2 tháng 6, 2011

"TÙ BINH" CỦA BỆNH THÀNH TÍCH

Mai Thanh Hải Blog -Những diễn biến phức tạp, căng thẳng ở vùng biển Việt Nam mấy ngày qua đã thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước, hướng sự quan tâm ra ngoài biển. Tuy nhiên, có một thực tế khác, cũng đau lòng không kém là thực trạng đói nghèo vẫn còn tồn tại, thậm chí còn tăng về số lượng các hộ/ nhân khẩu và trầm trọng hơn về mức độ... vô sản. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng là công tác "chỉ đạo điều hành" của... cấp trên và bệnh thành tích của... cấp lưng lửng ở nhiều đơn vị, địa phương trong cả nước.

Nhìn rộng ra để thấy: Vấn đề đói nghèo còn chi phối rất lớn đến việc giữ ổn định chính trị, đảm bảo Quốc phòng - An ninh của mỗi quốc gia. Ngay Việt Nam, nếu "gia đình có điều kiện" hơn tý, chắc chắn sẽ không để xảy ra vụ việc Mường Nhé (Điện Biên), hay phải nín nhịn trước sự tác oai, tác quái của tên côn đồ láng giềng vốn tính tham lam, ngay trong lãnh hải của mình.

Bài viết của Nhà báo Đào Tuấn, về vấn đề "ĐÓI - NGHÈO" tại Việt Nam.
---------------------------------------------------------------------------

Cuộc tổng điều tra các hộ nghèo trên toàn quốc đã công bố còn hơn 3 triệu hộ nghèo, và 1,6 hộ cận nghèo. Con số này, chiếm khoảng 14% số hộ được thống kê dựa trên mức chuẩn nghèo mới, sắp được ban hành, với 400.000 VND/người/tháng ở nông thôn và 500.000 VND ở thành phố. Cần phải nhấn mạnh đây là những con số chính thức để căn cứ vào đó, các chính sách giảm nghèo cho các giai đoạn được hoạch định. Nhưng liệu chuẩn mới, dự kiến sẽ ban hành trong năm 2011 đã tính đến yếu tố lạm phát, tăng giá?. Thậm chí tính đủ chi phí thực để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho một người dân, dẫu là nghèo?.

Kể từ thời điểm chuẩn nghèo được ban hành năm 2005, con số tuyệt đối 200.000 VND/người/tháng ở nông thôn và 260.000 VND ở thành phố dùng để đo lường mức độ nghèo khó, mà thực chất là tồn tại của người nghèo được giữ suốt từ đó đến nay. Có quá nhiều ý kiến đã nói tới việc chuẩn nghèo thiếu một cơ chế mềm để có thể điều chỉnh nhanh chóng, bù đắp phần nào, chứ không nói san lấp hết những giá trị chất lượng mà lạm phát phi mã và sự phá giá VND gây ra hàng năm.

Nhưng cho đến nay, chuẩn nghèo, dù đã 3 lần “nâng lên đặt xuống” vẫn chưa hề thay đổi. Liệu con số 400-500.000 VND/người/tháng mà mức chuẩn nghèo mới dự kiến sẽ áp dụng, có tránh được thực trạng “chuẩn nghèo chạy theo lạm phát”?. Có thực sự là “nâng” chuẩn nghèo”?. Có phải là con số đủ đảm bảo người nghèo có thể sống?.

Trong thực tế, vẫn còn có những công dân có mức thu nhập ít hơn mức độ 400-500.000 VND/tháng, nhưng thực tế cũng cho thấy với mức thu nhập này, người ta chỉ có thể tồn tại chứ không thể sống trong điều kiện kinh tế ổn định, chưa tính tới những thời điểm “bạo bệnh của nền kinh tế”.

