24 tháng 4, 2013

CƠM MỘT MÓN, NGỦ THỪA CHÂN


Mai Thanh Hải - Câu "cơm một món, ngủ thừa chân" hình như đã là khẩu hiệu quen thuộc, dạng như "Học tập và làm theo", ở khắp các điểm Trường Mầm non vùng cao biên giới. 

"Cơm 1 món", tức là chỉ cặp lồng cơm mang buổi sáng, từ nhà đến trường để ăn trưa, chỉ duy nhất 1 món ăn kèm cho nuốt trôi, có thể là rau luộc, măng ngâm ớt, cá suốt, thịt chuột... nhưng đa số, chỉ nắm muối rang dầm với ớt, mặt chát - cay xè.

Ăn trưa xong, dĩ nhiên phải ngủ trưa, để đầu giờ chiều học tiếp (mà chính ra là để cô giáo có thời gian nấu nướng, ăn trưa, nghỉ chút rồi chiều lại ra rả dạy dỗ, chứ trên miền núi, làm quần quật từ sáng đến tối mà vẫn đói, có các vàng cũng không dám ngủ trưa).

Cô giáo hô 1 phát, lũ lít nhít cuống quýt xếp ghế vào góc lớp, tựa vào tường và lôi chiếc chiếu rách tướp, cáu bẩn, đen đúa, tuổi đời có khi đến mấy năm giời, rải xuống nền đất và tự động chia 2 phía nam - nữ, châu đầu vào nhau, ken vai nhau, nhắm mắt... ngủ.

Mùa đông, dưới lưng bọn trẻ là chiếc rách, xong đến nền đất, phía trên mới có tấm chăn, mà may mắn được Nhóm Thiện nguyện nào đó biết tới, tìm cho, chứ bình thường, chả Nhà nước nào biết đến trẻ con miền núi học bán trú, buổi trưa cũng phải đi ngủ, như Thủ đô.

Mùa hè (may mà có mùa hè), lưng bọn lít nhít êm hơn vì mấy cái chăn bông, được cô giáo cho phép tận dụng hết công năng, kê dưới lưng, làm đệm êm.

Hồi trước mình đi Hồng Ngài (Bắc Yên, Sơn La), giữa chừng đi bộ lên núi, gặp điểm Trường lưng chừng suối - dân, buổi trưa có mùi cơm khiến cái bụng cả ngày ních lương khô - nước suối, sôi ùng ục.

Mò vào điểm Trường, đúng 1 gian chừng 20m2 lớp học mái tôn xi măng, vách nứa, thấy cả đống lít nhít chừng 20 đửaun cầm cập, ôm cứng nhau ngủ với đầy đủ tất, giày, khăn, mũ và dĩ nhiên, chỉ dưới lưng lót chăn, còn trên bụng, không 1 thứ gì đắp tương tự.

Vỗ đầu bé gái có vẻ dài nhất đám, đang nằm ngoài cùng, choàng tay với ôm 3 đứa bé nhất trong lớp, hỏi: "Này con! Cô giáo đi đâu?".

"Bé gái" quay mặt lại và ngồi dậy, tụt khăn: "Em là cô giáo đây ạ!".

Mình sững sờ: Bé và non choẹt, như thể học sinh Tiểu học.

Hỏi chuyện ra mới biết: Em người Thái Bình, học xong Trường Mẫu giáo Trung ương, phải lên tận Bắc Yên, Sơn La mới xin được việc và do là "giáo viên trẻ, nhiệt huyết", nên được điều động vào điểm xa nhất này, một mình đứng lớp, dạy học - cho bọn lít nhít ăn từ sáng đến tối.

Em kể: Gọi là điểm Trường nhưng chỉ có 1 gian lớp. Học sinh ra về, cô giáo mới lụi hụi kéo bếp dầu - nồi niêu ra giữa lớp nấu cơm tối, chập choạng tối, cất bếp nồi, trải chiếu lót chăn học sinh ngủ sớm, giữa đêm tối mịt mù bao năm không biết thế nào là ánh điện; sáng dậy sớm, lại lôi bếp nồi ra giữa lớp, nấu cơm ăn sáng và ăn luôn cả trưa với học sinh. "Có đâu chỗ mà nấu cơm, vì chúng nó còn học và ngủ?" - Em cười vậy, nhưng mắt lóng lánh những nước và nước.

Em kể: Mùa đông, có khi 1-2 tuần mới kiếm đủ củi, đun nồi nước và lại co ro trong góc lớp, ngồi vào chậu tắm. "Nước tít dưới suối, mỗi ngày phải mang can xuống xách và dùng dần trong ngày, như bộ đội ngoài Trường Sa anh nhỉ?" - Em bặm môi, giơ bàn tay gầy như tay con trẻ, cho mình nhìn những vết u đọng thành cục, mắt vẫn trĩu xuống, những gọt nước, đọng vu vơ...

Chia tay, em níu áo ngập ngừng: "Hay là các anh ở lại với em, đêm nay cho em uống rượu", khiến cả tốp cứ ngoảnh mặt về phía núi, không dám trả lời.

Chia tay, vét vội trong túi cóc balo mấy phong lương khô, lọ thuốc B1 và chụp lên đầu em chiếc mũ cứng gắn quân hiệu, dặn: "Cố gắng giữ gìn sức khỏe nhé!. Có dịp quay lại, anh sẽ mang tặng em và bọn trẻ mấy chiếc chiếu, đôi chăn bông!", khiến nước mắt em cứ rịn trên khóe môi...

Bao lâu rồi, lới hứa với em vẫn chưa thành hiện thực và cứ khắc khoải trong tâm trí mình đôi chiếu - đôi chăn cho vùng cao xa hút, nơi em đã dạy mình khẩu hiệu: "Cơm 1 món, ngủ thừa chân"...

3 nhận xét:

  1. Cái đề tài này, cháu chán chẳng muốn xem và nghe.
    Các quan CM chỉ lo cho thân thôi.
    "Tất cả vì con em chúng ta - Kệ cha con em chúng nó"!
    Cháu chi thích cô giáo áo đỏ trong hình thôi!

    Trả lờiXóa
  2. A Hải có thể cho xin địa chỉ của trường và cách thức liên hệ với co giáo trong bài viết này của anh được không? Thanks... Chúc a chân cứng đá mềm, đi nhiều và làm được thật nhiều điều ý nghĩa hơn nữa.

    Trả lờiXóa
  3. Mời anh lên Tây Nguyên một chuyến anh nhé. Tụi nhóc Tây Nguyên cũng đáng thương lắm anh. Tụi em trên này (Kon Tum) rất vui được đón anh.

    Trả lờiXóa