28 tháng 8, 2011

XIN CÁC ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG, NGƯỜI SAPA - LÀO CAI!..

Các cháu bé người Mông ngồi bệt ăn xin, ngủ gật giữa trời mưa, trước cửa Công an Thị trấn Sa Pa (Lào Cai)
Mai Thanh Hải Blog - Mình đã sững sờ khi chứng kiến cảnh những em bé người Mông từ mấy tháng tuổi cho đến 5-10 tuổi vác rá, mang mũ ngồi bệt ven những con đường Thị trấn Du lịch Sa Pa (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai), có nhiều khách du lịch ngang qua, để ăn xin. Đợt trước, cách vài tháng mình công tác Lai Châu và có rẽ qua Sa Pa, nhưng chỉ thấy các em lẵng nhẵng "mai phục", "bao vây" du khách, nài nỉ bán vòng tay, mũ đội đầu lưu niệm, như đã diễn ra bao năm nay. Vậy mà trước năm học này, các em lại...
Ven đường cạnh Nhà thờ đá Sa Pa, đoạn lên Khu Du lịch Hàm Rồng

Không chỉ ngồi bệt, chìa tay, mũ, rá xin tiền ở ven đường, các em còn chịu khó leo lên tận Cổng Trời, Sân Mây trên Khu Sinh thái Hàm Rồng, đứng bên lèn đá, co ro dưới mưa lạnh, ngáp mây, đợi du khách đến gần, thò đầu ra xin tiền, khiến không ít người giật thót, suýt ngã...

Rời Sa Pa về Hà Nội, mình đã tìm đọc nhiều, hỏi nhiều và hết thảy đều nhận được câu trả lời: "Chưa sách vở nào viết, chưa nghe người nào kể đến chuyện này", "Trong Lịch sử và phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc miền núi Việt Nam, không có dân tộc nào có nét sinh hoạt... xin ăn"...

Miền núi khó khăn, vất vả nhưng người dân, bao năm qua bám vào nương rẫy, núi rừng để ít nhất, mất mùa ngô lúa, cũng còn khóm măng, củ mài, quả dứa chặt, đào trong rừng, về ăn cầm hơi qua ngày;
Chờ đợi vận may, mặc cho trời mưa to

Đồng bào dân tộc, từ bao năm nay cũng còn giữ nguyên thói quen tương trợ, giúp đỡ, "tối lửa tắt đèn" có nhau (ở địa bàn rừng núi, nhà cửa thưa thớt, có khi mỗi nhà 1 ngọn núi, không lửa đèn cùng nhau, sống sao nổi trước thiên nhiên, thú dữ và sự cô độc; đó là chưa kể đến việc các gia đình trong bản, phần lớn đều có quan hệ huyết thống và việc giúp nhau trong cuộc sống hàng ngày là lẽ đương nhiên)...

Mình cứ lẩn mẩn: Ngày 8/11/1946, Bộ đội ta đánh tan Quân Quốc Dân đảng, giải phóng Sa Pa lần thứ nhất; ngày 3/11/1950, ta giải phóng Sa Pa lần 2 và từ đó, chính thức Sa Pa nằm dưới sự quản lý của những người Cộng sản... Vậy mà hơn 60 năm sau ngày giải phóng, những em bé người dân tộc Mông, có lẽ lần đầu tiên trong sự phát triển của tộc người, từ cuối Thời kỳ Băng hà, đã vác rá ra ngồi ven đường xin ăn - Hình ảnh mà ngay ở những vùng, có "truyền thống ăn xin", ở nhiều phố - chợ, tại các huyện - tỉnh miền xuôi, cũng bị xóa bỏ, từ rất lâu, hàng mấy chục năm nay...
Đứa mũ, đứa rổ và đứa... đổi chỗ

Chứng kiến cảnh các em xin ăn du khách trong và ngoài nước, từ mọi nơi đến ngắm cảnh, trải nghiệm Sa Pa - Vùng Du lịch của Việt Nam, nổi tiếng trên toàn thế giới, mình thực sự xấu hổ. Càng xấu hổ hơn nữa, khi hỏi chuyện "Sao chính quyền không ngăn chặn tình trạng này?", những người dân Sa Pa bán hàng chỉ tay lên những chiếc loa phóng thanh, treo đầy Thị trấn, thi thoảng lại dõng dạc phát đi cái gọi là "Những điều du khách đến Sa Pa cần chú ý", trong đó có câu: "Du khách không cho tiền các cháu bé, để tạo điều kiện cho các cháu cắp sách đến trường"... và bảo mình: "Họ ngăn chặn đấy!".

