27 tháng 4, 2013

TẢN MẠN THÁNG TƯ

DG Blog - Đã qua nhiều tháng tư
Nhiều tháng tư bây giờ không nhớ nữa
Nhưng có một tháng tư lịch sử
Cuộc chiến tranh khốc liệt tới điểm dừng …

Đã xa rồi những chiến công chiến thắng vinh quang
Cả bên thắng và bên thua cuộc

Những người lính mái đầu điểm bạc
Ngoái lại rùng mình trước ngút ngát hy sinh!.

Đem máu xương để đổi lấy hòa bình
Nhưng giữa hòa bình đâu là hạnh phúc?

Mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước
Xót xa trông hưng phế những triều vua!..

Xin đừng thêm nữa những tháng tư!
Xin đừng xây vinh quang trên xương máu!..

Đã quá đủ những anh hùng chiến đấu
Xin có một anh hùng cứu nước khỏi lầm than!..

15/4/2013

Thơ Lê Huy Mậu.

26 tháng 4, 2013

CÓ THỊT CHUỘT ĂN, ĐÃ TỐT...


Áo ấm Biên cương - Trước giờ thồ 3,5 tấn hàng gồm quần áo, ủng dép, sách vở, lương thực - thực phẩm lên tặng 1.974 đứa học sinh lít nhít Nà Khoa (Mường Nhé, Điện Biên), nhận 1 cú điện thoại gấp gáp: "Tôi là giáo viên, nhà ở Cầu Giấy. Hôm rồi có đọc bài của bạn nói về học sinh trên miền núi thèm thịt. Nay, vừa được nhận 1 trịệu đồng tiền thưởng 30/4-1/5, ra ngay siêu thị mua thịt hộp và xin địa chỉ tập kết hàng, để nhờ các anh chị mang lên biên giới Nà Khoa"...

Nghe xong, lại tẩn mẩn nghĩ chuyện ăn uống của học sinh vùng cao, nhất là bọn học sinh Nội trú - Bán trú, lại nhớ đến phóng sự của cô Nguyễn Ngân ở VTV, khơi mào chuyện học sinh ăn thịt chuột, phát trên Thời sự VTV, sau đó các báo giấy - báo mạng ào ào "ăn theo" tanh tưởi, với những cái tít như thể lá ngón: "Kinh hoàng học sinh ăn thịt chuột", "Lần đầu tiên chứng kiến cảnh học sinh ăn thịt chuột"... cứ như là các ông bà phóng viên chuyên ngồi phòng lạnh này, mới phát hiện ra một châu lục khác và la làng, kinh tởm.

Chuyện thiếu dinh dưỡng, không đủ chất mà nói thẳng ra là đói cơm - thiếu thịt là chuyện quá bình thường ở miền núi.

Với bọn trẻ con đi học xa, phải tự lập ăn ở cả tuần, chuyện này quá bình thường và như các cụ nói "Đói đầu gối phải bò", học sinh bắt tất cả những con gì mình bắt được, ăn tất cả những gì ăn được, để cái mồm đỡ nhạt, cái bụng không sôi ùng ục, âu là lẽ thường tình.

Thịt chuột á!. Cao cấp và hơi bị xa xỉ đấy, bởi núi rừng bị cạo trọc, đến chuột cũng đói và chết dần chết mòn, lấy đâu ra mà bắt?.

Tôm cá á!. Đầu nguồn đào đãi vàng, lại thêm cảnh uýnh cá bằng thuốc nổ, nên có mò cả ngày cũng chỉ kiếm được vài con ốc vặn, bé quá đầu tăm, lấy đâu cá suối tôm sông mà ăn?..

Thôi thì đành: Dế mèn, bọ xít, kiến mối, thằn lằn... Cứ con nào ngửa lưng lên trời, vào tay học sinh là thành món ăn hết.

Đừng trách chúng nó, bởi chúng đói quá.

Đừng trách thầy cô, bởi thầy cô cũng đâu có ấm no.

Lại nhắn mấy đồng nghiệp đang say mê tìm "thịt chuột": Lục lại trong đầu, xem còn 1 chút tình thương thật sự nào không, khi thấy con trẻ khổ cực như vậy và đừng đem con trẻ ra dựng trong bài báo câu viu rẻ tiền - thu hút sự tò mò của người đọc, mà hãy làm 1 việc cụ thể, đơn giản như bạn giáo viên ở Cầu Giấy, mua mấy hộp thịt, gửi lên tặng bữa ăn con trẻ vùng cao...

(Cũng nhắn luôn mấy "lều báo": Chuyện ăn thịt chuột, quá bình thường và xa xưa rồi, như tấm hình này chẳng hạn...).

* Bài viết có sử dụng hình ảnh đã đăng tải trên trang xomnhiepanh.com

THÁNG TƯ...

Hậu Khảo cổ - Tháng Tư là một khoảng thời gian “âm tính” bởi những ký ức từ gần 40 năm trước luôn luôn quay về, mỗi năm như không hề nhạt bớt với cả bên “thắng cuộc” hay bên “thua cuộc”.

Nỗi đau của thế hệ tham chiến bên này lẫn bên kia, không chỉ vì sự hy sinh đã không được đáp đền xứng đáng, mà còn là nỗi đau của những lý tưởng đã không trở thành hiện thực…

Họ - Cả hai bên, như những người anh em ruột thịt, thù/ hận/ ghét nhau nhưng không thể quên nhau, càng không thể dửng dưng như những người xa lạ.

Nhưng cũng từ ngày cuối tháng Tư năm ấy, thế hệ hậu chiến đã ra đời và trưởng thành.

Nhiều người trong họ tự nhận mình là “bên bỏ cuộc” – không muốn nhắc lại “hận thù nợ máu” của những chính thể, mất mát tổn thất của gia đình, họ nhìn về tương lai nhiều hơn, họ bình thản và cũng xa lạ với nhau hơn khi cùng nhìn về quá khứ.

Như những người “đồng hương”, mối liên hệ bà con xa gần giữa họ như một sợi dây mà thời gian càng dài càng trở nên mỏng manh trong cái thế giới ngày càng phẳng…

Lại có những người ở giữa hai thế hệ trên, họ là thế hệ “vùng biên” của thời chiến và thời bình, tuổi thơ của họ là chiến tranh, bắt đầu trưởng thành là cuộc sống khốn khó thời bao cấp, bước vào tuổi trung niên dù ở trong hay ngoài nước hầu hết họ có một cuộc sống tương đối ổn định.

