6 tháng 10, 2012

CNXH VÀ CNTB- CẢM NHẬN BAN ĐẦU CỦA MỘT NGƯỜI VIỆT

Hiệu Minh - Bài viết của tác giả vhlinhdesign. HM Blog xin ghép hai đoạn comment của bạn đọc có tên là vhlinhdesign viết về cảm nhận CNXH ở Liên Xô và CNTB tại Pháp. Thú thật, đọc lên tôi thấy đúng như những gì mình thấy nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện viết ra như vhlinhdesign. Đầu đề và subtitle do HM Blog đặt.

Cảm ơn sự đóng góp của VH Linh.

Choáng 1: Từ địa ngục bước lên thiên đường XHCN Liên Xô

Vào một ngày cuối thu năm 1982, chúng tôi lần đầu đặt chân lên đất Nga. Nắng vàng rực rỡ, vườn táo xanh um lúc lỉu những quả là quả. Chúng tôi đi qua thèm lắm, mắt trước mắt sau chỉ muốn nhảy lên với mấy trái về nhai cho đỡ cơn thèm chế ngự não bộ của những người lần đầu tiên nhận ra vẻ đẹp của Thiên đường có thể hiện diện ngay trên mặt đất.

Nhìn cái ly màu trắng bên cạnh bình nước lọc bằng thuỷ tinh cũng màu trắng, ga đệm màu trắng, tất thảy đều màu trắng, chẳng hiểu sao lòng dạ tôi lại bồn chồn.

Lúc đó tôi không hiểu vì sao lại thế. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao hình ảnh mấy cậu bạn cùng đoàn chạy ngay ra bến Metro gần nhất chỉ để trèo lên trèo xuống cầu thang điện, lại ám ảnh tôi lâu đến thế, có lẽ hơn hai mươi mấy năm rồi.

Sau này đi chu du thiên hạ, nhàm chán dần với cảm giác rùng mình, tôi chợt hiểu có lẽ đó là trạng thái sốc của những đôi mắt và bộ não ướt sũng đói nghèo và bom đạn.

Việt Nam lúc đó khổ quá, chúng tôi lại là dân nội trú, càng ngấm cái khổ hơn. Bữa cơm chẳng có gì ngoài nồi nước mắm nổi lềnh bềnh vài miếng mỡ, hành xanh vắt vẻo vài cọng, thìa ăn xong không cần rửa vẫn sạch trơn. Nửa cái bánh mỳ phổng phao vì bột nở chỉ bóp nhẹ một cái là lại chui tọt trở lại lòng bàn tay.

Vườn địa đàng lúc lỉu táo xanh, bình nước trong veo, ga trải giường trắng muốt cuối mùa thu năm 1982 là bài học đầu tiên không cần thi cũng đỗ về Thiên đường trên mặt đất của chủ nghĩa xã hội đối với chúng tôi.

Ngày 27 tháng 8 năm 1989, toàn thể sinh viên nước ngoài ở trường tôi được cho đi tham quan đột xuất. Vài ba ngày sau tôi mới biết được rằng những người Tac-ta đang ở gần chúng tôi lắm và sinh viên nước ngoài không nên nhìn thấy những cảnh đó.

Vườn táo xanh trong ký ức tôi biến thành khu chợ ồn ào bán mua với những chiếc cốc lần đầu tiên có dán giá tiền thay vì dòng chữ 5 kopec in sẵn trên đáy cốc như mọi khi.

Bình nước trong veo biến thành những thỏi đường vàng xếp hàng nửa ngày không mua được.

Ga trải giường trắng muốt biến thành những tờ truyền đơn vung vãi trên quảng trường Krasnui Prospect trước mặt tượng Lê-nin.

Thiên đường sụp đổ rồi ư? Thế giới này đi về đâu vậy?

Choáng 2: Từ Cộng sản Nga cào bằng đến Tư bản Pháp sòng phẳng

Những ngày đầu sang Pháp, tôi khốn khổ vì vốn từ vựng giắt lưng chẳng đáng là bao. Một lần, thầy giáo của tôi, vừa đi công tác Việt Nam về, được cả cơ quan tôi nồng nhiệt đón tiếp, trịnh trọng giới thiệu tôi với cả lớp vào đúng thời điểm tôi đang gà gật vì nghe mãi chẳng hiểu gì.

Lê-na, cô gái Nga cao lớn và xinh đẹp, bây giờ là giảng viên trường tôi, có cặp đùi dài nhưng to bằng ba lần vòng eo của Cecile người Pháp, huých tôi và than Trời bằng tiếng Nga:” Boze moi”.

Bản năng Bắc Kỳ chính hiệu cho tôi một nụ cười vừa phải. Cả lớp vỗ tay nồng nhiệt,  Lê-na thu dọn sách vở, bảo tôi ký vào danh sách lớp. Tất tật bằng tiếng Nga. Tôi đần mặt đứng dậy, theo chân thầy để bắt tay mà chẳng hiểu vì cái gì. Thế là hết một giờ học.

Tư bản ơi là tư bản, sao không nhìn vào mắt tôi mà nhận ra nụ cười Tonkin trong đó?

Lớp tôi thỉnh thoảng rủ nhau đi ăn trưa. Những năm đó, học bổng của tôi tính bằng francs, chưa phải euros như bây giờ. Mỗi tháng 4.700 francs nhà ở kèm ăn uống. Đứa nào may mắn kiếm được nhà trong ký túc xá thì đỡ chứ chẳng may chậm chân là khốn khổ.

Tôi tiết kiệm lắm, dành dụm để mua vé về thăm nhà rồi lại sang nên không thường xuyên đi ăn cùng cả nhóm.

Maryline, gái Paris chính hiệu, bốc lửa, tóc vàng, mắt xanh, mỏ đỏ hình như không hiểu đầu tôi đang toan tính những gì nên trưa nào cũng kéo áo tôi xềnh xệch, bắt đi ăn cùng cả nhóm. Đĩa nó sạch trơn, mắt nó nhòm vào đĩa của tôi còn ngồn ngộn thứ ngũ cốc bùi bùi màu tím ngắt giống đậu đen rồi hào hứng tuyên bố chỉ có đứa nào thiểu năng mới không ăn hết món ngon thế này.

Đứng dậy, chia tiền, tôi vẫn trả đủ phần tôi. Vài ngày sau, tôi lại ăn món tráng miệng của nó, nó lại trả đủ phần nó. Khi hết tiền, tôi tìm cớ thoái thác để ra về trước cả nhóm.

Nhớ lại những mùa thu trên đất Nga, bạn bè thân thiết đi ăn cùng nhau chưa bao giờ có đứa nào thò thìa dĩa sang đĩa của tôi, dù nó còn ngồn ngộn. Ăn xong, thường chúng tôi tranh nhau trả tiền hoặc luân phiên đứa nọ bao đứa kia theo đúng tinh thần xã hội chủ nghĩa.

Maryline xinh tươi mắt xanh mỏ đỏ tóc vàng quyến rũ của tôi là bài học đầu tiên về sự sòng phẳng mà càng ngày tôi thấy càng hợp lý.

Tôi nhớ đến Liên trong tiểu thuyết “Tuyết rơi”, câu chuyện về Paris ngày nắng nóng 11 tháng 8 năm 2003, cố thử hình dung ra khuôn mắt đầy mụn, đôi mắt gườm gườm chẳng rõ lý do ngay với chính bản thân mình, những cái cấu chí chọc thủng da thịt các cụ già trong nhà dưỡng lão đầy hằn học và ác nghiệt của cô mà rùng mình.

Sao cái lớp học nhân đạo của Liên trên đất Pháp có hình hài kỳ dị đến thế? Nó có nhiều không trên đất Paris, mà tôi, một sinh viên đã từng mò mẫm ở những vùng như 93100 lại không rõ?

Hay tôi không bao giờ có cơ hội nhìn thấy những người Việt Nam như Liên, ngay cả trong những ngóc ngách khốn cùng của Paris như thế?

Bao nhiêu cô gái Việt Nam phải hy sinh để một Liên đau đớn và quái đản ép đến ngạt thở từng trang sách màu hồng trong hơi lạnh của “Tuyết rơi”, nhẹ như lông hồng mà lại làm trĩu nặng con tim người đọc một cách vô lý đến thế?..

VHLINH DESIGN

4 tháng 10, 2012

CSGT LÀM XE ÔM, LÁI TAXI

TP - Sau khi trút bỏ trang phục Cảnh sát Giao thông (CSGT), không ít người hành nghề xe ôm, lái taxi hoặc về làm nông để mưu sinh. Đằng sau cái nghề được đánh giá chỉ thích đứng đường và giàu sụ, có những thân phận khó tin...

Cha CSGT, con hy sinh, ở nhà thuê

Chiều về trên một ngã tư đường phố Hà Nội, có một bác xe ôm mặt thể hiện sự nhẫn nại đợi khách. Ở một ngã ba khác, một CSGT đang tả xung hữu đột giữ dòng xe ngược xuôi.

Cả hai đều từng là đồng nghiệp, người đã hưu, người vài tháng nữa cũng đến lượt. Trung tá Nguyễn Hữu Kiên (thuộc Đội CSGT số 5 - Phòng CSGT Hà Nội) có gương mặt đen sạm, khắc khổ, vài năm gần đây khá quen mặt với nhiều người gần khu vực đầu cầu Chương Dương (phía Ngọc Thụy - Long Biên).

Ít ai biết, người CSGT dáng cao, kiên nghị ấy đang gánh chịu những mất mát, đến nỗi như anh nói: “Tôi cố làm cho xong vài tháng nữa để về hưu, rồi đưa vợ về quê Hưng Yên làm ruộng. Ở Hà Nội hiện cũng không còn nhà, phải đi thuê”.

“Tôi có đứa con trai sinh năm 1984 là thiếu úy Nguyễn Trường Quân, công tác tại Đội CSGT số 4 hy sinh đầu năm 2011. Sau khi cháu mất, tôi chán chường vô cùng, phải nỗ lực lắm để đi làm việc”, anh Kiên nói.

Số phận dường như thử thách sự kiên cường của gia đình trung tá Kiên. Những tưởng không gì hạnh phúc hơn: Con trai lớn là đồng nghiệp với bố (con làm ở đầu thành phố, bố cuối thành phố trên những tuyến đường huyết mạch), con gái thi đỗ điểm cao vào Khoa Ngoại ngữ và Pháp luật (Học viện An ninh).

Tương lai, cả nhà làm công an. Thế rồi, trong một lần đi tuần tra trên đường Giải Phóng (Hà Nội), một chiếc xe ô tô khách vi phạm luật giao thông đã đâm vào xe máy tuần tra của thiếu úy Quân làm anh tử vong.

Chuyện không dừng ở đó, “con tôi là người chất phác, trước đó đã bị một cô gái lừa phải cắm cả sổ đỏ của bố mẹ”.
Trung tá Kiên đã phải nhờ bạn bè về tận quê cô bạn gái của con trai và phát hiện nhiều sự thực đau đớn, nhưng mọi sự đã muộn: Tưởng được con dâu tốt, ai ngờ phải bán hết gia sản vì nó.

“Người tài xế đâm chết con tôi, nhưng tôi viết đơn xin bãi nại. Còn đứa con gái lừa lọc kia, tôi đã phải kiên quyết để pháp luật trừng trị và hiện đang thụ án 16 năm tù về tội lừa đảo”, anh Kiên chua chát nói.

Vừa mất nhà xong, lại tới mất con trai, tưởng như cú đấm của số phận đã quật ngã người đàn ông trông sương gió này. Bây giờ, hằng ngày, trung tá Kiên phóng chiếc xe máy cà tàng từ nhà trọ (anh bán nhà xong, thuê ở trọ chính nhà mình) tới nơi làm việc, vợ anh vốn thất nghiệp, nay xin một chân tạp vụ nhì nhằng.

An ủi lớn nhất là cô con gái học giỏi tương lai sẽ nối gót bố trong lực lượng CAND.

Chả ai giống như trung tá Kiên, CSGT thường muốn xin ra ngoại thành Hà Nội làm cho thoáng, nhưng đằng này được tạo điều kiện lại từ chối. Đã thế lại xin về chốt trực tại điểm khá vất vả vào giờ cao điểm ngay đầu cầu Chương Dương với lưu lượng phương tiện qua lại hằng ngày lớn.

Ngày CSGT, tối xe ôm chuyên nghiệp

Mới về hưu năm 2008, nhưng trung tá Lê Hồng Hà (nguyên CSGT đội 6-Phòng CSGT Hà Nội) chẳng còn “dấu vết” của một người từng làm CSGT. Ông Hà quê Nghệ An (sinh năm 1957), ra Hà Nội học rồi ở lại lấy vợ sinh 2 cô con gái. Cho đến nay, ông vẫn ở cùng bố mẹ vợ.

Gia cảnh hai bên ngoại nội đều khó khăn, 2 con gái đến tuổi ăn, học nên khi còn công tác, ông Hà (lúc đó mang hàm thiếu tá) ngày đi trực, tối về trút bỏ quân phục chạy xe ôm.

Để trấn an cho bản thân, ông tự nhủ thử làm xe ôm chạy đêm biết đâu khám phá ra các vụ cướp. Thế rồi, ông giấu vợ con lẫn đồng nghiệp ra khu vực cây đa nhà bò (trên đường Lò Đúc - Hà Nội) gia nhập đội quân xe ôm.

Mới đầu vì sĩ diện nên ngại không dám mời khách, sau dần quen, ông còn tuyên truyền luật giao thông đường bộ và phòng tránh tội phạm cho “đồng nghiệp” xe ôm.
Những người cùng cảnh cứ mắt tròn, mắt dẹt không hiểu ông xe ôm này mới vào nghề sao hiểu luật pháp ghê thế.

Nhiều lần đang hành nghề, gặp đồng đội đang tuần tra kiểm soát trên phố, ông Hà nói dối là chở người nhà ra bến xe, ga tàu.

“Lúc đó, còn 1 năm nữa về hưu, nhưng con bé đầu vào đại học, bé thứ hai học cấp 3, tuy lương khoảng 6 triệu đồng/tháng, nhưng nếu trang trải các khoản thì khó lắm”, ông Hà kể.

Thế rồi, vợ con cũng biết vì địa điểm đứng xe ôm cách nhà không xa, nhưng tất cả nhìn bố, chồng mình với ánh mắt trìu mến hơn. Bố mẹ vợ, và mẹ ruột ông Hà (vẫn ở quê Nghệ An) năm nay đều trên 80 tuổi lúc nào cũng dặn con về hưu rồi, chân tay yếu nhớ chạy xe ôm cẩn thận.

Gia đình bé nhỏ của ông Hà tuy ở trong khu tập thể vài chục mét vuông, nhưng luôn đầy ắp tiếng cười. Các con ông giờ đã trưởng thành, có tháng lương đầu tiên đã biết biếu ông bà và bố mẹ.

Bản thân ông Hà là con một, phải sống cảnh mồ côi bố từ lúc vài tuổi (bố là liệt sỹ ngành công an) nên rất quý trọng cuộc sống gia đình.

Giờ về hưu vài năm, ông Hà đã chuyển vị trí hành nghề sang chỗ khác trên đường Lò Đúc. Cuộc sống tuy không còn chật vật như xưa, nhưng lỡ quen với cách mưu sinh này, giờ làm cho vui là chính.

(Còn nữa)

Trường hợp của Trung tá Nguyễn Hữu Kiên khi được hỏi, hầu như Phòng CSGT Hà Nội đều biết.

Nhiều CSGT vẫn chưa quên cảnh Trung tá cha đẫm nước mắt chít khăn tang tiễn biệt thiếu úy con.

Đội trưởng CSGT số 6 Nguyễn Ngọc Mẽ vẫn nhớ như in hình ảnh Thiếu tá Lê Hồng Hà (về hưu mới lên Trung tá) hiền lành, lam lũ luôn tận tụy với công việc cho tới khi nghỉ hưu.

ĐI DỌC BIÊN CƯƠNG

Mai Thanh Hải - Đi dọc biên cương, có lẽ là điều xa lạ với nhiều người. 

Phần vì khu vực biên giới, có muốn đặt chân đến cũng khó, bởi quy định bao năm nay vẫn cứng nhắc phần giữ gìn An ninh Quốc gia.

Nhưng nhiều nhất vẫn là do đây là nơi xa xôi, hẻo lánh, khó khăn và cực kỳ thiếu thốn, từ miếng ăn, cái mặc cho đến những tiện nghi sinh hoạt tối thiểu nhất, nên nhiều người miền xuôi - thành thị cứ lẳng lặng tránh xa.

Hành trình của Đoàn "Góp lạt buộc phên dậu Cao Bằng" chúng mình, lăn dài trên nẻo đường biên giới Cao Bằng, giáp với đất Trung Quốc, từ Bảo Lâm, Bảo Lạc, cho đến Hà Quảng, Nguyên Bình, đến đâu cũng gặp những vất vả, khó khăn nhưng cũng hoang dại, nên thơ và thêm yêu biên cương nghèo khó, đến vô cùng...

1/ Mốc 612 thuộc quyền quản lý của Đồn Biên phòng 147 (Đồn Biên phòng Xuân Trường), nằm ở thôn Lũng Mật, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.

Đi từ Đồn 147 đến điểm trường Lũng Mật đã khó, nhưng cũng đỡ hơn vì thời gian chủ yếu, được ngồi trên xe máy. Từ Lũng Mật đến mốc 162 vất vả hơn gấp vài chục lần, bởi quãng đường toàn đi bộ, trên núi đá lởm chởm đá - trong thũng lũng cũng lởm khởm đá gần chục km.

Anh em Biên phòng, vốn quen đi rừng là thế, vớ phải hôm đưa cả Đoàn lên mốc, cứ tý lại nắng, tý lại râm, nên cũng phờ hết cả râu, lưng áo ướt đẫm vì mệt.

Leo mãi, trượt chân mãi. Tưởng như không thể đi nổi nữa, bất thần cột mốc hiện ra ngay cạnh đường mòn, sau vách đá, sau tiếng hô của nhóm đi đầu: "Đây rồi! Đến rồi!", khiến mấy thành viên nữ, sụm người bởi chưa bao giờ leo quãng đường núi xa - vất vả như thế, cũng phải thẳng chân, dấn lên chạy trước.

Lần đầu tiên trong đời, rất nhiều thành viên mới được đứng cạnh cột mốc - sờ vào mốc và... chụp ảnh lưu niệm bên cột mốc biên giới.

Cũng lần đầu tiên bên cột mốc 612, có 1 buổi giới thiệu - tuyên truyền về chủ quyền, an ninh biên giới xúc động và nghiêm trang đến vậy.

Không chỉ những người lính Biên phòng được nghe lại những điều về Hiệp định phân giới cắm mốc, mà cả những người dưới xuôi - thành thị, cũng hiểu được những vất vả, gian lao khi cột mốc bằng đá nguyên khối hơn 10 năm trước, được chuyển hàng tuần liền, từ đường đất Lũng Mật, trên vai con người, trên lưng ngựa, vượt núi đá, dưới sự bảo vệ của những họng súng AK và mắt lính Biên phòng cảnh giác, để đứng vững trên triền núi đá Lũng Màn Sương...

Và lễ chào cột mốc, cũng rất tự nhiên từ những điều thiêng liêng nhưng giản dị, khi tất cả nhìn thẳng vào dòng chữ "Việt Nam" màu đỏ cờ, trên vách mốc xanh đá thời gian để thấm thía khái niệm "Vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia" và thêm yêu biên cương, rất kiên trung nhưng cũng rất đỗi nhọc nhằn...

2/ Giống như các tỉnh biên giới phía Bắc, đi đến đâu từ xóm thôn cho đến huyện xã, ven đường hay hốc núi góc rừng, trung tâm chợ, xóm dân cư...trong đất Cao Bằng, cũng gặp những nhà bia mái vòm cong, cũ kỹ và đơn côi, ghi tên những người đã ngã xuống trong cuộc chiến đánh trả quân Trung Quốc xâm lược ở địa danh ấy, trong những năm quá khứ rất gần ấy.
Không chỉ là Nhà bia ghi tên Liệt sĩ, trong các Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) của tỉnh, vẫn ngay ngắn xếp hàng theo đội hình từ Trung đội đến Trung đoàn, những người lính nằm xuống khi tuổi mới 18-20, trong những ngày đầu tiên cuống quýt - bất ngờ đánh trả lại quân Trung Quốc và lăn lóc dưới chiến hào, trên điểm chốt dằng dặc cả chục năm, để giữ từng thước đất, bờ suối trong tầm bắn của pháo binh, đạn cối, súng bắn tỉa... từ bên kia biên giới nã sang.

NTLS Mỏ thiếc Tĩnh Túc nằm ngay cạnh Thị trấn Tĩnh Túc (huyện Nguyên Bình). Những năm trước, Tĩnh Túc được coi là "Thủ đô của nền Công nghiệp XHCN", chói lọi cùng Gang thép Thái Nguyên, làm thành "mô hình hiện đại hóa - công nghiệp hóa" chói sáng - tin tưởng trong tim mỗi đồng bào miền Nam với ước mơ "thống nhất đất nước, sẽ sống sướng hơn cả... Sài Gòn".

Chả biết có nhẹ dạ, tin theo công tác tuyên truyền không, mà ngay trong ngày đầu bất ngờ tấn công xâm lược Việt Nam tháng 2/1979, Trung Quốc cũng đưa 1 lực lượng lớn bộ binh, có xe tăng yểm trợ, hì hục tiến lên Nguyên Bình hòng đánh chiếm mỏ thiếc Tĩnh Túc.

Dĩ nhiên, mũi tiến công của quân Trung Quốc bị các thứ quân của ta, từ cấp du kích thôn bản cho đến bộ đội huyện tỉnh đánh trả quyết liệt (sau khi biết cái lũ mặc quần áo xanh, lẻo nhẻo "Hảo lớ", ngồi trên xe tăng in ngôi sao đỏ trong vòng tròn "Bát Nhất" chạy khắp thị xã, các con đường trong tỉnh... là lính Trung Quốc sang xâm lược, chứ không phải... bộ đội Việt Nam).

Ngay tại cửa ngõ dẫn vào mỏ thiếc Tĩnh Túc, những học sinh mới ra trường - công nhân - cán bộ ngồi bàn giấy... chuyên làm công việc kỹ thuật khai thác mỏ đơn thuần cũng được tập hợp vội vã vào cái thường gọi là đội Tự vệ, nháo nhào huấn luyện, ngơ ngác nhận súng tiểu liên K50 nòng rỗ, súng trường K44 dài như cây sào, lên chốt chiến đấu với quân Trung Quốc xâm lược được trang bị tận răng, thuộc làu địa hình địa vật, chuyên nghề đánh nhau... rồi rất nhiều người trong số họ ngã xuống ở tuổi còn rất trẻ, có khi còn chưa kịp bắn phát súng nào

27 người hiện đang nằm tại NTLS Mỏ thiếc Tĩnh Túc, chỉ là số ít trong số những người đã nằm xuống khi bảo vệ biên giới Cao Bằng, khu mỏ thiếc Tĩnh Túc đang bỏ hoang như Chùa Bà Đanh hiện nay. Hết thời "điểm sáng chói lóa", thị trấn Tĩnh Túc lại như trăm ngàn thị trấn bị bỏ quên dọc đường rừng, khiến NTLS cũng hiu quạnh - hoang vắng theo.

Mấy xe ôtô của Đoàn, dặn nhau tập trung ở bãi cỏ ngang lưng đèo trước NTLS Tĩnh Túc.

Cả nam lẫn nữ, già lẫn trẻ lại hì hục trèo cổng - vượt tường nhảy vào, bởi hình như rất lâu rồi, khóa xích han rỉ không được mở, như khóa cứng không cho ai ra vào.

Gió chợt thổi mạnh, để cỏ dưới chân xào xạc, tưởng như những người nằm dưới mộ đang chộn rộn, kéo nhau ngồi dậy đón khách và cùng hỉ hả cười nói, đón chào: "Lâu lắm rồi mới có người tới thăm!". 

Mây chợt ngãng ra, cho vòm trời xanh ngắt, cháy dìu dịu những đốm lửa trên từng ngôi mộ, bờ cỏ, lư hương tượng đài trong mùi hương trầm ngan ngát, quyện với lá với hoa với núi với rừng, thành ưu tư trầm mạc, trong nỗi niềm về những người mãi trẻ, hóa thân xác mình vào mẩu đất biên cương...

3/ Đường từ Thị xã Cao Bằng lên Pắc Bó, đến đoạn gần mộ Kim Đồng, ngay ngã 3 có cây đa to, từ hồi Bác mới về nước, đột ngột rẽ thành 2 ngả. Tụi mình, trong hành trình lên Cao Bằng, cũng như bao Đoàn khác, phải lên đúng quê hương cách mạng thăm - thắp hương tưởng nhớ ngày xưa.

Đêm trước khi lên Pắc Bó (Hà Quảng), Đại tá Phùng Tuấn - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng rất cẩn thận, gọi điện cho Chỉ huy Đồn Biên phòng Sóc Hà cho người chờ đón. Chả thế mà vừa đến cổng Khu di tích Pắc Bó, đã thấy Thiếu tá Trìu, Đồn phó Đồn Biên phòng Sóc Hà và Thiếu úy Sướng, đứng trong lố nhố bà con bán hồng ngâm, sim chín đợi sẵn.

Thời gian thăm hang Cốc Bó, suối Lê Nin rút ngắn cùng với việc thắp hương đền thờ Bác Hồ, thăm mộ anh Kim Đồng, để chuyển sang hướng biên giới Sóc Hà, cho dù đã gần trưa.
Ở Sóc Hà, nói đến cái tên Hà Văn Đồng thì ai cũng biết. Cựu chiến binh Hà Văn Đồng sinh năm 1959, năm 18 tuổi nhập ngũ vào lực lượng Công an Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) Cao Bằng, được cử đi học lớp phiên dịch tiếng Trung trong 2 năm tại Bộ Tư lệnh.

Tròn 20 tuổi, chiến sĩ Hà Văn Đồng trở lại Cao Bằng và được phân công công tác tại Đồn Biên phòng Nậm Quét (nay là Đồn Biên phòng Cô Ba, đóng tại huyện Bảo Lạc), ngay lập tức cầm súng, tham gia chiến đấu đánh trả quân Trung Quốc xâm lược, trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, bùng nổ từ tháng 2/1979.

Ròng rã lên chốt - xuống Đồn và chiến đấu, sinh hoạt trong điều kiện vất vả, khó khăn, thiếu thốn, vài năm sau, chiến sĩ Hà Văn Đồng bị bệnh, phải chuyển về điều trị tại Bệnh xá Biên phòng tỉnh. Mặc dù được chăm sóc đủ cách Đông - Tây Y, nhưng bệnh tình của chiến sĩ Đồng vẫn không thuyên giảm và qua một thời gian, bị chuyển sang liệt nửa người, đơn vị phải giải quyết cho ra quân, chuyển về gia đình.

Về lại gia đình, có những lúc Trung sĩ Hà Văn Động tuyệt vọng. Mà cũng đúng, bởi chỉ ngoài 20 tuổi mà đã phải nằm liệt, tất cả mọi việc đều nhờ vào cha mẹ, từ vệ sinh cá nhân cho đến tắm rửa - ăn uống trong khi không có 1 đồng chế độ và chính xác là bố mẹ lại tiếp tục nuôi anh, như hồi thơ bé.

Ròng rã như vậy cho đến nay, đã gần 60 tuổi đầu nhưng Trung sĩ Hà Văn Đồng vẫn... phụ thuộc bố mẹ (đều trên dưới 90 tuổi) và không vợ không con.

Mỗi ngày, mỗi đêm chỉ 3 người già xao xác trong căn nhà cấp 4 xập xệ, nằm ngay rìa cánh đồng, nhìn ra núi đá biên giới cao ngất, đỏ chót cột mốc biên cương trên đỉnh.

Cũng từ những đêm nằm ngắm cột mốc trên đỉnh núi, Trung sĩ Hà Văn Đồng bừng tỉnh: "Là lính, dẫu chết nhưng còn sống ngày nào, phải sống có ích" và nghĩ ngay đến "thế mạnh" mà không dễ ai cũng có của mình: Dạy tiếng Trung Quốc. Dạy để đồng bào mình đấu tranh ngay trực tiếp với chúng trong giữ gìn - bảo vệ cột mốc. Dạy để đồng bào mình dễ làm ăn, thông thương và dạy để biết rõ chúng, về dài lâu...
Thế là lê lết chống tay, tập luyện đến vài năm để lăn được người, nhổm được dậy, ngồi được dậy, tựa được vào tường, thậm chí nhúc nhắc chống nạng ngồi thẳng lưng đầu giường, trước bàn.

Có tư thế để đọc sách, giảng bài rồi, lại nhờ người thân - bạn bè xin hoặc tìm mua sách tiếng Trung về đọc lại, soạn bài thành Giáo trình "tự biên tự diễn"

Có giáo trình rồi, lại vận động người thân - hàng xóm, vận động lại lũ trẻ con trong xóm, bỏ những việc chơi bời lêu lổng, đến tận nhà "thầy", nằm bò trên giường, khoanh chân dưới đất hoặc bám bậu cửa sổ tròn mồm, xoe mắt phát âm xủng xẻng hoặc uốn mồm, viết chữ vuông tròn chấm phẩy...

Mà lạ!. Lũ trẻ biên giới vậy mà chăm học. Chả có bàn ghế - đèn điện - sách vở (thì đến miếng cơm, manh áo của "Thầy giáo", bao năm qua cũng chỉ trông vào sức tàn của bố mẹ gần trăm tuổi, phất phơ mảnh ruộng, luống khoai, cây ớt, con lợn - con gà... chứ đâu có ai giúp đỡ, chế độ chính sách gì?), mà vẫn cứ đều đặn tuần vài buổi, cả sáng lẫn chiều, từ thắng này cho đến năm khác, thế hệ này đến thế hệ khác...

Đến nay, đã có hàng trăm "học viên" của thầy giáo bại liệt Biên phòng Hà Văn Đồng học hành, trưởng thành ở mọi miền đất nước. Thậm chí có người còn thành đạt, học vị học hàm và giữ chức vụ quan trọng trong tỉnh - huyện.

Nghe chuyện về cựu chiến binh Hà Văn Đồng, cứ day dứt mãi về cái gọi là "Nghị lực sống" và "chế độ chính sách"...

Dẫu biết quy định là quy định và ở trên cái vùng núi đá gian khổ này, tồn tại được qua ngày, đã là tốt lắm rồi, nói gì đến sống... - Thế nhưng vẫn cứ so sánh hình ảnh người lính Biên phòng cường tráng như cây gỗ nghiến trên vùng núi đá Cô Ba thủa nào, nay teo tóp chưa đến 38kg, nằm dán xuống chiếu, nhưng vẫn quờ tay tìm cuốn sách và thều thào đọc mẫu, cho người học trò đứng tuổi, ngồi im phăng phắc đầu giường, trong chiều tà núi Cốc Bó đè nặng mái nhà.

Cũng là lính đấy. Cũng từng mặc màu xanh áo lính đấy.

Thế mà vẫn có không ít kẻ béo tốt phởn phơ, huy hiệu Thương binh cài đầy ngực, sơn to đùng trên xe lăn, in cả vào màu kính đen họ áp trên mắt, trong mỗi buổi chiều gác chân lành lên ghế uống bia hơi và rầm rầm chạy cái xe nửa hơi nửa máy, mà người ta quen gọi "xe Thương binh" đi đòi nợ, dọa người...

Cũng là lính đấy. Cũng mất tất cả vì màu xanh áo lính đấy.

Thế mà vẫn gượng lên mà sống, từ lầm lụi hạt lúa - củ khoai và sống rất có ích, bằng những con chữ truyền lại cho con trẻ mỗi ngày mỗi đêm, không than trách, không đòi hỏi, không kể công, nhẹ nhàng như thể hạt nắng đầu hôm, giọt sương đêm vắng, sợi mây mù đầu buổi, lá trên cây và suối hát rì rào...

Ở trên vùng biên giới xa xôi, có đến rồi mới biết: Từ hòn đá, bờ đất, nhành lá, bông hoa, giọt nước nơi cương vực Quốc gia, đều có sự sống.

Sự sống không chỉ lấp lánh trong màu - mùi - vị, mà còn lắng đọng vào những câu chuyện, tên đất, tên người hết sức giản dị nhưng cũng rất đỗi kính phục.

Và điều này, mình tìm lại được, trong hành trình: Đi dọc biên cương...
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN "GÓP LẠT, BUỘC PHÊN DẬU CAO BẰNG" TẠI MỘT SỐ ĐỊA BÀN BIÊN GIỚI THUỘC TỈNH CAO BẰNG.
Nhà báo Hà Phương (Báo Bảo hiểm xã hội), Lê Nguyễn Thanh Thúy (Báo Sức khỏe và Đời sống), thay mặt Đoàn, tặng số tiền 5.000.000 VND cho Thầy giáo Hà Văn Đồng (nguyên Trung sĩ, Chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Quét, nay là Đồn Cô Ba đã trực tiếp tham gia chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược, bảo vệ biên giới tháng 2/1979, được Trung ương Đoàn tặng Danh hiệu "Tuổi trẻ anh hùng Bảo vệ Tổ quốc", nay bị bệnh tật, sống rất khó khăn tại Sóc Hà, Hà Quảng).
Dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ (Khu Di tích Lịch sử Pắc Bó)
Thăm, tham dự Lễ chào cột mốc truyền thống của Bộ đội Biên phòng, tại mốc 612
Dâng hương, viếng NTLS mỏ thiếc Tĩnh Túc (Nguyên Bình, Cao Bằng)
Dâng hương, viếng mộ Anh hùng Liệt sĩ Kim Đồng
















1 tháng 10, 2012

CÔNG TY "SÓI BIỂN"

Mình xuống đến Hải Phòng, đứng chưa kịp thay đổi tư thế chân, đã thấy Mai Phụng Lưu "Sói biển" mặc quần bò xanh - áo sơ mi trắng, dận giày bóng nhoáng, phóng xe máy vèo vèo ra đầu đường 353 đón, chở vào xưởng trong lạch sông, nhấp nhổm mấy tàu cá kềnh càng bảo dưỡng, chờ ngày ra khơi.

Thoắt cái, chân kịp đổi tư thế, lại đã thấy "Sói biển" mặc quần đùi, áo bảo hộ lao động, đầu trần chân đất thoăn thoắt leo lên tàu lấy đồ, xong nằm bò dưới đáy tàu, gõ cành cạch cạo hà bám vỏ, kính lặn che mắt như thể đang mắm môi mắm lợi, bắt Hải sâm - Vú nàng ngoài Hoàng Sa.

Lạ!. Ít có thời điểm nào các "Giám đốc Doanh nghiệp" lại vất vả, bon chen và "thay hình đổi dạng" như cái thời điểm kinh tế khó khăn này.

Hôm rồi xem tivi thấy chuyện mấy anh Giám đốc Đầu tư Nhà đất - Bất động sản, ngày ngồi laptop văn phòng với "sơ mi, áo trắng, cổ cồn", tối đã hóa thân áo phông quần ngắn dép lê loẹt quẹt, bưng bê ốc luộc - mực nướng phục vụ các Thượng đế ngồi vỉa hè...

Họ còn phải vậy, nữa là cái ông Giám đốc Cty mới mở loe toe - kiêm Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu, vừa "ra ràng" được vài tháng?..

Nhắc đến chuyện Giám đốc - Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu, lại phải nhắc đến cái tên rất oách: "Công ty Cổ phần Thủy sản Lý Sơn", trụ sở chính đóng ngay tại huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi và dĩ nhiên ai đến thăm nhà Lưu bây giờ, không thể không tò mò bởi xuyên qua ruộng hành tỏi, bước vào sân, sẽ đập ngay vào mắt tấm bảng nền trắng, chữ xanh đến mấy màu, toàn những màu biển và hy vọng.

Vào ngồi trong nhà, ngước mắt lên gác xép là thấy ngay phòng làm việc, với đủ máy tính nối mạng, máy in, điện thoại - fax và nhất là mấy tấm bản đồ to đùng, toàn đánh dấu ngư trường - vị trí đánh bắt cờ xanh dấu đỏ, vươn mãi tít Hoàng Sa - Trường Sa, khẩn trương - hối hả...

Để ra đời được Cty Cổ phần Thủy sản Lý Sơn, vốn pháp định lên đến gần 10 tỷ đồng, công đầu phải kể đến 5 thành viên khác trong Hội đồng Quản trị, toàn dân sinh ra lớn lên từ biển, đều trên dưới 40 tuổi và đều đã - đang làm những công việc liên quan đến sông biển, thủy sản như: Đóng tàu, bộ đội Hải quân xuất ngũ, buôn bán xuất nhập khẩu Thủy sản... cũng như "duyện phận" gặp Lưu, chơi với nhau và cùng gật gù với ý tưởng: "Phải có cuộc sống đỡ vất vả, cơ cực hơn, ngay từ biển và từ những ngư dân như Mai Phụng Lưu!"...

Từ ý tưởng đến hành động, tưởng dài hóa ra lại rất ngắn, bởi ai cũng săn sắn tay vào việc.

Vài tháng sau, đúng giữa 8/2012, Lưu tất tưởi từ tuyến đầu Biển Đông, dong tàu về cập bãi Đồ Sơn gửi nhờ rồi bó cái đôi chân dài thượt, to như cột buồm, sứt sẹo những vết lặn ngoài Hoàng Sa, thâm tím vết đánh của lũ Hải giám Trung Quốc, ngồi tàu xe cả ngày đêm cùng 5 anh em sáng lập, về TP.Quảng Ngãi làm thủ tục lập Cty.

Thoắt cái vài ngày, Cty Cổ phần Thủy sản Lý Sơn ra đời.

Hôm nhận Đăng ký Kinh doanh, Lưu cứ sờ sẫm cái tờ giấy in Quốc uy đỏ chon chót, nắc nỏm: "To hơn cả... Sổ đỏ!" khiến ai cũng cười bò, thương thương là!..

Lúc trao Giấy Đăng ký Kinh doanh cho Cty (mà Mai Phụng Lưu được cử làm Giám đốc), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quang Thích cứ lắc lắc tay động viên: "Cố gắng nhé!. Vì biển đảo quê mình cả đấy!. Lần đầu tiên tỉnh có mô hình Cty Cổ phần Thủy sản thế này!" và gọi điện ngay sang Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản, Sở NN&PTNT của tỉnh, yêu cầu hướng dẫn Mai Phụng Lưu đăng ký tham gia Chương trình đóng mới tàu đánh cá xa bờ - hậu cần nghề cá, được Chính phủ ưu đãi, nghe đâu ở tít thì tương lai, với bao thứ chờ đợi - ràng buộc... 

Được quan tâm và nhất là thấy rõ tương lai phía trước, Lưu càng sướng.

Chả thế mà ngay sau đó, đã gần trưa, mọi người thống nhất sáng hôm sau ra Lý Sơn sớm theo tàu cánh ngầm thường nhật, nhưng Lưu vẫn đưa ra ý kiến: "Xuống cảng Sa Kỳ, đi nhờ thuyền cá ra đảo, sớm tý nào hay tý ấy!" và cười rất... bình thường: "Dần dà, mọi người trong Cty phải tham gia đi biển, rèn luyện sóng gió cho biết thế nào là đánh bắt chứ!".

Dĩ nhiên, dù có kinh qua công việc liên quan đến biển đảo - cá mú cả đấy, nhưng được ngồi cùng nhau trên tàu cá, cảm nhận vị biển miền Trung và nhất là tiền đồn Lý Sơn, cửa ngõ ra với ngư trường Hoàng Sa, ai cũng thích và rầm rầm phóng xe xuống gửi cảng Sa Kỳ, bốc cả biển hiệu Cty, máy móc Văn phòng và cả toàn bộ "Hội đồng sáng lập", lênh đênh vài tiếng đồng hồ tàu gỗ, ra tận đảo, đúng chất... Thủy sản xịn.

Ra đến Lý Sơn, hùng hục chở biển hiệu - thiết bị văn phòng về nhà Lưu, chỉ vợ Lưu tên Lan là đứng ngồi không yên.

Gặng hỏi mãi, mới nhận được câu nhấm nhẳng: "Lão ấy đi biển chuyến nào, trả hết tiền mua chịu dầu - đá chuyến ấy, mang về vài đồng là may, lấy đâu ra tiền mà mần... Giám đốc!".

Lại phải giải thích cặn kẽ, rằng thì là tiền nong do anh em đóng góp, vay mượn, Lưu chỉ đóng góp bằng hiện vật tàu và việc làm Giám đốc, là bầu lên để thêm kêu gọi bà con Lý Sơn, ngư dân cùng chung sức làm ăn, dễ dàng mua bán sản phẩm đánh bắt... vợ Lưu mới chịu và te tái đi... làm mồi nhậu.

Mà lo lắng cũng phải. Do ngành nghề kinh doanh chính của Cty là Khai thác thủy sản biển, Khai thác thủy sản nội địa, đánh bắt xa bờ, Nuôi trồng thủy sản biển, Nuôi trồng thủy nội địa, Chế biến, bảo quản thuỷ sản và các sản phẩm từ thuỷ sản, Chế biến và đóng hộp thuỷ sản, Chế biến và bảo quản thuỷ sản đông lạnh, Du lịch - dịch vụ lưu trú ngắn ngày, Nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động, Đóng tàu và cấu kiện nổi... nên việc đầu tiên, quan trọng của Cty là đóng 1 con tàu sắt trọng tải lớn, vừa làm nhiệm vụ hậu cần nghề cá, vừa đánh bắt xa bờ.

Hiện con tàu này đang được triển khai đóng mới tại TP. Hải Phòng, với những thông số đạt "chuẩn hơn cả chuẩn" làm nhiệm vụ hậu cần nghề cá ngoài biển xa, đơn cử như: Chiều dài gần 50 m, Chiều rộng gần 8 m, Chiều cao hơn 4 m, Mớm nước hơn 3 m, Máy chính: 420CV x 2, Máy phát điện: 75 kw x 2, Tốc độ trung bình của tầu: 12 - 13 hải lý/h, Khoang hầm hàng: 400 m3, Nước ngọt chuyên chở: 50 m3, Nhiên liệu: 70 m3, Thuỷ thủ đoàn: 20 người, Tầm hoạt động: 3.000 hải lý... Đặc biệt con tàu có thể hoạt động cả tháng trời trên biển và chịu đựng được sóng cấp 6-7.

Như thế thì nhiều tiền, nhiều bạc lắm. Mà mấy anh em sáng lập, cũng chỉ cầm cố - vay mượn được đến chừng ấy, để làm vốn pháp định và thuê kho bãi, mua xe cộ, đảm bảo hoạt động của khung cứng Cty...

Chứ để đẩy nhanh tiến độ đóng mới tàu hậu cần nghề cá, giúp cho ngư dân thuận lợi mua bán thủy sản - yên tâm đánh bắt ở ngư trường xa, thì dường như, vẫn còn cần nhiều sự giúp đỡ, của chính hệ thống Ngân hàng.

Mình xuống Hải Phòng, mấy ngày cứ loanh quanh tìm cách nào đó gỡ chuyện vốn vay cho cái Cty mới ra ràng của Thuyền trưởng - Giám đốc Mai Phụng Lưu và những anh em bộ đội xuất ngũ, giáo viên Hàng hải, quản lý Thủy sản... mà cứ thấy rối, chả khác nào canh hẹ.

Buồn xo với Lưu, ngồi nhô vai bên mép nước, Lưu kể: Có đi biển mới thấy ức khi nhìn tụi Trung Quốc đánh bắt cá rất chính quy, có tàu mẹ làm hậu cần (cung cấp nước - dầu - đá - cứu thương - ăn uống - sinh hoặt - lai dắt cho tàu nhỏ và thu mua, chế biến bảo quản sản phẩm dài ngày trên biển), cho hàng vài chục tàu chuyên đánh bắt khác yên tâm hoạt động cả tháng trên biển.

Chả bù cho tàu mình bé bằng cái mắt muỗi, kiếm được mẻ cá là hộc tốc chạy vào bờ, bán cho "đầu nậu" thu mua theo hình thức trả nợ tiền dầu, đá, lãi mua thuê tàu, cầm được về nhà mỗi người triệu bạc là may...

Với những tàu gặp vận đen, lang thang hết ngư trường này đến góc biển khác, tàu rỗng vẫn hoàn rỗng, đến lúc cạn dầu - hết nước, lại lủi thủi về bờ, nợ chồng nợ, đồng lần nặng sụm vai...

Chả nói đâu xa, ngay ở khu vực Vịnh Bắc Bộ, bao tàu của ngư dân ta, cứ bắt được con cá nào là lại cẩn thận lựa ra theo loại, trọng lượng và đợi đến ngày mang vào Hải Phòng, Quảng Ninh bán cho thương lái Trung Quốc, dẫu có ỉ ôi chê bôi, nhưng vẫn còn hơn là không ai hỏi đến và sau đó chúng lại mang bán cho các nhà hàng hải sản ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, với giá trên trời, gấp hàng chục lần so với giá mua tại bến, cho thực khách nhâm nhi...

Chả thế mà khi biết tin Cty Cổ phần Thủy sản Lý Sơn do Mai Phụng Lưu làm Giám đốc đứng chân hoạt động ở ngay Lý Sơn, với chiếc tàu vỏ sắt hậu cần nghề cá đang được triển khai đóng mới, ngư dân không chỉ ở Lý Sơn, ở Quảng Ngãi, ở miền Trung mà còn ở các ngư trường quen thuộc với Lưu 30 năm qua (Hoàng Sa, Trường Sa, Vịnh Thái Lan, Vịnh Bắc Bộ...) í ới qua iCom, điện thoại hỏi han - chúc mừng và cuối chuyện, ai cũng xin "đặt gạch" 1 suất làm thành viên cung cấp hàng thủy sản cho Cty, đồng thời với việc được Cty cung cấp hậu cần trên biển...

Bạn nghề tin tưởng vào Mai Phụng Lưu cũng đúng thôi. Bởi đến giờ, Lưu là một trong số ít những thuyền trưởng tàu cá rành rẽ hơn cả lòng bàn tay từng lạch san hô, sải nước không chỉ ở Hoàng Sa, Trường Sa mà còn cả những ngư trường khác. Bao năm rồi, Lưu không biết đến khái niệm "nhẹ thuyền" khi kết thúc chuyến đi biển, về đến bến..

Mình cũng tẩn mẩn: "Không tin tưởng sao được, khi ngày càng ít những thuyền trưởng như Mai Phụng Lưu dám dong tàu ra khơi xa, dập dờn - canh me bằng mọi cách với quân hung hãn, để khai thác thủy sản và... thuộc từng đường đi lối về, trên biển cả mênh mông!"...

Ấy vậy mà ước mơ giúp bạn chài làm giàu từ biển, đỡ vất vả từ biển của Lưu cũng khó mà thực hiện được.

Thuyền trưởng - Giám đốc Mai Phụng Lưu cũng như hàng vạn ngư dân khác, vẫn thường xuyên nghe - xem ty tỷ những thứ VTV, VOV... với những từ ngữ đều đặn, quen thuộc liên quan đến "bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế biển".

Thế nhưng chắc chắn, họ chẳng tin khái niệm đó là thật, khi họ mang hồ sơ, dự án liên quan đến viêc "phát triển kinh tế biển", đến gặp các thể loại Ngân hàng và đều nhận được câu trả lời dập khuôn: "Chưa triển khai nên chưa thể biết được hiệu quả; độ rủi ro cao quá; chưa có hướng dẫn của trên về việc này"...

Chủ trương - Chính sách thường thì nằm trên giấy. Nhưng với người dân thì dù nằm trên giấy, nó cũng là tiếng nói của Đảng - Nhà nước và người ta rất tin.
Lòng tin ở đây, không chỉ đơn thuần là việc mang thân mình ra nơi đầu sóng ngọn gió, làm cột mốc sống mà còn ở việc họ tự nhân bản lòng tin vào tương lai "lắm cá, nhiều cơm", khi chung tay nghĩ cách tự làm giàu, tự đoàn kết tìm đường thoát nghèo...

Đến niềm tin này mà cũng bị rơi rớt mất, thì chẳng còn gì cả.

Và lúc ấy, chắc chắn Giám đốc Mai Phụng Lưu lại đành ngậm ngùi trả lại giấy tờ - dấu má, trở lại nguyên bản ngày xưa: Thuyền trưởng lái tàu, cởi trần - quần cộc, thấp thỏm nấp sau chân sóng Hoàng Sa, chờ tàu Trung Quốc nghỉ canh để lao vào bắt vội vài con cá, lặn mấy nải hải sâm, đúng cách làm ăn của con "Sói biển" đi hoang thửa nào?..

Tự dưng, mình thấy rất lo cho cái mô hình Công ty của Mai Phụng Lưu và bè bạn quá.

Cứ kỳ vọng con tàu vỏ sắt hậu cần nghề cá này xong, thi thoảng kéo anh em nặng lòng với biển đảo - ngư dân, tham gia 1 chuyến đi biển cùng Lưu (giống như đi tour), để cảm nhận về cuộc sống ngư dân, biển trời giàu đẹp và cả những miền đất xa xôi, không phải dễ ai cũng đến được là Hoàng Sa - Trường Sa - DK1 và bao nhiêu hòn đảo lớn nhỏ, nằm phía ngoài bải vệ hình chữ S yêu thương!.. Vậy mà bây giờ, giấc mơ có khi thành dĩ vãng?

Lại tần ngần: Ai có cách gì, giúp cho "Sói biển", giúp cho Cty ngư dân nhà mình với, nhỉ?..
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ CTY CP THỦY SẢN LÝ SƠN DO MAI PHỤNG LƯU LÀM GIÁM ĐỐC
Mang biển hiệu Cty từ đất liền ra đảo
Khui lon bia cúng ông bà - thổ công - thần biển cùng cạn, mong sự phù hộ độ trì, làm ăn thuận lợi
Chụp chung với các Thành viên Hội đồng sáng lập Cty nào
Chủ tịch HĐQT và Giám đốc Mai Phụng Lưu tại Trụ sở Cty, ở Lý Sơn
Một số tàu đánh bắt trong Cty đang bảo dưỡng, chuẩn bị đi biển
Tàu đánh bắt tham gia Cty Cổ phần Thủy sản Lý Sơn