vào nách rồi đấm như giã giò. Vừa đấm vừa chửi:

- Chồng con cái đồ bị thịt. Mày ở nhà có cái việc trông nhà, mấy cái chăn đang phơi,… mà mày để thằng nào con nào rẩy đầy mắm tôm. Bà xử, xử mày… xử mày…

Lão Thông sau mỗi cú xuống đòn của vợ, lại "hự". Chịu đòn được một lúc, lão bắt đầu la:

- Ối vợ ơi, tha cho con!. Ôí vợ ơi… tha cho con!.

- Tha! Tha!… Tha này!.
Đánh lão Thông xong, mụ Thấn quát:

- Vào nhà! Tí về mà chưa có cơm nước thì đừng trách tao!.

Thế rồi mụ đi quanh xóm, mụ bắt đầu chửi:

- Ới thằng liền ông, ới con liền bà ới đứa già đứa trẻ, Đồ ăn chó cả lông, ăn hồng cả hạt. Đồ cái quân không sợ Phật đánh Thánh đâm, đồ cái quân không sợ trời tru đất diệt. Chúng mày rẩy nước mắm vào chăn bà phơi thì bà lôi ông bà ông vải tam đại lục đại nhà mày lên nghe bà chửi... Cao tằng tổ khảo nhà mày có mấy cái đầu lâu, bà cũng đào hết lên đem đựng mắm ròi mắm rục...

Nhà mình ở tầng 2 của khu nhà tầng. Thằng Bách con mụ Thấn, ngay từ lúc mẹ nó đi chợ về, đã tót lên nhà mình lánh. Mình với thằng Bách mở hé cửa sổ, ngó xuống.

Mụ Thấn vẫn đang đi chửi, tới vòng này đã là vòng thứ 3.

- Mày rẩy mắm tôm vào chăn nhà bà, thì bà thí cho mày cái chăn, về mày cắt ra mà may vải liệm dần. Vì họ hàng hang hốc nhà mày thằng trước chưa chôn thằng sau đã nghẻo!..

Đang chửi, mụ Thấn bỗng ngừng. Mụ ngồi thụp xuống lật một chiếc dép lên ngó, mụ cầm chiếc dép ra đống cát, mài mài đập đập, xong mụ chửi:
- Cha tiên sư thằng nào con nào ỉa thất nhân thất đức…Mày ngồi ỉa đầu ngõ thì đâm xe bò, mày ngồi ỉa cuối ngõ thì đâm xe công nông, Cha tiên nhân đứa nào,… đứa nào ỉa bậy, làm cứt dính dép bà…

Mụ Thấn vẫn tiếp tục đi chửi. Nhưng giờ chuyện cái chăn bị rẩy mắm tôm đã nhạt. Mụ chuyển đề tài. Mụ chửi cái đứa nào ỉa bậy. Mấy con chó quanh khu chạy theo mụ Thấn bắt được hơi cứt, thỉnh thoảng xồ lại dúi mũi vào dép mụ, ngửi ngửi.

Mình nói với thằng Bách:

- Mẹ mày nghĩ bài chửi nhanh như điện. Mẹ mày hồi xưa mà được đi học, khéo bây giờ thành... nhà văn!.
***

Một vài năm trước khi xóa bao cấp, vẫn còn chế độ phân nhà. Nhà mình được phân một căn hộ tầng ba, ở một khu năm tầng. Mình sống ở đây một quãng thời gian khoảng 6-7 năm.

Căn nhà năm tầng này được xây những năm tám mươi. Người về đây ở toàn là cán bộ. Căn nhà nằm trên bãi đất, cạnh một xóm nhỏ có khoảng ba chục hộ dân, vốn đã ở đây từ xưa. Ba chục hộ này đa phần là dân lao động, làm nghề tự do. Từ khi có căn nhà tầng, những hộ trong xóm được gọi là khu dưới, để phân biệt với các hộ ở nhà tầng là khu trên.

Hồi mới dọn về đây, mình và bọn trẻ con khu trên, đánh nhau với lũ trẻ con khu dưới mấy chục trận, rồi mới chơi với nhau.

Nhà mụ Thấn ở khu dưới. Mụ Thấn bán cá ngoài chợ. Lão Thông chồng mụ Thấn là công nhân về nghỉ mất sức. Từ hồi lão Thông bị di tinh, mụ Thấn phát bệnh chửi.

Cứ hàng sáng mụ Thấn ra sân chửi, tầm nửa tiếng. Mụ chửi không vấp, chửi như tụng kinh. Chửi xong mụ mới đi chợ. Mọi người trong khu gọi bài chửi này của mụ Thấn là... "chửi chào cờ".

Mụ Thấn chửi chồng, chửi con, chửi hàng xóm, chửi phường, chửi mấy cô vệ sinh môi trường hôm qua hót rác không sạch, chửi gã nào đó đi xe máy về khuya, làm ồn… vv. Cái lối chửi này giống kiểu điểm tin, cập nhật và tỉ mỉ. Chuyện lão Thông bị di tinh, cũng do mụ Thấn lôi ra chửi, mọi người mới biết.

