23 tháng 7, 2011

"LỰC LƯỢNG AN NINH ĐÃ BẮT HÀNG NGÀN TÊN, KHÔNG ĐỂ CHÚNG PHÁ HOẠI ĐẤT NƯỚC, NHẤT LÀ DỊP HỌP QUỐC HỘI..."

Mai Thanh Hải Blog - Tít bài mình đặt, chỉ là 1 ý trích trong cả bài viết to uỵch: "Lực lượng An ninh nhân dân: 64 năm chiến đấu và trưởng thành" đăng trên Trang tin Điện tử tỉnh Đồng Nai (năm trước nhá). Đề nghị Lực lượng An ninh, Công an TP. Hà Nội và nhất là Đội An ninh nhân dân, Công an quận Hoàn Kiếm sao lưu lại bài báo để quán triệt - học tập, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ "Phòng ngừa, phát hiện, làm thất bại các âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia; Làm nòng cốt xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên các lĩnh vực, tại các địa bàn...", không để 1 vài cá nhân "tha hóa, biến chất" (thậm chí biến thành "sâu") làm ảnh hưởng đến cả lực lượng Anh hùng, trưởng thành suốt 65 năm qua (tính đến thời điểm này).  
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------

LỰC LƯỢNG AN NINH NHÂN DÂN: 64 NĂM CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH

An ninh nhân dân (ANNDVN) là một lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Làm nòng cốt, xung kích trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia. ANNDVN thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân Việt Nam, có chức năng: tham mưu cho Đảng và Nhà nước đề ra các chủ trương, chính sách, biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia; quản lí nhà nước về an ninh quốc gia trên phạm vi cả nước; đấu tranh, làm thất bại mọi âm mư­u và hành động xâm phạm an ninh quốc gia, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ Đảng, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân.

Ra đời cùng với Lực lượng Cảnh sát nhân dân, ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945, với tên gọi Lực lượng Bảo vệ Chính trị (1945 - 1954). ANND gồm nhiều lực lượng nghiệp vụ hợp thành: Tình báo; chống gián điệp; chống phản động; trinh sát ngoại tuyến; kĩ thuật nghiệp vụ; quản lí xuất, nhập cảnh; an ninh kinh tế; an ninh văn hoá - tư tưởng.

Theo Nghị định số 250/CP (ngày 12/6/1981) của Hội đồng Chính phủ "Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nội vụ" (nay là Bộ Công an), lực lượng ANNDVN chính thức có hệ thống tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương: Ở Bộ Công an có Tổng cục An ninh Nhân dân và Bộ Tư lệnh Cảnh vệ; ở Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có các Phòng nghiệp vụ An ninh; ở Công an các quận, huyện có Đội An ninh nhân dân.

Năm 1989, lực lượng Tình báo tách khỏi lực lượng An ninh, thành Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

Nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể của lực lư­ợng ANNDVN được quy định tại Pháp lệnh về Lực lượng ANND năm 1987, Nghị định số 37/1998/NĐ - CP (9/6/1998) và Nghị định số 136/2003/NĐ-CP (14/11/2003) của Chính phủ và Luật Công an nhân dân (29/11/2005).

ANNDVN đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mĩ và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Lực lượng ANNDVN đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (1985), Huân chương Sao vàng (1995) và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (2001).

Ngày 12/7/1946, lực lượng ANND khám phá vụ án phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) và đã phối hợp với lực lượng vũ trang triệt phá hang ổ của bọn phản cách mạng, bóc gỡ toàn bộ hệ thống phản động “Đại Việt quốc dân đảng” và “Việt Nam quốc dân đảng”, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Cũng từ đó, ngày 12/7 trở thành ngày truyền thống của lực lượng ANND.

Trải qua 64 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ ANND đã làm rạng rỡ truyền thống "tận trung với Ðảng, đoàn kết, hiệp đồng, mưu trí sáng tạo và quyết thắng". Không một ngày ngưng nghỉ, cuộc chiến đấu thầm lặng của lực lượng ANND luôn gắn bó mật thiết với các lực lượng vũ trang cách mạng.

Trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sỹ ANND luôn thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Nhà nước và nhân dân, vượt qua mọi khó khăn, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, lập nhiều chiến công như huyền thoại làm nức lòng nhân dân và khiến kẻ thù khiếp sợ; góp phần cùng lực lượng CAND bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trong thời kỳ đổi mới, lực lượng ANND đã làm tốt công tác tham mưu cho Đảng uỷ Công an Trung ương và Lãnh đạo Bộ Công an, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, đường lối đúng đắn, kịp thời trên lĩnh vực đảm bảo an ninh quốc gia; phát hiện, đấu tranh làm thất bại nhiều âm mưu phá hoại, những “chiến dịch”, các cuộc “hành quân”, xâm nhập của các thế lực thù định ở trong và ngoài nước; chủ động phát hiện, triệt phá các âm mưu của bọn phản động người Việt lưu vong; đấu tranh ngăn chặn kịp thời hoạt động của các đối tượng cơ hội chính trị, bất mãn, chống đối; thực hiện cuộc vận động “Xây dựng lực lượng CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ” và cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Lực lượng ANND đã bắt hàng trăm vụ với hàng ngàn tên, thu giữ hàng trăm tấn chất nổ, tài liệu, không để chúng gây nổ, phá hoại... đất nước nhất là trong dịp các ngày lễ lớn của dân tộc, các dịp Đại hội Đảng, họp Quốc hội, các hội nghị quốc tế, các đoàn khách quốc tế đến thăm Việt Nam.

Trên lĩnh vực kinh tế, lực lượng ANND đã phối hợp, phát hiện và đấu tranh với nhiều vụ án tham nhũng, buôn lậu lớn, ngăn chặn các hoạt động phá hoại về kinh tế của các thế lực thù địch, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Lực lượng ANND vừa tập trung bảo vệ các công trình trọng điểm lớn của nhà nước, vừa nghiên cứu phát hiện kịp thời những vấn đề phức tạp nảy sinh trên lĩnh vực kinh tế, có các phương án bảo vệ tại các lĩnh vực kinh tế quan trọng như: ngân hàng, tài chính, dầu khí, năng lượng, hàng không, bưu điện. Qua đó, nhiều vụ lợi dụng sơ hở trong quản lý kinh tế để tham nhũng như trong đấu thầu quốc tế, “chạy quota”, các loại tội phạm trên lĩnh vực bưu chính viễn thông đã bị phát hiện, xử lý kịp thời.

Với những chiến công đã đạt được, Đảng, Nhà nước đã trao tặng cho lực lượng ANND nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân… Nhiều tập thể, cá nhân được tuyên dương anh hùng.

Trong thời gian tới, tình hình chính trị thế giới, khu vực sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam ngày càng quyết liệt hơn. Trong nước, các vấn đề về kinh tế, xã hội có thể sẽ xuất hiện những phức tạp mới, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định. Ðó là những thách thức đối với lực lượng CAND nói chung, lực lượng ANND nói riêng; Nhiệm vụ của lực lượng ANND cũng sẽ ngày càng nặng nề hơn; trận tuyến đấu tranh chống phản cách mạng không chỉ vô cùng cam go, phức tạp, mà còn xuất hiện nhiều yếu tố tiềm ẩn, nhạy cảm và khó lường.

Tuy nhiên, với truyền thống vẻ vang được bồi đắp bằng những chiến công đặc biệt xuất sắc, tin tưởng rằng lực lượng ANND hôm nay sẽ tiếp tục làm tốt vai trò, trọng trách của mình, xứng đáng với những gì thế hệ đi trước đã xây dựng, xứng đáng với lòng tin yêu của toàn Đảng, toàn dân.

(Bài viết được đăng tải nhân dịp kỷ niệm 64 năm ngày Truyền thống của Lực lượng ANND 12/7/1946-12/7/2010. Muốn tìm hiểu về thành tích của Lực lượng ANND trong suốt 65 chiến đấu - xây dựng và trưởng thành, xin cập nhật ở đây)

NHỮNG HUYẾT CẦU TỔ QUỐC

Đinh Vũ Hoàng Nguyên -

NHỮNG HUYẾT CẦU TỔ QUỐC

Xin lỗi con!

Khi hôm qua ôm con

Có một phút giây, ba chợt xiết con vào lòng hơi mạnh

Ba làm con đau!.


Bởi hôm qua

Ba đọc câu chuyện về đồng bào mình – những huyết cầu* tổ quốc.

Máu lại tuôn…, những mảnh ván tàu…

Con ơi

Ba sẽ kể con nghe

Câu chuyện những ngư dân

Đang hóa thân thành những hồng cầu*

để Trường Sa, Hoàng Sa

Vẫn là thịt trong huyết hình tổ quốc.


Con phải khắc trong tâm

Câu chuyện những bạch cầu*:

là 58 người lính Việt Nam chết giữa Hoàng Sa.

là 64 người lính Việt Nam chết giữa Trường Sa.

Những con số sẽ không là con số

Khi ngẩng đầu: Tổ quốc 4000 năm.


Những con đường – mạch máu đất nước mình

Vết thương đạn bom vừa yên trong đất

Vọng phu còn trên nét mặt mồ côi…

Nhưng những mũi tàu vẫn xẻ trùng khơi

Nơi sóng rẽ cũng là nơi máu chuyển

Và trong mỗi người Việt mình có mạch máu nối liền với biển

Mạch máu này con phải thấy bằng tim

Nếu một ngày sóng nộ, cường lên

Giữa lòng Việt, bốn nghìn năm cũng dậy.

Thứ lỗi cho ba

Khi bài thơ đầu đời cho con, không thể bình yên!

Kẻ thù lăm le cướp biển nước mình

Đất nước bốn nghìn năm trên sóng

Đừng quên sau lời thề, lông ngỗng…

Giai nhân, huyết ngọc đổ bên trời.


Một ngày

Khi con nếm trên môi,

Con sẽ thấy máu mình vị mặn.

Bởi trong máu luôn có phần nước mắt

Ta hiểu căm thù, ta biết yêu thương.


Con sinh ra rạng rỡ một huyết cầu

Của đất nước bốn nghìn năm không ngủ

Để điều này lớn lên con hiểu

Bây giờ, ba phải kể cùng con.

Đinh Vũ Hoàng Nguyên.

* Huyết cầu: tên gọi chung cho cả hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu.


* Hồng cầu: tế bào màu đỏ mang dinh dưỡng


* Bạch cầu: tế bào miễn dịch, chống vi khuẩn

22 tháng 7, 2011

"BỒI HỒI XỐN XANG, TÀU LƯỚT SÓNG ĐƯA TÔI RA TRƯỜNG SA"...

Mai Thanh Hải Blog - Lại 1 tuần nữa trôi qua với bao lo âu, vất vả và mỏi mệt. Tặng mọi người 1 video clip rất thân thương về Trường Sa nơi đầu sóng ngọn gió. Hình ảnh do mình và 2 đồng nghiệp (Hoàng Minh - VOV, Anh Hoa - Tạp chí Thế giới Ảnh) ghi lại được trong mấy chuyến đi Trường Sa vừa rồi. Dựng video clip lại là 1 người bạn khác - Ngọc Lân, tuy làm doanh nghiệp ở Hà Nội nhưng luôn đau đáu hướng về Trường Sa, mong 1 lần được ra với Trường Sa.
----------------------------------------



"CHÚNG TÔI BÊN CÔNG AN"

Mai Tiến Nghị - Y đang làm việc. Chợt có 2 người đàn ông đến. Thì mọi khi vẫn có người đến. Họ đến để bán hàng: Nào là Hội Người mù, Hội Tàn tật, Hội Mồ côi, Hội Da cam... Từ khi Nhà trường biến thành "Thị trường", thì có đủ các Hội từ thiện cử người đến để bán hàng. Chỉ có điều những Hội ấy, người ta đến với vẻ mặt u ám, hình thể cũ kỹ do bệnh tật (hoặc cố tình ra vẻ như vậy). Nhưng lần này, là 2 ông khách khỏe mạnh, phong độ hùng dũng, cái nhìn xét nét cùng với bước chân tự tin. Họ chìa tay ra. Vừa giật giật bắt tay y, vừa hỏi thăm sức khỏe.
Hoảng!.. Y đang ốm mà có người đến hỏi thăm sức khỏe?. Chả hiểu ra làm sao?. Đáng ra phải cảm động, vì có người hỏi thăm. Nhưng đây là người lạ hỏi thăm, nên hoảng.
Sau lời hỏi thăm là lời tự giới thiệu: Chúng tôi bên Công an!

Y run như người sốt rét... Nghe tiếng Công an là y run. Run vì ngày xưa, y có viết 1 truyện ngắn dự thi cấp Trung ương. Truyện ngắn được giải thưởng, nhưng lại bị Công an cấp quê hương, quy cho là "có âm mưu chống phá" và được người ta theo dõi, "chăm sóc tận tình" suốt mấy năm giời. Làm y đi đến đâu cũng phải cảnh giác. Làm gì cũng phải cảnh giác. Đến mức ngủ với vợ, mà y vẫn giật mình. Tưởng đã yên thân vì chuyện đã qua lâu rồi. Ai ngờ hôm nay, Công an vẫn còn đến "hỏi thăm sức khỏe".

Y tự kiểm điểm: Mình không ăn cắp ăn trộm; mình luôn đi đúng bên phải đường; mình không dính dáng ma túy; mình không mat- xa nhà nghỉ; mình cũng chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện giết người; viết cái gì, nói cái gì cũng phải cẩn thận trước sau... "Vậy mà!. Lại chuyện gì nữa đây?. Hay là có đứa nào vu khống?. Chết rồi!. Không khéo, đền được vạ thì má đã sưng!".

Hồi hộp chờ...

Hỏi thăm xong. 2 ông khách bảo: "Để tích cực hưởng ứng Cuộc vận động Học tập đạo đức ..., và cần nêu cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ giáo viên...".

Y thở phào: "Đúng rồi!. Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, Học tập và làm theo tấm gương đạo đức..., 2 chủ đề này đang được triển khai nghiêm túc. Nhà trường của y cũng vậy!". Nhưng...

Hai ông khách chìa ra cái giấy của Công an huyện: "Yêu cầu phải... mua vé xem kịch".

Y định thần lại và phân trần: "2 cuộc Vận động là thiết thực, nhưng sao lại gắn cuộc Vận động với việc phải mua vé xem kịch?".

2 ông khách giải thích khá lâu. Đại thể, để đến kết luận: "Nếu không mua vé là không Học tập đạo đức... và không chấp hành pháp luật?. Bởi vì đây là cuộc giao lưu trong cuộc Vận động. Giao lưu để hiểu thêm, để mở mang...".

Y hỏi lại: "Giao lưu, tuyên truyền, học tập sao lại mất tiền mua vé?. Có nhẽ nào lại vậy?".

"Anh không mua cũng được!. Nhưng chúng tôi sẽ về báo cáo lại với cấp trên!" - Khách lạnh lùng tuyên bố như vậy, trước khi ra về.

Lại hoảng!. Lại lo!. Y run như người sốt rét. Mồ hôi vã ra: "Chắc người ta lại gán cho cái tội chống phá...". Rồi lại được theo dõi chăm sóc... Rồi làm việc gì cũng phải cảnh giác...

Giời ơi! Có ai khổ như y không?..


HOA BÀNG VUÔNG TRÊN ĐẢO ĐỊA ĐẦU

Mai Thanh Hải Blog - Đảo tiền tiêu những ngày tháng 7. Đã có áp thấp nhiệt đới, biển đã động sóng lên tới cấp 4 và mỗi buổi chiều, mặt trời chui xuống nước nhanh hơn, nhường chỗ cho những đám mây đen sầm sì chực đập òa xuống đảo. Vào mùa biển động, đảo cằn lên đá san hô bên vòng vèo chiến hào - công sự, hết những ngày ngóng chờ đoàn ra, bạn đến với những eo lưng con gái thon đến nghẹt thở, những môi hồng cười khúc khích dịu nắng hanh... Lại quay về, ngơ ngẩn bên những gốc bàng vuông lặng lẽ bám đảo, lặng lẽ xanh mát, lặng lẽ xòe những mắt lá ú òa đùa lính, cho nguôi ngoai nỗi nhớ đất liền...

Người ta bảo: Bàng vuông chỉ nở hoa từ tháng 3 đến tháng 5, ra quả từ tháng 10 đến tháng 12. Thế nhưng năm nay, chẳng hiểu sao tháng 7 rồi, mà nhiều cây bàng vuông trên đảo vẫn còn những nụ hoa to tròn, trắng ngần, e ấp đợi đến đêm khuya, nở bùng lên cái màu hồng tím đặc trưng, khiến lính ta cứ gật gà đợi xem hoa nở, sáng đường tuần tra, kiều diễm những nhụy phớt thon dài.

Hoa nở đấy, nhưng quả cũng ra rồi đấy. Những quả xanh, to căng như nắm đấm lấp ló trốn giữa chùm lá cứng cáp, can trường. Quả lớn từng ngày, căng mọng từng ngày, tràn trề sức sống như lính trẻ tuổi 18 giữa tiền tiêu sóng gió và đợi 1 lúc nào đó, khi đã đủ chín chắn, cương nghị, quả rụng nhẹ xuống bờ cát để sóng đẩy lang thang tới sườn đất khác, hòn đảo khác trong biên đảo thân thương và nảy mầm, bật chồi thành 1 cây bàng vuông non tơ, thẳng lưng đứng cùng lính giữ canh từ ngọn sóng, áng mây, ngọn gió, mét nước, mỏm đá san hô... trong hiên ngang họng súng, điệu đàng áo yếm Hải quân.

