24 tháng 3, 2012

GIÓ TỪ NGUYÊN

Lê Minh Hà - Tôi là người đến muộn. Với chữ của Đinh Vũ Hoàng Nguyên.

Thì biết làm sao. Là đàn bà, lại còn sắp cán đích già, chắc chắn là khó tính. Một cái Avatar trên mạng: nào kính đen, nào khăn xếp, nào môi tím lưỡi đỏ, cái tên chủ nhân đọc đã đoán là quá trẻ so với mình, dễ gì hấp dẫn nổi tôi ngay.

Vậy mà đọc thì khó dứt.

Đinh Vũ Hoàng Nguyên có quá nhiều người biết và ngưỡng mộ. Vào blog Lão thày bói già, hay vào nhà Nguyên ở facebook, có cảm giác đem in thì lời bình về các bài viết của chủ nhân khéo nhiều lần dài hơn chính các bài viết ấy. Đinh Vũ Hoàng Nguyên chỉ quăng một Status thôi là kéo giật được bao nhiêu người nhào vào đọc, rồi bình.

Cứ nghĩ đến chuyện mình mang hết góc nọ góc kia của cõi lòng của miền tâm cảm bày ra trên mạng mà thiên hạ coi như nước ao bèo không thèm ném cho hòn sỏi, đọc thống kê lượng người vào thăm nhà Nguyên, khéo buồn khéo tủi khéo ghen.

Quả trên mạng chưa thấy ai có được những Status hài hước thế. Đây không hẳn là cái duyên, giỏi nhìn ngó và biết kể, mà là hẳn một kiểu tư duy, không thể nào bắt chước được.

Nguyên, trong những Status hay entry, tưởng bỗ bã, suồng sã, tợn tạo, tục nữa, nhưng đằng sau những dòng chữ ngắn ngủi là một bầu tâm cảm trước thế sự xa gần, trong tư cách một công dân, nhưng trên hết và sau cùng, là ý thức làm người. Đọc, biết người viết yêu cuộc đời này lắm, thương cuộc đời này lắm, văng tục vào mặt đời cũng vì một sự biết yêu biết thương này.

Đấy là tố chất đầu tiên của một người muốn tận hiến mình cho nghệ thuật. Nguyên là họa sĩ, nhưng Nguyên không viết theo kiểu người có một nghề khác tạt ngang văn chương, quăng cho văn chương đôi ba mảnh tâm tình, đôi ba mẩu tài không dùng hết trong nghề, như một cách thí xả. Đọc lại trọn vẹn bloglaothayboigia, dễ nhận ra ở đó một tâm thái nghệ thuật nghiêm cẩn và đa diện.

Nghịch ngợm, phá phách, tinh quái đến điều là Nguyên ở các entry viết về bè bạn. Chuyện là của riêng, mà viết ra khiến người không can dự phải đọc không dứt được, thế có nghĩa là tài. Thế có nghĩa là người viết đã mở được cửa cho đời vào.

Những “y và những gã”, những “hiệp hội sản xuất bàn là”, đọc rồi cứ nghĩ chỉ cần công bố rộng nữa rộng mãi là giúp khối người khỏi phải đi tới các lớp dưỡng sinh tập nhe răng. Chữ nghĩa của người viết ở đây hệt như nhất dương chỉ, cù nhẹ một cái là khiến bao nhiêu cơ quan đoàn thể trong người đọc nhất loạt khởi động tập trung vào một tư thái duy nhất: cười.

Không có nội lực bằng thế, nhưng người có thể kể chuyện hài, viết hài hài thì cũng chẳng hẳn là khó kiếm. Tuy nhiên, hài được, với cả một chủ ý nghệ thuật thì cực khó. Tôi, tôi thử chán ra rồi. Chịu.

Điều ấy, Nguyên đã thể hiện trọn vẹn trong nhiều entry, khi có khi không được chú là truyện ngắn. Và ở đó, cái hài quay về điểm khởi hành: nỗi đau đời, của một kẻ trời sinh bắt phải biết thương đời.

