24 tháng 2, 2012

MỆT

Xuất phát từ Hà Nội lúc 7 giờ tối, bây giờ 3 giờ sáng mới tới Hà Giang. 8 giờ sáng mai lại xuất phát đi Lũng Cú và di chuyển sang Săm Pun (Mèo Vạc). Mệt!..

22 tháng 2, 2012

TRƯỜNG SA CẢM ƠN CHỊ - NGƯỜI NHẶT VE CHAI!.

TT - Đầu giờ chiều 13/6/2011, một người phụ nữ đội chiếc nón lá cũ, xin dựng chiếc xe đạp chở một cần xé lỉnh kỉnh chai lọ ở cổng bảo vệ báo Tuổi Trẻ.

Cô Nguyễn Thị Quý (nhà ở Q.12, TP.HCM) làm nghề mua ve chai, muốn vào đóng góp cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa” 200.000 đồng.

Đầu tắt mặt tối nhưng ngày nào cô Quý cũng theo dõi những bài báo về Trường Sa mà chồng mang ở chỗ làm về.

Mỗi ngày thu bán ve chai chỉ được khoảng 50.000 đồng nhưng cô vẫn cố dành dụm để đóng góp cho Trường Sa.

Cô bảo: “Mình cực mà thấy người ở Trường Sa còn cực hơn, muốn đóng góp chút đỉnh, xây đắp cho Trường Sa chút nào hay chút ấy”.

Cô kể cậu con trai 21 tuổi đang học năm 3 cao đẳng của cô cũng bức xúc lắm, bảo rằng học xong sẽ xung phong đi nghĩa vụ Quân sự.

Xin gửi lời tạ ơn đến chị, từ Trường Sa sau khi xem phóng sự trên VTV1 vùa phát sóng, có ghi hình ảnh chị trên đường phố, nhặt ve chai...

"THÁNG 2/1979. LỜI VĨNH BIỆT NHÓI TRỜI PHA LONG"...

Mai Thanh Hải - Lên biên giới Mường Khương, mình cứ quanh quẩn trong Nghĩa trang Liệt sĩ buồn lặng, ù ù gió hú ở gần Cửa khẩu phụ, thuộc xã Pha Long (huyện Mường Khương, tỉnh Lao Cai).

Chính ở nơi đặt Nghĩa trang này,  33 năm trước là điểm đóng quân của Đồn 133, Công an vũ trang Hoàng Liên Sơn (nay là Bộ đội Biên phòng Lào Cai) và trong buổi sáng ngày 17/2/1979, cả Sư đoàn bộ binh Trung Quốc có xe tăng và pháo binh yểm trợ đã bất ngờ tấn công vào Mường Khương, bao vây tiêu diệt Đồn 133. Tuy nhiên, chúng đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của những chiến sĩ Biên phòng Pha Long.

Những Cựu chiến binh tham gia trận 17/2/1979 tại Mường Khương kể: Đồn 133 bị san phẳng bởi hỏa lực địch và hầu hết những chiến sĩ của Đồn đã ngã xuống, khi bắn đến viên đạn cuối cùng, gãy chiếc lê cuối cùng.

Ngày mai lên biên cương, đến với điểm chốt Biên phòng Hà Giang (đọc ở đây), ngày đêm thức canh cột mốc, đối mặt với phía bên kia vẫn đang lăm le lấn đất, cứ ngẩn ngơ khi nghĩ đến cảnh hương khói đượm buồn trong khu mộ những Liệt sĩ Biên phòng Đồn 133, ngã xuống trong ngày 17/2/1979.

Không chỉ trong thời chiến mà ngay cả ở thời bình, những người lính Biên phòng vẫn phải đổ máu để giữ từng tấc đất nơi phên dậu Tổ quốc. Vậy thì sao mình lại không làm được việc nho nhỏ nào đấy, với chính bản thân họ, để được sẻ chia, để cùng cảm nhận và biết giá trị của cuộc sống yên bình, no ấm tuyến sau.

Lên Hà Giang với Biên phòng, cứ ngẩn ngơ nhớ đến những người lính Biên phòng đã ngã xuống 33 năm trước, trên địa đầu Pha Long, qua bài thơ của Nhà thơ Vương Trọng.

