6 tháng 7, 2012

Ở LÝ SƠN

Mai Thanh Hải - Nói tên Đàm Hà Phú, khá nhiều người biết, bởi Phú không chỉ là TGĐ một Cty lớn ở Sài Gòn, mà còn là Blogger nổi tiếng với Blog Người Lữ Hành Kì Dị và vốn tính "lang bạt kỳ hồ", nên có rất nhiều bạn bè trang lứa, cũng hơi bị nổi tiếng.

Dẫu vậy, nhưng khi tham gia Đoàn thiện nguyện của "Chương trình Nghĩa tình Lý Sơn" (tụi mình gọi vui là HÀNH KHẤT LÝ SƠN) mang tiền - xe lăn - sách vở ra tặng những ngư dân tai nạn - ốm đau - bệnh tật - gặp khó khăn, vợ chồng Đàm Hà Phú không chỉ đóng góp 2 chiếc xe lăn cho bà con, mà còn tham gia mọi hoạt động của Đoàn, không nề hà mệt nhọc, thời tiết.

Tất tưởi, hùng huch vậy đấy, nhưng hở ra phát là Phú và Thắm lia lịa chụp hình lưu giữ, làm tư liệu cho Chương trình. Về tới Sài Gòn, cả 2 vợ chồng chuyển ngay hình đã chụp cho mọi thành viên trong Đoàn, để cả người đi và người không đi, đều được sẻ chia, thưởng lãm về Chương trình - biển và người Lý Sơn, giúp mọi người biết là đồng tiền - công sức góp vào, rất ý nghĩa và quý giá.

Đặc biệt, Phú còn viết - để lan tỏa và chia sẻ, trên Blog cá nhân (đọc ở đây).

Xin trân trọng giới thiệu bài viết và cảm ơn vợ chồng Đàm Hà Phú, đã góp sức lớn tạo sự thành công cho Chương trình "Nghĩa tình Lý Sơn 2012".
---------------------------------------------------------

1.
Anh sẽ đi Lý Sơn để chụp ảnh
Anh sẽ đi Lý Sơn để câu cá
Anh sẽ đi Lý Sơn để tắm biển
Anh sẽ đi Lý Sơn…

Lý Sơn là một điểm đánh dấu trên bản đồ những chỗ cần đến của tôi, đã 3 năm nay.

Tôi đã nghiên cứu nhiều lộ trình, hỏi thăm nhiều người, có bận đã định tự lái xe đi, nhưng mãi tôi vẫn chưa đi…

Vì sao? Vì Lý Sơn không phải đơn giản là chỗ để bạn chỉ đến chụp ảnh, tắm biển hay câu cá.

Mỗi ngày, đọc báo về chuyện ngư dân Lý Sơn, tôi lại thấy mình nhỏ bé.

Tôi thấy những đồng bào Lý Sơn lớn lao hơn mình nhiều, nơi đầu sóng ngọn gió ấy…

2.
Ở Lý Sơn có nhiều mộ gió, mộ gió đắp bằng cát, cả Lý Sơn đâu cũng là cát.

Đó là những ngôi mộ không có hài cốt, nếu may mắn thì chỉ có một hình nhân bằng đất sét được thế chỗ, của những người đã vong mạng ở khơi xa, ở Hoàng Sa.

Có những ngôi mộ gió từ thời Hải Đội Hoàng Sa từ 200 năm trước vẫn được hương khói ở đây. Ở nghĩa trang có mộ gió, ở ngoài ruộng tỏi có mộ gió,  ở trong sân nhà mỗi ngư dân cũng có mộ gió.

Vào một giấc trưa, tôi thấy một phụ nữ lặng lẽ quì bên mộ gió trong sân nhà, rồi chậm rãi tưới bình rượu lên mộ.

Tôi tự hỏi người mất đi là ai, chồng hay con trai chị, vì tôi không thể đoán tuổi chị qua nét mặt đen bạc bời gió biển, vì tôi không hiểu nỗi đau của chị đến mức nào và làm sao chị có thể vượt qua được.

3.
Ở Lý Sơn đâu cũng là cát, những con đường cát, những cánh đồng cát, những ngôi mộ cát… dưới cái nắng gắt gay của mặt trời ngoài biển, hạt cát Lý Sơn khô cong, nhám rạt.

Hàng ngàn con người sống trên cát, chết nằm trong cát.

Những cái cây tỏi, cây hành, cây mè… mọc lên từ cát, được những bàn tay đen sạm của các chị, các mẹ ở đây chăm bẵm, nâng niu… chúng đã không phụ lòng người, chúng trổ những màu xanh tươi mắt.

Tôi vẫn không hiểu như đã không hiểu sự chịu đựng của người phụ nữ Lý Sơn, làm sao những cây lá xanh tốt ấy lại được trồng trên cát, những ruộng cát trắng tinh, bỏng rát trong gió biển.

4.
Ở Lý Sơn có nhiều cờ, cờ Tổ Quốc màu đỏ với ngôi sao vàng, cờ bay phần phật trong gió biển.

