31 tháng 8, 2012

QUÀ CỦA ĐẢO GỬI ĐẤT LIỀN

Nẵng rờ rỡ, như thể có bao nhiêu nắng, đổ hết xuống đảo tiền tiêu. Đã thế biển lại xanh ngằn ngặt và gió, cứ thun thút thổi trên nóc tàu, như níu kéo những người mới đến: "Thấy chưa? Đã bảo rồi mà!. Lý Sơn khi nào cũng thoáng đạt, phóng khoáng và hết mình, nhất là với cái nắng, cái gió!". Buổi sáng dậy sớm qua đảo Bé An Bình, xem cái Công ty DuSan nào đấy của Hàn Quốc, đang làm ăn ở Dung Quất tổ chức Lễ Khánh thành Hệ thống lọc nước mặn thành nước ngọt, phục vụ cho các hộ dân trên đảo. Cứ tưởng ở cái nơi đi vài tiếng đồng hồ mới tới nơi, thiếu từ hạt gạo cho đến giọt nước này, cái sự giản tiện nó sẽ hiện diện. Thế nhưng cũng đủ hết, từ phông màn cắt chữ Nhiệt liệt chào mừng xanh đỏ cho đến cổng chào bơm hơi vàng khè, thảm đỏ trải từ bờ cát, qua ruộng tỏi vào đường bê tông lơ ngơ lạ lẫm... và cả cái màn "phùn phụt" giấy trang kim, bay chấp chới như ma trơi. Thế mới biết dù là Tây, nhưng sang ta cũng đều chuộng hình thức. Mà cơ khổ, nắng thế, cát thế, nóng thế, ngột ngạt thế, đến mấy con chó tò mò đến ngóng xem cũng phải thở hồng hộc, lè hết cả lưỡi, thì nói gì đến các lãnh đạo từ Bộ ngành Trung ương cho đến lãnh đạo Sở huyện - báo chí - doanh nghiệp - đối tác - PG... Thế mà vẫn phải ngồi đấy cả đống, vừa quệt mồ hôi, cuộn mũ lưỡi trai quạt phành phạch, vừa nghe đủ mọi phát biểu cảm nghĩ cảm ơn, từ cấp trên cho đến cấp dưới, mãi gần 12 giờ sáng mới xong. Mình thì chả dại như vậy: Đảo qua tý, nhìn tý không khí và trải nghiệm "nắng nóng - đông người" phát là hổn hển đạp chiếc xe 50 chuyên chở hàng hóa của UBND xã An Bình, lượn vòng quanh các ngõ ngách trên đảo. Hôm nay, bà con vui lắm vì ít nhất trong mùa khô này, cũng có nước ngọt được cấp phát từ DuSan, chả phải mua 200.000 đồng/ m3 nước sinh hoạt nữa. Vui đến mức, mấy anh em nhà Bùi Huệ khi thấy mình lọ mọ trèo lên cây bàng vuông hái quả, đã "cày bừa" nát dưới gốc mấy cây bàng vuông cổ thụ ngoài đảo, tìm những quả to nhất, đẹp nhất và có khả năng ươm sống nhất, để tặng cho mình mang về trồng xanh. Mọi người bảo: "Ngoài này chỉ có nắng, gió, nước biển và hơi muối nên không mang về được. Chỉ còn mầm xanh cây bàng vuông giữ đảo, làm quà gửi về đất liền, từ đảo nhỏ tiền tiêu!"... Và mình sẽ mang về, như mang nắng cát và gió của đảo gửi Hà Nội trái tim.

30 tháng 8, 2012

SÀI GÒN - CHUYỆN TRONG HẺM

Đàm Hà Phú - Nhà anh ở cuối hẻm, anh chạy xe ôm, xe của anh thường đậu ở đầu hẻm.

Hẻm nhỏ nên mấy chục nhà đều biết anh, có việc gì đi đâu người ta nhất loạt bật ra câu: “Biểu thằng Tám chở”.

