24 tháng 9, 2011

"ANH HÙNG NHƯ MẸ VIỆT NAM TA"...

Mai Thanh Hải Blog - Câu chuyện về Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng (MVNAH), trong Quảng Nam, mà bây giờ sắp xong, báo chí - dư luận mới... ào ào "đánh hội đồng" theo kiểu đay nghiến, phê phán như thể đòi tỉnh Quảng Nam dừng công trình (thậm chí... đập tượng), mình chả bênh bên nào. Này nhé: Bên phía chủ đầu tư, dù nói gì đi nữa cũng mắc "bệnh sĩ", đói dài cổ nhưng vẫn cố xây dựng tượng đài cho "ra môn, ra khoai" hoành tráng; phía dư luận thì "té nước theo mưa", hồi người ta chuẩn bị, mới làm thì im thin thít, bây giờ sắp xong mới lên tiếng, phản ứng... Rút cục, lỗi vẫn thuộc "thằng cơ chế" và "có nguyên nhân lịch sử". Chỉ người dân là vẫn khổ, vẫn thấm thía cái sự mất mát thương đau. 

Đầu tuần, mình sẽ nói kỹ câu chuyện này. Bây giờ cuối tuần, đăng lại "bài phỏng vấn" của phóng viên Tuân phẹt, cũng liên quan đến việc Tượng đài MVNAH, cho mọi người chiêm nghiệm.
---------------------------------------------------------------------- ----------

Phóng viên (PV): Chào Mẹ Việt Nam Anh hùng!.

Mẹ Việt Nam Anh hùng ( MVNAH): Chào anh!. Lâu lắm mẹ mới thấy người lạ hỏi thăm!.
PV: Ơ!. Con cứ tưởng chuyện thăm hỏi là thường xuyên chứ ạ!. Anh hùng như mẹ cơ mà!.

MVNAH: Không có đâu!. Năm đôi ba bận thôi. Hỏi thăm kiểu nhân dịp ấy mà...

PV: À!. Ra thế!. Chắc mẹ buồn lắm?.

MVNAH: Chả buồn. Đau buồn như mất chồng, mất con mà mẹ còn sống đến giờ này nữa là...

PV: Năm nay mẹ bao tuổi rồi?.

MVNAH: Sắp trăm rồi. Khổ đau quá nên sống dai. Các cụ bảo Giời hành. Chứ đúng ra, mẹ muốn chết lúc nhận giấy báo tử của đứa con cuối cùng!.

PV: Mẹ là Anh hùng, là biểu tượng của dân tộc này, sao lại có thể thế được?.

MVNAH: Họ cứ đưa mẹ lên thế, chứ đâu mong muốn hay yêu cầu gì. Có chăng là muốn nhanh lên... nóc tủ ở với chồng con. Chứ một thân một mình như này, tủi lắm...

PV: Thì Nhà nước, xã hội cũng đã ra sức chăm lo, an ủi mẹ...

MVNAH: Chẳng vơi đi đâu. Đôi khi lại đầy thêm đấy!.

Phot_Phet: Người ta đang dựng tượng đài mẹ, nguy nga và hoành tráng lắm. Mẹ biết chứ?

MVNAH: Mới nghe chị Chủ tịch Hội Phụ nữ nói hôm qua. Nào đã thấy hình dạng ra sao...

PV: Đúc bằng xi măng và đá khối, rộng tới 15 ha, cao tới 18m. Ghi tên tất cả gần 50.000 Mẹ Anh hùng. Tiêu tốn 410 tỉ bạc...

MVNAH: Mẹ chả hình dung ra thế nào là khối, ha, mét, tỉ nên không biết nó to đến đâu. Gần trăm tuổi, mẹ vẫn không biết chữ.
PV: Thật thế ạ?.

MVNAH: Thật!. Chả riêng gì mẹ đâu. Mà mẹ nghĩ cả gần 50.000 bà mẹ kia cũng thế. Cả đời chỉ lo kiếm ăn, chạy giặc, rồi lại chồng con, chữ nghĩa nó xa xôi lắm.

PV: Nhưng mẹ phải mừng và tự hào khi được đúc tượng, vinh danh chứ ạ?

MVNAH: Tuổi của mẹ, phúc đức nhất là được về với đất cùng chồng con. Mẹ chỉ mừng khi nước ta bớt đi những tượng đài tạc hình hài các mẹ đau khổ, các con mẹ tay cầm súng đao hào hùng, các cháu mẹ lang thang đói rách. Mẹ cũng mong muốn, nếu được thì Nhà nước làm nhiều tượng đài cho tình yêu, sự ấm no và hoa trái...

PV: Nhưng Nhà nước cần giáo dục lịch sử và truyền thống Cách mạng, mẹ ạ!.

