17 tháng 4, 2011

DẠY VỢ

Hình minh họa không liên quan đến nội dung bài viết
Mai Thanh Hải Blog - Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, người thường hay bị nhầm với nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XII, nhà sử học Dương Trung Quốc do khuôn mặt, tóc râu hao hao giống nhau (nhưng biết đâu tới đây, bác Nguyên oách hơn bác Quốc vì mới ứng cử Đại biểu HĐND TP. Hà Nội, sau khi được giữ chức Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hà Nội, biết đâu sẽ trúng cử và làm chức to hơn, quan trọng hơn), nói với mình sau mỗi khi đọc thơ "Bút Tre hiện đại" góp vui trong những cuộc nhậu, chuyến đi: "Trong lịch sử Việt Nam, trước khi diễn ra sự thay đổi gì đó liên quan đến chế độ - chính thể, các hình thức văn học dân gian, theo kiểu truyền miệng rất phát triển".

Mình chửa tin điều này, bởi đơn giản, mình không là là Sử học, cũng không nghiên cứu Văn học.

Tuy nhiên có một điều phải thừa nhận là càng ngày, kiểu văn thơ truyền miệng càng nhiều, phong phú với những ý nghĩa thâm thúy, sâu xa.

Một trong những câu chuyện "dân gian hiện đại" của tác giả Đinh Vũ Hoàng Nguyên, đăng trên Blog laothayboigia mà mình rất khoái.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

1/ Bố vợ

Bố vợ mình là bộ đội, lúc về hưu là Đại tá. Mẹ vợ mình cũng là bộ đội, làm cấp dưỡng, lúc về hưu là Đại uý.

Hồi chiến tranh bố vợ mình đi B, bom B52 nổ thùm thùm trên đầu, chẳng sợ, nhưng về nhà thì bố hơi bị sợ, mà không, nói là “nể” vậy… mẹ vợ mình.

Mình về làm rể thứ hai trong nhà. Bố vợ mình gọi con rể bẳng “ông”, xưng “mình”, có lúc gọi "ông" xưng "tao".

Thịt chó là món bố vợ mình mê mẩn. Nhưng mẹ vợ mình ghét món này. 3 cô con gái cũng ghét món này cay đắng. Bố thành cô đơn.

Hôm vừa rồi mình đi mua thịt chó về nhà, mời bố đánh chén.

Mẹ vợ mình vì nể con rể, nên chỉ chau mày chứ không ra mặt phản đối.

Mình hồn nhiên lấy mâm bầy đủ bộ thịt chó, mắm tôm, lá mơ, riềng, sả…giữa nhà.

Đầu tiên bố ậm ừ, hơi tần ngần. Rồi bỗng hào khí nổi lên, bố xách ra chai rượu sâm.

Các "thế lực thù địch... thịt chó" lượn lờ quanh bố con mình, như sẵn sàng úp bom.

Rượu vài tuần, đĩa thịt chó ngót ngót ba phần, bố vợ mình nói: "Bao nhiêu năm ở nhà này ,toàn phải ăn giấu ăn giếm. Giờ có thêm ông, mới có ngày thịt chó phát dương quang đại!".

Mình ngà ngà nói: "Bố ạ,! Sau sự kiện hôm nay, con đúc kết được quả chân lý…". "Là gì?". "Là một khi đàn ông chúng ta đoàn kết lại, thì không một lực lượng tàn bạo nào đàn áp nổi!".

Bố vỗ đùi cái đét.

Rồi bố nói to, giọng sang sảng như đang chỉ huy chiến trường: "Kể cả thế lực đó hung hiểm như đàn bà!".

Hai bố con nhìn nhau rưng rưng…

Sau bữa thịt chó, bố vợ mình bắc ghế lấy trên bếp lấy một cái roi đưa cho mình, nói: "Cái này ngày xưa tao dùng để dạy dỗ vợ ông. Giờ tao tặng lại cho ông, coi như chuyển giao thế hệ!".

Nhận món quà, mình vô cùng xúc động, mình thầm hứa sẽ không phụ tấm lòng của bố.

2/ Khảo sát

Năm mình 16 tuổi học ở Chu Văn An. Trường đấy là trường điểm của Hà Nội.

Có lần, một đoàn thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý của Sở Giáo dục về Trường khảo sát gì đó về tâm lý học sinh cấp 3.

Họ cho mấy câu hỏi, học sinh trả lời ra giấy rồi nộp. Thời điểm ấy hình thức này nó lạ. Lớp mình có những đứa viết rất dài, như bài văn.

Mình vốn là học sinh hư, lười, nhiều thầy cô không ưa, (cuối học kỳ một năm ấy, mình biến khỏi cái Trường này, lang bạt mấy cái Trường nữa mới kiếm được mảnh bằng cấp 3).

Lúc nhận câu hỏi xong, mình nghĩ: Viết thứ này chẳng có điểm, đoàn Nghiên cứu ấy đến thu xong là đi, cũng chẳng biết ai với ai... Thế là mình viết.

Câu hói 1: Nếu một bạn yêu em mà em không yêu bạn ấy. Thì em sẽ làm gì?

Trả lời: Em sẽ lợi dụng bạn ấy.

Câu hỏi 2: Nếu em yêu một bạn mà bạn ấy không yêu em. Thì em sẽ làm gì?

Trả lời: Em sẽ dùng vũ lực.

Câu hỏi 3: Nếu có 2 bạn cùng yêu em. Em sẽ làm gì?

Trả lời: Thế thì tốt quá đi! Em chỉ sợ mình không đủ sức.

Câu hỏi 4: Nếu em và một bạn cùng yêu một bạn thứ 3. Em sẽ làm gì?

Trả lời: Thì em và bạn cùng cảnh sẽ bốc thăm. Còn nếu bạn ấy khoẻ hơn, thì em sẽ nhường bạn ấy trước.

Rồi nộp.

Vài hôm sau cô giáo nói về cuộc trắc nghiệm, mình mới ngã ngửa ra là trước khi nộp cho đoàn Nghiên cứu, cô giáo có đọc.

Cô khen các bạn trong lớp tham gia nhiệt tình, nhiều câu trả lời hay, công phu, súc tích, nội dung bài viết thể hiện nhân cách lành mạnh trong sáng. Tóm lại, cô rất tự hào.

Quay về phía mình, cô nhìn xoáy và sắc, cô nói: "Nhưng cũng có một số kẻ ,ngay từ bây giờ đã thể hiện bản chất lưu manh, vô đạo đức, đểu cáng. Là vết nhơ của bộ mặt nhà trường " – Cô nói tiếp: "Tôi khẳng định những kẻ đó khi ra đời sẽ trở thành người xấu, những con sâu làm rầu xã hội".

Thế nào mà vài năm sau, mình lại được kết nạp Đảng.

3 nhận xét:

  1. quá độc đó bác...

    Trả lờiXóa
  2. Nhà cháu post lại thui, bác ợ!

    Trả lờiXóa
  3. Câu kết của chuyện Khảo sát có khác so với bản gốc của blog laothayboigia? Bác xem lại giùm, bác Thanh Hai ợ!

    Trả lờiXóa