24 tháng 6, 2011

"DÍ TIỂU LIÊN" - "ĐI TIỂU TIỆN"

Đinh Vũ Hoàng Nguyên - Có một dạo mình đi vẽ, đến một vùng hơi xa đường quốc lộ, chỗ đó gồm cả người Thái và người Kinh cùng ở. Tại đây, mình gặp một gã giáo viên mặt trắng dáng thư sinh, vốn dạy học ở miền xuôi, phải lên trên này dạy 2 năm do bị kỉ luật. Tuy là thầy giáo văn, nhưng gã rất ghét nói đến văn chương, mà chỉ thích uống rượu và tán chuyện nhắng nhố.

Trông bộ dạng gã như kẻ lánh đời. Mình chợt liên tưởng tới ẩn sỹ Xiến Tóc trong cuốn "Dế mèn phiêu lưu kí". Nên dùng tên đấy để gọi luôn cho tiện. Xiến Tóc có kể mình nghe vài chuyện ở ngôi trường gã dạy. Dẫu gã đã cam đoan là người thật việc thật, nhưng độ tin cậy đến đâu thì mình không dám đảm bảo. Ghi ra đây chỉ cốt cho vui.
----------------
Câu chuyện một:

Ở trường Xiến Tóc có một cô giáo ngoài 40. Mắt loạn thị. Chẳng may, cô bị vỡ kính. Ở vùng này, tìm được mắt kính thay thế không dễ, nên cô đành để vậy lên lớp.

Hàng ngày, cô cho học trò mở bài trong sách giáo khoa, bảo chúng tự đọc, rồi cho chép những ý cần thiết. Giáo trình dạy cô cũng thuộc hòm hòm. Chỉ nhìn đề bài là áng áng được những gì cần nói. Do thế, mọi sự vẫn suôn sẻ.

Hôm đấy, giờ cô giảng có giáo viên cùng trường đến dự. Nên khác với mọi lần, cô mở sách giáo khoa ra đọc. Trong bài có đoạn: "Anh Phan Đình Giót dí tiểu liên vào lỗ châu mai địch...".

Do nhìn không rõ chữ, cô đọc "dí tiểu liên" thành "đi tiểu tiện". Rồi giảng: "Anh Giót coi thường kẻ thù đến mức đái vào chúng. Hành động của anh chính là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng...".

Kể đến đây, Xiến Tóc nói:

"Kể như trong sách mà ghi, anh Giót dí ... Đại liên vào lỗ châu mai, thì còn anh hùng nữa!".
.
Câu chuyện hai.

Có một giáo viên cùng trường Xiến Tóc bụng bị chướng lên, đau vật vã. Tiền sử chàng ta đã mổ ruột thừa. Thỉnh thoảng lại đau như thế.

Mình từng phải mổ ruột thừa. Nghe tả vậy, nên đoán, có lẽ chàng giáo viên nọ bị dính ruột. Cái kiểu đau này rất khiếp, người oằn oại, chỉ khi nào thoát khí được ở hậu môn, tức là ruột thông, thì mới khỏi. Trường hợp quá nặng có thể phải mổ.

Vùng đấy xa quốc lộ, tới được Trạm Y tế không đơn giản. Mà dẫu tới được, thì Trạm cũng chỉ là nơi trung chuyển, chứ khả năng điều trị rất hạn chế.

Ở bản Thái có bà lang bị mù, toàn cắt thuốc lấy trên rừng, thuộc loại mát tay. Mấy giáo viên ở Trường bàn nhau đưa thử qua đó.

Bà lang mù nghe có người đau bụng, mới bảo mấy giáo viên đi cùng xuống bếp đun nước. Sau đó kêu bệnh nhân tụt quần. Nghe vậy, mọi người hơi ngạc nhiên, nhưng vẫn tăm tắp làm theo.

Nước sôi. Bà lang lần lần tay vào háng anh chàng giáo viên. Đột nhiên bà hú lên thất thanh:

"Chết chửa! Đẻ ngược! Đứa bé lòi chân ra đây này!"

Mọi người bò ra cười. Chàng giáo viên đang đau, cũng lộn từ phản xuống đất vì cười. Bụng chợt sôi, đánh rắm một tràng thối um.

Cũng may, nhờ thế là khỏi.
.
Câu chuyện ba.

Có lần Xiến tóc ra suối, gặp một đồng nghiệp nữ trẻ. Cô ta là người Kinh, bình thường ăn mặc như người dưới xuôi; riêng hôm ấy cô lại vận váy của người Thái. Thấy Xiến tóc ngạc nhiên, cô giáo bảo:

"Trời nóng, em mặc thế này ra suối cho nó mát!".

Mình nghe chuyện, thấy nhạt thếch...

Ngừng một lúc, rồi Xiến Tóc thủng thẳng nói tiếp:

"Tiếng Việt đa nghĩa lắm. Như cô ấy bảo: " Trời nóng, em mặc thế này ra suối cho nó mát". Vậy không biết từ "nó" ở đây, phải hiểu là cái gì???".

(Hình ảnh trong bài viết mang tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết)

6 nhận xét:

  1. Bão gió đến nơi, các bác không lo về quê chống bão mà lại post toàn truyện cười của "lão thày bói mù" lên blog!

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn chủ nhà đã có những câu chuyện cười rất thú vị.Không hiểu sao từ sáng đến giờ mới còm được vào trang này.
    Tiện đây mời bà con :http://phamvietdao2.blogspot.com/2011/06/ong-vu-van-hien-giam-oc-vov-mot-chim.html
    Trang Nguyễn Hữu Quý cũng đăng.

    Trả lờiXóa
  3. Một bức ảnh tắm tiên rất đẹp!

    Trả lờiXóa
  4. Sắp về hưu rồi mà xem tấm ảnh này,lại cứ muốn lên dạy vùng cao.

    Trả lờiXóa
  5. Đọc thấy buồn cười quá, vụ cô giáo loạn thị!

    Trả lờiXóa