4 tháng 5, 2011

"TƯỜNG THUẬT TỪ... HOÀNG SA"

Ông Hồ Cương Quyết tại Triển lãm ảnh về Lý Sơn
Mai Thanh Hải Blog - Cách đây hơn 1 tuần (ngày 26-4-2011), mình nhận được email của bác Andre Menras Hồ Cương Quyết, hẹn gặp nói chuyện, nhân dịp người Pháp mang quốc tịch Việt Nam này tranh thủ ra Hà Nội giải quyết công việc (trong đó có việc gặp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết để phản ánh một số vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương). Sáng hôm sau, mình và bác Hồ Cương Quyết ngồi uống cà phê ngoài vỉa hè phố Châu Long, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Trong ồn ào tiếng xe cộ, hàng rong, những câu tiếng Việt lõm bõm không dấu, chầm chậm của người Pháp cao tuổi nhưng rất nhiệt huyết đóng góp cho sự phát triển - tồn tại của Tổ quốc Việt Nam, mình cứ vẩn vơ mãi về câu chuyện người Pháp mang quốc tịch Việt Nam Hồ Cương Quyết lọ mọ ra tận Lý Sơn (Quảng Ngãi), bỏ tiền túi định theo tàu đánh cá ra khu vực quần đảo Hoàng Sa. Mặc dù ý định của người Pháp - Việt Hồ Cương Quyết ngay lập tức bị "cơ quan chức năng" ở địa phương phát hiện và chuyến đi của công dân Hồ Cương Quyết bị "ngăn chặn", nhưng cho đến bây giờ, người Pháp mang quốc tịch Việt 70 tuổi này vẫn không nguôi nuôi chí ra với Hoàng Sa...
Đẩy xuồng chở khách khỏi đảo An Bang, ra tàu vận tải

Câu chuyện về Trường Sa - Hoàng Sa là câu chuyện còn rất dài và... bí ẩn. Nếu như trước đây, việc tuyên truyền về 2 quần đảo này luôn chỉ ở trong chừng mực nào đó và người ta sẵn sàng bật đèn đỏ để phanh lại những bài viết, chủ đề đi lạc khỏi lối mòn cũ kỹ "cuộc sống vui khỏe, đầy đủ và tinh thần huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của bộ đội Trường Sa". Thì hiện nay, việc tuyên truyền đã được bật đèn xanh với tinh thần thoải mái. Chẳng thế mà dịp từ tháng 3 đến tháng 5-2011 này, có tới gần 20 đoàn công tác ra "thăm và làm việc với quần đảo Trường Sa", đoàn nào cũng lốc nhốc phóng viên các báo đài đi theo. Kết thúc chuyến công tác, tin bài về Trường Sa đăng rầm rầm, phản ánh mọi chuyện lớn nhỏ ngoài đảo. Nhiều đến mức người đọc - nghe - xem cũng phát chán, kiểu như bị... bội thực (đói mãi, nay được bữa no) và cánh phóng viên cũng không giấu nổi thất vọng: "Quanh đi quẩn lại, chẳng có gì mới để... viết".

Việc "lúc mở toang, khi đóng chặt", khi tuyên truyền "phổ cập tình hình, kiến thức về Hoàng Sa - Trường Sa" là cách làm mang đầy tính "chọc lỗ, bỏ hạt" khi đem so sánh với ý thức dân tộc, sự hiểu biết vấn đề biển đảo của người Pháp, mới được nhập quốc tịch Việt Nam Hồ Cương Quyết nay đã 70 tuổi, thi thoảng mới lọ mọ từ Pháp sang thăm lại Việt Nam.
"Ngày 25-7=1970, Andre Marcel Menras (giáo viên tiểu học, lúc đó 25 tuổi) và người bạn Jean Pierre Debris (Giáo sư Toán học) đến Sài Gòn theo chương trình "Thanh niên Pháp đi làm nhiệm vụ hợp tác quốc tế" đã leo lên đầu tượng lính thủy quân lục chiến chế độ Sài Gòn trước mặt Hạ viện Sài Gòn (nay là Nhà hát lớn) phất cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, rải truyền đơn kêu gọi hoà bình. Ngay sau đó, chính quyền Sài Gòn đã bắt, giam cầm hai người gần 3 năm trong khám Chí Hoà và ngày 1-1-1973 họ được thả, bị trục xuất ngay về Pháp. "Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn, chúng tôi tố cáo" - cuốn sách cả 2 viết trong 11 ngày được xuất bản tại Pháp tháng 5-1973, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Tại Việt Nam, NXB Văn Nghệ Giải Phóng ấn hành tháng 9-1974 qua bản dịch của Nguyễn Vĩnh và Thu Hà; năm 2003, NXB Trẻ in lại, bổ sung thêm phần Phụ lục"..
Đoàn công tác ra thăm đảo chìm Trường Sa (cuối tháng 4-2011)
Rõ ràng, cách tuyên truyền về biển đảo (nhất là vấn đề chủ quyền tại Hoàng Sa - Trường Sa) cần phải được đổi mới, thiết thực. Việc tuyên truyền, nâng cao ý thức - hiểu biết cho người dân không chỉ hoành tráng, rầm rộ như tổ chức thi cử, trao giải và viết bài - chụp ảnh theo thời vụ, khi  lên khi xuống mà cọn cụ thể ở cả cách làm, thể loại và hướng đến từng đối tượng cụ thể. Tuyên truyền không nhất thiết phải "đao to búa lớn" tầm vĩ mô mà có thể như câu chuyện của Nhà báo Trần Đăng (Phóng viên Thường trú Báo Lao động tại Quảng Ngãi), với góc nhìn hài nhưng rất thấm thía và... cụ thể.
-----------------------------------------------------------------
TƯỜNG THUẬT TỪ HOÀNG SA

Ở quần đảo Hoàng Sa có một hòn đảo tên là Đu Can. Đảo này đang bị Trung Quốc chiếm giữ mà sao tên lại không giống tiếng Tàu không biết nữa?.

