26 tháng 4, 2012

CHUYỆN CHỦ TỊCH UBND TỈNH BÌNH DƯƠNG "ĐÀO NGŨ" KHỎI TRƯỜNG SA VÀ XUẤT XỨ DÀN ÂM THANH TRÊN TÀU HQ-936

Mai Thanh Hải - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung người thấp, nhưng to ngang lịch bịch rất ngộ.

Hôm đầu tiên vào Nhà khách Vùng 4, mình hơi bị ngạc nhiên khi thấy 1 ông già chưa đến, trẻ đã qua, đầu hói bóng lọng, chân ngắn tũn cứ quần đùi, áo ba lỗ, không dép chạy loăng quăng khắp 4 tầng cầu thang, dưới sự... kính trọng, e sợ của 1 Thiếu tướng Quân đội và 1 Đại tá Công an, cùng khối người khác nghiêm trang comple, ca vát ra dáng quan chức.

Hỏi cu Hưng, Trợ lý Dân vận của Vùng 4, Hưng ghé tai thì thầm: "Đấy là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương tham gia Đoàn Công tác ra Trường Sa!" và cung cấp thêm: Thiếu tướng Quân đội là Chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh, Đại tá Công an là Giám đốc Công an tỉnh cùng 1 số lãnh đạo Sở ngành, báo chí trong tỉnh, văn công đoàn Ca múa nhạc Bình Dương...
Chủ tịch Cung trong buổi họp đoàn ra Trường Sa
Ớ! Thế là Đoàn khách dân sự đầu tiên của mùa ra thăm Trường Sa này, oách quá rồi: Chủ tịch UBND tỉnh dẫn vài chục người ra thăm Trường Sa, với mấy cái xe ôtô từ 7 chỗ đến 40 chỗ, xe nào cũng dán băng rôn to phạc, chữ vàng chóe trên nền đỏ: "Đoàn tỉnh Bình Dương thăm và làm việc tại Trường Sa" và thành viên của Bình Dương đi lại trong Nhà khách, ai cũng giậm chân uỳnh uỵch, ưỡn ngực, mặt vác lên hiên ngang.  

Mấy ngày ở Nhà khách, đợi thời tiết tốt để xuống tàu ra đảo, càng thấy nể Bình Dương "lắm tiền nhiều của".

Này nhé: Suốt ngày nhậu nhẹt, toàn rượu ngon và mồi thửa, mang từ Bình Dương, chất đầy trong xe ca 40 chỗ; các ca sĩ - diễn viên - nhạc công trong Đoàn Ca múa nhạc của tỉnh, chả kể sáng chiều vác loa đài ra hành lang, tập luyện hát múa cứ rộn ràng, oang oang như bắt người nghe phải nhảy.
Văn công bất đắc dĩ


Chờ đến ngày thứ 3, thấy Chủ tịch Cung có vẻ sốt ruột, cứ chân đất, áo may ô chạy huỳnh huỵch từ trên xuống dưới, từ sân ra biển, cho dù anh em Hải quân chiều hơn chiều vong, bố trí cho riêng 1 buổi chiều thăm nghía trong tàu Lý Thái Tổ mới nhập về, ăm ắp vũ khí đạn dược, trang thiết bị hiện đại.

Đến ngày thứ 4 thì đúng là... vỡ trận. Buổi tối, đang thiu thiu trong phòng, bống thấy chiêng trống dập ầm ầm, cả bọn bực quá định thò đầu ra rủa: "Bọn điên, ngủ đi" mới tẻ ngửa là Đoàn Bình Dương đang nhậu nhẹt, làm lễ chia tay để sáng mai... vào lại Bình Dương.

Mình lại thấy Chủ tịch Cung chân ngắn, quần đùi, áo ba lỗ lạch bạch không dép từ bàn này sang bàn nọ, hô: "Chia tay! Dô! Dô!". Cánh Hải quân, từ lãnh đạo Quân chủng đến Vùng, mặt dài như cái bơm, thi nhau thuyết phục: "Có lịch phê duyệt từ Chính phủ xuống Bộ, Quân chủng, anh đợi 1-2 ngày nữa thời tiết tốt, rồi xuất phát!". Chủ tịch Cung vẫn ngúng nguẩy cái đầu hói: "Hông! Tôi phải zìa để mấy ngày nữa đi Nhựt Bổn!".

Cánh Hải quân quen kỷ luật, mặt xạm lại nhưng vẫn nín nhịn: "Nếu không thì anh để Đoàn ở lại, nhất là Văn công để phục vụ bộ đội!". Cung Chủ tịch vẫn: "Hông! Hông! Tui zìa thì chúng nó phải zìa!".
Nhạc công bất đắc dĩ

Và sáng sớm hôm sau Đoàn Cung Chủ tịch về thật, mấy cái xe chất đầy người, ai nấy mặt buồn xo tiếc nuối, trên xe vẫn chật cả trăm lít rượu ngâm và đồ nhậu, bên thành xe vẫn sót lại mảnh giấy của bảng khẩu hiệu: "Đoàn tỉnh Bình Dương đi thăm và làm việc tại Trường Sa", cậu lái xe mới bóc, vì xấu hổ.

Cũng sáng hôm sau, Bình - Chính trị viên tàu HQ-936 mặt tái dại, thì thầm với mình: "Văn công về, dàn âm thanh của họ cũng về, lấy gì phục vụ trên tàu vài chục ngày bây giờ?".

Chết thật! Chuyến đầu tiên của năm, các đảo đã biết có Đoàn ra, có cả văn công miền Nam phục vụ, sau nửa năm giời không có bóng con gái, nên rộn ràng, háo hức lắm. Bây giờ, để lính thất vọng, biết ăn nói ra sao?..

Thêm nữa, đằng đẵng bao nhiêu đêm trên biển, cũng phải văn nghệ văn gừng - giao lưu và chiếu phim, mở nhạc về biển đảo, đặc biệt là 2 Lễ Tưởng niệm các Liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma - Cô Lin, DK1 lấy đâu ra dàn âm thanh, đàn nhạc đáp ứng?..
Đoàn Bình Dương hát múa chia tay bộ đội Trường Sa tại... Nhà khách Vùng 4

Mình hỏi Bình: "Tàu mình không có gì à?". Bình lúng búng: "Cũng có loa đài để tuyên truyền đặc biệt, nhưng hôm rồi ampli bị hỏng, chưa xin chữa được" và hớt hải chạy lên Phòng Chính trị, mướt mát mồ hôi nửa ngày, mới xin cấp phát được cái đài Tàu chạy đĩa CD bé tý, loa rè như đập mẹt.

Thế là mệt rồi!. Khái niệm "tuyên truyền đặc biệt" của Hải quân Vùng 4, không chỉ dừng lại ở việc đến đảo nào, phát đĩa giới thiệu về đảo ấy (dĩ nhiên là phải kèm theo "thành tích chiến đấu anh hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam", hi! hi!..) mà còn để phát loa cảnh báo, đẩy đuổi lũ tàu Trung Quốc xâm nhập vào hải phận Tổ quốc, trước khi đâm ủi chúng chạy te tua...

Các tổ trong Đoàn công tác cấp tốc họp. Phương án được thống nhất: Tất cả chị em, tuy nhừ như "đăng ký hộ khẩu trong nồi áp suất", toàn làm nghiên cứu nhưng cũng phải học thuộc một số bài hát in gấp trên giấy A4, trong tiếng ghi ta đệm phừng phừng và lời nhạc từ... điện thoại di động, để lên đảo giao lưu, phục vụ chống cháy bộ đội.

Không chỉ chị em, mà ngay các anh em cũng phải học hát để "phát động phong trào" cùng chị em và lính đảo, vốn thiếu vắng tình cảm nửa năm nay.

Thế là từ chiều ấy, cả boong trên boong dưới, phòng trong phòng ngoài, đi đâu cũng gặp các thành viên trong Đoàn cúi gằm mặt vào giấy, lẩm nhẩm hoặc rống lên hát, nhạc sai be bét, rất ngộ...
Chính hiệu: Đội Văn nghệ xung kích

Thế nhưng, vẫn còn âm thanh?.. Cả lính tàu lẫn Chính trị Vùng, cứ thở dài thườn thượt... Thôi đành!.

Mình gọi điện cho anh Nguyễn Xuân Quang, thành viên HĐQT Cty Cổ phần Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO ở mãi tít Biên Hòa, Đồng Nai kể câu chuyện của HQ-936.

Anh Quang vốn lính Quân khu 7, mới nghỉ hưu và làm thêm kinh tế, mới nghe qua đã quyết: "Gì chứ, bộ đội Trường Sa thì ủng hộ ngay" và nhắn mình: "Có tiền cứ ứng hoặc vay tạm đâu đấy, anh sẽ gửi vào Tài khoản trả sau!".

Vẫn chưa đủ tiền, bởi gọi điện ra Hà Nội hỏi Phú (người bạn làm trong ngành âm thanh - hình ảnh đã ủng hộ đầu DVD-KARAOKE cho Trạm Biên phòng Mã Lủng Kha, Lũng Cú, Hà Giang và chỉ giúp mình mua cả dàn tặng Trạm) và bấm ngón tay tính toán: Vẫn thiếu, bởi ít nhất là phải 15 triệu đồng.

Lại ngập ngừng sờ đến điện thoại, hiện ngay số của anh Thanh - Một doanh nghiệp Xây dựng ở Tuyên Quang. Cũng giống anh Quang, nghe qua chuyện, anh Thanh ngắn gọn: "Anh góp 3 triệu, gửi sau!".
Chị Chi, Dầu khí Nam Côn Sơn dạy hát cho từng người

Lại lẩn mẩn điện thoại cho chú Sơn - Cũng làm doanh nghiệp Xây dựng bên Đông Anh. Chú Sơn đang trốn vợ lọ mọ phượt... nửa mùa ở Hà Giang, vừa thở vừa quyết: "Em góp 2 củ, cũng gửi sau!"...

Oái! Ấm rồi!. Sáng hôm sau, chiếc xe Uoát của Lữ tàu 162 mang danh "mới và hiện đại nhất Vùng 4", ậm ạch chở mình và Bình ra Nha Trang mua sắm dàn âm thanh tặng tàu HQ-936.

Chọn lựa, so sánh và ngắm nghía mãi rồi cũng chọn được đồ cho HQ-936 hoạt động trên biển: 01 tivi 29inch; 01 ampli; 01 đầu DVD - KARAOKE; 01 đôi loa thùng; 2 micro... chật hết cả xe Uoát.

Đến đoạn tính tiền, hơi ngỡ ngàng khi số tiền lên đến 17 triệu. Thôi! Góp tý cho bộ đội mình thì cũng có sao. Lật đật rút thẻ ATM, lạch xạch cắm vào rút ra, cũng chỉ tròn... 12 triệu và "SỐ TIỀN TRONG TÀI KHOẢN ĐÃ HẾT".

Mặt mình lúc này xanh hơn cả Bình, đang thì thào trong nuối tiếc: "Hay mình trả lại thứ nào đấy, anh nhỉ?".
Có dàn âm thanh nghe nhìn rồi, sướng quá

Ơ! Sao vậy được. Lại rút điện thoại gọi anh Nguyễn Thanh Bình, EVN Khánh Hòa tiếp cứu, anh Bình mang ra cho "vay nóng" 3 triệu, cộng thêm 2 triệu vay của em Lanh-CĐ Ngân hàng VN. Thế là đủ.

Mấy anh em rung rinh sướng, chở thẳng xe thiết bị, về cất ngay trong tàu.

Và chuyến đi của chúng mình ra Trường Sa hôm ấy, dù bão gió, dù chả có Văn công văn keo nhưng đến đâu cũng rộn ràng, thánh thót cả vùng biển, những lời hát về biển đảo, Trường Sa...

Và chuyến đi của mình, thiêng liêng gấp bội khi dừng trên vùng biển Gạc Ma - Cô Lin, DK1 làm Lễ Tưởng niệm những người lính ngã xuống, trong tiếng nhạc trầm hùng, giọng loa xướng tên các anh sang sảng...

Tự dưng cứ nghĩ: Bao năm nay, khẩu hiệu "Cả nước vì Trường Sa" đã thành mệnh lệnh từ trái tim của những người Việt. Những người lính đảo canh giữ Trường Sa nhận được nhiều lắm. Thế nhưng, cũng đừng quên rằng để ra với Trường Sa, người ta phải đi trên tàu và bảo vệ Trường Sa cũng là những con tàu đó...
Vẫn phải trao quà, tượng trưng thôi vì rất nặng

Và những gì mà anh Quang, anh Thanh và chú Sơn - Những người chưa bao giờ được đặt chân xuống tàu, ra với Trường Sa - giúp cho tàu HQ-936, chẳng phải là điều để ta thấm thía hơn, về khẩu hiệu: "Tất cả vì Trường Sa thân yêu"...

Mình về đất liền, tàu HQ-936 lại tất tưởi quay mũi, đón Đoàn khác ra Trường Sa, tiếp "mùa đón khách" có khi gần chục Đoàn liên tục trong vài tháng biển lặng.

Hôm rồi, xem hình thấy mấy nhà sư giao lưu trên HQ-936, tay cầm micro không dây nói chuyện, mừng vô kể, muốn gọi anh em mình xem "thành quả thực", với bộ đội Trường Sa, nhưng toàn ò e í, chắc đang lụi hụi đất đá kiếm tiền.

Ra với Trường Sa, không bao giờ người ta nói đó là chuyến đi chơi, tùy hứng mà bao năm nay đều gọi là "thăm và làm việc". Cái tùy hứng bỏ chuyến làm việc, kéo cả Đoàn phải về của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, theo cách gọi của bộ đội, chính xác là đào ngũ. Nhưng cũng may mà Chủ tịch Bình Dương Lê Thanh Cung... đào ngũ khỏi Trường Sa, mình mới có cơ hội sắm cho HQ-936 cái để nói, để xem và bao nhiêu người cùng thấm thía cái câu: "Nghĩa tình biển đảo".

Chuyện này có thật, ai xuống Quân chủng Hải quân, vào Vùng 4 hay ra Trường Sa trên HQ-936, cứ hỏi là bộ đội biết ngay. He! He!..
---------------------------
CẬP NHẬT MỘT SỐ HÀNG HÓA KHÁC, BẠN ĐỌC NHỜ MTH CHUYỂN TRƯỜNG SA
 (trong dịp tháng 4 và 5/2012)

1/ Công ty Rượu VodkaMen (KCN Phố Nối, Hưng Yên): 30 thùng rượu (loại 12 chai/thùng, chuyển làm 2 đợt). Đã bàn giao cho Hậu cần Lữ đoàn 146 (Đoàn Trường Sa), Vùng 4, Hải quân.

 2/ Doanh nghiệp sản xuất nước mắm Châu Sơn (Nha Trang, Khánh Hòa) mà trực tiếp là bạn đọc "mamchauson", nhờ chuyển 7 thùng nước mắm đặc biệt (loại 6 chai 0,5 lít/thùng), cho bộ đội Trường Sa và Đoàn thân nhân bộ đội Trường Sa, ra thăm các đảo - DK1.
Đã bàn giao Hậu cần Lữ đoàn 146, Vùng 4, Hải quân
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Hóa đơn

Lại hóa đơn
Quá thích khi được hát karaoke ngay trên biển Trường Sa
Dán mắt vào màn hình
Đi ca xong, háo hức chọn bài để thử giọng hát ngay
Phục vụ Lễ Tưởng niệm trên vùng biển Cô Lin - Gạc Ma
Lễ Tưởng niệm trên vùng biển DK1
    

ĐẶT MÌNH TRONG VỊ TRÍ NGƯỜI DÂN VĂN GIANG?..

Huy Đức FB - Chính quyền Hưng Yên nói họ đã không sai khi tổ chức cưỡng chế 70 hecta đất của 160 hộ dân Văn Giang.

Chưa có cơ sở để tin rằng Thủ tướng sẽ nói quyết định này của Hưng Yên là sai như ông đã làm với chính quyền Hải Phòng.

Nhưng, cho dù bên thua trận là nhân dân thì hình ảnh hàng ngàn cảnh sát chống bạo động, “khiên-giáo” tua tủa, đối đầu với hàng trăm nông dân cuốc xẻng trong tay không chỉ phản ánh mối quan hệ Chính quyền - Nhân dân hiện nay mà còn có tính dự báo không thể nào xem thường được.

Làm luật cũng là Chính quyền, giải thích luật cũng là Chính quyền, chỉ có người dân là thiệt.

Kể từ năm 1993, Luật Đất đai theo tinh thần Hiến pháp 1992 đã được sửa đổi 5 lần.

Chỉ riêng các điều khoản thu hồi, nếu như từng được quy định khá chặt chẽ trong Luật 1993, đã trở nên rắc rối và dễ bị lũng đoạn hơn trong Luật 2003.

Điều 27, Luật Đất đai 1993, quy định rằng: “Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước thu hồi đất đang sử dụng của người sử dụng đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại”.

Điều Luật tiếp theo còn đưa ra những điều kiện ràng buộc nhằm tránh sự lạm dụng của Chính quyền. Luật sửa đổi 1998 gần như giữ nguyên tinh thần này.

Nhưng, đây là thời điểm mà các đại gia bắt đầu phất lên nhờ đất. Tiến trình ban hành chính sách bắt đầu có sự can dự của các nhóm đặc lợi, đặc quyền.

Luật Đất đai 2003 đã đặt rất nhiều rủi ro lên người dân khi điều chỉnh mối quan hệ này thành một chương gọi là Mục 3.

Trong phần “Thu hồi đất”, Luật gần như đã đặt những mục tiêu cao cả như “lợi ích quốc gia” ngang hàng với “lợi ích của các đại gia”. Điều 39 định nghĩa những “lợi ích quốc gia” chủ yếu là những “dự án đầu tư có nhu cầu sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt”.

Dự án Ecopark đã được Thủ tướng phê duyệt, nếu chiểu theo Luật 2003, việc nông dân Văn Giang không chịu bị thu hồi nên bị cưỡng chế là hoàn toàn phù hợp với Điều 39.

Việt Nam không có một tối cao pháp viện để nói rằng Luật 2003 ở những điều khoản nói trên đã vi Hiến; Việt Nam cũng không có tư pháp độc lập để nông dân có thể kiện các quyết định của chính quyền.

Chỉ vì không có niềm tin Hệ thống có thể mang công lý đến cho mình mà gia đình anh Đoàn Văn Vươn, hôm 5-1-2012, và 160 hộ dân Văn Giang, hôm 24-4-2012, phải chọn hình thức kháng cự chịu nhiều rủi ro như thế.

Cho dù “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, người dân chỉ có các quyền của người sử dụng.

Nhưng, sở dĩ ai cũng gắn bó với mảnh đất mà mình đang cắm dùi là bởi: Đất ấy không phải được giao không từ quỹ đất công như những quan chức có đặc quyền, đặc lợi; Đất ấy họ đã phải mua bằng tiền; Đất ấy họ phải tạo lập bằng nước mắt, mồ hôi; Đất ấy là của ông cha để lại.

Không thể nói một thứ có thể quy đổi thành tiền mà không phải là tài sản.

Không thể bỗng dưng một khối tài sản có khi phải đánh đổi cả cuộc đời lại có thể bị thu hồi.

Không thể nhìn đất ấy đang làm lợi cho các đại gia qua quyết định hành chính của một cấp chính quyền, thường chỉ là, hàng huyện.

Đất đai của các doanh nghiệp, của nông dân, vì thế, phải được coi là “tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức”.

Trong bài “Ba khâu Đột phá của Thủ tướng” tôi có đề nghị đa sở hữu hóa đất đai, công nhận quyền sở hữu đã có trên thực tế của người dân.

Nhưng, sau gần một năm, tôi nghĩ là, những người lạc quan chính trị nhất cũng không còn hy vọng ấy.

Cho dù chưa có những thay đổi về mặt ngôn từ thì việc tuân thủ Hiến pháp 1992 là điều không nên bàn cãi.

Điều 18 Hiến pháp 1992, nói: “Nhà nước giao đất cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài”. Nghĩa là việc giao đất cho dân là vô thời hạn.

Khi bình luận về các điều khoản quy định thời hạn giao đất, chính một trong những tác giả chính của Luật Đất đai 1993, ông Tôn Gia Huyên, cũng cho rằng, Luật đã có “một bước lùi so với Hiến pháp”.

Hiến pháp đã cho “chuyển quyền sử dụng” có nghĩa là công nhận quyền ấy như một tài sản của người dân. Nghĩa là, thay vì “thu hồi đất” như các quy định trong Luật Đất đai, “trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia”, Nhà nước nên chiểu theo Điều 23 của Hiến pháp mà “trưng mua, trưng dụng”.

Luật trưng mua - trưng dụng cũng nên định nghĩa minh bạch “lợi ích quốc gia” để phân biệt với “lợi ích của các đại gia”.

Và khi trưng mua thì nên lấy giá giao dịch trên thực tế chứ không phải là giá hành chánh được nghĩ ra trong các phòng máy lạnh.

Với những dự án lớn, dụng chạm xã hội, như Ecopark, cho dù là tư nhân đầu tư, thì cũng nên đòi phải minh bạch trong từng bước đi.

Phải buộc kiểm toán để thấy rằng, đất đai của nông dân chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng vốn đầu tư và mời nông dân tham gia bằng cách góp vốn và chia lãi theo tỉ lệ vốn bằng quyền sử dụng đất.

Vì sao trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia mà Hiến pháp vẫn yêu cầu phải trưng mua theo giá thị trường?.

Vì sao các nhà nước của dân vẫn đền bù thỏa đáng cho các trường hợp rủi ro ví dụ như bồi thường cho ai đó đang đi dưới hè đường bị một cành cây rơi trúng. Cái cành cây ấy, mọc ở ven đường, mang lại phúc lợi bóng mát cho hàng vạn con người nên khi nó gãy không thể để một người chịu thiệt.

Người dân Văn Giang không chống lại dự án Ecopark, người dân chỉ không đồng ý với giá và cách mà Chính quyền đền bù.

Nếu con số 90% nông dân Văn Giang đã nhận đền bù là đúng thì cũng không thể coi 10% phản ứng là sai.

Trước anh Đoàn Văn Vươn đã có những người cam chịu lệnh thu hồi đất của chính quyền Tiên Lãng.

Đừng nghĩ những người chân lấm tay bùn không biết tính toán.

Đừng nghĩ nông dân không biết xót xa khi nhận chưa tới 150 nghìn đồng/ m2 rồi nhìn đất của họ được đem bán với giá hàng chục triệu đồng.

Chính quyền nói: “chỉ có 30% diện tích được phục vụ vào mục đích kinh doanh, tức là phần chủ đầu tư làm nhà để bán, còn lại là diện tích đất dành cho phát triển giao thông, công trình phúc lợi, cây xanh”. Tất nhiên phải có phần hạ tầng và cây xanh này thì người ta mới đến Ecopark mua nhà.

Nhưng, cho dù nó thực sự là phúc lợi thì cũng không thể đòi hỏi 1.500 hộ dân ở Văn Giang phải chịu thiệt cho các đại gia đến hưởng.

Sáng 17-4-2009, khi bị cưỡng chế thu hồi đất, chính người thân của Thủ tướng đương nhiệm cũng đã kháng cự. Cho dù 185 hecta đất cao su mà những người này có được ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, nhẹ nhàng hơn cách mà thường dân có được vài nghìn mét ruộng nương.
 Đất ấy họ được địa phương bán với giá bình quân 50 triệu/ hecta và sau đó khi thu hồi lại, Bình Dương đã đền bù mỗi hecta gần một tỉ.

Tôi nhắc lại điều này chi để đề nghị tất cả ai quan tâm nên đặt mình trong vị trí của người dân Văn Giang.

Từ các quan chức ra lệnh cho đến những cảnh sát đã đánh vào đầu dân đều phải nghĩ đến ngày đất đai của nhà mình bị Chính quyền cưỡng chế.

Đừng nghĩ Đoàn Văn Vươn hay Văn Giang là đơn lẻ.

Không nên coi một chính sách luôn giữ kỷ lục trên dưới 80% tổng số người khiếu kiện trong suốt hơn 20 năm qua là không có gì sai.

Cho dù quyết tâm cưỡng chế 160 hộ dân ở Văn Giang có thể chỉ vì lợi ích của một số cá nhân; có thể sau thất bại trong vụ Đoàn Văn Vươn, Chính quyền muốn cứng rắn để dập tắt khát vọng đòi đất của những nông dân muốn noi gương anh Vươn. Thì, hình ảnh cuộc cưỡng chế hôm 24-4-2012 đã trở thành một vết nhơ trong lịch sử.

Một chế độ luôn lo sợ mất ổn định không nên nuôi dưỡng quá nhiều những mầm mống đang làm mất ổn định.

Một chế độ rất sợ các thế lực thù địch không nên tạo quá nhiều thù địch ngay chính trong lòng mình.

Đất nước này tao loạn quá nhiều rồi, hơn ai hết người dân cũng cần ổn định.
-------------------------------------------
* Hình ảnh chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết và lấy từ Diễn đàn OF, một số trang mạng xã hội.

SAO KHÔNG AI NÓI MỘT LỜI?

Mai Thanh Hải - Trân trọng cảm ơn Nhà thơ Thanh Thảo với bài thơ của những câu chữ, muốn khóc mà không khóc nổi. Xin được giới thiệu và cảm ơn Nhà thơ đã gửi riêng cho Mai Thanh Hải Blog.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

 CHỈ CÒN

36 triệu đồng đền bù một sào đất
36 triệu đồng cho những kiếp tha hương
có thể ngày mai từ Văn Giang lớp lớp sẽ
lên đường
vượt Trường Sơn làm “cà phê tặc” “đinh tặc” v…v…các thứ “tặc”
sau 37 năm
cháu con những người xưa vượt Trường Sơn giữ nước
giờ mất đất
mất quê
mất tất
chỉ còn Ecopark
chỉ còn “không gian xanh”
chỉ còn
nước mắt

sao không ai nói một lời
sao báo chí im hơi ?
chúng ta từ bị chẹn họng tới nghẹn họng
từ sợ hãi tới rụng rời

lại con cháu nhà
chĩa súng vào ông cha
lại điệp trùng thế trận
chống nhân dân
nay mất đất
thì mai mất nước
có bao giờ đất và nước chia phân

chỉ còn
Ecopark
chỉ còn
không-gian-uất.

Nhà thơ Thanh Thảo (Quảng Ngãi)

25/4/2012
                                                   


CẢNH SÁT GIAO THÔNG CŨNG LÀ NGƯỜI

Đàm Hà Phú - Trên một Diễn đàn về xe hơi mà tôi tham gia, rất nhiều Topic hoặc các câu chuyện đề cập đến Cảnh sát Giao thông (CSGT). Trong đó,  như một mật hiệu, CSGT được ký hiệu là XXX, có lẽ bởi trong đa phần các câu chuyện, CSGT là một nhân vật phản diện.

Tôi có lần kể một câu chuyện đẹp về CSGT, thì ngay lập tức bị ném đá tơi tả, cho rằng: Tôi chính là CSGT trà trộn hoặc có người nhà là CSGT.

Tôi không phản ứng gì, nhân có blog này, kể lại mấy chuyện tôi gặp, cũng chẳng khen hay chê CSGT, chẳng qua muốn nói CSGT cũng là người, không nên ký hiệu là XXX.

1.
Một hôm tôi đi giữa dòng người qua ngã tư, đột nhiên chiếc xe trước chết máy, đứng sững tạo thành một cái nút nêm nêm dòng người đi xe máy từ cả hai phía.
Ngay lập tức, hai anh CSGT xuất hiện, một anh lớn tuổi ra dấu cho bác tài xế cứ ngồi trong xe, rồi hai anh dắt dùi cui hì hục đẩy cái xe rẽ dòng người để qua khỏi chỗ kẹt, không quên ra dấu cho tôi di chuyển theo.

Khi xe qua khỏi ngã tư, anh tài xế lại một lần nữa định ra khỏi xe, chắc là để cảm ơn hai anh CSGT đã giúp, lại một lần nữa anh CSGT lớn tuổi hơn ra dấu bảo bác tài tiếp tục đi, còn hai anh quay lại chỗ đứng gác.

2.
9h sáng ở Ngã tư Bảy Hiền, đó là một ngã tư luôn có CSGT, từ hướng CMT8 xuất hiện một bà lão chống gậy, trông bà có lẽ đã già tuy vẫn còn khỏe và minh mẫn, nhưng có lẽ bà không thể băng qua cái ngã trước mặt.

Ngay lập anh CSGT trẻ tuổi nhất băng qua đường từ chốt của mình và dìu bà cụ qua đường, không quên ra dấu cho các phương tiện khác tránh. Tôi gặp hình ảnh này 3 lần, lần nào cũng là bà cụ ấy và anh CSGT ấy.

3.
4h sáng, xa lộ Hà Nội đoạn qua Suối Tiên, xe tôi nhích từng chút trong hàng xe tải nối đuôi nhau.

Tôi đánh liều đánh tay lái ra ngoài, vượt phải, đạp hết ga để qua mặt đám xe tải cục mịch ì ạch.

Bất thần bóng áo vàng phía trước. Muộn rồi. Tôi cho xe vào lề theo dấu hiệu cái dùi cui màu trắng.

- Đi đâu gấp dữ anh?.
- He! he!. Thông cảm hen chú em, mình đi câu!
- Câu đâu đó?
- Trị An, mấy bữa nay cá ăn mạnh
- Câu cũng đâu cần gấp dữ?
-  Trời gấp chớ, cá nó ăn lúc 6~7h thui, 8h sáng, mặt trời lên cao là cá hết ăn rồi!. Thôi thông cảm đi, tại mấy thằng xe tải chở nặng nó rục rịch chậm quá!.
- Trị An chắc nhiều trôi, mình câu mồi gì, xả mồi gì anh?.
- Trời!. Nói dài dòng lắm, thôi ghi cái số anh đi, chừng nào đi hú anh!
- Dạ được, thôi anh trai đi đi, chạy cẩn thận đó!.
- Cảm ơn các chú!.

4.
Ngay một ngã tư hay kẹt xe, một phần là những xe máy thường xuyên vượt giải phân cách để qua ngã tư, mấy anh CSGT lâu lâu ghé đó bắt vài xe.

Chiều qua có  một xe máy chở cồng kềnh, chạy nhanh, vượt giải phân cách lao lên, anh CSGT lập tức xuất hiện và chĩa dùi cui, chiếc xe máy dừng rất gấp.

Đúng lúc đó cũng có một xe máy khác đi tới theo tín hiệu đèn xanh, người lái xe là một cậu em trẻ, va vào cái xe cồng kềnh phía trước và ngã xuống đường.

Anh CSGT ngay lập tức đỡ em trai vừa ngã xe dậy, luôn miệng hỏi: "Em có sao không, có trầy đâu không em?. Cho anh xin lỗi, thằng kia nó thắng ẩu quá, anh xin lỗi!".

5.
Hai anh CSGT đang đứng trực ở một ngã tư khá yên bình ở trung tâm Sài Gòn, bỗng có một một người nước ngoài chạy đến, đưa ra một cái ví, thở hổn hển và vừa nói vừa ra dấu cho anh CSGT hiểu là nó rơi ra từ túi một người đang ông đi xe SH, lúc này đã khá xa chỗ anh CSGT đứng.

Một anh hiểu ra vấn đề, nhảy phóc lên chiếc bồ câu trắng và đua theo chiếc SH để trả cái ví cho khổ chủ.

Một lát sau anh quay lại, nói “thank you” đối với vị khách nước ngoài rồi quay sang anh bạn đồng nghiệp nói: "Ổng mừng quá trời, rút bóp đưa 500 mà tao không lấy!".

6.
Ngã sáu Gò Vấp chỉ cần một ubổi chiều vắng bóng CSGT là kẹt xe, cho nên các anh CSGT đứng đó suốt từ 5h đến 7h chiều mỗi ngày.

Điều đặc biệt là các anh CSGT ở ngã sáu Gò Vấp rất hiền, anh nào nhìn cũng đen thui vì nắng bụi Sài gòn.

Một chiều thứ Sáu, trời mưa tầm tã, tôi vẫn thấy hai anh CSGT đứng ở đó, phân luồng cho xe cộ. Hình ảnh anh CSGT dầm mình trong mưa giữa dòng xe cộ làm tôi thấy cảm mến.

7.
Ngã tư 3-2 và NTP kẹt cứng, anh CSGT đến trước len lỏi đi tìm vào mối kẹt để tìm cách giải tỏa, chiếc taxi phía trước tôi đang tìm đủ mọi cách để thoát khỏi mớ xe cộ đan ngang dọc, anh CSGT tiến về phía chiếc taxi.

Từ trong taxi một cánh tay người phụ nữ đưa ra, níu tay anh CSGT và nói điều gì đó, tôi thấy chị chỉ vào một đứa bé đang nằm trên tay và chỉ tay về phía BV Nhi Đồng.

Anh CSGT lập tức lên phía đầu xe taxi, ra dấu cho nó đi theo anh, như một phép màu, chiếc taxi len lỏi theo bóng áo vàng của anh CSGT để băng qua chỗ kẹt, tôi nghe anh CSGT luôn miệng nói: "Bà con ưu tiên cho em bé đi cấp cứu!. Bà con ưu tiên cho em bé đi cấp cứu!".

Tôi biết rằng có nhiều bạn cầm lái không thích CSGT.

Cá nhân tôi, tôi chỉ bị CSGT thổi lại khi tôi phạm luật, mà mình đã phạm luật thì còn tư cách gì để trách CSGT.

Nếu ai cũng tôn trọng luật giao thông, thì CSGT có muốn làm khó ai cũng đâu có được?.

Thử một ngày thành phố vắng CSGT, thì xã hội sẽ thế nào nhỉ?..
-----------------------------------------
* Hình ảnh minh họa trên Diễn đàn OF và một số mạng xã hội khác.

25 tháng 4, 2012

TAY CHƠI TRÊN XÓM TRƯỜNG SA

Mới vào bờ, chả lẽ đầu tháng 5 lại ra Trường Sa nữa ư? Lại làm "đầu gấu xóm" như thế này chăng?..

GỬI CHÁU TÔI Ở VĂN GIANG

Mai Thanh Hải - Hôm nay 24/4. Một ngày để lại rất nhiều cung bậc trong con người, theo đúng nghĩa CON và NGƯỜI của mình: Buồn, thất vọng, đau đáu và thấy mình vô nghĩa, bất lực.

Rất cảm ơn Nhà thơ Thanh Thảo đã gửi bài thơ cho Mai Thanh Hải và xin được trân trọng giới thiệu bài thơ "Gửi cháu tôi ở Văn Giang", do ông mới sáng tác, ngay buổi trưa 24/4/2012
-------------------------------------------


GỬI CHÁU TÔI Ở VĂN GIANG
Nhà thơ Thanh Thảo

Chú không biết nhà cháu còn giữ được đất
sau trận cưỡng chế này?..

Bố chúng mày mất đã lâu, chú chưa có dịp về quê thắp cho bố cháu nén hương.

Vẫn biết nhà chúng mày khó, chú có gửi chút ít khi cháu xây nhà mới chỉ 8 triệu.

Ngày đó chú đã nghĩ: Làm sao 8 triệu có thể xây được ngôi nhà

“Chú ơi, nhưng nhà cháu chỉ quanh năm bám đất”
xây được ngôi nhà, dù 8 triệu, là đã chọn sống và chết ở đó

Bây giờ, đất đã mất
chúng mày sống ra sao ?

Nhớ ngày xưa khi cha mẹ cháu lấy nhau
chú đã về làng, Văn Giang nghèo nhưng rượu ngon có tiếng
bây giờ, chỉ còn rượu đắng

Cháu ơi, nhà chúng mày mất đất ruộng rồi sao ?


“Mất thật rồi chú ơi, mất hết”

Có lẽ chỉ còn nước chết
ngay trong ngôi nhà 8 triệu của mình

Cháu tôi, quê Văn Giang, Hưng Yên
nhưng cha cháu là anh tôi, quê Quảng Ngãi

24/4/2012

24 tháng 4, 2012

"KẺ NÀO BÁN ĐẤT ĐAI CỦA CHA ÔNG, THÌ CHẮC CHẮN KẺ ẤY MẠT VẬN"...

Mai Tiến Nghị - Bà có 2 con trai, nhỉnh hơn mình vài tuổi. Còn ông chồng thì chết đã lâu.

Ngày cải cách ruộng đất, gia đình nhà bà được xếp là cố nông, lại tích cực đấu tố "địa chủ phong kiến, tay sai đế quốc sài lang", nên thuộc diện thành phần cốt cán của "cuộc cách mạng vĩ đại đổi đời để dân cày có ruộng".

Vậy là bà Rao được chia 5 sào ruộng, lại được chia "quả thực" là một nửa cái nhà ngói của địa chủ Tiếm.

Ông Tiếm bị quy địa chủ bóc lột vì nhà có 2 mẫu ruộng, 1 con trâu. Ông cày ruộng, bà làm hàng xáo. Thỉnh thoảng lúc thời vụ cũng phải thuê người làm.

Thuê người làm là bóc lôt. Điều ấy được khẳng định một cách hùng hồn từ Trung ương tới địa phương.

Vậy ông Tiếm là "kẻ thù của giai cấp".

Chưa hết, lúc có tiền ông Tiếm còn mua được chức Lý Cựu (Cựu Lý trưởng)… nhưng thực ra ông chưa được làm Lý trưởng ngày nào.

Không đương mà cựu là như thế - chức mua mà!.

Chả là ngày xưa Hội đồng Hương thôn bán chức công khai, để lấy tiền sửa lại cái đình làng.

Chức Lý cựu chỉ để lấy oai chứ chả có quyền hành gì.

Nhưng: Có chức sắc thời phong kiến, ắt hẳn là tàn tích của chế độ phong kiến, là kẻ thù của chế độ mới… Đáng để loại trừ.

Ông Tiếm mất nhà, mất đất… ngậm ngùi dẫn vợ con ra cuối làng làm cái lều ở tạm.

Bụng bảo dạ: "Cũng còn may không bị án tử hình!".

Bà Rao lên đời. Ở nhà ngói. Vênh vang lắm.

Bà nói bằng giọng người ở tỉnh, bảo với các con: “Mẹ con ta từ lay xa dời con cua dốc” (Cua rốc là cua đồng - ở quê tôi vẫn gọi thế)

Ruộng bà để cỏ mọc. Vì lười nên dù có vào Tổ đổi công nhưng chẳng ai người ta làm cho.

Được ít hôm bà bán nhà, bán đất vừa được chia. Nhiều tiền lắm.
Mấy mẹ con bồng bì ra cắm đất ngay cạnh cái lều chỗ ông Tiếm đang ở.

Ông bà Tiếm hùng hục quật lập đào bới san lấp… được độ sào đất, tưởng yên thân; thì bà Rao nhảy đến ở ké.

Ông kêu toáng lên, đưa đơn Ủy Ban Hành chính giải quyết.

Nhưng bà Rao còn kêu to hơn. Bà kể lể: Tham gia cách mạng Cải cách ruộng đất. Bà là người có công lôi bọn bóc lột ra ánh sáng...

Ủy ban thương bần cố nông nghèo khổ, lại là tầng lớp cách mạng tiềm tàng. Vả lại đất ông Tiếm đang ở tự dưng thành đất có tranh chấp.

Đã có tranh chấp thì chia đôi, bên nào cũng có phần là yên chuyện.

Ông Tiếm lại mất đất lần nữa. Ông phải chia đôi mảnh đất của mình vừa quật, lập cho bà Rao một nửa.

Bà Rao lại có đất ở, lại có nhiều tiền bán đất bán nhà ngày xưa của chính địa chủ Tiếm.

Mấy mẹ con sống sung sướng lắm.

Ngày ngày, thằng cu Thìn con thứ hai, bê cái nồi đất đi mua phở ở ngoài đầu đường quốc lộ. Ba mẹ con xì xụp húp phở… mùi nước phở thơm lừng.

Cả đời ông địa chủ Tiếm cũng chưa biết đến cái bát phở nó như thế nào.

Nhưng cái mùi phở thơm lừng làm cả nhà ông chỉ biết nghênh mặt hướng về nhà bà Rao bần cố nông, hít hít mũi tưởng tượng và… nuốt nước bọt.

Ông Tiếm lụi cụi biết thân biết phận kẻ thù giai cấp nên chẳng dám ho he. Ruộng còn vài sào chó ỉa, ông giao cho bà vợ. Còn ông đi làm thợ mộc.
Ngày xưa, làm thợ mộc thường được chủ nhà mời ăn cơm trưa.

Ông Tiếm làm cho người ta, nhưng bữa cơm trưa ông không uống rượu, chỉ mỗi bữa 3 bát cơm (kể cả cơm độn cũng 3 bát), chỉ 1 con tôm kho, 1 ít rau và lưng bát nước rau hoặc canh. Thế là xong bữa.

Khác hẳn những ông thợ khác ăn uống bê tha, sáng giũa cưa trưa mài đục…

Ông Tiếm làm rất chăm chỉ, đẫy ngày đẫy buổi.

Buổi tối hôm trước ông ngồi giũa cưa, mài chàng đục sắc lẻm sáng loáng.

Sáng đến nhà chủ là làm ngay.

Ông làm ra sản phẩm vừa chắc vừa đẹp, tiền công vừa phải.

Thành thử ông là thợ mộc có uy tín. Quanh năm không hết việc.

Bà Tiếm cùng các con cắm mặt mò cua bắt ốc, chăm vài sào ruộng chó ỉa được chia lại (vì thành phần không được vào Hợp tác xã). Lúa tốt. Hợp tác xã ghét lắm nhưng đành chịu.

Dần dà kinh tế cũng khá lên. Người ta đồn ông mua một cái soong nhôm 4 đồng 2 hào, cho tiền vào đấy lấy dây thép ràng lại.

