14 tháng 7, 2012

COI TAY VÀO SÁNG MƯA

Nguyễn Ngọc Tư - Người đó đến nhà và mang bàn tay xòe ngửa trước mặt bà: "Nghe nói cô Năm Nguyệt giỏi coi tay, vậy đọc giùm thằng đàn em tôi vận số này!".

Anh ta vừa nói vừa giắt tiền quẻ lên đĩa trái cây đặt ở bàn thờ Phật. Bắp tay xăm bò cạp của người đó săn cuộn, khi cắm phập cây dao nhỏ xuống mặt bàn gỗ, cán rung lật bật, như xiên qua bất cứ lời từ chối nào.

Cô bỏ nghề cũng đã lâu. Người ta không còn nườm nượp lui tới để hỏi coi đời mình rủi hay may. Khách sáng nay bất chấp.

Cửa nhà vẫn mở, mưa xiên li ti lên đôi dép xỏ ngón bẩn thỉu của khách, nhưng bà thầy bị cầm tù vào bàn tay đang chìa ra kia.

Bàn tay tái xanh và lạnh, từng ngón như sắp rã ra, bật lên cái bớt đỏ trên cổ tay, như vết đứt mở miệng.

Nó thôi miên bà, để mặc điện thoại bàn kêu ré lên từng hồi rồi tắt lịm đi trong mòn mỏi. Chuông tạnh, nghe có tiếng thằn lằn rơi phịch xuống.

- Lần nào coi tay cho người ta cô cũng khóc như vầy sao. Cũng lạ à nghen. Bao nhiêu nước mắt cho đủ? - Người đó cười khủng khỉnh, như đang coi một vở kịch vụng về: Thằng đàn em tôi linh thiệt, nó nói thế nào cô Năm cũng khóc lóc!.

Bà đã tìm kiếm, mong được gặp lại từ những vị khách bước vào nhà mình một bàn tay giống hệt như vầy. Cái bớt đỏ ở cổ tay, và lóng cuối cùng của ngón út bị gù do lần nọ bị đứt sâu, bó bằng vải xé ra từ vạt áo cũ, không nẹp nên cong queo khi liền sẹo.

Ngón trỏ bà di theo những đường chỉ tay đứt quãng, nghe cái lạnh của bàn tay kia ngấu vào người. Những vết chai trên ấy rắn đanh như đá. Không phải bàn tay của kẻ vẽ tranh.

Bà ước mình đoán sai. Không phải chủ nhân của bàn tay kia thuở nhỏ chịu cảnh nghèo, nó muốn một hộp bút chì màu mà bị bà mẹ từ chối. Không phải người ấy bị lạc mẹ hồi tám tuổi, chịu trôi nổi giữa đời.

Sao nó trở lại, bằng cách này?!.

Chẳng còn nhớ đây là bàn tay thứ bao nhiêu được bà cầm lên săm soi để dò đoán cuộc đời của chủ nhân nó, kể từ lúc bà lục lọi được trong tủ sách của ông nội mình bộ mười ba quyển Thuật pháp nhân tướng học.
Con bé mười sáu tuổi nhận ra mọi bộ phận trên cơ thể đều biết nói, đều có ý nghĩa trong cuộc đời. Rủi hay may, suôn sẻ hay truân chuyên đều hiện lên ở từng chi tiết nhỏ. Tóc nói mũi nói đuôi mày nói, vành tai nói, nếu ta biết cách đọc. Bàn tay không chỉ để nắm tay mà phơi bày số mệnh.

Ông nội bà đã phạm sai lầm vì đã không đốt hết bộ sách ấy trước khi cháu gái mình trở thành thầy bói lẫy lừng. 

- Con ơi, để lộ cơ trời thì trời có tha cho không?.

Câu nói đó ông già nhắc đi nhắc lại, nhưng bà đã để lọt qua tai kia bởi ngây ngất với cái quyền lực mà mình đang có: Một vị thánh ở giữa các cõi làm sứ giả của trời, đọc những dấu hiệu giúp nhiều tín đồ mê mụ biết trước tương lai.

Bất hạnh mà bà gặp trong đời đều có lý do. Bà lấy phải một tay thợ mộc nghiện rượu vì không coi lấy chồng là quan trọng, chỉ cần mượn giống để kiếm đứa con. Bà muộn con là do tinh trùng của chồng xỉn hết, làm gì có thứ gì ngâm trong rượu mà còn sống. Bà nghèo bởi mải mê làm phước giúp đời.

Một ngày bà về sụp lạy trước mộ ông nội mình, nói con tin có trời rồi. Đứa con mà bà chắt chiu cầu khẩn trước bao nhiêu đền đài bị lạc mất ở chợ Sương. Thằng bé giảy nảy đòi hộp bút màu, một thứ không ăn được.

Với bà hồi ấy, bất cứ gì không ăn được đều không quan trọng. Nhà dột mới quan trọng. Chạy gạo bữa mai mới quan trọng.

Vẽ lên giấy những ảnh hình sặc sỡ thì có vẻ xa xỉ quá. Bà kệ nó ngồi bệt ăn vạ ở một góc chợ, cho nó sợ.

Tin rằng nếu mình quả quyết không ngoái lại, thằng nhỏ sẽ ngoan ngoãn vì nỗi sợ hãi bị bỏ rơi.

Trong lúc tìm một chỗ khuất để dõi theo đứa bé, có người chặn lại nói cô Năm coi giùm tôi một quẻ. Mãi đi theo những đường chỉ tay như mê lộ, lúc bà sực nhớ tới con thì nó không còn ở đó nữa.

Những người có mặt ở chợ trưa ấy đều hỏi bà làm mẹ kiểu gì vậy, người chồng say xỉn cũng hỏi câu ấy trong lúc giáng nắm đấm đánh gãy hai cái răng bà trước khi bỏ nhà đi.

Điền thông tin gửi các báo đăng trên mục tìm người, bà miêu tả tỉ mỉ chi tiết đặc điểm của gương mặt, bàn tay, vị trí nốt ruồi trên người thằng bé vì đã thuộc lòng ngay từ khi mới đẻ, nhưng vẫn tuyệt vọng vì không nhớ quần áo con mặc hôm đó.

Quần có thể ghi xám, nhưng cũng có thể nâu. Hoặc là ghi xám nhưng bị mưa ướt nên ngã nâu. Áo kẻ trắng xanh, trên túi thêu một con gà con hoặc hai con thỏ, hoặc là logo nhỏ của một đội bóng đá nổi tiếng nào đó.

Chắc là vì những chi tiết mù mờ mà những lời rao không có hồi đáp nào vọng lại.