Khuya sớm, nắng mưa gì hễ người trong hẻm kêu là anh chạy xe vô tận nhà chở, tiền bạc đôi khi ang áng, dư thiếu gì anh cũng vui.

Vợ anh chẳng may mất sớm, để lại thằng con cho anh, nhờ trời thằng nhỏ khỏe mạnh và dễ thương. Năm đầu khi vợ mất thì mẹ anh giúp nuôi thằng nhỏ, rồi bà già cũng theo ông đi mất, thằng nhỏ được cả con hẻm nuôi, nó ăn cơm nhà này ngủ nhà khác là chuyện thường.

Anh thường đưa con đi học, tiện chở luôn con bé Út nhà chị Tư thợ may, chiều cũng đón hai đứa về, bữa nào anh kẹt khách về trễ, con Út kêu xe khác tự dẫn em về rồi má nó trả tiền.

Nhiều người thấy anh hiền lành, chăm chỉ nên mai mối cho anh đặng đi bước nữa, anh lắc đầu cười, anh sợ thằng con chịu cảnh mẹ ghẻ con chồng, mà thằng nhỏ có thiếu thốn gì, cả cái hẻm như cái nhà lớn của nó, ai đi đâu về cũng có quà cho nó, đến con kiến còn không cắn được nó nữa là…

Bữa nọ có ông kêu anh chở đi Long An, anh biết chỗ đó vì nó ngang nhà vợ anh, anh xin ghé lại mua ít bánh trái vô thăm nhà vợ, dù thỉnh thoảng anh vẫn chở con về đó chơi hoài.

Ông khách nọ nhân đường xa, ngồi hóng chuyện của anh, thấy cảm kích lắm, lúc quay về xin ghé nhà anh ăn bữa cơm.

Nhà gà gà trống nuôi con đâu có gì ăn, anh chở ông khách về rồi nhờ trong hẻm ai có gì bưng qua thứ đó, nồi cá kho của nhà Hai Mến, tô canh dư bên Bảy Gà, cơm trắng lấy bên Tư Thợ May, rượu nhà còn…

Mấy tháng sau ông khách đi xe ôm hôm đó chết, trong di chúc của ổng có để lại cho anh mười cây vàng, lúc anh con trai ông khách nọ điện thoại cho anh mà anh còn tưởng thằng nào nói chơi chọc anh.

Bữa hai vợ chồng anh con trai ông khách đi xe hơi tới trao cho anh mười cây vàng, cả hẻm ra coi, vui quá trời.

Anh kể câu chuyện này thực thà, anh nói: Mười cây vàng xài hết có một cây là đãi bà con lối xóm với mua cho thằng nhỏ cái xe đạp chạy xà quần trong hẻm, còn chín cây anh bán gửi ngân hàng lấy lãi, mà hổm rày lãi xuống quá, hổng biết sao.

2.
Em nhỏ đến bán bánh mì đầu hẻm lâu rồi mà có ai biết tên gì, kêu con nhỏ bánh mì, rồi kêu con Gái riết thành tên, nó cũng tự nhận mình tên Gái luôn.

Nó bán bánh mì cũng ngon, bánh mì xíu mại làm thanh mảnh, vừa miệng.

Xe bánh mì của nó nhỏ xíu, có bánh xe đẩy, trời chưa tỏ mặt người đã thấy nó đẩy tới, tới xế trưa thì đẩy về, nghe đâu nó ở trọ với mấy đứa em ở trong khu sinh viên, nghe đâu nó dân miền tây, nghe đâu buổi chiều tối nó đi học thêm, nghe đâu nó bán bánh mì nuôi hai ba đứa em ăn học đại học… những tin đồn dễ thương, giúp xe bánh mì của em đắt khách, chủ yếu cư dân trong hẻm, lúc nào cũng thấy em tươi cười.

Trong hẻm có nhà nọ cũng giàu, nhà đất rộng cả ngàn thước vuông, xe mẹc láng cóng, hai vợ chồng chủ nhà kinh doanh nghành thép.

