18 tháng 7, 2011

KỂ CHUYỆN ĐẢO BÉ

Mai Thanh Hải tác nghiệp ở đảo Bé
Mai Thanh Hải Blog - Sáng nay, Báo Thanh niên đăng tải bài viết "Chuyện chó kéo xe ở Lý Sơn" của Nhà thơ Thanh Thảo. Bài viết này, Nhà thơ gửi trước cho mình xem (vì mình có công... giới thiệu nhân vật, cung cấp hình ảnh) và mình đã giới thiệu trước trong 1 Entry viết tối qua, ngay tại Hội An, sau gần nửa ngày chạy xe từ Quảng Ngãi ra nằm ngủ 1 giấc (thật sự là ngủ sau gần 1 tuần lăn lộn với biển đảo), trong bình yên Phố Hội.

Sau khi bài báo được đăng tải, rất nhiều bạn bè - đồng nghiệp đã gọi điện, email cho mình hỏi chuyện về ngư dân Huệ và 2 con chó, chiếc xe lăn cũ kỹ. Một doanh nghiệp biết câu chuyện, cũng liên hệ với mình và tỏ ý muốn giúp đỡ 1 việc gì đó cho người dân trên đảo Bé (Lý Sơn, Quảng Ngãi) cải thiện cuộc sống lâu dài và cũng nhờ mình tư vấn giúp cho doanh nghiệp.

Để bạn đọc có thêm thông tin về đảo Bé, ngư dân Huệ. Xin cung cấp một số hình ảnh mình đã ghi lại được, trong suốt 1 ngày lang thang, tìm hiểu đảo Bé (xã An Bình, Lý Sơn, Quảng Ngãi):
---------------------------------------------------------------------------------

Xuất phát từ đảo Lớn (đảo Lý Sơn), ngay trên bến cảng dành cho mọi phương tiện vận tải thủy đang xây dở. Chiếc tàu gỗ phía sau mấy cô, mấy chị bán cá này là tàu chở tụi mình ra đảo Bé

Mỗi ngày chỉ duy nhất có 1 chuyến tàu ra - vào đảo và đảm nhiệm mọi chức năng chuyển chở: Người, xe, đồ đạc, nhu yếu phẩm và dĩ nhiên, cả quân trang - quân dụng, vũ khí - khí tài, bộ đội khi xảy ra... sự cố biển đảo

Tàu nổ máy rời cảng nhưng mỏ neo vướng dưới nước, không kéo lên được. Thuyền trưởng tàu tên là Ba Tròn cởi cáo nhảy ùm và lặn xuống gỡ mỏ neo. Chứng kiến cảnh thuyền trưởng tắm tráng sau khi xuống biển mới thấy thấm thía nỗi khổ không có nước ở đảo: Ba Tròn múc 3 ly (ly dùng để uống bia) nước ngọt, nhẹ nhàng đổ lên đầu xoa kỹ và sau đó mới tắm đến mặt, cổ ngực, bụng. Ở đảo Bé, nước quý hơn cả vàng. Đó là sự thật.
Tàu cá của ngư dân đỗ trong cảng tò mò nhìn theo tụi mình ra với đảo


Nhà thơ Văn Công Hùng ngồi phía trên để dễ bề tác nghiệp

Nhà báo Mai Thìn thì ngồi phía trên

Đảo Bé nhìn từ xa. Đi cùng tàu với tụi mình là nhóm SV Trường Cao đẳng Tài chính Quảng Ngãi ra đó... thực tế. Mình chả hiểu mấy đôi lứa này thực tế gì, khi mà ngoài đỏ chả có gì liên quan đến Tài chính - Kế toán và các cô cậu này đều mang lều bạt, túi ngủ to đùng, vất vưởng sau lưng. Nhóm này có 1 cô bé có quả Nikon rất xịn, "chuyên nghiệp đứt anh em mình" - Nhà thơ VCH than vậy và hỏi, cung cấp lại thông tin: "Cô bé giọng Bắc, mới từ Hà Nội vào, nói đang là CTV của Báo Sinh viên Việt Nam". Thảo nào nhìn thấy đám Phóng viên, cô CTV này cứ lủi lủi, trốn trốn thế nào ý..  