Cái thứ bà nhớ nhất, là chỉ tay của thằng nhỏ. Thứ đó tòa báo không coi là thông tin được in. Bà tự huyễn hoặc mình thêm lần nữa, bàn tay trở về sáng nay không phải bàn tay mình đã nắm ở chợ Sương năm ấy. Nó có khổ rộng gấp ba, chi chít sẹo. Nó nói bà ơi tôi đã chịu cơ cực lắm, từ hồi bà rời bỏ.

Trong tháng ngày bàn tay này phiêu bạt, bà nắm những bàn tay khác và không chịu được cái ý nghĩ mình níu người dưng đây mà buông bỏ máu thịt của mình, bà bỏ nghề. Nhưng không buông hy vọng.

Lần gần nhất khi gửi lời gọi con lên chương trình truyền hình "Như chưa từng xa cách", bà nhận được khá nhiều cuộc gọi đến nhà nói rằng có thể đã từng nhìn thấy đứa trẻ kia. Rất lạ là thằng nhỏ theo như miêu tả hay nói mình không có mẹ.

Chủ nhân của bàn tay mà bà đang ngây dại rờ rẫm đây chắc cũng xem được chương trình ấy nên theo dấu bà mà gửi tay về.

Chắc cái vết cấn sâu trong trí nhớ ấu thơ của nó duy nhất chỉ hình ảnh mẹ đã buông tay bỏ mặc mình ở góc chợ. Mẹ đi thẳng, không ngoái lại.

Bà thầy từng nghĩ nếu có thể cải sửa cái hình ảnh sau cùng đó của mình - một bà mẹ nhẫn tâm - bà đổi mạng cũng đành. Điều đó là không thể, bà thật sự tuyệt vọng.

Mưa tạnh, có mấy giọt nước rơi trên cúc áo người đàn bà. Ti vi nhà hàng xóm đang phát bản tin các băng nhóm tội ác thanh trừng nhau ở tận bệnh viện, một người bị mã tấu chặt đứt tay trái, giá xăng tăng, một làng chài khỏa thân biểu tình đòi lại những chiếc tàu đánh cá bị bọn Lạ cướp mất.

Người đó sốt ruột ngó lên vách. Bà không chắc anh ta nhìn đồng hồ hay cái ảnh đen trắng chụp cận mặt một thằng bé sún răng cười toe treo gần đấy. Bà không nhìn mặt khách một lần nào, biết chắc chắn không phải nó.

- Đàn em tôi dặn hỏi kỹ, nó hỏi có phải vào tù nhiều lần không, hay chỉ ở một lần dài cho tới chết ? À, nó còn hỏi nếu chẳng may bị kêu án tử, thì nó sẽ bị bắn hay tiêm thuốc độc?..

Sau mỗi câu hỏi, bà thầy cảm giác mình vừa bị phạt một nhát. Rúm ró.

Người đó khủng khỉnh cười, rút con dao ra khỏi mặt bàn chảy máu, đi ra cửa, và nói ngoái vào “Cô Năm  từ từ mà coi cho kỹ, tôi đói rồi, chờ không nổi. À, đàn em tôi dặn cô cứ giữ, nó không cần nữa. Lìa thì cũng đã lìa rồi, mạch máu chết nên không thể nối lại…”

Bàn tay vẫn còn nằm lại trên mặt bàn trầy xước. Bàn tay để ngửa. Cụt đến nửa ống. Vô nghĩa biết bao một bàn tay không còn cầm nắm được.

Bà thầy bói già kêu: "Con ơi!", níu mãi bàn tay xanh xao đó...

13 tháng 7, 2012

YÊU LẮM SÀI GÒN

Sài Gòn mùa này mưa nhiều, cứ hơi tý là ào ạt nước đổ xuống lúc nhúc người xe. Nhưng ào xuống tý đấy, lại tạnh cong ngay đấy, như thể Giời nhỡ tay làm đổ chậu nước, cuống quýt bê lên mặt bể ban trưa đầy những nắng và nắng. Một cú điện thoại, 1 tin nhắn hẹn hò, mà nhoáng cái đã đủ mặt, như thể nhấp nhổm đợi chờ từ... tuần trước. Yêu thương lắm bè bạn Sài Gòn, thân thuộc lắm, mảnh đất Phương Nam.
Người có tóc, kẻ trọc đầu. Hu! Hu!..

MỚI HỬNG SÁNG MÀ SÀI GÒN ĐÃ NẮNG TO

Đàm Hà Phú - Mới hửng sáng mà trời Sài Gòn đã nắng to, nhịp sống sôi réo khắp mọi nơi.

Một phụ nữ trẻ dẫn hai đứa nhỏ tầm 3 - 4 tuổi ra ngồi bên xe hủ tíu của bà Tám.

-         Bà Tám cho hai tô đi!.
-         Nay sắp nhỏ đi học hè hả?.
-         Dạ, mấy cô nói đi học hổng tính tiền trường, chỉ thu phân nửa tiền cơm!.
-         Ờ đi học đi, để má bây phụ đi làm, đeo má bây riết hổng làm ăn gì được!

-         Con ăn giò
-         Con ăn mì gói…
-         Ờ, ngồi yên đi để Tám làm, má bây ăn gì?.
-         Dạ khỏi đi Tám, hồi khuya ăn cơm nguội giờ hổng thấy đói!.
-         Thôi, ăn bậy gì đi, tao làm chén bò viên cho mầy hén?.
-         Dạ, cám ơn Tám!.

-         Bà Tám, sao cha con đi đâu lâu quá?.
-         Ờ, cha bây đi công chuyện cho Tám, ít bữa dzìa!.
-         Tám nói cha con mua cặp mới cho con hén Tám?.
-         Mua mặt nạ siêu nhưn cho con nữa!.
-         Ờ, ờ, học giỏi đi rồi Tám nhắn cha bây mua quà hén!.

-         Con gửi tiền Tám!.
-         Thôi, bỏ đó đi, chừng nào chồng bây dzìa trả một lượt!.

-         Nè, ba đứa bây đi bộ hả, thôi để tao kêu ông Tư Xe Ôm chở. Ông Tư ơi, biểu coi!…
-         Dạ, dzậy chú Tư chở dùm hai đứa nhỏ, con đi làm chớ trễ, mấy bữa chồng con dzìa con gửi tiền xe luôn hén chú Tư?.

-         Bậy nè, chòm xóm không hà, tiền bạc gì, chừng nào chồng bây dzìa nhậu bữa là được rồi!.
-         Dạ, cám ơn chú Tư!.

Ông Tư rồ ga, xe lắc lư ra khỏi con hẻm cùng tiếng cười của hai đứa nhỏ.