Để cho dễ định lượng, mức bất biến, thậm chí thụt lùi của chuẩn nghèo mới, có thể khẳng định vào dựa vào mức độ tăng giá của lương thực: Theo Tổng cục Thống kê, thời điểm ban hành chuẩn nghèo năm 2005, giá gạo tẻ bình quân là 3.200 VND/kg. Sau 6 năm, giá gạo tẻ thường đã tăng lên 12.500 VND/kg, mức độ tăng trên 400%. Cũng không thể không nhắc đến thực tế là trong 5 tháng đầu năm, giá lương thực tăng bình quân 2% mỗi tháng. Có lẽ không khó để có thể khẳng định “chuẩn 400-500” thậm chí còn chưa đủ bù đắp giá trị, hay còn gọi là trượt giá trước tốc độ lạm phát và tăng chỉ số giá tiêu dùng liên tục ở mức 2 con số. Chỉ tính 3 trong 4 năm qua: 2007, 2008, và 2010, CPI đã tăng gần 60%.. Chuẩn nghèo, vì thế, có thể tăng ở giác độ con số nhưng thực chất lại giảm giá trị.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đảm, hôm qua đã trả lời báo chí: "Thời gian qua có quá nhiều chương trình giảm nghèo “chồng chéo” lên nhau (thậm chí) khiến một số cán bộ cấp xã không nhớ được hết tên chương trình”. Nhưng nhiều chương trình giảm nghèo có ý nghĩa gì, khi chuẩn nghèo mới đang quá thấp so với chuẩn chung của thế giới và khu vực?..

Trong khi ngay từ đầu năm 2008, chuẩn nghèo thế giới đã được nâng lên mức 2 USD/người/ngày và chuẩn của Châu Á cũng đã được nâng lên mức 1,25 USD, thì chuẩn nghèo ở Việt Nam, thậm chí mới ở giai đoạn chuẩn bị ban hành, vẫn đo mức thu nhập theo tháng, và vẫn ở mức thấp dưới đáy. Và người nghèo ở Việt Nam, có lẽ là những người nghèo nhất trong số những người nghèo trên thế giới, chưa nói tới việc chuẩn nghèo ở Việt Nam, không những không đuổi theo được đà tăng giá, không đuổi kịp tốc độ lạm phát, mà còn không theo kịp với mức độ nghèo khổ của dân chúng.

Bộ LĐ-TB và XH hôm qua cũng đã công bố các chỉ tiêu giảm nghèo, tăng thu nhập cho tầng lớp dân chúng nghèo khổ... nhưng những điều đó liệu có ý nghĩa gì khi chuẩn nghèo chưa ban hành đã lạc hậu, chưa ban hành đã thiếu thực tế, khi không ai có thể sống được nổi với giá trị tuyệt đối của chuẩn nghèo?.

Phát biểu với Tuổi trẻ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Đặng Như Lợi cho rằng: Toàn bộ các mức sống thực tế mà biểu hiện bằng tiền để tính ra mức chuẩn thì đó chỉ là chuẩn trên danh nghĩa. Rõ ràng: “Không thể dùng cái chuẩn là danh nghĩa (tính ra bằng tiền) tại một thời điểm để quy định cho cả giai đoạn, mà không tính đến yếu tố trượt giá” bởi vì “cái chuẩn nghèo đó không phản ánh thực chất của giảm nghèo”. Cái cần của người nghèo chính là một mức nghèo khổ không quá thấp. Còn cái cần của chuẩn nghèo chính là một cơ chế linh hoạt để có thể điều chính, để có thể bù đắp sự trượt giá hàng năm.

Rất khó để nói "chuẩn nghèo là... tù binh của những con số tuyệt đối cứng ngắc và bất biến". Cũng khó kết luận nó bị cầm tù bởi bệnh thành tích của những người không nghèo. Chỉ biết là với một chuẩn nghèo thấp lè tè như vậy, cơ hội thoát nghèo của những người đã và đang sống bên lằn ranh của sự tồn tại, sẽ bị tước đoạt đi thêm nhiều lần.

Nguồn: Blog Đào Tuấn

1 nhận xét:

  1. dân Thái bình18:19:00 2 thg 6, 2011

    Chúng tôi quen tai nghe nói bệnh thành tích trong ngành giáo dục .Nhưng thực ra mọi mặt của cuộc sống trong xã hội ta đều có căn bệnh nan y này .Nó là căn bệnh bẩm sinh hành hạ thân xác mọi cá nhân, mọi tập thể.Từ trung ương đến cơ sở.Bệnh thành tích được cả hệ thống nuôi dưỡng đã lấn át mọi mặt tích cực của cuộc sống .Nó rỉa rói gần hết lòng trung thực .Bệnh thành tích đẻ ra và nuôi dưỡng trào lưu gian giối .Lòng trung thực chỉ còn là thiểu số .Thiểu số này là lực lượng phản biện xã hội

    Trả lờiXóa