29 tháng 9, 2013

MỘT TẤM BIA TƯỞNG NIỆM, TRÊN ĐỈNH SÌ LỜ LẦU

Mai Thanh Hải - Nói đến Sì Lờ Lầu (huyện Phong Thổ, Lai Châu) bây giờ, khối người ở Lai Châu cũng chỉ... loáng thoáng: "Đó là xã vùng cao biên giới, xa xôi và cao nhất địa đầu".

Rất ít người biết Sì Lờ Lầu xã vùng cao biên giới (giáp với huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), có đường biên giới dài 24,583 km (biên giới đường bộ 14,269 km; biên giới đường suối 10,583 km). Diện tích tự nhiên 4.794,92 ha (trong đó đất Nông nghiệp 351 ha). Dân số 614 hộ (3.673 khẩu), với 99% dân tộc Dao.

Và cũng rất ít người biết:

Sáng sớm ngày 17/2/1979, cùng với lực lượng hùng hậu ở các hướng dọc biên giới phía Bắc, Quân đoàn chủ lực 11 của Trung Quốc bất ngờ nổ súng tấn công Việt Nam và ào ạt nã pháo, xua bộ binh tiêu diệt các đơn vị bộ đội - dân quân tự vệ của ta đang giữ mảnh đất địa đầu Phong Thổ (Lai Châu).

Đối mặt với cả Quân đoàn chủ lực tinh nhuệ của Trung Quốc (biên chế 50.000 lính bộ binh và 1 Trung đoàn pháo binh), phía ta chỉ có một bộ phận của Sư đoàn bộ binh 326 (gồm các Trung đoàn bộ binh 19, 46, 541, Trung đoàn pháo binh 200); Trung đoàn bộ binh 98 (thuộc Sư đoàn Bộ binh 316), một bộ phận của Trung đoàn pháo binh 187, 2 Trung đoàn bộ binh 193 và 741, Tiểu đoàn pháo binh của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu.

Hướng tấn công vào Lai Châu của lính TQ, năm 1979 là Sì Lờ Lầu .

Đặc biệt, những tiếng súng đầu tiên đánh trả, kìm chân, làm chậm bước tiến của quân bành trướng xâm lược, tạo điều kiện cho các đơn vị bộ đội chủ lực dàn thế trận, đánh trả "biển người" xâm lăng, chính là các đơn vị Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), Bộ đội địa phương huyện và dân quân ở các bản làng, tự vệ lâm nông trường - cơ quan Nhà nước...

Tại Lai Châu, tiếng súng đánh trả đầu tiên, bắn thẳng vào quân xâm lược, trong rạng sáng gần 35 năm về trước trên mảnh đất địa đầu Phong Thổ, Lai Châu là của những cán bộ chiến sĩ Đồn Sì Lờ Lầu (Đồn 1), Công an nhân dân Vũ trang tỉnh Lai Châu (nay là Đồn 289, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu), báo hiệu cho toàn quân toàn dân nổ súng đánh địch.

Lịch sử Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã ghi rõ về Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu (Đồn 289):

"Đồn Sì Lờ Lầu phụ trách đoạn biên giới Việt - Trung, phía bắc dãy núi Hoàng Liên Sơn.

Trong địa bàn có 8 xã, với 9 dân tộc ít người, thuộc huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, sáng 17/2/1979, địch có pháo yểm trợ tấn công Đồn.

Đồn Sì Lờ Lầu ngoan cường chiến đấu, đánh trả quyết liệt, diệt nhiều tên địch, đẩy lui các đợt tấn công của chúng.

Cùng ngày, tổ công tác cơ sở của Đồn đã phối hợp với 1 Trung đội dân quân của hai xã Si Lờ Lầu và Vàng Ma Chải liên tục chặn đánh địch, diệt 45 tên, phá tan âm mưu của chúng định cấu kết với bọn phản động địa phương gây bạo loạn.

Ngày 6/3/1979, đồn đã phối hợp với đơn vị bạn chiến đấu, đánh trả quyết liệt 1 Trung đoàn địch ở khu vực Dào San, đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của chúng, diệt 100 tên.

Đơn vị đã kịp thời tổ chức lực lượng luồn sau lưng địch, hợp đồng chặt chẽ với các lực lượng địa phương trấn áp bọn phản động, diệt 5 tên, giữ được địa bàn, bảo vệ được dân.

Đơn vị đã diệt và làm bị thương nhiều tên, thu nhiều vũ khí.

Đơn vị 3 năm liền là Đơn vị Quyết thắng, được tặng thưởng Huân chương Chiến công.

Ngày 19/12/1979, Đồn 1 (Si Lờ Lầu) Công an nhân dân Vũ trang tỉnh Lai Châu được Chủ tịch nước CHXHCNVN tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân"...

Thế nhưng, có 1 điều mà Bản Báo cáo thành tích phong đơn vị Anh hùng cho Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu, không nhắc công khai, đó là:

Ngay trong những ngày đầu tiên đánh trả quân xâm lược, bảo vệ biên cương, bảo vệ Đồn và địa bàn phụ trách đó, những cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu đã bắn đến viên đạn cuối cùng, phải dùng đến lưỡi lê - báng súng đánh trả địch và tất cả họ, đều ngã xuống.

Sau này, khi khởi công xây dựng lại doanh trại mới, trên nền đất cũ, khi đào móng nhà, người ta tìm được rất nhiều hài cốt của những người lính Biên phòng, đã ngã xuống năm xưa.

Các anh dẫu bị vùi trong chiến hào, bờ tường sập đổ do pháo địch, nhưng vẫn nắm chặt dao găm, báng súng và không ít chiến sĩ đang trong tư thế thọc lê vào họng bộ hài cốt nằm rũ rượi bên cạnh, đội mũ mềm gắn sao Bát Nhất.

Huyện Phong Thổ, Lai Châu bây giờ có 4 Đồn Biên phòng và cả 4 đều được hưởng Chế độ ưu đãi xã hội dành cho địa bàn đặc biệt khó khăn gian khổ, áp dụng cho Bộ đội Biên phòng. Đó là các Đồn 277 (xã Nậm Xe), Đồn 281 (xã Dào San), Đồn 293 (xã Vàng Ma Chải) và Đồn 289 (xã Sì Lờ Lầu).

Tháng 9 mình lên Sì Lờ Lầu và đây là lần thứ 2, sau 9 năm đã đến.

Sì Lờ Lầu theo tiếng địa phương nghĩa là 12 tầng dốc. Nhìn trên bản đồ rất dễ nhận ra, bởi địa danh này nằm tại đường Vĩ tuyến cao nhất của tỉnh Lai Châu, với 3 mặt có đường biên giới giáp Trung Quốc.

Nằm cách trung tâm tỉnh lỵ gần 100km, song trước năm 2005, để đến được Sì Lờ Lầu, người ta phải đi bộ 40 km từ trung tâm cụm xã biên giới Dào San.

Sau một ngày ròng rã đi bộ và nghỉ qua đêm lấy sức, sáng ra ngửa mặt lên, như nhìn thấy Sì Lờ Lầu ẩn hiện trong mây.

Vượt qua dốc Tả Páo, người khoẻ phải mất 2-3 tiếng đồng hồ vừa đi vừa bò, còn người yếu thì... cả ngày để qua 12 tầng dốc đứng, chạy hình chữ chi với chiều dài trên 5 km, chiều cao tuyệt đối tới trên 600m.

Trước khi có đường cấp phối chạy lên, không ít cán bộ miền xuôi, khi đến Sì Lờ Lầu phải bò qua 12 tầng dốc, có khi kiệt sức nằm giữa đường, chờ người xuống cáng lên.

Nằm ở nơi gian khó bậc nhất Tổ quốc, Đồn Biên phòng 289 được giao phụ trách 2 xã (Sì Lờ Lầu, Ma Ly Chải), với 28,5 km đường biên giới (từ mốc 70 đến mốc 78); riêng xã Sì Lờ Lầu có 6 bản người Dao.

