17 tháng 2, 2012

33 NĂM RỒI, CÒN TIẾNG SÚNG NÀO VANG?..

Tuân phẹt - Hồi chiến tranh biên giới phía Bắc, mình là đứa trẻ ranh 3 tuổi rưỡi thò lò mũi xanh.

Trong trí nhớ ấu nhi của mình thì háng đu nách mẹ, tay sờ... chim non, ra đình nghe trống hội.

Năm đó hội làng rặt 1 sắc xanh áo lính tân binh. Mình vui vì có kẹo ăn, được các cô gái làng bẹo má, được anh Kỳ trong bộ áo lính tinh tươm bế nựng, làm cho 2 cái chong chóng lá dừa, quay tít mù. Ai cũng sụt sùi khóc, mẹ mình cũng khóc. Trai làng tòng quân 7 người.

Năm 1986, mình học lớp 4. Đang học thì được lệnh "đi hô cổ động dưới xã", tưởng hô chuyện gì, hóa ra đi hô khẩu hiệu cho... đám ma.

Giữa bãi đất trống, 6 cái tiểu sành phủ cờ đỏ nằm im lìm, 7 trai làng chết mất 6, còn sống mỗi anh Kỳ.

Hôm ấy, họ mới được đem về với mẹ, với làng. Anh Kỳ oai phong trong bộ quân phục sờn rách, chẳng mũ mãng, sao giăng, anh đứng cười ngây ngô. Người làng gọi anh là "Kỳ ngộ", nhẽ từ hôm đó?

Mẹ kể: Năm anh Kỳ đi lính mới 17 tuổi, học lớp 10 (tương đương lớp 12 bây giờ ).

Anh đẹp trai nhất làng, học giỏi, đàn cừ, hát rất hay. Tóc anh xanh biếc, quăn bồng bềnh như thi sĩ. Ở đâu có anh ở đó có gái đẹp, có ghi ta gỗ bập bùng, có "Những đồi hoa sim" và "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới"...

Nhà anh cạnh nhà mình, bố chết trận hồi đánh Mỹ, mẹ làm Thư ký Ủy ban, anh con một. Đúng ra thì không phải đi lính, nhưng tại anh thích, anh xung phong.

Mẹ anh khóc hết nước mắt: "Nhỡ có sao thì sống với ai?". Anh bảo: "Là thanh niên, nước có giặc là phải lên đường, để không tủi hổ với tuổi trẻ và ông bố ngồi trên bàn thờ".

Ngày anh đi, gái làng khóc cạn nước mắt, tóc thề, khăn tay thêu chim bồ câu anh nhận được nhiều vô khối, các bà, các mẹ, các chị dấm dúi túi anh kẻ năm xu, người hai hào

Trai làng 7 người đi, mỗi mình anh trở về với cái tên "Kỳ ngộ".

Mẹ anh già, sau cú trở về của con trai, ngã lăn phát ngoài bậu cửa, liệt nửa người.

Anh sống âm thầm, vật vờ, quanh quẩn bên mẹ, chăm mấy sào vườn, cấy vài luống rau, trông cái ao tù.

Anh chẳng nói năng, chỉ cười trừ mặc dù chẳng phải câm hay điếc. Thân hình tráng niên, sau năm bảy năm lính, teo như miếng tóp mỡ quá lửa, mái đầu xanh, quăn bồng bềnh giờ trọc lóc, da anh bủng xanh, mặt anh vàng vọt, nốt ghẻ lở hắc lao chi chít toàn thân.

Chẳng ai có thể nhận ra anh ngoài cái tên Kỳ, nhưng cũng được những kẻ tinh ranh đặt thêm cho chữ... Ngộ.

Vườn nhà anh nhiều chuối, nhưng chẳng cây nào có lá, bởi cứ cây nào có lá, bẹ to, sống cứng là anh phát tiệt.

Anh dùng dao khía vào sống lá, lật miếng vỏ mỏng vuốt ngược ra sau rồi làm động tác lên quy lát, tay phải miết những miếng vỏ mỏng vuốt ngược, đổ rụp tạo ra tiếng phành phành phạch rất vui tai, anh bảo: "Tiếng súng đấy, nổ cả băng".
Thi thoảng còn 2-3 miếng, anh tần ngần miết từng miếng một, bảo "Đang điểm xạ".

Thi thoảng anh còn hô cả "Xung phong", tiếng hô còn bé hơn tiếng cục tác của con gà mái đang nhảy ổ.

Chẳng cô gái làng nào lấy anh, kể cả mấy cô mắt lác, hăm bẹn hay chập nhẹ.

Những người con gái thương thầm nhớ trộm anh năm nào, họa hoằn lắm mới ghé thăm mua cho anh cái bánh, cho mẹ dăm đồng thuốc nam.

Dần dà rồi cũng vắng bởi chẳng ai dại gì dây vào thằng ngộ, thằng "Tạc dăng người rừng". Người ta bảo anh ngộ do bắn nhau nhiều, do ở rừng bị ngã nước, do trúng bùa ngải của gái dân tộc... Đủ thứ họ có thể nghĩ ra. Chẳng biết anh có nghe và biết không, chứ suốt ngày chỉ thấy nhe răng cười, chả khác gì đười ươi cầm ống.