Hai vợ chồng chủ nhà tuy giàu nhưng đối đãi với chòm xóm rất được, lúc nào cũng giúp đỡ người khác, ai cũng thương.
Hai vợ chồng đã già mà có một thằng con trai một nên nó thuộc loại công tử, ăn chơi khét tiếng, phá gia chi tử. Hai vợ chồng già rầu lắm.

Bà vợ mỗi bữa đi bộ với mấy bà ra công viên tập thể dục đều nói: Con nào mà sửa được thằng Thành tôi để hết gia tài cho nó, vợ chồng tôi chết mới nhắm mắt.

Rỗi bỗng nhiên một hôm thằng công tử nhà nọ tự nhiên đổi tánh dần, bắt đầu bỏ ăn chơi, chịu học chịu làm, bắt đầu theo cha mẹ coi sóc cái vựa thép khổng lồ, mua mua bán bán, người ta còn thấy nó theo mẹ ra công viên tập thể dục mỗi sáng. Khỏi nói hai vợ chồng già chủ vựa thép vui thế nào, bà con trong hẻm cũng vui lây.

Nhưng cái đám cưới của thằng Thành với con Gái là vui nhứt, cả hẻm đều được mời, đãi mấy chục bàn từ trong sân tràn ra ngoài hẻm, ca hát bia bọt đến tận khuya.

Nhiều người nói bữa nay vui, vui mà cũng uổng, uổng là từ mơi không có bánh mì con Gái mà ăn, cô dâu vẫn cười tươi, nói: Cô bác nào ăn con làm đem qua cho. Thiệt con nhỏ dễ thương gì đâu.

3.
Chiều hôm nọ tôi có việc qua quận Tư, đi gặp một người ở trong một con hẻm nhỏ xíu, bề ngang chừng một thước và chạy ngoằn nghèo, ngang chợ Xóm Chiếu.

Tôi đậu xe ngoài đường và lững thững đi vào trong hẻm, tôi dừng lại hỏi thăm một toán thợ hồ đang làm móng một căn nhà chừng hai chục thước vuông, có mấy vị hàng xóm rảnh rỗi sang góp chuyện, nhóm thợ đang làm sắt giữa hẻm, đất cát gần như choán hết lối đi mà không thấy ai than phiền gì.

Tôi rút điếu thuốc ra chưa kịp mồi thì đã có một anh bật quẹt lửa cháy đưa sẵn, tôi gật đầu cảm ơn rồi hóng chuyện tiếp, chuyện những vất vả của nghề thợ hồ, anh kia ra điều hiểu chuyện, nói: Ờ!. Làm gì mà không khổ, chủ yếu mình thấy vui được rồi. Anh ở trần, sau lưng xăm con đại bàng rất lớn.

Anh nói với toán thợ, chiều nay qua nhà tao ăn cơm, bữa nay cúng cơm ông già tao, tụi bây xin cai nghỉ sớm qua uống chén rượu hén, đám thợ cười hớn, dạ rân.


Tôi đã từng lang thang qua những con hẻm ở quận Tư, quận Tám, ở khu Hòa Hưng, Bùi Thị Xuân…

Tôi đã từng sống trong những khu nhà cất trên bờ kênh Nhiêu Lộc mà người ta gọi là Xóm Nước Đen…. ở những khu đó có nhiều người Sài Gòn hơn những khu dân cư hiện đại hay những chúng cư năm sao, dù họ không hẳn tất cả đều nói giọng Sài Gòn.

Hôm qua tôi đi vào một con hẻm nhỏ xíu và ngoằn nghèo ngang chợ Xóm Chiếu, nơi được mệnh danh là thủ phủ giang hồ đao kiếm của Sài Thành, nhưng không hiểu sao tôi luôn có cảm giác thân thuộc, ấm cúng khi đi vào trong con hẻm đó.

Có lẽ bởi vì cái mùi người - Cái mùi Sài Gòn trong những con hẻm đó luôn làm tôi hạnh phúc. Thiệt!..

