12 tháng 3, 2012

KHI GIẢI PHÓNG TRƯỜNG SA, CÓ RẤT NHIỀU "TÀU LẠ" Ở QUANH CÁC ĐẢO

Thiềm Thừ - Đại tá Nguyễn Văn Dân, sinh năm 1945 tại xã Bình Minh, Tĩnh Gia, Thanh Hoá, nhập ngũ năm 1964. Đại tá Dân có gần 20 năm (1975 - 1994) gắn bó với quần đảo Trường Sa, trước khi phụ trách Hệ đào tạo sau đại học của Học viện Hải quân, rồi nghỉ hưu năm 2000. Ông được coi là một trong những kho tư liệu sống về Trường Sa.

Những dòng dưới đây là lời kể của Đại tá Nguyễn Văn Dân về những sự việc đã diễn ra tại Trường Sa, trong thời điểm ông công tác thực tế. Tác giả Thiềm Thừ ghi lại, từ Nha Trang
----------------------------------------------------------------------
Năm 1975, tôi đang là Trung uý, Trợ lý Tham mưu của Khu vực 2 Sông Mã, Hải quân (Khu vực là cấp tổ chức Hải quân, tương đương Vùng hiện nay), thì được lệnh tham gia Đoàn Công tác tiếp quản căn cứ Cam Ranh.

Đoàn gồm 42 người, do Trung tá Hà Trung Hỷ, Chính uỷ K2 chỉ huy (tháng 9/1975, Lữ đoàn 126 Hải quân đánh bộ được thành lập, ông Hà Trung Hỷ là Chính uỷ Lữ đoàn), Đại uý Ngô Lai làm Tham mưu trưởng.

Đoàn đi tàu đến Đà Nẵng ngày 2/4/1975. Tại đây, chúng tôi được biết chủ trương của trên: Phải bí mật, nhanh chóng giải phóng các đảo ở quần đảo Trường Sa đang do quân Sài Gòn đóng giữ, kiên quyết không để lực lượng nào khác, nhân tình hình lúc đó để chiếm đóng.

Rồi tàu chúng tôi đi tiếp, đến Quân cảng Quy Nhơn tối 6/4/1975. Khi đó, ở cảng Quy Nhơn vẫn chưa hết tiếng súng. Từ Quy Nhơn, Đoàn đi ô tô, vào đến Nha Trang ngày 7/4.

Ở đây, chúng tôi được lệnh gấp rút ra tổ chức tăng cường cho lực lượng ở Trường Sa. Giữa tháng 4/1975,chúng tôi xuống 2 tàu do Bộ Tư lệnh Hải quân đưa từ Hải Phòng vào, giả dạng tàu cá số hiệu 679 – 680, ra Trường Sa.

Ngày 14/4, ta giải phóng đảo Song Tử Tây. Chúng tôi tiếp quản đảo Song Tử Tây từ đơn vị giải phóng đảo, tổ chức lại công tác bảo vệ và nắm thêm tình hình chung.
Sau đó, chúng tôi đến đảo Sơn Ca, một ngày sau khi đảo này được lực lượng ta trên tàu 641 giải phóng (25/4). Tại đây, Đoàn nhận 16 tù binh Sài Gòn để đưa về Cam Ranh trên tàu 641.

Anh Hùng người Hà Tây, chỉ huy đơn vị giải phóng đảo Sơn Ca cho biết: Hình như có 1-2 lính Sài Gòn bơi sang đảo Ba Bình bên cạnh, do Đài Loan chiếm đóng.

Sau đó, Đoàn tiếp tục đến đảo Nam Yết. Lúc đó ở gần Nam Yết có 1 tàu khu trục của Hải quân Sài Gòn, nhưng tàu này rút đi khi thấy tàu ta tới.

Đảo thứ tư Đoàn tới là đảo Sinh Tồn. Chúng tôi dừng tại đây lâu hơn. Khi đó, trên đảo còn ngôi mộ của một Thiếu uý Sài Gòn, bia ghi tên là Tính hay Tích gì đó, lâu rồi tôi không nhớ, ở Chợ Lớn, bị bệnh chết.

Tôi nói với anh em: "Dù ở bên nào, nhưng họ cũng là người Việt Nam, tham gia giữ chủ quyền cho Tổ quốc, nay chết ở đây, mình cũng nên giữ mộ cho họ!". Sau này ngôi mộ được di dời thế nào, tôi không rõ.

Từ đảo Sinh Tồn, chúng tôi đến đảo Trường Sa Lớn, ngày 2/5/1975. Đây là đảo chúng tôi ở lại lâu nhất để củng cố tổ chức, lực lượng, đảm bảo các hoạt động.

Nhìn chung, khi đó tổ chức phòng thủ của quân Sài Gòn tại Trường Sa còn sơ sài. Thực phẩm cho lính chỉ có gạo sấy và đồ hộp.

Các đảo còn hoang vu, ở Nam Yết cây mọc khá rậm rạp. Nhưng đảo này và đảo Sơn Ca hầu như không có chim, trong khi ở Song Tử Tây, Sinh Tồn và Trường Sa rất nhiều chim.

Có những bãi chim, chim bay ào ào trên đầu, còn dưới đất chim con nằm dày đặc, chúng tôi không dám bước chân…

Lúc đầu, chúng ta chưa xác định được cơ cấu tổ chức, trang bị, phương tiện, công tác phòng thủ tại các đảo.
Dần dần, các khâu này được hoàn chỉnh, việc bảo đảm đời sống cho anh em trên các đảo đi vào nề nếp. Năm 1978, ta bắt đầu làm sân bay ở Trường Sa…

Trong quá trình ra tiếp quản các đảo năm 1975, hầu như chúng tôi không thấy tàu Mỹ.

