10 tháng 11, 2011

GIÁO DỤC BẰNG SẢN PHẨM PHI NHÂN TÍNH: "HẮT MỰC TÀU LÊN GIẤY TRẮNG, SẼ PHẢI NHẬN LẠI BỨC TRANH ĐEN"

Đào Tuấn - "Tấm sai người đào một cái hố, bảo con Cám tụt xuống. Rồi sai người đem nước sôi giội vào con Cám. Con Cám chết còng queo dưới hố.

Tấm đem xác con Cám làm mắm, gửi cho dì ghẻ, nói là quà của con gái mụ gửi biếu.

Mẹ con Cám tưởng là quà của con thật, lấy làm sung sướng, ngày nào mụ cũng giở mắm ra ăn, khen lấy khen để.

Một con quạ bén hơi, bay đến đậu trên nóc nhà, nhìn xuống kêu: "Ngon gì mà ngon, mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng!".

Mụ chửi bới quạ, xua đuổi con quạ bay đi. Đến ngày mắm gần hết, nhòm vào chĩnh, mụ mới nhìn thấy đầu lâu con mình..., uất lên, ngã vật xuống đất mà chết!”...

Đây là đoạn kết của truyện Tấm Cám chính thống. Và gần đây, được những người biên soạn Sách giáo khoa (SGK), cắt bỏ bớt đoạn "đem xác làm mắm, gửi mẹ ăn".

Có lẽ, vì đó là một hành vi quá thú tính, quá dã man. Một tội ác ghê rợ, trong phần kết tàn khốc, của một trong những câu chuyện nổi tiếng, mà không một người Việt nào không biết, không được học qua.

Nhân câu chuyện SGK sửa đoạn kết chuyện "Tấm cám", trên một Diễn đàn Pháp luật, một câu hỏi được đặt ra: "Cô Tấm đã phạm tội gì?".

Câu trả lời là: "Tấm đã phạm tội Giết người theo điều 93 Bộ Luật Hình sự, với các tình tiết tăng nặng: i) Thực hiện tội phạm một cách man dợ và q)Vì động cơ đê hèn".

Có lẽ một cái án tử cho "thị Tấm", vẫn còn là quá nhẹ nhàng.

Tất nhiên, không thể dùng Luật Hình sự để truy cứu một hành vi trong văn học. Cũng như không thể dùng đạo đức hiện tại để xem lại quan niệm đạo đức của ngày xưa. Nhưng còn đúng hơn, khi cái ác thì ở đâu, đời nào, cũng đáng phải bị lên án như nhau.

Một Thạc sĩ Đại học Paris viết trên VietNamNet: "Tôi có đem câu chuyện Tấm Cám kể cho một người bạn Pháp. Đến đoạn kết thúc, cô bạn Pháp hỏi tôi là: Khi còn bé, nghe chuyện này, có ngủ được không?".

Chắc chẳng có dân tộc nào lại có những câu chuyện ghê rợn đến như vậy, để kể trước lúc bọn trẻ con đi ngủ.

Dân gian muốn cái ác phải bị diệt trừ tận gốc. Điều đó đúng. Nhưng không thể diệt trừ một cái ác, bằng một tội ác ghê rợn hơn, khiến những đứa trẻ "được giáo dục", mất ngủ vì quá ghê sợ.

Bởi vậy, câu hỏi đặt ra hôm nay (thực ra cũng đã được đặt ra từ hàng chục năm trước), không phải là có nên sửa đoạn kết của câu chuyện hay không, mà phải là "Có nên để tồn tại cái ác, sự tàn nhẫn dã man trong SKG - loại sách vẫn được coi là mực thước giáo dục nhân cách con người, từ khi họ còn là những tờ giấy trắng?".

Sự tàn bạo không phải là ở cái chết, mà là cái cách giết chết. Cái ác có ngay trong hành vi giết người.

Nhưng sự phi nhân tính và sự ghê rợn của tội ác lại ở những hành vi sau đó, khi cô Tấm dịu hiền băm xác người làm mắm gửi về, nhấn mạnh là cho mẹ cô (dù đó là mẹ ghẻ).

