6 tháng 2, 2013

"CHÂN TRẦN, CHÍ THÉP"?...


Mai Thanh Hải - Có 1 cuốn sách mang tên "Chân trần chí thép", ca ngợi ý chí của những chiến sĩ Quân giải phóng, trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước.

Mình rất thích tư tưởng xuyên suốt trong cuốn sách: "Những người nông dân, chịu mọi khó khăn thiếu thốn vất vả gian lao, với đôi chân trần, nhưng đã đánh bại những binh lính được trang bị tận răng, vũ khí tối tân hiện đại, điều kiện tiện nghi...".

Đấy là chuyện ngày xưa, tưởng như chỉ trong sách vở - hồi ức.

Nhưng có đi miền núi - biên giới, mới thấy những "chí thép" này vẫn còn nhiều lắm lắm, ở khắp các bản làng, con đường, ruộng nương.

Kiên cường và bền gan hơn, những "chí thép" này chẳng là du kích, bộ đội, người lớn mà chỉ lũn cũn vài ba tuổi trở lên, chịu đựng và chấp nhận.

Mỗi chuyến đi của chúng mình lên biên giới, đều gắng lo cho bọn trẻ, mỗi đứa 1 đôi ủng cao su xanh đỏ tím vàng hoặc "hẻo" quá, cũng 1 đôi dép nhựa màu trắng.

Sau khi trao quà, thường là chúng nó khoác ngay áo mới, chụp ngay mũ mới và đi luôn ủng mới, chạy tóe ra khỏi lớp, về nhà, như 1 đàn gà con.

Lúc ấy, đứng nhìn chúng ngật ngưỡng trong ủng mới cứng, tay khư khư cầm túi ni lông đựng đồ cũ vừa thay ra, thấy yêu và thương vô cùng...

Thế nhưng cũng có những chuyến, chỉ huy động đủ tiền mua áo mũ, không có ủng - dép, khi trao quà, chả dám nhìn vào chân chúng nó...

Và lại ước: Mỗi chuyến đi, xin thêm được vài triệu thôi, để mua cho chúng mỗi đứa một đôi ủng, trị giá có vài chục nghìn, để những cảnh "chân trần, chí thép" không còn nặng nề trong ngực, tự hào thật đấy nhưng cũng rất đỗi xót xa...

Tết nhất thế này, ngoài 3.000 đứa lít nhít đã được tặng ủng - dép của Áo ấm biên cương tại 4 địa phương trong năm qua, còn bao nhiêu đứa nữa vẫn chân trần, đạp núi, nhỉ?..
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------

* Hình ảnh trong bài viết được ghi lại trong những chuyến khảo sát, thực hiện trao quà tại Mường Nhé (Điện Biên), Bảo Lạc (Cao Bằng), Đồng Văn (Hà Giang), Trạm Tấu (Yên Bái) và hình ảnh cung cấp của các đồng nghiệp, các thành viên diễn đàn - mạng xã hội FB, xomnhiepanh.com, OF, phuot.net...

2 nhận xét:

  1. Vẫn biết đó là sự thực nhãn tiền mà vẫn bị sốc. Không thể tưởng tượng được lại có thảm cảnh này trên cái đất nước Việt Nam đã đi hết thập niên đầu của thế kỉ XXI.
    Ôi chao. Những mĩ tự mĩ từ điêu trá: công bằng, văn minh, về cơ bản là một nước công nghiệp, phát triển, đổi mới, dân chủ, nhân đạo, quyền con người, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, tương lai của dân tộc, xóa đói giảm nghèo bền vững, tiến kịp miền xuôi, anh hùng thời kì đổi mới, cải cách giáo dục, kinh tế tri thức.... và hàng nghìn những mĩ tự mĩ từ bươm bưỡm rập rờn rập rình đâu đây nữa.
    Than rằng: MIẾNG CƠM MANH ÁO CÒN CHƯA LO XONG THÌ MỌI MĨ TỪ, MĨ TỰ ĐỀU NÊN VỨT VÀO SỌT RÁC CHO NÓ LÀNH.

    Trả lờiXóa
  2. Viết thêm vài dòng:
    Khi dạy bài thơ "Em bé" của V.Hugo, đọc đến câu thơ nói đến đôi chân trần của em giẫm trên đá sắc giữa cảnh hoang tàn, đổ nát bởi chiến tranh... Đọc và thấy rưng rưng. Giờ nhìn những đôi chân của những đồng bào tí hon của mình trong thế kỉ XXI mà thấy ngậm ngùi, chua xót. Và tự hỏi, liệu những bài thơ kiểu "Em bé" có còn nên đọc to lên hay dùng ngay những tấm ảnh này thay cho thơ V.Hugo???

    Trả lờiXóa