24 tháng 4, 2013

ĐẤT NƯỚC NHỮNG THÁNG NĂM THẬT BUỒN

Nguyễn Quang Lập - Mình vừa nhận được thơ bác Nguyễn Khoa Điềm gửi cho, tác giả của những vần thơ về "Đất nước" cháy bỏng năm xưa lại ngậm ngùi nghĩ về Đất nước hôm nay.

Đọc bài thơ “Đất nước những tháng năm thật buồn” của bác Điềm, mình bất chợt nhớ đôi câu thơ của bác: "Ta đã đi qua những năm tháng không ngờ/ vô tư quá để bây giờ xao xuyến"... tự nhiên thấy cay cay đầu sống mũi.

ĐẤT NƯỚC NHỮNG NĂM THẬT BUỒN

Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt

Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành

Như kẻ khát nước qua sa mạc

Chung quanh yên ắng cả

Ngoài đường nhựa vắng tiếng xe lại qua

Người giàu, người nghèo đều ngủ

Cả bầy ve vừa lột xác.

Sao mình thức?..

Sao mình mải mê đeo đuổi một ngày mai tốt lành      

Bây giờ lá cờ trên Cột cờ Đại Nội

Có còn bay trong đêm

Sớm mai còn giữ được màu đỏ?..

Bây giờ con cá hanh còn bơi trên sông vắng

Mong gặp một con cá hanh khác?..

Bao giờ buổi sáng, buổi chiều nhìn ra đường

Thấy mọi người nhẹ nhàng, vui tươi

Ấm áp ly cà phê sớm

Các bà các cô khỏe mạnh yêu đời

Hớn hở tập thể dục

Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má

Không phải gạt vội vì xấu hổ

Ngước mắt, tin yêu mọi người

Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta

Trong không gian đầy sợ hãi ?

Những cây thông trên núi Ngự Bình thấp thoáng ngọn nến xanh

Đời đời an ủi

Cho người đã khuất và người sống hôm nay …

 22.4.2013
---------------------

* Nguyễn Khoa Điềm (tên khác là Nguyễn Hải Dương; sinh 15 tháng 4 năm 1943) là một nhà thơ, nhà chính trị Việt Nam. Ông là ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá IX; Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa X, cựu Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam.


Nguyễn Khoa Điềm sinh tại thôn Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thân sinh của ông là nhà báo Hải Triều, thuộc dòng dõi quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng, gốc An Dương (tỉnh Hải Dương cũ nay là Hải Phòng). Quê quán: làng An Cựu, xã Thủy An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Lúc nhỏ Nguyễn Khoa Điềm học ở quê.

Năm 1955 ông ra miền Bắc học tại trường học sinh miền Nam. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, cùng một lứa với Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân.

Sau đó, ông vào miền Nam hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên Huế; tham gia quân đội, xây dựng cơ sở của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, viết báo, làm thơ... cho đến năm 1975. 

Nguyễn Khoa Điềm từng bị giam tại nhà lao Thừa Phủ. Đến chiến dịch Mậu Thân 1968, ông được giải thoát, tiếp tục trở lại hoạt động. Vào thời điểm này, Nguyễn Khoa Điềm mới bắt đầu làm thơ
.
Nguyễn Khoa Điềm trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1975. Sau giải phóng ông tham gia công tác Đoàn Thanh niên Cộng sản; Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế. Ông có trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III. Năm 1994 Nguyễn Khoa Điềm ra Hà Nội, làm thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin. Năm 1995, ông được bầu làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa V.

Năm 1996, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VIII, Nguyễn Khoa Điềm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Ông là đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá X và từ tháng 11 năm 1996 là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin.

Năm 2001, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX, Nguyễn Khoa Điềm trở thành ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (2001-2006).

Hiện nay, ông nghỉ hưu và sống tại Thành phố Huế.

6 nhận xét:

  1. TAY ĐIỀM BUỒN VÌ CUỘC ĐỜI ÔNG TA ĐÃ BỊ LỪA, BỊ ĐÁNH CẮP

    Trả lờiXóa
  2. Cái mộng của bác Điềm là đánh tan chủ nghĩa tư bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.
    Nhưng sự nghiệp chưa thành thì bác đã về hưu rồi.
    Không buồn răng được

    Trả lờiXóa
  3. Tôi buồn chẳng biết vì sao tôi buồn.

    Trả lờiXóa
  4. Cháu thấy coi thường?
    Đương thì xúc.
    Nguyên thì bức xúc!

    Trả lờiXóa
  5. Thường khi đã về nghỉ hưu (hạ cánh an toàn) rồi thì mới bày tỏ suy nghĩ, quan điểm-có thể là thật! Hỏi tại sao khi đương chức, có điều kiện thi triển "võ công" sao không làm, không nói cái gì đó cho ra hồn nhằm góp phần đổi thay, hay chí ít gọi là phản biện? Nản cho các vị quá!!!

    Trả lờiXóa
  6. Bạn Nặc danh thân mến. Đừng nên ... cố chấp như vậy. Hồi ông Điềm làm quan to chúng ta cũng không thật rõ ông ấy có nói lên tiếng nói phản biện hay không. Cũng có thể bây giờ ông ấy mới thấy được sự thật cần lên tiếng. Sự thức tỉnh cho dù muộn vẫn còn hơn là mê lú đến chót đời đến tàn đời.
    Dù sao cũng phải cảm ơn ông Điềm chứ bạn. Một người viết được những dòng thơ cháy bỏng như Mặt đường khát vọng thì cũng có thể viết được những dòng trĩu nặng những trăn trở như mấy bài vừa rồi chứ bạn.
    Chào thân nhân ngày 30 tháng 4 gọi là ngày gì được bây giờ bạn Nặc danh?
    Rất mong bạn trả lời nhé.

    Trả lờiXóa