18 tháng 6, 2011

CHẲNG BẰNG... CON CHIM

Mai Thanh Hải Blog - Lại qua đi 1 tuần với nhiều sự kiện. Sẽ có rất nhiều điều đang chờ đợi chúng ta trong những ngày sắp tới. Chúc mọi người vui vẻ và bình yên cùng câu chuyện vui dưới đây nhé!. Vẫn là câu chuyện của Đinh Vũ Hoàng Nguyên, tuy riêng tư - mang chất xã hội nhưng vẫn có tính thời cuộc và dĩ nhiên, cả những gì mà xã hội đang rất quan tâm.
------------------------------------

SỬ GIA:

Thời Xuân Thu. Thôi Trữ sau khi giết vua Tề, ra lệnh cho Thái sử Bá phải ghi vào sử: “Tề Trang Công bị bạo bệnh mà chết”. Bá ghi: “Năm Ất Hợi, tháng Năm, Thôi Trữ giết vua”. Thôi Trữ nổi giận lôi Bá ra chém. Bá có 3 người em cũng là sử quan. Hai người noi gương anh đều bị chém. Người em út vẫn điềm nhiên viết: “Năm Ất Hợi, tháng Năm, Thôi Trữ giết vua”. Trữ quát: “3 anh ngươi đều đã bị chém, ngươi không sợ sao?”. Người này nói: “Việc của quan thái sử là ghi lại sự thật. Nếu xuyên tạc, thà bị chết chém còn hơn!”.

Sở dĩ kể lại câu chuyện thời Xuân Thu, bởi cách đây vài năm y bắt đầu viết Y VÀ NHỮNG GÃ (là tập hợp những bài viết của y về bạn bè), một dạo đăng ở Blog laothayboigia. Có thằng đọc xong những bài viết này rồi bảo: “Bọn mình hóa giờ có thằng chép sử!”. Thành thật. Ycũng thấy vui và vênh với cái danh hiệu sử gia, cho dù chỉ là sử gia của một “bọn”.

Cái nghề làm sử vốn dễ chuốc oán!.

Vợ Sỹ Phò (nhân vật trong nhiều bài viết của y), khi đọc cuốn “sử” này, liền chỉ mặt chồng: “Sống như cái loại ông ngày xưa thì đừng bao giờ mở mồm “con hư tại mẹ” nữa nhé!”. Không cãi được, giữa đêm Sỹ Phò gọi điện cho y, chửi.

Vợ Nam Gìa đẻ đứa thứ 3. Lại vẫn là gái. Biết Nam Gìa buồn, y mới viết bài an ủi lão, rằng: “Đẻ được 3 trai thì đương nhiên là sang, nhưng đẻ con gái cũng có ba bẩy đường. Như vợ anh Nam là nữ nhi hào kiệt, đái vượt ngọn dừa thì chắc hẳn con gái đẻ ra cũng anh hùng lắm lắm!”. Một bữa y xuống nhà Nam Gìa nhậu, nhìn mặt vợ lão hằm hằm, làm y cứ phải trông chừng bát, vì lo thị ngầm bỏ... thuốc chuột.

Năm kia y viết "Hiệp hội sản xuất bàn là" kể về nỗi đau của 1 nhóm sinh con toàn bướm. Thế rồi lần thuê tàu ra biển chơi, 7 thằng có tên trong Hiệp hội này hè nhau ném y xuống biển.

Những lời chửi rủa, những hiểm nguy rình rập tính mạng... từ hồi Y VÀ NHỮNG GÃ ra đời đến giờ không thiếu. Dẫu biết việc biên sử dễ chuốc oán, nhưng đã trót mang nghiệp vào thân thì không thể thẹn với lòng. Còn hay dở ra sao, xin để người đời phán xét.

CHUYỆN NHÀ HỌ BÙI

Một dạo y muốn ký họa thuyền, nên hay đi theo xe thằng Phỉ từ Hà Nội về Quảng Ninh rồi xuống cảng (thằng Phỉ người Quảng Ninh, làm ở công ty xuất nhập khẩu ngành than). Họ Bùi là bạn nối khố của thằng Phỉ, nhờ thế y với gã từ quen, rồi thành thân nhau.

Họ Bùi là bác sỹ ở một Bệnh viện Đa khoa ở Uông Bí. Thời còn sinh viên trường Y Thái Bình, họ Bùi say nghề lắm. Những giờ nghiên cứu xác nhúng formon trên lớp không thỏa mãn được lòng ham hiểu, nên gã tìm cách nghiên cứu trên... cơ thể sống, đối tượng được chọn là... cô hàng xóm. Cảm mến "y đức và y thuật" của họ Bùi, cô này đi đến một quyết định vô cùng cao cả, là tình nguyện hiến xác cho Y học: Bằng cách cưới gã. Năm ấy họ Bùi 21 tuổi, chưa ra trường.

Cưới vợ xong ba tháng rưỡi, họ Bùi lên chức bố.

2 năm sau, vợ họ Bùi đẻ đứa thứ 2, sinh đúng ngày chồng ra trường. So với bạn bè đồng khóa, công cuộc "nghiên cứu y học" của họ Bùi thật sớm có thành tựu!.

Tuy đã có gia đình, nhưng Họ Bùi vẫn là giống ham chơi, ham bù khú, nên khó tránh khỏi vợ hay cằn nhằn. Đôi khi một vài bạn thân thiết của họ Bùi đến nhà gã chơi, vợ gã liền ca thán về thói vô tâm của chồng. Những kẻ này ngay lập tức tát nước theo mưa, vừa phân tích vừa xỉ vả họ Bùi. Nhưng khi thị đi khuất, cũng những kẻ ấy với họ Bùi thầm thì, đại để như: “Tao đợi ngoài quán Hồng Xồn trước nhé!” hay “Chiều làm tí chó đê…” vv…

Vợ họ Bùi mắng chồng: “Anh chơi với bạn bè toàn người tốt, sao chẳng tốt lây tí cho vợ con nhờ!”. Lúc nói những lời này, thị rất thật thà tin vào điều mình nói.

Một lần y và và thằng Phỉ đi Hạ Long. Khi về, qua Uông Bí, dừng lại ăn sáng, muốn rủ họ Bùi làm vài chén rượu. Y là người ở xa, vợ họ Bùi chưa biết mặt, nên thằng Phỉ đùn y vào gọi.

Bữa lòng lợn tiết canh từ 8 giờ sáng tới 4 giờ chiều, thì tan. Họ Bùi đang dở vui, liền nhẩy theo xe thằng Phỉ về Hà Nội chơi. Hôm đấy là thứ Bảy.

Thứ Tư tuần sau họ Bùi về nhà. Gặp vợ, họ Bùi liền chìa bó hoa tặng. Vợ họ Bùi bảo: "Anh cắm lên bàn thờ ý, em vừa thắp hương anh xong!".

Với ấn tượng ban đầu như vậy thì cũng chẳng trách được, nếu trong mắt vợ họ Bùi, người như y khó có thể là thành phần tử tế!.

Bệnh viện nơi họ Bùi làm cử họ Bùi đi học lớp Nâng cao về châm cứu ở trường cũ, khóa dành cho Bác sỹ đang công tác ở các tỉnh. Gã xuống Thái Bình 3 tháng.

Hồi họ Bùi ở nhà, y và gã thỉnh thoảng cũng chát chít vài câu, chủ yếu là chửi nhau, cho đỡ nhạt mồm nhạt miệng. Từ khi họ Bùi đi "tu nghiệp", điều kiện lên mạng khó khăn, nên nick của gã chẳng bao giờ sáng.

Một lần đang ngồi máy tính, y chợt thấy hiện nick họ Bùi. Theo thói quen, y gõ:

- “Tiên sư mày"; - “Ở nhà hay trường thế?”.

Yên lặng một lúc, rồi nick họ Bùi trả lời: - “Ở nhà”.

Y gõ: “Về nộp thuế thân cho vợ à?"; - “Mai rỗi không. Lên Hà Nội đi. Tao giới thiệu cho em Trà My".

 Từ nick họ Bùi: “Tra My nao?”.

Y gõ: “Xinh, cao, trắng"; “Ngon lắm"; “Thèm chưa?”.

Kì thật Y cũng chẳng biết Trà My nào, chẳng qua là dân gian có câu: “Khi xưa gọi Mận gọi Cà , Em lên thành phố em là Trà My” thì tiện mồm ghi. Nói cho cùng, thằng nào thân nhau mà chả tán nhảm về gái!.

Nick họ Bùi lặng ngắt. Y ngừng chat, cũng chẳng mấy quan tâm.

Một lát, bỗng từ nick họ Bùi: “Em là Hằng*; vợ anh Dương *; vừa nãy con em vào nick bố nó, thì được gặp anh; mẹ con em cảm ơn anh nhiều, vì nhờ anh giúp đỡ, mà chồng em sắp có người yêu”.

Sau lần đó, vợ họ Bùi nói với thằng Phỉ: “Cái bữa chồng em đi ăn sáng 5 ngày cùng lão Nguyên, em đã ngờ ngợ lão này khó là người tử tế!. Hôm vừa rồi con bé lớn nhà em biết mật khẩu nick của bố, vừa mở, thì gặp lão Nguyên. Em cũng ngồi đấy, thấy lão ấy giới thiệu gái cho nhà em. Sao có thứ người đểu thế!”.

Như đã kể, họ Bùi khi ra Trường về công tác ở Bệnh viện Uông Bí. 2 năm sau vào Đảng. Thêm vài năm nữa, được đề bạt làm Phó Trưởng Khoa Đông y. Làm khoa này tuy lộc lá không nhiều, nhưng được cái lành, châm cứu thì ít lo bệnh nhân đột tử. Đường công danh của họ Bùi như thế cũng là sáng sủa. Vợ họ Bùi làm Kế toán trong một Cty ngành Than. Thị là mẫu phụ nữ đảm đang, hiền thục, họ tộc không điều chê trách. Hai vợ chồng xây căn nhà khang trang.

Nhưng trong lòng họ Bùi ôm nỗi buồn mênh mang do sinh con một bề, toàn gái. Nhà gã ở chân cầu Sến, người đời gọi gã: "Giám đốc Công ty Girl – cau – sen". Cũng vì “Cầu Sến” khi đọc “cau sen” là những món trong mâm ăn hỏi, ám chỉ cái số họ Bùi chỉ làm... bố vợ.

Hôm khánh thành nhà mới, vợ chồng họ Bùi tổ chức to. Bạn bè gần xa về dự đông. Trong lúc họ Bùi tíu tít nhận quà, không hiểu kẻ nào ngầm nhét vào túi áo gã mẩu giấy, mở ra thì thấy câu đối:

Vợ đẹp con khôn “này” ba lỗ

Nhà cao cửa rộng “nọ” một cây

Họ Bùi rất ức!.

Thằng Phỉ đẻ 2 con giai. Lúc vào mâm, rượu ngà ngà, thằng Phỉ bảo: "Tôi đẻ 2 thằng cu đều nghịch, sống dẫu khổ, nhưng được cái chết sướng, vì có 2 thằng nó cúng. Khi nào ông mất nhớ chôn gần tôi. Giỗ chạp tôi còn mời ông sang làm miếng thịt hớp rượu. Chứ trông vào mấy thằng rể như ông, hồn suy dinh dưỡng lắm".

Y cũng ngồi mâm đấy, mới góp chuyện: "Hớp rượu thì bọn con rể ông cũng có thể mời, nhưng dễ là thứ rượu đã lọc qua thận chúng nó!". Mặt họ Bùi tím bầm, nói: "Vợ này đéo biết đẻ thì kiếm vợ khác đẻ! Đời còn dài. Rồi xem, lúc tao với chúng mày lôi chim con ra đọ, chưa biết chim con thằng nào to!".

Vợ họ Bùi dắt con đi ngang, nựng: "Be bẻ bè be...! Be ngoan! Bố bảo là Be sắp có em chim to, sắp có Dì!". Mắt thị nảy lửa.

Y - Bản chất chẳng ác chẳng đểu, nhưng trớ trêu, cái mặt y hình như có gì đó bất thường, dễ làm người ta ngờ. Trong mấy chục khách dự tân gia, chả hiểu sao vợ họ Bùi lại nhặt đúng tên y, để gán cho tội là tác giả câu đối. Thị bảo với chồng: “Ban đầu em nghi cả lão Phỉ, nhưng lão Phỉ ngoài câu “Trên đường Quốc lộ số hai/ Thể nào cũng có một vài ô tô”, thì cả đời có biết đối đỏm gì đâu. Mẩu giấy này chắc chắn lão Nguyên viết!”.

Y hăm hở thề với họ Bùi: “Thằng Nguyên mà nỡ xỉ nhục thằng Dương thế thì thằng Nguyên làm con chó!”. Họ Bùi mặt ngờ ngợ, chửi: “Tiên sư mày! Thề bồi thế khác gì chửi tao!”.

VĨ THANH

Câu chuyện trên là trích đoạn viết về họ Bùi trong Y VÀ NHỮNG GÃ.

Một hôm gặp y, họ Bùi bảo:

- Cái "sử" của mày kích động vợ tao phản động!.

Chả là vợ họ Bùi đọc truyện này trên Blog laothayboigia. Trái với mọi e ngại của y. Thị cười rúc rích. Thị khoái. Thị bảo: "Cái ông Nguyên này thực ra cũng tốt, chỉ tội mồm hơi điêu!".

Thế rồi vài bữa sau, thị bàn với chồng: "Em tính rồi, cuối năm nay vợ chồng mình đẻ thêm đứa nữa. Anh lo mà ăn uống kiêng cữ, bỏ bớt rượu chè. Nhà phải có cái chim cho bằng bạn bằng bè!".

Họ Bùi năm ấy 37  tuổi, đã bắt đầu ngại việc thay tã cho trẻ con. Lại không phải lúc có men, nên hào khí nam nhi xẹp lép. Nghe vợ nói thế họ Bùi thoái: Nào mình làm ngành Y; nào mình là Phó Trưởng khoa, lại Đảng viên; đẻ đứa thứ ba sợ bị phê bình...vv.

Vợ họ Bùi gắt: "Đảng với chả điếc! Anh hèn lắm! Đảng cũng không bằng chim!".

Nguồn: Đinh Vũ Hoàng Nguyên (Blog Laothayboigia)
--------------------------------------
* Hằng, Dương là tên vợ chồng họ Bùi.

CÔNG TÁC ĐẢNG

Đinh Vũ Hoàng Nguyên: Mình có quen một cậu là Đảng viên, nhà ở một huyện thuộc Hà Tây (cũ). Có lần, mình vô tình nghe nó, với thằng bạn là lái xe đường dài nói chuyện. Thằng bạn hỏi:

- Thế ông đợt này ở nhà làm gì?.

- Thì vẫn Công tác Đảng thôi!.

- Chết!. Phải kiếm việc gì mà làm. Chứ vô công rồi nghề thế thì chết!..

15 PHÚT XEM CSGT HÀ NỘI NHẬN "MÃI LỘ" TRÊN QL18, SÓC SƠN


Mai Thanh Hải Blog - Băng Video Clip ghi lại việc CSGT Hà Nội nhận "mãi lộ" trên QL18, đoạn qua địa bàn huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội, ngày 31/5/2011, do bạn đọc Mai Nhi chuyển tới Mai Thanh Hải Blog. Do dung lượng đoạn băng quá lớn, nên tôi đã hướng dẫn bạn Mai Nhi tải lên Youtube và cắt cúp 1 số cảnh quay khác, để đảm bảo việc chia sẻ với bạn đọc.

Trân trọng cảm ơn bạn đọc Mai Nhi đã cung cấp hình ảnh, tư liệu.

THƯ CỦA NHÀ THƠ ĐỖ TRUNG QUÂN GỬI NHỮNG BẠN TRẺ XUỐNG ĐƯỜNG PHẢN ĐỐI XÂM LƯỢC

Những bạn trẻ xuống đường yêu nước
Đỗ Trung Quân: Tôi luôn được An ninh nhắc nhở hãy khuyên can các bạn đừng xuống đường.
Câu trả lời của tôi là “Không thể!". 
Làm sao tôi, với tư cách 1 người lớn tuổi hơn, lại làm điều ấy, khi các bạn bày tỏ lòng yêu nước của mình ôn hòa, không manh động. Cản trở các bạn, vậy tôi là ai?..

Khi viết huyết thư, cùng hàng ngàn người khác đòi ra mặt trận đánh bọn PolPot tràn sang giết đồng bào mình, năm 1978, tôi cũng trạc bằng tuổi các bạn bây giờ. Nay thì trước họa nghìn đời: Trung Nam Hải bá quyền gây hấn đe dọa chủ quyền đất nước. Các bạn cũng thế thôi.
Tàu cá Việt Nam bị "tàu lạ" đâm chìm

3 năm trước một ông Hiệu trưởng Đại học tại Sài Gòn nói như ra lịnh: “Ở đây, ai không phải sinh viên thì ra về!”. Câu trả lời từ một người áo rách, nón sờn: “Thế tôi đạp xích lô thì không yêu nước được à?“. Anh xích  lô trẻ tuổi ấy chắc chắn không bao giờ là người nhảy vào hôi của của một người bị cướp giựt bất thành, khi tiền rơi vãi đầy đường ngày 17/6 vừa qua. Nạn nhân bị “ cướp” đến hai lần bởi thói tham lam, sự vô cảm của chính đồng bào mình. Buồn không!..

Nhưng thôi, hãy trở lại với chuyện  của ta.

Hãy nhớ đến những con tàu đánh cá rách nát nằm cô đơn trên bến của mình. Những con tàu không thể ra biển vì bị tàu Trung Quốc đâm, bắn. Những con tàu ấy còn may mắn trở về được dù không còn có thể ra biển. Biết bao tài sản khác của người ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu.

Những ngư dân Việt Nam, chính họ mới là người giữ biển hàng trăm năm nay. Chính họ hơn ai hết thuộc lòng từng cụm đảo chìm đảo nổi, từ những ngấn thủy triều, từng luồng cá. Sự có mặt của họ đã xác định chủ quyền biển đảo, lãnh hải của đất nước rồi. Nếu vì lẽ nào đó hoặc không còn phương tiện, hoặc bị đe dọa sinh mạng vì những kẻ luôn nhân danh “bạn tốt “, nếu họ không còn ra biển được phải nhường vùng biển sinh sống tự bao đời cho Trung Quốc thì chính chúng ta đang tự để mất dần lãnh hải chủ quyền thiết thực hàng ngày của chính mình.

Xuống đường chống Trung Quốc là chuyện phải phải làm. Nhưng cũng còn những điều thiết thực khác. Hãy chung tay giúp ngư dân mình bám biển. Ngư dân ra khơi được nghĩa là cơm áo vốn đã cơ cực vẫn còn. Nghĩa là bằng cách khác cũng khẳng định biển đảo, chủ quyền của mình còn.

Hãy chú ý đến chương trình này: Xây dựng Chương trình Cùng ngư dân bám biển (SGTT).

Nguồn: Anh Ba Sàm

"DÌM TRONG BIỂN MÁU"...

Đinh Vũ Hoàng Nguyên: Ở nhà, mình đại diện cho lực lượng tiến bộ. Vợ mình, đương nhiên thuộc phe chuyên chế độc tài.

Mượn khí thế hừng hực cuộc biểu tình ngày mùng 5/6, mình liền hô:

- Đả đảo phe chuyên chế độc tài, bắt lực lượng tiến bộ rửa bát. Đả đảo!..

Cuộc đấu tranh của mình bị dìm trong biển máu...

THƯ CỦA "EM VIỆT" GỬI CHO "ANH TRUNG"...

Mai Thanh Hải Blog - Một bài viết tạm gọi là "Bức thư của ông em gửi ông anh". Ngôn ngữ, cách dùng từ bình dân và... hơi bậy bạ tý. Nhưng tinh thần thì rất... gan ruột, dũng cảm.
 Bài viết đăng trên Blog phot_phet và Mai Thanh Hải Blog tôn trọng quyền tác giả.
-------------------------------------------------------
THƯ GỬI ANH TRUNG 

Anh Trung ạ!.

 Sau khi cắm mốc chia đất xong xuôi, em thở phào "Thế là xong được một việc, dù có chịu tí thiệt thòi nhưng dù sao cũng đã xong cái vụ lằng nhằng này. Giờ anh tuy có to xác thật đấy, nhưng anh hết trò nhổ mốc lấn đất nhé!".

Xong rồi, giờ sang chuyện giải quyết chuyện... cái ao. Trước nay, vì anh to như... con tịnh, nên em nhịn để cho êm xong xuôi vụ đất cát. Giờ đất cát xong rồi, "sổ đỏ" đâu vào đấy rồi, anh định lè cái lưỡi bò bẩn của anh liếm nốt cái ao thì em thật, thế là đéo được đâu, một vừa hai phải thôi chứ anh, tham gì tham quá thể vậy?.

Cho nên là vụ 2007, lần cuối em nhịn nhục muối mặt với đám con cháu dại dột, nhao lên phản đối anh cái chuyện anh tuyên bố láo lếu "cái ao" là của anh tất. Lúc đấy "khổ nhục kế", em tóm đại một vài thằng làm trò, đét cho mấy roi vào mông đít cốt cho cho anh vui lòng, để anh em mình còn làm cho xong cái "sổ đỏ". Nay "sổ đỏ" xong rồi thì em kệ mịa, anh động vào "cái ao" là em bù lu bù loa, bật đèn xanh cho chúng nó đào mả bố anh lên đấy. Em đéo đùa đâu!.

Em thật! Anh em mình thì nói chung đéo vấn đề. Nhưng bọn con cháu em, chúng nó quẫn quá rồi. Anh mà làm quá thì nó bật nốt cả em. Chúng nó bảo nhau: "Bố mình mà hèn nữa, thì cho bố hưu non. Chúng mình cho bố vào... Viện Dưỡng lão luôn!". Đành rằng anh em mình "môi hở răng lạnh", sau mấy vụ đất cát bán chác này nọ cũng rủng rỉnh túi, con cái cũng du học đâu vào đấy cả rồi. Nhưng bọn cháu chắt thì chúng nó đang kêu giời, vì giá cả leo thang lạm phát lạm phiếc, đau hết cả đầu, em chưa biết phải làm sao. May quá, anh lại giở trò đúng lúc này, thì em thật, anh to xác thật đấy, thâm thật đấy, nhưng quả này anh định chơi em thì anh hơi bị ngu. "Chó cắn áo rách" là chó ngu chứ còn gì!.

May quá, giờ chúng nó có chỗ để xả xì troét rồi. Mấy tờ lá cải mõ làng vừa la làng lên phát. Anh thấy đấy. Bọn trí thức nửa mùa, phây búc phây biếc, hoắng hết cả lên đòi giết chết hơn tỉ thằng nhà anh ngay. Vua thua thằng liều, nhất là dạng Chí Phèo vô sản như mấy thằng cháu chắt nhà em, chó cùng dứt dậu nó húng lắm. Con sâu xéo mãi cũng quằn, anh công nhận không?.

Mà đéo biết bên nhà anh thế nào. Chứ nhà em thì phây búc phây biếc vẫn vô tư anh ạ. Cấm thế đéo. Anh có muốn bị chơi 1 quả như thằng Mubarack hay thằng Gadhafi, thì cứ bảo em một câu. Em đảm bảo.

Ờ thì "cái ao" cứ cho là của anh. Nhưng dậy... sóng thần. Đèo mẹ!. Em bật đèn xanh cho chúng nó tương gạch vỡ vào, thì đến váng bèo anh cũng đéo có mà húp. Đừng nói chuyện "móc bùn" mới cả "thả thuyền giấy" nổi - chìm anh nhé!. Gần trăm triệu thằng nhà em ít đâu. Mỗi thằng nửa viên gạch vỡ, thì lấp mẹ ao luôn!. Thế cho nhanh!.

Cho nên là anh cứ suy nghĩ đi. Anh đang làm ăn ngon lành thì cứ tập trung mà kiếm tiền đi. Chứ bây giờ đánh nhau, chưa biết thằng nào ăn được thằng nào. Trừ phi anh chơi hết gần trăm triệu thằng nhà em và mấy tỉ thằng còn lại trên quả đất này. Anh định làm thằng Hitler thứ 2 hả anh?. Ờ thì cứ cho là anh "thịt" được em thật. Nhưng để "thịt" được, thì chuyện làm ăn của anh cũng coi như tiêu luôn. Anh nhớ nhé!. Đau đầu phết đấy anh!.

Cứ cho là em yếu. Cứ cho là em nhịn nhục giỏi. Em chỉ muốn được yên thân. Mấy lần anh có mang súng... hoa cải, ra bắn mấy thằng quăng chài ở ao, em cũng dắm mắt cho qua. Nhưng anh bẻ cần cắt cước của mấy thằng thuyền thúng dò ổ câu cá kiếm cơm ngay bờ ao sát đất của em, thì một lần nữa em thật, đéo được đâu. Thằng ấy là anh cả, nó đang đi kiếm cơm cho em đấy anh.

Nhân đây em cũng thông báo với anh tin buồn là thằng thứ Vinashin nhà em nó tèo rồi. Cả nhà giờ trông đợi vào mấy con mè ranh thằng cả giăng câu thôi. Anh làm thế!. Đèo mẹ!. Bọn buôn cá chúng nó sợ, chúng nó té hết, cá em ươn thì cả nhà em chết đói à?. Anh đã thấy anh vừa tham vừa ngu chưa anh?.

