19 tháng 5, 2012

NHỮNG MẢNH ĐỜI Ở SÀI GÒN

(Nhật Quang) - Cô bé bán dừa, quê ở Kiên Giang. Hay bán dừa dạo ở khu Đồng Khởi. Tiếp xúc nói chuyện với cổ khó như gì, cổ tưởng mình là Nhà báo viết bậy bạ. Cười rất duyên nhưng rất ngại chụp hình. Cô bé mới có mười mấy tuổi, ở trọ bên quận 2.

17 tháng 5, 2012

XEM XONG, NÔN LUÔN...

Mạnh Quân FB - Vừa vào trang Viet-studies của Trần Hữu Dũng lại đọc thêm một bài "nâng bi" cho Đinh La Thăng trên báo Phụ nữ today bài: "Nghệ sĩ - Bộ trưởng Đinh La Thăng: Quyết ngay không cần bàn" (đọc ở đây). Đọc qua một đoạn, kinh quá, suýt nôn.

Đại khái báo đó lại viết Đinh La Thăng là tác giả bài hát "Những người đi tìm lửa", rồi cũng tả lại một đoạn hát hò, uống rượu kiểu "giáp thân", "giáp tí" ở Trường Sa.

Mịa!.Một bài kiểu "ngành ca" lời văn ngang như nước giếng khoan nhiễm sắt độ cao nhất thế giới: "Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam/vượt bao gian khó giờ trưởng thành...", mà nó bảo tác phẩm của một nghệ sĩ. Lại còn in cả lời, cả bản nhạc ra mới khổ thiên hạ chứ.

Than ôi, có những tay bút chỉ vì vài đồng bạc, mà hạ mình triển khai công phu "vỗ mông ngựa" nhục nhã đến thế, mà tờ báo nó cũng đăng được thì bảo sao, thiên hạ quay ngoắt ra đọc hết báo "lề trái" cho xong.

Một chuyến đi của Thăng ra Trường Sa mà ít nhất có 3 tay viết của 3 báo đồng loạt tô vẽ một cách thô thiển đến thế (cộng thêm cả Tiền Phong và Vietnamnet - người viết là Tổng Biên tập)...thì thấy rằng, cách tự hạ nhục mình ở một số người làm báo là không có giới hạn.

Trước đây không lâu, cũng đã xem một đoạn viết của một nữ Phóng viên của SGGP viết về Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, đại loại: "Sau rất nhiều lần hẹn hò, tôi gặp được anh...đằng sau cặp kính, là khuôn mặt trí thức, thông minh...thỉnh thoảng anh lấy tay vuốt mái tóc..." - Nhớ mang mang thế, còn nhiều đoạn tởm hơn nhiều.

Hê!. Hê!. Mình đã tưởng là cả làng báo có nhẽ chỉ có một. Ai dè gần đây, mới thấy rằng, các Phóng viên, Nhà báo giỏi công phu "vỗ mông ngựa", hóa ra đâu chỉ mỗi mình nàng?..

Nhưng mà thể hiện ra một cách trâng tráo, thô thiển như Tiền Phong, Vietnamnet, Phunu Today như vừa rồi, thật mang tiếng cho làng báo quá.

Định viết tiếp nhưng thấy buồn nôn quá, vào toalet nôn cái đã. Kê! Kê!..
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
MỘT SỐ BÀI VIẾT CỦA "NHÀ BÁO" VỀ CHUYẾN ĐI CỦA BỘ TRƯỞNG GTVT


BÀI 1:Bùi Nam Sơn, Báo VietnamNet (đọc ở đây)

Phút ngẫu hứng của Bộ trưởng Thăng ở Trường Sa

"Bộ trưởng mặc áo Trường Sa, chỉ cần gắn sao lên ve áo nữa là thành Tư lệnh Hải quân đấy ạ !". Một nhà báo đi bên cạnh hưởng ứng " Bộ trưởng là đương kim Tư lệnh ngành Giao thông - Vận tải mà..."

Lúc ấy vào khoảng  gần 9 giờ ngày 05/05/2012. Chiếc máy bay trực thăng EC225 chở Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng và đoàn công tác được thông báo sắp hạ cánh xuống Trường Sa Lớn sau hơn 2 giờ bay. Mưa. Dông xối xả. Cánh quạt phần phật khiến cỏ cây lá cành và những đợt mưa bay nghiêng, bay xiên. Ai đó nói rất vui "Mấy ngày chịu nắng nóng kỷ lục trên dưới 40 độ C, chỉ cần tới Trường Sa là chúng ta gặp nước!".

Tấm áo Trường Sa

Sau nghi thức đón tiếp được tổ chức ở đường băng trên đảoTrường Sa Lớn, Thượng tá Đinh Văn Hải, Đảo trưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân Thị trấn Trường Sa trân trọng mời Bộ trưởng và đoàn công tác về Nhà chỉ huy để thống nhất kế hoạch làm việc do mưa có khả năng kéo dài.

"Chúng tôi quen với thời tiết kiểu này rồi. Không mưa thì thôi, đã mưa là mưa dầm mưa dề mãi" - Đinh Văn Hải khẳng định. Những cái bắt tay thân mật, những lời hỏi thăm của người lần đầu gặp gỡ. Nhưng có cảm giác đây là cuộc gặp lại, trở về của người thân, người quen biết tự lâu rồi.

Chưa vào việc đã thấy Bộ trưởng nói vui "Đảo trưởng, Chủ tịch Thị trấn có họ với tôi đấy. Ra Giêng năm tới mời về họp họ nhé!" và quay sang tôi "Đồng hương Đô Lương cùng nhà báo, bắt tay nhau mà nhận quê đi!". Thì ra, trên đường vào Nhà chỉ huy, Bộ trưởng đã kịp hỏi thăm, trò chuyện và đã nắm được...tiểu sử tóm tắt của người chỉ huy cao nhất, người đứng đầu bộ máy điều hành của Thị trấn Trường Sa

Bộ trưởng Đinh La Thăng (giữa) thể hiện tài đàn hát ở Trường Sa.
Đúng như khẳng định của Đảo trưởng, cơn mưa vẫn không ngớt. Đã kết thúc phần gặp gỡ, nói chuyện, trao quà của Bộ Giao thông - Vận tải gửi tặng quân, dân và các lực lượng làm nhiệm vụ trên đảo, Bộ trưởng và đoàn công tác tiếp tục thực hiện các nội dung quan trọng khác. Đó là đi thăm, kiểm tra hoạt động của các lực lượng bảo đảm an toàn hàng hải khu vực đông và tây Trường Sa, nơi những ngọn đèn biển và những cán bộ, nhân viên thuộc Tổng Công ty bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam đang ngày đêm làm nhiệm vụ. Đó là đội tàu công tác của Tổng Công ty với nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, phương tiện, nhân lực phục vụ nhiệm vụ xây dựng công trình hàng hải và nghiên cứu khoa học chuyên ngành. Đó là đi thăm Chùa Trường Sa, thắp hương tưởng niệm Bác Hồ và các anh hùng, liệt sỹ đang an nghỉ trên đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Đó là việc trồng cây lưu niệm trên đảo...
Bộ trưởng cứ thế dẫn đầu đoàn công tác, xong việc này lại nối tiếp việc kia.  Ai cũng lo công việc, ai cũng ướt đẫm áo quần do mưa quất ngang, xéo dọc. Mấy chiếc ô mang theo xem ra không còn ý nghĩa vì đằng nào cũng ướt và không thể nào che hết.
Cho đến khi mọi việc đã ổn, về lại Nhà chỉ huy mới thấy khó chịu vì lành lạnh, ướt ướt, ngồi không tiện mà đứng cũng rất khó coi. Thấy vậy, Thượng tá Đinh Văn Hải nói như ra lệnh "Báo cáo Bộ trưởng, không thể mặc áo ướt như thế này đâu ạ. Xin mời Bộ trưởng thay áo. Áo Hải quân , áo Trường Sa mặc vào là ấm ngay!"
Bộ trưởng Thăng không thể chối từ "Lần này quân và dân Trường Sa tặng đoàn áo Hải quân làm kỷ niệm nhé!". Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thị trấn Trường Sa Biện Văn Quảng, quê Kim Liên, Nam Đàn nói giọng Nghệ nghe rất ngộ "Bộ trưởng mặc áo Trường Sa, chỉ cần gắn sao lên ve áo nữa là thành Tư lệnh Hải quân đấy ạ !". Một nhà báo đi bên cạnh hưởng ứng "Bộ trưởng là đương kim Tư lệnh ngành Giao thông - Vận tải mà..."

Nói chuyện với anh em lính đảo, Ảnh Bùi Nam Sơn
Ghita bập bùng cùng lính đảo
Trưa hôm đó, Chỉ huy Đảo mời Bộ trưởng và đoàn công tác dự bữa cơm thân mật cùng lính đảo. Đại đức Thích Giác Nghĩa, Trụ trì Chùa Trường Sa cùng tham dự. Đại đức chủ động vào chuyện "Nhìn từ xa, trông Bộ trưởng chỉ chừng 37, 38, nay lại gần, ngồi bên thấy cũng khoảng 40 thôi, trẻ trung lắm. Tôi nghe đài, đọc báo thấy Bộ trưởng dám làm nhiều việc, nhưng khó khăn không ít, đúng không Bộ trưởng ?".
Bộ trưởng Thăng nâng chén rượu mời mọi người "Chúng tôi có khó bao nhiêu cũng không  bằng nhiệm vụ ở Trường Sa. Vậy ta nâng ly, cùng quyết tâm vượt khó. Nào, trăm phần trăm !".
Lời chúc của Bộ trưởng được mọi người hưởng ứng đến...cạn chén! Lại có lời chúc "Quân, dân Trường Sa đứng ở mũi "nóng" nhất trên biển. Giao thông - Vận tải là mặt trận "nóng" nhất trên đất liền. Nào, cùng quyết tâm...giải nhiệt! Xin mời trăm phần trăm.!"
Không còn khoảng cách nào giữa vị Bộ trưởng và những người lính đảo. Đại đức Thích Giác Nghĩa cũng hòa vào câu chuyện "chén rượu ngọt ngào, một lòng phụ tử" của mọi người.
Phó Chỉ huy đảo, tên là Giáp từ tốn "Báo cáo Bộ trưởng, em từ khi ra đảo, chỉ uống được một ly. Nay ở đảo được 4 năm, rèn luyện liên tục em vẫn chỉ uống được một ly. Nhưng em uống được ...nhiều lần ạ !". Rào rào tiếng vỗ tay, tán thưởng. Đề nghị thưởng cho Phó đảo một ly về thành tích uống một ly được nhiều lần.Ghita đâu, bập bùng lên ! Ghi ta đâu, mở ra người bạn tâm tình đi...
Và tiếng ghi ta dẫn nhịp. Và tiếng hát cất lên. Bộ trưởng Thăng ôm ghita cùng hát vang " Đời mình là một khúc quân hành. Đời mình là bài ca chiến sỹ...". Lại cùng vỗ tay giòn giã khi bài hát kết thúc. Thưởng một ly cho người hát hay nhất - quyết ngay không cần bàn, đó là ...Đảo trưởng ! Lại hát "Không xa đâu Trường Sa ơi. Vẫn gần bên em Trường Sa luôn trong tim...".
Dâng hương tại chùa trên đảo Trường Sa Lớn, Ảnh Bùi Nam Sơn
Thưởng một ly cho Phó đảo và yêu cầu cụng ly với đại diện phái đẹp, mà phải  theo kiểu giáp tí - việc này  cũng quyết được không cần bàn. Hoan hô. Cổ vũ. Chưa hết. Thưởng ly nữa. Lần này phải uống theo kiểu giáp thân! Thế mới gọi là thưởng , ai lại gọi phạt bao giờ. Hát tiếp " Phải chăng em cô gái mở đường. Chưa thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát...".
Đảo trưởng lần này nghiêm giọng " Bộ trưởng hát hay nhất. Thưởng một ly". Bộ trưởng vẫn vững ghita trong tay "Thưởng Đảo trưởng vì biết đứng núi này trông sang núi nọ"...Lại tiếng vỗ tay, tiếng cười nói hân hoan như thể cuộc vui chỉ mới bắt đầu. Cho đến khi Bộ trưởng đứng dậy, trao chiếc ghita cho người lính đảo rồi ân cần nói " Bây giờ mời cả nhà cùng cạn ly đoàn kết. Nào, anh em ta..."
Bỗng thấy có điều gì đó lớn hơn điều thông thường trong những cuộc vui ồn ào đậm chất lính và chỉ người lính mới có được. Không nói ra nhưng ai cũng hiểu, từ ánh mắt, cái bắt tay thật chặt trong phút giây bịn rịn của Bộ trưởng với những người lính đảo. Lúc này là 15 giờ. Trời vẫn đổ mưa. Trên gương mặt rắn rỏi của người ở lại và người về lấp lánh giọt sáng nơi khóe mắt...
Bùi Nam Sơn
 
BÀI 2: PV Đình Thắng, Báo Tiền phong (đọc ở đây)

Bộ trưởng giao thông đệm đàn cho chiến sỹ Trường Sa
TPO - Đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) do Bộ trưởng Đinh La Thăng dẫn đầu, vừa hoàn thành chuyến công tác đặc biệt tới đảo Trường Sa Lớn (thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà).
Đảo Trường Sa Lớn được xem là “Thủ đô” của Quần đảo Trường Sa. Nhìn từ trên máy bay, Trường Sa Lớn giống hình trái tim, có người lại ví như viên ngọc màu xanh lá cây giữa biển khơi.
Ngoài những hoạt đông kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hàng hải, Bộ trưởng Đinh La Thăng tới động viên, thăm hỏi cán bộ chiến sỹ và người dân đang làm nhiệm vụ, sinh sống nơi đây.
Thượng tá Đinh Văn Hải (thứ hai, từ trái qua) - Đảo trưởng kiêm Chủ tịch Thị trấn Trường Sa cho biết, quân và dân trên đảo vượt qua mọi khó khăn để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc.
Đảo trưởng Hải đề đạt nguyện vọng rằng cán bộ, chiến sỹ và người dân nơi đây rất cần một chiếc xe tải nhỏ. Ngay lập tức, Bộ trưởng Thăng hứa Bộ GTVT sẽ chuyển xe trong tháng 6 này.
Thay mặt Bộ GTVT, Bộ trưởng Thăng gửi tặng những món quà thiết thực tới quân và dân Thị trấn Trường Sa.
Đi cùng đoàn công tác, anh hùng lao động thời kỳ đổi mới- Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco5) Thân Đức Nam cũng trao tặng các chiến sỹ 100 triệu đồng.
Đoàn công tác viếng thăm nhà tưởng niệm Bác Hồ và thăm chùa Trường Sa, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ… cầu cho quốc thái, dân an và Hoàng Sa - Trường Sa vĩnh viễn thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Dịp lễ Phật Đản, chùa Trường Sa được trang hoàng đẹp, người dân trên đảo và các ngư dân thường xuyên tới chùa chiêm bái và lễ phật.
Các tàu hải quân và tàu tiếp tế dân sự vẫn thường xuyên cập cảng Trường Sa Lớn với những hồi còi vui tai.
Biển Trường Sa vẫn xanh ngắt.
Cả ngày 5-5, trời mưa, gió lớn, Bộ trưởng Đinh La Thăng ôm đàn ghi-ta cùng các cán bộ chiến sỹ Trường Sa hát cho hoàng hôn xuống, hát cho mặt trời lên (lời bài hát Cây đàn ghi ta một dây).
Nhiều chiến sỹ trẻ bất ngờ trước sự hoà đồng của Bộ trưởng Thăng, dù đàn ghi-ta mấy lần đứt dây vẫn không dứt tiếng hát nơi đảo xa.
Đình Thắng


BÀI 3: Lê Thị, Phụ nữ Today 

Nghệ sĩ-Bộ trưởng Đinh La Thăng "quyết ngay, không cần bàn..."

(Đời sống) - Có thể nói, từ khi trở thành vị tư lệnh của ngành GTVT cho đến nay, nhiều người vẫn biết đến Bộ trưởng Đinh La Thăng là một người mạnh mẽ, quyết đoán qua một loạt những chính sách đột phá, bằng hành động trảm tướng, hay "vi hành" bằng xe bus, cấm quan chức GTVT chơi golf... Nhưng ít ai biết, đằng sau vẻ khô khan, lạnh lùng của một chính khách đó lại là tâm hồn nghệ sĩ.
Bài hát
Bài hát "Hành khúc những người đi tìm lửa" với lời nhạc của Bộ trưởng Đinh La Thăng

Những ai đã từng làm việc trong ngành dầu khí Việt Nam chắc hẳn sẽ thuộc nằm lòng bài hát truyền thống: "Hành khúc những người đi tìm lửa".

Lời hát đầy hào tráng, hào hùng do bộ trưởng đương nhiệm Bộ GTVT, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Sông Đà, nguyên chủ tịch HĐQT Tập doàn Dầu khí Quốc gia Đinh La Thăng viết nên.

Lòng tự hào vững bước đứng trên đường tương lai
Cùng nhau chung sức vì Đất nước mạnh giàu
Từ ngọn lửa hồng trong tim ngời sáng
Thắp lên ngọn lửa từ những giàn khoan
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam
Vượt bao gian khó giờ đã trưởng thành
Khởi nguồn tài nguyên từ trong lòng đất
Vì nền công nghiệp vì đất nước ngày mai
Tự hào thay ngành Dầu khí Việt Nam
Có những người con ra đi tìm lửa
Vượt gian lao đội nắng mưa
Một lòng son sắt vì Tổ quốc đẹp tươi
Ngàn lời ca, ngành Dầu khí Việt Nam
Với những người con ra đi tìm lửa
Để hôm nay trên những giàn khoan
Âm vang khúc hát ngành Dầu khí Việt Nam
Để hôm nay trên những giàn khoan
Niềm tin thắp sáng ngành Dầu khí Việt Nam
Bộ trưởng Thăng ôm ghi ta hát trên đảo Trường Sa. Ảnh: TPO
Bộ trưởng Thăng ôm ghi ta hát trên đảo Trường Sa. Ảnh: TPO

Đó chính chất lửa đã khiến cho nhiều người ngỡ ngàng với hình ảnh vị tư lệnh ngành giao thông ôm ghi ta hát giữa Trường Sa Lớn hôm nay.

Trong chuyến công tác đặc biệt tới đảo Trường Sa Lớn (thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà), Bộ trưởng Thăng đã khiến nhiều chiến sỹ trẻ nơi đây bất ngờ trước sự hòa đồng, gần gũi của mình.
Cả ngày 5/5, trời mưa, gió lớn là thế, nhưng Bộ trưởng Đinh La Thăng vẫn ôm đàn ghi-ta cùng các cán bộ chiến sỹ Trường Sa cất cao tiếng hát. "Hát cho hoàng hôn xuống, hát cho mặt trời lên (lời bài hát Cây đàn ghi ta một dây).

Những hình ảnh đặc biệt đó của Bộ trưởng đã được tờ báo điện tử hàng đầu Việt Nam là Vietnamnet khắc họa một cách rõ nét như sau:
Tiếng ghi ta dẫn nhịp. Và tiếng hát cất lên. Bộ trưởng Thăng ôm ghita cùng hát vang "Đời mình là một khúc quân hành. Đời mình là bài ca chiến sỹ...".
Lại cùng vỗ tay giòn giã khi bài hát kết thúc. Thưởng một ly cho người hát hay nhất - quyết ngay không cần bàn, đó là ...Đảo trưởng! Lại hát "Không xa đâu Trường Sa ơi. Vẫn gần bên em Trường Sa luôn trong tim...".