MVNAH: Lịch sử nó không nằm ở tượng đài. Nó lắng hồn trong đất, trong trầm tích thời gian, con ạ!.

PV: Ôi!. Mẹ không biết chữ mà nói như... thánh hiền.

MVNAH: Sư bố anh!.

PV: Mẹ ăn cam không, con bóc?

MVNAH: Cam là thứ gì mà ăn được hả con. Tiện tay giã cho mẹ cối giầu không, ở đầu giường kia kìa.

PV: Mẹ không còn răng mà vẫn nhai giầu được cơ ạ?.

MVNAH: Không! Mẹ nuốt đắng cay đấy chứ. Quen rồi, tự thủa chưa là con gái!.

PV: Giã giầu cho mẹ, con cũng thấy cay mắt.

MVNAH: Anh để xa ra!. Người ta đến thăm mẹ, còn bôi cao lên mắt đấy!.

PV: Để làm gì ạ?.

MVNAH: Để họ khóc!.

PV: Ôi mẹ! Con khóc thật mất rồi!.

MVNAH: Khẹc! Khẹc! Khẹc!. Sư bố anh!.

PV: Thôi!. Chào mẹ, con đi!.

MVNAH: Nghe y nhời thằng út khi mẹ tiễn đi chiến trường. Ối con ôi! Hậc! Hậc! Hậc!...

TÔI ƠI ĐỪNG TUYỆT VỌNG

Mình đặt tên cho hình này là "Tôi ơi đừng tuyệt vọng", phỏng theo bài hát có câu "Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng", mọi người thấy thế nào? Ơ! Mà sao lại phải tuyệt vọng, cún con nhỉ? Nước trong xanh và tinh khiết đến vậy, một chút sóng gió, cho bản thân mình cứng cỏi, bản lĩnh hơn thì có sao?. Đâu cần phải hướng mắt dõi theo cái gì đó, như cầu cứu và gọi hỏi?.. Chúc mọi người ngày cuối tuần yên lành, hạnh phúc. Mình vừa về từ Tây Bắc, nhưng tuần tới, lại tiếp tục lượn miền Trung rồi!..  (Hình: Nhân Trần - OF)

23 tháng 9, 2011

CÁC ANH NẰM, HIU QUẠNH CẠNH ĐƯỜNG BIÊN

Mai Thanh Hải Blog - Chưa bao giờ, mình thấy 1 nghĩa trang hiu quạnh như vậy, như chiều qua (22/9/2011) vào Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) Phường Duyên Hải, TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai), nằm ngay trên sườn đồi, cạnh đường biên sông Hồng và phía sau NT, bên kia sông là thị trấn Hà Khẩu, Trung Quốc. 

Theo danh sách ghi trên bia đá trong NTLS Duyên Hải, cả NT có 93 ngôi mộ, trong đó có 46 mộ LS vô danh, hy sinh năm 1953; thêm 4 phần mộ khác vô danh hoàn toàn. Thế nhưng khi đọc bia trên các phần mộ, mình thấy phần lớn bia đều ghi "Liệt sĩ Bảo vệ Tổ quốc". Đồng nghiệp mình ở Lào Cai, lắc đầu và chỉ bảo cặn kẽ: "Đó là phần mộ các LS hy sinh trong chiến tranh biên giới, chống quân Trung Quốc xâm lược từ 1979 đến 1989".

Mình lẩn mẩn đếm, đọc danh sách và 43 phần chữ ghi trên bia mộ "có danh tính" còn lại,  để rồi rưng rưng khóe mắt: Chỉ có 7 LS đầy đủ họ tên, năm sinh, quê quán, đơn vị, ngày hy sinh... Những người còn lại, đều thiếu thông tin, đủ bề (1 LS có cấp bậc; 10 LS có đơn vị; 3 LS chỉ có tên mà không có họ; 18 LS có quê quán và 32 LS xác định được ngày hy sinh)...

Trong số những LS có danh tính, 2 LS hy sinh ngay trong ngày 17/2/1979 - khi quân Trung Quốc bất ngờ nổ súng tấn công, đánh chiếm thị xã Lào Cai, đó là: LS Đỗ Mạnh Cường, sinh năm 1958, quê quán Tự Cường, Tiên Lãng, TP. Hải Phòng, khi hy sinh là chiến sĩ thuộc C3, D7, E124 và mới tròn 21 tuổi; LS Nguyễn Xuân Hải, sinh năm 1960, quê quán Xuân Khê, Sông Thao, Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ), ngã xuống khi 19 tuổi, với dòng chữ ghi đơn vị chỉ vẻn vẹn "Biên phòng Lào Cai".

Trước ngày 17/2/1979, cũng có 1 chiến sĩ của E192 ngã xuống và phần mộ đang nằm tại NTLS Duyên Hải, đó là LS Nguyễn Văn Khoái, sinh năm 1958, quê Phú Xuyên, Hà Tây (nay là Hà Nội), hy sinh ngày 9/1/1979.

Sau sự kiện tháng 2/1979, vẫn có những người nằm xuống, vì chủ quyền biên giới. Đó là LS Nông Trung, công tác tại Sở Văn hóa tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ), hy sinh ngày 27/6/1980; Hạ sĩ Lê Huy Cảnh, ở Cốc Lếu, TP. Lào Cai, trinh sát thuộc D8, E149, F356, Quân khu II, hy sinh 28/9/1984; LS Lương Thị Bé, sinh năm 1966 ở Kiến Xương, Thái Bình, Công nhân đường bộ Lào Cai, hy sinh 6/4/1986; LS Phạm Đình Quý, quê quán Nghi Lộc, Nghệ An hy sinh đúng ngày 30/4/1993 khi đang là Công nhân Cty Cầu Lào Cai...

Trẻ nhất và hy sinh gần đây nhất là chiến sĩ Biên phòng Đồn 257 - Bát Xát Hoàng Minh Vượng, sinh ngày 5/7/1984, quê ở Xuân Lũng, Lâm Thao, Phú Thọ, ngã xuống ngày 27/5/2004, tròn 21 tuổi.

Các anh các chị nằm trong khu vực vành đai biên giới, phía sau là sông Hồng ngầu đỏ cuộn chảy ngày đêm, phía trước là con đường trải nhựa, chạy từ Trung tâm TP Lào Cai, ra cửa khẩu Kim Thành mới mở với ầm ào máy móc, đang hối hả xây dựng nhà xưởng, Khu Công nghiệp - Thương mại, khách sạn nhiều sao... NTLS nơi các anh chị nằm, chẳng phải heo hút trong rừng, trên núi, ở những địa bàn vùng sâu - vùng xa, thế nhưng hiu quạnh và ngổn ngang đến không thể ngờ nổi và mình, đã phát khóc.

Không thể không khóc, khi NTLS được khóa cứng bằng ổ khóa hoen rỉ, gọi vào số điện thoại của người Quản trang, ghi trên tường rào, chỉ thấy "ò e í" và mình phải trèo tường, vào thăm các chị các anh...

Không thể không khóc, khi đường bê tông vào tượng đài, đến các hàng mộ chí, đều xanh rì rêu phủ - Hình như, rất lâu rồi, chẳng ai ghé vào thăm...

Không thể không khóc, khi lá khô rụng dày trên mộ, mặt đường và mọi nơi trong NT, từ lâu lắm rồi...

Không thể không khóc, khi chứng kiến cảnh hương tàn khói lạnh, những chân hương mốc thếch, trắng bợt màu dãi dầu mưa gió, cây dại mọc cao hơn mộ chí, dây leo quấn chặt bát hương - chân hương...

Không thể không khóc, khi trên bia mộ chí và bia đá danh, chỉ vẻn vẹn những thông tin ít ỏi về các anh (nhưng chắc chắn sẽ có đầy đủ trong hồ sơ chính sách - quân lực), với đủ loại kích thước mộ bia, nét chữ mà có thể người thân, gia đình các anh tự làm, tùy điều kiện... kinh tế khá giả hay eo hẹp. 

Không khóc sao được, khi so sánh với các NTLS khác, mộ bia đều tăm tắp, chung ngôi sao trên chóp, như thể đội ngũ chào cờ, quân phục sáng ngời. NTLS các anh chị nằm bây giờ, cũng thành đội hình, nhưng như thể hồi bao cấp thiếu thốn, bộ đội mình, mỗi người mặc 1 loại quân phục cũ kỹ khác nhau: Áo bay, áo chít, K82...

Lâu nay, người ta nói rất nhiều về công tác tu tạo, chăm sóc phần mộ, NT nơi an nghỉ của các Anh hùng LS. Không chỉ Nhà nước trích Ngân sách để đầu tư tu bổ NTLS, mà nhiều địa phương còn vận động các nguồn đóng góp trong nhân dân để làm bia, quét dọn các mộ LS... Đặc biệt, các địa phương đã quá quen với việc phát động các phong trào, hoạt động thiết thực (như: Tổ chức cho các em học sinh, Đoàn viên thanh niên tổ chức quét dọn vệ sinh khu NT, các bia, mộ liệt sĩ, dâng hương NTLS, thắp nến tri ân...), góp phần tạo cảnh quan sạch đẹp cho nơi yên nghỉ của các Anh hùng LS... Tại sao ở 1 Phường giàu mạnh của TP. Lào Cai mạnh giàu, người ta lại để NTLS hiu quạnh, ngổn ngang như vậy?..