Mụ Thấn chửi cứ chửi, hàng xóm để ngoài tai. Nhà nào trong khu chẳng may là nạn nhân của mụ cũng chẳng rỗi hơi chửi lại, bởi ai cũng nghĩ hôm nay mụ chửi nhà mình, mai mụ chửi sang nhà khác, so ra nhà mình chẳng lỗ. Có thiệt hại tinh thần một chút thật, nhưng dù sao nó cũng được chia bình quân.

Ở ngoài chợ, hôm nào bán hết cá  mà còn rỗi, mụ Thấn ngồi nán, chửi một lát, rồi mới về. Có lần, mấy thằng Tây đi ngang, gặp khi mụ Thấn đang chửi, hai tay mụ lúc vỗ vào nhau bộp bộp như đánh phách, lúc lại vung vẩy như vỗ gió chém trời. Bọn Tây đứng lại xem, chúng nó khoái, lôi máy ảnh ra chụp. Đầu những năm chín mươi, Tây sang đây chưa nhiều. Bộ dạng mấy thằng này, có lẽ như cách gọi bây giờ là "Tây du lịch bụi", "Tây ba lô".

Thấy bọn Tây giơ máy ảnh chụp, mụ Thấn liền dạng chân, vỗ háng, réo: “Tổ cha thằng Liên Xô, Tổ cha thằng Liên Xô…”.

Mới thoát bao cấp vài năm, Liên Xô vừa tan rã. Mấy chục năm gắn bó với Liên Xô, "tội vạ đâu Liên Xô chịu", nên trong quan niệm của nhiều người mình chứ chả riêng mụ Thấn, cứ Tây tức là Liên Xô.

Tuy miệng chửi, nhưng mặt mụ Thấn lại tươi cười. Có lẽ mụ cũng khoái vì lần này mình chửi có khán giả, mà là Liên Xô chứ chả đùa!..
***
Lão Thông ,bố thằng Bách người lẻo khẻo và đần. Mình đương nhiên chả coi ra gì. Mụ Phấn to béo, nặc nô mình cũng chẳng sợ. Mình bảo với thằng Bách:

- Tao quan hệ với bố mẹ mày là vì tôn trọng mày. Chứ bao nhiêu anh hùng hảo hán các lễ vật để được chơi với tao, tao cũng còn chưa xét. Mày phải biết thế mà trung thành với tao!..

Thằng Bách bảo:

- Em đội ơn đại ca!.
***
Khu mình bầu Tổ trưởng Tổ Dân phố mới, có ông Xích và ông Cứ.
Ông Xích người khu trên, nhà tầng một, trước là cán bộ Cty Xe điện, nay về hưu. Ông Cứ ở khu dưới, nhà có cửa hàng buôn bán sửa chữa đồng hồ.

Hồi căn nhà tầng chưa xây, hơn ba chục hộ Khu dưới là một tổ dân phố, ông Cứ làm Tổ trưởng. Căn nhà tầng xây lên, số hộ ở tổ này từ hơn ba chục thành bảy chục. Nhưng ông Cứ vẫn làm Tổ trưởng.

Ông Xích chuyển về căn nhà tầng một thời gian, ông liền đi vận động các hộ Khu trên ủng hộ mình làm Tổ trưởng Tổ Dân phố, thay ông Cứ. Ông Xích nói: “Hồi trước chưa có khu nhà mình, dân ở đây toàn bọn ngu, nên cái lão Cứ mới làm được Tổ trưởng. Chứ lão này trình độ may ra hết lớp 4, lại không phải Đảng viên. Không thể để lão ấy cái trị cả Khu cán bộ nhà mình được!”
Ông Xích đi vận động từng nhà. Bà Vân Đểnh vợ ông, đi theo vận động cùng chồng. Đến mỗi nhà, bà biếu một túi giấy báo gói nửa lạng chè Phú Thọ. Nhà nào không nhận, bà vẫn để lại.

Bà Vân Đểnh tên trong lý lịch là Đặng Thị Đểnh. Đi làm, bà thấy cái tên Đặng Thị Đểnh nó không sang, phát âm thì lổng chổng, nên thêm vào chữ Vân làm đệm. Hồi đầu, người trong khu ai gọi là bà Đểnh, bà không đáp, phải gọi đầy đủ tên là Vân Đểnh, bà mới nói chuyện. Tuy về hưu, nhưng bà Vân Đểnh thích đi họp. Ở khu phố, có cuộc họp nào, bà cũng tham gia, phát biểu hăng và hùng hồn.

Gặp mẹ mình ở cầu thang, bà Vân Đểnh thầm thì: “Làm anh cán bộ ở địa phương, nói gì thì nói, cái thành phần là rất quan trọng, như tôi và ông Xích, đều là thành phần cơ bản, lí lịch cực sạch, ba đời toàn bần cố nông, đi làm thì là cán bộ Nhà nước, chứ không phải loại tiểu thương như cái nhà lão Cứ!”. Bà Vân Đểnh đi, mẹ mình bảo: “Đểnh hâm!”.

Hôm bầu Tổ trưởng, có 6-7 người Khu trên bầu ông Xích, còn người Khu dưới tất cả đều bầu ông Cứ. Kết quả ông Cứ tiếp tục làm Tổ trưởng. Các gia đình ở 2 Khu nhất trí lập thêm chức Tổ phó, do ông Xích làm.

Bà Vân Đểnh rất cay, bà bảo những kẻ uống chè của bà là "bọn xỏ lá, lập trường như cứt", "bà mà là Nhà nước thì bà xét lại lí lịch hết những kẻ này". Nhưng vài hôm sau, bà nói: “Ông Xích nhà tôi tuy là Tổ phó, nhưng kiêm nhiệm cả Phụ trách An ninh, nên thật ra còn nhiều quyền hơn ông Cứ!”.

Tối tối người ta thấy ông Xích cầm cái dùi cui gỗ ra căn chòi ở Trụ sở  Ủy ban ngồi đánh bài với mấy anh Dân phòng.
***
Hôm mụ Thấn chửi Tây ngoài chợ, bà Vân Đểnh chứng kiến. Họp Tổ Dân phố, có mặt lão Thông, ông Xích liền đem chuyện này ra trong cuộc họp. Ông Xích phê bình mụ Thấn chửi người nước ngoài, làm ảnh hưởng tới đường lối đổi mới là "Việt Nam giờ chơi hết với tất cả các nước".

Có một chị Khu dưới, cũng ở ngoài chợ hôm ấy, nói:

- Bọn Tây nó chả biết tiếng mình. Mà bà Thấn lần vừa rồi tuy chửi, nhưng mặt lại tươi hớn hở lắm, có khi bọn Tây nó nghĩ bà này đang hát ý chứ!. Mà bọn Tây chúng nó còn cười toe toe, chụp bao nhiêu ảnh.

Ông Xích bảo:

- Thế mới chết, vì bọn Tây mang ảnh về nước nó. Nó đăng báo, thì nhục nước mình!.

Bà Vân Đểnh góp thêm:

- Mà mụ Thấn này còn chửi “tổ cha Liên Xô”, là mất quan điểm, mất lập trường!.

Ở dưới có người nói:

- Liên Xô tan vỡ 2-3 năm nay rồi, chửi Liên Xô thì cũng như chửi cái hòm.

Lại có người khác nói:

- Bọn Tây nó đâu có hiểu tiếng mình! Mà chưa biết chừng nếu mấy thằng ấy là Tây tư bản, thấy bà Thấn chửi nó, nó lại tưởng là bà ấy thể hiện lập trường xã hội chủ nghĩa ý chứ!..

Ông Xích quay sang lão Thông nói:

- Ông Thông, trước nhà ông là Khu toàn cán bộ. Sáng nào vợ ông cũng ra đứng chửi, làm hỏng be bét hình ảnh của Khu. Ông phải về nghiêm túc góp ý với bà Thấn!.

Lão Thông từ đầu buổi đến giờ ai nói gì cũng mặc, lão đang mải thông cái nõ điếu của mấy anh Dân phòng. Giờ nghe nhắc đến tên, lão ngước lên bảo:

- Cả cái khu này ai chả biết. Con mụ nhà tôi nó tha không đánh tôi là may. Chứ tôi mở mồm nói nó, để nó nhét cứt vào mồm tôi à?..

- Ông là chồng, ông nói thế mà không thấy ngượng à? – Ông Xích bảo.

- Tôi hèn thì hèn với vợ tôi, chả có gì phải ngượng! Hay ông là cán bộ, ông đến mà góp ý!.

- Nhưng ở đây bác Cứ mới là Tổ trưởng, tôi... chỉ là Tổ phó. Việc giáo dục bà Thấn là trách nhiệm của bác Cứ!..

Ông Cứ vẫn ngồi im nghe mọi người bàn tán, giờ mới thủng thẳng:

- Việc nhắc nhở lời ăn tiếng nói ở các gia đình, ở Phường ta từ trước đến nay, là việc của Hội Phụ nữ Phường. Chị Vân Đểnh có chân trong Chi hội Phụ nữ, hay là chị cứ mạnh dạn góp ý với cô Thấn, là tiện nhất!.

Bà Vân Đểnh giãy nảy :

- Này nhé! Ông đừng có mà khôn lỏi, đừng có mà đánh bùn sang ao!. Tôi! Tôi,… tôi chả việc gì phải dây dưa với con mẹ ấy!.

Cuộc họp giải tán.
Sáng hôm sau, mụ Thấn đột nhiên ra sân chửi sớm và dài hơn thường lệ, mụ réo:

- Vợ chồng đứa nào 3 đời bần nông ở cái Khu này, con nào Chi hội với chả Phụ nữ ở cái khu này thì dảy mái tai gài mái tóc mà nghe: Bà chửi Liên Xô, bà chửi chồng... thì can hệ gì đến mồ mà nhà mày. Tổ cha con bần nông, tổ cha thằng bần nông. Vợ chồng chúng mày quan điểm lập trường thì bà đây có bốn vú hai l… ngồi đợi…

Tận mấy tuần sau, sáng nào mụ Thấn cũng dành thời gian chửi bần nông và Hội Phụ nữ. Bà Vân Đểnh mấy lần đã định lao ra ăn thua. Ông Xích khóa trái cửa lại, ngồi trong nhà bật đài thật to.

HỎI ĐƯỜNG

Đàm Hà Phú - Đi mà không rành đường thì phải hỏi đường thôi, chuyện đương nhiên, “ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ” mà.
Hỏi đường thì nên kiếm đàn ông, người có tuổi chút càng tốt, trước khi hỏi nhớ chào một câu. còn không cứ trờ tới nhe răng cười rồi hỏi: "chú/bác/ anh cho hỏi thăm…", rồi gật đầu cảm ơn là đặng.
Mà cũng lạ, có lẽ dân Việt Nam mình là ưa hỏi đường và chỉ đường nhất thiên hạ. Tôi xem phim, thấy ở nước ngoài đi đâu họ cũng dùng bản đồ, GPS chứ ít khi thấy ai hỏi đường. Nhiều chỗ mình hỏi thăm mà bá tánh nhiệt tình quá: 5 - 3 người cùng xúm xô chỉ đường, thì cũng lắng nghe cho đủ, nhe răng cười với hết thảy, tạ tình cái nghĩa cử chỉ đường chỉ lối. 

Có mấy chuyện liên quan đến chỉ đường, kể nghe chơi mùa giáp hạt.
------------------------------------------------------------------------------------------------
1.
Một lần tôi đến một thành phố lớn, xin phép không nói tên, tôi đến trọ ở nhà người quen của anh bạn đi cùng. Tôi và anh bạn ra khỏi chỗ ở từ sáng sớm lúc trời chưa có nắng và trở về khi thành phố đã lên đèn. Chúng tôi loay hoay mãi vẫn không tìm được đường về vì chỗ ở là một khu dân cư mới ở một quận cũng có thể xem như ngoại thành.
Đi lòng vòng mãi, tôi gợi ý anh bạn là ta nên hỏi đường nhưng anh cứ chần chừ rồi lại bảo thôi, anh cứ đi theo trí nhớ, càng đi càng có vẻ lạc.

Mãi sau, đói bụng quá, tôi nhất quyết bắt anh dừng xe máy ở một ngã tư, nơi có một người đàn ông ngồi trên chiếc xe gắn máy đang xỉa răng dưới ánh sáng ngọn đèn đường, tôi xuống xe và hỏi: “Thưa bác cho hỏi thăm đường…”.

Bác này, tôi đoán là một bác xe ôm, vẫn không ngừng xỉa răng, trả lời tôi một câu mà tôi phải ra hỏi lại người bạn đi cùng mới hiểu: "Hướng dẫn thì 5.000, còn dắt đi thì 15.000". Tôi lại leo lên xe anh bạn và lọ dọ đi tìm đường trong nỗi thất vọng tột độ về tình người.

2.
Tôi có lần đi câu cùng bạn bè ở Cần Đước, Long An. Chúng tôi có hơn chục người, buổi sáng xuất quân cùng hẹn nhau ở một căn nhà của một nông dân trong vùng, nhà Chín Ẩu, để cùng ăn trưa rồi tất cả tản ra khắp vùng buông câu.

Tôi và một người em đi men theo bờ kinh thủy lợi và tìm ra một ổ cá trê có vẻ tiềm năng. Chúng tôi bám lấy ổ cá trê suốt buổi sáng, loay hoay mãi khi ngẩng đầu lên đã thấy trưa đứng bóng, lúc này nhìn quanh không có ai, điện thoại di động thì không có sóng, hai anh em đành lọ mò tìm về căn nhà đã hẹn để ăn trưa.

Tìm mãi chẳng ra vì đường nào cũng như đường nào, nhà nào cũng giống nhà nào. Chúng tôi tấp đại vào một quán lá ven đường hỏi thăm chị chủ quán: "Chị ơi! Làm ơn chỉ giùm nhà ông Chín Ẩu!". Chị chủ quán nhìn tôi mỉm cười, rồi quay mặt vô trong kêu lớn: "Tía ơi! Có người kiếm nhà Chín Ẩu nè!".

Ông già, tía của chị, là một lão nông quắc thước, ở trần phơi làn da đen bóng. Ông có lẽ đang ăn trưa vì thấy miệng vẫn còn nhồm nhoàm nhai cơm, không nói câu nào, ông già ra dẫn chiếc xe máy rồi hất hàm cho tôi: "Chạy theo tui!".

Chúng tôi lẳng lặng chạy theo ông qua mấy ngã rẽ vòng vo, băng qua một cánh đồng thì ông dừng lại, chỉ tay về phía trước: "Đó! Nhà Chín Ẩu ngay mặt lộ, ngói đỏ đó. Thấy hôn?". Tôi dạ dạ cảm ơn thì ông hất tay ra điều: "Đừng khách sáo!", rồi quay đầu xe chạy về.

Lúc ngồi uống rượu với Chín Ẩu, tôi có kể chuyện ông già chỉ đường và có ý cảm kích vì ông đã dẫn đường tới tận nhà. Chín Ẩu cười lớn: "Ha! ha! Dân ở đây làm biếng chỉ đường lắm. Ai ở xa tới mà hỏi đường là lấy xe dẫn tới nhà luôn, khỏi mắc công chỉ!".
3.
Một lần, mới năm kia, tôi cùng một người nữa lái xe hơi đi Chợ Mới, An Giang. Chúng tôi vòng xuống Vĩnh Long chơi rồi mới theo ngã Sa Đéc vòng qua Chợ Mới, chứ không đi theo đường Cao Lãnh, nên tôi không rành đường.

Tới Mỹ Luông vào giữa trưa thì tôi bí đường, đành tấp xe vô lề định bụng kiếm người hỏi. Tôi không để ý rằng xe mình đang dừng gần một con lộ đất nhỏ, phía trong có rất đông người.

Vừa xuống xe chưa kịp vươn vai thì 3-4 người đàn ông mặt đỏ khè, có vẻ đã uống rượu trờ tới hỏi: "Mấy chú kiếm nhà ai?".

Tôi hỏi thăm đường đi Chợ Mới. Người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhóm tới vỗ vai tôi: "Dân thành phố xuống hả, cơm nước gì chưa?".

Tôi thiệt tình trả lời: "Dạ chưa! Tính xuống đó kiếm gì ăn!". Vậy là 3-4 người đàn ông nhất quyết áp tải 2 chúng tôi vào nhà: "Đây xuống Chợ Mới còn xa lắm. Trời trưa nắng không ai bán gì đâu. Sẵn nhà có đám giỗ nè, ghé vô làm chén cơm rồi hẵng đi!"….không thể cưỡng được.

Tôi với anh bạn tự nhiên vô làm khách cái đám giỗ đông nghịt người, ở một nhà dân không quen biết ven đường, bây giờ tôi cũng chịu không nhớ tên vị gia chủ nhiệt tình ấy. Chúng tôi được dọn một mâm cơm riêng, được rót riêng một chai rượu trắng đầy và được giới thiệu hết tất cả bà con họ tộc của gia chủ, mỗi người cụng một ly. Mãi đến hơn hai giờ chiều tôi mới đến được Chợ Mới, cũng may nhờ tửu lượng cũng khá nên mới ra khỏi đám giỗ ấy mà vẫn lái xe đi được.

Lần thứ hai quay lại Chợ Mới khoảng 3 tháng sau, tôi định bụng ghé Mỹ Luông kiếm lại căn nhà tốt bụng ấy để ghé vào cảm ơn nhưng mà chịu, không thể tìm ra, định ghé vào hỏi thăm đường thì anh bạn đi cùng cản: "Ghé hỏi thăm, coi chừng bị bắt vô nhậu nữa đó anh ơi!".

19 tháng 8, 2011

NGƯỜI HẢI PHÒNG NẰM LẠI NGHĨA TRANG TRƯỜNG SƠN

Con gái Hải Phòng xếp hoa thơm viếng các Liệt sĩ Hải Phòng nằm tại Nghĩa trang Trường Sơn
Mai Thanh Hải Blog - Mỗi lần vào thắp hương Nghĩa trang Trường Sơn (NTTS), mình đều qua thăm các bác, các chú đồng hương, nằm ở khu mộ Liệt sĩ (LS) TP. Hải Phòng. Trong đội hình những người nằm lại NTTS vi vút thông reo, gió ngàn và bầu trời xanh thăm thẳm, các LS quây quần theo cấp Tiểu đoàn với 283 tên người, đủ các quận huyện, độ tuổi và chủ yếu là các họ: Bùi, Hoàng, Lê, Nguyễn (nhiều nhất), Phạm, Trần, Vũ, Đào, Đặng, Đỗ. Duy nhất có 1 LS cùng họ với mình là Mai Văn Phan (sinh 1953, hy sinh ngày 8/7/1971), quê ở xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, vị trí mộ tại 5,A,13. 
Phù điêu đất Cảng trên bàn thờ LS

Quê mình, cũng có 28 LS người huyện An Lão, hầu hết đều ngã xuống những năm 1971-1972, ở độ tuổi 18-20, trẻ trung và tràn đầy sức sống.

Những ngày giữa tháng 8/2011, NTTS không tấp nập như dịp tháng 7. Thế nhưng ở các khu mộ LS, vẫn có những đoàn, những tốp đi ôtô, xe máy đến thắp hương, phúng viếng và đặc biệt là đám trẻ con sống ở mấy làng quanh NTLS, nửa ngày đi học, nửa ngày sang chơi, thắp cho hết những bó hương mà những người đến viếng, bỏ lại trên bàn thờ lớn.