Chị cắp nón mỉm cười nhìn theo con rồi cũng chậm rãi bước ra bến xe buýt.

Bà Tám không nhịn được tánh nhiều chuyện:

-  Đó cậu coi, mấy đứa tội nghiệp lắm, chồng nó làm tài xế, thằng đó dễ thương hết biết, bởi đẻ con thấy ghét quá trời quá đất. Nhà nó khổ quá, cũng may chòm xóm cưu mang, rồi chánh quyền cũng đỡ đần mới qua ngày đó chớ!.

-  Ủa dzậy anh chồng chỉ đâu bà Tám?..

-  Trời, nói dậy nãy giờ cậu hổng rành hả, chồng nó bị tai nạn chết hồi năm ngoái rồi, trong xóm tụi tui nói dzậy cho tụi nhỏ nó bớt buồn tủi đó mà!.


Mới hửng sáng mà trời Sài Gòn đã nắng to, nhịp sống sôi réo khắp mọi nơi.
--------------------------------------------------------------
* Hình minh họa: Nhật Quang

12 tháng 7, 2012

"BÁN RUỘNG ĐẤT Ở BỜ CÕI CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI THÌ BỊ TỘI CHÉM"...

Trích lục lại Luật Hồng Đức:


Điều 74.

Những người bán ruộng đất ở bờ cõi cho người nước ngoài thì bị tội chém.

Những người bán nô tỳ và voi ngựa cho người nước ngoài, thì bị tội chém.

Quan phường xã biết mà không phát giác, thì tội giảm một bậc.

Quan lộ, huyện trấn, cố ý dung túng, thì cùng một tội, vô tình không biết thì xử tội biếm hay phạt.

Điều 75.

Những người đem binh khí và các thứ thuốc có thể chế hỏa pháo, hỏa tiễn cho người nước ngoài đều phải tội chém.


Nếu bán binh khí không đến 10 cái, thuốc súng không đến 10 cân, thì bị xử tội lưu đi châu xa, bán đồng và sắt thì phải xử tôi lưu đi châu gần.

Bán da trâu, các thứ gân, các thứ sừng để làm quân khí, kể số vật giá đáng 10 quan thì lưu đi châu ngoài, nếu tang vật nhiều, tội tăng thêm một bậc.

Quan phường xã biết mà không phát giác, tội giảm một bậc; quan lộ,huyện, trấn, cố ý tha đều cùng một tội. Nếu không biết thì biếm hay phạt.

 Điều 613.

Những quân lính các trấn ven biên giới, cùng các trang vùng duyên hải mà giấu giếm người nước ngoài vào kinh thành, thì xử biếm năm tư, không quan chức thì xử tội đồ làm chủng điền binh và phạt tiền 100 quan; thưởng cho người tố cáo một phần ba.

Quan trông coi và chủ trang vô tình không biết, thì xử biếm một tư.

Điều 616.

Thuyền bè ngoại quốc đến trang Vân Đồn buôn bán, mà quan Sát hải sứ đi riêng ra ngoài bể kiểm soát trước, thì xử biếm một tư.

Thuyền buôn ấy muốn đậu lại lâu, thì trang chủ phải làm giấy trình An Phủ ty làm bằng, mới được ở lại; nếu trang chủ không trình mà tự ý cho ở lại thìu xử biếm hai tư và phạt tiền 200 quan; thưởng cho người tố cáo một phần ba.

Nếu chứa những người ngoại quốc chưa đủ tuổi theo luật định, thì xử biếm một tư và phạt 50 quan; thưởng cho người tố cao một phần ba.
-------------------------------------------

* Hình ảnh ghi lại hoạt động buôn bán, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc, giai đoạn 1990-1992 tại Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và Hà Khẩu (Lào Cai), chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung các điều luật đã trích dẫn lại.

11 tháng 7, 2012

VÀO ĐẢNG THÌ CÓ SAO ĐÂU?..

Mạnh Quân - Đấy, mình có cái tật là cứ lúc buồn bực chuyện gì là phải viết cho rõ lắm, để những ý nghĩ về chuyện gì đó nó cuốn đi, khỏi nghĩ ngợi linh tinh cho buồn thêm. Hi hi. Thế lại cười được.

Mới đọc một entry của một người bạn, mới biết rằng bạn mình sắp vào Đảng.

Ngẩn người, than thầm: Ôi, thế là lại có một người tốt vào Đảng!.

Nói thế có khi bị trách nhỉ?. Thế Đảng không có người tốt à?.

Không, tớ có nói thế đâu!. Có rất nhiều người tốt đã vào Đảng đấy chứ!.

Mình còn nhớ cách đây vài năm, không nhớ năm nào, có báo xây dựng chuyên mục "Người tốt, việc tốt" có đặt tít một bài báo là: "Người tốt như thế chắc là Đảng viên".

Trong một số cuộc thi về tít báo không chính thức sau đó, cái tít này luôn luôn giành giải nhất. Tất nhiên, vì sự độc đáo của nó.

Mình có nhiều người bạn, phải khẳng định chắc chắn là họ là những người tốt, vì lý do A, B, C...gì đó đã vào Đảng. Hi hi. Có điều, có những người bạn của mình đã vào Đảng và mình thì mất bạn...

Hồi học trong trường Đại học thì hình như bạn mình, không có đứa nào vào Đảng. Nhưng ra trường vài năm thì lác đác đã có đứa vào.

Trong nhóm bạn thân của mình, có lúc nói đùa với nhau, nói như thề: "Mịa, đứa nào vào Đảng thì đéo chơi với đứa đấy nữa...". Vì lúc ấy tỏ ra thanh cao lắm, nghĩ là, đứa nào vào Đảng thì có nghĩa là muốn leo, trèo, ham quyền, ham chức...Chứ tuyệt cũng không dám nghĩ là Đảng là xấu.

Tinh thần chung là việc mình mình làm, không nói xấu chế độ, không chống Đảng...cố làm việc tốt, kiếm được nhiều tiền càng tốt, rong chơi, vui vẻ tháng ngày là cũng thỏa mãn một đời như thế cũng là ủng hộ Đảng lắm rồi. Hâm thế!..

Thế mà rồi cũng có đứa này, đứa kia vào Đảng rồi. Thì sau đó, có đứa vào Đảng cũng làm chức nọ, chức kia, có đứa làm Tổng Biên tập rồi, oách lắm.

Thì có khi việc vào Đảng là yêu cầu của tổ chức, nếu ông không vào, ông nghỉ, làm lính trơn.

Nhưng cũng có đứa vào Đảng rồi thì cũng chưa làm gì cả, vẫn lính trơn...cũng không thấy có vấn đề gì.

