Đến bây giờ, mình vẫn sợ sợ khi nhớ lại những năm 1989-1990 - thời điểm mà sách báo chính thống gọi là "từ bỏ bao cấp, chuyển sang kinh tế thị trường". "Cấp" với lại "tế" thế nào, thì cái đầu dân đen toàn u mê câu chữ, lãng đãng muốn đi chơi của mình chả cắt nghĩa nổi, chỉ biết đói vàng mắt và cái gì cũng không có (chứ có đâu mà thiếu?). Giai đoạn "chuyển - bỏ" ban đầu, hình như cũng dài và đang lẫm chẫm lắm, nên cả nước lại càng vất vả. Với thanh niên mới lớn tụi mình, hồi ấy, sau đói ăn, thiếu mặc là nỗi khổ "phụ tùng - phụ kiện". Hi! Hi! Kể lại xấu hổ chết, nhưng sự thật là đi học, thằng nào thuộc dạng nhà giàu, cũng chỉ có tối đa 2 cái quần đùi lụa xanh đỏ (ngày ấy gọi là quần đùi Thái) có chun, còn lại chỉ có quần cộc dải rút bộ đội, hay cũng dải rút, bố truyền lại - mẹ tận dụng từ vải thừa, áo cũ diềm bâu may cho. Riêng cái thứ văn minh gọi là SIP bây giờ á, có nằm mơ cũng không thấy (Lại phải Hi! Hi! phát nữa cho... đỡ ngượng), nên có những chuyện kể ra, đúng là "dở khóc, dở cười". Đàn ông con trai là vậy, đàn bà con gái chắc còn khổ hơn, khi không có "phụ tùng xích líp" hoặc có nhưng phải dùng theo kiểu... tra tấn. Bác nào là nữ, biết chuyện này kể cho anh em chia sẻ với, chứ mình thì chỉ... đoán vậy thôi. Hi! Hi! (lại nữa). Thế nên, hồi đầu lên Hà Nội học Đại học, mình đã ríu hết cả chân khi thằng Thắng vẹo (nhà ở Phó Đức Chính), Sơn khỉ (nhà đầu cầu Chương Dương), chở xe đạp cho bọn mình vào "giải ngố nội thành Hà Nội", đi qua đoạn Hàng Bông, thấy mấy cửa hàng bán... "phụ tùng xích líp". Ối giời! Đấy phải gọi là... cánh bướm, hơn hẳn loại... cánh cam mà cô - chị ở quê hay vắt lủng lẳng đầu sào và treo thành dây... nghiêm trang, cá tính trong doanh trại Đại đội nữ Thông tin 603 bên cạnh nhà mình. Bây giờ lớn, mình vỡ vạc ra 1 điều: Thay đổi 1 cơ chế, đừng có nói những điều to tát, cao siêu mà hãy chú ý đến việc giải phóng con người ta khỏi sự khô cứng, ép nén. Và nữa, cái sự "thay đổi cơ chế" trực tiếp, từ "cánh cam" sang "cánh bướm"cho chị em (và cả phụ tùng... chữa ngượng cho anh em) hồi ấy, không phải Hệ thống Mậu dịch Quốc doanh, không phải Chỉ thị - Nghị quyết, mà do chính những người buôn bán nhỏ (hồi ấy gọi là Tư thương) thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời và dĩ nhiên, chả phải mang... tính Đảng. Trên đời, nhiều việc tuy nhỏ, nhưng hiệu quả còn hơn những rất việc lớn, nhưng chỉ hô to. Hôm nay, xem tấm hình chụp gian hàng bán "phụ tùng xích líp" của chị em, do phóng viên nước ngoài chụp, tại Hàng Bông, Hà Nội năm 1990, mình lại lẩn mẩn mấy chuyện linh tinh lang tang thế chứ. Có lẽ mấy hôm nay giời u ám, bất thường theo kiểu "nói zậy nhưng hổng phải zậy". Thôi! Phải làm cốc cà phê, giống Bọ Vinh thôi!. He! He! (Nguồn hình: Corbisimages.com) |
Ba cái phụ tùng này trước 75 trong miền Nam thiếu gì, người ta gọi là ... khô mực.
Trả lờiXóaNhờ có B mà e hiểu thêm rằng phụ tùng xích líp có nhiều kiểu, nhiều cánh! :d
Trả lờiXóaVà thú vị với hoài niệm những ngày đầu bỡ ngỡ với Hà Nội của A!
Từ từ khoai nó nhừ...đã, ta sẽ kể cho ngươi nghe chuyện xích lip của mấy o thanh niên xung phong trong chiến tranh nghe hử?
Trả lờiXóaKệ bác xính líp thế nào, trước đến giờ em thần tượng bác lắm lắm. Sau khi đọc bài nà em tôn bác lên thành Bác Hải Xích líp nhé. có gi bác phản hồi để em còn biết
Trả lờiXóa@CU Vinh: Hoan hô Cu, nhanh kể đi, nhé.
Trả lờiXóaNghe những chuyện ngoài Bắc trước 1975 sao như chuyện cổ tích , người Miền Nam mẹ tôi năm 1970 đi tắm biển mặc bộ đồ bikini bây giờ nhìn vào tôi còn thấy hợp thời
Trả lờiXóaHì hì, không biết khi nào lại quay về thời kì đó nhể, nhớ miếng vá ở quần, có đường chỉ "lạ", mắc cỡ chết đi được.
Trả lờiXóaKể chuyện này, mọi người có ý kiến rất nhiều, khiến nhà cháu càng... xấu hổ. Còn mấy hình và chuyện nữa, đã vậy thì sẽ kể nốt. Hi! Hi!..
Trả lờiXóaCó khi xài loại cánh cam ở quê lại an toàn hơn loại cánh bướm trên phố ấy bác ạ!
Trả lờiXóaVì xưa ở quê có mấy chị mấy e bị ung thư, giờ thì... nhiều vô kể!
Anh Hải cho em bê bài này về nhà ợ! Cám ơn anh!
Trả lờiXóahaha. e đang tìm xích xe đạp search ra luôn trang này.
Trả lờiXóa