Người, đồ cung cấp - tiếp tế cho đảo

Đảo Bé chụp gần đoạn cuối đảo

Rất nhiều cây cối và đủ đá, bãi cát. Không như đảo Lớn Lý Sơn, không có 1 hạt cát xung quanh

Cầu cảng duy nhất mới được đầu tư xây dựng cho tàu cập vào. Ngày trước, muốn vào phải tăng bo thuyền thúng

Nhìn "Trung tâm đảo" từ phía xa

Trẻ con hóng hớt nhất và cùng thèm vui, mới lạ nhất nên nhanh chân chạy ra trước ngắm người lạ

Nhân vật chính, rất đặc sắc mà mình phát hiện: Ngư dân Bùi Văn Huệ (35 tuổi), bị liệt sau chuyến lặn biển ở Hoàng Sa. Hiện tại Huệ đang phải đi lại bằng chiếc xe lăn cũ kỹ, mượn của người quen ở đất liền. Việc đi lại của Huệ trên xe lăn, nhờ vào 2 chú chó nhà thực hiện việc kéo. 2 chú này rất khôn, suốt ngày quấn quýt quanh Huệ

Huệ và 2 chú chó cũng ra bến cảng ngắm biển, ngắm tàu, ngắm người và đón mẹ già, mới vào đảo Lớn đi chợ mua đồ

Những thứ đồ đơn giản này, phục vụ cho cuộc sống vất vả, đạm bạc của 2 người già, 1 người liệt và 2 chú chó


Phương tiện chuyên chở hàng duy nhất trên đảo: Xe cút kít

Hôm nay, 2 chú chó còn phải è cổ kéo thêm chủ và... chai dầu ăn to đùng mà mẹ Huệ mới mua về

Lên dốc, chó kéo không nổi, phải nhờ sự trợ giúp của trẻ con quanh đó

Đảo Bé không có nguồn nước ngọt nên người dân phải mua sắm, làm những thùng to như thế này để hứng nước mùa mưa, tích trữ ăn quanh năm. Nhà nào hết nước sớm, bắt buộc phải gọi vào đảo Lớn mua nước và sẽ có vài con tàu mang nước ra bán (kéo dây, vòi bơm đến tận nhà) với giá 200.000 VND/m3 (giá hiện tại)

Thứ duy nhất mà đảo Bé không phải mua, đó là hành - tỏi. Trong hình: Ruộng trồng tỏi đang được chuẩn bị cho 1 mùa sản xuất mới (dĩ nhiên là chỉ khi có mưa) và ngoài việc này ra, người dân không biết làm gì để sống

À! Có thêm nghề tay trái: Bơi thuyền thúng ra le ve gần bờ bắt con cá nhỏ, trai ốc hến trong ghềnh đá để cải thiện đời sống. Do đặc thù bãi ngang, lại không có vũng, vịnh neo đậu tàu thuyền nên những ngư dân của đảo Bé phải vào đảo Lớn đi làm thuê trên những chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ. 2 mẹ con này đang tách con vẹm - thành quả lặn ngụp của những người đàn ông trong nhà, suốt từ sáng đến trưa - để làm món ăn cho cả đại gia đinh

Bể nước xây dựng từ 1968 nhưng vẫn phải dùng. Qua mấy cuộc chiến tranh, đảo Bé vẫn không gì thay đổi

Có đấy chứ! Đó là khẩu hiệu và trên đảo này, việc "tăng gia sản xuất" được đặt lên hàng đầu, giống như những năm mới giành được chính quyền, Bác Hồ phát động tăng gia sản xuất để "giệt giặc đói"...

Trò chơi của trẻ em trên đảo: Ngồi trên xe cút kít ngắm biển ngay trước nhà

Tương lai của đảo Bé đây

1 trong 3 căn nhà xây duy nhất của đảo: Điểm Bưu điện xã, nhưng đóng cửa cho mạng nhện chăng, cỏ mọc lút sân - cổng và hàng rào được trưng dụng thành nơi phơi cá cơm, chất rong biển (làm phân bón kho, lót dưới đất trồng tỏi)

Trên phơi cá, quần áo. Dưới để rong biển làm phân bón

Có những 3 cán bộ xã dẫn mình đi thăm đảo. Bảo: "Chỉ cần 1 người đưa đi thôi!". Đám cán bộ ồ lên: "Ối giời! Bọn em ngồi mãi rồi. Lâu lâu mới có người trong đất liền ra, phải tranh thủ... tiếp cận chứ!". 

