31 tháng 5, 2013

TÀU CÁ TA XUÔI NGƯỢC TRƯỜNG SA

Mai Thanh Hải - Ra Trường Sa, đến đâu cũng gặp tàu cá của ngư dân Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh khu vực miền Trung. 

Ờ các đảo, tàu cá vào ra tấp nập tránh trú, nghỉ ngơi và nhất là tiếp nước - bơm dầu.

Thân thuộc đến mức, có những đảo chìm, ngư dân rành rẽ tên tuổi - quê quán của cán bộ chiến sĩ, y như cán bộ Quân lực và ngược lại, bộ đội cũng sẵn sàng nhường cho ngư dân từng can nước, hộp thịt, cân gạo nếu lỡ đường thiếu thốn.

Cái sự "trao đổi" là tình cảm, nhưng ngư dân cũng chẳng để bộ đội thiệt, tặng lại đủ thứ cá tôm, ốc sứa cho đến cả những thứ quý giá như hải sâm - vú nàng, lặn ngụp mò mẫm, mãi mới bắt được chút ít.

Đi biển, đằng đẵng bao ngày nhìn xung quanh trống không màu xanh chân trời, tự dưng thấy 1 chấm tàu thuyền bé tí, cũng tò mò nhao hết ra xem đoán.

Nếu những tàu thuyền đó là của mình, mang cờ đỏ sao vàng, cái sự mừng vui chào đón lan truyền khắp tàu, vẫy tay hò hét chào nhau, đến khản cả giọng.

Hôm rồi, tàu mình ngoài Trường Sa gặp 1 tàu ngư dân của Bình Định, gần 40 người lênh đênh câu mực gần 2 tháng trời, gần cạn hết nước ngọt.

Ngay lập tức, việc tiếp tế nước ngọt cho tàu cá ngư dân được thực hiện. Người trên cả 2 tàu dồn hết lên boong cười đùa, trò chuyện.

Tàu mình không chỉ cấp nước mà còn tặng cả lương thực - thực phẩm, thậm chí cả thùng bia 333 trong tủ cấp đông, còn lạnh cóng, lấm tấm nước đá. Tàu ngư dân cũng hào phóng tặng lại cả ôm mực sản phẩm, câu dưới biển lên, phơi lủng lẳng khắp tàu, khô đét lòng thòng.

Thấy ngư dân ôm mực, bộ đội tàu lắc đầu: "Xin vài nắm, nướng ăn chơi thôi. Để lại mà mang về bán, sắp hết chuyến câu rồi!"...

Trường Sa mọi mùa biển, tàu cá ngư dân treo cờ đỏ sao vàng ngược xuôi đè sóng, dưới nòng súng canh biển giữ trời của bộ đội đảo, bộ đội tàu.

Và nghề biển với nhiều người Việt, cũng phát đạt từ ngư trường truyền thống: Trường Sa.
-----------------
* Hình ảnh tàu cá của ngư dân Việt Nam đăng trong bài, được ghi lại trên vùng biển Trường Sa, tháng 5/2013.


30 tháng 5, 2013

ĐỒN BIÊN PHÒNG Ở LƯNG CHỪNG DỐC...

Mai Thanh Hải - Bài hát "Tình yêu bên suối" của Nhạc sĩ Thế Song, do ca sĩ Vi Hoa (Đoàn Nghệ thuật Ngôi sao xanh của BĐBP) lảnh lót hát, được coi là 1 trong số ít những "bài tủ" của bộ đội Biên phòng và được anh em thuộc lòng, túm tụm cùng nhau hát mỗi khi có công việc tập thể lễ Tết hoặc chỉ đơn thuần là vui liên hoan, ở nhóm tổ vài người...

Hôm trước lên Đồn Biên phòng Xín Mần (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang), buổi chiều mình cùng anh em Thông tin cắm dây máy tính vào hệ thống loa phóng thanh trong Đồn, hướng ra khu vực xung quanh, mở to bài hát "Tình yêu bên suối", có những lời hát đẹp như rừng mai buổi sớm, trong vắt như nước suối đầu nguồn:

"Trạm biên phòng ở lưng chừng dốc/ Nắng lên cao vẫn chưa tan màn sương chắn lối về bản/ Em đã nghe tiếng sáo, em cũng nghe tiếng đàn/ Và bài ca anh hát thân quen/ Đường tuần tra anh qua xuống bản/ Bao nhiêu con mắt đang chờ anh trong mong đợi... Tình yêu nơi biên giới, tình yêu trong lòng dân/ Hỡi anh hỡi anh bộ đội ơi/ Hỡi anh hỡi anh bộ đội ơi!"...

Lời hát ngân trong âm vang núi đá, giữa lưng chừng mây chiều biên giới, tạo thành 1 điều gì đó có tên gọi Tổ quốc, ngay trong tim mỗi người nghe.

Nhưng ở các Đồn Biên phòng được xây dựng ngăn nắp khang trang, có hệ thống loa phóng thanh, bộ đội mới có cơ hội được nghe hát - cảm nhận rõ ràng như vậy, còn bao nhiêu Đồn tranh tre nứa lá, sâu tít nơi không có điện, câu hát về Tình yêu bên suối có đẹp đến chừng nào, cũng chỉ nghẹn ngào - thầm thì trong cổ người lính.

Đấy là mình nói về Đồn Biên phòng Nà Khoa - 415, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên.

Nhắc đến Đồn Nà Khoa, hết thảy anh em Biên phòng Điện Biên đều thừa nhận: "Xa nhất, vất vả nhất, gian khổ nhất".

Tụi mình xuất phát từ TP. Điện Biên vào Đồn Nà Khoa (xã Nà Khoa, huyện Mường Nhé) lúc đầu giờ chiều, quãng đường chỉ khoảng 150 km, nhưng chạy một mạch, liền 8 tiếng đồng hồ và 10 giờ đêm mới đến nơi.

Cứ nghĩ như các đơn vị Biên phòng khác: Đồn nằm ở trung tâm xã, nhưng không phải. Đập bõm theo đường chính xác là đường rừng, không có lấy 1 đoạn bê tông - trải nhựa nào, vừa thấy biển báo trung tâm xã, đã mừng húm tưởng đến nơi, kết thúc dặm dài "tê mông, ê đít", vậy mà 2 cán bộ của Phòng Chính trị, BCH Biên phòng tỉnh được phân công ngồi trên xe dẫn đường - bảo vệ vẫn tủm tỉm nhắc cậu lái xe "Nữa đi, thẳng nhé!" rẽ vào con đường vẫn chui dưới tán rừng nguyên sinh, đen đặc, không 1 đốm sáng đèn dầu.

Đồn nằm cách trung tâm xã gần 20km, giáp với đường biên, xung quanh chỉ có hàng xóm là điểm trường Mầm non - Tiểu học và gần chục nóc nhà của giáo viên.

Nhìn từ trên dốc xuống, qua quãng đường đi bộ ướt rượt như đổ mỡ, qua chiếc cầu cốt... gỗ, mặt nứa chông chênh ngang suối, mới sang đến doanh trại Đồn: 4 dãy nhà mái tôn, tường gỗ - nứa, tạm bợ và chông chênh.

Nhà tranh nứa, điện phải kiếm từ năng lượng mặt trời - mẩu điện nước chạy lạch tạch dưới suối và nước, toàn đục ngầu từ trong núi chảy ra, phải qua 3 lần bể lọc, mới tạm nhờ nhờ, ưu tiên cho nấu ăn, uống hàng ngày.

Đêm ngủ trong dãy nhà cùng bộ đội, ngày hè mà đắp đến cả cái chăn bông rằn ri to sụ, vẫn lạnh run cầm cập bởi hơi lạnh ngang nhiên chui qua cửa sổ, luồn qua vách tường vào... liên hoan.

Sáng dậy, sờ chăn và mặt thấy ướt rượt, do sương mù ùn ùn đùn từ vách núi rêu phong.

Bộ đội bảo: "Mùa gió Lào, mỗi giường đều để sẵn 1 xô nước, cứ đến trưa là cả Đồn bỏ ngủ, mang nước đi dội mái, thấm tường, chống cháy. Mùa đông, quần áo mặc cả tuần, những đồ phơi phải hong trên bếp lửa, hơi khô lại cho vào túi nilon dành mặc vì mưa phùn - sương mù âm u cả tháng là chuyện bình thường".

Mà thật!. Chả quân đội quốc gia nào như quân đội ta.

Họ thì chọn những nơi thuận tiện, bằng phẳng, trung tâm để đóng quân. Còn ta, những nơi nào thiếu thốn, gian nan, thiếu thốn nhất để đóng quân, chốt lính.

Lý do rất đơn giản: Đấy là những địa bàn hiểm yếu, cần phải chốt giữ để tỏa đi canh đất, coi mốc.

Nà Khoa hiểm yếu. Cái hiểm yếu không chỉ địa hình, địa vật mà còn cả ở thời tiết.

Ở Nà Khoa, hôm đi mốc về, đúng lúc Giời mua rầm rầm, dông gió quật xuống thung lũng gió quẩn đến cấp gãy cây, kèm mưa đá ta bằng ngón tay út, lăn tròn rột roạt.

4 dãy nhà lung lay, run bần bật trong tiếng gió rít. Khổ nhất là số anh em đang nấu cơm dưới bếp tạm, cả dãy nhà ăn đung đưa, cột nhà sàng qua đảo lại khiến Trực ban tái mặt, hô gọi chiến sĩ, mỗi đứa ôm 1... cây cột, ghì xuống cho khỏi đổ.

Qua cơn giông, ơn Giời là nhà cửa không việc gì, nhưng anh em ai cũng ướt lướt thướt từ đầu đến chân như chuột lột, mặt tái xám, chân tay run bần bật.

Bữa cơm chiều hôm ấy, trong cả cơm lẫn rau đều lạo xạo bồ hóng rơi từ trần xuống, nhưng tịnh không một ai kêu ca, bởi thấu hiểu nỗi vất vả Nà Khoa...

Rời Nà Khoa sau cơn giông, trời tự dưng sáng rực nên cứ yên tâm: "Hết giông tố rồi, giời lành!".

Nhưng về tới Thủ đô đầy nhung lụa và ánh sáng, nghe điện thoại của cháu chiến sĩ mới biết: "Đêm qua, giông mạnh hơn. Ở Tổ Công tác Nà Khoa, 3 anh em nhanh chân chạy sang trường học xây cấp 4 trú mưa, anh Tổ trưởng ở lại bám Tổ, phải chui gầm giường tránh đổ nhà, giờ tan hoang hết. Trong Đồn, tốc hết mãi dãy nhà ở của Đội Vũ trang, Quân Y!".

Mình gọi điện, Thượng tá Lê Tiến Long, Đồn trưởng ngập ngừng: "Nếu anh em ở lại đêm nữa chắc cũng vất vả. Với bộ đội trên này thì quen rồi, cũng lại tạm bợ chờ nâng cấp - sửa chữa mà thôi!" và cười hiền: "Không muốn báo cho mọi người biết, sợ mọi người lại lo!".

Cái sự ngập ngừng, hiền lành của bộ đội Biên phòng, gặp rất nhiều ở những Đồn biên giới xa xôi, khó khăn, vất vả.

Nhưng ngập ngừng đến mức muốn giấu sâu trong lòng những chịu đựng, gian nan, không để người hậu phương biết, mà lo lắng thì có lẽ, cũng hiếm mà gặp.

Và sự ngập ngừng ấy, khiến hình ảnh người lính mang quân hàm xanh càng thêm trong trẻo, thân thương, giống như lời câu hát mà Nghệ sĩ Vi Hoa đã hát về họ - Những trai tráng của Đồn Biên phòng ở lưng chừng dốc:

"Đồn Biên phòng ở lưng chừng núi...
Nắng lên cao vẫn chưa tan màn sương chắn lối về bản...
Em đã nghe tiếng sáo, em cũng nghe tiếng đàn.
Và bài ca anh hát thân quen...".
--------------------------------------
* Để giúp CBCS Đồn Biên phòng Nà Khoa - 415 (Mường Nhé, Điện Biên) sớm ổn định cuộc sống - sinh hoạt, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Quốc gia và đặc biệt là dạy chữ - chăm lo cho học sinh trong xã Nà Khao dịp nghỉ hè năm học 2012-2013, Chương trình Áo ấm Biên cương quyết định xuất kho, tặng 500m2 vải bạt cho Đồn Nà Khoa lợp mái nhà, củng cố doanh trại.


29 tháng 5, 2013

LẠI CHUYỆN RA TRƯỜNG SA

Văn Công Hùng FB - Mai Thanh Hải kể trên FB chuyện rằng có mấy cô gái được lên nhà giàn, và lên đấy các cô ngồi 1 mình... chơi game trên iPad.

Quả là "thồ" được một người ra Trường Sa vô cùng khó khăn và tốn kém, lên được nhà giàn còn vất vả khó khăn nữa.

Mình nói phét thế chứ thực ra là chỉ được lên có 1 nhà giàn thôi, còn 1 nhà giàn không được lên (trong 2 nhà giàn trong kế hoạch thăm). Cũng không được lên đảo Cô Lin, bởi chỉ vài chục người được lên.

Mình nghĩ nếu ra trình bày (bằng Thẻ Nhà báo- vì mình đi trong đoàn Ban Tuyên giáo GL nên không ai biết mình làm nghề gì) có khi cũng được lên, nhưng nghĩ lại, mình lên không có ích bằng mấy cô văn công và mấy anh mang quà ra tặng, nên thôi ngồi dưới tàu chờ anh em đi về kể lại.

Thế mà có người được lên nhà giàn lại vô cảm đến thế.

Trong tàu mình đi cũng có mấy chuyện khá xót.

Một cậu được thay mặt một tập thể để đi, nhưng cậu này tối thì... uống rượu, náo loạn cả tàu, ban ngày thì... ngủ, bỏ cả chuyện lên đảo. Cậu này nổi tiếng cả tàu, ai đi chuyến hành trình biển đảo trên tàu HQ-996 chắc đều biết.

Chuyện thứ 2, hôm lên đảo Song Tử Tây vào hải đăng, mấy bác công nhân ở đấy mang chuối ra đãi, trông rất ngon nhưng không ai nỡ ăn, nhưng khi đi ra vườn, có một cậu thanh niên điềm nhiên vén lớp bảo vệ rất kỹ của cây đu đủ vặt luôn 2 quả mang đi, chắc là ra nịnh các bạn gái.

Một phụ nữ trung niên bảo: "Em ơi, bộ đội trồng được cây đu dủ là rất quý, họ nhịn miệng đãi khách cả cho khách ăn, ngắm và chụp ảnh... mà sao em hái hồn nhiên thế. Bao nhiêu mồ hôi công sức đấy, có phải như ở đất liền đâu?".

Cậu trai nhâng nháo cầm 2 quả đu đủ như chiến lợi phẩm đi...

Còn vài chuyện nữa, của những kẻ vô ý vô tứ, coi tàu như vườn nhà mình, đảo là sân sau, hồn nhiên hơn cô tiên, đòi hỏi, xin xỏ, thậm chí là... trấn, như có anh chàng lính chạy vào lấy quả bàng vuông định tặng 1 cô gái, chưa kịp mang lên thì một gã trai giật mất. Gã giả vờ chụp ảnh rồi lẳng lặng cầm quả bàng chuồn...

Nói ra xấu hổ...

(Bắp cải ở đảo đấy, nỡ lòng nào mà ăn- trong khi nếu khách ngỏ ý họ làm thịt đãi ngay, dù nó là món tiêu chuẩn của tuần sau kia)

28 tháng 5, 2013

"THĂM - LÀM VIỆC TẠI TRƯỜNG SA VÀ NHÀ GIÀN DK"?..


Mai Thanh Hải - Để đặt chân lên các nhà giàn DK, phải nói đến kỳ tích và sự vất vả của cả bộ đội tàu lẫn anh em đang háo hức chờ đợi trên giàn. 

Gần đất liền hơn Trường Sa, chỉ ở thềm lục địa thôi, nhưng phải khẳng định sự thiếu thốn, vất vả, gian lao và sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, hy sinh của anh em bộ đội Tiểu đoàn Nhà giàn (Vùng 2 Hải quân), gấp rất rất nhiều lần bộ đội sống ngoài các điểm đóng quân ở Trường Sa.

Đảo, dù chìm hay nổi, đều có chỗ mà bíu chân níu tay những khi bão gió, bất thường.

