27 tháng 7, 2013

THÁNG NĂM NÀY, GIÓ THỔI DỌC TRƯỜNG SƠN

Mộ chí các Liệt sĩ Hà Nội tại Nghĩa trang Trường Sơn
Mai Thanh Hải - Những chuyến công tác vào sâu phía Nam, nếu đi theo đường bộ, mình đều cố gắng đi theo đường Hồ Chí Minh, bằng ôtô.

Bắt đầu từ Thanh Hóa, rừng núi đã bắt đầu nhuốm màu linh thiêng, huyền thoại, rưng rưng ký ức thời chiến tranh.

Năm trước, đúng dịp 27/7, mình và cu Thuần đã hẹn trước sẽ vào Nghĩa trang Trường Sơn thắp hương cho các anh chị.

Nhưng hôm đó, cả 2 anh em đều bận nên không đi được.

Thật kỳ lạ, cả ngày mình cứ bứt rứt không yên, mọi việc trong ngày chẳng đâu vào đâu.

Cu Thuần cũng vậy.

Rút cục, buổi chiều, 2 anh em quyết định: "Thay nhau lái xe trong đêm, vào thắp hương cho các anh chị".

Một đêm thức trắng, xe chạy liêng biêng giữa rừng núi mờ ảo, sương khói linh thiêng.

Đường vắng không 1 bóng người, nửa đêm tới địa phận Quảng Bình, qua đèo Đá Đẽo, hang 8 Cô... có những lúc sương mù đặc quánh xung quanh, đèn vàng soi sương cũng không nhìn thấy đường.

Tụi mình lầm rầm khấn vong linh các Liệt sĩ và thật kỳ lạ, sương mù tan ngay, trả lại đường cho xe chầm chậm trôi giữa ánh trăng cuối rừng dịu nhẹ.

Buổi sáng, đến Cam Lộ lúc mặt trời vừa hé mắt khỏi rừng cao su.

Rửa mặt, thay quần áo tinh tươm và ôm bó hoa cúc trắng, nhẹ chân đặt lên Tượng đài, thắp hương bó hương trầm, cúi đầu thành kính, ngẩng đầu lên, bó hương cháy rừng rực giữa trời Quảng Trị xanh ngắt, cao lộng.

Đến từng khu mộ của những anh chị quê hương Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Tây, cẩn thận thắp từng nén nhang trên mộ Liệt sĩ, thấy người nhẹ bẫng, đầu sạch bong mọi suy nghĩ... trước những người đang nằm đó, mãi mãi tuổi thanh xuân.

Một ngày ở Nghĩa trang Trường Sơn, buổi trưa nằm ngửa trên cỏ, nhìn bầu trời giới tuyến năm nào trong veo, cao hút, tự dưng thấy mình quá nhỏ bé, vô nghĩa trước trùng điệp những người nằm xuống.

Ngày 27/7, xin được thắp trên mỗi ngôi mộ Liệt sĩ nén hương tưởng nhớ, tri ân.

Mỗi gia đình trên đất nước này được bình yên trong hòa bình như hôm nay, có công lớn của các anh chị - những người đã ngã xuống, những người còn đang sống với thương tật, bạo bệnh, di chứng chiến tranh trong đầu.

Xin đăng lại bài thơ của Nhà thơ Văn Công Hùng, ra đời cách đây gần 15 năm, nhưng vẫn giữ nguyên giá trị tinh khiết, nhất là Ngày Thương binh - Liệt sỹ.
-------------------------------------


THÁNG NĂM NÀY GIÓ THỔI DỌC TRƯỜNG SƠN

Tháng năm này gió thổi dọc Trường Sơn, tôi lặng lẽ lần qua từng khu rừng lá đổ. Những cây khộp già đăm chiêu trong chiều vắng, gió thổi hoài rát ruột lắm gió ơi.
Nữ chiến sĩ xăng dầu Trường Sơn

Ngày chia tay em kẹp tóc mảnh mai, dáng nhỏ thó đưa mắt nhìn rất vội. Vịn thành xe mưa giăng giăng ngõ tối, hương ngọc lan thảng thốt tỏa sau hè.

Biền biệt em đi, biền biệt mẹ chờ. Chiều tựa cửa ngóng hoài về phương ấy. Phương ấy ơi, phương ấy là nỗi nhớ, Trường Sơn mờ ngăn ngắt một màu xa.