Sau mới nghĩ là, ah uh, ngày xưa trẻ con, cứ nói linh tinh. Đứa nào vào Đảng kệ nó chứ. Rất có thể vào Đảng rồi thì nó vẫn là người tốt.

Mình mà cứ bạn vào Đảng là không chơi nữa thì không khéo sau này chẳng còn bạn bè gì. Buồn!..

Riêng mình thì đến nay vẫn không vào Đảng. Mặc dù cơ quan cũ - Báo Thanh niên cũng có lần hỏi có vào Đảng không?. Dạ, thôi, em không. Em cũng yêu quý Đảng nhưng tính em lếu láo, vô tổ chức, ngại họp hành phê bình, phê phán nhau phiền hà, lằng nhằng. Thế thì Đảng nào có cảm tình mà cho vào được?.

Cho nên, có vài lần nào đó mà có Hội nghị, Hội thảo gì về Đảng mà sếp phân công đi dự viết tin, bài thì chúng bạn phóng viên trong phòng cười rú lên. Chít chưa kon! Hi hi!.

Đến cơ quan mới, cũng có lời nhắc xem có vào Đảng không?. Mình cũng thôi.

Mình chỉ muốn tập trung tất cả cho công việc của cơ quan, làm một công dân bình thường, tử tế, kiếm tiền chính đáng nuôi được vợ con, mời được bạn bè thỉnh thoảng đi nhậu, đi chơi...thì cũng tốt cho xã hội, cho Đảng lắm rồi, dù đó thật là ý muốn tầm thường.

Nếu sống trong một xã hội khác, có lẽ, mình cũng không muốn vào bất cứ Đảng nào. Mình vẫn muốn là Nhà báo không đảng phái - Vì chỉ có thế, Nhà báo mới khách quan và công tâm.

Có lúc ở bàn bia, mấy đứa bạn đã vào Đảng bảo mình: "Ông hâm bỏ mẹ, vào Đảng thì có sao đâu. Nó cũng như cái tấm vé ấy mà. Nếu muốn làm được việc gì, có chức, có tước thì phải có cái thẻ đỏ. Mình vào cứ vào, còn nghĩ thế nào, quan điểm thế nào còn do mình chứ!".

Ah không!. Mấy cái này mình cũng không quan tâm nốt. Bởi vì, mình không thích có chức, có tước bằng thẻ đỏ. Hê! hê!..
---------------------------------------
* Hình trên Diễn đàn OF chỉ mang tính minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

NGUY CƠ XẢY RA MỘT VỤ ĐỤNG ĐỘ HẢI QUÂN TRÊN BIỂN ĐÔNG?..

Tuần Việt Nam - Nhìn vào toàn bộ căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines về bãi đá cạn trên biển và các chiến dịch ngoại giao truyền thông, trong những ngày gần đây giữa Bắc Kinh và Hà Nội, các chuyên gia phân tích chiến lược và các nhà ngoại giao, thấy rõ nguy cơ của một cuộc tranh chấp leo thang về khai thác dầu khí quốc tế, tại biển Đông.

Không khó để tưởng tượng ra các kịch bản xấu nhất: Sự thăm dò kình địch, liên quan đến tài sản của các Công ty quốc tế và được sự hỗ trợ của các tàu hải quân và tàu bán quân sự, tất cả ẩn chứa nguy cơ xảy ra sự cố cũng khi nó liên quan đến các nước lớn hơn.

Một tùy viên quân sự kỳ cựu nhận định: "Chúng ta đang nói đến một thùng thuốc súng...và nó có thể là rất to. Căng thẳng liên quan đến thăm dò dầu khí có thể dễ dàng trở thành một cái gì đó tồi tệ hơn thế nhiều".

Động thái hồi cuối tuần trước của Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC), nhằm mời thầu quốc tế đối với các lô dầu khí đang được các công ty quốc tế thăm dò theo các thỏa thuận với Việt Nam (vốn nằm trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam - người dịch), là một bằng chứng cho thấy, Bắc Kinh ngày càng quan tâm hơn đến vùng biển đang tranh chấp, ngay cận kề một số hải trình bận rộn nhất thế giới.

Trong nhiều năm liền, Bắc Kinh đã phản đối, cả công khai và không chính thức, các thỏa thuận thăm dò dầu khí giữa Việt Nam và một số công ty dầu khí lớn nhất thế giới ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam và nằm trong vùng biển mà đường lưỡi bò gây tranh cãi của Trung Quốc đi qua.

Thông điệp của Bắc Kinh rất rõ: các Công ty vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và làm phương hại tới lợi ích của Trung Quốc.

Hà Nội tất nhiên không đồng ý với việc này.

Một số công ty, trong đó có hãng dầu lửa khổng lồ BP của Anh, đã rút lui. Hãng dầu lửa lớn nhất thế giới ExxoMobil của Mỹ vẫn tiếp tục hợp đồng, trong khi các công ty dầu khổng lồ của Ấn Độ, Nga và Nhật Bản đã vào cuộc.

Các đe dọa của Bắc Kinh đối với ExxonMobil càng làm gia tăng những lo ngại của Washington về các báo cáo cho thấy thái độ ngày một xác quyết hơn của Trung Quốc tại biển Đông.

Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PetroVietnam dự định mở đàm phán với các công ty khác của Nhật Bản vào tháng 7.

Hiện giờ, sau nhiều năm thất bại, CNOOC đã công khai mời thầu quốc tế đối với 9 lô dầu khí nói trên. Nhiều năm qua, các quan chức của công ty này đã bày tỏ lo ngại rằng họ có thể bỏ lỡ các hợp đồng béo bở đầy hứa hẹn nếu tranh chấp biển Đông kéo dài....


Giáo sư Clive Schofield, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và An ninh biển quốc gia Australia, cho biết: "Nhiều khả năng các cuộc đụng độ sẽ xảy ra trong tương lai khi một nước liên quan cố gắng và thăm dò trong các lô này. Việc chọn các lô này (nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam - người dịch) mang tính nhạy cảm ở chỗ nó cho thấy Trung Quốc đang tìm cách củng cố các quyền tài phán của mình".

9 lô dầu khí trong tuyên bố mời thầu của CNOOC nằm trong khu vực rộng khoảng 160.000 km2, chồng lấn với các lô của Việt Nam mà các tập đoàn Exxon, Gazprom (của Nga), Tập đoàn dầu khí Ấn Độ và tập đoàn Năng lượng Talisman của Canada đang thăm dò và khai thác.