“Một chuyện tình” là một truyện ngắn hoàn hảo trong nghĩa này. Phảng phất như Nam Cao, trong cái dịu dàng tít tắp đằng sau câu chữ. Nhưng cái khùng khùng của nhân vật đang to tiếng mình yêu và thất ái thì đúng là của bọn thời nay, rất trẻ, rất vui, cái Nam Cao, do thời thế và do thể tạng xúc cảm, không bao giờ phát lộ.

Ở những entry khác, mà có lúc Đinh Vũ Hoàng Nguyên cũng chú trước là truyện ngắn, tưởng chừng như tác giả Số đỏ có truyền nhân.

Nhưng, cả Nam Cao, cả Vũ Trọng Phụng trong thời của mình mới chỉ phơi bày cái khổ, cái đáng khinh, niềm yêu thương phẫn hận, và cả niềm tin dù đã thấm mùi hoài nghi nặng của mình trước cuộc đời, cho cuộc đời, mà có khi thời ấy mới chỉ đáng bị, đáng được như thế thì Đinh Vũ Hoàng Nguyên đi xa hơn trong cái thời mình.

Đinh Vũ Hoàng Nguyên, trong truyện ngắn Chuyện vụn xóm bụi,  Khu cũ (1 và 2) mà tôi nhìn thấy ở đó tầm vóc của một tiểu thuyết đã phơi bày sự phá sản trọn vẹn của một lí tưởng xã hội độc tồn qua ít nhất ba thế hệ ở Việt Nam dường như vẫn đang chỉ đạo bằng quán tính không tâm thế thì là hoạt động thường nhật của không ít người. Xã hội trong thời thịnh đạt của văn học hiện thực phê phán 1930 -1945 quả thối nát nhưng vẫn còn giữ được trật tự, vô trật tự nhất, loạn nhất cũng chỉ là cả làng hào hứng kéo nhau đi nghe thằng say chửi cụ tiên chỉ, xem Chí Phèo tự tử và tràn trề hưng phấn trong phỏng đoán bố con Bá Kiến ngã trâu.

Hôm nay, qua Đinh Vũ Hoàng Nguyên, khác, là sự thu nhỏ một xã hội quăng bỏ kỉ cương, luân lí, người người hoặc như Chí Phèo hoặc trong dạng tiềm năng thành Chí Phèo, không say nhưng hồn nhiên hơn cụ Chí ngày xưa, chẳng ai băn khoăn về thiên lương. Nhân vật ở Khu cũ chửi như tập thể dục miệng, nghe chửi như một hình thức luyện tai và luyện tâm.

Hoạt động trong ngày của nhóm cư dân nhân vật này được tác giả túm trong ba chữ: chửi chào cờ, đầy tính nghi thức. Cách mô tả này đã nhấc toàn bộ hiện thực của tác phẩm ra khỏi môi trường sống tưởng chừng vẫn như là nối dài hiện thực thời 30 – 45, cho chúng ta nhận diện đó là hôm nay của chúng ta, trì đọng, sống động, cũng cho chúng ta thấy Đinh Vũ Hoàng Nguyên là hậu bối chứ không là truyền nhân của dẫu có là Vũ Trọng Phụng hay Nam Cao. Tác giả Sống mòn và Số đỏ vẫn còn giữ mình (trong tư cách người kể chuyện) bên ngoài hay bên trên hiện thực mình mô tả. Đinh Vũ Hoàng Nguyên, khác rồi, đặt mình vào sống thoải mái giữa dòng đời mình mô tả cực kì trào lộng, trào lộng đến mức nhi nhiên.

Tôi đọc các entry có tên hoặc đơn giản chỉ được đặt tít là viết ngắn rồi đánh số của tác giả này, cứ mong Nguyên viết tiếp và tập hợp lại, in ra, cho những người đọc thích cầm sách trên tay hơn là ngồi thiền trước màn hình máy tính. Với Đinh Vũ Hoàng Nguyên, văn học Việt Nam đã có thêm sắc màu mới.