Những con đường hoàn thành, những đoàn quân đi qua. Trùng trùng quân đi hướng về chiến thắng. Chỉ những cánh rừng là im lặng, chiều mỏng manh bóng con gái nhạt nhòa.

Đôi vai mảnh mai kia bao lần làm trụ đỡ cầu phà, bao lần em đứng làm cọc tiêu cho xe qua bến. Mà mưa bom  bão đạn...Tiếng con gái ngọt ngào nâng bước những đoàn quân .
Các cô gái Thanh niên xung phong Trường Sơn

Tôi lật chiều lật cỏ để tìm em, chỉ gặp biết bao điều bình dị. Ngang dọc những cánh  rừng con gái , nào đâu em thức ở phương nào?

Tôi đi nửa giờ xe để đến nơi ngày xưa em qua bằng một đời con gái.

Bạt ngàn cao su rưng rưng nhựa trắng, lại gặp những bóng áo xanh một thời trận mạc.

Lại gặp những vai tròn con gái, lại những tiếng cười trong trẻo tuổi hai mươi...

Em lẫn vào cây vào đất vào rừng, vào hôm nay khói hương nhòa nước mắt. Anh xin thay em chắp tay dõi về phương Bắc, một dáng chiều tựa cửa phơ phơ...

23/4/1999

Cô gái Giao liên

Tải đạn

Vượt suối, băng rừng

17 nhận xét:

  1. Hồi sáng đọc thơ anh Hùng rồi, đã khóc một chặp. Giò khóc tiếp đây này anh Hải ơi. Đất nước mình đau thương và đã có những con người đẹp vô ngần. Sao cuộc sống ngày nay lại có quá nhiều những kẻ mang mặt nạ người...

    Trả lờiXóa
  2. Ngày hôm nay là một ngày toàn nước mắt , từ sáng đến giờ đọc trang web nào là mờ lệ trang web đó , không thể giữ nổi lệ trào mi, không thể kìm hãm nổi tình cảm , cảm thất xót xa không thể tả nổi , nước VN mình ơi ! Sao đau khổ quá nhiều thế này !

    Trả lờiXóa
  3. Ông nhà báo viết hay quá, rồi cả bài thơ nữa. Tôi tự bảo mình: Hãy tạm quên cái gì của ngày hôm nay để hồi tưởng lại cái gì của ngày hôm qua....Cám ơn ông nhà báo.

    Trả lờiXóa
  4. Có lẽ chưa có 27-7 nào nhiều tưởng nhớ, nhiều nước măt như 27-7 năm nay.
    võ quang luân.

    Trả lờiXóa
  5. Xin kinh can nghieng minh truoc su hy sinh cua cac liet sy. Mong cac chi cac anh phu ho cho dat nuoc mai hoa binh

    Trả lờiXóa
  6. Hãy luôn nhớ các bác cần cháu cười hơn là thấy cháu khóc trong những ngày này!

    Trả lờiXóa
  7. Cảm ơn anh Hải nhiều, từ ngày biết anh em biết thêm bao nhiêu là điều mới là, cảm động, tri ơn của đất nước mình.

    Trả lờiXóa
  8. sao nghe cứ điêu điêu thế nào? cái gì mà "mờ lệ trang web" nghe thì đúng là có cái gì đó đau lắm, than ôi lắm, nhưng cái tâm ko biết có đc như mấy dòng này ko nữa.

    Trả lờiXóa
  9. Các bạn ơi. Vào http://mp3.zing.vn/bai-hat/Em-O-Noi-Dau-Trong-Tan/ZWZAA7BW.html để nghe một sáng tác của Phan Nhân ( người sáng tác Hà nội niềm tin và hy vọng )

    Trả lờiXóa
  10. Tôi vừa kết thúc một chuyến đi 4 ngày vào Quảng Trị nắng lửa, thấy dưng dưng thổn thức trước những điều mà tôi chưa bao giờ được chứng kiến. Chiến tranh, đó chỉ là những hình ảnh mơ hồ qua trang sử, mà lứa tuổi sinh ra sau cuộc chiến như chúng tôi không thể hiểu hết được sự khốc liệt của nó. Chiến tranh, giờ đây đã lùi xa, nhưng vẫn còn đó vẹn nguyên những nỗi đau mất mát, trong dáng lưng còng của các mẹ, trong ánh mắt vô hồn của những em bé đang gánh chịu di chứng chất độc màu da cam, và những xóm làng hãy còn xơ xác lắm... Bao giờ, chiến tranh mới thực sự kết thúc?