Các tàu hải giám Trung Quốc hồi năm ngoái đã va chạm với các tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam tại một số lô dầu khí và cũng có ý định ngăn cản hoạt động thăm dò tại các vùng biển đang tranh chấp ở ngoài khơi Philippines.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hồi tuần này mô tả động thái của CNOOC là "hành động bình thường của tập đoàn này", và kêu gọi Việt Nam "ngừng ngay lập tức các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí vi phạm các quyền của các vùng biển liên quan".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nói động thái của CNOOC "vi phạm nghiêm trọng" chủ quyền của Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh rằng công ty này phải "ngừng ngay lập tức" hoạt động mời thầu.

Hai bên cũng chính thức phản đối một loạt các động thái pháp lý và hành chính gần đây của nhau, trong khi Việt Nam bắt đầu thực hiện các chuyến tuần tra định kỳ qua quần đảo Trường Sa bằng máy bay chiến đầu Su-27.

Sự bùng nổ bất ngờ của những ngôn từ và hành động đã gây lúng túng cho một số chuyên gia phân tích từng nói đến một sự dịu bớt các căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam sau một loạt các hoạt động ngoại giao và hợp tác hồi năm ngoái.

Nhấn mạnh tới các sự thay đổi này tại một hội thảo ở Washington tuần này, học giả kỳ cựu về biển Đông, Giáo sư Carl Thayer đã cảnh báo về nguy cơ tình trạng rối loạn tiềm ẩn. "Cả Trung Quốc và Việt Nam đều tiếp tục mở rộng các cơ quan thực thi pháp luật biển dân sự của mình, và đáng kể hơn, đều đang hiện đại hóa các lực lượng không quân và hải quân tại biển Đông...Có thể nói nguy cơ xảy ra một cuộc đụng độ hải quân trên biển đang ngày một lớn"./.

Châu Giang (theo South China Morning Post)
-------------------------------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại. Hình ảnh minh họa đã được đăng tải trên các trang báo điện tử và mạng xã hội trong nước

NHA TRANG TUYỆT... CÚ MÈO

Đàm Hà Phú - ... Tôi chỉ muốn viết về vài món ngon ở Nha Trang, những thứ mà từ phong vị riêng của nó cho đến cảm xúc của tôi, tôi đều trân trọng để riêng trong một ngăn ký ức.

Vậy thì dễ cho bạn rồi, chỉ cần đến Nha Trang là bạn sẽ được nếm thử những món ăn mà tôi kể, chúng không cầu kỳ và khan hiếm, đầy ở Nha Trang, một thành phố duyên hải xinh đẹp trên một đất nước duyên hải xinh đẹp.

(Xin lưu ý là bài viết chỉ mang ý kiến chủ quan cá nhân, của một người con Nha Trang xa quê đã hơn 20 năm, không có nội dung quảng cáo.)

1.
Món đầu tiên tôi đã từng giới thiệu với bạn, đó là: Bánh Mì Nha Trang

2.
Đến Nha Trang phải uống café.
 Thực ra Nha Trang không trồng café, café ở Nha Trang cũng phải mua từ Ban Mê Thuột, nên cách pha chế và hương vị cũng đậm đà như café Ban Mê.

Nhưng tôi uống café Nha Trang nhiều nên tôi biết, café Nha Trang vẫn là thứ café ngon nhất thế giới vì nó được pha chế ở Nha Trang.

Café Nha Trang không có màu đen, không có vị đắng ngắt cũng không sực mùi café.

Café Nha Trang phải uống thật ít, khi pha ra café có màu nâu sẫm và thơm mùi đất mới, café Nha Trang uống không đường vẫn không thấy đắng mà có dư vị ngọt đọng lại nơi đầu lưỡi, lẫn trong vị café có vị mặn của muối và mùi thơm của gió biển…

Một ly café ở Nha Trang chỉ vừa một ngụm uống nếu bạn là người phàm tục, còn dân Nha Trang chỉ khẽ nhấp nhẹ một ít café ở môi, để thứ nước thánh ấy ngấm qua đầu lưỡi, lan ra tất cả hệ thần kinh vị giác ở miệng, rồi chậm chạm trôi xuống cổ.

Đó là thứ café độc nhất trên thế giới mà có thể gieo vào lòng bạn nỗi nhớ, không phải là sự nghiện ngập, mà chính là nỗi nhớ của tình yêu, vì khi thiếu vắng nó bạn sẽ cảm thấy buồn, rất buồn.

3.
Nhắc đến Nha Trang người ta có thể kể tên nhiều, rất nhiều món đặc sản ẩm thực, tôi xin kể một thứ đặc sản mà thương hiệu của nó đã làm rúng động bao tầm hồn người Nha Trang và du khách, đó là bánh canh và bún chả cá, và kể đến món này thì phải là ở một quán nhỏ, bàn ghế gỗ cũ kỹ, cung cách phục vụ rất mậu dịch… đó là bánh canh Bà Thừa.

Bà Thừa chỉ bán buổi chiều sau 4 giờ, hình như cuối tuần thì không bán.

Bánh canh của bà nấu bằng cá, nước trong veo và ngọt lừ, sợi bánh làm từ bột nhưng dai và có vị ngòn ngọt, chả cá của bà Thừa cũng làm khá ít nhưng chắc chắn được làm 100% từ thứ thịt cá tươi và ngon nhất ở xứ này, cũng có hai loại là chả chiên và chả hấp.

Chả cá của bà Thừa được xắt hình thoi, bày trên một cái dĩa nhỏ phía bên trên phủ một lớp hành tây thái mỏng được trụng qua nước dấm để khử mùi hăng.

Một miếng chả kẹp cùng mớ hành này chấm với thứ tương ớt đỏ chua ngọt có thể làm những cao lương mỹ vị trên đời trở thành tầm thường, tầm thường hết.

4.
Và Nha Trang cũng là Việt Nam, mà dân Việt Nam thì phải ăn Phở, nhưng Phở Nha Trang thật sự có thể nói đã vượt qua khuôn khổ một món ăn bình thường, Phở Nha Trang là biểu tượng của sự tinh tế, sáng tạo và độc đáo trong ẩm thực.

Phở Nha Trang được làm từ sợi phở khô, sự kết hợp sáng tạo giữa bánh phở, sợi miến và sợi hủ tiếu dai, sợi phở hơi trong, mềm nhưng hơi dai và đặc biệt có vị rất ngon.

Nước lèo thì đậm đặc tính Nha Trang, trong veo, mặn nhưng rất thanh tao và đặc biệt là không bao giờ bạn nghe mùi bò lẫn mùi hoa hồi trong nước phở.

Cũng đừng nhầm lẫn Phở Nha Trang và Phở Bắc bán ở Nha Trang nhé.

