21 tháng 9, 2011

CÁC CƠ QUAN NGHIỆP VỤ ĐỌC TRỘM THƯ ĐIỆN TỬ RA SAO?..

QPVN- Nghe lén và bóc trộm thư từ của người khác luôn được coi là việc của gián điệp.

Nhưng với sự phát triển của Internet, nó trở thành phương thức chính để thu thập thông tin cần thiết.

Trong các cơ quan đặc vụ của các nước trên thế giới, những đơn vị làm nhiệm vụ thu thập thông tin bôi nhọ trên mạng máy tính toàn cầu là những đơn vị tinh nhuệ và siêu mật.

Trong số các đơn vị đó ở Nga là Phòng các biện pháp kỹ thuật đặc biệt (BSTM), thành lập năm 1992 thuộc Cục К, Bộ Nội vụ Nga và Trung tâm Bảo vệ thông tin và liên lạc đặc biệt, của Cơ quan An ninh Liên bang Nga FSB.

Tuy nhiên, khả năng kỹ thuật của các đơn vị này, thua kém đáng kể “tai mắt” toàn cầu của Mỹ là Cục An ninh Quốc gia NSA.

Lưỡi dao kiểm duyệt?
Sợ hãi bởi “các cuộc cách mạng trên máy tính” ở Cận Đông, chính quyền Nga muốn kiểm soát Internet chặt chẽ hơn. Sắp tới, hình phạt đối với các bình luận cực đoan, đối với các tài liệu báo chí điện tử, sẽ bị tăng nặng.

Theo điều 282, Bộ luật Hình sự (“Chủ nghĩa cực đoan”) có thể  truy cứu cả một số blogger. Sự hạn chế tự do ngôn luận như thế, rất giống với kiểm duyệt.

Mới đây, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thông tin và liên lạc đặc biệt của FSB Aleksandr Andreyechkin, đã lên tiếng yêu cầu hạn chế sử dụng ở Nga dịch vụ thư điện tử Gmail, cũng như dịch vụ điện thoại IP Skype.

Ông nói rằng, FSB lo ngại đối với các hệ thống mã hóa dữ liệu sử dụng trong các dịch vụ này. Chúng có thể tiếp tay cho bọn tội phạm và được sử dụng vào mục đích tội ác.

Trên thực tế, các chuyên gia FSB rõ ràng là chưa tìm ra được các khóa mã cho các hệ mã hóa của các máy chủ này, nên không thể kiểm soát chúng một cách có hiệu quả.

Trong khi, trước các kỳ bầu cử Nghị viện và Tổng thống, Kremlin cần phải theo dõi để nắm được tâm trạng của người dùng mạng Internet ở Nga.

Người ta nói rằng, các chính trị gia đối lập Nga: Boris Nemtsov, Eduard Limonov, Sergei Mitrokhin và nhiều người khác, đang mưu toan tổ chức các hành động đường phố nhờ Internet.

Những người Cộng sản cùng với truyền đơn và Báo Pravda (Sự thật) cũng muốn sử dụng công nghệ Internet tân tiến nhất để tuyên truyền tranh cử.
Nhưng về mặt chính thức, chính quyền Nga hiện chưa quyết áp dụng kiểm duyệt hay những hình thức hạn chế khác, đối với Internet tại Nga.

Mới đây, Thủ tướng Vladimir Putin tuyên bố: "Internet - Đó chỉ là công cụ để giải quyết các nhiệm vụ kinh tế quốc dân quan trọng, các vấn đề xã hội, đó là khả năng giao tiếp, tự thể hiện, đó là công cụ nâng cao chất lượng cuộc sống. Quả thực, các nguồn lực chính không nằm trong tay chúng ta mà ở nước ngoài, đúng hơn là bên kia đại dương (Mỹ). Chính điều đó gây ra sự lo ngại ở một số cơ quan Đặc vụ, ý tôi nói là khả năng sử dụng các nguồn lực này vào những việc trái với lợi ích của xã hội".

Cựu tình báo viên Putin rõ ràng ám chỉ người Mỹ. Nhưng các cơ quan Đặc vụ của họ bóc trộm thư điện tử của chúng ta, không phải ở bên kia đại dương, mà ở gần hơn nhiều, và điều đó đang được làm tại nước Thụy Điển trung lập.

Mỡ trước miệng mèo

Cái gì được truyền qua Internet, thì không thể là bí mật được nữa.

Bản thân người Mỹ cũng hiểu ra điều đó, nhờ hoạt động của Julian Assange. Thư tín ngoại giao của Mỹ đến nay, vẫn đang được đăng tải trên Website nổi tiếng của ông ta.

Những thư tín điện tử của Đại sứ Mỹ, buộc người ta phải nhìn khác đi về nền trung lập Scandinavia.

Thụy Điển là giao lộ chính của các đường liên lạc châu Âu.  Công ty sở tại Telia Sonera sở hữu và vận hành đường cáp sợi quang, có tổng chiều dài 43.000 km nối Nga và các nước Baltic với châu Âu và Mỹ.

Hiện nay, 80% thư tín điện tử của Nga đi qua đường cáp này, sang Thụy Điển.

Năm 2008, Thụy Điển đã thông qua luật cho phép cơ quan chặn thu vô tuyến nước này là FRA nghe lén và chặn thu liên lạc Internet, “để chống chủ nghĩa khủng bố”, mà không chịu sự kiểm soát của Tòa án.

Luật này chỉ cấm Tình báo và Phản gián Thụy Điển chặn thu thư từ và các cuộc gọi của người Thụy Điển, nhưng cố tình không nói đến liên lạc Internet của Nga.                              

Luật cho phép mọi hình thức chặn thu vô tuyến, nên người Thụy Điển coi việc thông qua nó là một sai lầm chính trị to lớn.

Hiện nay, chính quyền Thụy Điển đang định bổ sung các sửa đổi vào luật này, nhưng việc đó bị người Mỹ tìm mọi cách chống lại.

Các bức điện mã đăng trên site WikiLeaks cho thấy, các cơ quan Đặc vụ Thụy Điển đã móc ngoặc âm mưu với Tình báo Mỹ.

Trong điện mật từ Stockholm có tiêu đề “Chuyến thăm của ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt đến Washington”, Đại sứ Mỹ viết: “Sự hợp tác của chúng ta với Thụy Điển trong lĩnh vực Tình báo và thu thập thông tin từ Nga là tuyệt vời. Giám đốc cơ quan Tình báo, Trung tướng Burgess tuần tới sẽ đến đây, để đàm phán với người Thụy Điển về Nga và các vấn đề khác”.

Nghị sĩ Engströmcòn nói thẳng thắn hơn: “Không có sự kiểm soát của Nghị viện và không có sự kiểm soát của nhân dân đối với hoạt động của FRA. Áp lực đến từ nước Mỹ, còn chính phủ Thụy Điển thì sẵn lòng thực hiện ý chí của các Công ty và chính quyền Mỹ”.
Những kẻ chặn thu thư tín của người khác trên Internet, cả ở Nga và Thụy Điển, đều thấy mình quá tự do trong thế giới gián điệp đầy bí ẩn.

Vì thế, đã đến lúc treo lên mỗi máy tính biểu ngữ thời Liên Xô: “Đừng ba hoa! Kẻ thù đang nghe lén!”.

(Nguồn: Aleksandr Kondrashov // AN, 22.6.2011).
---------------------------------------------
* Hình chỉ có tính chất minh họa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét