1 tháng 10, 2011

QUẢ NÀY LÀ QUẢ GÌ?..

Loại cây có trái như thế này, được trồng nhiều ở Brazil. Mình chẳng biết cây này tên gì và ăn có mùi vị như thế nào, nhưng nhìn thấy hình dáng, cứ ngồi cười lăn lóc. Đăng lên tặng mọi người, coi như thư giãn cuối tuần. Nói thêm là hình này, mình tải trên đường từ Quảng Ngãi đang vào Bình Định, bằng quả 3G của Vịt teo. 2 ngày tới, lại lang thang Bình Định - Phú Yên, giữa chặng đường gió bụi xuyên Vịt, thăm lại chiến trường xưa Tây Nguyên. Có ai là thổ công vùng này, hú cái nhậu nhẹt - gặp gỡ - giao lưu tý không nhỉ?.. Hi! Hi!..

27 tháng 9, 2011

BẢO VỆ BIỂN, THEO CÁCH CỦA NHÂN DÂN

Mai Thanh Hải Blog - Khái niệm "chiến tranh nhân dân" có thể rất xa lạ với những đội quân chính quy, chuyên đánh nhau... theo giờ, với những vũ khí - khí tài hiện đại và nhu yếu phẩm, phục vụ sinh hoạt được trang bị đến tận răng.

Nhưng với người Việt Nam, khái niệm này quá là quen thuộc, đến mức phương châm tác chiến cũng chả... giống ai, kiểu như: "kết hợp 3 thứ quân", "thô sơ thắng hiện đại"... và nhất là "đánh theo cách của dân".

Những "cách đánh dân gian", tưởng như đã được liệt kê hết trong Bảo tàng Quân đội, bảo tàng lịch sử bởi những cuộc chiến tranh (được tuyên truyền) đã lùi xa. Thế nhưng, chính trong những ngày hội nhập hiện đại này, nhưng khi chủ quyền biển đảo bị xâm phạm này, khái niệm "chiến tranh nhân dân" lại có dịp bùng phát, bằng những phương pháp rất... nhân dân, độc đáo.

Những tấm hình mình đăng lên ở đây, là minh chứng rõ nhất cho điều đó. Có thể các bạn trẻ - tác giả của những tấm hình - chưa bao giờ ra tới biển, bước chân lên tàu ra Trường Sa, nhưng mình chắc chắn, các bạn ấy rất yêu biển bảo, yêu chủ quyền của đất nước. Mình càng khẳng định rằng: Ngoài việc chơi game, lướt web, các bạn cũng rất quan tâm đến tình hình biển đảo, tràn đầy nhiệt huyết giữ gìn chủ quyền đất nước, nhưng trong giai đoạn này, sự quan tâm - nhiệt huyết đó chưa được khơi gợi, chưa có điều kiện minh chứng... nên các ban trẻ đó, đành thể hiện theo cách của riêng mình, bằng chính thủ thuật trên máy vi tính, trên những hình ảnh thân thuộc.

Và những thông điệp mà các bạn đưa ra, rất... nhân dân, rất gần gũi, thân thuộc hơn rất nhiều những gì "đao to búa lớn" mà người "có thẩm quyền"đang phát ngôn hàng ngày.

Entry này, mình viết ngay tại TP. Hà Tĩnh mưa trắng trời, sau nửa ngày lếch thếch chạy đường Hồ Chí Minh, từ Hà Nội vào miền Trung.

Lẽ ra, mệt như thế này, thì phải lăn quay ra ngủ rồi.

Nhưng lúc gần đêm, tới Nghệ An, có điện thoại Bọ Lập gọi từ Sài Gòn ra, khen. Sau đó Bọ lại chuyển máy cho anh Huy Đức, anh Tâm Chánh động viên, khiến mình âm ỉ sướng. Hi! Hi!..

Các ông anh còn khen mình trình bày đẹp, dễ đọc và đọc... dễ vào, y như Thư ký Tòa soạn của 1 Tòa báo, làm mình càng sướng hơn. Sướng vậy, mình lại khoe nội dung - trình bày Entry này, để tặng các ông anh, ở nơi xa xôi phía Nam (vẫn quan tâm và theo dõi mình), một tý chứ!...

Những tấm hình này, có lẽ cũng là ước nguyện của nhân dân, về một quân đội của nhân dân chính quy, hiện đại, đủ sức bảo vệ chủ quyền đất nước và sẵn sàng đập tan mọi âm mưu thôn tính, xâm lược của mọi kẻ thù tham lam. Nhân dân đã thắt lưng, buộc bụng giữa thời "bão giá", để góp từng đồng ăn sáng, đi chợ, cho đến tin nhắn để góp đá xây Trường Sa. Nhân dân cũng sẵn sàng góp tiền để mua vũ khí, trang bị để bảo vệ biển đảo - Cho dù, đó là việc của Nhà nước và chi phí Quốc phòng, được cung cấp từ Ngân sách và Ngân sách của mọi quốc gia, đều có được từ cái gọi chung là "tiền nộp thuế của mỗi công dân"... Dĩ nhiên, nhân dân cũng có cách riêng để bảo vệ biển đảo, chủ quyền của tiên tổ, nếu các biện pháp "bảo vệ công khai - chính thống" vẫn nằm trên giấy, trong lời hứa suông... - Ý chí này, hình như đã xuyên suốt hơn 4.000 năm nay.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------
"Trung tâm Chỉ huy - điều khiển, tác chiến điện tử"

"Tên lửa ta xuất kích"

"Bảo vệ đảo, từ trong đất liền"

"Sẵn sàng chi viện, cho Trường Sa"

"Biên đội tàu chiến đấu, tiêu diệt địch"

"Ê! Khựa! Đừng có đùa với.... tàu sân bay của tụi anh"

26 tháng 9, 2011

CHỊ GÁI SÀI GÒN, GIỜ TÓC ĐÃ NGANG VAI?

Nguyễn Ngọc Tư - Gặp chị lần đầu, ấn tượng với cái đầu trọc bóng được giấu lấp ló dưới vành nón vải rộng.

Khách trên xe trung chuyển tuôn xuống được chị chia ra, phân phát hết cho mấy anh đồng nghiệp xe ôm. Ngoắc tôi bằng một ngón tay, chị nói: “Em gái để chị chở…”.

Chắc là cái nhìn tò mò của tôi làm gáy chị nhột, lúc xe lao đi, chị hỏi: “Bộ thấy lạ lắm hả?. Chị cạo đầu đó, giận thằng chồng mê vợ bé, chị xuống tóc thề đoạn tuyệt!”.

Bất giác tôi nhìn lên bắp tay chị, sau lớp áo, không biết có xâm mấy chữ xanh lè, “hận kẻ bạc tình”?. Xe bắt đầu rẽ vào con hẻm nhỏ, chị nói: "Đi tắt cho gần!".
"Nhưng đi xa thì có thể lấy nhiều tiền hơn" - Tôi suy luận và hơi ngạc nhiên.

Khi đó, Sài Gòn đã không còn điều sửng sốt cho tôi nữa: Những băng nhóm, những cuộc chơi, những sang trọng, hào nhoáng... hay cả khi nhìn thấy đụn rơm, mái tranh, bụi đưng, lác, lau lách, hay cái gàu sòng đặt gần khe nước. "Những gì trên đời này có, thì Sài Gòn có" - Tôi tin vậy.

Nhưng chị, bắt đầu từ cái đầu trọc vì buồn thói đời thay đổi, lại gây một ngạc nhiên mới khi bảo: "Chị là người Sài Gòn". Bạn bè bám trụ mưu sinh trên mảnh đất này, khiến tôi đôi lúc quên: Sài Gòn đương nhiên phải có người… Sài Gòn.

Và có những con hẻm sâu hun hút, ngoằn ngoèo, chi chít. Người xa lạ, thấy bị kẹt trong đám bùng nhùng, và không biết mình đang ở trong mạch máu nào của những con đường, có tên trong bản đồ TP.

Chị thì thuộc lòng, vừa đi vừa kể chuyện "chồng lén lấy tiền nhà đi nuôi nhân tình", mà xe cứ thản nhiên ngoặt trái, ngoặt phải, qua những khúc quanh ẹo cả ruột gan.

Ánh sáng ở một con đường lớn nào đó òa vào mắt, nhưng chỉ được một lúc, chị lại đưa tôi vào một lối hẹp te, tối và chật đến nỗi đủ cho luồn vào đó, chỉ một chiếc xe.

Chút xíu sau, con hẻm lại phình to ra, ôm vào lòng nó một buổi chiều nắng xế.

Những quán ăn kê ghế sát bên đường, khói từ các chảo chiên xào bốc lên ngùn ngụt.

Vài đứa con gái mặc quần lưng trễ, mông dán mấy con bướm đen, ngồi sì sụp với tô bún nóng.

Mấy gã bụng phệ chồm hổm vuốt ve những con gà nòi.

Có người ngoẹo đầu ngủ say trên cái võng kê trước hiên.

Vài đứa trẻ, cố len con diều vượt qua cái khe hẹp của mái nhà và những chùm dây điện chằng chịt, để diều chạm vào bầu trời. Bìm bìm trổ bông trên tường rào. Chị ngoái đầu nhìn lại bờ tường tím ngắt, chép miệng: "Đẹp quá hen! Chừng nào mua được nhà, chị cũng kiếm mấy cây có bông tím về trồng!".

Chị lại chuỗi thêm vào cái xâu tôi đang cầm một hạt ngạc nhiên: "Người Sài Gòn lại không có nhà?".

Giọng chị đanh và chói, như thể chị rít lên chứ không phải đang nói. Làm sao dịu dàng được, khi ông chồng lén bán nhà để cuốn tiền theo cô gái nào đó, trong lúc chị đang gặm ổ bánh mì, gói xôi bên chiếc xe cà tàng, dáo dác chờ khách ở ngã tư đường. Dưới cơn nắng như buổi chiều nay hay một cơn mưa dầm tầm tã.

Câu chuyện về sự thất vọng con người của chị chấm dứt khi hòa vào dòng xe cộ trên đường Minh Khai, sắp đến chỗ của tôi rồi. Lúc trả tiền (lại ngạc nhiên), cũng không nghĩ là có thể gặp chị lần nữa.

Cũng không nghĩ gần một năm sau khi gặp lại, ở cái ngã tư cũ, chị vẫn còn để mode đầu trọc.

Nghĩ là chị vẫn còn nuôi hận, lần này thì không trọc bóng, tóc đã lún phún chút xíu dưới cái nón bảo hiểm.

Nhưng không, chị giải thích: “Ông chồng bị đụng xe. Chị vái cho ổng sống, mới xuống tóc trả lễ!”.

Chị không nhớ tôi, làm sao nhớ hết hàng ngàn người khách mà chị chở ngày này qua ngày nọ.

Câu chuyện của chị được kể lại, như một slideshow, phần hình ảnh cuốn qua những con hẻm chìm trong ánh chạng vạng nhập nhoạng.

Nhưng chúng không chút nào hiu hắt, người ta vẫn đông đúc vẫn tràn trong các hẻm nhỏ.

Buổi của những quán cơm bình dân mịt mù khói, của những sinh viên, công nhân bụng đói, của những bàn chân mỏi sau một ngày mưu sinh…

Tôi biết tới một Sài Gòn khác, qua những con hẻm sống động, qua người phụ nữ xuôi ngược vì chồng.

Chị nói, nhờ hồi đi rình bắt ghen mà rành rẽ mấy ngõ ngách Sài Gòn.

Tôi từng nghe chuyện này rồi, chỉ đang chờ đoạn cuối. Dù tôi đoán được, nó giống như mấy tuồng cải lương chiếu trên ti vi, như bài hát “Ru lại câu hò” mà ca sỹ Cẩm Ly ca văng vẳng trong mấy quán café, hết tiền, tàn tạ, anh chồng bội bạc ăn năn quay đầu về bến cũ.

“Chắc tại chị rủa sả thằng chả quá, chừng mới nông nỗi vậy, nằm bẹp một chỗ!” - Chị chép miệng, giọng không chút nào hả hê, chua chát. Nghe man mác, ngậm ngùi, hối lỗi.

Chị lại rẽ ngoặt vào con hẻm loang lỗ bóng đêm.

Tôi hỏi: "Chị có đi hết tất cả các con hẻm trong thành phố này chưa?".

Chị cười, có cảm giác ở đằng trước chị trợn mắt: “Trời! Nói giỡn hoài. Có đi hết đời cũng chưa chắc giáp…”.

Rồi chị kết luận: “Chạy trên đường lớn nhiều khi buồn, thấy mình tội nghiệp lắm, cái gì cũng lớn, cũng giàu mà mình nhỏ xíu và nghèo. Sài Gòn mà không có hẻm hóc thì chán chết, người nghèo không biết chui vào đâu sống, chui vào đâu ăn cơm!”.
Sài Gòn không có những thân phận, những con người như chị thì cũng chán chết.

Tôi nói thiệt.

Ấn tượng, đôi khi không phải là tòa nhà cao nhất, rực rỡ nhất, sang trọng nhất Sài Gòn.

Đen đúa, thấp nhỏ, ăn mặc tuềnh toàng, và đầu trọc bóng, ăn nói bạt mạng...

Có khi văng tục chửi thề, chạy xe một tay len lỏi giữa những hẻm nghèo, bờ rào bìm bìm giăng, con diều căng qua khung trời hẹp… cũng đâu phải là nỗi nhớ nhỏ nhoi.

Chị! Không biết giờ tóc đã qua vai?..
-----------------------------------------
* Hình ảnh tư liệu về cuộc sống - sinh hoạt của người dân Sài Gòn, trước năm 1975, trong bài viết này, chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

25 tháng 9, 2011

TRUNG QUỐC TĂNG CƯỜNG PHÒNG KHÔNG Ở BIÊN GIỚI VIỆT NAM

Lính cao xạ TQ tại 1 cuộc diễn tập phòng không, tháng 8/2010
QPVN - Trung Quốc tăng cường phòng không tại các Quân khu giáp với biên giới Việt Nam. Cụ thể: Hạ tầng phòng không được tăng cường đột biến ở khu vực Côn Minh, Thành Đô và Thâm Quyến.

Côn Minh đang được các hệ thống tên lửa phòng không HQ-12 bảo vệ. Còn tại khu vực Thành Đô, đã triển khai không dưới 2 tiểu đoàn tên lửa phòng không HQ-64 (LY-60D).

Ngoài ra, hiện tại đang tiến hành triển khai ở khu vực Thâm Quyến các hệ thống tên lửa phòng không mới, mà nhiều khả năng nhất là các hệ thống HQ-12.

Việc triển khai các hệ thống tên lửa phòng không mới chắc chắn là nhằm đối phó với mối đe dọa từ các máy bay tiêm kích đa năng Su-30MKV của Việt Nam
-------------------------------------------------------------------

Tên lửa phòng không TQ diễn tập
VietnamDefence - Trung Quốc tăng cường tên lửa phòng không ở Côn Minh, Thành Đô, Thâm Quyến và đàm phán mua giấy phép sản xuất S-300. Còn Việt Nam đàm phán mua S-300PMU-2 Favorit.

Mặc dù quan hệ chính trị Việt-Trung có sự cải thiện, sự đối kháng trong lĩnh vực quân sự giữa hai nước vẫn ngấm ngầm tiếp tục.

Từ phía Việt Nam, bằng chứng là những đơn đặt hàng lớn mua các hệ thống vũ khí tối tân nhất từ Nga. Từ phía Trung Quốc, vì những lý do dễ hiểu, thông tin ít hơn nhiều.

Liên quan vấn đề này, đáng chú ý là tin ngắn mới đăng trên tạp chí Kanwa Asian Defence - Hongkong. Trong đó, phân tích việc Trung Quốc tăng cường phòng không tại các Quân khu giáp Việt Nam.
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-12 của TQ

Tạp chí đưa tin rằng, hạ tầng phòng không được tăng cường đột biến ở khu vực Côn Minh, Thành Đô và Thâm Quyến. Côn Minh đang được các hệ thống tên lửa phòng không HQ-12 bảo vệ. Còn tại khu vực Thành Đô đã triển khai không dưới 2 tiểu đoàn tên lửa phòng không HQ-64 (LY-60D).

Ngoài ra, đang tiến hành triển khai ở Thâm Quyến, các hệ thống tên lửa phòng không mới, mà nhiều khả năng nhất là các hệ thống HQ-12.

Việc triển khai các hệ thống tên lửa phòng không mới, chắc chắn là nhằm đối phó với mối đe dọa, từ các máy bay tiêm kích đa năng Su-30MKV của Việt Nam.

Hơn nữa, Thâm Quyến có tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc, vì Bộ Tư lệnh Hạm đội Nam Hải đặt tại đây và cách đó không xa, là Căn cứ tàu ngầm nguyên tử thứ hai trên đảo Hải Nam. Cách Thâm Quyến 20 km là Sư đoàn Không quân số 2 của Trung Quốc, được trang bị các tiêm kích J-11A.
Lính trinh sát điện tử trên trận địa phòng không TQ

Tin cho hay, 1 tiểu đoàn HQ-12 gồm có 6 bệ phóng. Tầm bắn tối đa của biến thể cải tiến HQ-12A là 50 km, độ cao tác chiến 0,5-25 km.

Biến thể xuất khẩu của hệ thống có tên gọi KS-1A.

Radar anten mạng pha SJ-212 cho phép bám 12 tên lửa và tấn công 6 mục tiêu bay. Radar có tầm phát hiện 120 km.

Hệ thống này còn có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình.

Trả lời câu hỏi: Vì sao Trung Quốc không triển khai các hệ thống tên lửa phòng không S-300, ở đồng bằng sông Châu Giang và xung quanh Thâm Quyến?. Các tác giả cho rằng: Lý do rất rõ. Đó là vì Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam, đã được trang bị các hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU-1 và hiện đang đàm phán mua các hệ thống S-300PMU-2.

Nghĩa là, Việt Nam nắm rất rõ tính năng của các hệ thống tên lửa phòng không này.
Các vũ khí, khí tài phòng không - không quân TQ diễn tập

Nếu phỏng đoán này là đúng, thì sắp tới sẽ có thêm các hệ thống tên lửa phòng không cơ động HQ-9 và HQ-12, được trang bị cho Đại Quân khu Quảng Châu.

Mới đây, Nga đã tuyên bố đình chỉ sản xuất S-300 trong năm nay, để chuyển sang trang bị hệ thống S-400 và tới đây là S-500.

Theo Stratfor, trong mấy tuần nay, Nga đang đàm phán bán cho Trung Quốc giấy phép sản xuất S-300, dành riêng cho Trung Quốc.

(Nguồn: Trung Quốc tăng cường phòng không trên biên giới với Việt Nam/ Andrei Frolov//bmpd.livejournal.com, 7.6.2011; Russia's Stance Against Selling Iran S-300 Defense Systems // STRATFOR, 24.8.2011)