Trong từng giai đoạn, người ta có thể phải giả bộ quên một số sự kiện, quãng thời gian, để giữ hòa khí, đảm bảo lợi ích quốc giá. Thế nhưng có 1 điều chắc chắn, người ta không thể chôn vùi được lịch sử - nhất là sự kiện, thời gian lịch sử đó phải đổi bằng máu của hàng vạn người đã ngã xuống, vì độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Người Việt vốn trọng tình nghĩa, nhớ ơn nguồn cội và trong mỗi người, đều thấm đẫm đời sống tâm linh. Người ta có thể nhịn ăn, nhịn mặc để xây mồ mả cho người đã khuất, sao cho đàng hoàng, to đẹp, khói hương giỗ chạp mồng một, ngày rằm... cũng vì tâm niệm "trần sao, âm vậy".

Mình cứ tẩn mẩn: Liệu những Liệt sĩ, đã ngã xuống qua 3 cuộc chiến tranh, trong cả thời bình, đang nằm trong khuôn viên thực tại mà mình đã thấy, ghi lại trong NTLS Duyên Hải, Lào Cai ngày hôm qua, có được "nhớ ơn", "ghi công" như dòng chữ vàng trên Đài Liệt sĩ xanh rêu?..

Và mình lại ước: Chỉ còn vài ngày nữa (ngày 1/10/2011), Lào Cai sẽ tưng bừng cờ hoa, trống chiêng chào mừng Kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh. Trong ngày chung vui với "nước bạn" đó, giá NTLS Duyên Hải được các cháu thiếu nhi quàng khăn đỏ, các Đoàn viên mặc áo xanh tình nguyện, các cán bộ công chức quần áo công sở là cháy ly... đến thắp hương, quét dọn, nhổ cỏ, chặt cây dại... thì các LS đang nằm dưới đất, cũng được an ủi lắm lắm: Ít nhất, họ không bị lãng quên (dù chỉ vài ngày), đỡ nằm quạnh hiu, ngay trên đường biên giới (mà họ đã phải đổ máu, quên mạng sống để giữ gìn) và được an ủi: Sự hy sinh của mình, của bao đồng đội xung quanh mình, trên dải đất biên cương là không vô ích...Nặng trong lòng, chỉ dám ước vậy thôi!..
-------------------------------------------------------------------------------------------------

Tấm bia ghi danh LS tại NTLS Duyên Hải

Phần mộ LS chỉ có duy nhất cái tên

Dây leo dại trên bát hương LS Nguyễn Văn Lương (Mậu Dịch, Lào Cai)

Khu mộ các LS vô danh hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc

Phần mộ LS Nguyễn Xuân Hải, BĐBP Lào Cai, hy sinh 17/2/1979

Bát hương trên mộ LS Vô danh, hy sinh 1953 bị vỡ

LS Đỗ Mạnh Cường, hy sinh 17/2/1979

Chiến sĩ trinh sát Lê Huy Cảnh, hy sinh tháng 9/1984

Chiến sĩ Biên phòng Hoàng Minh Vượng, hy sinh năm 2004

Bia ghi danh bên trái

Binh nhất Lò Văn Phong, hy sinh 1993

Cây dại


Lá rụng

Rêu phong

Hiu quạnh

Địa chỉ của quản trang

Ổ khóa

Cỏ cũng mọc trên cả nóc nghĩa trang

(Nghìn lần, vạn lần xin các anh chị nằm trong NTLS Duyên Hải tha thứ. Cũng vì xung quanh NT, không có hàng quán, toàn là công trường xây dựng nhà máy, đô thị, khách sạn... nên tôi không tìm mua được hương thơm, đành phải thắp lên mộ các anh những điếu thuốc lá cuối cùng, trong ba lô rong ruổi, dọc con đường thiên lý).

22 tháng 9, 2011

GẶP ÔNG "SỬ" Ở LÀO CAI

Trước ngày kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh 1/10/1991-1/10/2011 (trùng với ngày Quốc khánh Trung Quốc), cùng với việc "đẩy mạnh phong trào" ép các hộ dân trong toàn TP. Lào Cai treo... đèn lồng đỏ, các ngành chức năng của tỉnh Lào Cai cũng quyết liệt thực hiện công tác cổ động, tuyên truyền. Kết quả là các đường phố, khu dân cư, địa phương trong tỉnh (đặc biệt là các tuyến phố trong địa bàn TP. Lào Cai) treo la liệt những khẩu hiệu, pano, áp phích tươi rói, đỏ lòe. Có lẽ do quá gấp rút chào đón ngày trọng đại, hay lý do gì khác nữa (học hành, trình độ... cảm nhận ngữ pháp, chính tả tiếng Việt), mà một số khẩu hiệu đã sai chính tả một cách cơ bản. Điển hình nhất ở đây là những khẩu hiệu ghi "Mọi vi phạm an toàn giao thông sẽ bị sử lý nghiêm minh", treo đầy đường trong tỉnh. Đọc những khẩu hiệu này, đội bạn mình lắc đầu: Lỗi chính tả cơ bản cũng viết sai, từ "Xử" biến thành "Sử" thì đòi nghiêm minh thế nào được?..