Ra khỏi Sa Kỳ có thể nhận ra điều đó, những con thuyền cắm đầy cờ thả lưới ngoài biển, đến cái thúng chèo giăng câu cũng có cắm cờ.

Ở trên đảo cũng rực màu cờ, nhà cũng treo cờ, trường học cũng treo cờ, cả đến những ngôi mộ gió cũng cắm cờ… có những ngọn cờ mới đỏ rực, cũng có những ngọn cờ bạc màu, có vài ngọn cờ đã rách.

Nhìn ngọn cờ ở Lý Sơn mới thấy người ngư dân ở đây thật kiên cường.

Nếu tàu nào treo cờ Việt Nam thì chỉ cần ra khỏi Lý Sơn hơn chục hải lý, tàu đó có nguy cơ đối mặt với “tàu lạ”, với “Hải Giám”… tàu đó có nguy cơ bị đuổi, bị bắn, bị đánh đắm, bị bắt… và thực tế những câu chuyện như thế xảy ra mỗi ngày, ở mỗi nhà trên Lý Sơn…

Nhưng người ngư dân Lý Sơn vẫn treo cờ trên tàu, tàu nhỏ treo một cờ, tàu nhỡ treo hai cờ, tàu lớn treo bốn cờ, sáu cờ… cờ nào bị rách, bị bạc màu được thay cờ mới.

Để trong đất liền, để ngoài Hoàng Sa, dễ nhìn ra màu đỏ phần phật trong gió với ngôi sao vàng ở giữa.

5.
Ở Lý Sơn có hơn hai chục ngàn con người, đa phần là ngư dân hoặc bằng cách nào đó sống nhờ vào biển, mọi người đều được mặt trời và gió biển nhuộm thành đen sạm, mọi người đều nói giọng xứ Quảng nặng trịch và khó nghe, mọi người đều thương nhau và sống mở lòng ra với người khác.

Ở Lý Sơn có hơn hai chục ngàn con người, có rất nhiều trong số đó là hậu duệ của những người nhận sắc chỉ của triều đình ra định cư từ hai trăm năm trước, theo chân Hải Đội Hoàng Sa Kiêm Quản Bắc Hải để khẳng định chủ quyền Tổ Quốc, vì chiếu vua đã dạy rằng: Bản Quốc Hải Cương Hoàng Sa Xứ Tối Thị Hiểm Yếu”.

Có lẽ nhiệm vụ của tiền nhân mở cõi năm xưa trên hòn đảo này đã được di truyền lại cho hậu duệ ở Lý Sơn hôm nay, những hải binh bất khuất.

6.
Ở Lý Sơn có nhiều trẻ em, những đứa trẻ đem nhẻm và hiếu động, buổi sáng lúc nước lớn chúng thường chơi với nhau, đứa lớn ẵm đứa nhỏ, chúng chơi những trò chơi trẻ con như mọi đứa trẻ khác, như mọi đứa trẻ khác…

Chỉ có một điều khác là khi chiều lại, lúc thủy triều rút xuống khỏi ghềnh, có nhiều trong những đứa trẻ ấy lại loi ngoi trong trong lớp trầm tích của biển, bắt vài con ốc, moi vài con sò, bắt vài con cá nhỏ cho buổi cơm chiều hoặc để chị, mẹ chúng đem bán trong buổi chợ sớm mai.

Chỉ có một điều khác là có nhiều trong những đứa trẻ ấy, cứ đến bữa cơm lại ra nơi mộ gió ở sân sau, ở ruộng tỏi, khoanh tay mời cha, mời anh, mời chú ăn cơm.

Những đứa con trai đôi khi là đàn ông duy nhất trong nhà, những trẻ-con-đàn-ông này không khóc, nhưng trong ánh mắt của chúng có nỗi buồn cố hữu.

Chỉ có một điều khác là những trẻ-con-đàn-ông ấy ngày mai sẽ lại giong thuyền ra khơi xa, nơi cha anh chúng đã ngã xuống, với cánh cờ Tổ Quốc màu đỏ tươi có ngôi sao vàng ở giữa bay phần phật trong gió biển.

7.
Vợ chồng tôi được theo chân một đoàn thiện nguyện do Nhà báo Mai Thanh Hải làm trưởng đoàn ra thăm Lý Sơn và trao quà của rất nhiều nhà hảo tâm đóng góp cho các gia đình ngư dân có người thân bị tai nạn ở Hoàng Sa.

Chi tiết về chuyến đi, thông tin và hình ảnh các bạn có thể xem ở Blog của Nhà báo Mai Thanh Hải: Lý Sơn - Mùa không có tỏi

Hoặc xem thêm:
Gắng sống với Lý Sơn
Cha chết ngoài Hoàng Sa, con ngẩn ngơ mất mẹ
Ra Lý Sơn mang Nghĩa và Tình

 
 

 
 
 
 
 

1 nhận xét:

  1. Nguyễn Duy (CHLBĐ)20:12:00 9 thg 7, 2012

    ......chát,đắng cùng Lý sơn.Cảm ơn ĐHP và MTH

    Trả lờiXóa