Nhà ông lại càng bị ghét vì…giầu. Các con học hành tử tế nhưng chẳng được đi đâu ngoài việc đi bộ đội.

Năm 1976 - người chủ mua đất quả thực của bà Rao đi kinh tế mới.

Ông Tiếm phá cái soong 4 đồng 2, đếm tiền mua lại miếng đất cha ông với giá 4.500 đồng.

Hôm nhận đất, ông cùng vợ con thắp hương giữa sân khấn vái Tổ tiên, đã phò trợ cho vợ chồng con cái 20 năm "bòn gio đãi sạn" nuôi chí bền, để hôm nay lấy lại được mảnh đất cha ông.

Ấy là nhờ bề trên khôn thiêng phù hộ.

Ấy là điềm nhà vẫn còn sự hưng vượng.
Rồi ông khóc. Vợ con ông cũng khóc.

Mà đúng số ông may thật vì chỉ ít lâu sau đổi tiền: 10 ăn 1.

Với số tiền ấy nếu có cũng chỉ mua được vài con gà. Đấy là nói về sau này.

Lại nói về mẹ con bà Rao, thời mới bán đất ăn chơi được mấy tháng rồi cũng hết tiền. 2 anh con giai là Mão và Thìn lồng ngồng là Đoàn viên, nhưng chẳng chịu đi làm nên không có công điểm HTX. Dẫu vậy vẫn được HTX chia thóc điều hòa. Thóc điều hòa chỉ ăn vài tháng là hết. Rút cuộc lại đói vẫn hoàn đói.

2 tay con giai bỏ đi đâu không biết. Bà mẹ ở nhà lại đến từng nhà xin bòn từng cái lá rau già, lại mò mẫm cua ốc ngoài đồng…

Vài năm sau thì bà Rao mất. Hai ông con giai về lại gạ bán đất cho ông Tiếm.

Ông Tiếm bảo mua. Nhưng con ông Tiếm không đồng ý.

Mặc dù các con ông giống tính ông bà chăm chỉ tằn tiện, chịu khó bươn chải nên bây giờ giầu có lắm rồi. Họ bảo không mua.

- Đất của gia đình ta quật lập, bây giờ lại phải bỏ tiền ra mua là cớ làm sao?

Ông Tiếm bình tĩnh bảo:

- Vì đấy là đất của nhà ta nên bằng mọi giá ta phải lấy về. Giữ được đất thì nhà mới thịnh. Cứ nghiệm mà xem: Kẻ nào bán đất đai của cha ông đi thì chắc chắn kẻ ấy mạt vận ngay. Vua chúa cũng vậy thôi! Các con cứ giở sách sử mà xem, cấm có sai một mảy!..

Các con ông nghe ra. Gia đình ông mua lại mảnh đất của chính mình mà ngày xưa bà Rao chiếm dụng.

Bây giờ thì ông lại giầu nhất làng mặc dù ông đã già lắm rồi, móm hết cả răng.

Có người dọa ông Tiếm: "Không khéo lại bị quy địa chủ lần nữa!".
Ông cụ chả nói gì… Móm mém cười…

Vừa rồi lại nghe nói chỗ đất nhà ông cụ Tiếm lại bị đưa vào diện quy hoạch. Nhà nước đang chuẩn bị thu hồi cho doanh nghiệp.

Tôi hỏi chuyện đó có thật không. Ông cụ Tiếm chả nói gì… mắt nhênh nhếnh nước, hấp háy nhìn… Rồi thở dài.
------------------------------------------
* Tiêu đề bài viết do MTH đặt lại.
* Hình ảnh của thành viên OF chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

GỬI VỀ PHỐ HIẾN

Mắt ai xa trong vời vợi
Phải chăng cô gái HƯNG YÊN?
Tôi yêu từ thời bộ đội
Mới quen chỉ nhận đồng hương


Tháng năm quay tròn nỗi nhớ
Hướng về đất mật nhãn lồng
Cầm tay ai cũng bỡ ngỡ
Những gì ước hẹn bâng khuâng


Đường giao liên leo vách đá
Em kể tôi nghe quê nhà
Chiến tranh gái trai ra trận
Làng toàn trẻ thơ cụ già


Chiến trường rộng thành chia xa
Tìm nhau ngày vui đại thắng
Mặt người rạng như sắc hoa
Lòng tôi gió lùa trống vắng
Em có còn về phố Hiến
Tôi về thành phố Tỉnh Đông
Hai quê mà liền giải đất
Vải thiều đổi lấy nhãn lồng


Lá thư gửi về đất mật
Hỏi
Tìm
Nhắn tới "Đồng Hương"
-----------------------------

Nguyễn Khắc Hiền (Blog Cõi không màu )

HẸN VỀ PHỐ HIẾN

Chưa một lần mình ghé Hưng Yên
Nghe Phố Hiến mà thấy lòng rạo rực
Nghe Phượng Hoàng tựa bức tranh phồn thực
Thờ nàng Cúc Hoa xinh đẹp một thời.

Viếng chùa Chuông non nước mây trời
 Đình Nam Hiến một thời vang bóng
 Nghe Phú Thị thiêng liêng trang trọng
 Văn Miếu Xích Đằng ăn vóc học hay.

Mùa Xuân về ghé đền Mẫu cầu may
Bái Đồng Tử - Thăm Lê Hữu Trác.
 Rằng mỏi chân ngồi cây Sanh hóng mát
Ăn Bún Than Thế Kỷ nhớ đời


Hẹn Hưng Yên đã mấy lần rồi
Để ngậm Nhãn Hưng Yên nức tiếng
Để được ăn sen Phù Cừ La Tiến
Nghe ngọt ngào trìu mến lời Em.

Chả Gà Tiểu Quan là lạ mà quen
Như Chả Bông quê mình lắm đó
Bánh Dày làng Gàu Hưng Yên mới có
Ếch om Phượng Tường nóng ngọt sốt bùi.

Hưng Yên hiền hòa ấm áp trong tôi
Nghe con gái ngoan hiền trong sáng
Giọng du dương như hương Sen hương Nhãn
Sẽ một ngày thăm Phố Hiến – quê Em…

Trường Thắng