Có thể không nằm trong những quẫy cựa vô vọng về kĩ thuật nhưng không hẳn không cần thiết và thôi miên không ít người viết không muốn hiểu ra những trào lưu ta kêu gọi nhau hướng tới hôm nay là kết quả của sự vận động tâm thế ở một xã hội thời hiện đại văn minh hơn mình. Nhưng cái tinh thần hài hước đậm chất phồn thực, cái sắc bén tỉ mỉ trong quan sát, mà đằng sau câu chữ chặt ra chặt thái ra thái ấy tôi luôn cảm thấy độ mong manh của một tâm hồn cưu mang lắm nỗi chắc chắn sẽ cắm được một giới hạn nữa trên tiến trình vận động của văn học nước nhà, nếu như tác giả…

Coi chữ nghĩa là một cuộc chơi nghiêm túc, Đinh Vũ Hoàng Nguyên hoàn toàn xa lạ với sự nhạt, là bi kịch của bất kì ai thiết tha với nghệ thuật, và là thảm họa cho người thưởng thức, chẳng cứ văn chương.

Thì phải có tài. Hẳn thế rồi. Đọc, rồi đọc lại, rồi hoang mang. Tài của kẻ đó là đâu? Văn xuôi? Nhưng hình như chưa hết. Thơ? Đích thị. Thơ mới thật là Đinh Vũ Hoàng Nguyên.

Tiếc, cũng như văn xuôi, y công bố thơ chưa nhiều. Nhưng thơ trong văn chương cũng là khúc nghịch trong nhạc, là một nét phảy màu mang lại hồn vía cho tranh, để đóng đinh vào tâm cảm chúng ta câu hỏi, cũng như lời giải ai người sáng tạo. Thơ, khác văn xuôi, đôi khi là một món ngon như nhất, hoặc đôi khi chỉ cần như là một cọng rau thơm đúng vị, trái mùa.

Chỉ với một “Có một phố vừa đi qua phố”, không dài, tôi nghĩ Hà Nội đã có thêm cho riêng mình một thi sĩ, như từng có một Hoài Anh mang ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến - chín năm rừng lòng vẫn Thủ đô, một Lưu Quang Vũ trên ngày tháng trên trên cả niềm cay đắng thơ tôi là mây trắng của đời tôi, một Bằng Việt với chuông xe điện trong màn sương rạng sớm – và nắng nhỏ trên hàng cây rét muộn – có thể nào không xui tôi nhớ em, một Hoàng Nhuận Cầm vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ - nhưng trong những ba lô kia ai dám bảo là không có - một hai ba giọng hát chú ve kim, và, mang mang nhất: Phan Vũ với Hà Nội phố, một thời chiến tranh, một thời hòa bình, đã xa chiếc lá lạc vào căn gác nhỏ - lá thư quên địa chỉ quay về…

Phải, Hà Nội đã có thêm cho mình một người thơ, trong từng chút tự sự, với mình, với ai, cũng cực kì Hà Nội: Đinh Vũ Hoàng Nguyên.

Bất chợt nghĩ rồi một ngày ta sẽ, tôi sẽ, và Nguyên sẽ…

Sẽ thiếu đi, vĩnh viễn, một người có thể lẩy ra vẻ đẹp tuyệt vời, giản dị, bất ngờ của thế gian nhọc nhằn này.

Sẽ còn lại mãi, một hồn người nửa đời chưa hết gió, một hồn người biết chạm khẽ làn rêu.

Phải không?..


14 nhận xét:

  1. Một nén nhang cho người tôi mến nhưng chưa lần gặp mặt. Tiếc !!!

    Trả lờiXóa
  2. Muốn cầm lòng mà không thể cầm long được!!!

    Trả lờiXóa
  3. Thành Thật Chia buồn với Gia Đình anh Nguyên, và Cầu Chúc cho hương linh của anh được Siêu Thoát về miền Cực Lạc. A Di Đà Phật.

    Trả lờiXóa
  4. Cư tưởng hắn vì cơm áo gạo tiền hay bị quán triệt ...!
    không ngờ...
    Bói ơi là bói

    Trả lờiXóa
  5. tiếc thương cho số phận anh , người tài hoa trẻ.Anh đã hoàn thành sứ mệnh của mình

    Trả lờiXóa
  6. Chia buon cung Hoa va Bum
    Nhung bai tho,truyen ngan,bai viet,tranh cua Nguyen se con mai trong long nguoi,
    voi su quy men,tran trong

    Trả lờiXóa
  7. Tại sao người tốt cứ phải ra đi sớm,còn bọn lòng lang dai sói thì cứ nhơn nhơn vậy hả trời?

    Trả lờiXóa
  8. Bình an Nguyên nhé !

    Trả lờiXóa
  9. Tài năng đoản mệnh, tiếc thương một cây bút 'vàng'!

    Trả lờiXóa
  10. Anh va sự xuất hiện các entry của Laothayboigia khiến tôi như là có thêm

    một người chí cốt. Người bạn ấy tôi chưa gặp,anh đã vụt biến hình và gửi hồn trong từng câu chữ !

    Trả lờiXóa
  11. Thời con gái, lúc yêu một gã trai đắm đuối mới biết được nụ hôn dành cho nhau nồng nàn và ngọt ngào đến thế nào. Nhưng có lần vừa nồng nàn và ngọt ngào xong, miệng gã thốt ra câu chửi: Đ. mẹ... bỗng làm mình thất kinh hồn vía. Nồng nàn với ngọt ngào đâu chẳng thấy dư âm, chỉ còn lại cảm giác ghê ghê, chán chán.

    Sau này, đọc kỹ càng lại cuốn "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" tâm đắc mãi với chi tiết cô con gái của Meggie khi thấy em trai hôn chiếc nhẫn của cha Ralph, đã nhăn mặt kêu mất vệ sinh. Rồi đến một ngày bản thân cô lại kính cẩn hôn chiếc nhẫn trên bàn tay cha Ralph, cậu em trai thắc mắc hỏi sao cô không thấy bẩn, cô trả lời thản nhiên: Trên sân khấu cô đã phải hôn những cái mồm bẩn hơn thế nhiều!

    Từ ngày biết Nguyên qua blog Laothayboigia, thỉnh thoảng mình lại mỉm cười khi thấy Nguyên chửi tục, rất tục. Cũng cái cảm giác như cô con gái Meggi, bỗng dưng không thấy những câu chửi tục ấy tục tĩu nữa, thậm chí mình còn thấy sướng khi đọc đến những câu chửi tục ấy trong rất nhiều đoạn viết ngắn của Nguyên. Kể với cô bạn thân về điều này, cô ngạc nhiên không hiểu nổi!

    Rồi một ngày đọc thơ của Nguyên, chợt hiểu rằng cảm giác của mình là rất đúng.
    "Có một phố vừa đi qua phố" làm mình nhớ đến "Hà nội phố" của Phan Vũ. Thật và đẹp đẽ đến thiêng liêng, bất biến...

    Tháng ba về, khi những cơn mưa sập sùi vừa đi qua trả lại cho bầu trời màu xanh trứng sáo, không gian thoảng vị ngọt trong mùi hăng hắc của lá xoan non.

    Và Nguyên đi, nhẹ tựa như "Có một phố vừa đi qua phố"...

    Trả lờiXóa
  12. Xin được chia buồn cùng gia đình của Nguyên!

    Trả lờiXóa
  13. Buồn quá! Thế là k có những phút giây cười rách mép khi đọc Laothayboigia. Xin chia buồn cùng gia đình

    Trả lờiXóa