    Trả lờiXóa
  11. "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai".Là lớp sau chưa được tha, gia vào trận chiến thì Tổ quốc đã được Thống nhất.Cảm ơn các anh các chị,Cảm ơn nhà báo Mai Thanh Hải!Những người có tâm đặt lên trên thì bao giờ cũng gặp được nhiều may mắn và sự ưu ái...

    Trả lờiXóa
  12. Những nghĩa cử của các anh thật cao đep... luôn luôn nhớ đến các người lính đã ra đi, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.Sự khó khăn, gian nan và vất vả của các anh các chị thanh niên xung phong đã góp phần to lớn để làm nên chiến thắng vinh quang cho tổ quốc như ngày hôm nay!Xin cảm ơn Mai Thanh Hải.

    Trả lờiXóa
  13. Hay quá A Hải ơi...cho e copy về trang FB của mình nhé...Cám ơn a vì các bài viết...cố lên.

    Trả lờiXóa
  14. anh đăng lại bài này.
    làm em nhớ lại ngày vào thăm nghĩa trang và thắp hương tưởng niệm các liệt sỹ. cảm giác gai người khi lần đầu tiên bước vào đi dọc theo từng khu...cái cảm giác hình như mọi thứ việc mà mình đã trải qua dù khó khăn mệt nhọc đến đâu cũng trở nên vô nghĩa khi đứng đó...thật khó nói hết những suy nghĩ cảm xúc khi đứng trước biết bao nhiêu là ngôi mộ liệt sỹ..với lứa hậu sinh chưa bao giờ mặc áo lính luôn cảm thấy mình bé nhỏ khi đứng trước các liệt sỹ..cảm giác mình trở nên rắn rỏi hơn khi ra về...cảm ơn anh đã cho em cơ hội được bày tỏ cảm xúc của mình.

    Trả lờiXóa
  15. Chặng đường anh Hải đi tôi cũng đã từng, rất cảm động trước vong linh hàng vạn chiến sỹ ở nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9. Nhưng tiếc là tôi chưa đến được nghĩa trang Đức Cơ (Gia Lai), Tây Ninh, Lạng Sơn... Hàng vạn chiến sĩ cùng trang lứa với tôi đã hy sinh ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Cái khốc liệt của hơn 10 năm ở Cămpuchia, của những năm 79-84 ở Lạng Sơn, ở Vị Xuyên còn khủng hơn nhiều. Không hiểu sao nhiều người "quên" nhanh thế.
    Có cái gì đó không bình thường chăng?

    Trả lờiXóa
  16. Ôi chú, lại... tái bản à, vinh dự tự hào cho anh quá...

    Trả lờiXóa
  17. Bác Văn Công Hùng quí mến !Đất nước ta sau ngày độc lập 2/9/45 đã qua 4 cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài gần nửa thế kỷ. Tôi cũng là một người tham gia 1/4 cuộc chiến đó. Ngợi ca, tự hào hay đau đớn, xót xa ...thì tất cả cũng đã xảy ra rồi...Không ai có thể sửa được lịch sử. làm lại được nữa rồi ...Điều làm tôi luôn luôn đau đáu :
    1/ Tốt nhất là không để chiến tranh xảy ra. Đó là giải pháp cuối cùng. Vì trong cuộc chiến nào, nhân dân cũng là người thất bại ( ý ai đó chứ không phải của tôi ) và tôi cũng nhớ là đã đọc ở đâu đó rằng, một lần Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói với bạn nước ngoài rằng , VN tự hào đã đánh thắng trong 2 cuộc chiến tranh, bạn nước ngoài nói rằng họ tự hào vì không có cuộc chiến tranh nào ? Cầm súng chỉ là tình thế bắt buộc cuối cùng

    2/ 4 cuộc chiến tranh đã qua với bao đau thương mất mát, giờ đây chỉ mong sao những người lãnh đạo có đường lối thật sáng suốt để đất nước mau mạnh giàu, dân đỡ khổ...và vong linh người đã hy sinh, người còn sống nhưng mất mát quá nhiều ...đỡ buồn tủi..

    Trả lờiXóa