Dọc khắp những Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Song Tử, Nam Yết, Sơn Ca, Đá Lớn, Phan Vinh...những nắm tay bé tinh nghịch bàng vuông đang nắm vào nhau, ken bên nhau chờ 1 mùa biển động. Rời biên đảo tiền tiêu, vẫn biết quả mùa này còn bé lắm, hoa mùa này chúm chím lắm, nhưng không thể không hái vài quả bàng để trong balô về làm kỷ niệm thêm một lần ra đảo; không thể không ngắt 1 cành hoa mang xuống tàu, để trên đầu giường, mong hoa bừng nở giữa đêm...
----------------------------------------------------------------------------------------

Nụ và quả non

Xanh mướt 

Thêm 1 chút lá non và búp non

Nhìn xuống biển

Bên đường tuần tra

Vẫn còn giữ nhụy dài

Quả non tơ

E ấp nép trên thân cây

Hoa ban đêm

Ban ngày

"Binh chủng hợp thành"

Tinh khôi đêm về sáng

E ấp nở, sợ... nhìn trộm

Sáng trắng

Hành trang mang về đất liền của mình đấy

Chụp ảnh bàng vuông

Độc nhất vô nhị nhé

Có cả 1 quả sắp khô, có thể ươm ở nhà mình được

21 tháng 7, 2011

NẾU MÌNH LÀ NGƯỜI NHÀ CỦA LIỆT SĨ LÊ THANH TÂM...

Mai Thanh Hải Blog - Bài báo dưới đây đăng trên Báo Tiền phong, cơ quan Trung ương của Đoàn TNCSHM, do ông Đoàn Công Huynh làm Tổng Biên tập. Mình không muốn bình thêm gì về bài báo này, để dành cho bạn đọc. Nhưng có điều chắc chắn: Nếu là người nhà của Trung úy - Liệt sĩ Lê Thanh Tâm, mình sẽ tát thẳng cánh kẻ nào dùng sự mất mát của người nhà mình để viết bài câu khách, giật gân và tất nhiên, mình sẽ cấm cửa, không cho bất cứ báo chí nào đến chụp ảnh, hỏi chuyện, viết bài... Đó là chưa kể đến việc: Chỉ ngồi trong phòng lạnh cũng "tổng hợp" được câu chuyện "ly kỳ" về "mối tình...", cũng đáng bị... đổ cả nồi canh cải lên đầu. 
---------------------------------------------------
Mối tình của chiến sĩ công an trẻ bị cướp bắn chết

(10:57, 21/7/2011)

> Lộ mặt băng cướp liên tục giết người
> Truy phong vượt quân hàm chiến sĩ công an hi sinh khi bắt cướp
> Bắn hạ tên cướp nổ súng giết công an

Tiền Phong - Ngồi lặng thinh bên cửa sổ, mắt đăm đăm nhìn vào bên trong - nơi quan tài của người yêu, chiến sĩ công an trẻ Lê Thanh Tâm vừa hi sinh nằm đó khiến cô thêm đắng lòng. Dự định sang năm sẽ làm đám cưới nên khi đón nhận hung tin, cô gái ấy có cảm giác như đất dưới chân mình sụp đổ.
Bạn gái Tâm (ngoài cùng bên phải) nhìn qua khung cửa sổ, bên trong, quan tài của người yêu nằm đó khiến cô thêm đắng lòng.
Năm sau sẽ cưới…

4 năm yêu nhau, chừng đó thời gian đủ để thử thách mối tình của chàng trai theo nghiệp lính và cô gái láng giềng. Tưởng như, cái kết có hậu sẽ là đám cưới của đôi bạn trẻ, nhưng cũng chính vì niềm tin mãnh liệt vào ngày vu quy nên khi đón nhận hung tin, cô gái ấy có cảm giác như đất dưới chân mình sụp đổ.

“Buổi chiều ấy, em đang làm thì có một người bạn của anh Tâm đưa xe lên đón và bảo có việc phải về gấp. Vừa đi, linh tính mách bảo chuyện chẳng lành nên em cố gặng hỏi thì anh ấy không trả lời. Khi bánh xe lăn dần về phía nhà anh Tâm, thấy mọi người nháo nhác, tiếng khóc oán thương, em vội chạy vào và không tin đó là sự thật, anh ấy mãi mãi ra đi….”. Cô gái vừa kể, vừa nghẹn giọng.

Tâm và cô bạn gái từng học chung cấp 3 ở trường huyện Định Quán, Đồng Nai và tình yêu của họ chớm nở, kéo dài được 4 năm với bao nguyện ước.
Tận cùng đau thương với những người thân trong gia đình.

Năm 2005, ở tuổi 19, Tâm đã tình nguyện nhập ngũ phục vụ trong lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai, còn cô bạn gái cũng theo nghiệp bút nghiên. Ra trường, cô chọn tỉnh Bình Dương làm bến đỗ lập nghiệp.