Khẩu hiệu kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, rất may là không sai chính tả
Rộn ràng, tưng bừng chờ ngày 1/10/2011

KHÁT VỌNG HÒA BÌNH

Tấm ảnh này, được tác giả đặt tiêu đề "Cờ Việt Cộng tung bay gần Quảng Trị" và chú thích: "Một binh sĩ Bắc Việt trèo lên một cái cây bị bom dập tả tơi để treo cờ Việt Cộng, trên bờ bắc sông Thạch Hãn, gần Quảng Trị, ở vùng phía Bắc của Nam Việt Nam, hôm Chủ nhật. Khi Hiệp định Ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực vào ngày Chủ nhật ở Việt Nam, các binh sĩ Nam và Bắc Việt ở hai bờ sông đối diện nhau đã vẫy cờ và gào lên cho nhau nghe những lời đùa vui thân mật. 28/1/1973". Với mình, lại rất tâm đắc khi tự "đặt lại tên cho ảnh" là "khát vọng hòa bình". Hình ảnh người Chiến sĩ Quân Giải phóng, trèo lên nhọn cây, duy nhất còn đủ thân cành, cao nhất vùng đổ nát tơi bời, để cắm thẳng lá cờ Giải phóng... khiến mình nghèn nghẹn, đặt mình trong tâm trạng người chiến sĩ lui hui trèo xuống từ thân cây còi cọc, tướp táp đạn bom: "Ngừng bắn nhau rồi, về với quê hương - gia đình thôi". Con người sinh ra để sống, để yêu thương và chia sẻ, chẳng ai muốn bắn nhau, giết nhau và muốn chết cả - Những cái "để" này, có lẽ là tựu trung lại thành 2 chữ "Hòa bình" và mãi mãi, khát vọng hòa bình cần thiết với mỗi con người, theo đúng nghĩa là CON NGƯỜI đích thực (nguồn ảnh: Manh Hai).



21 tháng 9, 2011

Ừ THÔI! CỎ MỌC!..

Nguyễn Ngọc Tư - Có lẽ cuộc đời đã nói với tôi về sự tùy nghi, lâu lắm rồi, chỉ là tôi không nhận biết.

Mấy hôm trước mua được cái đĩa hát của Nghệ sỹ Tấn Tài, có bài Bông Ô Môi mà tôi mê hồi nhỏ.

Từ tiệm băng đĩa, tôi cắm đầu chạy về nhà, vì thấy ham quá.

Và khi người Nghệ sỹ cất tiếng “bông ô môi, gió cuốn rụng đầy trên sông, nhìn mây trời mênh mông…”, bỗng tôi nổi quạu: "Trời ơi! Sao ta lại nghe bài vọng cổ này ở đây, trong cái thành phố chật chội, bức bối này, trong mớ âm thanh hổn độn và nghẹt cứng những xe những tàu những người réo gọi, mắng mỏ nhau?".

Vọng cổ - Phải nghe trên những dòng sông vắng, những bờ chuối, giồng khoai, hay bên hè, nơi có hàng lu nước lá vú sữa rụng đầy… mới đúng điệu.
Hồi nhỏ, nhà nghèo, tôi vẫn thường ngồi chỗ mé mương, cạnh mấy cây muồng, cây bình bát, nghe ké cassette hàng xóm.

Ở đó, tôi khóc mò thương cô Lan lụy tình anh Điệp mà bạc mệnh; thương nàng công chúa Mông Cổ yêu kẻ thù, để nhận lấy một kết cuộc bi thương…

Ở đó, tôi thuộc lòng từng lời từng chữ, “mười năm rồi còn chi nữa em ơi, mình xa nhau mỗi kẻ một phương buồn. Tôi giang hồ đã mỏi gót phong sương, em ở lại đây với bốn bề khói lửa…”.

Bài ca cũ còn nguyên, nhưng cái không gian lặng ngắt chỉ phảng phất tiếng ong bầu, tiếng tay chuối khô xao xác… không còn nữa.

Tôi bây giờ đã chợ, chán ngắt. Muốn quăng cái đĩa đi nhưng lại tiếc… tiền, dùng dằng cho vào máy hát, tự dặn mình: "Thôi kệ!". Bông Ô Môi đi hết nửa bài, và sự kiên nhẫn đã được đền đáp:

Tôi cảm giác những âm thanh thành phố đã chìm dưới một đáy sâu nào, chỉ còn tiếng chuông chùa lẫn trong mái dầm khua nước, và người đàn ông trở về sau chiến tranh, mái đầu điểm bạc đắng lòng nhìn bông ô môi rụng váng đỏ cả mặt sông.

Bài ly biệt vẫn hay, vẫn ngọt ngào, buồn bã. Tôi bắt đầu bập bẹ đánh vần hai chữ tùy nghi.

Tôi tưởng tôi đã biết rồi, nên cười ngạo những câu than thở kiểu như, “trời ơi, ở chỗ lạ ngủ không được. Nhớ cái gối ôm…” hay “cái món ăn của vùng ấy nuốt không vô, thứ thì lạt nhách, thứ mặn lè…”…

Tôi cũng từng gối cỏ nằm sương, ăn bốc ngủ vùi (nghĩa là món gì cũng bốc được, vùi ở đâu cũng ngủ được), thấy cũng chịu chơi lắm.

Nhưng lâu lâu cũng rầu, vì nhìn thấy cây gòn mọc trong sân quán nhậu, củ khoai nướng cháy bùi ngùi bên đường, cây càng cua nhón chân mọc ké nơi rào, bầy chim sâu chim sẻ ríu rít trên chùm dây điện rối...
Và bà cụ gầy nhom với rổ đọt bí, mớ rau lang ngồi bán ở nhà chờ xe buýt, những người buôn gánh chào nhau bằng những thổ ngữ đặc trưng của xứ sở mình.

Đám trẻ đánh giày xách thùng đồ nghề rảo trên những vỉa hè nham nhở… Họ không thuộc về nơi này - như tôi.

Ý nghĩ đó lại cục cựa khi tôi gặp người đàn ông ngồi thổi sáo trong cái lạnh đầu đông Hà Nội.

Tôi hỏi ông thổi bài gì mà buồn vậy, ông cười, “Thổi vu vơ ấy mà!. Nghĩ tới đâu thổi tới đấy”.

Cảm giác như đó chỉ là nửa nụ cười. Vì ông không có mắt. Không phải mù, mà chỗ đáng ra lấp lánh nhìn đời chỉ có mảng da thịt trũng sâu. Ông cũng có con, trạc tuổi con tôi, nhưng mẹ nó đã đưa nó đi rồi.

Ông nói “thằng bé kháu lắm. Nhưng lâu rồi không gặp, tôi không biết giờ nó đã bằng từng nào… Mình vầy… nên muốn gặp con cũng khó…”.

Giữa những ngập ngừng mà tôi viết lại bằng dấu ba chấm, dường như là quãng ông nghẹn ngào, ký ức về mình đang bị xóa dần trong lòng đứa trẻ xa xôi. Dù miệng ông vẫn cười.

Tôi mua một cây sáo, đây là cây thứ hai mà ông bán được trong ngày. Hôm qua khi ông lần trong bóng tối vĩnh cửu về căn nhà trọ ở một bãi sông nào đó, hàng vẫn còn nguyên.

Hai năm ngồi rao khúc nhạc buồn bã ở ven hồ Gươm, những ngày khốn khó như thế vẫn thường lặp lại. Ông cười, “Quen rồi, nếu không bỏ buồn qua một bên được thì phải tìm cách sống với nó”.

Ông sống bằng cách nào?. Ông hỏi tôi: "Có mang theo áo ấm không? Vài ngày nữa sẽ có gió mùa Đông bắc, trời trở rét!". Ông đoán được thời tiết nhớ vào mùi của nước hồ.

Một đứa trẻ bán tranh dạo ngang qua, ông hơi nghiêng tai, nói: "Mẹ vừa tìm cháu đấy!. My à, cháu mải chơi quá!"...

Đứa trẻ nhoẻn cười, ông thấy được nụ cười của nó, cũng như thấy được con đường về nhà, lúc cuối ngày.

Tôi nhớ tới người đàn ông đó, như một tấm gương về sự tùy nghi với thân phận, với nỗi đau.

Tôi học cách nếu không bỏ nhớ qua một bên thì sống chung với nó...

Chiều nay bạn học cũ ở xa về, rủ đi nhậu ở một cái quán ngoại ô, uống vài ly, lại nghĩ vẩn vơ.

Cái hồi tôi bảy tuổi thì có một dòng sông chảy qua xóm. Bến trước nhà ba tôi làm cái vó cạnh bụi trâm bầu.

Vó chồm ra hơn nửa sông, đêm đêm treo ngọn đèn chong dụ dỗ tôm cá (nói cho cùng người ta cũng giống hệt vậy, lao miết về phía nhiều ánh sáng đèn).

