7 tháng 5, 2011

TÂN THỨ TRƯỞNG: "BẰNG DỎM, TRƯỜNG GIẢ"

Tân "Thứ trưởng Bằng dỏm" Nguyễn Văn Ngọc (áo trắng, bên trái)
Mai Thanh Hải Blog - Lật lại hồ sơ vụ việc tân Phó Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan doanh nghiệp Trung ương Nguyễn Văn Ngọc, lấy Bằng Tiến sĩ chỉ trong 6 tháng (thời điểm còn là Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái). Chúng tôi nhận được Bài viết của GS - TS Nguyễn Văn Tuấn (đang công tác tại Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Úc và giảng dạy tại Đại học New South Wales) phân tích, đánh giá tính xác thực của tấm Bằng Thạc sĩ mà ông Ngọc đã nộp ngành Tổ chức Đảng và tính pháp lý của những Trường Đại học đã "đào tạo, cấp văn bằng" cho ông ta.

Xin được nói rõ: GS-TS Nguyễn Văn Tuấn không chỉ là nhà nghiên cứu khoa học giỏi về xương, dịch tễ học tầm cỡ thế giới, mà còn rất quan tâm đến những vấn đề kinh tế - xã hội - giáo dục... Đặc biệt, GS còn rất nhiệt tình góp ý cách sử dụng tiếng Anh cho các cơ quan, tập thể tại Việt Nam.

 Xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ, đóng góp của GS-TS Nguyễn Văn Tuấn!.
---------------------------------------------------

http://www.bandersnatch.com/seal.gifLại thêm một trường hợp bị lừa!  Một Phó Bí thư Tỉnh ủy được Nhà nước chi tiền cho đi học để lấy một cái "bằng dỏm từ một trường giả".  Tuy nhiên, bài báo này chỉ nói đến “Trường” Southern Pacific University (mà bây giờ thì ai cũng biết là dỏm), nhưng không nói đến Trường Irvine University (chắc do thiếu thông tin).  Bài ngắn này sẽ cung cấp thông tin về Irvine University.

Chỉ vài tuần trước đây, báo chí rộ lên vụ ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa của một tỉnh phía Bắc, chi ra 17000 USD cho một cơ sở kinh doanh bằng cấp giả để có Bằng Tiến sĩ dỏm.  Khi được hỏi, vị quan chức này cho biết còn có khoảng chục quan chức khác cũng như ông, và ông chỉ là người … kém may mắn.  Lúc đó, dư luận thắc mắc không biết số chục người kia là ai.  Nay thì báo chí cho biết một vị khác cùng tình huống: đó là ông Nguyễn Văn Ngọc, đương kim Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái.

Nhưng trường hợp của ông Ngọc còn độc đáo hơn cả trường hợp ông Ân. Ông Ngọc theo “học” 2 Trường: “Trường” Irvine University, và “Trường” Southern Pacific University (nơi mà ông Ân từng chi ra 17000 USD).  Ông Ngọc đã có Bằng “Thạc sĩ danh dự ngành Quản trị kinh doanh” của Irvine University.  Bây giờ thì có lẽ công chúng Việt Nam đã biết Southern Pacific University là một... cơ sở kinh doanh bằng cấp dỏm.  Nhưng không thấy phóng viên trong bài này viết gì về cái gọi là Irvine University.  Chẳng lẽ bài báo mặc nhiên công nhận đây là trường thật?.

Vậy câu hỏi đặt ra là Irvine University là Trường Đại học nghiêm chỉnh hay là dỏm.  Chỉ cần ghé qua trang nhà của “Trường” này, dễ dàng thấy đây cũng là một... cơ sở kinh doanh bằng dỏm.  Nhìn qua cái gọi là College of Business thì thấy lèo tèo vài “Giáo sư”, với đủ thứ bằng cấp từ những Trường … dỏm (như Chapman University hay Vanguard University, những cái tên chẳng ai trong giới khoa bảng nghe hay biết đến).  Mà, các “Giáo sư” này cũng chẳng có công bố khoa học nào.  Điều này chứng tỏ đây là một đây là một “degree mill” (tức cơ sở kinh doanh bằng dỏm).
"Tiến sĩ 6 tháng" Nguyễn Văn Ngọc (thứ 3, từ phải sang).

Điều thú vị là hình như Tỉnh ủy Yên Bái chấp nhận Bằng Thạc sĩ từ Irvine University như là Bằng thật.  Như đề cập trên, vì "Trường dỏm" nên Bằng “Thạc sĩ danh dự” cũng dỏm luôn.  Tuy nhiên, Irvine University có vẻ tinh vi hơn khi họ cấp Bằng “Thạc sĩ danh dự”, vì “danh dự” trong trường hợp này, chẳng có giá trị học thuật hay khoa bảng gì cả.  Không biết ông Ngọc đã chi bao nhiêu cho cái Bằng “Thạc sĩ danh dự” từ Trường này?.

Nói tóm lại, đây là một trường hợp bị (hay muốn bị) các cơ sở kinh doanh bằng cấp dỏm của Mỹ lường gạt. Nhưng trường hợp này đáng chú ý hơn, vì “nạn nhân” là một quan chức cao cấp (Phó Bí thư Thường trực), với tương lai Ủy viên Trung ương Đảng trong tầm tay.  Có lẽ đây cũng chính là một giải thích tại sao tỉ lệ các quan chức Việt Nam có Bằng Tiến sĩ đứng vào hàng cao nhất so với với các nước tiên tiến.

NVT

TB. Để xác định danh tính các Trường Đại học và Cao đẳng hợp pháp ở Mỹ, có thể tra cứu tại Cơ sở lưu trữ dữ liệu các viện và chương trình đào tạo sau trung học được công nhận, thuộc Bộ Giáo dục Mỹ. Gõ vào tên Trường (kể cả tên viết tắt), nếu không tìm thấy, tức là Trường đó chưa được Bộ Giáo dục Mỹ công nhận.

Không rõ hình dưới đây họ viết những gì trong bằng.  Cũng có thể đánh giá bằng dỏm / thật qua tiếng Anh trong bằng này.
===

http://www.baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Pho-bi-thu-tinh-uy-hoc-gia-xin-tien-that/20107/104818.datviet 

Phó Bí thư Tỉnh ủy học giả, xin tiền thật?
Cập nhật lúc :8:10 AM, 26/07/2010

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái xin kinh phí hỗ trợ 17.000 USD để đi học tiến sĩ, trong khi đây là nhu cầu cá nhân chứ không phải chủ trương của tỉnh. Thậm chí, trường mà ông Ngọc nhập học thực chất bị cấm cửa tại Mỹ từ năm 2003.

Đến nay, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái vẫn chưa được mục sở thị tấm bằng “tiến sĩ quản trị kinh doanh” của ông Ngọc có hình dáng, nội dung ra sao (để phục vụ cho việc ghi hồ sơ cán bộ), dù ông Ngọc báo cáo hoàn thành toàn bộ chương trình đào tạo và nhận được bằng tiến sĩ từ trước tháng 3/2009. Kinh phí hỗ trợ việc đi học của ông Ngọc cũng  được UBND tỉnh phê duyệt từ tháng 12/2009.

Ông Ngọc đề nghị Ban tổ chức Tỉnh ủy bổ sung học vị tiến sĩ vào hồ sơ cán bộ của mình, trong khi mới nộp bằng thạc sĩ danh dự ngành quản trị kinh doanh.
Chỉ hỗ trợ 74 triệu đồng
Theo nguồn tin của Đất Việt, khoảng tháng 10/2008, căn cứ đề nghị của Ban tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái, Ban thường vụ Tỉnh ủy  có quyết định về việc cử ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy đi học khóa đào tạo tiến sĩ quản trị kinh doanh của ĐH Nam Thái Bình Dương (tên viết tắt là Southern Pacific University, trụ sở tại Mỹ).
Đến tháng 3/2009, ông Ngọc có đơn đề nghị Tỉnh ủy Yên Bái hỗ trợ kinh phí học tập, kinh phí đi lại và kinh phí bảo vệ luận án tiến sĩ tại Malaysia. Ngay sau đó, Thường trực Tỉnh ủy  họp và nhất trí áp dụng các quy định về chính sách hỗ trợ cán bộ đi học của tỉnh, giao UBND tỉnh xem xét và quyết định. Trong đó, riêng kinh phí học tập theo thông báo từ phía Southern Pacific University  là 17/000 USD.
Tuy nhiên, sau khi cân nhắc áp dụng các chính sách liên quan, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Yên Bái chỉ đồng ý hỗ trợ cho ông Ngọc khoản kinh phí là 74 triệu đồng (trong đó có 50 triệu đồng là hỗ trợ theo chính sách chung của tỉnh, 24 triệu đồng vận dụng theo chính sách hỗ trợ đào tạo của UBND tỉnh). Quyết định phê duyệt hỗ trợ được Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Thương Lượng ký ngày 31/12/2009.