28 tháng 8, 2012

CON TÀU VIỆT NAM ĐI SUỐT BỐN MÙA VUI

Mình có rất nhiều kỷ niệm khi đi tàu hỏa, nhất là khi còn làm Học viên tò te. Nhưng hôm nay, kỷ niệm rất khó quên khi lơ ngơ lên tàu, từ Ga Hà Nội vào Quảng Ngãi, được gặp và bị các Đại ca bên Thanh tra Cục Đường sắt Việt Nam, Khu vực 1 "bắt" vào uống bia, nói những chuyện về biên giới Biển đảo. Thậm chí, sáng mai tới Huế, mình còn được các Đại ca đặc cách cho lên đầu máy, chụp hình đèo Hải Vân, từ góc nhìn của những người tài xế lái tàu.dọc cung đường Bắc Nam thống nhất. Cảm ơn Blog, cho mình được gặp những Đại ca, thường đọc những dòng vớ vẩn của mình. Lại cắm headphone nghe Thanh Hoa hát "Con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui, qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi" và chỉ mong ĐSVN (đời sinh viên nghèo), có những cán bộ - công nhân biết đọc Blog thế này. He! He!..

KHÔNG QUÂN ĐÁNH BIỂN

Mai Thanh Hải - Đi tàu vận tải từ đất liền ra Trường Sa mất đủ thời gian ngày đêm. Thế nhưng với phương tiện máy bay, khoảng cách ấy được rút xuống cực gần, không thể tưởng tượng nổi.

Thế mới có chuyện chú lãnh đạo nào đấy oách xờ lách, sáng ăn sáng uống cà phê xong, mới lạch phạch bay từ Vũng Tàu ra Trường Sa Lớn đi dạo thăm, nghiêng ngó chút rồi vào Chùa thỉnh chuông, trồng cây lưu niệm (không dám đề ngày trồng) vẫn chưa thấy đến giờ ăn trưa, nên đành nhậu nhẹt - đàn hát "cho sớm sủa" thông đầu giờ chiều, lại lạch phạch lên trực thăng, díp mắt tựa ghế ngủ, chưa đủ giấc đã về tới Vũng Tàu, cũng lại chưa đến giờ... nhậu chiều.

Chuyện linh tinh vớ vẩn chỉ rất hãn hữu mới có vậy, chứ còn với các Đoàn khách thăm, ra Trường Sa là công tác thực sự, đằng đẵng cả chục ngày sóng gió, rèn luyện và trải nghiệm.

Với bộ đội đang đóng quân ngoài Đảo, cái sự "công tác" của lũ lượt khách tháng 4 tháng 5 quá là... thiên đường và nhàn hạ, chả bằng cái móng tay bé xíu của lính, bám trụ cả năm với tỷ thứ thiếu thốn, bất thường, nguy hiểm.

Mình đã từng đặt câu hỏi: "Ngoài đảo, sợ nhất là gì?" và đành phải tự trả lời: "Sự cô độc trong cuộc sống và không có sự chi viện, trong trường hợp xấu xảy ra", khi chứng kiến: Mỗi khi có tàu chiến đấu mới, Hải quân điều ngay ra Trường Sa, cho tàu đó lần lượt đến từng điểm đóng quân của bộ đội trong vài ngày và mỗi buổi chiều, lính ta lại lũ lượt kéo nhau ra ngắm tàu, trầm trồ khen ngợi - tin tưởng vào vũ khí khí tài hiện đại đang oai vệ chĩa hết ra khoe; mỗi khi có máy bay của Không quân ta tuần tra ngoài đảo, cả lính lẫn quan dù có đang mayo quần đùi ngồi trong WC cũng lao hết ra sân hò hét, chào đón, tung mũ tung áo như "trẻ con thấy mẹ về chợ", khiến những phi công trong buồng lái, cũng động lòng sà sát đảo, lúc lắc cánh chào lại, thân thuộc đến từng ánh mắt - hàng mi dưới đất - trên trời...

Người ta quen nói: "Không xa đâu Trường Sa ơi!" và hát: "Gần lắm Trường Sa", để dùng mọi câu từ - chữ nghĩa đánh lừa khoảng cách xa xôi, cách trở giữa đất liền vào biên đảo. Thế nhưng với lính đảo, thứ mà họ tin tưởng nhất, trông chờ nhất là những cánh bay từ đất liền ra tiếp ứng, chi viện trong mọi tình huống.

Và những cánh bay đó, được lính Trường Sa gọi thân thương và cũng rất kính phục là: "Không quân đánh biển".
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Lính thợ làm nhiệm vụ chuẩn bị, cho chuyến bay tuyệt đối an toàn

Biên đội tuần tra vừa hạ cánh an toàn

Biên đội bay sát Đài Chỉ huy, trên Đảo Trường Sa Lớn

Vận tải quân sự - chỉ huy trên không


Chuẩn bị vũ khí cho biên đội đi làm nhiệm vụ

Rút kinh nghiệm

Tiêu diệt mục tiêu


Trên đảo sẽ chia lửa





Từng tàu địch đều được nhận diện



Đón chào từ Nam Yết

Hàng mới đây nhá!
Ra với Nhà giàn


Có mới nhưng không nới cũ

Trẻ em Trường Sa với ước mơ làm phi công






Tầng trên lớp dưới


Mới cứng

Xuất kích



* Bài viết có sử dụng hình minh họa, đã đăng trên các trang mạng xã hội và phương tiện TTĐC.

27 tháng 8, 2012

LIỆT SĨ LÊ VĂN CHIẾN, HY SINH THÁNG 3/1979 TẠI CAO BẰNG...

Mình hay nhận được những lá thư, cú điện thoại, tin nhắn hỏi tìm mộ Liệt sĩ.

Ban đầu thì rất ngạc nhiên, thậm chí có khi còn bực, với lý do: "Tôi không phải nhà ngoại cảm, tìm mộ Liệt sĩ. Mọi người liên hệ nhầm rồi!".

Nhưng khi nghe những người gọi đến mình trình bày, mới thấy căn cớ của vấn đề và trách mình vô cùng.

Không ai hỏi về Liệt sĩ hy sinh trong giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ cả.

Toàn hỏi về người thân mình, ngã xuống trên những nẻo đường biên giới, trong những năm 79-89, chống quân Trung Quốc xâm lược, bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Đến nay, vẫn chưa có con số chính xác về những người lính đã hy sinh trong những năm dài dằng dặc giữ biên giới và sự hy sinh của họ, chỉ tồn tại trong sách báo xuất bản những năm đó cùng lời kể truyền miệng của đồng đội - người thân, tịnh những năm nay, hình như có rất ít những dòng công khai viết về họ.

Hành trình của mình đi dọc biên cương, thường dừng lại ở những bia bê tông hình chóp cong, đặt trong mái nhà không tường cũng cong, ghi tên các Liệt sĩ "hy sinh trong khi bảo vệ biên giới" (hình như các tỉnh biên giới phía Bắc, dùng chung 1 mẫu bia ghi tên Liệt sĩ) và những Nghĩa trang Liệt sĩ từ cấp Lâm - Nông trường, thôn xã, cho đến huyện tỉnh, nằm rải rác khắp các góc thị trấn, trung tâm xã, ven đường, ngọn đồi, cuối rừng... - Nghĩa trang nào cũng vắng lặng và xanh rì rêu phong.

Và dĩ nhiên, khi nào mình cũng cố gắng chụp được tên các anh chị trên bia mộ, dành thời gian viết điều gì đó, đăng trên Blog, hòng mong những người còn sống nhận ra người thân của mình và những người đã ngã xuống, không bị quên lãng...

Rất muốn! Rất ước ao có điều kiện, có thời gian, có trang thiết bị - tiền bạc... để đi hết các nơi có Nghĩa trang Liệt sĩ, bia mộ ghi tên ở khắp các nơi thuộc 6 tỉnh biên giới, ghi lại hình - viết từng tên người trên từng ngôi mộ, đang nằm lặng lẽ bao nhiêu năm, tập hợp thành 1 dữ liệu Nghĩa trang Liệt sĩ chống thời kỳ bảo vệ biên cương, cho các anh không bị quên lãng, người nhà dễ tìm và lớp trẻ cũng biết đất nước mình có một thời như thế, có những người nằm xuống như thế... mà mấy năm rồi, cứ trầy trật không kham nổi.

Chiều nay, lại nhận được điện thoại của 1 bạn, nức nở: "Mới đọc - xem về Nghĩa trang Liệt sĩ Cao Bằng. Nhờ anh tìm giúp phần mộ của người chú, hy sinh tháng 3/1979", khiến ước mơ lập Hệ thống dữ liệu về các phần mộ Liệt sĩ càng cháy bỏng.

Mình chắc là hài cốt của Liệt sĩ chống Trung Quốc không thể mất giống như trong chống Pháp - Mỹ, mà chỉ lẩn quất, thất lạc đâu đó ngay trên đất mẹ thôi, nhưng để tìm giữa bao nhiêu Nghĩa trang biên giới này, cũng không hề đơn giản...

Ai đọc được những dòng này, giúp mình và gia đình Liệt sĩ với.

Cũng xin được nói rõ là gia đình đã nhiều lần lên Cao Bằng tìm kiếm nhưng không có thông tin. Bên cạnh đó, theo gia đình thì ngày hy sinh của Liệt sĩ, ghi trông Giấy Báo tử cũng không đúng!..
------------------------------------------------------------------------

Đăng nguyên văn email gửi đến Blog MTH:

Liệt sĩ: LÊ VĂN CHIẾN, Sinh năm 1960
Quê quán: Thôn Gò Pháo, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang
Nhập ngũ: Tháng 11 năm 1978.
Cấp bậc : Hạ sỹ
Đơn vị:  D9 E 852 Sư 322 Quân Đoàn 26 (Quân đoàn 2 thì chính xác hơn - MTH)

Theo Giấy Báo tử thì Liệt sĩ Lê Văn Chiến hy sinh ngày 06/03/1979 tại xã Bạch Đằng, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng.

Theo đồng đội kể lại: Đơn vị Hạ sĩ Lê Văn Chiến chốt tại cầu Tài Hồ Sìn (Cao Bằng). Một buổi sáng, Hạ sĩ Chiến xuống nhà bếp lấy cơm thì bị pháo kích Trung Quốc bắn trúng trận địa.

Chiến bị thương vào bụng rất nặng, đồng đội lấy bát úp vào bụng để đỡ ruột lòi ra ngoài,băng bó rồi chuyển về Trạm Quân y nào đó.

Từ đấy, gia đình không biết tin tức Hạ sĩ Chiến ở đâu. Chỉ nghe đồng đội nói Chiến đã hy sinh,gia đình mới ra UBND xã Hợp Thịnh,huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang hỏi thăm. Sau đó UBND xã gửi Giấy Báo tử về gia đình.

Trên đây là những thông tin ít ỏi của Chiến, gia đình chúng tôi rất mong muốn có được những thông tin về Liệt sỹ: LÊ VĂN CHIẾN.

Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ:

LÊ VĂN TRƯỜNG, Thôn Gò Pháo, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. ĐT 01664751560 Hoặc : LÊ VĂN KHÁNH, GIÁP MINH HẬU, CTY CP DƯỢC PHẨM VÀ TBYT HẬU GIANG. Địa chỉ : Q337 TT DƯỢC PHẨM HAPUMEDICENTER (SỐ 1 NGUYỄN HUY TƯỞNG –THANH XUÂN HÀ NỘI). ĐT: 0984362412-0942650468; giapminhhau@gmail.com.

Gia đình chúng tôi xin chân thành cảm ơn!.