Mùa này, những cây đại với sắc hoa trắng - đỏ trong NTTSđang đơm hoa lặng lẽ. Cơn mưa đầu sáng vội vã trút òa xuống đất lửa, làm mềm đi từng thớ đất, xanh thêm những mầm cây và hoa đại trắng, hoa cơm nguội vàng cũng rời cành, rơi xuống, nằm nghiêng trên bia mộ, bên lóng lánh những giọt nước, như nước mắt nhớ thương - ân nghĩa trên gò má những người, đến từ mọi miền Tổ quốc, đang lặng lẽ thắp hương lên từng ngôi mộ, nằm thẳng hàng, với sao đỏ - quân hiệu đỉnh bia...

Thăm những LS đồng hương nơi triền đồi lộng gió, cứ tiêng tiếc: Giá như xung quanh khu mộ chí có 1 hàng phượng đỏ, thì chất Hải Phòng quê hương sẽ thấm đẫm gấp bao lần?. Lại hy vọng: Lần sau vào thăm các đồng hương, 2 cây phượng bé tí, chắc mới trồng bên khu mộ sẽ lớn bổng, khỏe khoắn và biết đâu sẽ có hoa sớm, để mình khỏi phải ngắm phượng đỏ, ở bên ngoài NTTS...
-----------------------------------------------------------------------------------------------------

Khu mộ LS Hải Phòng tại NTTS

Hoa đại linh thiêng nơi các anh nằm

Con dâu Hải Phòng thắp hương


Con trai Hải Phòng thăm đồng hương Hải Phòng

2 mẹ con xếp hoa trên bàn thờ chung

Con gái yêu chắp tay thành kính

Gửi cho các LS Hải Phòng rất nhiều thuốc lá Điện Biên

Hóa vàng mã

Cẩn thận lau sạch từng cánh hoa trên bàn thờ LS


LÁ CỜ GIỚI TUYẾN

Cột cờ giới tuyến và cầu Hiền Lương, Quảng Trị
Mai Thanh Hải Blog - Lần nào đi qua cầu Hiền Lương (Quảng Trị), mình cũng dừng lại nghỉ. Có nhiều thời gian thì lang thang trên mặt cầu gỗ, ngồi bậc thềm nhà của Đồn Công an Vũ trang ngày xưa ngắm mặt sông Bến Hải xanh ngắt màu chia ly, cách biệt thủa nào. Từ hồi Cụm Di tích đôi bờ Hiền Lương được tỉnh Quảng Trị đầu tư xây dựng và chính thức đi vào hoạt động, mình cố dành nhiều thời gian dừng lại để lang thang khắp những hạng mục mới của di tích, nhưng cũng ghi dấu ấn lịch sử của cả dân tộc: Cột cờ giới tuyến, dàn loa phóng thanh, nhà Trưng bày "Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất"...

Thế nhưng, ý nghĩa nhất với mình là được trèo lên chỗ cao nhất của Cột cờ giới tuyến, phóng mắt ngắm vùng đất đạn bom khốc liệt thủa nào đang xanh mát màu lúa, cây. Trên đỉnh cao, nhìn lá cờ khổng lồ bay lượn trong gió, trong nắng và nghe tiếng cờ bay phần phật, thấy xúc động và thiêng liêng lạ kỳ.
Đá chủ quyền mới đặt dưới cột cờ

Lần này, qua Hiền Lương đúng hôm trời mưa. Mấy người bạn Quảng Trị bảo: "Vài tháng nay không có mưa, nên trận mưa quý hơn vàng" khiến mình cũng chỉ mong mưa nhiều thêm cho đất đỡ cằn, cây đỡ khô và con người đỡ khổ. Vẫn dừng lại điểm nghỉ chân bên cạnh cột cờ và chụp mũ, vác máy ảnh lang thang thăm thú. Hướng ống kính lên lá cờ Tổ quốc, sững lại, hạ xuống bởi... lá cờ rách nát đến tàn tệ, phần quấn vào cột, phần mắc vào dây, không thể bay nổi, dù gió biển lồng lộng thổi vào.

Không chỉ mình sững sờ, mà cả đoàn khách khoai Tây vài chục người và đoàn du lịch từ Sài Gòn ra, trên 4 chiếc xe 5 chỗ cũng lắc đầu thất vọng.