Một Giáo sư- Viện trưởng đã bảo vệ cái kết độc ác này, khi phê phán việc bỏ nó trong SGK, rằng: "Người đọc không thấy được hả hê cõi lòng khi thấy cái ác không bị trừng trị một cách thích đáng nhất".

Trong thời điểm xảy ra tranh cãi "Tấm cám", trên Facebook, một nhân vật có Nickname "Kẹo mút chơi bời" đã post một đoạn tin sau: “Tin buồn! Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin cụ già 60 tuổi đêm qua chúng tôi đâm xe máy, đã củ tỏi hồi 17h07. Anh em phang lô đề nhiệt tình đi, lão sinh năm 1953”...

Không có tí stress nào khi đâm chết người. Chỉ thấy sự hả hê, khoái trá...

Thái độ mà Nhà Phê bình Phạm Xuân Nguyên gọi là sự hồn nhiên độc ác.

Sự hả hê này, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, ở những người sáng tạo ra đoạn kết tội ác trong câu chuyện Tấm Cám và, một phần nào đó, ở những người đọc nó.

"Sự kiện Kẹo mút" còn tàn bạo ở chỗ trong rất nhiều status, Y thản nhiên và hả hê, rằng: "Nhẹ cả người (khi nạn nhân chết) chứ lão sống thì khổ bọn tao". Sẽ có rất nhiều người thừa nhận đây là một thứ tâm lý xã hội, chung với vô số những ví dụ.

Công an Yên Bái đã triệu tập "Kẹo mút". Câu hỏi đầu tiên, giờ đây chắc chắn là: "Có học chuyện Tấm Cám trong SGK không?" (Thay vì "Có chơi Games Online không?).

Rất dễ hiểu: Chúng ta hắt mực tàu lên giấy trắng, chúng ta sẽ phải nhận lại bức tranh đen đúa - Những sản phẩm phi nhân tính.

9 nhận xét:

  1. Truyện Tấm Cám là sản phẩm của lịch sử . Chúng ta kế thừa lịch sử không có nghĩa là sao chép . Nên chăng ta chọn lấy những gì tốt đẹp nhất trong quá khứ phù hợp văn minh của dân tộc hoà vào văn minh nhân loại

    Trả lờiXóa
  2. Em thấy từ trước tới giờ truyện Tấm cám có ai nhắc này nhắc nọ gì đâu, chẳng qua mới đây internet nhắc đến nhiều nên trở thành chủ đề hót và hít đấy chứ. Thật ra theo em nghĩ, không phải vì truyện "tấm cám" mà 1 bộ phận thanh thiếu niên bây giờ bị lãnh cảm với các chuẩn mực xã hội đâu phải không anh. Nó còn là 1 chuỗi nhiều lý do: Cách giáo dục từ gia đình, từ môi trường xã hội, từ Game online nữa. Chứ tự nhiên áp đặt cho Tấm Cám là làm thui chột mầm non của đất nước thì không phải.

    Bởi vì từ xưa tới nay, nếu Tấm Cám làm thui chột các thế hệ thì Việt Nam có được những Ngô Bảo Châu, có được anh Mai Thanh Hải viết báo hay và rất cập thời cho bọn em nghe, xem đọc đâu :) Nếu áp Tấm Cám và bỏ câu truyện này đi e nghĩ cug không nên. Vì nó còn tùy thuộc vào sự giảng giải của các nhà giáo và tùy thuộc vào nhận thức của học sinh.

    Nếu như giáo viên giảng đến đoạn kết, và phân tích thấu đáo, phân tích 1 cách nhân văn thì có lẽ học sinh sẽ không bị thui chột đâu anh :) có khi đây lại là cơ hội để giáo dục được cả 1 thế hệ cũng nên ý chứ.

    Trả lờiXóa
  3. Xã hội nói nhiều đến cô Tấm, nhưng thực chất lại làm như cô Cám. Lâu rồi không ai lo sửa chữa những lệch lạc thế nên mới dẫn đến sự vô cảm và nhẫn tâm phi nhân tính của con người. Bây giờ không phải thay đổi một câu chuyện nữa mà phải chấn hưng lại cả nền giáo dục của chúng ta.

    Trả lờiXóa
  4. Chịu các cụ!