Ở họ vừa có sức chịu đựng của thế hệ tham chiến, lại vừa có sự bất mãn không cam chịu của thế hệ thời hậu chiến.

Ký ức chiến tranh tưởng đã biến mất nhưng thật ra vẫn ẩn sâu trong tâm thức họ, để có khi vào một lần nào đó, nhân một chuyện gì đó, tâm thế bên này bên kia ở họ sẽ vô tình bộc lộ, nhói đau như chọc phải cái răng sâu lâu nay nằm im chưa gây nhức nhối.

Bạn và tôi thuộc thế hệ “vùng biên” này.

Chúng ta đều ý thức được rằng, thế hệ chúng ta có trách nhiệm cần phải mở đầu, thúc đẩy và tiến hành những mối quan hệ nhằm làm lành vết thương của thế hệ tham chiến, làm cầu nối cho những trái tim thế hệ hậu chiến còn thờ ơ đến được với nhau, bởi chúng ta có sự trải nghiệm chiến tranh có cả sự hiểu biết của thời "toàn cầu hóa" để chia sẻ với thế hệ cha anh và thế hệ con cái chúng ta.

Nhưng, từ sự hiểu biết đến việc chia sẻ được vẫn là một khoảng cách không gần, khoảng cách tạo ra bởi thiếu vắng sự cảm thông và lòng bao dung ngay trong mỗi chúng ta.

Chúng ta có thể thông cảm với hoàn cảnh của cả xã hội, một cộng đồng hay một nhóm người yếu thế ở nơi này nơi kia…

Nhưng với mỗi con người, trong những trường hợp cụ thể thì dường như “cái tôi” vẫn quá lớn, chỉ từ mình, vì mình, cho mình…

Hiếm khi nào ta thử đặt ta vào vị thế của người khác, vì thế sự khác biệt của chúng ta có vẻ như ngày càng nhiều, có khi còn là hơn được thắng thua dù những điều ấy không phải là quá quan trọng trong cuộc sống.

Nói cho cùng, sự thiếu hụt tình cảm bao dung và lòng vị tha là một biểu hiện khác của "mặc cảm thất bại" mà một thế hệ bị mất mát và tổn thương về tinh thần đã không cố gắng để bù đắp lại những mất mát và tổn thương ấy…

Sự mặc cảm – dù ẩn dưới hình thức nào: kiêu ngạo của ý chí hay yếu đuối của cảm xúc cũng cần được nhìn nhận, nếu không chúng ta sẽ không có được sự đồng cảm trong hành xử, mọi điều ta nói chỉ là lý thuyết, những việc ta làm sẽ là duy ý chí.

Thế hệ chúng ta đã ở vào lứa tuổi của thế hệ cha anh khi chiến tranh kết thúc.

Nếu chỉ biết trăn trở chỉ có ước mơ bạn và tôi sẽ không bao giờ thực hiện được điều gì dù chỉ là một điều giản đơn nho nhỏ: làm sao để những người Việt Nam từng ở bên này bên kia có thể gặp nhau ở bất cứ đâu một cách thoải mái, chân tình, ấm áp như người ruột thịt, để cho người bạn vong niên thân quý của chúng ta có thể về lại quê hương, sống bình an vào những năm cuối đời…

Gần 40 năm rồi sao chúng ta vẫn chưa thực sự ra khỏi cuộc chiến…

Câu hỏi này đến lúc nào và ai sẽ trả lời, nếu không bắt đầu từ bây giờ, từ bạn và tôi?..

25 tháng 4, 2013

PHÁ ĐÀN XÃ TẮC, XÂY SỰ BẾ TẮC?..

Đào Tuấn - Nếu chúng ta giải quyết một nút tắc giao thông bằng việc phá bỏ một đàn xã tắc thì cái mà chúng ta nhận lại không phải là một con đường thông thoáng mà sẽ là một bế tắc.

Bế tắc về tình cảm và niềm tin.

Tuần trước, dư luận “giật kinh phong” trước tin một con nợ ở Hải Phòng đã thế chấp cả khu lăng mộ dòng họ.

Tất nhiên, khu lăng mộ này nằm trên đất và thứ đưa vào thế chấp mà giấy tờ mảnh đất, trên có lăng mộ.

Người đàn ông khốn khổ này đã “biến mất”, người ta ít nhiều cũng thông cảm với sự khốn quẫn của một con nợ trong thời buổi chủ nợ gửi vòng hoa viếng sống con nợ bây giờ.

Nhưng về mặt đạo lý, khó có thể lấy sự khốn quẫn nào ra để bao biện cho một hành vi báng bổ ông bà ông vải như vậy.

Bởi chung quy tất thảy vì tiền.

Bởi thật khó tưởng tượng nếu Ngân hàng phát mãi, và người mua lại mảnh đất, lại là một ông chủ trang trại chẳng hạn.

“Ông chủ trang trại” kiểu đó vừa xuất hiện ở Hà Nội trong vai một vị Chủ tịch Hiệp hội.

"Khu chuồng trại" là cây cầu vượt.

Và “lăng mộ tổ tiên” thì xuất hiện không chỉ là nơi thiêng liêng của cá biệt một gia đình: Nó là một Đàn Xã Tắc.

Công văn của Hiệp hội Vận tải Hà Nội, như giọt nước làm tràn chiếc ly dư luận trong vụ “Cầu vượt vắt trên đầu đàn Xã Tắc”, rất thú vị, có trò chơi chữ: “Đàn Xã Tắc hay tắc Xã Đàn”.

Đọc 7 chữ này đã để đủ thấy tinh thần của các nhà doanh nghiệp: Cái đàn, dù Xã Tắc, chỉ là “phế tích của một triều đại phong kiến đã bị phá hủy” chi bằng, phá quách nó đi, như là “xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát trong tâm thức người dân”.

Logic đơn giản: Xóa đàn Xã Tắc để khỏi tắc đường.

Nhưng nếu đảo ngược lại 2 vế, chúng ta sẽ có một cái nhìn khác: Để khỏi tắc nút giao Xã Tắc, nên phá quách cái Đàn Xã Tắc.

Không đơn giản chỉ là việc giải quyết một cái tắc bằng việc xóa bỏ một chữ tắc, đúng không, thưa các bạn?.

Có lẽ chính vì thế, các nhà văn hóa đã phản ứng một cách cực kỳ quyết liệt.

Tiến sĩ Sử học Nguyễn Hồng Kiên - người trực tiếp tham gia khai quật Đàn Xã Tắc hôm qua có thư ngỏ gửi các vị lãnh đạo Quốc hội “kêu oan” cho Đàn Xã Tắc.

Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền thổn thức: “Đàn Xã Tắc là đàn gắn với Tổ tiên, gắn với trời đất. Giờ chúng ta dùng cây cầu cao hơn cả trời đất thì nước này lụi bại à?. Chỗ ấy là Đàn Xã Tắc để thờ trời đất, xây cây cầu cao hơn trời đất thì chúng ta sống hay chết?”.

Nhưng phản ứng mạnh mẽ nhất là một chữ của Nhà Sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

Trả lời báo chí, Nhà Sử học đã nổi giận thực sự: “Người ngu mới nói xóa Đàn Xã Tắc để xóa tàn dư phong kiến”.

Đang là một thành viên Hội đồng Di sản Quốc gia, ông Quốc ví Đàn Xã Tắc như cái bàn thờ trong mỗi gia đình, và trong khi người ta định xây cầu vượt lên trên “bàn thờ”, thì thậm chí “Hội đồng hoàn toàn không được tham khảo ý kiến”.

Nên thông cảm cho chữ dùng của ông Quốc, ông cũng từng là nạn nhân của cái chữ này.

Có lẽ, chỉ khi quá nóng giận, hoặc đứng trước những điều ngu xuẩn thực sự người ta mới văng một từ khó nghe đến như vậy.

"Nói ngu, rõ ràng hơi quá” - Như lời "nạn nhân" của ông đã bình luận ngay sau đó. Nhưng bảo không phải ngu, thực ra cũng… hơi quá.

Vậy tư tưởng xóa Đàn Xã Tắc đang là biểu hiện của cái gì?. Sự “Thực dụng đến mức có thể quên tất cả (để) làm lợi cho mình”- lời Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

Phương Tây có câu hay, nhưng đã nhàm, đại khái: "Nếu anh bắn quá khứ bằng súng lục thì tương lại sẽ bắn lại anh bằng đại bác”.

Còn bây giờ, nếu chúng ta giải quyết một nút tắc giao thông bằng việc phá bỏ một Đàn Xã Tắc thì cái mà chúng ta nhận lại không phải là một con đường thông thoáng mà sẽ là một bế tắc.

Bế tắc về tình cảm và niềm tin.

Thật kinh khủng đối với những suy nghĩ rằng, ít nhất là một di tích lịch sử, gắn với ông bà tổ tiên, gắn với lịch sử, với đất nước lại có thể bị xóa bỏ chỉ để giải quyết một nỗi bức xúc là tắc đường...
-----------------------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải nguyên bản của tác giả.
* Hình ảnh đã đăng tải trên trang OF, chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

THƯ GỬI TỪ BIÊN CƯƠNG.


Kính gửi anh Mai Thanh Hải!.

Không biết nên xưng hô thế nào.

Thôi thì nhìn vào độ xông xáo của anh nên mạo muội xưng hô anh em vậy.

Em tên Triệu Long Biên, 29 tuổi, cũng là người con dân tộc Tày ở huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

Em dạy ở xã Phan Thanh, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng (cách nhà hơn 120 km, trước đây hơn 160 km) được 4 năm thôi nhưng cái cảnh bếp lửa, đèn dầu soạn bài, trèo cây gọi điện thoại... thì em cũng nếm được 2 năm.

May nhờ bây giờ có điện, có sóng điện thoại nên đời sống tốt hơn nhiều. Em khoe với bác bài thơ con cóc ngay xưa lên Phan Thanh sáng tác:

"Phan Thanh ơi, cổng trời cao, cao lắm.
Ngoảnh đầu về quê mẹ đã xa xăm
Ánh đèn dầu soi tình yêu con chữ
Giấc mơ khuya lệ ướt gối đêm nằm"...

Mà ngày ấy vất vả thật, cái gì cũng thiếu, lương chả đủ tiêu bao giờ, chỉ đủ ăn và đi lại.

Xa nhà cả tháng, mỗi lần về, đi làm con nhỏ khóc đòi bố lại rơm rớm nước mắt quay đi.

Buồn, tủi không nói nên lời.

Đến trường thì học sinh nheo nhóc, nghèo đói, rách rưới và bẩn mà thấy tội, không nỡ bỏ (Khoảng 80% học sinh là dân tộc H'mông, còn lại là Tày, Nùng, Dao mà). Nghĩ mà buồn!.

May mà 2 năm nay có điện, có sóng điện thoại nên sáng sủa hơn nhiều.

Dù vậy, nếp tư duy của vùng cao không dễ thay đổi. Nghèo vẫn cứ nghèo. Cứ nhìn con số 4/16 xóm có 100% hộ nghèo đã đủ biết.

Nhìn vào học sinh cấp 2 đã thấy tội. Xã nghèo, xóm nghèo, nhà nghèo nên học sinh cũng nghèo. Năm nay lại cắt khoản tiền 186, coi như xong.

Còn 1 số học sinh được hỗ trợ dành cho học sinh Bán trú dân nuôi cũng đỡ được tí. Nhưng nói chung là cũng như muối bỏ biển vì mỗi kì phát tiền 1 lần, gọi là có hơn 1 triệu đồng, nghe cũng khá, nhưng khoản ấy có phải riêng các em dùng đâu, còn bố mẹ, anh chị em... nữa chứ, đủ thứ lo.

Nhà trường thì chưa tổ chức nấu ăn cho được vì chưa lo được cơ sở vật chất, nhà bếp. Thế là học sinh vẫn đói. Nhìn bữa ăn mà tội.

Đầu tuần từ nhà ra, còn có tí rau này rau nọ, đến giữa tuần thì í ới rủ nhau kiếm rau rừng. Và rồi cuối tuần sắp về thì chấm muối là... chuyện thường.

Hết ăn lại ở, vài tháng trước nhờ Ngân hàng BIDV xây cho cái nhà ở thấy đỡ, chứ trước đây thì ở lều, ở lán vách tre nứa thấp lè tè.

Lại thấy tội. Mùa hè thì nóng, mùa đông lạnh thấu xương vì gió lạnh lùa mà chả có chăn đủ ấm.

Nói về 2 học sinh cấp 1 tự tử mà buồn.

Ở đây, người ta tự tử nhiều, nhưng trẻ em tự tử như thế thì phải suy nghĩ. Đặc biệt chỉ vì những nguyên nhân vụn vặt.

Như em Hoàng A Tu, sinh năm 1999, nhà ở xóm Phia Tằng, là HS lớp 5 trường xã, tự tử vì bị người nhà mắng.

Em Hoàng Thị Mỵ, sinh năm 2005, ở xóm Lũng Vai, học lớp 3 phân trường Pác Lác, cũng ăn lá ngón chỉ vì anh trai mắng tội không xách cặp về cho.

Nghe mà não lòng.

Lai rai vài dòng với bác làm quen vậy, chứ kể khổ thì bao giờ hết bác nhỉ?.

Qua AABC và bác thì em thấy rằng chỗ mình đã khó, đã khổ nhưng nhiều nơi còn khổ hơn nhiều (đến các bác còn khổ theo nữa là... hì hì).

Nếu anh và AABC đến đây được thì sẽ là 1 niềm vui to lớn với "Bọn lít nhít" ở đây.

Không biết có ngày đó không vì AABC còn phải đi nhiều, nhiều nơi khó khăn hơn nữa.

Nhưng nếu biết tin đó thì chắc hẳn ai cũng mong đợi một ngày nào đó AABC đặt chân đên "cổng trời" Phan Thanh.

Chúc anh và AABC luôn mạnh khỏe, tràn đầy nhiệt huyết để mang lại những niềm vui và sự ấm áp cho những vùng quê đang oằn mình trong khốn khó!..
--------------------------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt
* Hình ảnh đăng trên trang Xóm Nhiếp ảnh chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

RỪNG LUẬT - LUẬT RỪNG?..

Đào Tuấn - Tưới xăng đốt người. Chặt chân. Nổ mìn. Đặt quan tài. Thông báo “tìm người thân” để truy tìm. Bắt cóc. Nhắn tin khủng bố. Thuê thương binh đến ăn ở tại nhà. Ném mắm tôm, trứng thối. Đặt vòng hoa viếng người sống…

Không cần nói thêm nữa. Đây đích thị là những biện pháp đã dùng để đòi nợ.

Có thể gọi gì khác hơn khi bản chất của hiện tượng là việc chủ nợ thuê xã hội đen để dùng luật rừng.

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, tình trạng tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay, thuê, cầm cố tài sản với lãi suất cao dưới dạng tín dụng đen đang diễn ra rất phức tạp.

Chỉ tính từ đầu năm 2012 đến nay, trên phạm vi cả nước đã xảy ra trên 4.300 vụ việc liên quan đến hoạt động này…

4.300 vụ luật rừng. Từ 4.300 nỗi bức xúc, sót của. Và 4.300 tâm trạng không biết bấu víu vào đâu.

Nhưng vì sao chủ nợ không “báo quan” mà lại thuê xã hội đen, để đòi nợ bằng luật rừng?.

Bình Thuận là một câu trả lời. Ngay tháng trước, Công an tỉnh Bình Thuận đã tước danh hiệu một viên cảnh sát khi anh này đòi nợ thuê số tiền chỉ 28 triệu đồng.

Công an không có chức năng đi đòi nợ thuê, một quan hệ thuộc về phạm trù dân sự. Trong khi đưa ra tòa, thì như các cụ đã nói “Được vạ thì má đã sưng”.

Không ai muốn thuê xã hội đen, dùng luật rừng, để rất dễ, như thực tế chứng minh, tự đẩy mình vào thế của người mắc nợ, với pháp luật.

Nhưng rõ ràng khi pháp luật, khi cơ quan chức năng, vì một lý do nào đó, không giúp cho họ thì người ta phải dùng các biện pháp ngoài luật thôi.

Bởi bên ngoài lý do “của đau con xót”, đặc điểm chung của những người phải cậy nhờ đến xã hội đen, đến luật rừng là họ thân yếu thế cô, họ không thể nhờ ai khác để bảo vệ quyền lợi của mình.

Và lớn nhất, là sự bất lực.

Vấn đề ở chỗ một hệ thống quy phạm dày đặc vẫn để thủng lỗ chỗ những khe hở khiến người dân không thể cậy nhờ thì rõ ràng, phải xem lại hệ thống đó, chứ không thể ngồi chờ hạnh vi phạm tội xảy ra rồi mới bắt.

Nhưng đến hôm qua, còn xuất hiện thêm một khía cạnh khác của việc dùng luật rừng khi ở Hải Phòng, “đầu gấu” được thuê để “giải phóng mặt bằng”.

Một cuộc đánh đập, truy sát đã diễn ra, ngay giữa ban ngày ban mặt với những nạn nhân đã bị “trọng thương”.

Có một chi tiết rất đáng chú ý là câu trả lời sau đó của Giám đốc Công ty cổ phần Nam Thành, đơn vị được UBND TP Hải Phòng giao đất: “Công ty đã nhiều lần kiến nghị bằng văn bản lên thành phố, đặc biệt từ cuối năm 2011 khi cuộc bảo vệ thi công của chính quyền cho doanh nghiệp không thành, công ty đã thúc giục nhưng không được giải quyết quyết liệt”.

“Cuộc bảo vệ thi công của chính quyền cho DN không thành”. Và đây là lý do khiến DN thuê đầu gấu?..

Có người đã thở phào khi Hải Phòng đã chính thức lên tiếng yêu cầu các cơ quan liên quan xác minh làm rõ.

Công an Thành phố cũng đã “chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp với Công an huyện Tiên Lãng khẩn trương xác minh, làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm vụ việc theo quy định của pháp luật”.

Lạc quan thì thấy điều tồi tệ nhất còn chưa xảy ra. Bởi sẽ là loạn nếu như người những tên đầu gấu dùng nắm tay, gót chân cùng cưỡng chế thu hồi đất với lực lượng Công an mặc sắc phục.

Nhưng, một cách cẩn trọng sẽ thấy việc dửng dưng bàng quang trong việc trả lời “không biết” với một sự việc nghiêm trọng, to bằng cái đình, cũng chẳng khác một cái đèn xanh cho luật rừng.

Trong vụ Bình Thuận, viên Cảnh sát, một biểu tượng của sự bảo vệ và pháp luật, khi được thuê, đã thuê lại những tên đầu gấu chỉ có thói quen dùng luật rừng.
--------------------------------------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt.
* Hình ảnh chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

TRÊN NÚI CÓ BẢN NÀ KHOA


Mai Thanh Hải - Chuyến hàng lên Nà Khoa (Mường Nhé, Điện Biên) có lẽ sẽ trở thành chuyến đáng nhớ nhất, trong hành trình Áo ấm Biên cương...

Nhất bởi vì số lượng trẻ em thụ hưởng của toàn xã (Mầm non, Tiểu học, THCS, Bán trú) lên đến 1.974, gấp đôi chuyến Xuân Trường (Bảo Lạc, Cao Bằng), gấp 3 chuyến Xín Mần (Hà Giang) và gấp 5 chuyến ra đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng)...

Nhất bởi vì phải huy động nhiều tiền ủng hộ, đóng góp nhất, với tổng giá trị hàng tính sơ sơ cũng khoảng gần 500 triệu đồng...

Nhất cũng tại bởi có nhiều sự ủng hộ bất ngờ, với nhiều hình thức - đa dạng. Nào là sự kiện "Đêm Điện Biên" do nhóm FHH tổ chức, quyên góp được gần 70 triệu đồng cho chương trình; sự ủng hộ âm thầm, kịp thời của bạn đọc từ TP.HCM với số tiền 150 triệu đồng, khi biết cả Ban Điều hành đang bơ phờ kiếm tiền mua áo cho lũ trẻ; số tiền 20 triệu của doanh nghiệp người Việt Nam ta, đang làm ăn tại Sec, gửi về với lời dặn "Nhờ các anh chị mua mì tôm cho lũ trẻ"; số tiền 6,5 triệu đồng của các bạn Hội yêu chó Sài Gòn, tổ chức 1 buổi gặp gỡ, quyên góp, thành món nhỏ chuyển cho AABC...

Nhất cũng bởi có nhiều ngày đóng hàng, nhiều tình nguyện viên tham gia đóng gói - phân loại hàng hóa đến từng điểm Bản, tên học sinh.

Ngay ngày đóng hàng hôm qua, một trung úy Hải quân rất trẻ, mới từ đảo về đất liền nghỉ phép, cũng tất tưởi từ quê lên đóng hàng cả nửa ngày, cùng AABC

Và nữa: Thời gian chuyến đi cũng mất thời gian, xa xôi và khó khăn bậc nhất, 5 ngày đêm. Kế hoạch hành quân đã lên sẵn, phân công đến từng thành viên đến từng điểm Trường dù là xa nhất, để trao tận tay cô trò những món quà.

Thế nhưng những ngày lên đường, cũng đúng là những ngày nghỉ Lễ 30/4-1/5, bà con dưới Hà Nội ùn ùn kéo nhau về quê hoặc đi chơi Điện Biên - Tây Bắc, khiến xe cộ được dịp tăng giá ầm ầm.

Và như vậy, chi phí của mỗi thành viên tham gia chuyến đi, cũng tăng theo, cùng với chi phí thuê xe tải chở 3,5 tấn hàng.

Mệt lắm chứ, oải lắm chứ và cũng đau đầu lắm chứ.

Thế nhưng thật lạ, những lúc đó ngước nhìn hình nền laptop, thấy long lanh mắt con trẻ nơi vùng cao biên giới, thấy trong vắt đợi chờ và mi cong cong mời gọi, thấy mọi mệt mỏi tan biến. Cảm giác như con đang mấp máy môi kể: "Trên núi này, có bản Nà Khoa chúng con", để chúng mình không thể quên, phải cùng nhau lên đến với các con yêu thương, diệu vợi.

Cố lê mọi người nhé!. Trên núi cao mấy trắng, có rất nhiều con trẻ ở bản Nà Khoa...
-----------------------
* Theo dõi hoạt động của Chương trình tại: http://aoambiencuong.com
* Hoặc trên FB: https://www.facebook.com/AoAmBienCuong

24 tháng 4, 2013

ĐẤT NƯỚC NHỮNG THÁNG NĂM THẬT BUỒN

Nguyễn Quang Lập - Mình vừa nhận được thơ bác Nguyễn Khoa Điềm gửi cho, tác giả của những vần thơ về "Đất nước" cháy bỏng năm xưa lại ngậm ngùi nghĩ về Đất nước hôm nay.

Đọc bài thơ “Đất nước những tháng năm thật buồn” của bác Điềm, mình bất chợt nhớ đôi câu thơ của bác: "Ta đã đi qua những năm tháng không ngờ/ vô tư quá để bây giờ xao xuyến"... tự nhiên thấy cay cay đầu sống mũi.

ĐẤT NƯỚC NHỮNG NĂM THẬT BUỒN

Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt

Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành

Như kẻ khát nước qua sa mạc

Chung quanh yên ắng cả

Ngoài đường nhựa vắng tiếng xe lại qua

Người giàu, người nghèo đều ngủ

Cả bầy ve vừa lột xác.

Sao mình thức?..

Sao mình mải mê đeo đuổi một ngày mai tốt lành      

Bây giờ lá cờ trên Cột cờ Đại Nội

Có còn bay trong đêm

Sớm mai còn giữ được màu đỏ?..

Bây giờ con cá hanh còn bơi trên sông vắng

Mong gặp một con cá hanh khác?..

Bao giờ buổi sáng, buổi chiều nhìn ra đường

Thấy mọi người nhẹ nhàng, vui tươi

Ấm áp ly cà phê sớm

Các bà các cô khỏe mạnh yêu đời

Hớn hở tập thể dục

Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má

Không phải gạt vội vì xấu hổ

Ngước mắt, tin yêu mọi người

Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta

Trong không gian đầy sợ hãi ?

Những cây thông trên núi Ngự Bình thấp thoáng ngọn nến xanh

Đời đời an ủi

Cho người đã khuất và người sống hôm nay …

 22.4.2013
---------------------

* Nguyễn Khoa Điềm (tên khác là Nguyễn Hải Dương; sinh 15 tháng 4 năm 1943) là một nhà thơ, nhà chính trị Việt Nam. Ông là ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá IX; Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa X, cựu Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam.


Nguyễn Khoa Điềm sinh tại thôn Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thân sinh của ông là nhà báo Hải Triều, thuộc dòng dõi quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng, gốc An Dương (tỉnh Hải Dương cũ nay là Hải Phòng). Quê quán: làng An Cựu, xã Thủy An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Lúc nhỏ Nguyễn Khoa Điềm học ở quê.

Năm 1955 ông ra miền Bắc học tại trường học sinh miền Nam. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, cùng một lứa với Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân.

Sau đó, ông vào miền Nam hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên Huế; tham gia quân đội, xây dựng cơ sở của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, viết báo, làm thơ... cho đến năm 1975. 

Nguyễn Khoa Điềm từng bị giam tại nhà lao Thừa Phủ. Đến chiến dịch Mậu Thân 1968, ông được giải thoát, tiếp tục trở lại hoạt động. Vào thời điểm này, Nguyễn Khoa Điềm mới bắt đầu làm thơ
.
Nguyễn Khoa Điềm trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1975. Sau giải phóng ông tham gia công tác Đoàn Thanh niên Cộng sản; Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế. Ông có trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III. Năm 1994 Nguyễn Khoa Điềm ra Hà Nội, làm thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin. Năm 1995, ông được bầu làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa V.

Năm 1996, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VIII, Nguyễn Khoa Điềm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Ông là đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá X và từ tháng 11 năm 1996 là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin.

Năm 2001, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX, Nguyễn Khoa Điềm trở thành ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (2001-2006).

Hiện nay, ông nghỉ hưu và sống tại Thành phố Huế.

CƠM MỘT MÓN, NGỦ THỪA CHÂN


Mai Thanh Hải - Câu "cơm một món, ngủ thừa chân" hình như đã là khẩu hiệu quen thuộc, dạng như "Học tập và làm theo", ở khắp các điểm Trường Mầm non vùng cao biên giới. 

"Cơm 1 món", tức là chỉ cặp lồng cơm mang buổi sáng, từ nhà đến trường để ăn trưa, chỉ duy nhất 1 món ăn kèm cho nuốt trôi, có thể là rau luộc, măng ngâm ớt, cá suốt, thịt chuột... nhưng đa số, chỉ nắm muối rang dầm với ớt, mặt chát - cay xè.

Ăn trưa xong, dĩ nhiên phải ngủ trưa, để đầu giờ chiều học tiếp (mà chính ra là để cô giáo có thời gian nấu nướng, ăn trưa, nghỉ chút rồi chiều lại ra rả dạy dỗ, chứ trên miền núi, làm quần quật từ sáng đến tối mà vẫn đói, có các vàng cũng không dám ngủ trưa).

Cô giáo hô 1 phát, lũ lít nhít cuống quýt xếp ghế vào góc lớp, tựa vào tường và lôi chiếc chiếu rách tướp, cáu bẩn, đen đúa, tuổi đời có khi đến mấy năm giời, rải xuống nền đất và tự động chia 2 phía nam - nữ, châu đầu vào nhau, ken vai nhau, nhắm mắt... ngủ.

Mùa đông, dưới lưng bọn trẻ là chiếc rách, xong đến nền đất, phía trên mới có tấm chăn, mà may mắn được Nhóm Thiện nguyện nào đó biết tới, tìm cho, chứ bình thường, chả Nhà nước nào biết đến trẻ con miền núi học bán trú, buổi trưa cũng phải đi ngủ, như Thủ đô.

Mùa hè (may mà có mùa hè), lưng bọn lít nhít êm hơn vì mấy cái chăn bông, được cô giáo cho phép tận dụng hết công năng, kê dưới lưng, làm đệm êm.

Hồi trước mình đi Hồng Ngài (Bắc Yên, Sơn La), giữa chừng đi bộ lên núi, gặp điểm Trường lưng chừng suối - dân, buổi trưa có mùi cơm khiến cái bụng cả ngày ních lương khô - nước suối, sôi ùng ục.

Mò vào điểm Trường, đúng 1 gian chừng 20m2 lớp học mái tôn xi măng, vách nứa, thấy cả đống lít nhít chừng 20 đửaun cầm cập, ôm cứng nhau ngủ với đầy đủ tất, giày, khăn, mũ và dĩ nhiên, chỉ dưới lưng lót chăn, còn trên bụng, không 1 thứ gì đắp tương tự.

Vỗ đầu bé gái có vẻ dài nhất đám, đang nằm ngoài cùng, choàng tay với ôm 3 đứa bé nhất trong lớp, hỏi: "Này con! Cô giáo đi đâu?".

"Bé gái" quay mặt lại và ngồi dậy, tụt khăn: "Em là cô giáo đây ạ!".

Mình sững sờ: Bé và non choẹt, như thể học sinh Tiểu học.

Hỏi chuyện ra mới biết: Em người Thái Bình, học xong Trường Mẫu giáo Trung ương, phải lên tận Bắc Yên, Sơn La mới xin được việc và do là "giáo viên trẻ, nhiệt huyết", nên được điều động vào điểm xa nhất này, một mình đứng lớp, dạy học - cho bọn lít nhít ăn từ sáng đến tối.

Em kể: Gọi là điểm Trường nhưng chỉ có 1 gian lớp. Học sinh ra về, cô giáo mới lụi hụi kéo bếp dầu - nồi niêu ra giữa lớp nấu cơm tối, chập choạng tối, cất bếp nồi, trải chiếu lót chăn học sinh ngủ sớm, giữa đêm tối mịt mù bao năm không biết thế nào là ánh điện; sáng dậy sớm, lại lôi bếp nồi ra giữa lớp, nấu cơm ăn sáng và ăn luôn cả trưa với học sinh. "Có đâu chỗ mà nấu cơm, vì chúng nó còn học và ngủ?" - Em cười vậy, nhưng mắt lóng lánh những nước và nước.

Em kể: Mùa đông, có khi 1-2 tuần mới kiếm đủ củi, đun nồi nước và lại co ro trong góc lớp, ngồi vào chậu tắm. "Nước tít dưới suối, mỗi ngày phải mang can xuống xách và dùng dần trong ngày, như bộ đội ngoài Trường Sa anh nhỉ?" - Em bặm môi, giơ bàn tay gầy như tay con trẻ, cho mình nhìn những vết u đọng thành cục, mắt vẫn trĩu xuống, những gọt nước, đọng vu vơ...

Chia tay, em níu áo ngập ngừng: "Hay là các anh ở lại với em, đêm nay cho em uống rượu", khiến cả tốp cứ ngoảnh mặt về phía núi, không dám trả lời.

Chia tay, vét vội trong túi cóc balo mấy phong lương khô, lọ thuốc B1 và chụp lên đầu em chiếc mũ cứng gắn quân hiệu, dặn: "Cố gắng giữ gìn sức khỏe nhé!. Có dịp quay lại, anh sẽ mang tặng em và bọn trẻ mấy chiếc chiếu, đôi chăn bông!", khiến nước mắt em cứ rịn trên khóe môi...

Bao lâu rồi, lới hứa với em vẫn chưa thành hiện thực và cứ khắc khoải trong tâm trí mình đôi chiếu - đôi chăn cho vùng cao xa hút, nơi em đã dạy mình khẩu hiệu: "Cơm 1 món, ngủ thừa chân"...

23 tháng 4, 2013

KHÔNG PHẢI GIÁ NƯỚC Ở TRƯỜNG SA


Đào Tuấn - Rất nhiều điều oái oăm đang cùng xảy ra. Và giá như chúng ta không bao giờ phải nói hai chữ giá như.

1 m3 nước giá 1 triệu đồng. Đây không phải là giá nước ở Trường Sa mà là ở Trần Văn Thời, ở U Minh, ở Thới Bình, Cà Mau.

Thanh Niên cho biết ở những vùng này, nước ngọt thiếu trầm trọng và người dân phải “gồng mình” mua 1 m3 nước với giá 1 triệu đồng.

Nếu cần có một hiện thực bi thảm, thì đó là việc “chết khát”, tất nhiên, mới là chỉ của những con vật, của những luống rau.

Nếu cần có một sự chua xót thì đó là tâm sự của một người dân: “Chỉ cần có nước ngọt, có sạch hay không, có hợp vệ sinh hay không tôi không quan tâm. Nước ao đìa phèn đặc quánh, rửa mặt nước mắt chảy ròng, cay xè!”.

Vâng!. Nước mắt chảy ròng, cay xè. Những giọt nước mắt có thể không phải chỉ vì nước mặn, và mà vì nỗi tủi phận làm người.

Giải pháp cho bà con là gì? Đang xin nguồn kinh phí. Bao giờ thì xong?..

Trời biết, đất biết, chỉ riêng ông Giám đốc Trung tâm Nước sạch là không biết.

Trong khi đó, ở Quảng Nam, UBND tỉnh thống nhất “điều chỉnh” hạng mục sân khấu của dự án Nhà hát ngoài trời để kịp thi hợp xướng quốc tế. Kinh phí “điều chỉnh”: 5 tỷ.

Điều chỉnh như thế nào?. Như giá xăng, tất nhiên.

Trong vòng 15 ngày đầu tháng 4/2013, 6 lao động Nghệ An, Hà Tĩnh hoặc “tử vong do bệnh tật, tai nạn lao động, thậm chí bị cướp, rồi bị giết, bị đẩy vào động mại dâm” khi xuất khẩu lao động tại Angola. Chưa kể hàng nghìn lao động khác đang phải chịu cảnh cơ cực, làm việc trong điều kiện vệ sinh an toàn lao động không đảm bảo, bị cảnh sát sở tại bắt vào các trại tị nạn.

Ngay bên bờ Sông Nhuệ, nhiều năm qua, hàng trăm người dân làng Gọc phải đánh cược tính mạng mình khi đu dây đi thuyền mỗi ngày.

VietNamNet cho biết: Ngôi làng nhỏ nằm cách biệt với bên ngoài qua con sông Nhuệ, không có cầu. Trong khi đó, mọi nhu cầu thiết yếu, trường học, bệnh viện… đều ở bên kia bờ sông. Những người dân can trường và lũ trò nhỏ kiên nhẫn bẩm sinh phải qua sông chỉ bằng một chiếc thuyền cũ kĩ và một sợi dây thừng được chắp vá nối 2 bờ.

Xin lưu ý với các bạn: Đây là đoạn Sông Nhuệ chảy qua Thủ đô Hà Nội.

Trong khi đó, cũng ở Thủ đô, chính quyền thành phố vừa quyết định sẽ xây dựng Nhà hát Thăng Long trị giá 9ha đất Tây Hồ và 4.500 tỷ đồng.

Còn ở miền Trung, ở Tây Nguyên, chưa có năm nào giá dưa hấu lại rớt mạnh như năm nay. Giá dưa hấu chỉ còn 2.000 đồng/kg, cái giá khiến nông dân tái mặt, bản thân thương lái cũng “bỏ cọc chạy lấy tiền”, dưa chín rục, thối nẫu ngoài đồng, bán tháo cũng không có người mua.

Bỏ mồ hôi sôi nước mắt, nhưng nghịch cảnh “được mùa mất giá”, phụ thuộc vào “nước lạ” khiến sự cần cù của nông dân, được chính Giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Dương Văn Tô ví như “đánh bạc” với giời.

Nếu phải kể thêm một chi tiết nữa, thì đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế: “Đến thăm là thấy khổ tâm, bệnh viện như trại tị nạn”. Mở ngoặc: Đây là các “trại tị nạn” ở Việt Nam và thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế.

Điểm chung trong những câu chuyện xô nước, quả dưa, con đò, hay người lao động xuất khẩu: Họ là đối tượng nghèo, dễ bị tổn thương.

Điểm chung của những nhà hát, sân khấu: Chúng ở đô thị lớn và được xây dựng bằng tiền Ngân sách.

Xã hội cần có sân khấu, có nhà hát, bởi cuộc sống “không chỉ có cơm no vào áo đẹp”.

Nhưng giá như.

Giá như không phải nói giá như...
----------------------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại
* Hình ảnh của Xóm Nhiếp ảnh chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

ĐÓI?..

Lửa cháy leo lét, không có nồi xoong để mà dính...
Cả gian bếp chỉ duy nhất bộ ấm chén pha trà nằm lổng chổng, như thể lâu lắm rồi phải nước uống thay cơm...
Chú chó gầy giơ xương, hít trên nền đất sạch tinh như tìm mùi thức ăn...
Bé ngồi buồn xo, ôm bụng, ngóng ra cửa ngóng mẹ...
*****

Bức hình, có thể đặt cái tựa là "Đói" và cảnh này, không hiếm gặp trên khắp dải vùng cao - biên giới hun hút, xa xôi...