Riêng Tâm đến tháng 9-2009 được cử đi học Trường Trung cấp CSND II . Tháng 5-2011, Tâm được phân công về thực tập tại Công an huyện Cẩm Mỹ. Chỉ một thời gian rất ngắn nữa, anh sẽ ra trường và phục vụ trong ngành công an như tâm nguyện của mình.

Cũng vì nhà gần nhau nên cô gái hiểu và thông cảm cho bạn trai mình nhiều hơn. Có khi tình yêu của họ chỉ là những cuộc điện thoại và lịch trình: Cứ 2 tuần/ 1 lần, Tâm sẽ về thăm người yêu và ngược lại. Khoảng thời gian xa cách càng khiến sợi dây tình cảm của hai người thêm bền chặt.

“Bố mẹ gia đình hai bên cũng đã đi lại. Dự định khi anh ấy ra trường, công việc ổn định, sang năm tụi em sẽ tổ chức đám cưới….” - cô gái bỏ ngang câu nói, nước mắt dâng trào.
Nỗi đau của gia đình trước sự hi sinh của anh Lê Thanh Tâm. Trong ảnh (từ phải qua): mẹ, bà ngoại và em gái anh Lê Thanh Tâm.

Nỗi đau quá lớn trong căn nhà nhỏ
“Chỉ còn vài ngày nữa thôi, đồng chí ấy sẽ được kết nạp vào Đảng. Thế mà...” - thượng tá Phan Văn Toán, trưởng phòng quản lý học sinh Trường trung cấp Cảnh sát nhân dân II, cho biết như vậy khi nói về chiến sĩ Lê Thanh Tâm (25 tuổi, học viên lớp K16G3) hi sinh trong khi truy bắt hai tên cướp hung hãn tại xã Xuân Đường, Cẩm Mỹ, Đồng Nai.

Sáng 20-7, trong ngôi nhà nhỏ tại ấp Cây Xăng, xã Phú Túc, huyện Định Quán (Đồng Nai) của gia đình Tâm càng chật chội và ngột ngạt hơn khi hàng trăm đồng nghiệp, người thân, bạn bè đến chia tay anh lần cuối. Căn phòng khách trống vắng, nay có thêm một chiếc quan tài và bàn thờ của anh vừa được lập vội. Bên linh cửu của anh, bà con, đồng đội đứng vây quanh lặng lẽ. Anh ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ...

Cầm trên tay tấm bằng khen của UBND huyện Cẩm Mỹ tặng cho con, ông Lê Văn Hả ràn rụa nước mắt: “Mỗi lần về nhà ít khi có mặt các em nó lắm. Gia đình khó khăn, đứa thì làm công nhân, đứa làm nhân viên nhà hàng ở tận TP.HCM. Nó chỉ mong một ngày cả gia đình được sum họp đông đủ bên nhau”.

Cứ mỗi bận Tâm về phép thì chỉ có cha hoặc mẹ ở nhà. Anh luôn có một mong ước nhỏ nhoi là gia đình được một ngày đông đủ bên nhau. Rồi cái ngày đó cũng đến nhưng là ngày mà mọi người về để tiễn anh ra đi mãi mãi...

Là con đầu cũng là con trai duy nhất trong gia đình có bốn anh em, mọi việc trong nhà từ rẫy vườn, gói bánh giúp mẹ đem ra chợ bán đều do bàn tay Tâm quán xuyến. Sau khi tốt nghiệp THPT, Tâm thi đậu vào Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng nhưng do nhà nghèo nên anh không đi học.
Anh Lê Thanh Tâm.

Năm 2005, Tâm trúng tuyển nghĩa vụ công an ở Phòng cảnh sát cơ động Công an Đồng Nai. Làm nhiệm vụ được bốn năm, đến năm 2009 anh xin đi thi và đậu vào Trường trung cấp Cảnh sát nhân dân II.

Mỗi khi nghỉ phép, Tâm rất ít đi chơi với bạn bè mà ở nhà phụ giúp mẹ gói bánh ú, bánh ít để bán. Những người hàng xóm nói dù là con trai nhưng do làm lụng từ nhỏ nên Tâm có đôi bàn tay rất khéo, anh gói bánh ít có góc cạnh và đẹp không thua gì các cô gái.

Bà Phạm Thị Mỹ Dung (55 tuổi, hàng xóm của Tâm) kể: “Tâm tội lắm, mỗi lần về phép chỉ thấy ở nhà gói bánh giúp mẹ thôi. Tội nghiệp người hiền, người tốt lại mất sớm”.