    Tại sao các cụ lại dùng đầu óc người lớn để phán xét chuyện của trẻ con nhỉ?

    Tôi không biết là Tấm và Cám có từ bao giờ, đã được bao nhiêu thế hệ người Việt đọc, nghe và ngấm vào máu rồi.

    Khi còn bé, mấy chị em tôi đều thuộc lòng và đến giờ vẫn còn thuộc một phần "Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ..."

    Nhưng rồi khi lớn lên, trong tâm hồn chị em tôi chỉ còn đọng lại những hình ảnh tuyệt đẹp như "Bống bống bang bang...", cô Tấm bước ra từ quả thị, cô Tấm bên khung cửa... Trong tâm hồn chúng tôi, đâu có cảnh giết người man rợ như các cụ phân tích.

    Mong rằng chúng ta hãy tôn trọng vốn quí của dân tốc Việt, đừng đánh giá, phân tích dựa trên những suy nghĩ kiểu "suy bụng ta ra bụng người" như thế nữa.

    Trả lờiXóa
  5. ND 10:15: Chắc bạn vào đọc tôi từ đường link dán trên Diễn đàn Otofun, nên mới quen cái kiểu xưng danh "cụ/ cháu" trong "Làng Vũ Đại ngày ấy".

    Nếu phát biểu như thế này, đề nghị bạn quay trở lại OF để thực sự được bàn luận theo kiểu "chém gió" nhàn rỗi, trong phòng kính.

    Mai Thanh Hải Blog rất tôn trọng ý kiến bạn đọc, nhưng đó phải là những ý kiến có tầm hiểu biết, mang tính xây dựng và chân thành, cởi mở.
    Đây không phải nơi vào spam, châm ngòi cãi vã và đặc biệt, không phải nơi mang những câu chuyện con trẻ, tầm phào ra để so sánh - ví von với những vấn đề lớn, do những người lớn đã vắt óc viết ra, cho những người như bạn đọc.

    Những ý kiến như của bạn, lần sau tôi sẽ Delete ngay lập tức để giữ gìn sự trong sáng cho Blog. Mong bạn nhớ điều này!..

    Trả lờiXóa
  6. Em đề nghị đưa những buổi đấu tố địa chủ thời cải cách ruộng đất và đấu tố tư bản thời cải tạo tư sản vào chương trình giáo khoa, bảo đảm Tấm -và cả Cám nữa- sẽ lại trở thành cô tiên ngay .

    Trả lờiXóa
  7. Tôi nghĩ dù sửa hay không sửa,thì đoạn kết Tấm vẫn giết Cám.Nếu có ý kiến nên sửa đoạn kết cho nhẹ nhàng hơn,để đỡ mang tính tàn ác,để bớt ảnh hưởng tới các em học sinh,thì tốt nhất là không đưa truyện này vào sách giáo khoa nữa và báo đài cũng không nên đưa nhiều tin về cướp của,giết người nữa là tốt nhất.
    Muốn dạy các em về cái thiện và cái ác thì thiếu gì truyện hay hơn truyện Tấm Cám,mà lại đỡ được việc tranh luận là sửa hay không sửa.
    Không lẽ cứ nhất thiết phải đưa truyện này vào sách giáo khoa để dạy mới được sao.

    Trả lờiXóa
  8. E thik cái title của bài viết này. Chỉ cần đọc nó là hiểu nội dung mà a Tuấn muốn gửi gắm qua những dòng chữ đó là gì.

    Trả lờiXóa
  9. Đã bao ngàn năm nay, cha ông ta đã lưu truyền truyện Tấm Cám không một ai không biết cốt truyện như thế, nhưng có phải vì thế mà nhiều người thành kẻ ác hay trả thù như truyện đâu. Tại sao bây giờ gọi là HIỆN ĐẠI lại sợ??? Cái cần quan tâm là giáo dục mục đích của truyện, giáo dục nhân cách sống như thế nào cho học sinh. Giáo dục, chế tài người lớn như thế nào để không là hình tượng xấu cho trẻ em. Không vì một truyện đó mà xã hội trở nên tàn ác đâu, mà chính nhiều vấn đề giáo dục khác đã dạy nên một ý chí căm thù đã tạo nên lòng ác mà thôi.

    Trả lờiXóa