20 tháng 2, 2012

KỂ VỚI CON VỀ NGÀY 17/2/1979, ĐỂ CHÚNG BIẾT CẢNH GIÁC!..

HAT - Ngày 17/2/1979, chiến tranh Biên giới Việt - Trung nổ ra. Lúc đó, tôi mới 12 tuổi, học lớp 5 ở Thái nguyên. Cuộc tấn công của Trung Quốc vào 6 tỉnh Biên giới phía Bắc có thể bất ngờ với nhiều người, vì trước đó đài báo ít đưa tin, có lẽ chỉ tập trung vào những sự kiện ở Biên giới Tây Nam. Nhưng với tôi thì không bất ngờ.

Cả năm trời trước đó, bố tôi và mấy bác đồng nghiệp của bố ở Nhà máy Gang thép Thái Nguyên hay nói chuyện thời sự, vẻ ai cũng lo lắng đăm chiêu, nói năng khe khẽ khiến tôi chú ý.

Ngồi học góc nhà, tôi giỏng tai nghe chuyện họ nói. Thì toàn những chuyện bọn Tàu cho người tràn qua biên giới bắt, đánh dân mình, những chuyện người Việt gốc Hoa ùn ùn kéo nhau rời khỏi Việt Nam … Và sau sự kiện Lê Đình Chinh bị sát hại tháng 8/1978, các bác bạn bố tôi đều cho rằng không tránh khỏi chiến tranh, đôi lúc họ còn bàn nhau gửi trẻ con về quê ở miền xuôi.

Lúc đó tụi nhỏ chúng tôi hoang mang lắm. Vì ở trường, ngoài những bài học về lịch sử cha ông ta chống quân xâm lược phong kiến phương Bắc, chúng tôi còn được dạy là “Việt Nam – Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông. Chung một biển Đông với tình hữu nghị sáng như rạng Đông”. Không lẽ hai anh em “môi hở răng lạnh” lại cắn xé lẫn nhau?.

Chúng tôi lo Tàu nó đánh thì chạy đi đâu cho thoát, vì Thái Nguyên cách biên giới đâu có xa.

Lúc đó, ký ức của chúng tôi về chiến tranh chỉ là những tiếng còi báo động máy bay Mỹ ném bom năm 1972, những lần chui xuống hầm trú ẩn, tiếng bom nổ rền phía Nhà máy Gang Thép, ánh chớp đạn pháo cao xạ … chứ chúng tôi chưa nhìn thấy trực tiếp cảnh súng ống bắn giết bao giờ. Một nỗi sợ mơ hồ của con trẻ.

Nhưng những sự việc xảy ra cứ làm nỗi lo lắng tăng thêm. Đầu tiên là khu Nhà khách dành riêng cho chuyên gia Trung quốc làm tại nhà máy Gang thép mọi khi vốn đông người tự nhiên một hôm vắng như chùa Bà Đanh. Chuyên gia họ rút hết về nước rồi.

Tiếp đó, hai anh em thằng Kín, thằng Loọc, trạc tuổi và hay đá bóng với bọn tôi sau giờ học, một hôm cũng không thấy đến trường nữa. Mọi người bảo nhà nó gốc Hoa, bỏ về bên ấy rồi.

Từ đầu năm 1979, tình hình đã căng lắm. Bố tôi thường xuyên phải đi tập quân sự. Có lần tập muộn, không kịp trả súng, bố mang về nhà một khẩu súng trường CKC. Lần khác là một khẩu AK mới oách.

Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được nhìn và sờ một khẩu súng thật, mới toanh, chứ không phải những khẩu tiểu liên tôm-xông của Pháp gỉ hoan gỉ hoét mà bọn nhỏ chúng tôi bới được từ bãi thép phế của nhà máy để chơi đánh trận giả. Tại trường, chúng tôi được dạy nhiều hơn về cứu thương, trú ẩn…

Ngày nghỉ, học sinh từ lớp 5 trở lên được điều đi đào công sự trên các đỉnh đồi để bộ đội đặt pháo. Có lần được các chú bộ đội cho ngồi lên mâm pháo cao xạ 37 ly, quay mấy vòng như đu quay, sướng mê tơi.

Rồi chiến tranh nổ ra thật. Cái không khí nặng nề, u uất tự nhiên biến mất. Thay vào đó là sự hăng hái, yêu nước nhiệt thành. Mấy chú trong cơ quan bố mẹ nhập ngũ. Nhiều anh chị học sinh lớp lớn cũng làm đơn xin đi bộ đội. Ngoài đường, loa phóng thanh suốt ngày đưa tin chiến sự, tố cáo bọn Bành trướng Bắc kinh, bá quyền nước lớn (từ anh chuyển sang thằng sao mà nhanh thế!).

Chúng tôi ai cũng thuộc những bài hát hào hùng như “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”, hay tha thiết như “Lena Belikova”.

Trường tôi có một số bạn từ biên giới tản cư về vào học. Lớp tôi có thêm nhỏ Ngọc, nhỏ Đào trước gia đình ở mỏ thiếc Tĩnh Túc. Hai nhỏ hiền khô, cả lớp quý lắm. Cả hai vẫn học cùng chúng tôi cho đến hết lớp 7.

Đánh nhau được ít lâu thì thấy bộ đội giải tù binh về. Cái sân vận động Gang Thép biến thành Trại Tạm giam tù binh Tàu. Bọn nhỏ chúng tôi tò mò tới coi lũ Bành trướng mặt mũi ra sao mà ác thế. Lúc đầu chỉ dám đứng xa thật xa ngó, lâu dần dạn hơn lại gần. Thì thấy chúng cũng như người mình, chỉ khác là mặc quần áo tù. Nhiều thằng mặt còn non choẹt, hiền khô, ngơ ngác.

Mấy chú bộ đội canh trại nói chuyện bọn này phần lớn dân lành, biết gì đâu, lúc bị xua qua biên giới mới biết là đi đánh Việt Nam. Có lúc còn thấy mấy tên tù binh khóc tu tu. Chúng ra hiệu xin thuốc lá. Bộ đội canh thỉnh thoảng cũng cho, chỉ là mấy điếu thuốc vê giấy báo. Lính mình nghèo.

Thế mới biết giữa những người lính hai bên chiến tuyến vẫn có thể có sự đồng cảm. Tội lỗi là ở bọn chóp bu kia, đem dân lành làm tốt thí cho những tham vọng chính trị.

Tiếp theo là trường tôi tổ chức đi thăm thương binh ở Viện C. Hồi đó nghèo, cả trường chỉ góp được ít trái cây, vài thùng đường, sữa. Nhưng quan trọng là tấm lòng. Vào viện thấy thương binh ta nằm kín, có chỗ 2 người một giường, thương quá. Lại thêm căm thù bọn Bành trướng. Thầy cô thăm hỏi động viên các chú thương binh, còn học sinh tụi tôi hát tặng mấy bài, có bạn đọc thơ.

Rồi cuối cùng cũng hết đánh nhau. Tôi được thay mặt học sinh cả trường đi dự lễ mừng công.

Có chú bộ đội đẹp trai kể chuyện rất có duyên. Mới biết lính chính quy của ta còn ở trong Nam chưa kịp ra. Ngoài này chủ yếu là bộ đội địa phương và dân quân tự vệ tham chiến. Mà bọn Tàu thì đông quá. Bị bắn ngã lớp này, lớp sau lại “tả, tả” xông lên. Bộ đội ta thương vong nhiều quá. Bắn hết cả đạn mà chúng vẫn tiến, các chú ấy phải rời chốt, rồi đến đêm, được tiếp viện, lại xông vào chiếm chốt.

Cuộc chiến qua đi, cuộc sống trở lại với bộn bề lo toan, cơm áo gạo tiền.

Nghèo! Đói!..

Trong lịch sử Việt nam có lẽ không cuộc chiến tranh nào mà người ta (cố tình?) quên nhanh đến thế. Nhưng đó là trên các phương tiện truyền thông.

Còn trong lòng người dân Việt có ai quên “lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương”!..

17/2/2012

Tôi hỏi thử 2 con trai (học THPT và THCS) có biết hôm nay, 17/2, là ngày gì không?. Chúng lắc đầu.

Hỏi có được học gì ở trường về chiến tranh biên giới 1979 không. Cũng không! Chưa bao giờ nghe nói tới!..

Chẳng có cuốn sách giáo khoa Lịch sử nào của Việt Nam nhắc đến sự kiện này, cứ như thể nó chưa từng xảy ra. Tôi không thể hiểu tại sao người ta phải sợ "phạm húy" đến vậy?.

Nói gì thì nói, 33 năm đã trôi qua, lịch sử mãi là lịch sử, không thể viết lại lịch sử. Mà có nhắc đến thì đã sao?.
Năm ngoái tôi đưa con trai đi thăm bảo tàng chứng tích chiến tranh ở Sài Gòn, thấy rùng mình, thấy ghê tởm những tội ác chiến tranh của quân đội Mỹ. Nhưng bây giờ chắc chẳng có mấy người dân Việt Nam coi Mỹ là kẻ thù.

Còn nếu "nước lạ" kia cứ lăm le cướp biển đảo của ta, cứ đòi đào hết tài nguyên khoáng sản của ta ... thì liệu có người Việt Nam bình thường nào coi họ là bạn, dù có những kẻ hèn để họ đục hết bia, đốt hết sách nói về cuộc chiến tranh biên giới 1979, dù có dát đến 16 ngàn chữ vàng...

Tôi phải kể cho các con tôi nghe những điều này, vì đó là lịch sử, đó là sự thật. Không phải để dạy chúng LÒNG HẬN THÙ, mà để dạy chúng BIẾT CẢNH GIÁC.
---------------------------------------------------------------
* MTH đặt lại tiêu đề bài viết và biên tập 1 số đoạn, mong tác giả thông cảm.

15 nhận xét:

  1. Còn nếu "nước lạ" kia cứ lăm le cướp biển đảo của ta, cứ đòi đào hết tài nguyên khoáng sản của ta ... thì liệu có người Việt Nam bình thường nào coi họ là bạn, dù có những kẻ hèn để họ đục hết bia, đốt hết sách nói về cuộc chiến tranh biên giới 1979, dù có dát đến 16 ngàn chữ vàng...

    Đó là chủ trương lớn, Hehe!

    Trả lờiXóa
  2. Mình hoàn toàn đồng tình với bạn, bạn viết thay nỗi lòng của nhiều người đấy Hải ơi, cám ơn bạn !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hi! Hi! Bác cảm ơn bác Tuấn HAT đi, nhà cháu để đường link sống ngay trên đầu đới!

      Xóa
  3. Có một chi tiết nhỏ là hồi 79 vô tuyến hay chiếu cảnh bắt được tù binh tù binh Trung quốc , khi lột quân phục ra có đứa mặc ở trong là mấy cái quần lụa đen vừa cướp được ,thằng thì mấy cái áo con của chị em trên ngực ... lúc đó còn nhỏ nhưng đã thấy căm thù và khinh bỉ bọn nó rồi. Sau này đọc nhiều bài viết về 17/2/1979 không thấy ai nhắc đến chuyện này nữa .

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn cụ nhiều:(

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ối Roài! Cụ chim cũng tìm ra nhà cháu ợ!. Vui quá là vui. Hôm nào làm trận bia chiều vỉa hè, cụ nhá!..

      Xóa
    2. Xin bác cho Kichbu rinh về trang nhà..:)

      Xóa
  5. Đúng quá đi rồi, phải kể cho lớp trẻ biết về những đau thương tang tóc mà "Kẻ Lạ" gây ra cho dân tộc này để chúng cảnh giác.

    Trả lờiXóa
  6. Nhắc đến lại nhớ 79 cả nước sôi sục...mà giờ thì..:(

    Trả lờiXóa
  7. Tôi năm nay 41 tuổi, công tác tại phòng Kỹ thuật một xí nghiệp cơ khí. Chúng tôi thường có 15 phút uống trà buổi sáng cũng là giao ban phòng, sáng thứ Sáu 17/02/2012 nhân khi xé lịch tôi hỏi anh em trong phòng ( đều là các kỹ sư cơ khí)có ai nhớ ngày hôm nay không? Không ai nhớ cả, tôi hỏi trực tiếp 5 người và cố gắng nhắc to để mọi người chú ý nhưng ai cũng lắc đầu, khi tôi gợi ý sự kiện cách đây 33 năm mới có một hai người ồ lên. Sao mọi người không nhớ?

    Trả lờiXóa
  8. Ừ hay nhỉ không có cuộc chiến nào mà "mình" lại nhanh quên như cuộc chiến 17/2/79. Em cũng là lính thời đó mà. Cám ơn bác đã có đôi dòng nhắc nhở con cháu nếu không thì "Chúng nó" quên hết .

    Trả lờiXóa
  9. Ngoài sự cảnh giác với anh bạn xấu bụng này, trong tôi luôn có sự căm thù đối với chúng. Xương máu người Vn đổ xuống không phải để kết bạn với chúng mà để đất nước được toàn vẹn lãnh thổ

    Trả lờiXóa
  10. Em cảm ơn Cụ, em cũng sẽ phải nhắc để hai thằng cu nhà biết thế nào là Căm thù và Cảnh giác với bọn người gian manh này.

    Trả lờiXóa
  11. tôi là một người lính thuộc đoàn Kiên cường bọ đội địa phương của thị xã Lao cai!tôi rất cảm động khi đọc những bài của Mai thanh Hải viết về cuộc chiến bảo vệ biên giới.Dù bây giờ tôi không còn ở Lao cai nữa nhưng mỗi khi lên nghĩa trang để thắp hương cho đồng đội đã hy sinh, tôi thấy tiéc cho sự hy sinh của họ.Cho tôi được bày tỏ sự khâm phục tới Mai thanh Hải

    Trả lờiXóa
  12. Bố mình cũng tham gia chiến tranh biên giới và may mắn trở về
    Nhưng chả có gì khác.
    Bố kể Trung Quốc nó đẩy người sang bắn đỏ nòng súng không hết
    Phải "đái" vào súng cho nó nguội rồi bắn tiếp
    Nghe mà cứ như phim ý
    Lịch sử mình học cũng ko nhắc tới cuộc chiến này

    Trả lờiXóa