Ở Trung tâm Thị trấn Sa Pa, ngay giữa Vườn hoa Trung tâm, người ta dựng 1 tấm bia đá to đùng, trên đó có chép lại nguyên văn "Thư Bác Hồ gửi các cháu Nhi đồng Sa Pa", ngày 19/11/1946.

Trước tấm bia đó, ngay kề Trung tâm Hành chính của huyện Sa Pa, người ta cũng mới dựng 1 tấm pano to đùng, xanh đỏ sặc sỡ rất bắt mắt với khẩu hiệu: "Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Sa Pa quyết tâm thực hiện tốt cuộc Vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Phía trên dòng chữ, Cờ Đảng và cờ Tổ quốc ngạo nghễ tung bay; Bác Hồ râu tóc bạc phơ, hiền từ nhìn các em bé...
Thư Bác Hồ gửi các cháu Nhi đồng Sa Pa


Lẩn mẩn: Chả mấy huyện trong cả nước, được như Sa Pa, bởi có Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng Khóa XI, tên Hầu A Lềnh đã giữ chức Bí thư Huyện ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai, từ cách đây mấy năm, vẫn đang độ "tuổi trẻ - tài cao", chưa đến 40 và hình như Bí thư Lềnh cũng người Mông ta?..

Cứ lẩn mẩn: Các dân tộc trên toàn quốc đang "ghen tỵ" với người Mông, bởi người Mông có chính khách Giàng Seo Phử, mang dòng máu người Mông và sinh ra lớn lên ở ngay Bắc Hà, Lào Cai, hiện là Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng. Bộ trưởng Phử người Mông đã từng trải qua các chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và là Đại biểu Quốc hội Khóa XI, XII...

Và lại lẩn mẩn: Tân Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (Bộ quyền thế và to nhất các Bộ) Bùi Quang Vinh khóa 2011-2016, cũng là Ủy viên BCH Trung ương Đảng và cũng gắn bó với Lào Cai hơn 35 năm, mới chân ướt chân ráo rời "mảnh đất người Mông" từ ghế Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai...
Quyết tâm học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác

Mình biết: Học tập Bác khó lắm; học tập Bác tình yêu thương đồng bào còn khó hơn. Thế nhưng, xin các Ủy viên Trung ương người Lào Cai, hãy cố học Bác một lần thôi: Hãy thương những cháu bé người Mông đang xin ăn ven đường phố du lịch Sa Pa, ngay trước mắt bàn dân thiên hạ, khách trong và ngoài nước; để các cháu được yên tâm đi học chăm ngoan, như Bác Hồ đã dặn từ gần 60 năm trước; giúp các cháu không phải lo cơm áo gạo tiền, khi chỉ vài ba tuổi... Quan trọng nhất, là để một dân tộc lớn như dân tộc Mông, giữ được bản sắc, phong tục truyền thống và cùng đoàn kết dưới mái nhà Việt Nam, theo câu nói quen thuộc "54 dân tộc anh em quây quần!".
--------------------------------------------------------------------

HÌNH ẢNH MỘT SỐ CHÁU BÉ NGƯỜI MÔNG, ĂN XIN TRÊN ĐƯỜNG PHỐ SAPA

Ven đường cạnh Nhà thờ đá Sa Pa


Em bé này mới 5 tuổi   
2 chị em và 1 bạn, trước cửa Trụ sở Công an Thị trấn Sa Pa


Ngồi sau xe hơi đắt tiền, cũng không che khỏi ướt mưa


Em ngủ, chị ngủ và... bạn hàng xóm cũng ngủ

Công trình đá đặt tấm bia ghi thư Bác Hồ gửi Nhi đồng Sa Pa

Nội dung Thư

Pano áp phích cách đó không xa

23 nhận xét:

  1. Chú Hải ơi cháu không cầm được nước mắt khi nhìn thấy bức ảnh và đọc lời chữ viết: "Xin!" Cái từ này thực sự đau quá. Trong lịch sử Việt Nam, cháu nhớ không chỉ Bác mà rất nhiều vua chúa trong các triều đại phong kiến đều quan tâm đến cuộc sống người dân nơi biên giới. Nếu mà cuộc sống của họ không được bảo đảm thì làm sao bảo vệ được cửa ngõ của đất nước.

    Trả lờiXóa
  2. Đau lòng không bút mực, lời nào tả cho xiết.
    (Chắc họ lại bảo "THẾ LỰC THÙ ĐỊCH XÚI RA ĐẤY").
    ĐAU!ĐAU!ĐAU!

    Trả lờiXóa
  3. Mình chỉ sợ ông Bùi Quang Vinh về Hà nội cũng... ngủ, cũng... gật, cũng... xin như những “đồng bào” của ông trên Lao Cai thì không chỉ bỏ mẹ cho cái Bộ Kế hoạch và đầu tư “của” ông mà là bỏ mẹ cho cả cái Tổ quốc này.

    Trả lờiXóa
  4. "Bao năm giải phóng như thế này phải không anh"
    Vì đâu nên nỗi bác Thanh Hải ơi! Thật xót xa quá
    ỗi bác Thanh Hải ơi! Thật xót xa quá

    Trả lờiXóa
  5. chỗ đó là ngay chân ks Hàm Rồng anh ạ, em năm ngoái ở đó 7 tháng trời thi công dự án..lúc đó chưa thấy em bé ăn mày, còn người lớn thì có rồi

    Trả lờiXóa
  6. Thật đau lòng. Chắc các đồng chí Trung ương đang bận họp.

    Trả lờiXóa
  7. Những hình ảnh ở các khu du lịch trên miền núi không phải là hiếm. Người dưới xuôi thường làm chủ các cơ sơ kinh tế, dịch vụ chủ chốt. Đẩy người bản xứ ra rìa, chỉ được hưởng chút cơm thừa canh cặn.

    Nhìn ảnh mà thấy thương mấy cháu nhỏ quá bác Hải ạ!

    Trả lờiXóa
  8. Tôi đọc và muốn khóc khi thấy những hình ảnh kèm theo bài viết.Thật khó tin nhưng những hình ảnh không biết nói dối.Cứ như tác giả dẩn ngược về miền quá khứ của 1 thời xa xăm nào đó , chứ không phải của ngày hôm nay . Cảm ơn tác giả đã gióng lên 1 tiếng chuông ...

    Trả lờiXóa
  9. Tớ nghĩ là cái nghề này nó được du nhập từ Quảng Thái, Quảng Xương Thanh Hóa ra đấy. Đang uống cà phê và quyết định rinh cái này về nhà dù hôm nay có ý định viết về ông nghị rau muống và học đại...

    Trả lờiXóa
  10. Ông Vinh đã có dự định xây cho vợ một bệnh viện tư thật to ở LC(Để chăm sóc các em này?), nhưng sau lại được về HN, chắc còn đang bận kê khai tài sản, rồi ông sẽ xây sau. Yên tâm đi!

    Trả lờiXóa
  11. Có thật không đấy? vo lý quá, không tin nổi.

