14 tháng 4, 2011

THỊT RỪNG TƯƠI SỐNG

Mai Thanh Hải Blog- Đây là câu chuyện không lạ.

Chỉ lạ ở chỗ, khi VTC News đưa lên loạt phóng sự ảnh về "quy trình" bắt sống cả 1 đàn khỉ với hình ảnh những chú khỉ con bám chặt vào bụng khỉ mẹ đang bị thít cổ, những chú khỉ đực bị bẻ gãy răng ngay tại chỗ (để hạn chế sự... hung hãn) và hình ảnh con khỉ đầu đàn, mắt trắng bệch, thất thần nhìn gia đình mình bị tống vào bao tải...

Người ta mới "vỡ vạc" 1 điều: Bây giờ khỉ không khỉ được "tiêu thụ trong nước" theo những cách truyền thống như nấu cao, ăn thịt, mà còn được... xuất sang Trung Quốc.

Người dân Hà Tĩnh, Quảng Bình chắc không lạ những quán ăn ở thị trấn - thị tứ những huyện miền núi của họ, rất tồi tàn nhưng tấp nập xe cộ - khách khứa ra vào, chỉ để thưởng thức món... thịt khỉ.

Có chứng kiến cảnh giết khỉ, mới thấm thía: Dã man, tàn bạo nhất trên đời, chính là con người.

Con khỉ sống bị trói chặt, ngước mắt cầu xin và thét lên oe óe, bất lực khi người ta đặt khuôn thép lên đỉnh đầu, dùng dao sắc phạt ngang để lộ ra bộ óc bên trong sọ não, vẫn phập phồng...

Và những "con người", lúc ấy phởn phơ, thèm khát xúc từng thìa óc lẫn với máu, cho vào mồm, nuốt ừng ực để "tăng cường sức khỏe và sinh lực". Kinh khủng!..

Mới đây, ngành Du lịch Việt Nam đã bất ngờ mất điểm bởi 1 Hãng Truyền hình nước ngoài, khi làm Chương trình quảng bá du lịch Đà Lạt, đã hồn nhiên phát sóng trọn vẹn quy trình chế biến, thưởng thức động vật rừng quý hiếm.

Không thể trách các đồng nghiệp nước ngoài, bởi họ đã vào vai khách du lịch quá đạt và chuyện thịt rừng bán tràn lan, phục vụ công khai khách du lịch trong và ngoài nước, cũng là một "đặc sản" của Việt Nam và nằm trong tour.

Vấn đề đặt ra ở đây là cá tính của rất nhiều người Việt: Ham của lạ. Bất cứ cái gì lạ, hiếm hoi so với những cái bình thường sẵn có, đều được xem là "đặc sản" và người ta tìm mọi cách có được, thưởng thức được, sở hữu được, mong "thỏa nỗi khát khao"...

Cuối năm trước, 1 ông bạn mình là Phó Tổng Giám đốc 1 Cty to uỵch trong Sài Gòn ra công tác Hà Nội và chỉ ước ao: "Lên Tây Bắc, kiếm 1 con thịt rừng thưởng thức".

Tụi mình cười: "Trên ấy chỉ có... thịt người". Rừng thì bị phá nát bởi nương rẫy, thủy điện và khai thác gỗ quý. Đến người còn phải sống lay lắt bằng những bắp ngô còi, cân gạo cứu trợ của Chính phủ, lấy đâu đất sống cho thú rừng?.

Bạn mình không tin, móc iPhone 4G tra ngay ra cảnh "Bán thịt rừng ở Chùa Hương" minh chứng. Khổ thế đấy, ngay ở Thủ đô, người ta vẫn treo cái gọi là thịt rừng lủng lẳng ở chốn thờ tự linh thiêng, thì làm gì tin được là chống săn bắt, buôn bán và tiêu thụ thịt rừng - động vật hoang dã vẫn "đạt kết quả khả quan"?..

Mới đây, mình đi Quảng Nam, chỉ ở Trung tâm xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh), cách thành phố Tam Kỳ khoảng 30 km, đã chứng kiến cảnh thịt rừng đầy trong tủ đá của các quán nhậu bình dân, tồi tàn với giá rẻ bèo. Bạn mình dẫn mình đi xem thịt rừng, hồn nhiên kể: Dịp cuối tuần, lũ lượt cán bộ huyện - tỉnh, doanh nghiệp, phóng 4 bánh lên thưởng thức thịt rừng...

Không tin thì đưa hình minh họa cho mọi người xem nè:
------------------------------------------------------------------------------------------------------------


Ngoại cảnh quán thịt rừng: Nhà sinh hoạt thôn (cả thôn cùng vào... sinh hoạt?)


Cũng có di tích lịch sử - quán cách chỗ này chừng 300 mét


Trong tủ đá này, đật chật các loại thú rừng. Bà chủ khoe... con chồn


Tiếp đến là cầy hương...


Mỗi con nặng khoảng 3 kg


cả 1 chú nhím to đùng


Vẫn còn nhiều nữa, nhưng mình không dám... xem vì quá choáng


Con này mới bẫy


Món cầy hương xào với hạt đỗ


Nhím nướng...

Mình ngồi trước mấy cái đĩa này, bú bia lon 333 ầm ầm. Không biết có ham... của lạ không nhỉ?

1 nhận xét:

  1. Vậy mà a cũng ăn, a măm măm là đồng nghĩa với việc góp phần cho nghề săn bắn thú hoang dã quý hiếm fát triển đấy nhớ!

    Trả lờiXóa