Nói chuyện "đồ hộp" với anh em Vùng 4 (nhất là những người đã có "thâm niên" ở đảo cấp II, III từ nhiều năm trước), rất dễ nghe tiếng... nôn khan - Mấy ông bạn mình đã khẳng định vậy, khi đề cập đến "cuộc sống hàng ngày của bộ đội".
Mình thì đã chứng kiến cảnh 1 ông bạn, khi nhìn thấy đĩa thịt hộp xào rau cải, để cả cục to bằng nắm đấm, đã chạy vội ra ngoài, trớ luôn và thành thật kể nguyên nhân: "Đó là món ăn kinh hoàng, sau 4 năm ở đảo!"...
Thật ra ở ngoài đảo, không ăn đồ hộp thì chẳng biết ăn gì. Đảo nổi có cây cối xanh tươi đấy, nhưng toàn là cây chịu mặn như phong ba, bàng vuông, muống biển... Rau cỏ có trồng, cũng phải mang đất từ bờ, từng nắm theo tàu và gượng nhẹ chăm chút, yêu thương.
Với những đảo chìm, rau tươi - thịt tươi là những khái niệm xa xỉ, có khi chỉ hiện hữu trong những giấc mơ vật vã cùng bão biển, hú lên từng chặp bên ngoài cử sổ nhà lâu bền, dày khự bê tông.
Cũng cứ báo cáo, ghi thành tích là "tăng gia sản xuất" đấy, nhưng những khay rau xanh mướt, bò lợn vịt gà đồng ca trên đảo chỉ để... ngắm cho mát mắt và khách đến thăm, báo chí chụp ảnh - quay phim tuyên truyền.
Chứ thật ra, trồng cả tháng mới được ngọn rau chứ ăn thì chỉ vài phút, ai dại gì "kiếm củi 3 năm, đốt 1 giờ". Nuôi gia súc - gia cầm khó ngang nuôi người ốm, cũng chả dại gì, hơi tý ngả ra đánh chén, thớt dao.
Và thế, cứ quanh năm suốt tháng, lính đảo phải gắng sống bằng thức ăn khô, đồ hộp. Nếu chi tiết kể ra, có đến hàng vài chục loại đồ ăn đóng hộp: Thịt (bò, gà, lợn) các món xay, hấp, sốt cà, pa tê; cá; rau; măng; hoa quả; mắm muối... quen thuộc với lính đảo.
Quen đến nỗi, đến các đảo tinh ý là thấy vỏ đồ hộp chất đống trong bếp ăn và còn được lính ta khéo tay, rỗi rãi mang vỏ hộp kì cạch "tái chế" thành rất nhiều vật dụng khác: Hộp đựng bút, kem bàn chải đánh răng; trồng rau - hoa; cốc uống nước; gạt tàn thuốc; dây báo động...
Quen đến nỗi, những đảo chìm khó khăn, mỗi tuần phải co kéo tổ chức vài bữa... ăn tươi: Lính tráng mắt sáng rực, gõ bát rầm rập khi anh nuôi bê ra nồi to đùng nghi ngút khói, bên trong lóng bõng nước, ngọt lừ mì chính với loáng thoáng màu rau xanh chiều nay mới được tỉ mẩn chọn tỉa, gượng nhẹ thái nhỏ, vào nồi rồi, những "mẩu rau" ấy cuống quýt lộn nhào trốn đũa gắp, muôi múc và những gương mặt bộ đội rạng ngời xì xụp, đặt mẩu rau trên đầu lưỡi mút mát, ngon hơn cả mỹ vị cao lương.
Quen thế đấy, nhưng trúng ngày dài bão biển, rau cỏ cây cối trên đảo chết hết, tàu tiếp tế lại không ra được, các anh nuôi trên đảo lớn đánh vật với mưa gió - bão bùng để hoàn thành "kiệt tác" là nồi cơm nóng, cho bộ đội ăn với đồ hộp, mắm kem... Ăn mãi cả tháng như vậy có những đảo, có đến già nửa quân số bị táo bón, ôm bụng khóc dở với nhau.
Ở đảo chìm - nhà giàn những ngày bão biển, mạng sống con người mong manh trước đại dương, chuyện ăn uống cũng chỉ dừng lại ở lương khô, cơm sấy và khẩu phần ăn dã chiến.
Nói đến cái gọi là Khẩu phần ăn dã chiến (KPADC), lính đảo ai cũng quen thuộc bởi đó là định lượng ăn (có thể ăn liền) được cấp đến từng người để sử dụng trong tác chiến.
Nếu như trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, KPADC của bộ đội chủ yếu là gạo rang, cơm nắm… thì đến thời kỳ chống Mỹ, quân đội ta đã nghiên cứu chế biến thực phẩm và khẩu phần chế biến sẵn như lương khô, cơm sấy, đồ hộp (bộ đội Đặc công có khẩu phần ĐC1, ĐC2, trong khẩu phần có viên tăng lực, viên chống lạnh, giảm khát, thậm chí những năm 90 của thế kỷ trước, ta còn nghiên cứu khẩu phần ăn dạng tuýp sử dụng cho đặc công nước. Bộ đội có thể vừa bơi vừa ăn và ăn liên tục từ 2-3 ngày vẫn bảo đảm sức chiến đấu) và đến nay, quân đội ta cũng đã nghiên cứu khẩu phần KP1, KP2 phục vụ bộ đội tác chiến trên đảo…
Hôm ngồi nhậu ở Đoàn Trường Sa trong bờ, thấy mình thun thút món thịt lợn xay đổ ra đĩa, lấy tăm cắt thành mấy khoanh và cũng lấy tăm xiên lên chén, thay đũa... anh em lắc đầu: "Chịu bố!".
Trưa rồi qua Sơn Ca, 1 thành viên trong đoàn công tác cũng theo mình xuống bếp, thấy mấy cậu chiến sĩ đang lúi húi mở nắp hộp măng, liền hít hà: "Măng ngon thế! Tươi như không!" khiến mấy anh em dẹt mắt: "Bác thử ăn ngày 3 bữa măng hộp, trong chỉ 1 tuần liền thôi, xem sao?. Chịu bố!".
Buổi chiều ở Trường Sa Đông, mấy đồng hương gặp nhau, lục tung cái hầm tăng kiêm nơi ở của anh em vũ khí đạn tìm đồ đãi khách, bê ra toàn những hoa quả đóng hộp.
Bật nắp hộp dứa và ngồi khoanh tay nhìn mình cắm tăm ăn ngon lành, các đồng hương lại lắc đầu: "Chịu bố!" khiến mình tò mò dò hỏi: Thì ra tháng trước, đảo dính liền vài cơn bão - áp thấp nhiệt đới, đồ ăn phải dè sẻn bóp miệng, rút cục anh em cũng phải mang hoa quả hộp ngọt lịm ra... nấu canh ăn hàng ngày, nên giờ cứ thấy đồ ngọt là sợ".
Mình nghe chuyện của lính đảo, cũng buột miêng: "Chịu các bố!".
Có rất nhiều người ước chỉ 1 lần ra với Trường Sa, dù phải bỏ tiền tỉ, nhưng mơ ước vẫn chỉ là ước mơ, bởi Trường Sa không phải resort 5 sao, cứ có tiền là vào ở được.
Có rất nhiều người may mắn được ra thăm Trường Sa, nhưng với họ hình như chuyến đi cũng chỉ là chuyến đi, thi thoảng được nhắc đến khi họ chợt sờ đến cục đá san hô, con ốc biển mà họ đã dành hết thời gian khi lên "thăm và làm việc" với các đảo, để tìm kiếm moi móc, giờ nằm yên trong ngăn kéo bàn.
Có những người chuyên làm kinh tế, nhìn mọi thứ bằng ánh mắt "quy ra thóc" và "liên hệ thực tiễn" từ đời sống sung sướng, thừa mứa của mình, trong câu chuyện "kinh tế lan sang chính trị" cho đẹp lòng cấp trên ngồi cạnh, cũng nhắc đến Trường Sa theo cách: "Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền!"...
Ừ! Thời buổi này, có tiền là sẽ có tất cả. Với Trường Sa, tiền cũng làm thay đổi diện mạo biên đảo và cuộc sống của những người giữ đảo đỡ vất vả hơn.
Thế nhưng duy nhất có 1 thứ mà không tiền bạc nào mua được, đó là sự sẻ chia - đồng cảm và yêu thương giữa con người với con người, giữa đất liền và đảo nhỏ, giữa nơi đầy đủ và chốn khó khăn. Niềm yêu thương này, dĩ nhiên cũng phải xuất phát từ sự thông hiểu về cuộc sống thực của những người lính thực, với những khó khăn thực. Giống như câu chuyện đồ hộp, rất thực ở Trường Sa, từ bao nhiêu năm nay...
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Vỏ này chắc là thịt bò sốt vang |
Toàn khô và hộp |
Tớ với món yêu thích mà anh em gọi là "chịu bố": Thịt lợn xay |
Nhà giàn có rất nhiều đồ chấm, tương ớt ăn với cơm những ngày sóng gió |
Ớt khô - mì chính - nước mắm là món chủ lực |
Mì tôm cũng sắp hết rồi |
Thịt hộp gà hầm |
Tớ nấu canh rau tươi, tạ Len Đao |
Măng lá hộp, dứa hộp dự trữ của 1 phân đội đảo chìm |
14 hộp thịt, làm thức ăn cho cả đảo cấp II cả trăm người trong 1 bữa |
Măng này phải luộc lại mới hết mùi đấy |
Nhũn như bún nhưng cũng phải thái lát |
Trên dưới là đồ hộp |
Biển đảo yêu thương...
Trả lờiXóaỞ ngoài đảo có bắt cá ăn được không anh H?
Trả lờiXóaRất thích loạt bài của bác.
Trả lờiXóaNhưng bác sai rồi khi nói: "Hình như vẫn còn có rất nhiều người coi Trường Sa là điểm du lịch, nơi đi chơi cho "biết đó biết đây" và hành trình ra đảo là "tour" đặc biệt, dùng để chém gió - khoe khoang với bạn bè trong các cuộc bia, chầu nhậu, mà không hiểu rằng những người lính đảo, thiếu từ tiếng cười thật đến ca nước ngọt, cọng rau xanh?.."
Tại sao chúng tôi không hiểu cơ chứ?
Ai mà không biết chiến sĩ ở đảo xa thiếu thốn mọi bề từ vật chất tình cảm tiện nghi.
Theo ý bác là phải ở đảo, chịu nổi khổ với anh em lính đảo, mới cảm nhận được sự hy sinh của các anh sao?
Một nhạc sĩ, dù chưa bao giờ được ra đảo, không thể và không có quyền viết lên những vần nhạc cháy bỏng ca ngợi những người lính đảo?
Một em bé dù sống trong nhung lụa, nắn nót gởi từng lá thơ cho lính đảo, không được trân trọng hay sao?
Một vị đại gia bụng phệ vẫn khao khát và muốn bỏ hàng tỉ đồng chỉ để được ra các đảo, để về "chém gió" như anh Hải nói, trong khi họ có thể đi Tây Tàu Âu Mỹ với số tiền đó, không đáng trân trọng sao?
Không phải ai cũng có dịp, có cơ hội và có can đảm sống và làm việc như những người lính đảo. Nhưng có thể nói ai cũng hiểu sự gian khó của lính đảo, có lòng tự hào về lãnh thổ biên cương, khát khao muốn được trải nghiệm và tự hào để khoe rằng mình đã từng bước chân lên đảo.
Điều đó cũng đáng quý bác Hải à.
Đúng đấy, những người nghĩ thế chắc chỉ chiếm vài phần trăm thôi. Ở trong đất liền, sau mỗi dịp Tết ăn uống toàn thịt, ai cũng kêu thèm rau tươi luộc vô cùng. Vậy mà chiến sĩ Trường Sa quanh năm phải ăn đồ hộp thì thèm rau tươi cỡ nào? Chuyện nước ngọt nữa, trong đất liền nhiều người một ngày không tắm là thấy bứt rứt, khó chịu, khi tắm thì xả nước ào ào, rửa cái tay cũng mất vài chục lít nước ấy chứ... Trong khi đó chiến sĩ Trường Sa quý nước như vàng. Các chiến sĩ cố gắng lên, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu của kẻ thù, bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương. Nhân dân rất biết ơn các chiến sĩ.
XóaTội nghiệp lính đảo ăn uống cực khổ. Người Nhât ăn rong biển như là một loại rau ... bộ đội chúng ta cũng có thể ăn được. Các hạt ngũ cốc xay để khô ăn hoạc uống cũng đủ đạm và dinh dưỡng. Mong các nhà khoa học dinh dưỡng nghiên cứu them giúp bộ đội.
Trả lờiXóaNgày trước mình cũng nghĩ cứ xuống biển là bắt đc cá lên ăn , nhưng bây giờ thì biết đc rằng bà con ngư dân còn phải ra tận Hoàng Sa mới có cá .
Trả lờiXóaNhững loại rau có thể phơi khô như bầu, su hào, rau ngổ...đất liền phơi mang ra cho anh em dùng những khi thiếu rau xanh, đọc loạt bài của Hải về bộ đội Trường Sa mà mình ứa nước mắt đây này, mong cho các anh em nơi đầu sóng ngọn gió vẫn giữ được sức khỏe và ý chí chiến đấu để bảo vệ Đất Mẹ Việt Nam thân yêu.
Trả lờiXóaĐề nghị mang ra đảo me đóng gói để nấu canh chua với dứa hộp, tôm khô, rất dễ ăn!
Trả lờiXóaBông, lá "sầu đâu" nướng cá lóc hoặc hấp cá lóc cũng phơi khô mang ra được đó bác Hải ơi!
Trả lờiXóasao ko mang hạt rau giống ra mà làm rau mầm nhỉ?
Trả lờiXóarau chỉ trồng trong nhà,cần ánh sáng tán xạ thôi
Tôi thì ứa nước mắt thiệt với phóng sự nầy . Và càng muốn khóc với những Cm của mọi người (Mỗi người mỗi kiểu nhưng trên hết là lòng yêu thương của mọi người với các chiến sỹ nơi biên cương hải đảo xa xôi). Không xa đâu Trường Sa ơi!
Trả lờiXóaCám ơn những người chiến sĩ ở đảo xa. Bộ đội chính là núm ruột của người dân, người dân VN là anh em bà con dòng họ của bộ đội.
Trả lờiXóaLại nhớ cảnh mấy tháng ăn cơm trưa với măng xào thịt hộp, tối ăn thịt hộp xào măng. Nhiều chú lính đảo nghe tiếng lon rơi là nổi da gà. Ảnh bác chụp ở TS lớn phải không, nhienf cái bếp quen quá.
Trả lờiXóa