Cho nên anh ạ!. Đêm nay, anh cứ nằm vắt tay lên trán mà suy nghĩ cho kỹ, rồi từ từ anh em mình nói chuyện phải quấy. Rồi có gì em sẽ dạy dỗ, bảo ban mấy thằng ku nhà em, nó thôi chửi bới lồng lộn rồng lộn lên đòi chiến!. Chứ em thật!. Súng hoa cải thì em không có, chứ phóng lợn thì nhà em lúc nào cũng sẵn anh ạ!. Chúng nó mà hô hào tru tréo phây búc phát nữa, thì ngay cả em cũng đéo đỡ được cho anh đâu!. Em thật!.

Vài lời tâm sự, có gì không phải anh bỏ quá cho!.

Thằng em khờ dại bé bỏng của anh!

Em Việt!...

(Bạn đọc cung cấp bài viết của Đặng Thiều Quang Blog. Click vào đường dẫn nhưng không đọc được. Mọi người kiểm tra giúp nhé!. Thành thật xin lỗi tác giả vì mình copy lại từ Phot_phet Blog).

17 tháng 6, 2011

KHÔNG THỂ BỊT MIỆNG 1 DÂN TỘC

Yên Bái:

Đây là điều nhắc nhở ta rằng
Không thể bịt miệng một dân tộc
Mà người ta không thể khuất phục
Bằng lưỡi kiếm của đao phủ.


(Luis Aragon Aragon viết tháng 6-1930 trên Báo Công đoàn Paris về khởi nghĩa Yên Bái).

BỨC TRANH HƠI BỊ... ĐỘC


Mai Thanh Hải Blog - Phần chú thích xin dành cho bạn đọc. Chỉ xin lưu ý, tuần tới đây, Dàn khoan khổng lồ 981 (CNOOC 981) của Trung Quốc sẽ được kéo ra Biển Đông để khoan thăm dò và đi kèm theo đó là lực lượng bảo vệ hùng hậu, không chỉ Hải quân, không quân mà có cả những tàu đánh cá, Hải tuần, Hải giám... Liệu, chủ quyền lãnh thổ trên biển của ta sẽ ra sao?.

31 "ĐỒNG CHÍ NGHIỆN HÚT" VÀ 16 "THẰNG..."

Ăn thịt chó ở Vĩnh Phúc và nghe chuyện địa phương
Đinh Vũ Hoàng Nguyên: Mình đi ăn thịt chó ở Vĩnh Phúc. Trong mâm có Phó Chủ tịch UBND xã, tuổi khoảng ngoài bốn mươi. Rượu ngon, thịt chó ngon. 


Nhân câu chuyện về tình hình an ninh - trật tự ở địa phương, Phó Chủ tịch xã nói:


- Báo cáo các bác! Số nghiện hút phát hiện được ở địa phương bọn em là 31 đồng chí. Còn Đảng viên Chi bộ bọn em có... 16 thằng!..


Chuyện thật 100%. Thằng Nguyên mà nói điêu thì làm con chó!.

16 tháng 6, 2011

CHÚNG TÔI KHÔNG NGÂY THƠ

Ngày hôm nay, suốt hơn bốn tiếng đồng hồ biểu tình và một tuần trước đó, chúng tôi đã nhận được nhiều lời khuyên răn, nhắc nhở. Có lẽ phải viết cái note này gửi tặng quý vị.
 Trước ngày biểu tình, trên nhiều diễn đàn, FB của các cá nhân đã có nhiều người khuyên răn không nên biểu tình. Họ cho rằng đó là lời xúi giục của Việt Tân. Dạ xin thưa, ở xứ này, hiếm hoi lắm trên báo chí mới thấy từ “Việt Tân”, còn từ “tàu lạ” thì xuất hiện liên tục. Và chúng tôi xuống đường vì chúng tôi không chấp nhận hành vi xâm lược của Trung Quốc, chủ nhân của những “tàu lạ” đó. Nhiều anh chị cũng cho rằng chúng tôi bị bọn xấu lợi dụng, kích động. Cảm ơn anh chị đã lo cho chúng tôi. Chắc anh chị nghĩ chúng tôi dễ bị nhồi sọ quá. Mà anh chị cũng quên rằng ngoài cái đầu, chúng tôi còn có trái tim, biết xót xa khi nhân dân mình bị bắn chết ngoài biển Đông. Chúng tôi không thể để trái tim mình nguội lạnh bằng cách ngày ngày cầu nguyện: “tiền, chứng khoán, xe hơi, nhà lầu, túi xách, giày dép”.

 Khi chúng tôi xuống đường, mấy chị của hội liên hiệp phụ nữ liên tục khuyên răn. “Chuyện đó của nhà nước lo. Mấy em về đi. Biểu tình thì phải do nhà nước tổ chức chứ!” Dạ thưa các chị, cái Thành Đoàn nằm chành ành bên Phạm Ngọc Thạch, nhà Văn hóa Thanh niên cũng nằm kế đó, cách lãnh sự quán Trung Quốc có vài chục bước chân thôi ạ. Bao nhiêu năm qua, đã có lần nào Thành Đoàn tổ chức cho chúng tôi một cuộc biểu tình chưa? Nếu có chăng là treo cờ sau xe, cùng Đàm Vĩnh Hưng làm từ thiện, uống trà xanh không độ thôi. Kiểu biểu tình ấy, chúng tôi xin nhường cho Thành Đoàn. Chúng tôi làm phận sự một công dân, khi thấy kẻ thù xâm lược, chúng tôi phải lên tiếng. Chúng tôi có nhảy qua Singapore làm thay việc của tướng Vĩnh đâu mà quý vị phải lo. Khuyên răn không được thì các chị chuyển sang điều tra coi ai là kẻ cầm đầu cuộc biểu tình này. Với suy nghĩ các chị, hành vi biểu tình vô vụ lợi, nhiều nguy cơ như chúng tôi hẳn phải có lợi lộc gì đó mới đi, hoặc có kẻ nào xúi giục xúi dại thì mới vác xác ra đường. Hồi nào tới giờ, tôi nghĩ các chị bị tẩy não, ai dè các chị còn bị thay máu nữa.
Trên FB của tôi, có bạn khá giàu có, lấy chồng tây, đi xe hơi, ăn cheese cake, uống rượu vang lên than vãn. Biểu tình đã khiến các bạn ấy không đi spa được, không tập gym được, kẹt xe, biểu tình làm ảnh hưởng đến các bạn. Dù bạn nói đùa hay nói thật, tôi cũng thấy shock. Và tôi hiểu ra, với các bạn, ông chồng ngon, cái xe lành, nhà penthouse và rượu vang chất chồng thì cũng khó để các bạn từ bỏ mà xuống đường biểu tình. Và bởi chưng, các bạn tự thấy mình không liên quan gì đến hành vi xâm lược Trung Quốc, ngư trường đánh bắt của ngư dân. Nếu ngày mai Trung Quốc không ở biển Đông nữa mà tràn vô Sài Gòn, các bạn cũng vẫn ấm thân. Các bạn có thể đi Mỹ do gia đình bảo lãnh, đi Châu Âu theo chồng con và tiếp tục cuộc đời cheese cake, rượu vang, gym, massage, spa, chồng tây. Các bạn quên rằng các bạn vẫn ăn cá, ăn nước mắm. Con các bạn ăn cơm ở Việt Nam. Ai trồng lúa, ai bắt cá, ai làm nước mắm cho bạn và con bạn ăn vậy?
 Người được “khinh bỉ” nhất trước khi biểu tình có lẽ là Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp. Với công văn cấm sinh viên đi biểu tình, nổi nhục này của ông Hiệu trưởng không biết bao giờ mới rửa nổi. Nhưng không sao, ông không lẻ loi. Ở cuộc biểu tình hôm nay, cùng đứng bên ông còn có giảng viên trường ĐH KHXH và NV, cùng vị tướng Hải quân nữa. Những người đáng tuổi cha chú của chúng tôi đứng đó, lặp lại những điều bà Phương Nga đã nói (có khi bà Phương Nga cũng lặp lại của ai đó, tôi đoán vậy). Thưa các thầy, chúng tôi nghe đủ rồi. Các thầy cứ nói, cứ thuyết, rồi được gì? Các thầy sẽ lên chức ư? Hay được khen đã có công giải tán biểu tình? Các thầy ạ, các thầy già rồi, thế cũng đủ cho một đời danh vọng rồi. Tôi không biết ngày đầu tiên cắp sách đi dạy, các thầy đã hứa với lòng mình điều gì? Đào tạo một thế hệ tài đức hay đào tạo một thế hệ hèn nhát? Thầy muốn chúng tôi học Đại học xong, ôm đống kiến thức cũ mèm đó đi làm mướn và cắm cúi làm mướn trọn đời, đừng ngước mặt lên, đừng nhìn xung quanh mình làm gì. Nếu Trung Quốc đến cảng Sài Gòn, chắc thầy vẫn còn ra rả khuyên chúng tôi về đi, họ mới ở cảng Sài Gòn, đã vào Dinh Độc Lập đâu mà sợ. Giờ thì tôi sợ thầy rồi đó!
Sáng nay khi chúng tôi xuống đường, những người từng tham gia biểu tình năm 2007 hoặc bị mời đi uống trà, hoặc bị canh gác. Họ còn phá sóng điện thoại tại khu vực biểu tình. Tôi nghĩ họ sai rồi. Tình yêu nước không truyền qua đường truyền internet hay điện thoại di động. Nó ăn trong máu chúng tôi rồi, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dù nhạc sĩ Tuấn Khanh, nhà thơ Trần Tiến Dũng, nhà thơ Bùi Chát có bị đuổi ra khỏi Sài Gòn, chúng tôi vẫn xuống đường. Chúng tôi xuống đường vì ông nội tôi từng là cảm tử quân, giờ chỉ có mộ gió. Chúng tôi xuống đường vì xung quanh chúng tôi, ai cũng có cha, chú, ông, bà đổ xương máu cho đất nước này. Chúng tôi xuống đường vì chúng tôi không chấp nhận hành vi ngang ngược của chính phủ Trung Quốc. Cách hành xử hàm hồ của họ có thể thành công ở Trung Quốc nhưng nó chắc chắn bị phản đối ở Việt Nam. Tôi thật nể phục một anh trung niên người miền Trung khi anh ta đặt câu hỏi cho những anh công an: “Nếu chiến tranh xảy ra, ai sẽ là người cầm súng đánh kẻ thù? Chúng tôi hay các anh? Để bảo vệ ai? Bảo vệ con tôi, và con của các anh nữa!”
 Cuộc biểu tình sáng nay tan từ trưa cũng nhờ vào phần lớn công lao chia rẽ nội bộ của mấy anh chị Thành Đoàn. Có thể nói dù không lãnh đạo thanh niên đi biểu tình nhưng Thành Đoàn rất xuất sắc trong việc dẫn dắt anh em ra về. Viết đến đây, tôi thấy rùng mình khi nghĩ về một cái vòng lẩn quẩn. Một sinh viên sau khi ra trường, hoặc làm cho Thành Đoàn rồi leo lên chức Bí thư Đoàn và mang theo đống tư duy ấy. Già rồi thì chắc lại ra thuyết phục thanh niên như bác tướng Hải Quân kia. Hoặc là tốt nghiệp xong rồi được giữ lại trường, lại thành ông giảng viên trường Nhân văn hoặc ông Hiệu trưởng trường Công nghiệp.
 Ối giời, thế thì tôi còn mong chờ gì ở quý vị nữa!
Đăng lại từ Bọ Lập (Theo blog Đông Ngàn).

MY ENGLISH

Đinh Vũ Hoàng Nguyên- Cách đây vài năm, có lần mình chat với một em. Trong câu chuyện em nói: “Maybe”. Mình hỏi: “Maybe là gì?”. Em nói mình giả vờ. Mình bảo mình không hề giả vờ. Em không tin, vì cho rằng: Người có dốt tiếng Anh đến mấy, thì những từ thông thường thế cũng không thể không biết... Mình đành phải thề: "Thằng Nguyên nói điêu thì làm con chó". Em này vẫn có vẻ không hẳn tin.

Rồi mình lấy vợ. Vợ mình làm Nghiên cứu sinh ở Mỹ. Sống bên đấy 5-6 năm. Việc đầu tiên sau khi lấy mình là vợ bắt mình học tiếng Anh. Do vợ dạy.

Gần đây, có thằng bạn thân của vợ là David từ Mỹ sang chơi vài tuần. Nhà mình đang thừa 1 buồng. Thằng David ở đấy. Hôm nó mới sang, mình viết status: “Nhà mình vừa nuôi một thằng David. Thằng này học cùng vợ mình ở Michigan. Thằng David rất dốt tiếng Anh. Vì mình nói tiếng Anh, nó đéo hiểu!”.

Thằng David cao to, đầu trọc lốc, lại thích bia, giống mình. Cứ buổi chiều nào nó ở Hà Nội là mình với nó nhậu. Ban đầu 2 thằng còn ngồi nhà uống bia lon - bia chai. Vài buổi sau, mình lôi nó đi bia hơi, bia cỏ lung tung xòe… (tất nhiên là không bia ôm). Vợ mình mua cho mỗi đứa một quyển song ngữ. Đoạn nào nói được thì nói. Đoạn nào không nói được thì giở sách chỉ chữ. Riêng mình, có thêm giấy và bút chì để... bí nữa thì minh họa.

Mình với thằng này buôn đủ thứ chuyện. Từ chuyện nhậu nhẹt, chuyện thịt rắn thịt rết, chuyện đàn bà, chuyện nỗi khổ của thằng đàn ông bị vợ dạy dỗ, đánh đập…

Thằng David cũng lạ. Cứ bia vào là trình tiếng Anh lên ầm ầm. Sau dăm bữa như thế, mình nói gì nó cũng hiểu. Có lần qua hồ Trúc Bạch, mình chỉ chỗ John McCain bị bắn rơi. Nó chụm bàn tay, xòe ngón cái ngón út khoát một vòng, miệng kêu: "Èn èn èn èn!... Bùm!".

Tóm lại là đến hôm nó về nước, 2 thằng hiểu nhau hơi bị sâu.

Lúc chia tay. Mình ôm nó. Nó ôm mình. Thằng David bập bẹ tiếng Việt: “Tao sẽ nhớ mày! Địt mẹ!”.

Mình ngưỡng mộ mình quá!..

LỊCH SỬ KHÓ CÓ THỂ CHO TRUNG QUỐC TÁI DIỄN NHỮNG HÀNH VI PHI NHÂN TÍNH, MÀ KHÔNG PHẢI CHỊU CÁI GIÁ KHÔNG NHỎ.

Biên đội tàu chiến đấu của Hải quân VN ứng trực tại Trường Sa
Mai Thanh Hải Blog - Lo ngại về 1 cuộc xung đột vũ trang trên Biển Đông giữa Việt Nam - Trung Quốc, không phải bây giờ mới được đặt ra. Ngay giữa năm 2007, vấn đề này đã được dư luận đặc biệt quan tâm (nhưng không được bàn) và ít người đánh giá tình hình một cách nghiêm túc như Blog Lãng là  "Xu thế xung đột khu vực tại Biển Đông hiện nay, xác suất nổ ra xung đột trên biển là rất lớn, nhưng xác suất có một cuộc chiến tổng lực (chiến tranh trên đất liền + hải phận + không trung) lại là cực nhỏ. Một cuộc chiến tổng lực sẽ khiến tất cả các bên tham gia đều thua, nhưng ngược lại, với thế mạnh hiện nay, Tàu Khựa sẵn sàng tiến hành một vụ CQ-88 thứ hai, nếu Việt Nam vẫn chỉ có hàng rào người nắm tay trên đá ngầm chọi lại với hạm tầu tên lửa và đại bác của Tàu Khựa"...

Xin giới thiệu bài viết đăng trên Blog Lãng
------------------------------------------
Cáp thăm dò của tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc cắt đứt, 6/2011
Lời bác Lãng: Bài phân tích dưới đây Lãng anh viết đâu đó vào thời điểm giữa năm 2007. Nhiều điều đã thay đổi từ đó đến nay. Bối cảnh 2007, chính sách đối ngoại của Việt Nam vẫn hết sức ve vuốt Tàu Khựa. Đặc biệt, ở lĩnh vực kinh tế, các Tập đoàn Nhà nước Việt Nam (Tập đoàn Điện lực EVN, Tập đoàn Than - Khoáng sản TKV...) gần như được "bật đèn xanh", để cho Trung Quốc thắng thầu một lọat các dự án trọng điểm - điều mà ngay từ lúc đó anh Lãng đã cảnh báo: "Rồi sẽ dẫn tới cơn ác mộng lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc về sau này". Hiện nay Việt Nam đang nếm quả đắng từ các Nhà máy Nhiệt điện do Trung Quốc xây, liên tục phải bảo trì sửa chữa lớn vào mùa cao điểm, một số khác thì chậm tiến độ và Trung Quốc liên tục tăng giá bán điện thành phẩm theo từng năm...