Mẹ anh, bà Đoàn Thị Sữa, người gầy rộc, liên tục ngất xỉu bên thi hài con. Khi tỉnh và lại ôm quan tài của con rồi khóc, nhưng nước mắt đã cạn và chỉ còn biết nấc từng hồi. Đứa con trai duy nhất ra đi, giờ đây cuộc sống gia đình bà thêm phần khó khăn, vất vả hơn. Rổ bánh ít ỏi hằng ngày cũng là kế mưu sinh bấy lâu nay của gia đình bà từ nay sẽ không còn cậu con trai phụ giúp mỗi khi về phép.

“Thằng Tâm nó mới về nhà hôm chủ nhật mua 5 cây tre để làm lại cái bếp cho tôi xong rồi đi về đơn vị ngay. Hôm nó đi tôi dặn dò là làm việc phải chăm chỉ công tác để bố mẹ mát mặt với những người hàng xóm và các em học theo. Vậy mà hôm này con đã đi mãi mãi…” - bà Sữa nghẹn giọng.

Sau một hồi bình tĩnh lại, bà mẹ đau khổ tâm sự: “Nhà nghèo nên cứ cuối tuần, Tâm đón xe từ TP. HCM về nhà để phụ mẹ gói và bỏ mối bánh để lấy tiền nuôi sống 5 miệng ăn và chi tiêu sinh hoạt trong gia đình vì các em Tâm còn nhỏ vẫn đang đi học. Ngoài ra, hàng tháng Tâm tiếp kiệm tiền mua thuốc thang cho người cha bệnh tật đã 10 năm nay…. Nó là đứa ngon, hiền và có hiếu lắm”.

Bên quan tài của người anh trai, em anh Tâm là Lê Thị Thu Thảo (21 tuổi) khóc nghẹn: “Anh Hai ơi, anh mới nói với mẹ là còn mấy tháng nữa anh đi làm và sẽ có tiền trả nợ cho ba mẹ, cho bé út đi học lại, sao anh ra đi không nói một lời nào...”.
Thanh Sơn 
(Tổng hợp)

NHÀ THƠ THANH THẢO: Ý CHÍ CỦA QUỐC HỘI?..

Tàu cá của ngư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi chờ dịp ra Hoàng Sa khai thác
Mai Thanh Hải Blog - Lứa tuổi bọn mình (nhất là trên bọn mình), nghe đến tên Nhà thơ Thanh Thảo, khối người muốn được lại gần để... sờ "thật xương thật thịt". Với mình, cái tên Thanh Thảo gắn với những bài học chuyên Văn hồi cấp II-III và nhất là Trường ca "Dấu chân qua trảng cỏ" (mình trích một số câu trong Trường ca để bình văn và đoạt giải Học sinh giỏi văn miền Bắc đấy nhé!. Hi! Hi!).

Nhà thơ Thanh Thảo, tên khai sinh là Hồ Thành Công, sinh năm 1946, quê ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Tốt nghiệp khoa ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ngay sau khi rời giảng đường Đại học, Nhà thơ Thanh Thảo xung phong trở về miền Nam chiến đấu góp phần giải phóng quê hương và làm phóng viên, công tác tại đài phát thanh Giải Phóng. Sau ngày đất nước thống nhất, Nhà thơ Thanh Thảo chuyên hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, báo chí và đã từng đảm nhiệm các vị trí như: Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch Hội đồng thơ - Hội nhà văn Việt Nam.... Nhà thơ Thanh Thảo đã nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (1979), giải thưởng Ban Văn học Quốc phòng An ninh, Hội Nhà văn Việt Nam (1995), giải thưởng Nhà nước (đợt 1) về Văn học nghệ thuật năm 2001...

Tranh thủ "bon chen" hình mình chụp với bác Thanh Thảo

Từ mấy thập niên trước, Nhà thơ Thanh Thảo đã được công chúng chú ý qua những tập thơ và trường ca mang diện mạo độc đáo viết về chiến tranh và thời hậu chiến: Những người đi tới biển (1977), Dấu chân qua trảng cỏ (1978), Những ngọn sóng mặt trời (1981), Khối vuông ru-bích (1985), Từ một đến một trăm (1988)...

Những năm gần đây, Thanh Thảo vẫn làm thơ, viết báo, tiểu luận phê bình và nhiều thể loại khác, nhưng đóng góp quan trọng và đặc sắc nhất của ông vẫn là thơ ca.

Mình rất tâm đắc với nhận xét "Thơ Thanh Thảo là tiếng nói của người tri thức nhiều suy tư, trăn trở về các vấn đề xã hội và thời đại". Chính vậy, chiều nay, khi nhận được bài viết "Ý chí của Quốc hội" của Nhà thơ Thanh Thảo, mình rất vui và muốn giới thiệu ngay với mọi người.

Ngồi phía bên kia là Nhà thơ Văn Công Hùng và 1 nhà thơ Quảng Ngãi
Bài viết, không chỉ gửi đến những Đại biểu Quốc hội Khóa XIII đang mệt mỏi ngồi trong Hội trường Bộ Quốc phòng, ngày đầu tiên Hà Nội thoắt mưa, thoắt nắng nhọc nhằn, mà còn gửi tới những người đang nắm giữ vận mệnh đất nước. Đọc những dòng viết hôm nay, tự dưng mình lại nhớ đến câu thơ Thanh Thảo, bao nhiêu năm trước: “Cả thế hệ xoay trần đánh giặc/ Mặc quần đùi khiêng pháo lội qua sông”, hay: “Phải thương lắm mới đi làm cách mạng/ Phải thương nhiều hơn mới giữ nổi lòng tin/ Nhưng phải thương đến tận cùng đau đớn/ Mới làm người mẹ…”.

Xin trân trọng cảm ơn Nhà thơ Thanh Thảo và hẹn gặp lại ngày mai, khi Nhà thơ từ Quảng Ngãi ra Hà Nội và tiếp tục ngược lên Cao Bằng, thăm miền biên ải có Thác Bản Giốc, hang Pắc Bó, cầu Tài Hồ Sìn... đã gắn bó tận trong máu thịt, với những bạn bè - người thân ân nghĩa...
-----------------------------------------------------------
                                                         
                                                           Ý CHÍ CỦA QUỐC HỘI

Trước Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XIII, người phát ngôn của Quốc hội đã nói với báo chí: “Ở Kỳ họp này, việc Quốc hội có ra Nghị quyết về tình hình Biển Đông hay không, là tùy thuộc vào ý chí của Quốc hội”.

Ý chí của Quốc hội bao giờ cũng là phản ánh ý chí của nhân dân, của toàn dân tộc. Tình hình Biển Đông phức tạp và ẩn chứa những nguy hiểm trong thời gian gần đây, đã được toàn dân theo dõi và bày tỏ thái độ, với những âu lo và phẫn nộ chính đáng. Một khi chủ quyền Quốc gia bị xâm phạm, thì như người xưa đã nói “Thất phu hữu trách”, ai cũng thấy mình có trách nhiệm với vận mệnh Tổ quốc.

Đại biểu Quốc hội được nhân dân bầu chọn ra, là tiêu biểu cho nguyện vọng và tiếng nói của nhân dân, chắc chắn không thiếu ý chí trong khi biểu lộ thái độ và quan điểm, trước tình hình Biển Đông hiện nay.

Trong kỳ họp này, Chính phủ sẽ có báo cáo chính thức về tình hình Biển Đông trước toàn thể Quốc hội, sau khi đã phân phát tài liệu đến tay từng Đại biểu. Như thế là Chính phủ đã công khai tình hình Biển Đông, cũng như nói lên quan điểm và những giải pháp của Chính phủ trước tình hình này.

Vấn đề còn lại là quan điểm của Quốc hội, quan điểm của từng Đại biểu Quốc hội. Quan điểm và ý chí ấy phải được thể hiện bằng văn bản, và đó là “Nghị quyết của Quốc hội về tình hình Biển Đông”.

Toàn dân đang chờ nghe và đọc Nghị quyết này, vì nó phản ánh ý chí và thái độ của nhân dân trước chủ quyền của đất nước.

Ngày xưa từng có “Hội nghị Diên Hồng”, để nhân dân được nói lên ý chí và quyết tâm bảo vệ đất nước của mình trước triều đình. Sự đồng thuận cao cả ấy giữa nhân dân và triều đình, đã đưa những cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam tới thắng lợi.

Dù tình hình ngày nay có nhiều điểm khác, con đường để giải quyết những bất đồng trong thế giới hiện đại là con đường thương lượng hòa bình. Nhưng ý chí của một dân tộc thì không bao giờ được thiếu vắng, trong những hoàn cảnh khó khăn hay nguy biến.  “Bảo đảm nguồn lực để tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là trên các vùng biển, đảo. Phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng vùng biên giới, hải đảo, tăng cường sự chủ động của các địa phương trong việc xây dựng tiềm lực kinh tế kết hợp với quốc phòng” - Đó là nguyên văn trích từ Báo cáo của Chính phủ đọc trước Quốc hội khóa XIII, trong phiên họp khai mạc ngày 21/7/2011.

Đó cũng là ý chí và những giải pháp chủ đạo của Chính phủ.

Còn ý chí của Quốc hội, thì quốc dân Việt Nam đang chờ được nghe.

Thanh Thảo