Nhưng có một số tàu của đối phương (nói thế anh hiểu đối phương là ai rồi) ở quanh các đảo. Khi thấy tàu ta đến, họ rút đi.

Ở các đảo Thị Tứ, Loại Ta chúng tôi thấy có tàu mang cờ Philippines …

Tranh chấp tại đảo An Bang năm 1978, tôi không trực tiếp tham gia. Có bạn thân của tôi là Lê Văn Sợi cùng tàu HQ 617 ra An Bang, đối đầu với lực lượng Malaysia.

Trung tuần tháng 5/1975, tôi về lại Nha Trang, được cử làm Cảng vụ trưởng ở căn cứ Cam Ranh. Khu vực Cam Ranh khi đó còn thường xuyên bị không quân Sài Gòn ném bom, nhiều nhất là ở cầu Trà Long trên Quốc lộ 1A (Mốc thời gian này có lẽ bị nhầm từ tháng 4 sang tháng 5, bởi Nha Trang được giải phóng ngày 2/4/1975-MTH).

Chỗ cảng còn rất nhiều tàu, sà lan chở dân tị nạn, cả xác lính Sài Gòn, xác dân. Dân di tản còn ở Cam Ranh khá nhiều. Thậm chí có mấy người lính Sài Gòn vẫn mặc quân phục cũ, đeo băng đạn, xin cách mạng cho bộ đồ Tô Châu để họ mặc, đứng ra giữ gìn trật tự…

Lúc đó, nghe tin còn lực lượng địch cố thủ trong căn cứ Cam Ranh, tôi được lệnh đưa một sĩ quan Sài Gòn đi kiểm tra. Đó là Trung uý Tuân ở căn cứ Lam Sơn (Dục Mỹ, Ninh Hoà, Khánh Hoà), nhà ở số 91 Nguyễn Trãi, Nha Trang. Ông Tuân có thời gian làm việc trong Cam Ranh nên ít nhiều biết các khu vực ở đây.
 Các điểm chúng tôi kiểm tra đều mới bị đào bới. Nghe nói, sau khi Mỹ rút khỏi Cam Ranh năm 1973, đã có các nhà thầu được vào đó tìm phế liệu…

Tháng 8/1978, tôi làm Hải đội phó Hải đội Cam Ranh.

Tháng 10/1978, Vùng 4 duyên hải được thành lập. Năm 1980, tôi là Đại uý Hải đội trưởng, được điều lên làm Trưởng Ban Huấn luyện của Vùng 4, rồi được cử đi học ở Liên Xô.

Năm 1983 về nước, tôi làm Phó Tham mưu trưởng Vùng, được giao nhiệm vụ chuyên giúp cho các đảo Trường Sa.

(Còn tiếp)
--------------------------------------------------------------------------
* Bài viết có sử dụng hình tư liệu của tác giả Nguyễn Viết Thái để minh họa đời sống bộ đội Trường Sa, năm 1988 và từ 1975-1990

7 nhận xét:

  1. "Trung tuần tháng 5/1975, tôi về lại Nha Trang, được cử làm Cảng vụ trưởng ở căn cứ Cam Ranh. Khu vực Cam Ranh khi đó còn thường xuyên bị không quân Sài Gòn ném bom, nhiều nhất là ở cầu Trà Long trên Quốc lộ 1A".
    Bác MTH xem lại chi tiết này thử, trưa 30/4 chính quyền Sài gòn đã đầu hàng rồi mà

    Trả lờiXóa
  2. "Trung tuần tháng 5/1975, ..... Thậm chí có mấy người lính Sài Gòn vẫn mặc quân phục cũ, đeo băng đạn, xin cách mạng cho bộ đồ Tô Châu để họ mặc, đứng ra giữ gìn trật tự . . ." Thôi đi cha nội, đầu tháng 4, tui bị "kẹt" ở Nha Trang, quân Sài Gòn tháo chạy, dân thấy quân Cộng Sản tràn vào sợ thấy mụ nội, ai dám mặt quân phục cũ đeo băng đạn lại xin cách mạng bộ đồ Tô Châu? muốn ăn đạn hả???

    Trả lờiXóa
  3. Đăng lại bài của tác giả khác nên phải tôn trọng bản quyền, muốn sửa phải được đồng ý chứ không phải cứ vớ cái gì là cắn xén, chỉnh sửa đâu bác ợ!..

    Trả lờiXóa
  4. Có lẽ tác giả có nhầm lẫn đôi chút về mốc thời gian chính xác hơn có lẽ là trung tuần tháng 03/1975 thì chính xác hơn chăng? Bác Mai Thanh Hải cũng nên rút kinh nghiệm trước khi đăng nên xác định lại cho chính xác nhé. Dẫu sao đây cũng là những tư liệu quý về Trường sa mà chúng ta cần có làm chứng tích lịch sử.

    Trả lờiXóa
  5. Ông ĐT Dân lớn tuổi rồi , bác phỏng vấn không biên tập lại

    Trả lờiXóa
  6. Bố tôi hiện đang sinh sống tại thanh hóa. Tham gia Huấn luyện 1973 tại hải Phòng. Trung đoàn 126 tiểu đội 3 sư đoàn 5 sau đó điều vào miền nam chiến đấu K94F5 nếu ai là đồng đội xưa muốn liên hệ với bố tôi gọi qua 09.888.92529 Bố tôi tên Nguyễn Văn Miên

    Trả lờiXóa