Thưởng một ly cho Phó đảo và yêu cầu cụng ly với đại diện phái đẹp, mà phải theo kiểu giáp tí - việc này cũng quyết được không cần bàn. Hoan hô. Cổ vũ. Chưa hết. Thưởng ly nữa. Lần này phải uống theo kiểu giáp thân! Thế mới gọi là thưởng, ai lại gọi phạt bao giờ. Hát tiếp "Phải chăng em cô gái mở đường. Chưa thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát...".

Đảo trưởng lần này nghiêm giọng "Bộ trưởng hát hay nhất. Thưởng một ly". Bộ trưởng vẫn vững ghi ta trong tay "Thưởng Đảo trưởng vì biết đứng núi này trông sang núi nọ"...Lại tiếng vỗ tay, tiếng cười nói hân hoan như thể cuộc vui chỉ mới bắt đầu. Cho đến khi Bộ trưởng đứng dậy, trao chiếc ghi-ta cho người lính đảo rồi ân cần nói "Bây giờ mời cả nhà cùng cạn ly đoàn kết. Nào, anh em ta..."

Mặc cho trời đổ mưa, mặc cho đàn ghi-ta nhiều lần đứt dây lỡ nhịp, điều đó vẫn không ngăn được tiếng hát sôi nổi, đầy chất lính của Bộ trưởng Đinh La Thăng vang vọng nơi đảo xa. 
Phải chăng chính điều đó đã làm nên phong cách nghệ sĩ trong tâm hồn vị Bộ trưởng Đinh La Thăng?

  • Thị

16 tháng 5, 2012

MIỀN BẮC CÒN BIỂN HẢI HÒA...

Mai Thanh Hải - Trước mấy ngày 30/4-1/5, đã định bụng khóa cửa nằm ngủ, sau chuyến công tác ngoài đảo dài đến gần 1 tháng.

Cu Linh biết vậy, gọi điện nằng nặc: "Cả nhà về quê em, nghỉ mấy hôm cho khỏe, còn lấy sức mà đi và viết tiếp, cho tụi em... nâng tầm hiểu biết với chứ!" và nháy mắt vẻ bí mật: "Thanh Hóa vừa gần lại vừa hay!".

"Cái gì? Hoa Thanh Quế á!. Bị chém mấy nhát ở Sầm Sơn rồi, mùa này vào đông nghìn nghịt, chém khít khìn khịt. Lạy bố!" - Mình nhảy dựng lên bởi ít nhất, cũng bị 3 lần chặt chém ở Sầm Sơn, dịp hóng hớt đú đởn vào... nghỉ dưỡng tắm biển và nghe cả trăm chuyện về những bạn bè, người thân đi Sầm Sơn về, phải vào ngay Bạch Mai băng cổ, cạch lần sau không dám vào nơi biển ngầu màu sô cô la ấy nữa.

Cu Linh kiên nhẫn nghe mình kể tỷ thứ chuyện đã gặp ở Sầm Sơn, xong mới thủng thẳng: "Nhà em ở đấy,  ngay thôn Đông Hải, cạnh bãi biển Hải Hòa của Tĩnh Gia, chứ không phải Sầm Sơn".

Mình vào mạng hỏi bác gúc gồ, nhặt được 1 số thông tin về Hải Hòa. Quan trọng nhất là ít có bài viết theo kiểu PR, cũng ít có sự hỏi thăm, nên tạm yên tâm là vẫn còn... trong lành, dao cùn.

Vậy thì cả nhà chất đồ lên xe, chạy 200km đường QL1A về biển Hải Hòa, ở nhà Cu Linh cho lành.

Dĩ nhiên, không thể thiếu đủ loại đồ ăn thức uống, nồi niêu, bếp cồn và bát đũa, gia vị nấu, dầu ăn. Hi! Hi!.

Nói thật, chuẩn bị từng bữa (có dự bị thêm 1 bữa mì tôm) như tàu vận tải đi Trường Sa thế này mới yên tâm: Bố thằng nào chặt chém được cậu, nhá!.. 

Thông tin về bãi biển Hải Hòa: "Thuộc xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa; thuộc địa phận chủ yếu thôn Đông Hải và thôn Giang Sơn; trải dài từ núi Sổi đến núi Nồi khoảng 3 km.

Bãi biển Hải Hòa còn hoang sơ, có bãi tắm đẹp, rộng và bằng phẳng, cát trắng mịn, nước trong xanh, sóng vỗ hiền hòa.


Bãi biển nhìn ra Biển Đông, phía xa là đảo Hòn Mê. Phía Nam bãi biển là núi Sổi và núi Chay.

Bờ cát trắng chạy dài 20 km về hướng Bắc cho đến tận xã Hải Ninh, chỗ nào cũng có thể tắm được.


Phía Tây của bãi biển là Quốc lộ 1A (km 366), cách 3 km.

Bãi tắm ở Hải Hòa đẹp hơn ở Sầm Sơn, Đồ Sơn và Bãi Cháy; môi trường ở đây chưa bị ô nhiễm; người dân chất phát và hiền lành.

Hiện nay ở bãi biển Hải Hòa mới xây dựng được 3 khách sạn: Khách sạn Xanh Hà ACB, Khách sạn Đại Dương, Khách sạn Cao Nguyễn.
 
Đường trục chính của bãi biển chạy qua trước cửa 3 khách sạn, đường này mới hoàn thành được gần 1 km.

Nghỉ mát ở Hải Hòa du khách có thể mua về làm quà: nước mắm cốt, mực khô, cá khô, cá thu nướng cháy...".

Mấy ngày ở làng chài thôn Đông Hải, trong nhà Cu Linh. Ngày ngày, cả nhà tự ra biển mua cá, tự vào chợ mua rau nấu cơm và mở tung cửa sổ ngủ trong ve vuốt gió biển, vi vút dương reo, mới thấy ý nghĩa của sự bình yên, sau những ngày mệt mỏi, chống chọi với áo cơm - tiền gạo.

Thời gian còn lại, dĩ nhiên là ra chơi biển và nhất là tham gia kéo lưới, đánh cá cùng bà con trong làng.

Ở làng chài Đông Hải bây giờ, khái niệm ngư dân, toàn là ông bà già, phụ nữ và trẻ con. Nhìn "kíp" kéo lưới gần 30 người, hùng hục từ 4 giờ sáng 6 giờ tối, được khoảng 5-7 mẻ, thấy loe ngoe vài mống đàn ông, thanh niên.

Hỏi ra, các bác trưởng thở dài: "Bãi ngang, biển cạn làm gì làm được nghề biển xa. Thanh niên vào miền Nam làm thuê hết rồi!" và lắc đầu: "Ngày sóng lặng, cá nhiều thì mỗi công lao động được chia khoảng 200.000 VND/ngày. Như mấy hôm nay sóng to, chỉ được khoảng 7-80.000 VND người/ngày".

Hôm đầu, mình không tin lời bác nói. Nhưng sau 1 ngày lang thang kéo lưới, bắt cá cùng mọi người, mới thấy chuyện đó là sự thật và cấn cái mãi với cái câu mình học được từ hồi Vỡ lòng: "Đất nước ta rừng vàng, biển bạc, ruộng đất phì nhiêu".

Rừng thì bị chặt sạch sẽ từ hồi tám hoánh.

Ruộng đất phì nhiêu, không bị thu hồi làm Khu Công nghiệp thì cũng bị Ecopark thuê Công an cưỡng chế, giã cả dân lẫn nhà báo, như giã... giò.

Còn tý biển bạc, không bị tàu cá của Trung Quốc mò vào tận sâu đánh bắt, khai thác, thì lũ cá con mới đẻ, còn bé bằng cái mắt muỗi, chưa biết khóc mẹ, cũng bị những ngư dân quẩn quanh bãi như ở Hải Hòa vét sạch, chả đợi tháng sau lớn bằng cái cán liềm, cho đủ miếng và cơm...

Thôi! Chả nghĩ nhiều nữa, kẻo lại mệt đầu, phải xin tiền vợ mua thuốc uống thì khổ.

Chỉ muốn kể với mọi người về một vùng biển trong trẻo, sạch sẽ, êm đềm, dịu dàng sóng và trong leo lẻo nước, nồng nàn gió và tinh khiết hơi biển mặn.
Một vùng biển vẫn còn nguyên vẹn sự thân thiện giữa những ngư dân chủ nhà và khách du lịch phương xa, bằng những câu chuyện gần gũi, bằng sự chân chất không lừa gạt trong bán buôn.

Mỗi sáng dậy, chạy chân trần trên nền cát ướt, phẳng lỳ như tấm gương cát, dưới lung linh huyền ảo mặt trời, vừa nhô lên ướt rượt nước biển, chiếu những qua vàng khe khẽ gọi dậy sớm hàng dương... tự dưng thấy đáng phải sống, để được hòa mình vào thiên nhiên tinh khôi của Tổ quốc.

Mỗi sáng, mỗi chiều, cùng xúm tay kéo lưới với người dân, chia sẻ 1 chút thôi chuyện nhọc nhằn cơm áo, để rồi thấy mình còn quá sung sướng, so với những người cả đời bám biển, không biết đến khái niệm ngày nghỉ ra sao... và để thấy mình phải sống, phải vượt lên tất cả...

Vùng biển mà mình đã đến, thấy khác lạ, được làm mới bản thân và để thấy miền Bắc vẫn còn nơi làm du lịch chân chất, thật thà, không bị... máy chém. Vùng biển có tên Hải Hòa (Tĩnh Gia, Thanh Hóa).

Không tin thì mọi người vào mà xem, chỉ cách Hà Nội có 200 km, cách Quốc lộ 1A 2 km thôi mà!..

Vừa đăng bài được ít phút, đã có nhiều lão nhắn tin - chát yahoo hỏi về nơi ăn nghỉ tại Hải Hòa và một số gia đình còn máu đi cuối tuần này luôn. Lại chỉ các bác vậy:

- Đi theo QL1A, qua TP. Thanh Hóa, đến địa phận huyện Tĩnh Gia, vào giữa thị trấn Còng thì rẽ ngay tay trái, con đường nhỏ cạnh Bưu điện huyện Tĩnh Gia. Từ đây vào Hải Hòa là 2 km.

- Ăn nghỉ: Nhà cháu chọn nhà hàng - nhà nghỉ Hồng Tự vì đây là nhà mới, khu ở ngay sát biển, quán ăn kề bãi biển, muốn ăn gì thì xem giá và gọi, thỏa thuận. Phòng ở 600k/ ngày đêm, phòng 2 giường (1 đơn, 1 đôi), có hành lang kê sẵn bộ bàn ghế ngồi uống trá, ngắm biển.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Bình minh Hải Hòa
Buông lưới sớm hôm
Mẻ lưới đầu
Hồi hộp chờ đợi thành quả
Cá nhảy lao xao
Vào mùa nên rất nhiều sứa
Sứa chén cá nên trong bụng toàn cá con
Toàn cá chíp hôi
Em chíp hôi nhưng biết giúp mẹ rồi
Thu lưới, rải nữa...
Làm mẻ nữa...
 
 

 
Mua 1 mớ bề bề, tôm biển của bà con, rửa ngay dưới biển và mang về hấp bằng bếp cồn
Khoai nhận nhiệm vụ canh nồi
Xong rồi, chén thôi
Buổi chiều thì mua mực sim vừa nhặt trong mớ cá kéo chiều, lại luộc ngay trong sân và giao Miu làm Hậu cần
Ngày nào cũng chí ít 3 bận thế này. Mỗi mình là khổ vì phải chụp ảnh, trông quần áo và bị... sai vặt