Chòi vó lợp lá chầm đóp, chung quanh dừng bằng những tay chuối khô cắt trong vườn. Ngày hanh nắng nằm trong chòi mát rượi, dã dượi gió sông thốc vào, lá khô cứ xao xác suốt. Trời mưa, chòi dột tả tơi, những tay chuối che bề nào cũng ướt.

Suốt những năm đó, tôi coi chòi vó là nhà.
Mùa chướng trở, bông tràm rụng tơi bời, có bữa đang ngủ nghe cổ nhột ran, tưởng đâu có con sâu róm đang bò, ai dè bông tràm nằm vắt vẻo.

Con nước rằm, theo má cất vó tới khuya, đợi trăng đậu vào lòng vó bèn cất lên, trăng chảy xuống lòng sông, nguyên vẹn, trên vó chỉ còn đám tép rong, bầy cá lìm kìm, cá lòng tong, đôi khi gặp những con rắn râu, khắp mình đầy rêu, nằm khờ ịt trên lưới.

Có khuya xa xắc, bỗng dưng nghe tiếng gọi Vó ơ… dằng vặc của mấy dì đi chợ sớm, thấy rõ ràng mình leo vắt vẻo mút đầu vó, cất lên cái lưới ướt đẫm sao khuya.

Sáng ra lồm cồm bò dậy, mới hay chỉ là giấc mơ.

Và chỗ cái vó cất những mộng mị trăng sao đó, ngay trân cái bàn rượu chiều nay.

Lạ là, tôi đã không còn cảm giác mình đi lạc, không còn ngồi thom lom trong hồi ức.

Cái quán này mà dẹp đi, cho trở lại khung cảnh ngày trước.

Tôi biết làm gì với nó, khi mà tôi đã đủ già, để thấy rằng dòng sông đó chỉ là con rạch nhỏ xíu, và chuyện cất lưới lên những con tép bạc tép rong cá lòng tong chẳng làm nên cuộc mưu sinh.

Lâu lâu nhớ chơi. Rồi phải sống với từng milimet đất dưới chân mình, như cỏ mọc...

CÁC CƠ QUAN NGHIỆP VỤ ĐỌC TRỘM THƯ ĐIỆN TỬ RA SAO?..

QPVN- Nghe lén và bóc trộm thư từ của người khác luôn được coi là việc của gián điệp.

Nhưng với sự phát triển của Internet, nó trở thành phương thức chính để thu thập thông tin cần thiết.

Trong các cơ quan đặc vụ của các nước trên thế giới, những đơn vị làm nhiệm vụ thu thập thông tin bôi nhọ trên mạng máy tính toàn cầu là những đơn vị tinh nhuệ và siêu mật.

Trong số các đơn vị đó ở Nga là Phòng các biện pháp kỹ thuật đặc biệt (BSTM), thành lập năm 1992 thuộc Cục К, Bộ Nội vụ Nga và Trung tâm Bảo vệ thông tin và liên lạc đặc biệt, của Cơ quan An ninh Liên bang Nga FSB.

Tuy nhiên, khả năng kỹ thuật của các đơn vị này, thua kém đáng kể “tai mắt” toàn cầu của Mỹ là Cục An ninh Quốc gia NSA.

Lưỡi dao kiểm duyệt?
Sợ hãi bởi “các cuộc cách mạng trên máy tính” ở Cận Đông, chính quyền Nga muốn kiểm soát Internet chặt chẽ hơn. Sắp tới, hình phạt đối với các bình luận cực đoan, đối với các tài liệu báo chí điện tử, sẽ bị tăng nặng.

Theo điều 282, Bộ luật Hình sự (“Chủ nghĩa cực đoan”) có thể  truy cứu cả một số blogger. Sự hạn chế tự do ngôn luận như thế, rất giống với kiểm duyệt.

Mới đây, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thông tin và liên lạc đặc biệt của FSB Aleksandr Andreyechkin, đã lên tiếng yêu cầu hạn chế sử dụng ở Nga dịch vụ thư điện tử Gmail, cũng như dịch vụ điện thoại IP Skype.

Ông nói rằng, FSB lo ngại đối với các hệ thống mã hóa dữ liệu sử dụng trong các dịch vụ này. Chúng có thể tiếp tay cho bọn tội phạm và được sử dụng vào mục đích tội ác.

Trên thực tế, các chuyên gia FSB rõ ràng là chưa tìm ra được các khóa mã cho các hệ mã hóa của các máy chủ này, nên không thể kiểm soát chúng một cách có hiệu quả.

Trong khi, trước các kỳ bầu cử Nghị viện và Tổng thống, Kremlin cần phải theo dõi để nắm được tâm trạng của người dùng mạng Internet ở Nga.