Mấy ngày nữa thôi, chúng mình đang đồ mặc - đồ ăn lên cho bọn lít nhít vùng cao biên giới Điện Biên. Chả đủ và thấm tháp vào đâu, nhưng cũng ấm no được vài ngày, còn hơn dài rạc...

Xem thông tin về chuyến đi: http://aoambiencuong.com

(Nguồn hình: xomnhiepanh.com)

22 tháng 4, 2013

ĐẾN TẬN NƠI MÀ XEM, THƯA BỘ TRƯỞNG!..


Mai Thanh Hải - Hôm qua, tự nhiên dở người xem Thời sự VTV lúc 19h, chuyên mục "Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời", thấy Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử giả lời phóng viên về tình trạng trường lớp rách nát, học sinh đói ăn - thiếu mặc trên vùng cao biên giới, nghe xong, phải tắt ngay tivi và uống nước lạnh, kẻo đập màn hình mất toi cái để xem HBO-Cinimax sau này...

Rồi ngồi nghĩ và đành gật gù: Bác ấy béo núng béo nính, nặng nề và lật đật như thế, có đi được đâu đâu mà biết, nên nói vậy, cũng là đúng thôi, chả trách.

Ngay ở huyện Bát Xát, Lào Cai, nơi bác ý "trưởng thành từ cơ sở", lên to, thi thoảng mấy cô giáo Mầm non Pa Cheo vẫn hì hụi trèo lên tảng đá, giơ điện thoại lên đầu, bật loa gọi điện thoại như cãi nhau, nhưng vẫn chỉ nghe bập bõm mấy lời các cô nói, đại ý: "Hôm nào các anh lại đi công tác, ngang qua đây cho tụi em xin ít cá khô, mì tôm, bánh kẹo, để tụi em có thứ... gạ gẫm học sinh đi học, kẻo chúng nó ngại đường xa, đói bụng, trốn hết!".

Còn ở Nhìu Cồ San (Sàng Ma Sáo, Bát Xát, Lào Cai), cô giáo Huyền, mỗi khi đi bộ xuống trường chính ở xã, có sóng điện thoại lại tỉ tê gọi điện - nhắn tin hỏi: "Em xin bột canh, nước mắm cho học sinh. Nếu các anh còn tay, mua giúp em mấy hộp sữa chua. Thèm lắm!".

Trên Y Tý, mấy cô giáo Mầm non lại chỉ khoái món thịt hộp, bởi mỗi hộp các cô có thể xắn ra làm mấy thìa, chia mỗi bữa chỉ 1 thìa nhỏ, chêm nhiều muối, thêm nước để thành thứ nước chấm lờ nhờ vài sợi thịt lặn ngụp, rưới lên bát cơm ăn qua ngày...

Chả biết mấy chỗ này, các bác chuyên ngành Giáo dục và Dân tộc đã tìm đến, đã chứng kiến và thực cảm nhận trên tư cách đồng loại - con người?..

Mình thì thấm thía lắm. Cứ đi mang áo ủng cho con trẻ biên cương đấy, thương lít nhít 1 thì thương các thầy cô 10.

Bọn trẻ nó sinh ra lớn lên ở bản, hết ngày hết tuần còn về sinh hoạt với gia đình, ốm đau là có người thân, gia đình.

Còn các thầy cô?. Toàn trẻ măng, mới rời ghế nhà trường, đa số ở các tỉnh vùng xuôi, vì yêu nghề và cũng vì công việc, mới lọ mọ khoác ba lô, chằng theo bao thứ chăn màn xô chậu, lên với nơi rừng xanh núi thẳm, dạy cái chữ phổ thông cho trẻ con, nhưng học lại trẻ con cái tiếng đồng bào để mà nói chúng, chỉ bảo chúng và dỗ dành chúng.

Ơn Đảng - ơn Chính phủ, mấy năm nay cũng có nhiều Chương trình giáo dục trèo lên được miền núi, tiền lương các thầy cô cũng khá khẩm hơn trước, đủ để sống qua ngày.

Nhiều bạn mới đi biên giới vùng cao lần đầu, nghe đến số tiền lương 4-5 triệu đồng/tháng, cứ xuýt xoa: "Thế sống tốt quá rồi, hơn cả dưới miền xuôi" khiến các cô rớm nước mắt, câm lặng.

Ừ! Đừng nói vậy mà tội.

Cứ lẩm nhẩm tính: Gạo muối, dầu đèn và mọi thứ phục vụ cho việc sống của 1 con người, đều phải thồ từ thị trấn vào, với giá cao gấp mấy lần dưới xuôi do tính cả công chuyên chở; mỗi năm, ki cóp tiền về quê xa hàng mấy ngày đường, chuyển vài chặng tàu xe, phí vé cũng đến tiền triệu... Còn đồng nào, lại dành để mua bánh kẹo - đồ ăn, dành để... dỗ học sinh đến lớp, kẻo không đạt quy chuẩn, bị trừ bù - nhắc nhở, khiển trách.

Thế là hết lương...
Mà miền núi biên giới bây giờ, qua rồi cái chuyện đồng bào cho cô giáo lợn gà, rau gạo như ngày xưa, bởi cây bị chặt hết, rừng trọc, mùa mưa lũ quét, mùa hè nắng chăng chang, đến miếng thịt - ngọn rau nuôi người trong nhà cũng còn nhọc nhằn, nữa là cô giáo?..

Thế nhưng vẫn phải sống mỏi mòn, thiếu thốn dưới những mái nhà cũng lụp xụp, rách nát, mòn mỏi đợi chờ Chương trình dự án đầu tư vẫn còn nằm trên giấy, ở tít Thủ đô đầy nhung lụa và ánh sáng...

Và lại ước: Thế đến bao giờ, có khách lên thăm để cô trò có thêm tý chất tươi cải thiện, chất ngọt thông cổ và 1 chút gì đấy, như hơi ấm, để động viên rằng nơi mình đang sống mỏi mòn, thi thoảng vẫn có người ghé qua?..

Bộ trưởng Phử có biết điều này không nhỉ?...