13 tháng 12, 2012

LÓNG LÁNH CÔ BA

Áo ấm biên cương - Miền biên cương núi đá Cô Ba lạnh lắm, cứ kéo dài đến suốt năm.

Cảm giác trên này, sờ vào đâu cũng ướt rườn rượt hơi ẩm của sương, của mây, của hơi lạnh phả ra từ tầng tầng núi đá...

Có lẽ vậy, mà bọn lít nhít trẻ con, mắt đứa nào cũng như đọng ngấn nước, lóng la lóng lánh, buồn buồn mà trong veo, như những hạt sương.

Hành quân từ tối hôm trước, mãi đầu giờ chiều mới lên tới sân Đồn Biên phòng Cô Ba, dỡ hàng từ 2 chiếc xe tải và lại chọn những đồ của điểm Trường chính, đã phân loại - xếp hàng và ghi chú rõ ràng, bởi mấy thầy cô ngập ngừng: "Toàn thể học sinh ngồi đợi chia quà từ sáng, cuối ngày bắt đầu lạnh thêm rồi, các anh ạ!"...

Tất tả kéo nhau thồ vác hàng sang Trường chính, vừa ngược lên con dốc, đã thấy bọn lít nhít phong phanh quần áo, chân dép loẹt quẹt reo lên à à đón mừng và túa hết ra, đứng nhìn thèm thuồng, cách xa đống hàng, nhìn ngoan ơi là ngoan.

Bọn trẻ con miền núi xa xôi là vậy đấy, thích lắm - thèm lắm, nhưng chẳng có chuyện xán đến sờ mó, bắt chuyện như ở những nơi có nhiều khách đến, quen rồi thành... dạn dĩ chuyên nghiệp khác.

Với bọn lít nhít Cô Ba, điều này lại càng không có bởi ngay đến cha mẹ chúng, bao năm nay, lần đầu tiên mới có 1 Đoàn vượt núi, băng sông đi gần 700km lên trao toàn những thứ xanh đỏ, mới cứng thế này...

Tuần tự trao quà cho chúng nó theo lớp, theo tuổi, theo giới tính. Hôm nay, ai cũng tất tả mặc áo, đi ủng, phát bánh kẹo cho từng đứa bởi thời tiết càng về chiều càng lạnh.

Thương vô cùng bởi chả đứa nào biết xỏ áo 3 lớp lùng thùng, lập cập mãi không kéo được khóa và nhiều đứa cứ "đánh vật" luồn chân đất vào đôi ủng mới mãi với xong, vừa lệnh cệnh đi ủng mới vừa ôm dép rách khư khư, tiếc nuối.

Rưng rưng khi thấy bọn chúng loay hoay mãi chả bóc được lớp giấy bóng kính bọc ngoài chiếc kẹo - miếng bánh và có đứa khóc òa khi... bất lực, mắt vẫn một màu lóng lánh nước mắt trong.

Các cô giáo kể: Đường đi học của chúng xa lắm, đứa trên núi xuống - đứa thung lũng lên, quãng đường đi có khi dài bằng vài tiết học nên dậy từ sớm, về chập tối là bình thường.

Cứ trước mỗi mùa rét, các thầy cô lại bảo nhau huy động người thân, xin quần áo cũ, cất trong lớp làm "cơ số dự phòng", đứa nào thiếu áo - đường xa - gặp sương mưa, sẽ lấy ra ủ ấm cho chúng và lúc nào cũng dặn "xong trả lại để ủ bạn khác", nhưng chả khi nào chúng trả, bởi cũng phải san sẻ manh áo đó cho anh cho chị cho em ở nhà.

Quỳnh - Giáo viên Tiểu học, người Tuyên Quang, đã lên công tác được 3 năm ở Cô Ba lắc đầu: "Mỗi chiếc áo - đôi ủng này sẽ được... dùng chung cho cả mấy anh chị em trong gia đình. Có khi còn được để dành, đợi dịp Tết mới mang ra mặc!" và nhẹ giọng hỏi mình: "Khi nào các anh chị lên lại, cho tụi em xin thêm mỗi trường vài chiếc áo - đôi ủng, để dành cho bọn trẻ không có điều kiện đi học nhé!".

Thì ra bên cạnh những niềm vui rất thực của bọn trẻ con đang cười rất tươi, má rất đỏ và môi rất hồng vì áo ấm này, vẫn còn những đứa khác chưa thể đến trường, đang đợi chờ ở từng cánh rừng vách núi, từng manh áo ấm từng viên kẹo ngọt.

Vất vả thế này, thảo nào cứ thấy lóng lánh mắt tròn, ở khắp Cô Ba...
--------------------------------------------------------------------
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRẺ EM XÃ BIÊN GIỚI CÔ BA (BẢO LẠC, CAO BẰNG) NHẬN ĐỒ ẤM CỦA CHƯƠNG TRÌNH "ÁO ẤM BIÊN CƯƠNG" (6-9/12/2012).
 

5 nhận xét:

  1. khi toi doc xong va nhjn nhung tam hjnh cac be chup,tu nhjen toi roi nuoc mat...

    Trả lờiXóa
  2. thấy thương các cháu quá A Hải ơi! Cám ơn các anh chi Áo ấm Biên Cương

    Trả lờiXóa
  3. Cầu chúc có thật nhiều câu chuyện thế này. Yêu quá những "Mặt trời bé thơ"

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn mọi người đã san sẻ tình cảm với những em nhỏ ở vùng biên

    Trả lờiXóa