Người ta nói rằng, các chính trị gia đối lập Nga: Boris Nemtsov, Eduard Limonov, Sergei Mitrokhin và nhiều người khác, đang mưu toan tổ chức các hành động đường phố nhờ Internet.

Những người Cộng sản cùng với truyền đơn và Báo Pravda (Sự thật) cũng muốn sử dụng công nghệ Internet tân tiến nhất để tuyên truyền tranh cử.
Nhưng về mặt chính thức, chính quyền Nga hiện chưa quyết áp dụng kiểm duyệt hay những hình thức hạn chế khác, đối với Internet tại Nga.

Mới đây, Thủ tướng Vladimir Putin tuyên bố: "Internet - Đó chỉ là công cụ để giải quyết các nhiệm vụ kinh tế quốc dân quan trọng, các vấn đề xã hội, đó là khả năng giao tiếp, tự thể hiện, đó là công cụ nâng cao chất lượng cuộc sống. Quả thực, các nguồn lực chính không nằm trong tay chúng ta mà ở nước ngoài, đúng hơn là bên kia đại dương (Mỹ). Chính điều đó gây ra sự lo ngại ở một số cơ quan Đặc vụ, ý tôi nói là khả năng sử dụng các nguồn lực này vào những việc trái với lợi ích của xã hội".

Cựu tình báo viên Putin rõ ràng ám chỉ người Mỹ. Nhưng các cơ quan Đặc vụ của họ bóc trộm thư điện tử của chúng ta, không phải ở bên kia đại dương, mà ở gần hơn nhiều, và điều đó đang được làm tại nước Thụy Điển trung lập.

Mỡ trước miệng mèo

Cái gì được truyền qua Internet, thì không thể là bí mật được nữa.

Bản thân người Mỹ cũng hiểu ra điều đó, nhờ hoạt động của Julian Assange. Thư tín ngoại giao của Mỹ đến nay, vẫn đang được đăng tải trên Website nổi tiếng của ông ta.

Những thư tín điện tử của Đại sứ Mỹ, buộc người ta phải nhìn khác đi về nền trung lập Scandinavia.

Thụy Điển là giao lộ chính của các đường liên lạc châu Âu.  Công ty sở tại Telia Sonera sở hữu và vận hành đường cáp sợi quang, có tổng chiều dài 43.000 km nối Nga và các nước Baltic với châu Âu và Mỹ.

Hiện nay, 80% thư tín điện tử của Nga đi qua đường cáp này, sang Thụy Điển.

Năm 2008, Thụy Điển đã thông qua luật cho phép cơ quan chặn thu vô tuyến nước này là FRA nghe lén và chặn thu liên lạc Internet, “để chống chủ nghĩa khủng bố”, mà không chịu sự kiểm soát của Tòa án.

Luật này chỉ cấm Tình báo và Phản gián Thụy Điển chặn thu thư từ và các cuộc gọi của người Thụy Điển, nhưng cố tình không nói đến liên lạc Internet của Nga.                              

Luật cho phép mọi hình thức chặn thu vô tuyến, nên người Thụy Điển coi việc thông qua nó là một sai lầm chính trị to lớn.

Hiện nay, chính quyền Thụy Điển đang định bổ sung các sửa đổi vào luật này, nhưng việc đó bị người Mỹ tìm mọi cách chống lại.

Các bức điện mã đăng trên site WikiLeaks cho thấy, các cơ quan Đặc vụ Thụy Điển đã móc ngoặc âm mưu với Tình báo Mỹ.

Trong điện mật từ Stockholm có tiêu đề “Chuyến thăm của ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt đến Washington”, Đại sứ Mỹ viết: “Sự hợp tác của chúng ta với Thụy Điển trong lĩnh vực Tình báo và thu thập thông tin từ Nga là tuyệt vời. Giám đốc cơ quan Tình báo, Trung tướng Burgess tuần tới sẽ đến đây, để đàm phán với người Thụy Điển về Nga và các vấn đề khác”.

Nghị sĩ Engströmcòn nói thẳng thắn hơn: “Không có sự kiểm soát của Nghị viện và không có sự kiểm soát của nhân dân đối với hoạt động của FRA. Áp lực đến từ nước Mỹ, còn chính phủ Thụy Điển thì sẵn lòng thực hiện ý chí của các Công ty và chính quyền Mỹ”.
Những kẻ chặn thu thư tín của người khác trên Internet, cả ở Nga và Thụy Điển, đều thấy mình quá tự do trong thế giới gián điệp đầy bí ẩn.

Vì thế, đã đến lúc treo lên mỗi máy tính biểu ngữ thời Liên Xô: “Đừng ba hoa! Kẻ thù đang nghe lén!”.

(Nguồn: Aleksandr Kondrashov // AN, 22.6.2011).
---------------------------------------------
* Hình chỉ có tính chất minh họa