19 tháng 9, 2011

LÂU LÂU GẶP LẠI

Nguyễn Ngọc Tư - Quán ăn gần trường học của thằng bạn nhỏ mình, buổi sáng thường đông khách.

Tầm sáu giờ thì trong quán toàn đồng phục đi học của trẻ con, ngồi cạnh là ông cha hoặc bà mẹ hoặc cả hai ba mẹ, ngồi giục tụi nhỏ ăn nhanh nhanh.

Lúc đó, thì chỉ nghe vài thứ âm thanh đều đều đơn điệu, như tiếng húp sì sụp của bầy trẻ, tiếng đũa muỗng khua lẫn trong cái câu, hết đơm trên môi này lại nở trên miệng khác : “Ăn lẹ đi con, không thôi trễ học…”.

Nhưng với hai cha con ngồi bàn kế bên chỗ mẹ con mình, thì việc ăn sáng cũng đầy kịch tính. Mới bước vào ông cha hỏi ông con liền tù tì: "Con ăn bún hay mì?. Có rau không?. Ăn giò hay chả cua hay lấy luôn hai thứ?. Uống trà đá hay nước mía?"...

Ông con lớn bộn, phù hiệu ghi là học lớp 5, mặt mày nhăn nhó như khỉ ăn gừng, trả lời ba nó bằng cách kêu vói qua chị chủ quán: “Dì nấu cho con tô bún giống như cũ…”. Ông cha tẽn tò bối rối.

Ông cha có lý do để bối rối, vì người ta là người dưng lại biết ý, thuộc lòng khẩu vị của thằng con anh, điều mà anh đang làm vô cùng lụp chụp.

Vì chiếc CUB "cánh én" của anh tàn tạ quá, vừa nổ điếc tai vừa phun ngói đen mù làm ai cũng ngó lúc nó dừng trước quán.

Vì bộ đồ anh mặc sáng nay không được đẹp, đã lấm lem dầu nhớt mà còn te tua khó coi.

Vì thằng con anh đang cáu kỉnh quạu quọ. Nó hậm hực đá ghế, quăng cặp, thả nón bảo hiểm xuống nền nhà gây ra những âm thanh gay gắt.

Ông con cũng có lý do để quạu. Cái áo đồng phục nó đang mặc bị đứt cái nút trên cùng, nghe lóm trong tiếng gầm gừ của nó thì rõ là thằng nhỏ sợ Đội Sao Đỏ trong trường bắt bẻ nó ăn bận không chỉnh tề. Chiếc xe cùi bắp dằn xóc làm nó ê ẩm cái mông. Ba nó ngủ quên không kêu sớm, nên nó vẫn chưa kịp chuẩn bị bài.

Và thằng nhỏ tức muốn khóc khi ông cha không hỏi gì (vì đã hỏi mà nó không trả lời ?), lặng lẽ vít một muỗng tương ớt bỏ vô tô bún riêu. "Đã nói là tui không có ăn cay mà!" - Nó giãy.

Cha nạt nhẹ hều: "Ê hổn mậy!"… rồi xìu co ngồi xớ rớ bên mép ghế. Anh muốn chăm chút cho nó, nhưng rõ ràng càng làm càng sai, càng bối rối đến nỗi lấy… thuốc ra hút.

Thằng con giằng đũa xuống bàn, không thèm nói, tay phe phẩy trước mặt, còn mắt ngó ba nó trừng trừng như thể hai cái tròng trắng sắp bung ra.

Ông cha lủi thủi đứng dậy, bước ra vỉa hè, đi tới đi lui vừa nhả khói vừa lấm lét nhìn vô, nom tội.

Cái bụng dần no chắc làm thằng nhỏ dần nguôi giận, khi ba nó trở lại nó đã thôi nghiến ngầm.

Nhưng hai ba con đầy ngượng ngập, chuyện trò cứ trống không: "Chán quá, không biết chừng nào mẹ mới xong công chuyện nữa!". "Ừ! Chán quá. Bữa trước kêu qua giữ con giùm hai ngày, nay nay ngày thứ tư rồi chưa thấy bóng dáng đâu!". "Trưa nay ăn cơm quán nữa hả?". "Chớ sao?". "Thì cũng ngán, nhưng còn đỡ hơn ăn mì gói!"...

Nhát gừng. Thảng hoặc. Nhưng cũng đủ làm nên một câu chuyện của một người cha lâu lắm mới gần gủi con, câu chuyện của một đứa trẻ vắng mẹ, phải làm quen lại với người mà nó gọi là ba, với bao nhiêu lạ lẫm.

Muốn xích lại nhưng đầy bỡ ngỡ, chưa kịp quen thì đã kịp xa. Câu chuyện của hai con người lẽ ra phải gắn bó với nhau…

Nhưng cái sự xa lâu đã làm đau cả hai, khi rón rén cầm tay lại. Mình hình dung mười, hai mươi năm nữa, hai người này gặp nhau cũng chỉ vài ba câu để nói: "Lúc này khỏe không, làm ăn sao, nhà cửa có ổn không?". Xong. Hết chuyện. Người dưng hơn những người dưng.

Mình nghĩ vậy, khi ngó ông con bàn bên kia lặc lè ghì cái cặp sát vô ngực để che chỗ nút áo đứt, mặt thất thểu đi bộ qua trường.

Lúc dợm bước đi, nó không quên dặn: "Nhớ rước con đúng giờ đó. Để con chờ lâu như chiều hôm qua là con méc mẹ cho coi!..". Cha gật gật nói: "Khỏi lo! Khỏi lo!", và đứng nhìn theo ngơ ngẩn, như thể nhìn cái bong bóng bay lên trời, biết là mất mà không cách nào giữ được.

Và cái cảm giác bâng quơ đó thật rõ ràng, khi người cha bỗng day qua níu mình hỏi hớt hãi :

- Cô cho hỏi thăm sáng nay tụi nhỏ tan học lúc mấy giờ? Thằng con tôi học trái buổi, tôi quên hỏi!..

Lúc đó mình có ý nghĩ lạ lắm, mình nghe như câu hỏi đơn giản kia là tiếng khóc. Vậy mới kỳ chớ…
---------------------------
* Hình ảnh trong bài chỉ mang tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

3 nhận xét:

  1. đọc NNT, nhiều chuyện đọc xong cay cay nơi sống mũi.
    Câu chuyện này cũng vậy, và mấy cái hình minh họa hay quá anh :)

    Trả lờiXóa
  2. Cô Tư toàn 'rờ' cuộc sống ở góc cạnh sần sùi của nó không hà! Chi khổ vậy cô, tội nghiệp mấy ông làm cha mà không dược ở đúng vị trí này quá!

    Trả lờiXóa