Rạng sáng ngày 6.5.2009, tàu của anh Nhân quê Lý Sơn (Quảng Ngãi) cùng 11 thuyền viên chạy trốn bão số 1, định tấp vô hòn đảo này thì lính Trung Quốc giương súng lên bắn cảnh cáo. Chiếc tàu anh Nhân đành đứng im như trời trồng, tất cả 11 thuyền viên đều đồng thanh hô: "Mao Xụ xị vạn tuế, vạn vạn tuế!". Lính Trung Quốc nói: "Mao chết xanh xương rồi, hô câu đó không hợp thời nữa!". 11 anh dân chài bèn chuyển sang câu này: "Hồ xụ xị vạn vạn tuế ạ!". Lính Trung Quốc hỏi: "Hồ nào? Hồ Chí Minh hay Hồ Cẩm Đào?". Một trong hai anh nói giọng Hà Tĩnh trên chiếc tàu bèn xổ giọng trọ trẹ: "Hộ mô cùng được!" (Hồ nào cũng được). Lính trung Quốc "O.K!", cho vào.
Tàu Ngư Chính Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam đang đánh cá
Bỗng tên chỉ huy sực nhớ, hỏi: “Các ngươi có giấy tờ gì không?”. Tất cả đồng thanh: “Dạ có đây ạ?”. Lính Trung Quốc rất mừng, cứ tưởng đám thợ lặn Lý Sơn này đưa loại giấy xanh xanh in hình Tổng thống Mỹ, nào ngờ cả 11 anh chìa ra “Tờ lệnh” của Vua Minh Mạng điều lính Lý Sơn ra đảo Hoàng Sa từ 135 năm trước. Tờ lệnh này vừa mới phát hiện cách nay chưa đầy tháng.
Tên chỉ huy trề môi, giả giọng Hà Tĩnh: “Giậy ni mần chi?” (giấy này thì làm gì?). Một anh dân chài cãi ngay: “Để khẳng định chủ quyền Duệ Nam chứ mần chi?”. (Hôm qua nghe mấy anh Lý Sơn nói, anh chàng cãi liều mạng này là dân Quảng Nam, được ông Chủ tịch huyện Hoàng Sa mới cử vô để ra Hoàng Sa và dán Tờ lệnh khẳng định chủ quyền. Dù trong cơn nguy khốn, nhưng nghe lính Tàu ngang ngược là anh Quảng Nam ta cãi lại liền).
Tờ lệnh Hoàng Sa được gìn giữ qua bao đời

Hải quân Trung Hoa nghe nói rất mạnh về tiềm lực quân sự nhưng không bao giờ đọc báo Thanh Niên và xem Thời sự VTV nên không biết tờ lệnh của 11 ngư dân kia là loại giấy tờ gì. Họ kiểm tra từng tờ, bỗng phát hiện một tờ bị rách một góc nên hỏi: “Sao tờ ni rách một góc?”. Anh ngư dân Lý Sơn gãi đầu: “Dạ hôm qua đến giờ mưa gió dữ quá, trời lại lạnh nên tui xé bớt một góc và quấn thuốc rê rồi ạ. Nhưng dấu công chứng vẫn còn nguyên chứ không rách ạ”. Tên chỉ huy Trung Quốc vặn vẹo: “Không được, phải đưa tờ gốc ra chứ công chứng bây giờ giả nhiều lắm. Bằng tiến sĩ còn giả được để công chứng huống chi tờ lệnh lèm nhèm này”. Cả đám cùng la lớn: “Tờ gốc, Bộ Ngoại giao Duệ Nam đã đưa về Kinh Bắc rồi ạ!”. Tên chỉ huy nói: “Hảo hảo. Lên bờ đi các đồng chí!” (Tên này nghe giọng Lý Sơn không được, nhầm tưởng bản gốc tờ lệnh đã giao cho Bắc Kinh rồi nên mới gọi thân thương “đồng chí”).

11 anh dân chài ăn nhậu tưng bừng với lính Trung Quốc, toàn uống rượu mật mía ngâm với tỏi Lý Sơn nên đám lính Trung Hoa say bí tỉ. Nhân lúc địch say rượu, lính Lý Sơn ta tranh thủ cắm mốc chủ quyền của Việt Nam tại đảo Đu Can. Nghe nói ngành du lịch Quảng Ngãi chuẩn bị mở tour Lý Sơn-Đu Can nhân kỷ niệm 1.000 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

3 nhận xét:

  1. hay,1000 năm ngày miền Nam giải phóng

    Trả lờiXóa
  2. hì bác này thâm thuý quá. tung của mà nghe bác chắc sôi máu.
    hâm mộ hâm mô

    Trả lờiXóa