Chưa có bằng, vẫn đề nghị bổ sung hồ sơ cán bộ
Khi chúng tôi cung cấp những thông tin liên quan đến việc bằng cấp của ĐH Nam Thái Bình Dương không được công nhận, cũng như trường này  bị giải tán tại Mỹ từ năm 2003, ông Phạm Văn Cường, Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái, cho biết: “Thực ra thì chúng tôi cũng không thể nắm được chuyện này. Trước khi đi học, anh Ngọc  có báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy. Đây là nhu cầu của cá nhân anh Ngọc, chứ không phải chủ trương của tỉnh. Theo lời anh Ngọc thì đây là hệ đào tạo từ xa chứ không phải tập trung. Sau đó, anh ấy có đơn xin hỗ trợ, song kinh phí học tập do người học đóng góp là chính”.

Ông Cường cũng khẳng định, ông Ngọc  đề nghị Ban tổ chức Tỉnh ủy bổ sung vào hồ sơ cán bộ học vị tiến sĩ. Tuy nhiên đến nay, văn bằng duy nhất mà Ban tổ chức Tỉnh ủy nhận được chỉ là tấm bằng thạc sĩ danh dự ngành quản trị kinh doanh do ĐH Irvine cấp tháng 4/2007.

Về chi tiết ông Ngọc mới học chưa đầy một năm được cấp bằng tiến sĩ (ngay trên trang web của trường Nam Thái Bình Dương cũng  ghi rõ thời gian đào tào là từ 2 - 3 năm), ông Cường cho hay, tỉnh ủy hoàn toàn không biết và cũng không thể nắm được. “Thực ra anh Ngọc báo cáo thì Tỉnh ủy cũng chỉ biết vậy thôi, chứ chúng tôi rất khó kiểm tra. Bây giờ, trước những thông tin như thế này, tỉnh sẽ kiểm tra lại tính chân thực. Trước hết, có thể yêu cầu cá nhân xem lại và sau đó tỉnh sẽ thẩm định”.
Trao đổi với Đất Việt, ông Hoàng Thương Lượng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cũng khẳng định: “Vấn đề kinh phí thì không phải là lớn, mà quan trọng nhất là giá trị pháp lý của tấm bằng tiến sĩ ấy. Rõ ràng trường này nằm trong danh sách lừa đảo. Tỉnh sẽ đối chiếu với quy định đào tạo tiến sĩ của Bộ GD-ĐT để xem xét và quyết định”.
Nằm trong danh sách trường lừa đảo
Theo Văn phòng Cấp bằng, Hội đồng Hỗ trợ sinh viên bang Oregon (Mỹ), ĐH Nam Thái Bình Dương (SPU) nằm trong danh sách các trường không được công nhận chính thức (unaccredited degrees). Kết quả điều tra của Thượng viện Mỹ và các cơ quan liên quan điều tra cho thấy, ĐH này  bị chấm dứt hoạt động theo yêu cầu của chính quyền bang Hawaii, sau vụ kiện liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hiện SPU có dấu hiệu đang hoạt động tại Malaysia.

Trên website của Ủy ban Phối hợp Giáo dục Cấp cao bang Texas (Mỹ), SPU cũng nằm trong danh sách cấp bằng không có giá trị tại Texas. Phần chú thích cũng nêu rõ, SPU  bị tòa án tại Hawaii đóng cửa, không cho phép hoạt động. Trên một số website liên quan đến lĩnh vực cấp bằng online, thông tin về lừa đảo người tiêu dùng…, SPU có tên trong danh sách “trường không được Mỹ công nhận đang hoạt động tại Malaysia” (US non-accredited schools in Malaysia), “danh sách trường lừa đảo” (List of Scam Schools, tức là những nơi chuyên lừa gạt người nhẹ dạ để lấy tiền bằng cách bán bằng cấp dỏm).

Những thông tin liên quan đến ĐH Nam Thái Bình Dương được biết đến ở Việt Nam nhiều hơn khi mới đây, ông Nguyễn Văn Ân, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ được giới thiệu học vị “tiến sĩ” tại một buổi lễ, khiến nhiều người ngỡ ngàng. Sau đó, ông Ân khẳng định trong thời gian làm tiến sĩ từ tháng 2/2007 - 9/2009, ông có sang trường này để học hai đợt, mỗi đợt một tuần, được nghe giảng tiếng Anh qua phiên dịch sang tiếng Việt và ngay cả khi ông bảo vệ luận án cũng có người dịch cho ông từ đầu đến cuối. Theo ông Ân, những nghiên cứu sinh như ông không cần phải biết tiếng Anh, không cần phải thi đầu vào. (V.Anh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét