11 tháng 2, 2014

TÌM CÔ BỘ ĐỘI TRONG ẢNH, 35 NĂM TRƯỚC


Mai Thanh Hải - Giữa những ngày tháng 2/1979 mịt mù khói lửa, khoảng trong mấy ngày từ 21 đến 24/2/1979, tại khu vực huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng (ngã ba Bản Tấn/ Tuấn/ Tuẩn hoặc ngã ba Khâu Đồn), thấy 1 bé gái gào khóc bên người mẹ trúng đạn giặc toàn thân bê bết máu, nằm bất tỉnh ven đường, chị và các đồng đội đi trên xe tải ngang qua đã dừng lại, đưa cả 2 mẹ con lên xe, ra khỏi vùng chiến sự, cứu sống cháu bé.

Chính chị đã ôm ấp che chở và chăm sóc em bé suốt dọc đường.

Khoảnh khắc cứu dân của chị, đã được tình cờ ghi lại trong ống kính của một "nhà báo nghiệp dư" (năm nay đã 80 tuổi), cũng trên đường chạy giặc, ngang qua.

Chúng tôi: Từ tấm hình hiếm hoi 35 năm trước, đã tìm thấy đứa trẻ nay đã khôn lớn và đứa trẻ khao khát tìm lại ân nhân của mình, để nói lời cảm tạ.
Chúng tôi: Cùng với đứa trẻ hồi ấy cũng muốn tìm lại chị để nói lời tri ân với tấm lòng của những người lính và mong làm cầu nối cho 2 người gặp lại sau 35 năm.

Chị là ai trong những đoàn quân bảo vệ Cao Bằng ngày ấy (Sư đoàn 346, Quân khu 1; Trung đoàn 567, Tỉnh đội Cao Bằng; Kho T1, Cục Hậu cần; Trung đoàn 134, BTL Thông tin...), hay chỉ là 1 cô bộ đội về phép - đi công tác, tình cờ có trên xe và thực hiện nghĩa cử của của người lính Việt Nam?..
Chị trong đội hình 300 cô gái Hà Bắc nhập ngũ tháng 8/1978, hay thế hệ A trưởng nhập ngũ 1976, có mặt ở Tiểu đoàn Huấn luyện của Sư đoàn 346?.

Chị quê Bắc Ninh, Bắc Giang (Hà Bắc cũ) hay Thái Nguyên, Bắc Cạn (Bắc Thái cũ) hay Vĩnh Phúc, Phú Thọ (Vĩnh Phú cũ) hay ở miền quê nào đó?.

Chị vẫn còn sống trong Nam ngoài Bắc, trong và ngoài nước?. Hay chị đã ngã xuống?..

ĐÃ 10 NGÀY NAY, CHÚNG TÔI TÌM CHỊ, KHẮP CÁC VÙNG MIỀN
  
Xin chị liên hệ với tôi: Mai Thanh Hải.
SĐT: 0989066681;
Email: thanhhai2006@gmail.com.
Xin mọi người xem tấm hình này, nhận ra người thân quen, cũng liên hệ - cung cấp thông tin, giúp để chúng tôi tìm đến chị, kết nối 2 người yêu thương, sau 35 năm xa cách...

Nghìn lần đa tạ mọi sự giúp đỡ thông tin - kết nối...

4 tháng 2, 2014

VIẾT CHO CON TỪ BIÊN ĐẢO, NGÀY XUÂN!..

TNO - Con gái yêu của Ba!.

Ba đang ở đảo Cô Lin - nơi gọi là đảo chìm, nằm trên rặng san hô xa tít, thăm thẳm nơi biển tiếp giáp với mây trời. Những chú bộ đội đã nằm xuống, cũng chỉ vì cái dải san hô xanh thẳm trước mắt ba bây giờ.

Nhìn trên bản đồ trong google và dù có phóng to đến cỡ nào thì con cũng khó mường tượng ra cái khoảng biển xanh đó. Chắc con sẽ hỏi: “Chỗ đó là gì? Sao chứa chan sự hy sinh?”.

"Chỗ đó" là biển đảo của Tổ quốc mình, con ạ!

Mọi người trong phòng ở của ba trên tàu HQ nói: Sẽ thả xuống lòng biển, đúng chỗ những người lính năm xưa ngã xuống, đủ hết những gì đã dắt trong túi cóc ba lô cõng ra từ trong bờ (điếu thuốc lá, trái ớt xanh, quả chanh thơm, nhành hoa thắm, phong kẹo cao su, lọ thuốc đánh răng…), như thể sẻ chia bao năm tình đồng đội và cũng vì “trần sao, âm vậy”.

Giống như mọi người, Ba sẽ chia đôi những gì gọi là “đồ từ đất liền” mà mọi người đã chuẩn bị riêng cho hải trình dằng dặc, với những đồng đội mình dưới xanh nước và Ba cũng muốn ký thác cả tâm tình, tấm lòng của ba mẹ, của con và em, của ông bà, cùng bao nhiêu người khác nữa ở đất liền, để những người trai trẻ đã nằm xuống đấy không uổng phí, không chạnh lòng.

Có thể, tuổi con chưa hiểu hết được như thế nào là thiêng liêng Tổ quốc!.

Ở khoảnh khác tàn năm cũ, lấp ló bóng xuân mới này, Ba chợt nhận ra mình đã cứ cắm đầu vào nỗi lo cơm áo gạo tiền, nỗi lo làm tròn trách nhiệm, trả nợ trần gian đắm đuối từng bát gạo đồng tiền.

Nhiều lúc, công việc viết lách cuốn hút trong một guồng máy, bao góc cạnh của của sống hiển hiện, ngồn ngộn suốt ngày dài, đêm thâu.

Đến hôm nay, khi đã lênh đênh cả tuần trên biển, quay sang tứ phía đều thấy biển; chợt đêm tỉnh giấc tưởng có con chòi đạp, ba vẫn thấy dáng biển nghiêng nghiêng, như thể con mặc áo xanh, chập chững hòa với trong vắt mây trời, mặn mòi mùi gió, thì thầm vòng tay ôm như biển ôm khít thân tàu HQ.

Và ba càng thấm thía thế nào là Tổ quốc…

Tổ quốc đơn giản là rặng đất liền xanh xanh mà chiến sĩ đảo gọi thân thương là “nhà”; là bình minh đỏ rực trên đảo Song Tử, nơi có cây đèn biển nhẫn nại cả đêm soi con tàu tỏ đường thông lối.

Tổ quốc là màu xanh biển cả, nơi có những con cá chuồn thấy động dưới mạn tàu, bay vút lên đầu ngọn sóng như thể mơ ước bay cao, bay xa cùng cánh hải âu bàng bạc.

Tổ quốc là lá cờ đỏ sao vàng treo trên cột cao tít nóc buồng lái con tàu, khi mới rời cảng còn đỏ bừng tươi mới, dẫu nhiều ngày giằng giữ cùng gió biển, vẫn kiêu hãnh, trung trinh.

Tổ quốc là những hòn đảo nhỏ, nơi có màu xanh cây phong ba, cây bàng vuông, cây tra biển trổ hoa trắng tinh, tỏa màu hương ngan ngát giữa vùng biển xa ràn rạt nắng, ập ào gió cũng phải dịu lại, nhẹ nhàng cùng.

Riêng hơn nữa, Tổ quốc hiện hữu nơi góc phố Hà Nội, nơi Ba thường ngồi đánh vật với câu chữ đến đêm khuya, nơi có hai mặt trời nhỏ là con và em Khoai say nồng trong giấc ngủ...

Tổ quốc gần gũi và thân thương, như thể những người gần nhất, cạnh bên nhất và bình dị nhất và không thể thiếu được, ở ngay chính bên mình, trong chính ngôi nhà mình con ạ!..

Và hơn cả bao giờ, ngay lúc đứng giữa Trường Sa lộng gió, hô lời thề của những người lính giữ biển dưới phần phật tung bay cờ đỏ sao vàng, Ba càng khao khát, khao khát hơn bao giờ hết: các con sẽ học tốt hơn, rèn luyện giỏi giang hơn để ba mẹ không tủi hổ, để những người trẻ đất Việt không chỉ tự hào về truyền thống cha ông mình mà còn do những điều mình làm được cho đất nước này; cho Tổ quốc này và cho vùng biển đảo thân thương nơi xa tít này.

Con gái yêu của Ba nhé!..

 Mai Thanh Hải.
(Gửi về từ Quần đảo Trường Sa)

17 tháng 1, 2014

CỜ TỔ QUỐC TRÊN BIỂN ĐÔNG

TNO - Trước khi nhổ neo làm nhiệm vụ ngoài biển, các tàu Hải quân VN đều nhận thêm cơ số cờ Tổ quốc để đảm bảo màu đỏ sao vàng liên tục hiện diện trên nóc đài chỉ huy, khẳng định chủ quyền lãnh thổ.

Vào mùa biển động cuối năm, cơ số cờ cấp phát cho các tàu làm nhiệm vụ tăng lên gấp đôi, bởi sóng to gió lớn thường làm rách, hư hỏng cờ Tổ quốc và nhiệm vụ thay cờ cũng thường xuyên hơn.

Ý chí giữa biển trời

Vài tiếng trước khi tàu xuất phát, cả ba tàu (HQ-571, HQ-936, HQ-996) của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tại Quân cảng Cam Ranh đều đồng loạt thay mới cờ Tổ quốc. Tất cả được buộc chắc chắn bằng 2 đầu dây thép nhỏ, kẹp trên đầu dây treo cờ.

Thượng úy Nguyễn Ngọc Viễn, Phó thuyền trưởng Quân sự tàu HQ-571 (Hải đội 411, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân), nói với tôi: “Chuyến thay thu quân và chuyển hàng Tết rất dài ngày nên phải chuẩn bị hàng chục lá cờ, rách là phải thay ngay!”.

Cứ nghĩ: “Phòng xa thế thôi, chứ đâu đến nỗi thay cờ như… thay áo?”, nhưng quả thực ngay khi tàu ra khỏi vịnh Cam Ranh, sóng gió biển Đông cấp 4 nâng dần đến cấp 5, rồi cấp 7, cấp 8 khiến cả con tàu phải ngụp lặn giữa những cơn sóng dài, cao cả chục mét.

Ngồi trên buồng chỉ huy cao ngất, thấy rõ độ nghiêng đảo liên tục phải trái của con tàu, có khi đến 30 độ trước sóng. Sóng đi kèm với gió, gió biển nâng cấp, rít ù ù qua khe cửa, làm hệ thống dây thừng nilon to bằng chân cái treo cờ tín hiệu cũng lồng lộn uốn cong. Ngồi đấy và vẫn nghe phần phật tiếng cờ bay trên nóc đài chỉ huy.

Bốn ngày lăn lóc giữa sóng cồn gió cả, tiếng phần phật của cờ đã không còn đanh gọn.

Thuyền phó Nguyễn Ngọc Viễn lo lắng: “Cờ trên nóc đã rách, nhưng gió cấp 9 thế này, không thể trèo nổi lên cột thay cờ, rất nguy hiểm!” và chắc chắn: “Ngày mai vào đến lòng hồ đảo chìm Đá Tây tránh sóng gió nâng cấp, phải khẩn trương thay cờ ngay. Không được để cờ rách trên vùng biển Trường Sa!”.

Lá cờ đã tướp táp, đường may phía ngoài bị bung, xước từng xơ vải và ngôi
sao vàng 5 cánh, tuy bị dứt ra khỏi nền đỏ cờ, nhưng vẫn trung trinh bám đầu cánh…
 
Tôi, cũng đứng nghiêm cùng Thiện nhìn lên lá cờ bay phần phật mùi vải mới, kiêu hùng nở bung trên nền trời ban trưa, tự dưng nắng bừng xanh thẳm.
Nhìn bên cạnh, những người lính đủ tuổi trẻ già của Lữ đoàn 146 làm nhiệm vụ phục vụ Hậu cần cho Đoàn Công tác, dù quần cộc -  áo ba lỗ đang dọn dẹp, cũng dừng tay, đứng nghiêm trang, dưới cái bóng đổ dài của người lính trẻ chưa đủ tuổi 20 lần đầu đi biển.
Tôi gượng níu lan can, dò từng bước giữa nghiêng ngả gió, như muốn giằng tay ném xuống biển, đi về phía sau tàu nhìn lên nóc đài chỉ huy: Lá cờ đã tướp táp, đường may phía ngoài bị bung, xước từng xơ vải và ngôi sao vàng 5 cánh, tuy bị dứt ra khỏi nền đỏ cờ, nhưng vẫn trung trinh bám đầu cánh…

Tự dưng tôi thấy nghẹn nơi ngực: Nơi địa đầu sóng gió, dù tướp táp gian nan, nhưng lá cờ vẫn bền gan chống chọi và kiên trung bay phần phật, như ý chí của dân tộc, của những người lính biển giữ Trường Sa…

Treo cờ Tổ quốc ở Trường Sa

Ngô Minh Thiện (19 tuổi, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM), là chiến sĩ Thông tin-Tín hiệu trên tàu HQ-571.

Tháng 2.1013, đang là sinh viên khoa Sư phạm Anh, Trường ĐH Kỹ thuật TP.HCM, Thiện xin nghỉ học, xung phong thực hiện nghĩa vụ quân sự tại địa phương và được điều về huấn luyện tân binh tại Trung tâm Huấn luyện 456, Vùng 4 Hải quân, chuyên ngành Thông tin-Tín hiệu.

Đến ngày 20.11.2013, Thiện được điều về tàu HQ-571.

Một tuần trước khi thực hiện đợt công tác thay thu quân - chuyển hàng Tết ngoài Trường Sa, mẹ Thiện là chị Võ Thị Út (41 tuổi, đang làm tạp vụ ở Thủ Đức), lật đật đi xe đò, lỉnh kỉnh mang đồ ăn thức uống, ra tận Cam Ranh thăm cậu con trai bởi lo lần đầu đi biển, con không quen sẽ mệt. Ở với con 1 ngày đêm, chị lại tất tưởi ra xe đò về lại nơi làm việc, còm cõi từng đồng lương tạp vụ nuôi cậu con trai thứ hai đang học lớp 8.

Tàu nhổ neo rời bến, ra khỏi vịnh Cam Ranh là chống chọi với các cấp sóng gió tăng dần khiến không chỉ các chiến sĩ mới nhập ngũ lần đầu tiên ra làm nhiệm vụ tại Trường Sa, mà ngay sĩ quan - quân nhân chuyên nghiệp đã có “thâm niên” cả chục năm đi đảo - ở đảo cũng nằm bẹp, suốt 3 - 4 ngày liền. Nhà bếp nấu cháo đưa tận phòng, nhưng rồi cũng lại… mang về, hoặc người ăn nhưng… cá biển hưởng.

Thiện cũng vậy! Vật vã vì say sóng, nằm bẹp ra sàn tàu, nôn mật xanh mật vàng và trong tâm thức cậu con trai mới rời ghế nhà trường lần đầu tiên đi xa, vẫn chỉ có mẹ. Thế nên, khi say quá, cậu còn nấc gọi “Mẹ ơi!”, khiến cán bộ chiến sĩ trên tàu thay nhau cắt cử chăm sóc, động viên suốt 3 - 4 ngày liền.
 
Ấy thế nhưng, khi tàu vào neo tại vùng hồ đảo chìm Đá Tây tránh trú sóng gió, bớt chao đảo - dập dềnh - sang lắc là Thiện gượng dậy, lần vách ngăn xuống bếp giúp Tổ phục vụ, rồi làm các công việc khác. Nghe đồng đội có kinh nghiệm động viên “Đi lại nhiều cho quen, dần sẽ dạn dày”, Thiện càng ham làm và tất tưởi hết tầng dưới lên tầng trên đôn đốc, dọn dẹp vệ sinh hoặc đơn giản là giúp các anh chia việc.

Nghe Thuyền phó Nguyễn Ngọc Viễn nhắc việc thay cờ Tổ quốc, ngay khi dừng lại Đá Tây, Thiện thoăn thoắt thay quân phục, lên buồng chỉ huy nhận cờ, một mực: “Việc của ngành Thông tin, xin để dành cho em!” và đề đạt: “Đời con người, có phải ai cũng được treo cờ Tổ quốc ở Trường Sa?”.