    Trả lờiXóa
  12. các bác chớ hiểu sai nhé ,những hình ảnh trên là do bọn diễn biến hòa bình và các thế lực thù địch tạo ra,chứ đảng bộ Lào cai chúng tôi thao thức đêm trường để đưa nhân dân Lào cai sau 60 năm tiến lên tươi đẹp như ngày hôm nay đấy

    Trả lờiXóa
  13. Ăn xin mà các cháu ăn mặc đẹp quá. Cái này chắc cũng là một nét văn hóa độc đáo của Sapa đây mà. Nói thật những thành phần này mình nhìn không có cảm tình cũng không động lòng trắc ẩn.Bởi lẽ chưa chắc gia đình chúng đã đói nghèo đến mức phải để chúng đi xin ăn, mà do ý thức lười biếng, không chịu lao động của bố mẹ chúng, đẩy chúng ra đường kiếm tiền. Kẻ đáng trách là bố mẹ các cháu, chứ đừng đổ trách nhiệm hết cho chính quyền. Thử cho các vị lên đó lãnh đạo xem có ngăn chặn được tệ nạn xấu hổ ấy không hỡi "các ông nghị bàn phím"

    Trả lờiXóa
  14. http://baodientu.chinhphu.vn/Home/Dap-ung-nguyen-vong-tha-thiet-cua-dong-bao-DTTS/20105/30910.vgp

    Trả lờiXóa
  15. Các bác bình tĩnh, đã có Đảng và Nhà nước lo !!

    Trả lờiXóa
  16. Thật đau xót quá, trước cách đây 3 năm, em với vợ có làm chuyến lên Sapa, mới chỉ thấy bán đồ lưu niệm thôi, xe ôm,... rồi thổ cẩm. Giờ lại còn ra thế này, ngủ gật ăn xin. Các bác nhà ta thì gật gù trong hội nghị, mắt thì rảo hoảnh nhưng lòng thì cũng ngủ gật rồi. Vô cảm trước nỗi đau đồng loại. Thật ác quá thay...! Ôi than ôi

    Trả lờiXóa
  17. Thật là đau xót khi thấy cảnh các em ăn xin giữa trời mưa như vậy và cũng giật mình, ông Bùi Quang Vinh lãnh đạo trên Lào Cai còn để đồng bào Mông và các cháu như vậy, về Trung ương, ông lãnh đạo 1 Bộ quan trọng như thế nào đây?

    Trả lờiXóa
  18. Bạn nặc danh lúc 16h56-28-8 viết rằng :"Chưa chắc gia đình chúng đã đói nghèo...Mà do bố mẹ chúng ko. chịu lao động.." Vậy bố mẹ chúng, bạn đã chắc chắn biết rõ là những ai, bao nhiêu hộ ?mức sống họ ra sao ko.? Mà họ lại đang tâm đày ải con họ vất vưởng mưa nắng đến thế kia ? Bạn có biết "các cháu ăn mặc đẹp quá" kia có bao bộ quần áo 1 năm ? và chúng ĐANG MƠ GÌ ? khi ngày ngày vất vưởng ngủ trong mưa rét ? Tôi cũng sẽ "ko. động lòng trắc ẩn gì" khi chỉ là Giá áo túi cơm, chỉ nhìn thấy "mặc đẹp quá" là "nét văn hóa độc đáo"...trong hàng chục cái thủy điện hoành tráng vừa phải vội xóa ở SaPa và v.v..?

    Trả lờiXóa
  19. Em đồng ý với y kiến của bác Nặc danh 12h13 - 29-8
    Lại có kẻ ngồi đấy ra giọng thách thức, cái thực tế nó phơi bày trước mắt. Suốt ngày họp với hội thảo...Cuối cùng cũng chẳng được gì...

    Trả lờiXóa
  20. Nhà cháu chỉ đưa lên những hình ảnh thật và khẩn cầu lo cho các cháu vì sắp đến ngày chúng khai giảng năm học. Bác nào thấy động chạm thì xin mời đứng ra 1 bên, đừng ném đá vào trẻ con. Như vậy là làm điều ác và ông Trời không tha đâu!..

