2 tháng 11, 2011

NHÌN LẠI SỰ THẬT SAU ĐỢT KỶ NIỆM 50 NĂM "ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN": VŨNG RÔ - CÔNG VÀ TỘI

Thiềm Thừ - Tháng 3/1962, Đoàn 759 cử sáu người, do ông Bông Văn Dĩa phụ trách, thực hiện chuyến trinh sát mở đường trên biển vào Nam.

Chuyến đi thành công, thuyền rời cửa sông Nhật Lệ (Quảng Bình) đêm 10/4, vào đến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn đêm 18/4…

Đêm 11/10/1962, tàu gỗ Phương Đông 1 do ông Lê Văn Một làm Thuyền trưởng và ông Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên, chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn vào Cà Mau.

Ngày 16/10, tàu đến cửa Vàm Lũng an toàn.

Đường Hồ Chí Minh trên biển chính thức hình thành.

Cuối năm 1963, Đoàn 759 nghiên cứu mở tiếp các bến ở cực Nam Trung bộ và Khu 5, xác định được các bến là Lộ Giao (Bình Định), Đạm Thủy (Quảng Ngãi), Bình Đào (Quảng Nam), Vũng Rô (Phú Yên)…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhắc nhở: "Từng chuyến đi vào Khu 5 không được để có một sai sót dù nhỏ, khiến kẻ địch nghi ngờ".

24 giờ ngày 16/11/1964, tàu 41 do ông Hồ Đắc Thạnh làm Thuyền trưởng và ông Trần Hoàng Chiếu làm Chính trị viên, chở 45 tấn vũ khí rời bến Bãi Cháy vào Vũng Rô. 23 giờ ngày 28/11, tàu vào bến Vũng Rô, chuyển hàng an toàn.

Trong tháng 12/1964 và tháng 1/1965, tàu 41 chở thêm 2 chuyến hàng vào Vũng Rô an toàn.

Công tác vận chuyển vũ khí trên đường biển vào miền Nam đang phát triển thuận lợi, thì xảy ra sự kiện Vũng Rô.

Ngày 1/2/1965 (mùng 1 Tết Ất Tỵ), tàu 143 chở 63 tấn vũ khí rời cảng Bính Động vào bến Lộ Giao. Do bị tàu và máy bay địch bám theo, tàu nhận lệnh không vào Lộ Giao, mà vào Vũng Rô.

23 giờ ngày 15/2/1965, tàu 143 vào đến bến Vũng Rô.

3 giờ ngày 16/2, hàng đã bốc dỡ hết, tàu nổ máy định quay ra khơi để trở ra Bắc thì tời neo hỏng. Khi tời neo chữa xong, trời vừa sáng, tàu 143 ngụy trang áp sát vào chân núi, chờ đêm sau thuận lợi sẽ đi.

Khi đó, trong các trận đánh ở căn cứ Dương Liễu và Đèo Nhông, thuộc huyện Phù Mỹ (Bình Định), cách Vũng Rô 180km về phía bắc, quân Sài Gòn bị thiệt hại nặng, phải sử dụng trực thăng chở thương binh về các bệnh viện ở Quảng Ngãi, Quy Nhơn và Nha Trang.

10 giờ ngày 16/2, một máy bay UH1B tải thương bay qua Đèo Cả, phát hiện "mỏm đá lạ nhô ra trên vách núi phía tây Vũng Rô”...

Đến chiều, tàu 143 hoàn toàn bị lộ, nhiều tốp máy bay địch liên tục tới ném bom xuống khu vực Vũng Rô. Hai thủy thủ được lệnh xuống tàu tìm cách đánh bộc phá, hủy tàu.

Song do tàu bị nghiêng một phía, hai người không thể vào được khoang máy, đành bơi vào bờ.

Ngày 17/2, địch cho máy bay tiếp tục ném bom dữ dội, đồng thời dùng trực thăng đổ 2 tiểu đoàn bộ binh xuống khu vực Vũng Rô…

Đêm 17/2, một tiểu đội công binh được lệnh đến giúp hủy tàu 143. Bộc phá nổ, nhưng tàu chỉ vỡ đôi.