Thiện đút lá cờ mới vào ngực áo yếm Hải quân, lần lan can trèo lên nóc đài chỉ huy và đứng nghiêm dưới chân cột, giơ tay ngang vành mũ chào lá cờ bạc màu, tướp táp trên đỉnh, xong mới gỡ dây kéo xuống.

Nhưng lấn bấn mãi không xong, bởi ròng rọc bên trong kẹt cứng do nước biển, cờ lại quấn mấy vòng vào dây cờ số 2 bên cạnh. Bặm môi vài giây, cậu bỏ mũ dải buộc vào lan can, chui vào ống lồng trèo lên tận đỉnh cột, vươn tay gỡ từng vòng cờ quấn vào dây do gió bão, xong mới vội vã leo xuống, gỡ cờ.

Giữa lồng lộng gió, phải khó khăn lắm và mất gần nửa tiếng đồng hồ, việc gỡ cờ cũ, lồng cờ mới vào dây thừng, buộc chặt 2 đầu bằng dây thép nhỏ mới hoàn thành.

Và... Thiện đứng thẳng người, mắt nhìn cờ, nghiêm trang kéo chầm chậm lá cờ Tổ quốc đỏ thắm vàng tươi sao 5 cánh, lên đỉnh cột cờ thiêng.

Khi đã buộc dây cờ chắc chắn, Thiện lại đứng nghiêm chào cờ, xong mới gượng nhẹ làm động tác gấp cờ.

Tôi - cũng đứng nghiêm cùng Thiện nhìn lên lá cờ bay phần phật mùi vải mới, kiêu hùng nở bung trên nền trời ban trưa, tự dưng nắng bừng xanh thẳm.

Nhìn bên cạnh, những người lính đủ tuổi trẻ già của Lữ đoàn 146 làm nhiệm vụ phục vụ Hậu cần cho Đoàn Công tác, dù quần cộc - áo ba lỗ đang dọn dẹp, cũng dừng tay, đứng nghiêm trang, dưới cái bóng đổ dài của người lính trẻ chưa đủ tuổi 20 lần đầu đi biển.

Với tôi, sự gần gũi ở Thiện đã trở thành kính trọng, khi chứng kiến em nghiêm cẩn thay cờ. Sự kính trọng không phải dành cho người lớn tuổi, mà là con đường em đã chọn, dù vất vả gian nan, nhưng thực sự “được làm người có ích” - như em từng tâm sự.

Và tôi tin điều ấy là sự thật, giống như tin vào màu cờ thắm sáng bừng trong mắt em long lanh, buổi trưa trên biển Trường Sa.

Tổ quốc - mùa Xuân trường tồn ở những người trẻ như thế, ngay địa đầu biên đảo Trường Sa.

Mai Thanh Hải (Gửi từ đảo chìm Đá Tây, trong hành trình công tác của tàu HQ-571, tháng 12/2013-01/2014)

16 tháng 1, 2014

TỪ TRƯỜNG SA, ĐỌC CHUYỆN ĐẤT LIỀN...

TNO - Bức ảnh bị cáo nằm ngửa giữa phiên tòa "kỳ án trộm dê" tại tòa án huyện Bắc Bình (Bình Thuận) sáng 14.1.2014 chắc chắn sẽ là một trong những tấm ảnh đi vào lịch sử ngành tố tụng Việt Nam.
  
Dư luận ngỡ ngàng vì không thể tin chính những người đại diện cho pháp luật lại thực hiện một hành vi lăng mạ pháp luật đến như thế.

Cách đây gần 15 năm, lúc những đòi hỏi cải cách tư pháp đang manh nha, một tờ báo chuyên về pháp luật liên tiếp đưa ra những diễn đàn về những quy định được coi là hình thức trong tố tụng.

Tôi nhớ lúc ấy thường các phòng xử của Tòa án TP.HCM vẫn còn giữ bộ bàn ghế từ trước 1975, kê liền trên một bục cao hình chữ U.

Chính giữa là chỗ ngồi của Hội đồng xét xử (HĐXX), bên trái nhìn từ khán phòng là chỗ ngồi của công tố viên.