Mấy năm gần đây, tự dưng anh hay được đi dự lễ lạt. Lúc thì với Hội Cựu Chiến binh xã, khi thì với đơn vị chiến đấu xưa.

Người ta mang anh đi như mang đồ vật đi triển lãm, tức là có người của xã mang anh đi cũng như mang anh về.

Ở đâu anh cũng chỉ cười, có nói năng hay tỏ bày người của xã làm thay, mọi nhẽ. Anh chẳng lấy làm buồn.

Mình ngày một lớn lên rồi đi xa, hiểu thế nào là chiến tranh, nhất là cuộc chiến không tên mà anh bồng súng. Cứ có dịp về quê là mình đáo sang anh, khi thì lạng thuốc lào, bao thuốc lá, cả những chiếc phong bì xinh xinh. Mình quý mến anh thật lòng. Có điều ngồi nói chuyện với anh thì rất chán vì anh chẳng nói gì, chỉ cười.
Tết rồi ở lại quê hơi lâu, vì làng sau bao năm giờ mở lại Hội.

Anh cũng ra đình như bao con dân khác, nhưng chẳng thấy anh cười ngô nghê như mọi khi mà trầm ngâm như bô lão. Người ta bảo: "Năm nay mở lại hội, Kỳ không cười chắc làng được mùa to".

Mình kéo anh ra góc khuất, rút thuốc mời, anh tỷ mẩn châm rồi rít, hốc mắt ràn rạt nước. Mình kéo anh về nhà mời rượu, bảo: "Với em, anh vẫn là anh Kỳ đẹp trai, học giỏi nhất làng trong ký ức cũng như lời mẹ kể".

Anh khóc rống. Lạ thật, sau bao năm cười trừ giờ đột nhiên anh khóc rống. Mình thật thà, hỏi thật: "Anh có bị ngộ thật không?". Anh bảo: "Ngộ sao lại biết khóc?". "Thế sao bao năm nay anh cứ cười như đười ươi thế?". "Để sống" - Anh đáp nhanh.

Mình uống rượu với anh cả một buổi chiều để kịp hiểu sao anh cười bao năm qua, cũng như sao lại mang danh "Kỳ ngộ".

Sự thật làm mình không mấy hãi hùng mà ngược lại nó làm mình cười rung rốn: Có mẹ gì đâu, lính mới trận đầu lên chốt, đũng quần tên nào chả ngập nước đái và phân. Anh nằm chốt chờ địch thì thấy tên giặc Tàu lấp ló, anh xả nguyên băng AK, để chắc ăn, anh còn nhô lên điểm xạ 3 phát vào ngực tên lính xâm lược. Tên lính xâm lược trước khi chết còn với tay lên không trung rên khẽ "Ôi giời ơi!", rồi mới nằm ngục.

Sau "chiến công" đó, anh được thay chốt, lùi tuyến sau.

Cuộc chiến đi vào kết cục với bao bi thương. Chuyện của anh chẳng biết bi thương hay hài hước.

Mình viết vội lên đây, viết cho những ngày sau 17/2/1979.

Ngày "tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới" - 33 năm rồi, không biết còn tiếng súng nào vang?..


6 nhận xét:

  1. Đoạn đầu của nhà bác em không biết chứ cái đoạn "ối giời ơi" giống 1 truyện cười ở trên quaansuvn.net quá.

    Trả lờiXóa
  2. Hình như bác nặc danh không đọc kỹ ở QSVN rồi. Đấy đâu phải là chuyện cười mà là chuyện kể về trận chiến 12-7-84 của một CCB sư đoàn 356, nó là một sự thật và cũng là một điều đau lòng trong một cuộc chiến bảo vệ biên cương của tổ quốc.

    Trả lờiXóa
  3. "Ôi giời ơi!" NGHE XOT XA QUA BAC HAI OI ! EM MUON KHOC ROI DO .

    Trả lờiXóa
  4. " Quân ta chiến thắng quân...mình " Chuyện thường trong những cuộc chiến. Chỉ có người ta không nói ra thôi!
    Tiếng súng vang...Người ta nghĩ ngay đến Biển đông; Chí ít cũng ngước nhìn lên ải Bắc. Ngờ đâu tiếng súng lại vang lên ở cái xứ Tiên miền đất ...Lãng ấy.
    Chết thật! Chết thật !

    Trả lờiXóa
  5. Hôm nay vào google gõ tìm "cuoc chien 17/2" mà chẳng thấy gì!

    Trả lờiXóa
  6. Hic hic, khi chiến tranh năm 79 xảy ra em mới được có 2 tháng tuổi. Chẳng biết chẳng hiểu gì hết, nhưng đọc câu chuyện cười của bác em chẳng thấy buồn cười mà chỉ thấy buồn và muốn khóc.
    Thôi để em cười trừ 1 cái động viên bác he he :D

    Trả lờiXóa