Tôi thường ăn Phở ở mấy quán quen, đặc biệt là quán lề đường bán buổi tối ở đường Lý Thánh Tôn, ngay cổng trường Phương Sài.

Nhưng nếu bạn muốn ăn buổi sáng thì quán Phở Hồng ngay đầu Tô Hiến Thành cũng là một lựa chọn tốt.

Người Nha Trang rất sành ăn, cứ thấy quán nào mà dân Nha Trang ăn đông thì quán ấy chắc chắc ngon.

5.
Nãy giờ toàn món ăn chơi, giờ tôi mời bạn đi lai rai chút, làm vài chai bia lạnh cho nó dịu cái bụng, để còn hưng phấn nghe tôi kê tiếp.

Uống bia nên ghé quán bò nướng Lạc Cảnh, vì dân Nha Trang khi đón khách thường có câu: đến Nha Trang mà chưa đi Lạc Cảnh thì coi như chưa đến.

Bò nướng Lạc Cảnh bán rất nhiều món, và chủ yếu là món nướng tại bàn, nhưng vô địch thiên hạ vẫn là món bò nướng.

Thịt bò ngon được thái vuông cỡ đầu ngón tay cái và được ướp với hơn chục loại gia vị khác nhau mà nghe đồn rằng công thức ướp này được trả giá đến chục tỉ đồng mà gia chủ không bán.

Một bếp than hồng rực được đặt ở giữa bàn để thực khách tự gắp thịt bò sống nướng, và ăn ngay, ai ăn nấy nướng.

Cả cái quán lúc này như một đám cháy lớn, người ngồi chen trong cảnh khói lửa mịt mù và mùi gia vị ngập ngụa phủ đầy tóc, đầy quần áo… nhưng có hề gì khi bạn cắn sực một miếng thịt vừa nướng tới, để vị ngọt đậm gia vị ngập đến tận chân răng, lúc này bạn sẽ bất chấp tất cả.

Chưa hết đâu, chưa hết đâu.

Hãy xin chủ quán một ổ bánh mì không, xé ra rồi dùng muỗng quét cái thứ nước ướp bò vào phần ruột của bánh mì, sau đó nướng miếng bánh mì ấy lên, bạn sẽ phải kêu lên: "Trời ơi, sao lại có thứ bánh mì ngon thế này trên đời!"...
--------------------------------------------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại

10 tháng 7, 2012

BIỂN ĐỘNG

Phạm Thanh Hà - Em về biển, nơi không xa một khu du lịch nổi tiếng, vậy mà vắng hoe, dù biển ở đây đẹp không kém, thậm chí còn đẹp hơn, theo em, cái nơi đông đúc tấp nập kia.

Về đúng vào mấy hôm biển động, mưa dầm dề, biển đục ngầu, bãi biển ngổn ngang những thứ rác rưởi sóng cuốn từ đâu về,  những đợt sóng bạc đầu đập tung bãi cát hiền hòa, cứ như đang giận hờn, như đang dằn dỗi.

Vào lúc chiều muộn, mưa ngớt, em ra biển.

Một người đàn bà dắt bò đi qua. Ở vùng biển này, xe bò là phương tiện vận chuyển chủ yếu trên cát.

Thật là một bức tranh buồn: Hoàng hôn ướt sũng mưa, người đàn bà nón úp che nưả mặt dắt con bò gầy, cả hai nhìn ngơ ngát và buồn, cùng ngóng ra biển, dưới chân là ngổn ngang rác.


Những than bèo, cành lá, túi nilon, vỏ hộp bập bềnh, xa xa trên biển hoang vắng, chẳn có một bóng thuyền bè nào.

Người và bò đứng như bất động, mắt như đọng đầy mưa, đọng đầy hoàng hôn.

Em không hỏi bà ấy đang ngóng gì. Tất cả đàn bà ở biển đều chỉ có một hướng ngóng đợi, là biển. Nơi những con thuyền trở về, chồng con họ, nguồn thức ăn nuôi dưỡng gia đình, đều ở trên những con thuyền ấy. Em chắc là bà ấy ngóng chồng.

Sáng hôm sau, mưa tạnh, những con thuyền đánh cá trở về.

Trên bãi biển, những người đàn bà ngồi rất kiên nhẫn trên bờ, từ khi mỗi con thuyền còn là một chấm nhỏ ở xa và lớn dần cho đến khi cập bờ.

Những thùng cá đầu tiên được chuyển vào, hôm nay biển động, cá chẳn có mấy,lèo tèo mấy con nục đốm và ít cá trích, mực nhỏ. Đám đàn bà nhanh chóng phân loại, chia ra từng phần nhỏ và cân.

Cá ít dường như làm họ chán nản.

Em nghĩ với họ niềm an ủi lớn nhất là cuối cùng, những người đàn ông trên tàu với ngư cụ cầm tay rời thuyền, cá đã bán xong, người vợ cũng đã xong công việc buôn bán của mình, và họ cùng về với một mớ cá nhỏ, họ cùng lo cho những bữa ăn, cho niềm chờ đợi những hạnh phúc nho nhỏ mỗi ngày.

Người đàn bà dắt bò mà em nhìn thấy hôm qua, hôm nay cũng vẫn dắt bò đứng xa xa.

Bãi biển cũng đã vắng vẻ trở lại.

Em đến hỏi chị ấy rằng: Có phải chị ấy ngóng ra biển như thế  là cũng đợi chồng hay không. Vâng, có chứ, tôi chờ chồng!. Thế chồng chị chưa về ạ?. Hôm nay nghe nói chỉ có một thuyền về thôi?. Chồng chị chắc mai mới về! Không về rồi, về lúc đó đó, chị chỉ tay về một người đàn ông đang khuất sau rặng phi lao trên lối đi vào xóm.

Bên cạnh người đàn ông ấy, một phụ nữ bé nhỏ nhanh nhẹn tay cầm rổ cá … Chồng tôi đấy, nhưng mà chồng cũ. Biển động thì cứ lo lo, thói quen mà, nên ra ngóng thôi. Biết yên lành rồi thì mình lại đi…
Chị ấy quay người, dắt con bò đi dọc theo mép nước. Biển mênh mông, hoang vắng, gió và sóng suốt chiều hôm ấy cứ gầm gào.

Phạm Thanh Hà
Bài đăng trên FB của KTS Tạ Mỹ Dương

NHỮNG DÒNG NƯỚC MẮT VỀ ĐÂU?..

Văn Công Hùng - Người đương bằn bặt sim mua/ Người lên mạn bắc bỏ bùa phương nam/ Trăm ngàn vạn ước mơ nằm? Những ngôi sao đỏ cháy thầm bên nhau
 
Tường vi thì mỏng vào chiều
em khêu nỗi nhớ theo liêu xiêu gầy
đã vắt đến kiệt bàn tay
đã mưa mưa đến tận ngày nước rong
đã từng khóc đỏ cơn mong
đã thôi ngọn nến cháy trong đốt ngoài
Người thì đã tận mù khơi
đã tan xác pháo đã chơi vơi mùa

người đương bằn bặt sim mua
người lên mạn bắc bỏ bùa phương nam
trăm ngàn vạn ước mơ nằm
những ngôi sao đỏ cháy thầm bên nhau

Những dòng nước mắt về đâu
về đâu những mối tình đầu vu vơ
bây giờ nắng lạnh gió hờ
những người lính trẻ nằm chờ trăng lên…

Pleiku 23/9/2008
 

ẨN ỨC LÝ SƠN

Tạ Mỹ Dương - Chuyện của chúng nó thôi, hai thằng ngồi cãi vã, thằng hơi đứng tuổi đeo kính, thằng tóc nếu còn chắc cũng xanh, gọi tắt là đeo kính và đầu trọc, nhanh cho vuông.

1/ Chuyện lăng nhăng

Đeo kính hào hứng khoe: Tao mới post hình kèm dòng chữ, “Lý Sơn mùa không có tỏi”. Đầu trọc nhẩy dựng: Câu của em. đeo kính bảo: Ừ thì “Lý Sơn mùa này không có tỏi” vậy, khỏi đụng hàng.
Chỉ mỗi chữ “này” mà  thằng kia phải nín.

Cũng đều là Dương. Một lão tóc bạc, một gã tóc đen. Tóc bạc khọm già, bụi bặm, tóc đen tao nhã, trí thức. Nhưng xe tóc bạc máy khỏe (là chú đầu trọc kính lão mà nhường cho), xe tóc xanh máy hơi yêu yếu, mà hình như lại không phanh. Cô gái lưỡng lự, chọn xe hay người?. Cuối cùng là chọn người, phi công trẻ chạy vù vù chả biết vì xe hay vì đổ dốc không phanh mà thế, như thể lỡ leo lưng cọp rồi, xuống làm sao? May không lao xuống biển. Sau kể lại là run lắm.

Hôm sau sáng sớm ra chợ, rồi nhung nhăng, gặp chú râu tóc mời lên xe “zin” ba, tóc bạc ngồi giữa, cô gái ngồi sau vì có cái ba lô. Cái ba lô nặng trĩu như muốn kéo ngược người cô ra đằng sau, nhưng hai tay vẫn kiên quyết chí bám vào một chút cái thành bagage. Bám vào vai “bác” í, kẻo ngã. Dạ được ạ. Hỡi ôi, đến cái “bờ vai” nghĩa đen còn chả thiết.

Cũng lại chỉ mấy lọng tóc đen –trắng mà như giữa núi cao, vực sâu.

Cái sự “đánh đu” là nó ra nhẽ thế, cho nên Hậu khảo cổ ạ, thằng đầu trọc nó có “xỉ nhục” bà thế chứ có thậm tệ hơn nữa thì cũng đứng lấy đó làm điều.

ẤM ỨC 2; Ngay ngắn này:

Chỉ gần một giờ tầu chạy đã đến nơi vậy  là rất gần đất liền, nghó vọng vào cũng thấy bờ mờ xa. Thi nhau tí tách trên tầu nên lại càng thấy nhanh. Biển êm như ru ngủ. Mỗi lá cờ là phần phật.

Ôi chao là cái mùi tanh khi bước chân lên đảo, nó cứa vào khíu giác, như cá làm vạ cơm.

Phút nói thật, đang tìm người rủ đi chơi một hòn đảo ở Quảng Ninh, nghe nói đến Lý Sơn, vập vào ngay. Vừa ngao du, vừa làm việc tốt, ok quá.

Lúc đầu cũng lờ mờ thôi là như thế, như thế…cũng như bao lần đi các nơi là người tốt việc tốt khác, nhưng lần này…

Nhiều người nghe nói đến Lý Sơn, hỏi: Ở đâu? – giả nhời: Ngoài khơi Quảng Ngãi, chỗ có tỏi í. À à, biết rồi, vậy người ta biết đến Lý Sơn là nhờ tỏi.

Bao nhiêu thứ ngoài tỏi, còn hơn cả tỏi của Lý Sơn nhiều người đâu có hay.

Lý Sơn gần Hoàng Sa đấy, thế à! Lý Sơn có nhiều ngư dân bị bọn Trung Quốc bắt giữ đấy, thế à? Dám chắc còn có nhiều cái mồm há hốc chữ A, thế Hoàng Sa thì ở đâu?

Lý Sơn được chú ý đến là từ vấn đề Hoàng Sa, nhưng cứ nghĩ đến như Hoàng Sa mà bao nhiêu năm chả có cuốn sách giáo khoa địa lý nào nhắc đến nó, chả có luồng thông tin công khai chính thống nào về nó cho đến gần đây, và bây giờ, khi những cặp mắt cuồng tham, cuồng vọng nghấp nghé gần bờ quá rồi mới rộ lên.

Huống chi là Lý Sơn.

Cũng đi được vài ba hòn đảo nước nhà. Phú Quốc với không khí rì zọt ăn ngủ nghỉ, Côn Đảo với nỗi ám ảnh về tội ác, Cát Hải , Cát Bà vừa sản xuất, vừa tiêu dùng…sướng khổ lam lũ đủ cả nhưng cảm giác là yên bình. Đến những nơi ấy dễ dàng ca ngợi vẻ đẹp, máu hưởng thụ dần dật trong người, khen món ăn này, chê kiểu dịch vụ kia…Nhưng ở Lý Sơn có gì khang khác.

Hay đầu tiên là bị chi phối bởi cái tâm lý “nơi anh đến là biển xa, nơi anh đến là đảo xa”…? Mặc dù chỉ cách đất liền có lẽ chưa đầy tiếng tầu trung bình tốc.

Phải rồi, đấy là cái tâm lý Trường Sa!

Cũng vẫn thế thôi, nắng và gió, trời và biển, vị mặn mòi của những món ăn, nước da mặn mòi sém nắng của người, sự khô cằn bờ cát, sức chống chọi truyền đời của sự tồn tại, và tất nhiên – vẻ đẹp – trời, nước, tầu thuyền, ánh sáng, bình minh và hoàng hôn.

Nhưng không hiểu sao ta cứ chiêm ngưỡng và thưởng ngoạn tất cả với một sự lo lắng không hề mơ hồ?