Nhà giàn chỉ chênh vênh xác nhà cũ, chênh vênh trên 4 cọc sắt cắm xuống lòng biển như chuồng chim bồ câu.

Mỗi lúc bão gió, rung lắc mạnh. Bộ đội mặc sẵn áo phao, ôm tài liệu - cờ Tổ quốc sẵn sàng nhảy xuống phao bè, bảo toàn tính mạng, trong trường hợp chuồng cu bị sụp đổ.

Những khi biển lặng, mọi nhu cầu để sống - tồn tại cũng chỉ loanh quanh trên nền sắt, trong vách sắt, mái sắt, dưới sự tiếp tế của đất liền, từ giọt nước cho đến hạt cơm...

Và thế, thiếu thốn tình cảm.

Mình - Đã chứng kiến những lúc nâng cấp sóng, đến xuồng chuyển tải cũng không thể thả xuống biển, hàng Tết phải buộc vào đầu dây thừng, ra hiệu cho bộ đội trên giàn kéo lên, nhưng gần tới nơi, sóng giật đứt, tung hê cả hàng quà, lương thực - thực phẩm, hàng Tết trong nỗi bất lực của những người trên tàu, cứ lồng lộn lượn quanh, không làm cách nào chuyển hàng dự trữ sẵn trên tàu vào cho anh em, chịu đứng nhìn đồng đội mình nhịn đói - nhịn khát.

Mình - Đã chứng kiến những lúc không thể lên giàn, chị em phụ nữ trên tàu, bất kể có biết hát hay không đều dồn hết lên buồng chỉ huy tàu, chen nhau ôm lấy ống nói VTĐ, khóc không thành lời và hát cũng nức nở, cho bộ đội trên giàn cũng đang ứa nước mắt, tập trung trong phòng Thông tin nghe hát, nói chuyện với người trên tàu, đang lồng lộn xung quanh...

Mình - Cũng đã bao lần chứng kiến cảnh xuồng nhấp nhô tựa chân cầu thang nhà giàn, nhô lên hụp xuống dưới những tay sóng chơi trò tung hứng nguy hiểm, người trên giàn thả hết tay xuống chờ đợi, kẻ dưới xuồng thót tim chờ mạn xuồng ngang bậc cầu thang, tái mắt - thoắt chân theo tiếng hô hoán của bộ đội và đu người theo nắm tay, tránh mạn xuồng cứa đứt gót.

Mình - Cũng bao lần chứng kiến cảnh những chị em chân yếu tay mềm, đến giữa cầu thang sắt từ mặt biển lên sàn giàn, sợ quá cứ đứng tu tu khóc, khiến bộ đội nhà giàn để nguyên cả quần áo, đu xuống, luồn phía trong thang - đỡ 2 bên, cõng chị em lên nhà - xuống xuồng, nâng niu như cha mẹ.

Mình - Lần nào lên giàn cũng ngậm ngùi khi anh em, có những người ở dàn đến vài chục năm, mỗi năm vào bờ được gần tháng, cứ loanh quanh - rối rít xung quanh các chị em lên thăm.

Quý lắm chứ. Giữa bốn bề chông chênh sóng nước, đàn ông còn có thể thấy qua tàu cá, tàu vận tải tiếp tế, nhưng phụ nư thì mỗi năm chỉ 1-2 lần, vụ thăm hỏi biển êm, xuồng chạy được, mới nhìn và ngửi thấy mùi...

Người ta nói: "Phụ nữ là một nửa thế giới".

Nhưng với bộ đội Trường Sa và nhất là nhà giàn DK, thì phụ nữ là nguyên cả thế giới...

Thế nên, nhìn cảnh "cả thế giới" đã được nâng niu đưa lên nhà giàn rồi, nhưng tìm chỗ ngồi nghỉ - chơi điện tử trên iPad, khái niệm "cả thế giới" đối với bộ đội cứ đăng đắng thế nào ấy.

Nếu đi "Thăm và làm việc tại Trường Sa và nhà giàn DK1" thế này, thà ở nhà đọc sách sẽ tiết kiệm và đỡ nhức mắt hơn rất nhiều, có lẽ thế?..

(Hình chụp thành viên Hội P, chơi điện tử qua iPad tại Nhà giàn Huyền Trân, tháng 5/2013).