So với các Đồn Biên phòng trong cả nước, Đồn 289 là Đồn Biên phòng nằm gần đường biên giới nhất (từ đơn vị nhìn rõ đường biên, cách địa danh gần nhất của Trung Quốc chỉ khoảng 1km đường chim bay).

Năm 2004, mình lọ mọ cả 1 ngày bằng cả ôtô, xe máy và... đi bộ, mới vượt được 12 tầng dốc, từ Trung tâm cụm xã Dào San lên tới Sì Lờ Lầu.

Đợt này, đường núi sạt lở nên phải lọ mọ xe máy, phi từ tỉnh lỵ Lai Châu và buổi tối phải ngủ lại Đồn Biên phòng Dào San, sáng hôm sau mới đi được tiếp, đúng buổi trưa mới bò lên tới Đồn Sì Lờ Lầu.

Buổi chiều ở Sì Lờ Lầu, cả Đồn Biên phòng ùa ra sân chơi bóng chuyền.

Lạ nỗi, toàn trai tráng sức vóc đấy, nhưng quả bóng không bao giờ đập ra phía sau nhà bếp, nơi có quả đồi cao, nhô lên cây gạo cháy đen, khô khốc như thể bộ xương in trên nền trời cuồn cuộn mây đỏ bầm.

Anh em chỉ huy Đồn bảo: "Đỉnh đồi cao là nơi các chú các anh co cụm đánh trả quân xâm lược đến viên đạn cuối cùng. Cây gạo ấy, bị pháo Trung Quốc xé tướp táp, chết từ những ngày cuối tháng 2/1979 nhưng qua bao năm vẫn không đổ, như thể linh hồn thiêng của những người ngã xuống, nương náu - trú ngụ trong đó!" và kể: Cả Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh lẫn các thế hệ cán bộ chiến sĩ đã - đang canh giữ mảnh đất địa đầu Sì Lờ Lầu, đều mong có khoản kinh phí, để dựng 1 tấm bia đá trên đỉnh đồi cao, ghi tên những người nằm xuống, trong trận đầu đánh trả quân Trung Quốc xâm lược. Cách đây không lâu, một Đoàn các anh chị lên thăm và làm việc với Đồn, biết nguyện vọng anh em Biên phòng, đã bảo nhau đóng góp được 1 khoản để giúp việc xây bia đá tưởng niệm, với đường bê tông lên xuống, lư hương đàng hoàng trang trọng. Nhưng khi lên dự toán, vẫn không thể xây nổi vì... vẫn thiếu tiền!".

Hơn 30 năm trước, hàng trăm người "lính đỏ - lính xanh" đã ngã xuống trong buổi tờ mờ sáng Sì Lờ lầu, giữa mịt mù đạn pháo, bê bết máu xương để ngăn dòng quân Trung Quốc xâm lược.

Những ngày sau của gần 35 năm, cho đến tận bây giờ, còn biết bao nhiêu xương máu - nước mắt - chia ly - gian khó - chịu đựng của những người lính Biên phòng, cán bộ tăng cường cắm bản... đã đổ xuống địa đầu Phong Thổ, để giữ đất, giữ dân và sự toàn vẹn lãnh thổ.

Mình cứ lẩn mẩn: Giá như, trên vùng cực Bắc Sì Lờ Lầu - Phong Thổ, có tấm bia đá, ghi tên những người lính áo xanh đã hy sinh, trong trận đầu bảo vệ biên giới, thì vong linh những liệt sĩ cũng phần nào được an ủi bởi họ không bị lãng quên, để những người dân địa phương, những người khách đến thăm, cảm nhận được rõ nhất khái niệm "gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc"...

Ai cùng chung sự sẻ chia, tưởng nhớ và tri ân, góp 1 nén hương, viên gạch, cân xi măng xây bia tưởng niệm 25 cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu đã hy sinh, xin đồng hành cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu và Chương trình Áo ấm Biên cương, nhé!.

Mọi sự ủng hộ, sẽ được trao tận tay BCH Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu, trong dịp công tác của Áo ấm Biên cương, mang áo ấm lên tặng 1.624 học sinh 3 cấp học của 2 xã Sì Lờ Lầu - Ma Ly Chải (Phong Thổ, Lai Châu) ngày 4-5/10/2013 tới đây.

Tài khoản tiếp nhận ủng hộ, qua Chương trình Áo ấm Biên cương:

Chủ Tài khoản: MAI THANH HAI
Số Tài khoản: 68683388 001 (VND), 68683388 002 (USD), 68683388 003 (EUR)
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong- Chi nhánh Hà Nội
SWIF CODE: TPBVVNVX (dùng cho chuyển tiền từ nước ngoài về).

Tên tài khoản: Bùi Ngọc Quang.
Số tài khoản: 0371003947007.
Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (VCB) TPHCM
Swift code: BFTVVNVX

Đề nghị ghi rõ nội dung chuyển tiền: “Ủng hộ xây bia tưởng niệm Đồn BP 289”.

Xin trân trọng cảm ơn!.
----------------------------
Theo dõi hoạt động và cập nhật ủng hộ: BẤM VÀO ĐÂY và VÀO ĐÂY

4 nhận xét:

  1. Cám ơn nhà báo Mai thanh Hải luôn có những bài viết, hình ảnh rất sâu sắc khơi dậy tình yêu đất nước, biết ơn các liệt sỹ đã ngã xuống và những chiến sỹ, nhân dân biên giới hải đảo chịu bao vất vả thiếu thốn để bảo vệ từng thước đất của Tổ Quốc Việt Nam.

    Ngày mai về Tp. HCM tôi sẽ đóng góp một phần nhỏ bé của mình để xây bia tưởng niệm Đồn BP 289.

    Xin chúc nhà báo và gia đình sức khỏe và mọi điều tốt lành nhất,

    PGS.TS. Nguyễn Phương Tùng
    Viện Khoa học vật liệu ứng dụng-VHL KH&CN VN

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn Mai Thanh Hải!
    Bài viết rất sinh động. Hơn 30 năm rồi mà Biên giới vẫn thiếu thốn và khó khăn quá. Bản thân mình bước ra từ cuộc chiến biên giới năm 1979 ấy. Lúc đó mình là học sinh lớp 3 và vẫn còn nhớ như in những gì của những ngày bắt đầu từ 17/02/1979 trên mảnh đất Lai Châu ấy. Mình có 10 năm sống ở Lai châu nên những cái tên Sì Lở Lầu, Dào San, Ma Li Pho, Ma Li Chải, Ma Lù Thàng... những cái tên mang dấu ấn ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số nhưng lại rất quen thuộc với mình. Những anh chị và bạn bè của anh chị mình là cán bộ văn hoá, giáo dục, công an, thương nghiệp... đã từng có mặt bám trụ trên những địa anh ấy từ trước những năm 1979. Bài viết làm mình sống lại những kỷ niệm với vùng đất Phong Thổ, Lai Châu.Thế hệ bạn bè thời cấp 3 của mình đang giữ những vị trí lãnh đạo của tỉnh này rất nhiều. Phó chủ tịch huyện Phong thổ Vương Văn Lợi là bạn học của mình. Trong chương trình của Hải tại đây, nếu cần sự ủng hộ nào đó của họ thì mình có thể giới thiệu (chỉ là ví dụ thôi) mặc dù biết những hoạt động mang lại lợi ích cộng đồng và có ý nghĩa xã hội lớn như các bạn thì ai ai cũng sẽ ủng hộ mà.
    Chúc Thanh Hải luôn chân cứng đá mềm để có thể đến được nhiều vùng đất đang cần phải lên tiếng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào bạn. Bạn chịu khó đi quá, vậy mới có những trang viết gan ruột như thế. Mình cũng hay đi, nhưng không có sức đi được như bạn, vì mình lớn tuổi rồi. Mình mới chỉ đi đến Si Ma Cai, mà đã thấy thổn thức vì vùng cao lắm. Yêu mến, kính phục họ lắm.

      Xóa
    2. ngày nào cũng vô đọc những bài viết đầy ý nghĩa, dẫu có thật buồn khi thấy dân mình khó khăn tứ bề, mình cũng muốn đi đây đi đó nhưng cơm áo gạo tiền lại .... :(

      Xóa