19 tháng 9, 2013

TRUNG THU KHÔNG CỦA TRẺ CON?..

Như thường lệ, năm nay các đồ chơi Trung thu dân gian dần vắng bóng và nếu có, cũng không hút khách. Để cố níu kéo những mặt nạ cổ truyền, người sản xuất buộc phải "biến báo" các loại mặt nạ mới, có phần... kinh dị
Ma lẫn với người
Dành cho lễ hội hóa trang, hợp hơn là đêm Trung Thu
Mặt nạ Trùm khủng bố Billaden

Nguồn: TGA FB

THƯ LIỆT SĨ 2/1979: "NGÀY MAI HÀNH QUÂN, ANH SẼ KHÔNG NGỦ ĐỂ NHỚ EM, KHÔNG NGỦ ĐỂ DIỆT THÙ"

Mai Thanh Hải - "Ngày mai anh sẽ hành quân, anh sẽ không ngủ để nhớ em, không ngủ để diệt thù, không ngủ để nhìn em suốt canh thâu, không ngủ để gần em và luôn thấy em!" - Đó là lời nhắn gửi của Liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa (khi đó là Chuẩn úy, Chính trị viên phó) trong lá thư cuối cùng gửi cho người yêu.

2 ngày sau khi nổ ra cuộc chiến tranh biên giới (17/2/1979), đơn vị của Chuẩn úy Hòa được lệnh hành quân cấp tốc từ Nghệ An ra Bắc và lên biên giới Lạng Sơn giữ đất quê hương, chiến đấu đánh trả quân Trung Quốc xâm lược.

Lá thư của Chuẩn úy Hòa viết vội cho người yêu trong hoàn cảnh đó (19/2/1979) và đó cũng là lá thư cuối cùng bởi hơn 2 tuần sau đó, Chuẩn úy Nguyễn Thái Hòa đã anh dũng ngã xuống, trong mịt mù khói lửa Lạng Sơn.

Hơn 34 năm sau, lá thư đó mới được tiếp nhận bởi Trung tâm MARIN và việc tìm kiếm người viết - người nhận đã được xúc tiến nhanh chóng để cho ra kết quả: Liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa sinh năm 1952, hy sinh ngày 2/3/1979 khi mới 27, bố mẹ đã mất và phần mộ Liệt sĩ đang nằm tại Nghĩa trang Liệt sĩ của địa phương (xã Hải Hùng, huyện Hải Hậu, Nam Định). Người con gái trong thư mà Chuẩn úy Hòa nhắc tới, tên là Thúy, hiện là giáo viên dạy Toán đã nghỉ hưu tại quê hương 2 người (xã Hải Hòa, huyện Hải Hậu, Nam Đình).

Ngày 23/9 tới đây, đại diện Trung tâm MARIN về Hải Hậu, trao lại bức thư của Liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa gửi cho bạn gái và viếng phần mộ của Liệt sĩ nằm ở quê nhà.

Muôn đời ghi nhớ công ơn những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, đánh trả quân Trung Quốc xâm lược 1979 - 1989, và như chị Ngô Thị Thúy Hằng, người sáng lập và điều hành Trung tâm MARIN (Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình Liệt sĩ) đã viết trên FB cá nhân: "Người Liệt sĩ ấy mất đi, đã để lại cho cuộc đời 1 tình yêu đẹp. Tình yêu đất nước biên cương cao hơn tình yêu lứa đôi. Trong tình yêu lứa đôi ấy có hình ảnh, lý tưởng của đất nước".

Xin được trân trọng giới thiệu lá thư của Liệt sĩ - Chuẩn úy Nguyễn Thái Hòa:

*****

19/2/1979

Em thân yêu của anh!.

Thư em đến với anh giữa lúc anh cùng đơn vị chuẩn bị lên đường chiến đấu.

Lẽ ra anh không báo tin này cho em và gia đình biết, phần vì thời gian rất gấp và khẩn trương, phần vì anh không muốn em phải lo lắng nhiều vì anh.

Em thân yêu! Ở xa em có thể hiểu được tâm trạng của anh lúc này không em – bâng khuâng, buồn và nhớ da diết, anh bâng khuâng vì đêm nay là đêm cuối cùng ở vùng đất khu 4 này.

Ngày mai anh sẽ ra phương bắc để bước vào cuộc chiến mới.

Nơi đó cuộc ác chiến đã và đang diễn ra, nơi đó quân thù đang giày xéo biên cương của Tổ quốc.

Nơi đó đồng đội đang chờ anh.

Anh buồn vì những lúc này anh thấy mình cô đơn và buồn tẻ.

Anh nhớ em da diết bởi vì anh sẽ phải xa em nhiều năm nữa, chưa biết khi nào anh mới quay trở lại gặp em. Ôm em và hôn em thắm thiết.

Tình yêu của em và anh trong những ngày tháng qua đã để lại cho anh tình thương em, yêu em vô bờ bến. Có thể nói rằng mỗi bước đi, mỗi ngày sống anh đều có em…

Em ơi, ngày mai anh đi về phương bắc, anh không được gặp em để có đôi lời biệt ly!.

Ra đi mang nhiều nỗi nhớ thương, ai có thể thấu hiểu được lòng anh trong lúc này em nhỉ?.

Chỉ có anh thôi, anh đang sống trong giờ phút chia ly.

Bao lời anh nói em nhờ thư, nhờ gió mây gửi đến cho em.

Anh ra đi mang theo tình em, anh ra đi để được hiểu, được sống trong giờ phút có cảm nghĩ sâu sắc và tất nhiên sẽ hiểu hết các giá trị của Tình yêu.

Một tình yêu của anh với em không giới hạn. Một tình yêu vô cùng đẹp đẽ. Dù có nói vạn lần yêu em anh cảm thấy vẫn chưa đủ. Anh không biết nói gì hơn nữa để diễn tả nỗi nhớ tình thương và yêu em như lúc này.

Em yêu thương và nhớ mãi của anh! Chỉ còn 3 giờ đồng hồ nữa là anh tạm biệt nơi đây.

Có lẽ chiến thắng của quân dân ta ngày mai có thể có cả công anh. Nhớ theo dõi tin thắng trận và mừng cho anh em nhé.

Anh đã và đang chuẩn bị hành quân như em đã biết thư cho anh. Và đêm nay anh không ngủ để ghi mối trung thư trên mảnh đất này.

Ngày mai anh sẽ hành quân, anh sẽ không ngủ để nhớ em, không ngủ để diệt thù, không ngủ để nhìn em suốt canh thâu, không ngủ để gần em và luôn thấy em.

Nhận được thư này đừng nên lo lắng nhiều và buồn em nhé – tan giặc anh về, chờ đợi anh em nhé, chờ đợi anh.

Đêm 19/2.
Anh yêu của em

Tái bút: Anh chỉ nhận được thư em ngày 6/2. Vì chuyển nên đừng ghi theo địa chỉ cũ nữa, khi nào có địa chỉ mới anh sẽ báo tin sau. Anh đã ghi thư cho chị Nhuần + Huệ và em 2 lá. Nhưng mới chỉ nhận được thư em lúc 20h ngày 19/2. (Thông cảm cho anh vì thời gian rất gấp. Ngồi ghi thư cho em ngay trong lúc tất cả đang chuẩn bị lên đường – lính mà em).
--------------




18 tháng 9, 2013

TRUNG THU BẢN NGHÈO


Trung thu nghèo, cả bản vùng cao có mỗi 1 "ông Tôn Ngộ Không" được bố mẹ gom góp tiền, mua ngoài chợ phiên chiếc mặc nạ cũ, chạy loăng quăng khắp bản dọa: "Sợ không?"..

Mọi người sợ chút đi, cho con trẻ vùng cao được vui...

(Nguồn: Thế giới ảnh FB)

17 tháng 9, 2013

DÍ "THẺ NGÀNH" VÀO MẶT CSGT, ĐÒI QUYỀN ĐI KHI ĐƯỜNG TẮC

OF - Vụ việc xảy ra vào khoảng 8h sáng nay, 17/9 tại nút giao thông Hoàng Hoa Thám - Tam Đa (Hà Nội) trước sự chứng kiến của rất nhiều người tham gia giao thông. 

Lúc này, tại đây đang xảy ra ùn tắc cục bộ.

Lực lượng được huy động đến gồm 5 đồng chí Cảnh sát giao thông (CSGT) và 1 đồng chí trật tự giao thông (TTGT).

Để thông đường, lực lượng chức năng đã dừng chiều đi từ Văn Cao lên Hoàng Hoa Thám, ưu tiên chiều cầu vượt đi Hoàng Hoa Thám để giảm tải cho nút giao thông này.

Tuy nhiên, tại chiều ô tô đang đỗ trên dốc Văn Cao lên Hoàng Hoa Thám,  có một chiếc Honda Civic BKS 29A-055.15 liên tục bấm còi vào sau lưng CSGT để đòi được đi trước một mình. CSGT đã nhắc nhở lái xe rằng mỗi người nhường nhau một chút thì sẽ thông đường, nếu không nhường nhau, thì đến trưa cũng không đi được.

Lái xe ban đầu chấp hành, nhưng chỉ khoảng 3 phút sau liền mở cửa xe đi ra ngoài, tiến đến vị trí của hai đồng chí TTGT và CSGT đang đứng, lấy một chiếc Thẻ màu đỏ "dí" thẳng vào mặt họ và đòi cho xe đi với thái độ rất hống hách.

Khi CSGT hỏi: "Anh đang đi đâu?" thì người đàn ông này nói: "Đi công việc cơ quan!".

CSGT trả lời: "Ở đây ai chẳng có việc, những người đang đi hay đang phải dừng lại đều có công ăn việc làm. Anh đi xe công vụ, tôi sẵn sàng đồng ý cho anh đi nhưng anh đang đi xe cá nhân, xe anh cũng không có phù hiệu, giấy ưu tiên. Trên luật pháp anh công bằng với những người khác".

Nghe vậy, người đàn ông liền văng tục rồi bỏ lên xe.

Lúc này, trên xe còn có một trẻ em ở độ tuổi Mẫu giáo ngồi ghế sau.

Một lúc sau, người đàn ông này lại đi ra khỏi xe ra ghế sau bê 1 tệp công văn ném bịch xuống đường rồi tiếp tục chửi bới nhưng vẫn không được chấp thuận cho đi trước bởi chiều trên cầu vẫn đang tắc nặng hơn.

Sau một hồi chửi bới, lái xe chui vào xe định đi thẳng thì một đồng chí CSGT đứng trước đầu xe, chặn không cho đi.

Lái xe này rồ ga nhẹ định để CSGT nhảy ra nhưng đồng chí CSGT vẫn đứng yên.

Lái xe mở cửa kính chửi và dọa sẽ cho đồng chí CSGT lên nắp capo.

Một lúc sau, đến chiều dưới dốc văn Cao, người đàn ông này định rẽ trái xuống dốc Tam Đa nhưng cũng không được phép vì có biển cấm rẽ trái.

Lái xe tiếp tục chửi bới rồi đi về phía Hoàng Hoa Thám.

Theo quan sát, chiếc thẻ đỏ mà người đàn ông lái xe này "dí" vào mặt CSGT và TTGT có thể là Thẻ ngành An ninh (Giấy chứng minh An ninh nhân dân - Cấp cho CBCS công tác trong các đơn vị thuộc lực lượng An ninh, của ngành Công an).

Chứng kiến vụ việc, nhiều người tham gia giao thông tỏ ra rất bất bình trước thái độ hống hách và bất chấp pháp luật của lái xe kể trên.

Đồng thời, thái độ bình tĩnh, nghiêm túc thực thi công vụ của các đồng chí CSGT và TTGT cũng rất được mọi người hoan nghênh và khen ngợi.
--------------------------------------------------------
Trên đây là chia sẻ của thành viên Mr HIp 1990, diễn đàn otofun. BBT OF News xin trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được chia sẻ của các thành viên khác trên diễn đàn!

15 tháng 9, 2013

CHẤM SON TRÊN ĐỈNH HOÀNG LIÊN

AABC - Đường vào bản Háng Gàng (xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu, Yên Bái) dài gần 20km, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm.

Gọi là đường nhưng có những chỗ lầy lội bùn nhão nhoét, lại có những chỗ lổn nhổn đá núi, chưa kể hơn chục con suối và khe nước chảy ngang đường, muốn đi qua chỉ có cách treo giầy vải lên cổ rồi lội.

Trời nắng như đổ lửa nhưng xe máy cũng chỉ có thể đi được 13-14km, gần 5km còn lại chỉ còn cách đi bộ, leo lên leo xuống những con dốc lởm chởm và dựng ngược.

Các cô giáo ở Háng Gàng bảo, những ngày mưa, muốn đi từ Pá Hu vào Háng Gàng, chỉ có cách duy nhất là đi bộ đủ 20km đường rừng.

Đã vào đến Háng Gàng rồi mà gặp mưa, thì có hai cách: Ở lại hoặc để xe máy lại, đi bộ ra.

Ở Háng Gàng heo hút ấy, thay bằng một lớp học mái lá tranh tre, giờ đây đã có một ngôi trường mới mọc lên, mái tôn đỏ tươi như một chấm yêu thương giữa núi rừng xanh thẳm: Điểm trường mầm non Háng Gàng do Áo ấm biên cương, Quỹ hỗ trợ và phát triển giáo dục TPHCM cùng Cty Bia - Rượu và NGK Aroma xây dựng.

80 suất quà với áo khoác, cặp lồng, dép nhựa, bánh kẹo, cá khô cho các con ở Háng Gàng là tấm lòng của Chương trình Áo ấm biên cương, để từ đây, các con không còn phải chân trần, áo cộc phong phanh, không còn phải gói cơm nguội vào lá, vào túi nilon mang đến lớp học.

Háng Gàng – một chuyến đi đủ để thấy cuộc đời này thật rộng lớn và cần thật nhiều những yêu thương...

(Lễ Khánh thành và chính thức bàn giao điểm Trường Mầm non Háng Gàng, trị giá 315 triệu đồng, đã diễn ra ngày 14/9/2013 với sự có mặt của bà Thế Thanh, Đại diện Quỹ Hỗ trợ phát triển Giáo dục EDF TP.HCM - Đơn vị tài trợ xây dựng; ông Vũ Quỳnh Khánh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu; Đoàn Công tác của Chương trình Áo ấm biên cương và cán bộ một số Ban ngành tỉnh Yên Bái, huyện Trạm Tấu cùng toàn thể cán bộ lãnh đạo xã Pá Hu và Nhà trường Mầm non - Tiểu học)

MỘT NGÔI TRƯỜNG MỚI Ở BẢN HÁNG GÀNG