Ngày 19/2, địch đổ bộ thêm quân.

Ngày 24/2, địch chiếm các ví trí dọc đường số 1 và các điểm cao đánh xuống. Chỉ huy tàu 143 và chỉ huy bến quyết định rút lực lượng ra khỏi vòng vây.
Những ngày cuối tháng 2-1965, địch tiếp tục tăng thêm quân và tổ chức sục sạo quanh khu vực Vũng Rô, tìm ra một số hầm cất giấu vũ khí…

Tổn thất nghiêm trọng, có tính chiến lược

Bến Vũng Rô và các bến khác ở Khu 5 đã tiếp nhận lượng hàng hóa, vũ khí quan trọng, góp phần chi viện kịp thời cho các lực lượng vũ trang Khu 5 mở đợt hoạt động Đông Xuân 1964 – 1965, giành nhiều thắng lợi.

Nhưng sự kiện Vũng Rô đã gây hậu quả rất lớn.

Ngay sau vụ Vũng Rô, Chấp hành chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân họp đánh giá: Đây là một tổn thất nghiêm trọng, có tính chiến lược.

Tai hại nhất là để địch có bằng chứng rõ ràng về tuyến vận chuyển đường biển, từ đó lập kế hoạch phong tỏa chặt chẽ tất cả các loại phương tiện đi bằng đường biển từ miền Bắc vào miền Nam.

Những yếu kém trong vụ Vũng Rô là nắm địch không chắc, tổ chức chuyển hàng xuống bến chưa chặt chẽ, ngụy trang tàu chưa tốt... Từ đêm 15/2/1965 đến ngày 24/2/1965, có gần 10 ngày, nhưng các đơn vị không hủy được tàu 143, không hủy được nhiều kho vũ khí, để lọt vào tay địch.

Sau vụ Vũng Rô, việc vận chuyển bằng đường biển vào miền Nam bị tạm ngưng, đến tháng 10/1965 mới mở lại. Từ đó cho đến năm 1972, hầu như không chuyến đi nào của tàu không số được hoàn toàn yên ổn, trót lọt. Hy sinh, mất mát rất nhiều ...
 Bến Vũng Rô được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1986.

Còn bến Vàm Lũng, đến ngày 23/10/2011 mới được trao Bằng công nhận Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.

Bến Vàm Lũng ở ấp Rạch Gốc (Tân Ân, Ngọc Hiển, Cà Mau) là bến được mở đầu tiên của Đường Hồ Chí Minh trên biển, nhưng về địa lý lại là bến xa nhất, bến cuối cùng của tuyến đường.

Từ con tàu đầu tiên vào bến Vàm Lũng (16/10/1962) đến chuyến cuối cùng, cụm bến Cà Mau tiếp nhận 4.294 tấn vũ khí từ 76 chuyến tàu, riêng bến Vàm Lũng nhận 68 chuyến.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, các kho thuộc cụm bến Cà Mau không hề bị địch phát hiện đánh phá, hoặc tổ chức càn thu được vũ khí của ta.

3 nhận xét:

  1. Cám ơn bác Hải ! Trong các chương trình trên báo đài về đường mòn HCM trên biển thì bài viết này của bác mới chân thực nhất.

    Trả lờiXóa
  2. Em có nghe nói giai đoạn sau TQ có bán thông tin cho Mỹ về đường mòn trên biển nên giai đoạn này mình bị tổn thất rất nhiều có đúng vậy không bác Hải?

    Trả lờiXóa
  3. Cu tí - HN ơi. Bài này mình đăng lại của anh Thiềm Thừ (đã đặt đường link sống trên đầu) mà. Khen anh Thiềm Thừ chứ.

    *ND 11:19: Vụ này, sau này được giải mật, anh em mình bàn, nhỉ? Nói bi giờ, bị cắt... cúc cu ngay. Hu! Hu!..

    Trả lờiXóa