Vẫn biết, có thể vì lý do này khác và việc để cờ rách không phải thường xuyên. Thế nhưng cứ lẩn mẩn nghĩ lại câu chuyện ngày xưa, bao nhiêu người đã đổ mồ hôi, xương máu để giữ cho lá cờ Tổ quốc ngạo nghễ bay trên cột cờ bờ Bắc giới tuyến và những ngày đấu cờ đó (19/5/1956 - 20/10/1967) đã đi vào lịch sử Quảng Trị lịch sử của toàn dân tộc, với 264 lá cờ các cỡ được kéo lên, trong đạn bom, lửa cháy để khẳng định chủ quyền, khát vọng tự do - thống nhất và nhóm lửa niềm tin đoàn tụ trong bao người Việt, dù chia cắt - ly biệt 2 miền...
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nhìn từ ngoài QL1A vào cột cờ

Dưới chân cột cờ giới tuyến, mới được đặt những viên đá chủ quyền Trường Sa

Cờ trên đỉnh

Không bay nổi



Dịch vụ trong Khu di tích, dưới chân cột cờ

Các nhân viên đang đứng nói chuyện

Đá chủ quyền Trường Sa dựng xung quanh

Xe của khách du lịch dừng lại thăm di tích, ngắm cờ



16 tháng 8, 2011

"CHO NHIÊU CŨNG ĐƯỢC"

Mai Thanh Hải Blog - Từ lâu, Sài Gòn rất thân thuộc với mình. Chẳng biết sao nữa, nhưng hình như có duyên nợ với mảnh đất, con người nơi đây. Cứ rình rình công việc, cơ hội vào với Sài Gòn. Sướng nhất là dịp mùa đông, Hà Nội áo trong áo ngoài dày khự, nhưng xuống sân bay, tọt vào WC cởi sạch, đánh nguyên quần kaki, áo phông phóng xe máy vèo vèo về trung tâm, a lố cho tụi bạn ra vỉa hè, gọi lon 333 lạnh, còn nguyên lớp sương trên vỏ, mút 1 hơi hết sạch. Tụi bạn mình thấy vậy toàn cười lăn: "Đi tránh rét như... chim cánh cụt". Ê này! Đừng đùa, chim này lái ôtô- xe máy và đi máy bay đấy. Kỷ niệm về Sài Gòn rất nhiều, viết mãi rồi và cũng cảm nhận nhiều rồi. Bây giờ chỉ muốn mọi người cảm nhận, chia sẻ về một Sài Gòn đời thường, thân thương qua câu chuyện của Người Lữ hành kỳ dị.
---------------------------------------------------------------

“Cho nhiêu cũng được!” – Câu này ai ở Sài Gòn chắc là biết. Chắc thỉnh thoảng có nghe, nhất là khi đi taxi, xe ôm, xích lô… Nếu là khách đi quen rồi hoặc quãng đường gần, khó trả giá thì bác tài sẽ nói vậy: "Chú (cô) cho nhiêu cũng được!". Nói vậy, chứ ai đành lòng cho ít. Ví như đúng ra 7 ngàn thì khách sẽ đưa 10 ngàn cho chẵn tiền.

Đó cũng không hẳn vì ít tiền quá mà nói vậy, cũng có khi nhiều thứ giá trị hơn, người bán cũng nói: "Cho nhiêu cũng được!". Ví dụ như chuyện có cô giáo nọ dạy văn ở một trường cấp II, cô nổi tiếng là thương học trò như con. Mỗi buổi sáng, cô hay đi chợ ở gần nhà để tiện việc cơm nước. Trong chợ có rất nhiều người biết cô là cô giáo, và họ thường gọi luôn là “cô giáo”. Nhiều khi cô giáo cũng khó xử với các bà, các chị trong chợ, họ cứ bỏ vô giỏ cô, khi thì con cá, khi thì bó rau, khi thì ký thịt… Khi cô đòi trả tiền, thì họ không chịu lấy, hoặc nói: "Cô giáo cho nhiêu cũng được!".

"Cho nhiêu cũng được!".

2.
Ông là thương binh. Thương binh của chế độ cũ. Ông bị thương gần ngày Sài Gòn giải phóng. Sau giải phóng, ông làm nhiều nghề để sinh sống và để nuôi 3 đứa con ăn học. Một lần nọ, ông làm công việc bảo vệ ở một nhà hàng vào buổi tối. Đó là một nhà hàng lớn, có rất nhiều nhân viên và thực chất công việc của ông là chuyên đắt xe cho khách đến ăn nhậu mà thôi. Chủ nhà hàng là một người đàn ông khá giả và cư xử rất được.

Một hôm có chuyện. Đêm khuya, khi nhà hàng chuẩn bị đóng của và người chủ cũng chuẩn bị ra về, thì có một nhóm người hung dữ cầm mã tấu xông vào nhà hàng truy sát người chủ. Người đàn ông tuy khá cao to và nhanh nhẹn, nhưng khó có thể chống cự với 4-5 tên sát thủ chuyên nghiệp, mọi người bỏ chạy tán loạn. Ông thấy vậy không được, đứng ra bảo vệ chủ mình, vừa đỡ đòn vừa dìu anh bỏ chạy. Nhờ sự giúp sức của ông, nạn nhân đã thoát thân tuy cũng bị thương nhẹ, còn ông thì bị 2 nhát chém nặng, mà 1 nhát sau này, đã làm ông không thể cử động cánh tay phải.

Người chủ mang ơn ông lắm, dù ông nhiều lần nói: “Tôi làm công cho chú thì phải bảo vệ chú thôi. Ơn nghĩa gì mà chú cứ nói hoài!”. Và mặc dù ông đã nhiều lần từ chối, nhưng người chủ nhà hàng vẫn mua cho ông căn nhà nhỏ, chu cấp hằng tháng, đủ nuôi gia đình và cho tiền 3 đứa con ông ăn học.

Chuyện xảy ra lâu rồi. Hôm qua, tôi ngồi trong ngân hàng, kế bên cậu con trai lớn của ông và được nghe chuyện này. Cậu nói: "Chú đó sắp đi Mỹ rồi, bữa nay chú kêu con ra ngân hàng, mở tài khoản để mai mốt chú chuyển tiền về!".

3.
Chuyện này nghe một bạn sinh viên kể. Bạn nói trước nhà bạn nghèo lắm, mẹ bạn bán vé số ở Quận 8 và bạn cũng đi bán phụ mẹ. Nếu bạn học buổi sáng thì sẽ phụ mẹ bán buổi chiều và ngược lại, nhà chỉ có hai mẹ con.

Có một chú thợ hồ ở gần nhà. Nói là gần nhà, chứ thực ra là ở một cái chòi trong xóm hẻm sâu sát bờ kinh. Chú này, mỗi khi nhậu thường hay mua vé số của 2 mẹ con cậu. Chú này mua không nhiều, mỗi lần chỉ mua 2 vé. Nhưng điều đáng nhớ là sau khi trả tiền 2 vé, thì chú sẽ cho lại cậu 1 vé, và lúc nào cũng căn dặn: "Nhớ giữ lại hen mầy! Phải thì cùng đổi đời!".

Và cậu đổi đời thiệt, 1 lần cặp vé số định mệnh đã trúng giải độc đắc. Người vợ của chú thợ hồ, khi biết chồng mình trúng số độc đắc, đã nổi lòng tham và muốn đòi lại tờ vé số mà chú đã cho cậu buổi chiều trước đó. Nhưng chú thợ hồ đã kiên quyết không đòi lại, chú còn dùng tiền trúng số, đãi cả xóm một bữa nhậu linh đình.

Có vốn, mẹ cậu không bán vé số nữa, mà chuyển ra mở quán ăn sáng và cuộc sống của 2 mẹ con đã khá hơn trước rất nhiều. Chỉ riêng chú thợ hồ thì vẫn làm thợ hồ. Bây giờ, chú mua vé số của người khác, nhưng tật cũ vẫn không bỏ, mua 2 vé và cho lại người bán 1 vé. Chú luôn dặn: "Nhớ giữ lại hen mầy! Phải thì cùng đổi đời!".

4.
Ông chạy xe ôm ở Quận 10, nhưng nhà ông thì ở tận ngã tư An Sương. Vợ ông thì bán vé số nên ông thường đậu xe kế bên bà. Hai người mang cơm theo ăn buổi sáng và buổi trưa, buổi chiều thì trả vé về sớm rồi cùng ăn ở nhà.

Quê ông bà ở Cần Giuộc. Bữa nọ, thấy có người trông dáng như ở quê lên, tới ghé cho ông bà 2 con gà, 1 buồng chuối và giỏ đệm đầy cá trê phi, con nào con nấy mập ú, vàng óng. Tôi tò mò hỏi: "Bà con dưới quê gửi lên?". Ông cười, nói: "Đúng ở quê gửi lên, nhưng mà hông phải của bà con, thằng đó chiếm đất của tui đó chớ!".

Nhà ông có nhiều anh em, cha ông có chia cho ông ba công ruộng ở quê. Ruộng đất phèn, nên một năm chỉ trồng được một vụ, mà lại có mùa trúng mùa thất nên ông bỏ đó lên Sài Gòn chạy xe ôm. Ruộng bỏ hoang lại nằm xa xóm, nên không ai coi. Một lần ông về quê và phát hiện ruộng của mình có người chiếm mất. Đó là một gia đình nghèo, hai vợ chồng và bốn đứa con nheo nhóc, trước họ sống theo ghe nhưng cái ghe nát quá, nên cả gia đình dắt nhau lên bờ kiếm đất hoang lập nghiệp, cũng bị đuổi cùng đường mới tới đây.

Mới đầu ông cũng làm căng, thưa lên xã rồi nhờ bà con tới đòi kịch liệt lắm, nhưng do đất nhà từ xưa không có giấy tờ, lúc chia cũng không lập di chúc nên khó nói lý. Rồi ông phát hiện bà vợ mình bị tiểu đường nặng nên thời gian của ông chủ yếu ở bên bà, ông không thiết đòi đất nữa. Một lần về quê đám giỗ ông đã ký giấy cho gia đình nghèo nọ ba công đất luôn.

Ông nói: "Mình cũng nghèo mà thấy tụi nó còn nghèo hơn. Mình già rồi, sống nay chết mai, thôi coi như làm phước cho tụi nó. Cũng được cái là vợ chồng nó cũng biết điều, nhận tía má luôn, đem lên cho đồ hoài, ăn hổng hết!"...