"Đời sống Văn hóa - tinh thần" của người dân trên đảo: Nghe đài và... nằm ngủ

Đảo mới được xây dựng một số đường giao thông nên mới có gần 10 chiếc xe máy

Đến nhà Bùi Văn Huệ ở cuối đảo. Huệ không ngồi xe nữa mà đu lên thang tre nói chuyện với Nhà thơ VCH

Chiếc mủng trước nhà Huệ nát bươm, rách tả tơi bởi vài năm qua, cả gia đình không ai dùng đến nữa

Bố của Huệ đang chơi với 2 chú chó kéo xe cho con mình

Huệ đu lên thang nói chuyện, nhìn biển và nghe Đài để biết tình hình phía ngoài đảo Bé

Kể chuyện lại những ngày ra Hoàng Sa lặn biển, bắt cá mà mặt cứ buồn rười rượi. Thế là xong, 1 kiếp ngư dân?..

Đảo Bé có những bãi đá, bãi cát rất đẹp

Nước trong xanh và nhìn vào phía trong là đảo Lớn

Mình đang tác nghiệp

Hỏi chuyện người dân

Vừa chụp hình vừa đu bám. Ngã xuống biển sóng to đùng thế này, vớ vẩn là toi ngay

Đảo không có quán ăn, chỉ có 2 nhà bán mì tôm, mấy chai bia và ít hàng tạp hóa linh tinh. Chụp choạch, đi thăm, hỏi han tìm hiểu đến quá trưa, bụng đói sôi sùng sục. Rút cục phải nhờ Xã đội phó tên Đại (đầu tiên, bên phải) và cán bộ Văn hóa xã tên Thằng (ngồi giữa) mua đồ ăn. Mấy cán bộ và... người nhà đi khắp đảo mới mua được 1 túi vẹm, 1 quả dưa, 1 quả bầu, 5 gói mỳ tôm và 5 chai bia. Lại nhờ vợ Xã đội phó chế biến thành món vẹm xào dưa, bầu; mì tôm nấu nước ngọt. Mời 3 cán bộ xã ăn uống cùng tụi mình để động viên, chia sẻ với anh em. Khi về trả tiền, hết 300.000 VND.

Buổi chiều rồi, lên lại tàu về đảo Lớn (Lý Sơn) thôi vì chậm tý nữa, cả xã biến thành đảo đen bởi không có điện, không máy nổ. Cả xã thắp sáng ban đêm bằng đèn dầu, nhà nào sang lắm thì chạy ắc quy. Chẳng thế mà ban đêm, ở đảo Lớn nhìn ra, chẳng thấy đảo Bé đâu cả. Không 1 đốm sáng, không 1 tiếng nói... Bao năm rồi, đen kịt, tối tăm...

7 nhận xét:

  1. Hihi tớ là người cùng đồng hành mà đọc lại xem lại cũng cứ... hồi hộp như xem truyện trinh thám...
    Cái hình lom khom tác nghiệp bàng vuông hoành tráng hỉ?

    Trả lờiXóa
  2. Bác Hải được đi nhiều nơi quá, phát ghen lên được.

    Trả lờiXóa
  3. thực sự muốn một lần ra Đảo bé để thấm thía nỗi khổ của đồng bào. Ở thủ đô đầy đủ quá làm lú mề hết rồi.

    Trả lờiXóa
  4. KẾT
    "Bao năm rồi, đen kịt, tối tăm..."
    Bài viết rất hay, nhưng kết dở òm.

    HY VỌNG ngày mai sẽ có ánh sáng trên đảo Bé. HY VỌNG ngày mai đảo Bé hết nhỏ, dân hết kiếp ... bị bỏ rơi trên chính quê hương mình.

    Trả lờiXóa
  5. Híc, con đi Lý Sơn 2 lần mà vẫn chưa ra đảo Bé đc :(

    Trả lờiXóa
  6. cảm ơn 1 bài viết về quê hương mình! cảm ơn anh Hải.
    Tôi là 1 người Lý Sơn. Đọc bài viết này, khiến tôi không khỏi chạnh lòng.

    Trả lờiXóa
  7. Em đang làm một chương trình tình nguyện về đảo Bé, vô tình đọc được bài của anh viết, lại càng có thêm động lực và quyết tâm hơn để hoàn thành chương trình của mình. Cảm ơn anh về những thông tin bổ ích này!

    Trả lờiXóa