Phía dưới, gần vành móng ngựa và chỗ ngồi bị can, bị cáo, tòa kê một chiếc bàn khác cho luật sư.

Phía dưới là hai hàng ghế dành cho người dự khán. Khoảng 3 hàng ghế đầu có bàn, các hàng sau không có.

Trong những phiên tòa có nhiều luật sư, chiếc bàn dành riêng không đủ chỗ ngồi, tòa dùng luôn các bộ bàn đầu của người dự khán.

Trong cả hai trường hợp, bàn của vị công tố đều riêng biệt và cao hẳn lên so với bàn luật sư.

Vị trí chênh lệch này đã gây ra những tranh luận sóng gió, thỉnh thoảng bùng phát trở lại trên các diễn đàn nghiệp vụ tố tụng.

Tuy nhiên, theo ông Đinh Văn Quế, cựu thẩm phán, chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân tối cao, đã 50 năm qua, vị trí này không thay đổi, do các nguyên nhân về lịch sử và pháp luật của nó.

Việc vị kiểm sát viên có cần đứng lên chào cùng với mọi người trong phòng xét xử khi HĐXX bước vào hay không, lúc ấy cũng dấy lên một cuộc tranh cãi bất phân thắng bại.

Bất phân thắng bại là vì bên cho rằng công tố là người buộc tội, ngược với luật sư là người gỡ tội, nên phải ngồi ngang hàng. Bên kia dẫn luật nói kiểm sát viên không chỉ buộc tội mà còn kiểm sát chung các hoạt động xét xử tại tòa, trong đó có hoạt động của chính HĐXX, nôm na là "oách" hơn cả HĐXX, nên họ có quyền ngồi khi HĐXX bước vào. Tuy nhiên, ngày càng nhiều ý kiến bảo vệ việc chỗ ngồi của luật sư phải ngang hàng với công tố: để đảm bảo sự công bằng cho người bị xét xử, bên gỡ tội phải ngang hàng với bên buộc tội.

Một thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khác là ông Ngô Cường dẫn ra mô hình chỗ ngồi tại tòa án các nước trên thế giới. Tất cả đều dành vị trí trung tâm cho bị can, bị cáo.

Những quy tắc này, theo ông Ngô Cường, từ lâu đã giới thiệu trong tập san chuyên môn của ngành, như một cách "chuẩn hóa".

Nó thể hiện rằng người quan trọng nhất, phải được đối xử thận trọng nhất, phải được nhận nhiều sự trợ giúp công tâm nhất từ mọi phía trong phiên tòa, phải được xét đoán công minh nhất từ rất nhiều người được giao trách nhiệm... chính là người đang đứng trước vành móng ngựa. Không phải ông chủ tọa, hay bất kỳ ai khác.

Những quy định kể trên là hình thức bắt buộc của một phiên tòa.

Nó thể hiện mục đích tối thượng của pháp luật là bảo vệ con người, xác lập sự công bằng trong xã hội.

Đó là nền pháp luật lấy con người làm trung tâm, bảo đảm sự tự do, an toàn và hạnh phúc của mỗi người dân.

Không phải pháp luật của kẻ mạnh, án bỏ túi, xử cho vui, xử cho chết, xử kiểu "tao biết mày phải nhưng nó phải bằng hai mày", như những câu chuyện giễu cợt.

Do vậy, việc các quan tòa TAND huyện Bắc Bình cho lệnh xốc nách lôi đi một phụ nữ đã kiệt lực và đang rối loạn trí não vào tòa, rồi "cẩn thận" lấy chiếc giường xếp cho người phụ nữ ấy nằm ngửa ra giữa chốn pháp đình và thản nhiên xét xử cho bằng được, không chỉ là "nhẫn tâm", "vô nhân đạo" như những bàng hoàng trong dư luận.

Đó không chỉ là sự dốt nát của cái đầu và lạnh ngắt của trái tim. Đó là cách hành xử man rợ, đi ngược lại những nỗ lực cải cách tư pháp, kéo lùi văn hóa xét xử.

Hoàng Xuân

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo đang sống và làm việc tại TP.HCM
------------------
Nhan đề bài viết do MTH đặt lại