Và một nỗi dấm dứt bực dọc thế nào, ngay trong một tâm lý khá thoải mái của một chuyến đi vừa có tính ngao du, vừa có tính “thiện nguyện”.

Cái nhà trọ với một dẫy phòng xếp hàng chạy dài ra bờ cát, mở một khoảng nhìn ra biển. Hàng cây bàng xòe tán lá che rợp khoảng sân, những lỗ thủng tạo những “giọt nắng” nhẩy nhót trên tường đúng kiểu nhìn của ông Trịnh.

Cho dù lỏng chổng là mấy cái ghế nhựa rẻ tiền mà vẫn thấy thích, thích hơn nhiều những cái ghế nhựa giả mây ở mấy khu ri zọt cấp cao.

Khỏi cần wellcome drink, nắng thế kia cứ trà đá mà tu ừng ực là đã lắm rồi. Phòng giản dị, quạt đủ dùng cho mỗi đầu người, hai cái nhỏ tròn trên đầu, một cái cao đứng cuối chân, vù vù phành phạch.

Đơn sơ nhưng sạch, có lẽ vì gió biển, còn hơn mấy cái mini sang không ra sang, hèn chả ra hèn, mở cửa vào là thấy trên giường loang lổ và cứ thoang thoảng mùi tinh khí cũ, phát kinh.

Nhưng vài bước ra ngoài thì bẩn quá, rác là rác ngập tràn mặt đất, bồng bềnh mặt biển.

Ở đâu cũng đẹp và ở đâu cũng rác.

Người ta sống chung với rác như một lẽ tự nhiên. Không ai suy nghĩ gì và dường như cũng chả ai bắt họ phải suy nghĩ.

Đằng sau những người đàn ông đi biển là những người đàn bà Lý Sơn.

Trong gian phòng lớn của trụ sở Ủy ban huyện đảo, chiều xuống dần ngoài cửa sổ, họ ngồi một dẫy dài bên chiếc bàn lớn chờ đến lượt lãnh tiền.

Đến lãnh tiền nhưng họ khóc. Những khuôn mặt mờ đi trong ánh sáng ngược có thể làm khó chịu cho các tay máy nhưng như thế đúng hoàn cảnh họ hơn, nhìn họ thấy thương và đúng thân phận hơn là lúc lên sân khấu nhận quà trong ánh sáng lóa mắt ở các buồi lễ trọng thể.

Buổi gặp gỡ trao nhận giản dị, người trao (Gã đeo kính lúc này trông nhu một cán bộ lão thành đã hưu trí) cũng giản dị, chân tình và nhiều xúc cảm.

Họ đang nghĩ đến những người chồng đã nằm trong  sâu lòng biển ngoài khơi xa, hay những người đàn ông đã bị liệt nửa người phía dưới đang ở nhà trên giường hay trên những chiếc xe lăn cũ.

Nhìn người phụ nữ đẩy xe lăn cho ông chồng liệt như thế nhưng không ai để ý, họ âm thầm, có phần hơi khép nép, nhún nhường thân phận.

Thật khổ. Người ta chỉ chú ý vào ông chồng liệt nửa người kia, sao không để ý đến người anh hùng đứng sau chiếc xe lăn ấy? Liệt thì còn biết gì cảm giác, vậy có đoái hoài gì về cảm giác của người đàn bà bên cạnh mình? Trẻ, khỏe, làm lụng, hầu hạ, chịu đựng, cắn răng?

Nghe nói họ liệt là do lặn sâu, ở lâu dưới nước. Vậy là tại ai?.

Sao một nơi có nghề biển truyền đời như thế lại không có, không biết, và không một sự huấn luyện những kinh nghiệm cho những người đi biển.

Một sự thiếu trách nhiệm của con người với chính bản thân mình trước, rối thành với cả gia đình, xã hôi.

Những tờ giấy khen dán kín một mảng tường nhà cũ kỹ lụp xụp của một cháu học sinh cấo 1 và những tờ giấy khen của thủ tướng chính phủ treo ở trên cao, nơi trang trọng nhất ở nhà ngư dân, sói biển nổi tiếng Mai Phụng Lưu có gì giống và khác nhau?..

Thì đương nhiên là khác rồi. Là ở tầm cỡ sự việc, tầm cỡ người ký giấy khen.

Mà giống chứ, những thành tích đạt được từ sự chịu đụng gian khổ, vượt qua gian khó để rồi vẫn tiếp tục gian khó hơn.

Mấy hôm nữa anh Lưu lại ra Hà nội gặp Thủ Tướng để tiếp tục nhận bằng khen,nhưng ngôi nhà của anh vẩn còn đang phải thế chấp sổ đỏ để vay tiền tiếp tục nghề đi biển.

Em gái cấp 1 kia vẫn hàng ngày vừa cắp sách đến trường, vừa phụ mẹ bán hàng, hoặc làm một việc gì đó quá khổ với cái tuổi của mình để kiếm sống.

Cái anh dân chài kia đã từng có lần phải lậy mấy thằng cướp biển để được về nhà, vì mạng sống của mình là chỗ dựa cho cả gia đình. Vậy có đáng trách không?

Ngư dân Lý Sơn phải bám biển, có người nói vì lòng yêu nước, giản dị hơn như anh MPL nói là vì từ thời ông bà tôi đã đánh bắt cá ở Hoàng Sa thì tôi quyết bám cái ngư trường mà tổ tiên mình đã bám giữ.

Cũng có người sợ, người ngại vì đã mất thuyền, họ không còn khả năng đi biển, hoặc không đủ phương tiện để đương đầu với bọn cướp, họ mốn đi muốn bám ngư trường lắm chứ, trước tiên là vì đời sống đã, nhưng ai cho không phương tiện?.

Làm sao trách họ được khi phải bỏ ngư trường để bọn cướp biển hoành hành?..

Người ta đang xây một bức tường bê tông cốt thép cao vòng quanh đảo như một bức tường thành, chắc vừa chống xâm lấn của nước biển nhưng quan trọng hơn là để phòng vệ.

Nhưng đấy chỉ là vòng ngoài, còn những con người bên trong thì sao, có gì bảo vệ, giữ gìn cuộc sống , phát triển nghề nghiệp cho họ, cho cơ sở hạ tầng, cống rãnh, hệ thống sử lý chất thải, môi trường… bao nhiêu tiền nhỉ, một phần mấy trong số trăm ngìn tỷ mà người ta đang dự liệu đổ vào để làm  tái sống lại Vinaline cho nhưng dự án tầu biền đi tới những bến bờ xa thì đủ cho một hòn đảo gần nơi đầu sóng ngọn gió như lý Sơn này?..
KTS. Tạ Mỹ Dương