Hiện nay, bối cảnh đã thay đổi nhiều, thế "bất lưỡng tập" đã bộc lộ rõ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hy vọng rằng, sự bừng tỉnh trong hệ thống chính trị cầm quyền hiện nay ở Việt Nam, khi vận mệnh dân tộc đang ở bờ vực sinh tồn, sẽ tạo thành một động lực thực sự để phát huy hết khả năng của người Việt, cả ở các mặt kinh tế, quân sự và truyền thống dân tộc.
----------------------------------------

Nhà giàn DK1 của Việt Nam trên Biển Đông
Thật ra xu thế lưỡng phân trong đối ngoại của Việt Nam vẫn rất rõ ràng. Một mặt thì những câu chuyện như Bô xít Tây Nguyên vẫn còn mang tính thời sự và sẽ vẫn là một câu chuyện dài. Mặt khác, những động thái mới về an ninh Biển Đông cũng đã cho thấy: "Không còn cửa lùi" cho Việt Nam, nếu không chuẩn bị.

Trung Quốc phô diễn lực lượng tại Thanh Đảo, công nhiên gây hấn với hạm tàu Hoa Kỳ, thậm chí phô bày ra một tham vọng phân đôi Thái Bình Dương với Mỹ. Song song với việc đó là các động thái tăng cường lực lượng trên Biển Đông và các chương trình khai thác thăm dò dầu khí đầy tham vọng, lên tới ngót 29 tỷ USD. Chiến lược biển của Trung Quốc đã phơi bày gần như toàn bộ, từ những tham vọng trong ngắn hạn, đến chiến lược về dài hạn.
Soái hạm Gepard 3.9 của Việt Nam được đặt tên Đinh Tiên Hoàng

Về vụ Bô xit, sau nhiều tham luận và nghe ngóng, phản ứng của Bộ Chính trị là nước đôi và cầm chừng. Nó cũng phản ánh một sự thận trọng, có lẽ là phù hợp đối với vấn đề nhạy cảm này. Mặt khác, sau vụ va chạm với Trung Quốc tại vùng biển gần đảo Hải Nam, Hoa Kỳ quyết định mạnh tay hơn trong sự hiện diện tại Biển Đông, "sự sốt sắng" của Hoa Kỳ cũng tiệm cận với sự lo lắng của Việt Nam.

Người ta ghi nhận trong tháng 4/2007, về việc lần đầu có một phái đoàn quân sự Việt Nam, viếng thăm một hạm tàu sân bay của Hoa Kỳ trên Biển Đông.

Trong 2 năm qua, các bước đi của Việt Nam là thận trọng và âm thầm, "nhưng phần nào đúng hướng". Sau khi Serbia mất biển, giới quân sự nhận thấy người Việt Nam âm thầm tìm kiếm việc mua lại hạm đội tàu ngầm của quốc gia này. Thương vụ bất thành, Hy Lạp trở thành người sở hữu với cái giá cao hơn, và cả sự chống phá khá lặng lẽ nhưng quyết liệt của Hoa Nam. Việt Nam quay về với đối tác truyền thống và bắt đầu thương thảo việc mua 6 hạm tàu ngầm lớp Kilo, có tính năng ưu việt trong phòng thủ tại vùng biển nông.
Khả năng tác chiến của Không quân Việt Nam
Sau sự phô diễn rầm rộ của Trung Quốc tại Thanh Đảo, một cách công khai, thông tin về vụ mua bán được Moskova chủ động tiết lộ với sự đồng thuận ngầm từ phía Việt Nam.
       
Thật ra Biển Đông chưa phải là một nơi đánh nhau, mà là một nơi... chia bạc. Các bên tham gia đều đang cố gắng vừa phô bày, vừa tìm cách dấu quân bài tẩy của mình. Trung Quốc nắm thế chủ động và đang tìm cách thiết lập luật chơi. Các nước nhỏ hơn thì tìm kiếm sự liên minh và cũng đồng thời củng cố thế lực.

Chiến tranh sẽ xảy ra ngay lập tức nếu một bên có đủ thứ trong tay và một bên rỗng túi. Saddam Hussein và địa ngục Iraq là một ví dụ sống động và cay đắng. Ngược lại, chuẩn bị cho chiến tranh lại là cách tốt nhất để tránh chiến tranh.
                     
Củng cố thế lực và tăng cường khả năng răn đe, tránh đánh nhau nhưng có thứ để đánh nhau. Việc "hiện đại hóa từ từ", nhưng không ngừng nghỉ các lực lượng không quân, hải quân của Việt Nam trong nhiều năm qua đã bám sát đường lối chỉ đạo này. Với các hạm tàu tên lửa tấn công, 2 tuần dương hạm lớp Gerparc khá tân tiến, nhiều phi đội chiến đấu cơ thế hệ 4+, đã tăng cường khá đáng kể khả năng trả đũa của Việt Nam trên Biển Đông.
Các trận địa tên lửa khu vực miền Bắc

Đặc biệt, với sự tăng cường chưa từng có bằng thương vụ sở hữu 6 tầu ngầm mang tên lửa tấn công với Nga lần này đã khiến sức răn đe của Việt Nam bước lên một tầng mức khó có thể xem thường.           

Điểm khiến giới chính trị và quân sự chú ý lần này, là giá trị của thương vụ vượt giá bình thường của 1 chiếc Kilo thông thường tới ngót 50-100 triệu USD, cho thấy Việt Nam tìm kiếm một Hạm đội tàu ngầm với đủ các thứ dự phòng, cho cuộc chiến dài ngày, nhằm sẵn sàng thực hiện một chiến lược chiến tranh cầm cự kiểu du kích trên Biển Đông và kéo mọi đối thủ vào một chiến lược chiến tranh, khiến người Việt Nam luôn thắng: "Chiến tranh sa lầy". Và lần đầu tiên trong lịch sử, chiến lược này được thực hiện trên biển.
Chiến hạm Molniya ở Trường Sa
Dù sao thì người Việt cũng nhìn nhận rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình. Khác với Trung Quốc, có thế lực khổng lồ nhưng phải phân tán trên nhiều mặt trận. Đài Loan vẫn còn đó, Nhật Bản không thể xem thường, Mỹ vẫn là một đối trọng khó có thể vượt qua, Ấn Độ với tham vọng cạnh tranh bá chủ Á Châu...

Tiềm lực quân đội Trung Hoa phải dàn trải trên một vùng biển rộng, trong khi đó, người Việt Nam chỉ có duy nhất Biển Đông, khiến lực lượng của họ tuy nhỏ hơn nhưng lại có khả năng tập trung cao độ.

Dù sao câu chuyện cay đắng năm 1988, khi một lớp người Việt Nam nắm tay thành vòng tròn trên bãi đá ngầm, nước ngập đến thắt lưng, máu hòa nước biển dưới làn đạn trọng liên Trung Quốc cũng đã là nỗi đau quá đủ. Lịch sử khó có thể cho Trung Quốc tái diễn lại những hành vi phi nhân tính, mà không phải chịu một cái giá không nhỏ. Với các lực lượng mới được tăng cường, chí ít Việt Nam có khả năng trả đũa một cách tương xứng với cái mà họ có thể phải nhận.

So sánh tương quan lực lượng, chênh lệch giữa Việt Nam với Trung Quốc hiện nay, nghiêng lệch hoàn toàn về Trung Quốc. Nhưng ngược thời gian lại một chút, như cách đây 30 năm, chênh lệch giữa North Army và USA Army là một trời một vực, Tàu Khựa bây giờ không là cái đinh.
SU-22 mới nâng cấp của Việt Nam mang tên lửa đối hạm

Cụ Giáp ngày xưa nói rất thẳng thắn: "Đánh nhau kiểu dàn trận chơi tất tay, Bắc Việt trắng tay chỉ trong 2 tiếng đồng hồ". Nhưng cái lực lượng ấy, đánh theo cách của nó, cù nhầy đến năm 1972, Mỹ chán đời, cay đắng và tháo lui, để lại đàn em cho Bắc Việt giết mổ.

Xu thế xung đột khu vực tại Biển Đông hiện nay, xác suất nổ ra xung đột trên biển là rất lớn, nhưng xác suất có một cuộc chiến tổng lực (chiến tranh trên đất liền + hải phận + không trung) lại là cực nhỏ. Một cuộc chiến tổng lực sẽ khiến tất cả các bên tham gia đều thua, nhưng ngược lại, với thế mạnh hiện nay, Tàu Khựa sẵn sàng tiến hành một vụ CQ-88 thứ hai, nếu Việt Nam vẫn chỉ có hàng rào người nắm tay trên đá ngầm chọi lại với hạm tầu tên lửa và đại bác của Khựa.

Vậy bọn chã cần phải đánh giá vấn đề trên cơ sở 1 cuộc chiến cục bộ tại Biển Đông, với sự tham gia hỗ trợ có hạn chế của không quân. Cuộc chiến như thế, bên nào chiếm địa lợi, bên đó giành phần thắng.
Tên lửa diệt hạm trên 20.000 tấn do Liên Xô (cũ) trang bị cho Việt Nam

Với lực lượng hiện tại, Việt Nam có ưu thế lớn hơn Tàu Khựa trong cuộc xung đột cục bộ tại khu vực Hoàng Sa và Trường Sa, nhất là nếu mục tiêu của Việt Nam chỉ là nhằm có một cuộc chiến kéo dài gây đau đớn. Đánh du kích không nhất thiết cứ phải trên bộ, mà còn có thể đánh trên biển. Phần lớn hướng đầu tư lực lượng Hải quân của Việt Nam thời gian qua, đều thiên về các hạm tầu tốc độ cao, mang tên lửa, thích hợp với lối đánh "Hit and run".

 Nếu chiến trường diễn ra trong phạm vi 1.000 km tính từ bờ biển, thì lối đánh mang tính du kích này là cực kỳ hữu hiệu. Bên nào có sự hỗ trợ tốt hơn từ các căn cứ ven bờ, bên đó sẽ giành phần thắng. Bờ biển Việt Nam trải dài gần 4.000 km, trong trường hợp chiến tranh ở Biển Đông xảy ra, phạm vi tác chiến hầu như nằm trọn trong tầm hỗ trợ của các căn cứ không - hải của Việt Nam nằm dọc bờ biển.

Nếu dùng lối đánh kết hợp, đưa tàu tên lửa cao tốc đánh trộm rồi chạy vào gần bờ, kết hợp với sự hỗ trợ của không quân và tên lửa đất đối hải từ các căn cứ ven biển, tầm tác chiến trong phạm vi 1.000 km (với không quân) và 300 - 500 km (với tên lửa phòng thủ bờ biển) thì khả năng "đánh cù cưa" của Hạm đội Việt Nam là cực mạnh.
Hệ thống phòng thủ bờ biển hiện đại Bastion-P và VN là khách hàng đầu tiên

Một cuộc xung đột cục bộ nếu xảy ra trên Biển Đông hiện nay, sẽ diễn ra theo đúng kịch bản này. Trong trường hợp đó, do đường tiếp vận xa xôi, không có căn cứ ẩn núp ven bờ, phần lớn các hạm tàu Trung Quốc dù hiện đại cũng sẽ trở thành các mục tiêu đánh lén của các hạm tầu xuất phát từ các căn cứ gần bờ biển được tiếp vận và hỗ trợ dễ dàng và lực lượng không quân tác chiến đánh trộm. Tàu Khựa chỉ có thể có khả năng áp chế lối đánh này, nếu có một hạm đội hùng hậu bao gồm tàu sân bay để chiếm ưu thế tuyệt đối trên không. Nhưng rất may, điều này còn cần thêm vài năm.

Và ngay cả trường hợp này có thể đến, thì thời gian cũng đủ để Việt Nam N tìm kiếm thêm sự hỗ trợ từ Ấn, Nga và có thể là từ Mỹ, Nhật với các dòng tên lửa diệt hạm thế hệ mới có khả năng phóng từ máy bay, thích hợp vô cùng với lối tấn công đánh trộm từ xa rồi bỏ chạy.
Các sân bay quân sự của Việt Nam

Lực lượng hiện tại của Việt Nam, gồm tất cả các hạm tàu tên lửa hiện có, cộng với số máy bay thế hệ mới và kể cả 6 sub Kilo sẽ nhập về, nếu dùng để dàn trận đánh với Tàu Khựa thì sẽ tiêu biến trong vòng 2 tiếng. Ngược lại, đánh theo chiến lược lãnh tụ Lãng vạch ra thì có khi "20 năm vẫn xài tốt". Trong bối cảnh Tàu Khựa có kẻ thù ở mọi phía do chính dã tâm bành trướng của nó, thì viễn cảnh lâm vào một cuộc chiến có tính cù nhầy nào sẽ không phải là thứ mà Hoa Nam muốn thấy. Cho nên, vấn đề Biển Đông sẽ vẫn còn là một câu chuyện rất dài...
-------------------------
Mai Thanh Hải Blog: Những hình ảnh, bản đồ và minh họa trong bài viết đều đã đăng tải trên trang Blog Lãng và công khai tại nhiều trang mạng xã hội, nghiên cứu kỹ thuật quân sự khác. Đây không thuộc vào dạng tài liệu bí mật, quốc phòng - an ninh...


Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những tư liệu tương tự như vậy khi vào internet và gõ các từ khóa, hình ảnh tương ứng. 


Cách tìm kiếm, tham khảo theo kiểu "tác chiến điện tử" này là các động tác rất đơn giản và phổ biến, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở tất cả các quốc gia trên thế giới. 



VỀ TẤM HÌNH LỊCH SỬ

Kungfu quá... thâm hậu
Tấm hình trên cho thấy cái anh mùa-hè-chiều-thẳng-đứng võ công rất thâm hậu, chẳng khác gì mấy tay hiệp khách Trung Hoa cắp người vào nách mà chạy được miêu tả trong truyện Kim Dung.


Rất tiếc tôi không chụp được hình này, nhưng chính một nhân vật trong bức hình – cái anh chàng nằm-nghiêng-nghiêng-trong-kháng-chiến-trường-kỳ ấy – đã lên tiếng.
Pha kungfu trong ảnh – nói về độ ấn tượng thì – chẳng kém tấm hình ở đây.
Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi tấm hình trở nên “hot nhất” trong sự kiện 12.6. Từ đông sang tây, từ nam chí bắc đã bàn tán chuyện này.
Tôi nghĩ, sau nhiều năm nữa, pha kungfu ấy sẽ đi vào sách sử.
Đọc trên mạng tôi thấy có câu thắc mắc: “Pha võ đẹp như phim trong ảnh không biết tại sao nó lại được áp vào chuyện biểu tình vì hôm chủ nhật đoàn tuần hành không đi ngả này”.
Tôi muốn khẳng định là: ngày chủ nhật vừa qua – 12.6 – đoàn biểu tình có đi qua chỗ này. Đây là lúc đoàn vừa đi bọc từ Bưu điện TP.HCM sang mặt hậu Nhà thờ Đức Bà và bắt đầu bị tách ra làm hai – một nhóm chủ trương đi về phía Thảo Cầm Viên theo đường Lê Duẩn; một nhóm lại ngoặt sang phía công viên Cây xanh trước Dinh (vì sao có vụ đôi-ngã-chia-ly thì chắc các bạn cũng biết).
Sau một hồi lừng khừng, đoàn kéo sang công viên – chỗ cà phê bệt ấy. Lúc này xảy ra một số vụ bắt bớ – với nhiều luồng thông tin trái ngược nhau. Có thông tin kể về chuyện móc túi, gây rối, xyz… Tôi không chứng kiến toàn cục, nên không thể làm chứng toàn bộ. Tôi chỉ có thể chứng kiến gần như mọi việc trong phạm vi bán kính vài mét xung quanh tôi. Trong phạm vi ấy, có một phụ nữ bị bắt – bị kéo từ đám đông ra rồi đặt lên xe máy – hai gã đàn ông ngồi kẹp hai phía rồi phóng vù xuống hướng tòa nhà Metropolitan.
Vụ bắt giữ Duy và Nguyên xảy ra cùng thời điểm này (qua mạng, sau ngày 12.6, tôi mới biết tên của hai anh chàng).
Duy và Nguyên chính là hai trong số ba chàng trai mà tôi đã đề cập ở đây: “… khởi đầu là hai chàng thanh niên khoảng ngoài 20 và một chàng khoảng ngoài 30 mặc áo cờ tổ quốc và áo HS – TSa. Đó chính là những người châm ngòi cho cuộc biểu tình, giữa lúc mọi người đang lạnh sống lưng.”

Những người bạn mới quen trong ngày 12/6
Tôi không biết họ có phải là những tên thanh niên lưu manh hành nghề móc túi hay quậy phá trong đám đông như một số tin đồn hay không. Nhưng theo cảm nhận – và hơn thế nữa – của riêng tôi, họ là những con người dũng cảm.
Hãy hình dung thế này: Buổi sáng, ở góc cà phê Highland, sau vụ bắt giữMạc Quảng Thịnh ngay giữa quán - không khí đang tê cóng. Có cả trăm cái bộ đàm trong một phạm vi vài chục mét vuông. Chúng tôi đứng đó, nói chuyện cũng không dám nói to. Chợt có ba chàng trai đi từ bên kia đường qua. Họ đứng vào một góc trước quán Highland. Họ mặc áo cờ Tổ quốc, áo in hình Hoàng – Trường Sa vào, rồi họ đứng yên đó, ngay trước mặt công an chìm nổi, và ngay trước mặt những người nhát gan như tôi. Họ cười và nói chuyện với nhau một cách tự nhiên. Họ chẳng hô hào gì. Một lát sau, có người tới mời họ đi. Anh chàng Duy nói bọn em chỉ đứng đây, đâu có vi phạm luật lệ gì đâu. Đúng là bộ ba của Duy không vi phạm luật lệ gì – vì trên người họ là cờ tổ quốc và họ đứng giữa Tổ quốc mình. Nhưng có người không muốn họ đứng đó. Cuộc mời mọc tiến triển theo chiều hướng trầm trọng, có điều lúc này thì đám đông xung quanh đã kịp tụ lại và cuộc tuần hành bắt đầu, không gì cưỡng lại được.
Có người thắc mắc tại sao trong tấm ảnh kungfu lại không có nhiều người biểu tình xung quanh. Câu trả lời là: lúc này người biểu tình đã kéo hết sang công viên cây xanh, nhường đường phố lại cho xe cộ lưu thông bình thường.
Nếu có điều gì muốn nói về tấm ảnh kungfu thì tôi xin nói là công an chúng ta rất giỏi võ, nếu đem ra sử dụng để oánh Tàu thì hay biết mấy.
Hehe!
-----------------
Mai Thanh Hải Blog: Cảm ơn Bọ Lập Quê Choa đã nhắn tin báo, mình đọc bài này ngay để "vạch mặt thế lực thù địch". Hi! Hi! Mình đăng lại bài này từ trang của Bọ Lập

THẦY CHÙA... RA BIỂN

Chùa trên đảo Trường Sa
Mai Thanh Hải Blog - "Đạo lý cơ bản của Phật giáo nằm cả trong Tứ diệu đế. Tứ diệu đế nằm gọn trong mấy chữ “Sinh là đầu sự khổ, muốn không khổ thì đừng sinh”. Tiêu cực đến như vậy, cho nên trong suốt lịch sử rộng dài của dân tộc (theo thiển ý của người viết), Phật giáo chỉ dùng để an dân, trị nội loạn trong thời bình, chứ đã bao giờ dùng để đối phó với ngoại xâm (bởi chủ nghĩa yêu nước kiểu “Cởi áo cà sa khoác chiến bào” thực chất cũng trái với đạo lý nhà phật). Từ ngày 7/5/2010 (hơn 30 ngày qua kể từ sau khi Trung Quốc bắt 3 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi), chưa có thêm vụ ngư dân bị bắt giữ nào nữa ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Chưa, chứ không phải là không. Không, không phải là vì “Biển Đông đang yên tĩnh”. Chưa, cũng không phải bởi Trung Quốc không bắt, biết đâu lại là vì ngư dân không dám ra biển Hoàng Sa nữa khi mà những cam kết “Ngư dân sẽ được bảo vệ” chỉ được đưa ra trên báo, khi mà Biển Đông chỉ yên tĩnh trên miệng các quan chức"... - Bài viết của Nhà báo Đào Tuấn, đăng cách đây đúng 1 năm (12/6/2010), nhưng đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà báo Đào Tuấn
-----------------------
THẦY CHÙA RA BIỂN

Đại lão hoà thượng 87 tuổi, mặt mày khắc khổ Thích Thanh Đàm lần đầu tiên đã xuất hiện tại Trường Sa, trong một loạt các đại lễ cầu siêu được tiến hành theo nghi lễ phật giáo “cấp quốc gia”, song song với việc khánh thành 3 ngôi chùa mới tại Trường Sa Lớn, Sinh Tồn và Song Tử Tây.

Như vậy là sau các ngư dân, không phải là tàu ngầm Kilo và máy bay Sukhoi, mà đến lượt các thầy chùa “ra biển”. Dường như một lần nữa, chính sách khổ nhục kế "Model Câu Tiễn" lại được áp dụng dù các “khổ nhục kế”, cũng như Câu Tiễn 100% đều có nguồn gốc Tàu.

Dường như trong tình thế “yếu”, thì việc đưa các “thầy chùa” ra biển có vẻ là cách “né gió” hữu hiệu hơn nhiều, so với “Kilo bắp chuối” và “Su phụt khói”.

Những năm 40, trước tình thế 20 vạn quân Tưởng tràn vào Việt Nam, Hồ chủ tịch đã đưa ra chính sách ngoại giao mềm dẻo tự nhận là “Chính sách của chúng ta hiện nay là chính sách Câu Tiễn”, ông cụ cũng nói thêm “Nhưng nhẫn nhục không phải là khuất phục”. Rất có chí khí. Võ công này, trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, chính là “Đẩu chuyển tinh di” của nhà Mộ Dung.

3 ngày trước đây, khi điệp khúc “Trung Quốc- Việt Nam "vừa là đồng chí, vừa là anh em” được liên tục nhắc lại, hoà giọng cùng tuyên bố của tướng Phùng Quang Thanh “Biển Đông đang yên tĩnh”, khi báo chí được “nhờ” đăng và đăng trên trang nhất tin Thủ tướng Dũng tặng 2 tượng phật ngọc cho Giáo hội phật giáo Việt Nam, để mang ra đặt tại các đảo Song Tử Tây và Trường Sa Lớn, thì một lần nữa, chính sách nhẫn nhục kiểu Câu Tiễn lại được áp dụng.

2 pho tượng mà Thủ tướng Dũng muốn đặt tại Trường Sa, một là của Giáo hội Phật giáo thế giới một là của Ban Trị sự Chùa Vàng (Myanmar) tặng. Thứ này mà được đem đặt ngoài đảo thì quả thực là “cao khét”. Người ta có thể đạp tường, kéo tượng, bắn vào toà nhà Quốc hội chứ mấy quốc gia, thể chế, quân đội nào (trừ Taliban), dám bắn vào… Phật. Riêng xá lợi Phật, trước mắt được đặt tại Quán Sứ và nếu Biển Đông “yên tĩnh” hơn, không ngoại trừ có thể được đem ra đảo.

Quanh chuyện các ngôi chùa, đã có những tranh cãi khá gay gắt, xem nên dùng từ “trùng tu” hay khánh thành đối với 3 ngôi chùa mới xây (nhất là trong trạng huống các cam kết "giữ nguyên hiện trạng" liên tục được nhắc đi nhắc lại). Rắc rối cũng y hệt như việc ông chủ của Xuân Trường, Doanh nghiệp tạo dựng ra vô số kỷ lục Việt Nam quanh ngôi chùa giả Bái Đính có mặt trong đoàn thầy chùa ra Trường Sa.

Lễ cáo Giang Sơn (cáo Thần linh); lễ Bạch Phật Khai kinh, lễ Bạt vớt Trầm luân (lễ Bắc cầu); lễ cầu siêu Anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân, đồng bào tử nạn và chẩn tế âm linh cô hồn… với 15 tiếng liên tục gõ mõ tụng kinh đèn nhang hương khói. Điều đó thực ra còn chưa đủ cho các Anh hùng Liệt sĩ đã vị quốc vong thân, huống chi những người còn sống, những ngư dân hàng ngày vẫn dong buồm, bơi mạng sống ra Hoàng Sa, ra Trường Sa
"Lực lượng hỗn hợp" ra với Trường Sa

Đạo lý cơ bản của Phật giáo nằm cả trong Tứ diệu đế. Tứ diệu đế nằm gọn trong mấy chữ “Sinh là đầu sự khổ, muốn không khổ thì đừng sinh”. Tiêu cực đến như vậy, cho nên trong suốt lịch sử rộng dài của dân tộc, theo thiển ý của người viết, Phật giáo chỉ dùng để an dân, trị nội loạn trong thời bình, chứ đã bao giờ dùng để đối phó với ngoại xâm. (bởi chủ nghĩa yêu nước kiểu “Cởi áo cà sa khoác chiến bào” thực chất cũng trái với đạo lý nhà phật). Từ ngày 7-5, hơn 30 ngày qua kể từ sau khi Trung Quốc bắt 3 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, chưa có thêm vụ ngư dân bị bắt giữ nào nữa ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Chưa, chứ không phải là không. Không, không phải là vì “Biển Đông đang yên tĩnh”. Chưa, cũng không phải bởi Trung Quốc không bắt, biết đâu lại là vì ngư dân không dám ra biển Hoàng Sa nữa khi mà những cam kết “Ngư dân sẽ được bảo vệ” chỉ được đưa ra trên báo, khi mà Biển Đông chỉ yên tĩnh trên miệng các quan chức.

Liệu có nên tin những kẻ trước thì còn lén lút dùng "tàu lạ” đâm vào như dân, sau đó trắng trợn giữa ban ngày ban mặt công khai bắt giữ ngư dân trong vùng biển Hoàng Sa là “đồng chí kiêm anh em”?..

A di đà phật!..