20h30: Chân thành cảm ơn một số anh em, bạn bè đã giúp đỡ Chương trình giúp đỡ vật chất cho Trạm chốt Mã Lủng Kha thuộc Đồn Biên phòng Lũng Cú, (BĐBP Hà Giang):
- TS Sử học Nguyễn Hồng Kiên: 3.000.000 VND
- anh Dũng (Giám đốc Doanh nghiệp kinh doanh ván sàn): 3.000.000 VND
- Nhà văn/ Đạo diễn Phạm Ngọc Tiến: 1.000.000 VND
- Em Thắng (Cty Pentax, LD Nhật Bản tại Việt Nam): 1.000.000 VND
- Em Phú (DN sản xuất đầu KARAOKE tại HN): 01 đầu máy KARAOKE
- Em Phú - Nga (Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Du, HN): 02 micro điều khiển từ xa
- TS Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu (TP. Hồ Chí Minh): 
- Vợ chồng em Hùng (DN Xây dựng tại Hà Nội): Giúp đỡ 1 chuyến xe 7 chỗ để chở đồ (màn hình tivi 29inch, ampli, đầu DVD-karaoke, loa...) và trực tiếp lái xe đi cùng luôn.
------------------------------------------------------------------
                 GHI Ở PHA LONG

Nền cũ đồn Biên phòng
Um tùm cây vô danh
Hoang phế đè lên miền ký ức.

Sân Đồn từng mọc cờ Tổ quốc
Bia Tưởng niệm dựng lên
Tên các anh lặn vào trong đá.

Đâu rồi những chàng trai trẻ
Ùa xuống cổng Đồn đón khách lên thăm
Chỉ còn bia mộ nghĩa trang?.

Mắt rưng rưng, dò đọc từng dòng
Gặp điệp khúc Tháng Hai năm Bảy chín
Lời vĩnh biệt nhói trời Pha Long.

Đất dưới chân nóng ran
Tôi đứng lặng, mặc gió mùa tím tái
Như cây móc cổng Đồn còn sót lại.

Đến lúc này tôi mới hiểu ra
Vì sao đường Biên giới bản đồ
Của Tổ quốc được tô màu đỏ!..


Pha Long, 27/1/1997
Nghĩa trang Liệt sĩ Pha Long, nhìn từ ngoài vào
Nơi yên nghỉ, của cả Đồn Biên phòng 133

LS Hoàng Ngọc Quế (quê Minh Tiến, Lục Yên, Yên Bái), hy sinh tại Đồn ngày 17/2/1979, khi chưa đầy 20 tuổi

LS Vũ Thị Thuận (Tự vệ Lâm trường, quê Hà Nam) hy sinh khi tròn 20 tuổi, sáng ngày 17/2/1979

21 tháng 2, 2012

NHỮNG ĐỨA TRẺ LÀ VỐN QUÝ NHẤT CỦA VÙNG CAO

Trần Đăng Tuấn - Lại lấy hình ảnh chữ V: Hai cạnh là hai bờ dốc núi, mỗi bờ dốc thuộc một quốc gia. Đáy chữ V là con sông Chảy, ít nước, khuất sau đá và cây. Bên dốc phía ta, lưng chừng là trường Mầm Non, trên đỉnh là Tiểu học. Đó là Dìn Chin.

Ở sân trường Mầm Non, và nhất là sân trường Tiểu học Dìn Chin, thấy ngay nơi đây rét hơn mọi chỗ khác, vì gió Bắc lạnh cứ thổi tốc vào.

Cả hai ngôi trường dường như đều được dựng theo cách chọn đất làm nhà của người Mông: Chỗ nào cao nhất, nhìn ra trước mặt là vực sâu, chẳng gì vướng tầm mắt thì làm nhà.

Ngôi nhà ưỡn ngực ra đón gió, cho dù là làn gió rét thấu xương, đón nắng, đón mưa, đón mọi thứ tốt lành cũng như mọi thứ khắc nghiệt của đất trời.

Không náu mình vào chỗ kín, không cần gần nguồn nước, gần rừng cây để được che chở.

Mình nghĩ mãi mà cũng chỉ dần dần hiểu phần nào.

Không nấp vào khe suối, bản người Mông không bị đe dọa bởi các cơn lũ quét bất ngờ, xảo trá; Người Mông ngồi trong nhà nhìn thấy các nương bậc thang của mình, trâu bò, ngựa của mình; Người Mông nhìn thấy từ xa những cái gì đe dọa ngôi nhà mình- dù  thú hay người, nước hay lửa.

Giữa hai cái: Kín đáo, tiện lợi nhưng bất trắc khó lường – Trống trải, thiếu thốn nhưng phong quang chủ động, người Mông chọn cái thứ hai.

Không chỉ người Mông, mà người mọi dân tộc đã sống ở đây thì không có cái cảm giác sợ độ cao như người miền xuôi.
Ai lên Mã Pì Lèng, nhìn xuống cái vực mênh mông thăm thẳm như thuở hồng hoang, con sông Nho Quế dưới kia chỉ còn nhỏ tý teo, thì dẫu đứng trên đường đèo trải nhựa, có lan can chắn, vẫn thấy rờn rợn.

Vậy mà ngay dưới sườn vực người ta vẫn đi lại, làm lụng, trẻ con chơi đùa, chạy nhảy, mọi cái như diễn ra trên một cái mái nhà dốc khổng lồ.

Có lần, ở Lũng Cú, mình tò mò lần theo con đường nhỏ ra sát biên giới, thấy cụt đường tính quay lại, đứng mé vực chợt nhìn thấy tít dưới sâu có mấy cái đầu trẻ con lấp ló.

Chỉ nhìn thấy đỉnh đầu thôi, chứ không nhìn thấy người. Gọi thì ba bốn nhóc ngửa mặt lên cười.

Vẫy các em, đánh nhoáng một cái những cái đầu nhấp nhô rồi tất cả đã trèo lên mặt đường đứng trước mặt mình.

Giả sử mình có dám trèo xuống đó, muốn trèo lên chắc phải đi vòng mà leo dần đến cả tiếng đồng hồ chứ không ít. Vậy mà các bé leo lên cứ như đi trên đất bằng vậy.

Mình nhận thấy khác với trẻ vùng khác, các cô cậu Tiểu học Dìn Chin này có vẻ rất cá tính. Ở những chỗ khác bọn mình cứ ướm áo vừa, hợp theo mắt mình mà mặc cho các em. Chẳng đứa nào nói gì, có hỏi: "Màu này có đẹp không”, các em cũng chỉ gật đầu, ít khi đòi đổi.

Còn ở đây, việc lựa áo rất lâu vì các cô cậu rất kiên trì theo "gu” của mình.

Buồn cười nhất là có đứa tầm lớp 3, con gái nhưng đưa áo nữ loại nào cũng lắc. Cô giáo nói: "Em này chỉ thích mặc áo con trai thôi”. Và đúng là em bé kiên quyết đợi đến lúc trao cho nó cái áo xanh "rằn ri”, gần giống áo lính thì mới nhận.

Trong lúc Tiểu học nhận áo, nhiều đứa mẫu giáo chơi dưới đường đợi anh chị. Trò chơi của các bé là …leo lên cái taluy dựng đứng, từ dưới đường lên sân trường Tiểu học. Chú đặc công nào leo được như mấy bé này, mình nghĩ là trình độ siêu hạng rồi.
Trong lúc đợi các anh chị, chúng trèo...
Bắt đầu...

Chưa hết 5 giây...
Chỉ trên chục giây, không hơn
Xong! Nghỉ tý, lại xuống trèo...
Mình khâm phục cậu chàng này quá, bồng xuống sân Mầm Non, các cô cứ xúm vào chụp ảnh (tệ quá!), vì nó có …cái quần không thể nào đặc sắc hơn. Cái ảnh dưới đây là kín đáo nhất rồi đấy. Những ảnh khác chỉ cung cấp nếu có đề nghị.
Cả ngày để thoáng thế này, mà trộm vía, không... sun tý nào
Chọn đồ để... tân trang
Ổn rồi

Mới và oách thế này, về nhà chẳng biết bố mẹ có nhận ra không?
Khắp mọi nơi trên các dặm đường miền núi, ta gặp những đứa trẻ như trời đất sinh ra. Những mầm cây nhỏ mang gió, nắng, hương đất, hồn nhiên và khỏe khoắn. Những đứa trẻ là vốn quý nhất của miền cao .

CHỊ – EM (Gặp ở thôn Pha Long, không xa cửa khẩu)



    T.Đ.T  15.02.2012

GIÀN KARAOKE CHO TRẠM CHỐT BIÊN PHÒNG...

Mai Thanh Hải - Nam là em mình. Anh em chơi với nhau từ ngày xưa, cũng mấy năm rồi, từ khi Nam từ cực Bắc Lũng Cú về Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Giang thi "Chiến sĩ khỏe".

Hôm ấy Nam khoác khẩu AK, bê hòm đạn 25kg chạy băng băng vượt vật cản cứ như không.

Buổi tối hôm ấy, mình ngồi với Nam mới biết Nam cùng quê vợ mình, học phổ thông xong, đi nghĩa vụ và ở lại gắn bó lâu dài với Quân đội, ở nguyên cái Đồn thân thương nơi địa đầu Lũng Cú. Nơi heo hút xa xôi và máu, nước mắt trộn lẫn với mồ hôi bảo vệ cột mốc biên cương, rút cục thì Nam cũng lấy vợ - 1 cô giáo vùng cao lên cắm bản.

Giữa năm trước mình lên lại Lũng Cú, vợ chồng Nam đã có 1 đứa chíp chíp con giai, nhưng phải đưa về quê nhờ ông bà nuôi nấng, chăm sóc hộ, bởi vì ở trên biên cương này, vợ cắm bản, chồng trông giữ cột mốc, cách nhau vài chục km đường rừng, có cái "lều" tập thể đấy nhưng có khi cả tuần vợ chồng mới gặp nhau được 1 lần. Hôm rồi, vợ Nam sinh cháu, lại phải lọ mọ về quê chăm con bé, động viên con lớn.

Sáng nay, Nam biết cuối tuần mình lên Hà Giang, cậu gọi điện thảng thốt: "Bọn em ở Trạm chốt xa Đồn cả chục km. Anh lên có mua giúp tụi em 1 dàn karaoke rẻ rẻ được không? Tụi em cùng nhau góp tiền lương mua, cho bộ đội nghêu ngao đỡ buồn, trên này toàn lính trẻ, nhìn chúng nó tội lắm!".

Mình thông báo nguyện vọng của Nam với mấy anh chị em cùng đi công tác Hà Giang cuối tuần. Mọi người nhất trí: Mua tặng Trạm chốt nơi biên cương xa xôi ấy 1 dàn karaoke, cho bộ đội "nghêu ngao đỡ buồn".

Nhưng khổ cái, lĩnh vực này mình dốt lắm, chẳng biết ai thân quen để nhờ cả. Nên đành mạnh dạn viết lên đây, nhờ bác nào đó biết về lĩnh vực để ủng hộ và giúp đỡ cho anh em Biên phòng Trạm chốt đang bảo vệ biên cương với, mọi người nhé!.. Hu! Hu!..

20 tháng 2, 2012

KỂ VỚI CON VỀ NGÀY 17/2/1979, ĐỂ CHÚNG BIẾT CẢNH GIÁC!..

HAT - Ngày 17/2/1979, chiến tranh Biên giới Việt - Trung nổ ra. Lúc đó, tôi mới 12 tuổi, học lớp 5 ở Thái nguyên. Cuộc tấn công của Trung Quốc vào 6 tỉnh Biên giới phía Bắc có thể bất ngờ với nhiều người, vì trước đó đài báo ít đưa tin, có lẽ chỉ tập trung vào những sự kiện ở Biên giới Tây Nam. Nhưng với tôi thì không bất ngờ.

Cả năm trời trước đó, bố tôi và mấy bác đồng nghiệp của bố ở Nhà máy Gang thép Thái Nguyên hay nói chuyện thời sự, vẻ ai cũng lo lắng đăm chiêu, nói năng khe khẽ khiến tôi chú ý.

Ngồi học góc nhà, tôi giỏng tai nghe chuyện họ nói. Thì toàn những chuyện bọn Tàu cho người tràn qua biên giới bắt, đánh dân mình, những chuyện người Việt gốc Hoa ùn ùn kéo nhau rời khỏi Việt Nam … Và sau sự kiện Lê Đình Chinh bị sát hại tháng 8/1978, các bác bạn bố tôi đều cho rằng không tránh khỏi chiến tranh, đôi lúc họ còn bàn nhau gửi trẻ con về quê ở miền xuôi.

Lúc đó tụi nhỏ chúng tôi hoang mang lắm. Vì ở trường, ngoài những bài học về lịch sử cha ông ta chống quân xâm lược phong kiến phương Bắc, chúng tôi còn được dạy là “Việt Nam – Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông. Chung một biển Đông với tình hữu nghị sáng như rạng Đông”. Không lẽ hai anh em “môi hở răng lạnh” lại cắn xé lẫn nhau?.

Chúng tôi lo Tàu nó đánh thì chạy đi đâu cho thoát, vì Thái Nguyên cách biên giới đâu có xa.

Lúc đó, ký ức của chúng tôi về chiến tranh chỉ là những tiếng còi báo động máy bay Mỹ ném bom năm 1972, những lần chui xuống hầm trú ẩn, tiếng bom nổ rền phía Nhà máy Gang Thép, ánh chớp đạn pháo cao xạ … chứ chúng tôi chưa nhìn thấy trực tiếp cảnh súng ống bắn giết bao giờ. Một nỗi sợ mơ hồ của con trẻ.

Nhưng những sự việc xảy ra cứ làm nỗi lo lắng tăng thêm. Đầu tiên là khu Nhà khách dành riêng cho chuyên gia Trung quốc làm tại nhà máy Gang thép mọi khi vốn đông người tự nhiên một hôm vắng như chùa Bà Đanh. Chuyên gia họ rút hết về nước rồi.

Tiếp đó, hai anh em thằng Kín, thằng Loọc, trạc tuổi và hay đá bóng với bọn tôi sau giờ học, một hôm cũng không thấy đến trường nữa. Mọi người bảo nhà nó gốc Hoa, bỏ về bên ấy rồi.

Từ đầu năm 1979, tình hình đã căng lắm. Bố tôi thường xuyên phải đi tập quân sự. Có lần tập muộn, không kịp trả súng, bố mang về nhà một khẩu súng trường CKC. Lần khác là một khẩu AK mới oách.

Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được nhìn và sờ một khẩu súng thật, mới toanh, chứ không phải những khẩu tiểu liên tôm-xông của Pháp gỉ hoan gỉ hoét mà bọn nhỏ chúng tôi bới được từ bãi thép phế của nhà máy để chơi đánh trận giả. Tại trường, chúng tôi được dạy nhiều hơn về cứu thương, trú ẩn…

Ngày nghỉ, học sinh từ lớp 5 trở lên được điều đi đào công sự trên các đỉnh đồi để bộ đội đặt pháo. Có lần được các chú bộ đội cho ngồi lên mâm pháo cao xạ 37 ly, quay mấy vòng như đu quay, sướng mê tơi.

Rồi chiến tranh nổ ra thật. Cái không khí nặng nề, u uất tự nhiên biến mất. Thay vào đó là sự hăng hái, yêu nước nhiệt thành. Mấy chú trong cơ quan bố mẹ nhập ngũ. Nhiều anh chị học sinh lớp lớn cũng làm đơn xin đi bộ đội. Ngoài đường, loa phóng thanh suốt ngày đưa tin chiến sự, tố cáo bọn Bành trướng Bắc kinh, bá quyền nước lớn (từ anh chuyển sang thằng sao mà nhanh thế!).

Chúng tôi ai cũng thuộc những bài hát hào hùng như “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”, hay tha thiết như “Lena Belikova”.

Trường tôi có một số bạn từ biên giới tản cư về vào học. Lớp tôi có thêm nhỏ Ngọc, nhỏ Đào trước gia đình ở mỏ thiếc Tĩnh Túc. Hai nhỏ hiền khô, cả lớp quý lắm. Cả hai vẫn học cùng chúng tôi cho đến hết lớp 7.

Đánh nhau được ít lâu thì thấy bộ đội giải tù binh về. Cái sân vận động Gang Thép biến thành Trại Tạm giam tù binh Tàu. Bọn nhỏ chúng tôi tò mò tới coi lũ Bành trướng mặt mũi ra sao mà ác thế. Lúc đầu chỉ dám đứng xa thật xa ngó, lâu dần dạn hơn lại gần. Thì thấy chúng cũng như người mình, chỉ khác là mặc quần áo tù. Nhiều thằng mặt còn non choẹt, hiền khô, ngơ ngác.

Mấy chú bộ đội canh trại nói chuyện bọn này phần lớn dân lành, biết gì đâu, lúc bị xua qua biên giới mới biết là đi đánh Việt Nam. Có lúc còn thấy mấy tên tù binh khóc tu tu. Chúng ra hiệu xin thuốc lá. Bộ đội canh thỉnh thoảng cũng cho, chỉ là mấy điếu thuốc vê giấy báo. Lính mình nghèo.

Thế mới biết giữa những người lính hai bên chiến tuyến vẫn có thể có sự đồng cảm. Tội lỗi là ở bọn chóp bu kia, đem dân lành làm tốt thí cho những tham vọng chính trị.

Tiếp theo là trường tôi tổ chức đi thăm thương binh ở Viện C. Hồi đó nghèo, cả trường chỉ góp được ít trái cây, vài thùng đường, sữa. Nhưng quan trọng là tấm lòng. Vào viện thấy thương binh ta nằm kín, có chỗ 2 người một giường, thương quá. Lại thêm căm thù bọn Bành trướng. Thầy cô thăm hỏi động viên các chú thương binh, còn học sinh tụi tôi hát tặng mấy bài, có bạn đọc thơ.

Rồi cuối cùng cũng hết đánh nhau. Tôi được thay mặt học sinh cả trường đi dự lễ mừng công.

Có chú bộ đội đẹp trai kể chuyện rất có duyên. Mới biết lính chính quy của ta còn ở trong Nam chưa kịp ra. Ngoài này chủ yếu là bộ đội địa phương và dân quân tự vệ tham chiến. Mà bọn Tàu thì đông quá. Bị bắn ngã lớp này, lớp sau lại “tả, tả” xông lên. Bộ đội ta thương vong nhiều quá. Bắn hết cả đạn mà chúng vẫn tiến, các chú ấy phải rời chốt, rồi đến đêm, được tiếp viện, lại xông vào chiếm chốt.

Cuộc chiến qua đi, cuộc sống trở lại với bộn bề lo toan, cơm áo gạo tiền.

Nghèo! Đói!..

Trong lịch sử Việt nam có lẽ không cuộc chiến tranh nào mà người ta (cố tình?) quên nhanh đến thế. Nhưng đó là trên các phương tiện truyền thông.

Còn trong lòng người dân Việt có ai quên “lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương”!..

17/2/2012

Tôi hỏi thử 2 con trai (học THPT và THCS) có biết hôm nay, 17/2, là ngày gì không?. Chúng lắc đầu.

Hỏi có được học gì ở trường về chiến tranh biên giới 1979 không. Cũng không! Chưa bao giờ nghe nói tới!..

Chẳng có cuốn sách giáo khoa Lịch sử nào của Việt Nam nhắc đến sự kiện này, cứ như thể nó chưa từng xảy ra. Tôi không thể hiểu tại sao người ta phải sợ "phạm húy" đến vậy?.

Nói gì thì nói, 33 năm đã trôi qua, lịch sử mãi là lịch sử, không thể viết lại lịch sử. Mà có nhắc đến thì đã sao?.
Năm ngoái tôi đưa con trai đi thăm bảo tàng chứng tích chiến tranh ở Sài Gòn, thấy rùng mình, thấy ghê tởm những tội ác chiến tranh của quân đội Mỹ. Nhưng bây giờ chắc chẳng có mấy người dân Việt Nam coi Mỹ là kẻ thù.

Còn nếu "nước lạ" kia cứ lăm le cướp biển đảo của ta, cứ đòi đào hết tài nguyên khoáng sản của ta ... thì liệu có người Việt Nam bình thường nào coi họ là bạn, dù có những kẻ hèn để họ đục hết bia, đốt hết sách nói về cuộc chiến tranh biên giới 1979, dù có dát đến 16 ngàn chữ vàng...

Tôi phải kể cho các con tôi nghe những điều này, vì đó là lịch sử, đó là sự thật. Không phải để dạy chúng LÒNG HẬN THÙ, mà để dạy chúng BIẾT CẢNH GIÁC.
---------------------------------------------------------------
* MTH đặt lại tiêu đề bài viết và biên tập 1 số đoạn, mong tác giả thông cảm.

ĐOÀN LÃNH ĐẠO CAO CẤP TP.HẢI PHÒNG THĂM LONDON, 2/2011

Haiphong.net.vn  - Ngày 26/2/2011, Hội Đồng hương Hải Phòng cùng với Hội Doanh nghiệp VBUK (Vietnamese Busineees in the UK), hân hoan chào đón Đoàn Lãnh đạo Cao cấp của TP. Hải Phòng sang thăm Luân Đôn (London).

Danh sách đoàn gồm có:

1/ Ông Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng
2/ Ông Nguyễn Văn Bình, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Tập đoàn Thép Nhật - Việt
3/ Bà Trần Thị Hoàn, Phó Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Công an Thành phố
4/ Ông Nguyễn Hải Bình, Thư ký‎ Bí thư Thành ủy.

5/ Ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư
6/ Ông Đồng Xuân Thu, Chánh Văn phòng Thành ủy
7/ Bà Nguyễn Thị Bích Dung, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ
8/ Ông Phan Trọng Khánh, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng
9/ Ông Lê Trung Dũng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp
10/ Ông Phạm Văn Thức, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hải Phòng .
Ông Hoàng Lộc, ông Vũ Kim Thanh, ông Nguyễn Quốc Thanh. Đại diện cho Hội đồng hương Hải Phòng  cùng ông Phạm Minh Nam và ông Phạm Tiến đại diện cho VBUK ra sân bay đón đoàn trong bầu không khí tươi vui thắm thiết .

Nhà hàng Anh Đào tọa lạc tại 106 - 108 Kingland Road, London E 2 8DP tràn ngập tiếng nói quê hương, bà Nguyễn Thị Trâm đã nhiệt tình đón tiếp Phái đoàn và mọi người, trong khung cảnh đầm ấm, mang nặng bản sắc dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Thành,Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã phát biểu và tặng quà cho bà con đồng hương Hải Phòng một bức tranh đá quí.

Ông và một vài vị quan chức trong đoàn cũng giới thiệu về sự quan tâm của TP.Hải Phòng với bà con Việt kiều ở nước ngoài về sự phát triển và những thành tựu mà quê hương đã đạt được.

Ông Nguyễn Trung Tình, Phó Chủ tịch lâm thời Hội Đồng hương Hải Phòng cũng đọc bản báo cáo tình hình hội đã lập được một số thành tích giúp đỡ đồng bào bão lụt ở miền Trung.

Đồng thời cũng nêu ý kiến mong bà con góp ‎xây dựng để hội ngày càng phát triển hơn.

Cùng trong ngày Đoàn lãnh đạo cao cấp tới dự buổi họp mặt của Hội Doanh nghiệp VBUK. Do ông Phạm Minh Nam tổ chức tại nhà hàng Việt Grill số nhà 59 Kingland road London E 2 8DP.

Hội Doanh nghiệp đã đề cập tới những phương án xây dựng làng Việt kiều ở Việt Nam, đồng thời cũng nêu những thành tích mà hội đoàn đã đạt được trong những năm qua trên  trường quốc tế.

Trong bữa cơm thân mật tiếp đoàn, những bài hát ca ngợi TP Cảng, những bài thơ nói về nỗi niềm người xa xứ, càng làm cho bữa tiệc thêm ấn tượng, sâu sắc.

Sau đây là một vài hình ảnh của đoàn đại biểu tới thăm TP Luân Đôn.

Vũ Kim Thanh
----------------------------
* Nhiều hình và nhiều gương mặt "lãnh đạo cao cấp" của TP. Hải Phòng quá, nhà cháu chẳng biết. Bác nào muốn đọc chú thích hình cụ thể thì vào link gốc phí trên nhé. Bác nào ở Hải Phòng mà biết mặt các "lãnh đạo cao cấp" trong hình, thì chú thích giùm cho bà con phát, gọi là góp phần "Nhiệt liệt chào mừng" các bác lãnh đạo Hải Phòng đi công cán nước ngoài. He! He!...

MỘT SỐ HÌNH ẢNH CỦA "ĐOÀN LÃNH ĐẠO CAO CẤP THĂM VÀ LÀM VIỆC"