    Trả lờiXóa
  21. Cảm ơn anh Mai Thanh Hải vì đã có một bài viết cảm động. Tôi là một người dân Lào Cai, đã đi Sapa khoảng 15 lần từ nhỏ tới giờ và công nhận là những hình ảnh này thật "mới mẻ". Nhưng anh Hải và các anh chị khác đã comment ở đây nếu thực sự thương xót họ và có ý kiến đóng góp thì hãy cho vài cao kiến làm thế nào để giúp cho những em bé này được tới trường học, những người dân tộc bớt đói nghèo? Nếu ở cương vị những người lãnh đạo các anh chị sẽ làm gì? Hay là họ nên từ chức hết đi? Bao nhiêu trường học và giáo viên tình nguyện đi dạy cho các em bé, vận động các em đi học mà trường học vẫn vắng hoe các anh chị có nắm được ko? Đồng ý rằng VN còn nhiều thứ phải thay đổi, nhưng tôi tin rằng nếu những người giỏi giang và có tấm lòng như các anh chị có những bài viết đi kèm giải pháp cụ thể mang tính đóng góp chắc VN và Sapa sẽ sớm thoát khỏi cảnh này. Tự nhiên làm tôi nhớ những bài luận văn tốt nghiệp ngày xưa, cứ đến phần giải pháp, kiến nghị là tắc tịt, chỉ phần phê phán là hoành tráng thôi!

    Trả lờiXóa
  22. Một người con của thành phố Lao Cai19:42:00 25 thg 9, 2011

    Gửi Anh Mai Thanh Hải!

    Bài viết của anh về các bé H’mong làm tôi xúc động. Tôi cũng là một người con của Lao Cai tôi thấy thật áy náy khi mình bất lực trước cảnh xót xa của các em ở lứa tuổi:

    “Trẻ em như búp trên cành
    Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan”

    Câu tiếp của bài thơ Bác Hồ viết “Chẳng may vận nước gian nan” nhưng bây giờ là năm 2011 tức là sau 70 năm Bác viết bài thơ “Kêu gọi thiếu niên”, sau 66 năm chế độ dân chủ cộng hòa trẻ em ở nhiều nơi nhiều vùng trên đất nước ta vẫn phải:

    “Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng
    Học hành giáo dục đã không
    Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa
    Sức còn yếu, tuổi còn thơ
    Mà đã khó nhọc cũng như người già”

    Câu hỏi và hành động nên để cho những người “đầy tớ của dân” trả lời chứ chúng ta là thứ “thảo dân” cũng chẳng có cao kiến gì, mà nếu có cao kiến gì chắc gì họ đã nghe. Chẳng hạn bớt đi những tượng đài hoành tráng, bớt đi sự xa hoa lãng phí như cái lễ hội “Ngàn năm Thăng Long” năm ngoái, bớt đi-loại trừ đi những con sâu phá hoại nền kinh tế như vụ Vinashin, bớt đi những công trình chưa cần thiết như dự án “Tàu cao tốc Bắc Nam”. Chắc chắn sẽ có nhiều hơn trường học cho trẻ em vùng sâu vùng xa, sẽ giảm tải được các bệnh nhân nằm hai ba người chen chúc một gường trong bệnh viện. Tôi không đồng tình ý kiến của bạn “Nặc danh 12:07” đòi hỏi chúng ta phải có “những giải pháp cụ thể mang tính đóng góp”. Nhà báo là người hướng dẫn dư luận chứ không phải là người hoạch định chính sách. Còn nếu muốn đóng góp xin hỏi họ có nghe không mà đòi đóng góp?!

    P/s Cũng xin méch với Anh trong chính phủ hiện nay còn có thêm:

    Ông Nguyễn Bắc Son Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, cựu học sinh trường cấp ba Phố Lu (huyện Bảo Thắng).

    Ông Nghiêm Vũ Khải Thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường, cựu học sinh trường cấp ba thị xã Lao Cai.

    Cám ơn anh đã đọc cái còm này!

    Trả lờiXóa
  23. Lào Cai ta hoành tránh nhỉ có đến ba ông Bộ trưởng, một ông thứ trưởng chắc là dân Lao Cai ta theo cái lý của người H'mong ta thế nào cũng được nhờ

    Trả lờiXóa