26 tháng 4, 2016

CHA, CON VÀ CUỘC KÉO CO VỚI SỐ PHẬN

(Trần Triều, Báo PNTP) - “Con gái tôi sẽ rạng ngời xinh tươi, khả ái múa ballet trên sân khấu. Tôi sẽ rất tự hào với mọi người về con gái của mình”- Nghĩ như vậy nên anh Trần Khương (quê Quảng Ngãi, ngụ phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM) đặt tên cho con cô con gái đầu lòng là Trần Lê Khả Ái. Cô con gái chào đời với nét mặt thanh tú, người cha đầy mơ mộng ấy càng ngập tràn hy vọng về những dự định đẹp đẽ mình dành cho con.
Con gái được 29 tháng tuổi, anh thấy phản xạ âm thanh của con có gì đó không ổn, đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng II để khám. Bế con về, mọi thứ như sụp đổ, những vòng xe đạp loạng choạng trên con đường dài dưới nắng trưa. Đời anh chưa bao giờ đạp xe chở vợ con khó nhọc đến vậy. Bác sĩ vừa kết luận thiên thần của anh bị câm điếc bẩm sinh.

Vỡ òa với “tiếng người” đầu tiên

Vợ chồng anh Khương mưu sinh bằng nghề may gia công tại nhà. Tuy không được học cao nhưng anh yêu thích thơ văn, thường viết những câu văn vẻ và có cuộc sống đầy mơ mộng. Nhìn nét mặt trắng trẻo, xinh xắn của con, nghĩ về những ước mơ đã gửi hết vào con, anh không cam lòng. “Dù đã rất cố gắng, tôi vẫn không tài nào làm quen được với ý nghĩ con mình sẽ là một đứa bé không thể nghe, không biết nói và trải qua một cuộc sống tật nguyền”- Gương mặt đen sạm của người đàn ông nghèo co lại, đôi mắt rưng rưng khi anh nhắc lại chuyện cũ.

Tình cờ, anh biết có một đoàn từ thiện người nước ngoài đến Sài Gòn giới thiệu máy trợ thính cho người câm điếc bẩm sinh, nó có giá đến 5 cây vàng- tương đương một chiếc xe Dream Thái của nhà giàu cách đây 17 năm. Nhưng người cha nhà nghèo như anh Khương vẫn vét hết tài sản, vay nợ thêm để mua máy cho bằng được..

Gắn máy trợ thính lên tai cho con, vợ chồng anh Khương bước vào hành trình như một “chiến binh” để cùng con tìm lại “tiếng của loài người”. Với máy trợ thính, bé chỉ nghe được khoảng 30% so với người bình thường. Bé cần được nói chậm, nói to kết hợp với khẩu hình, ngôn ngữ cơ thể để làm quen với ngôn ngữ. Mỗi tuần hai lần, người cha gầy gò ấy lại đạp xe chở vợ con từ quận 12 lên tận Trung tâm Khuyết tận TP.HCM ở quận 3 (gần 20 km) để học các kĩ năng rèn luyện nghe- nói. Tiếng là đưa con đi học, nhưng chủ yếu là cha mẹ tiếp thu. Với những bài học ấy, khi về nhà, anh sẽ truyền lại cho ông bà nội ngoại. Cả nhà đều phải nắm kĩ năng cơ bản để thay nhau tiếp cận bé. Suốt ba năm như thế, nỗ lực miệt mài của anh Khương và những người thân như đi vào tuyệt vọng bởi bé chỉ phát ra tiếng ú ớ. Việc tác động để một người câm điếc bẩm sinh có tiến triển tốt chỉ có kết quả sau thời gian tính bằng năm. Nhưng bao nhiêu năm?

Khi những thành viên khác đã dần bỏ cuộc, anh Khương vẫn kiên cường. Anh văn vẻ: “Hai cha con đang chơi một trò kéo co với số phận với sợi chỉ mỏng manh, có thể đứt hết hy vọng bất kì lúc nào”. Dù nói gì con cũng ú ớ, nhưng anh tin con đang từng ngày có sự tiến triển nào đó mà anh chưa nhận ra. Suốt 5 năm ròng rã, anh vẫn không bỏ cuộc, vẫn chuyện trò, hỏi han, đùa giỡn với con dù người ngoài nhìn vào chẳng khác gì anh đang chơi với một pho tượng. Rồi trong tiếng ú ớ như vô thức của con gái, anh thấy con dần chuyển qua được âm “a”. Linh cảm của một người cha tin rằng con gái đang gọi “ba” nhưng chưa tròn vành.

Thường thì mỗi buổi chiều, anh thường bế con ra ngắm máy bay, mỗi lần có một chiếc bay ngang, anh đều chỉ cho con và hét to lên là “máy bay”. Tất nhiên, con anh vẫn câm lặng.

Rồi một ngày, bế con ra xem máy bay, ba chưa kịp lên tiếng thì con đã bảo “bay”, “bay”, “bay”. Anh vỡ òa, rụng rời, suýt đánh rơi con.

Lần đầu nghe con gái nói được “tiếng người”, người cha bật khóc vì sung sướng.

“Đừng sợ, có ba đây”

“Tiếng người” đầu tiên như chìa khóa, mở ra những chữ tiếp theo mà Ái có thể phát âm. Tuy nhiên, do sức nghe quá kém, Ái nói rất khó khăn.

Thông thường, một đứa trẻ câm điếc bẩm sinh như Ái được đưa vào học trường chuyên biệt nhưng cha em không muốn vậy. Anh “tha” con đến trường mầm non công lập để xin học cho con, dĩ nhiên là bị từ chối và các trường chưa có tiền lệ nhận trẻ câm điếc. Anh không bỏ cuộc, kì công lục lại các quy định, nghị định của nhà nước về việc khuyến khích trẻ khuyết tật được hòa nhập trong học tập. Trường chưa dám nhận, anh lên quận để trình bày, rồi xin gặp hiệu trưởng ngày này qua ngày khác để giải thích, bày tỏ nguyện vọng. Cuối cùng, Trường mầm non Bông Hồng (phường An Phú Đông, quận 12) cũng đồng ý nhận.

Cũng với hành trình gian nan ấy, anh xin được cho con vào Trường tiểu học Phạm Văn Chiêu. Anh thừa biết hai cha con phải đối diện một núi khó khăn, bởi lời cô giáo giảng, bé chỉ nghe loáng thoáng, làm sao để học? Vậy là, anh quyết định “đi học cùng con”. Con vào lớp, cha cũng xin phép nhà trường để đứng lấp ló ngoài cửa. Con nghe chưa kịp lời cô thì cha chép lại. Buổi tối, hai cha con lại ngồi với nhau, cha nhẫn nại giảng lại những lời cô giảng ở lớp đến hàng chục lần con mới “nghe lọt”.
Trong những tiếng nói tròn vành hiếm hoi xen lẫn với ú ớ của con hằng đêmbên bàn học ấy, người cha cảm thấy hạnh phúc vô ngần khi con mình rồi cũng biết đọc chữ, làm toán. Lên lớp Hai, sợ con bỏ cuộc vì nản, cha đã phải bày ra đủ thứ trò chơi để “dụ” con. Những lúc buồn bực, con rút phăng máy trợ thính ra vứt, cha vui vẻ dỗ dành. Khi thấy con không theo kịp bạn bè, cha đã đặt ra bậc thang thấp cho con đi: “Nếu con không học được như các bạn, cha con mình có thể cùng nhau học hai hoặc ba năm mới lớp cũng tốt, miễn là không bỏ học”.

Những tháng ngày thập thò ngoài cửa sổ để học cùng con của người cha nghèo rồi cũng được đền đáp. Ái lên lớp đều đặn, khi thi chuyển cấp vào lớp 6, Ái đạt 9 điểm Toán và 5 điểm Văn, đủ điểm để vào Trường TCS An Phú Đông. Lên cấp 2, Ái đối diện với khó khăn mới: 13 môn học có 13 giáo viên khác nhau, mỗi cô có giọng địa phương riêng khiến khả năng nghe của Ái còn kém hơn trước. Cứ đi học về là một trận khóc như mưa diễn ra vì “con không biết cô dạy gì cả”. Đỉnh điểm là giờ học nhạc, cô giáo mời Ái đứng lên hát một bài. Tiếng ú ớ của Ái khiến cả lớp cười ồ, Ái bật khóc và nhất quyết không đi học nữa. “Đừng sợ, có ba đây” tự bao giờ đã trở thành câu cửa miệng của anh Khương. Ái vẫn tiếp tục đến trường nhưng anh phải tính cách khác bởi không thể đi học cùng con như thời con học cấp 1 nữa. Anh đóng bảng đen tại nhà, mời cô giáo dạy Văn (môn Ái đang yếu nhất) về nhà dạy kèm. Thu nhập từ việc may gia công không đủ trả cho cô, anh đi khắp xóm vận động những học sinh học lớp 6 như con mình đến học thêm cùng để chia gánh nặng. Cô giáo dạy Văn thương Ái, giới thiệu thêm thầy dạy Toán. Cứ như vậy, cô học trò có dáng mảnh khảnh này lên được cấp 3, có năm còn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.

Anh Khương khoe: “Tôi đề nghị các thầy cô không nâng đỡ Ái bằng điểm số, có sao chấm vậy để con tôi biết mình ở đâu mà phấn đấu. Suốt cấp 2, Ái chỉ được 1,5 điểm trở xuống đối với môn Văn. Nhưng khi thi chuyển cấp vào lớp 10, Ái đạt đến 3,5 điểm. Với bao người, 3,5 là số điểm quá tệ nhưng với cha con chúng tôi, đó là một kì tích!”. Đồng thời, Ái đạt 5,5 điểm Toán và 4,5 điểm Anh văn. Thiếu 1 điểm để vào trường công, có người gợi ý làm đơn xin chế độ đặc biệt cho người khuyết tật để vào trường công nhưng anh Khương lắc đầu: “Trung thực với bản thân đã làm cho cha con mạnh mẽ được như vậy đến ngày hôm nay, tôi không muốn làm khác”.

Ái may mắn được Trường THPT dân lập Lý Thái Tổ nhận vào và giảm 50% học phí- trường hợp chưa có tiền lệ ở trường. Khó kể hết được khó khăn và nỗi vất vả của các thầy cô, bạn bè ở đây khi cưu mang Ái. Cô Trần Thị Nhung (chủ nhiệm lớp 10 của Ái) không kiềm được xúc động: “Tôi và các thầy cô khác khổ sở với Ái lắm, em ấy hầu như không nghe cô giảng gì, còn phát âm thì chữ được chữ mất mà chậm đến sốt ruột. Nhưng em ấy thật tuyệt vời, tôi chưa phải khẳng định như vậy. Em ấy đã nỗ lực quá sức tưởng tượng của tôi. Câm điếc bẩm sinh mà theo được chương trình như học sinh bình thường là quá tài”. Ái đạt học sinh khá qua các năm, giờ đang theo học lớp 12 và luôn là trung tâm của câu chuyện họp hội đồng sư phạm bởi mọi người phải xúm vào giúp mới giữ được con đường học chông gai đó của em. Hiện trường phải cử một học sinh khác ngồi bên cạnh Ái để ghi lại những điều cô giảng mà Ái không nghe thấy để tối về học lại.

Nhìn lại quãng đường hai cha con đã trải qua, người lạc quan nhất cũng không nghĩ được cô bé câm điếc ngày nào bây giờ đang đường hoàng là học sinh lớp 12 và hào hứng với ước mơ vào đại học, sẽ thi ngành mĩ thuật!

Rời ngôi nhà đơn sơ, tôi bị ám ảnh bởi chuyện anh Khương kể: “Tội lắm. Giờ thì Ái rất ham học , đang ôn thi tốt nghiệp và đại học nên học càng nhiều hơn trước. Mỗi đêm, vì sợ không nghe được chuông báo thức để dậy học bài, Ái nắm chặt điện thoại trong tay để ngủ. Khi điện thoại rung trên tay là bật dậy”.

Ái nắm chặt điện thoại báo thức như nắm chặt ước mơ của mình, số phận chắc khó giật mất ước mơ của Ái thêm một lần nữa, như lúc em vừa chào đời.

TRẦN TRIỀU

15 tháng 4, 2016

NÓNG BỎNG TRƯỜNG SA

(Thanh Niên) - Tháng 4, Trường Sa biển lặng như trong ao, nắng chát chúa từ 5 giờ sáng đến 6 giờ tối, hơi nóng làm mềm đi những vụn đá san hô quanh đảo và cháy thành những ngọn lửa nhỏ sục sôi trong mắt những người lính giữ Trường Sa, những người khách đất liền ra thăm Trường Sa.

Cô Lin ngay sát Gạc Ma

Nhìn từ xa, đảo chìm Cô Lin bé tí như hạt muối vừng thơm thảo so với đá Gạc Ma phía Trung Quốc (TQ) đang cấp tập xây dựng trái phép, trắng hếu và thô kệch như nắm đấm của kẻ cướp. Thượng úy Phan Văn Huỳnh, Chỉ huy trưởng đảo Cô Lin lưng đẫm mồ hôi đón khách, báo cáo tình hình nhưng cứ tí lại chạy ra ngoài dán mắt vào kính ống nhòm TZK chuyên dụng, hướng sẵn phía đông nam là đá Gạc Ma. Gương mặt già sọm so với tuổi, Huỳnh kiệm lời chắc nịch: “Phải theo sát 24/24, không đùa được anh ạ!”.
Trên đài quan sát nóc đảo chìm, chiến sĩ Lê Thanh Hòa (23 tuổi, quê Phúc Thọ, Hà Nội) gọn gàng trong mũ sắt, quân phục dã ngoại, súng ghì chắc, cũng liên tục dán mắt vào kính TZK, quan sát phía đá Gạc Ma.

Nếu nói đến mức độ căng thẳng thì đảo chìm Cô Lin đứng đầu bảng trong số 33 điểm đóng quân của bộ đội ta trên toàn quần đảo Trường Sa, bởi Cô Lin chỉ cách đá Gạc Ma 3,5 hải lý. Cách đây hơn 27 năm, ngày 14.3.1988, phía TQ bất ngờ nổ súng bắn cháy, chìm 3 tàu vận tải quân sự và giết hại 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân VN đang làm nhiệm vụ bảo vệ, củng cố tôn tạo Gạc Ma. Ngay sau đó, phía TQ xây dựng căn cứ gồm 3 kết cấu hình bát giác nằm trên cọc gỗ trên bãi Gạc Ma. Đến đầu năm 1989, họ đã hoàn thiện lô cốt xi măng cao 2 tầng và củng cố dần thành nhà bê tông 4 tầng. Từ đầu 2014, phía TQ tập trung tàu thuyền, phương tiện cơ giới hiện đại nạo vét san hô, chuyên chở vật liệu, tiến hành đào đắp để xây nhà công trình, đường sá, bến tàu và các hạng mục kiên cố khác. Thời kỳ cao điểm, bên cạnh hàng chục tàu vận tải, phía TQ còn huy động các tàu cá bọc sắt, tàu hộ vệ tên lửa xua đuổi các tàu thuyền khác đi gần bãi đá.

Tháng 4.2014, trong chuyến công tác ngoài Trường Sa, tôi đã chứng kiến cảnh các tàu vận tải TQ tập trung chuyển tải trang thiết bị - vật liệu xây dựng lên bãi Gạc Ma. Tháng 12.2014, tham gia chuyến đối ngoại quân sự kết hợp tuần tra đường dài - huấn luyện trên biển cùng Biên đội tàu Hộ vệ tên lửa 011, 012 của Lữ đoàn 162 (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân), sát qua Gạc Ma khoảng 3 hải lý, tôi cũng ghi hình hiện trạng các công trình xây dựng trái phép của TQ, với khung tòa nhà trung tâm và các hạng mục khác.
Giữa tháng 5.2015 này, có mặt tại vùng biển Cô Lin - Gạc Ma, càng thấy tốc độ xây dựng của những kẻ chiếm đóng trái phép: Tòa nhà trung tâm (Sở Chỉ huy) cao 7 tầng có đường dẫn cho xe cơ giới lên thẳng tầng 2 đã cơ bản hoàn thành, phía trên tầng 7 có thêm đài quan sát cao 3 tầng; 2 đơn nguyên hình tháp cao 6 - 7 tầng, giống đài kiểm soát không lưu và hải đăng; gần 10 đơn nguyên còn lại đều 1 - 2 tầng, xây kiên cố theo kiểu doanh trại...

Những phát pháo hiệu bắn từ Huy Gơ

Trưa 11.5.2015, tàu 571 (Hải đội 411, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) đưa chúng tôi đi sát đá Huy Gơ (hay còn gọi là đá Tư Nghĩa) của VN bị TQ cưỡng chiếm từ cuối tháng 2.1988 và cũng đang được rầm rộ xây dựng trái phép. Cách 5 hải lý, trên bộ đàm đã líu lô tiếng TQ dậm dọa. Mặc! Con tàu vẫn cắt sóng tiến vào gần. Lập tức, 3 phát pháo hiệu đỏ lòm bắn cách nhau khoảng 30 giây phụt lên cao đe dọa và khói đen của chiếc tàu cá bọc sắt trực ngay sát bãi đá cuống quýt khởi động máy.
Nhìn bằng mắt thường cũng thấy tòa nhà trung tâm (nhà chỉ huy) cao 6 tầng chuẩn bị hoàn tất, chỉ còn 3 tầng dưới được quây kín cho công nhân gia cố cửa; tòa tháp giống Đài chỉ huy bay cũng sắp dỡ giàn giáo bên ngoài; nhiều cây xanh đã được trồng xung quanh; riêng khu vực cuối đảo chạy dài vẫn đang được quây kín bằng hàng rào và vỏ container, giống đang hoàn thiện công trình ngầm... Do diện tích xây dựng lớn hơn Gạc Ma nên phía TQ tập trung 6 cần cẩu (trong đó có 1 cẩu tự hành cao hàng trăm mét), 7 tàu vận tải xây dựng đang chuyển trang thiết bị - vật liệu xây dựng lên cho công nhân xây dựng các hạng mục công trình. Trên 2 tàu chở cát mới hạ mũi vào rìa bãi đá, các công nhân xây dựng trong trang phục bảo hộ lao động nhốn nháo chạy, khi thấy tàu 571 của VN tiếp cận từ phía xa.

Cờ đỏ Trường Sa

Nguyễn Văn Dũng là Chính trị viên 1 tàu trực trên vùng biển Sinh Tồn Đông, suốt 3 tháng trời nay làm nhiệm vụ ngoài biển. Khi đại tá Rah Lan Lâm, Phó giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đi cùng đại diện Quân chủng Hải quân sang thăm tàu, tặng quà và ngỏ ý muốn xin 1 lá cờ đã sử dụng mang về Phòng Truyền thống của Công an tỉnh Gia Lai, Dũng cười rất tươi chỉ tay lên lá cờ Tổ quốc bạc phếch nắng gió, 5 cánh sao vàng sáng trung trinh trên nóc tàu: “Chúng em cũng đang định thay cờ mới, để mai đi làm nhiệm vụ mới!”.
Trưa hôm sau, khi tàu chúng tôi tiến lại gần đá Huy Gơ, đã thấy tàu của Dũng áp sát đá Huy Gơ từ bao giờ, trên đỉnh cột cờ nóc đài chỉ huy, lá cờ mới phần phật tung bay, nổi bật nền đỏ sao vàng giữa ngổn ngang bê tông xám xịt. Dọc hải trình của chúng tôi, từ Song Tử Tây, Đá Nam cho đến Sơn Ca, Nam Yết, Cô Lin, Sinh Tồn Đông, Đá Lát... đến đâu cũng gặp những lá cờ mới đỏ thắm sao vàng trên mọi vị trí cao của đảo, nóc tàu trực - tàu hàng.
Tháng 5, Trường Sa bao giờ cũng nóng. Năm nay, sức nóng ấy bỏng lên như chưa bao giờ thấy. Nóng từ nắng lửa, từ mạn tàu, từ màu cờ Tổ quốc trải khắp quần đảo và mỗi giọt máu người Việt, từ bến bờ ra với Trường Sa...

Liên tục đe dọa
Việc phía TQ đe dọa các tàu VN khi đi gần các bãi đá mà họ cưỡng chiếm, đang xây dựng trái phép diễn ra liên tục. Thậm chí, ngày 10.5, phóng viên Nguyễn Chung của Báo Thanh Niên đi trên tàu 996 (Hải đội 411, BTL Vùng 4 Hải quân) đi cách đá Xu Bi khoảng 3,7 hải lý cũng ghi nhận : tàu vận tải đổ bộ 996 của Hải quân TQ trang bị 3 bệ, 6 khẩu pháo 37 mm lao ra ngăn cản, đe dọa không cho vào gần bãi đá.
Ngư dân Nguyễn Sanh Thiện (sinh năm 1977, ở thôn Quý Hải, Long Hải, Phú Quý, Bình Thuận), chuyên đánh bắt hải sản ở vùng biển Trường Sa cho biết: Tại đá Chữ Thập, phía TQ duy trì nhiều ca nô cao tốc, các tàu cá vào cách 3 hải lý là bị đẩy đuổi, ban đêm thì bị cảnh cáo bằng pháo hiệu và trấn áp bằng đèn pha công suất lớn rọi thẳng vào buồng lái; ở đá Châu Viên, lính TQ sẵn sàng nổ súng chỉ thiên cảnh cáo, thậm chí bắn chặn trước mũi các tàu cá vào gần đánh bắt...
Mai Thanh Hải

12 tháng 4, 2016

VIỆT NAM, 1980: GƯỢNG DẬY TỪ ĐỔ NÁT

(Reds.vn) Việt Nam năm 1980. Những ngôi nhà mới được xây dựng trên miền quê bị tàn phá, nụ cười dần dần thay thế cho những đau thương mất mát...
Bà Lê Thị Nhiếp, người làng Bình Khánh, tỉnh Bến Tre kể: "Tôi bị dính bom napalm vào 3h chiều ngày 9/4/1964, khi ba chiến đấu cơ Mỹ ném bom xuống làng... Rất nhiều người chết dù không có binh sĩ Giải phóng nào trong làng. Tôi sẽ không bao giờ quên tội ác mà người Mỹ ra với cơ thể tôi. Bây giờ tôi phải chịu đựng đau đớn. Nhưng tôi không phải là ai đó quá quan trọng, đã có hàng nghìn trẻ em phải chịu thảm cảnh như vậy".

Trong một ngôi làng từng bị hủy diệt, những đứa trẻ của một số gia đình còn sống sót sau cuộc chiến đang chờ đợi những ngôi nhà được xây dựng lại.

Sau cuộc chiến, nhiều người dân làng bị li tán đã trở về miền quê của mình, nơi hứng chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh

Một tượng đài được dựng lên để tưởng nhớ những người dân vô tội bị giết hại trong chiến tranh.

Trường giáo dưỡng dành cho gái mại dâm ở TP. HCM, nơi các phụ nữ lầm lỡ được quan tâm chăm sóc, chu cấp về vật chất, học nghề và tham gia các hoạt động văn hóa.

Một học viên trong trại giáo dưỡng. Từ năm 1975 - 1990, nạn mại dâm được kiểm soát khá hiệu quả ở Việt Nam. Nhưng sự phát triển của kinh tế thị trường đã khiến hoạt động mại dâm bùng nổ thời kỳ sau đó.

Một chiếc ô tô chạy trên con đường chất đầy những bó lúa vừa gặt. Người nông dân tận dụng điều này thay cho việc đập lúa.

Trại trẻ mồ côi số 6, TP HCM.

Một cựu chiến bịnh bị chấn thương cột sống do mảnh bom trong thời gian hoạt động trên Đường mòn Hồ Chí Minh ngồi xe lăn trên con đường mòn của làng A Lưới, Huế.

Các mặt phẳng sạch sẽ, kể cả mặt đường Quốc lộ 1 thường được người dân tận dụng để phơi thóc lúc trời nắng.

Một quán nước phía ngoài Hoàng thành Huế.

Bé gái mặc áo dài ngồi phía ngoài đền thờ của đạo Cao Đài ở Tây Ninh.

Một người ăn xin tàn tật trên đường phố của TP HCM.

Cây rừng bị thiêu rụi để người dân làm nương rẫy. Những thân cây khô sau đó sẽ được tận dụng để làm củi.

Giáo sư - bác sĩ Tôn Thất Tùng (1912-1982) bên một bệnh nhi. Ông là một bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực gan và giải phẫu gan.

Trẻ em trong bảo tàng Chứng tích chiến tranh, TP HCM.

Người dân làm nông nghiệp trên những khoảng rừng bị đốt trụi.

6 tháng 4, 2016

TẠM BIỆT THỦ TƯỚNG

Tháng 11.2011, trước Quốc hội, Thủ tướng đã không ngần ngại: "Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa từ năm 1974".
Có lẽ, ông là lãnh đạo quốc gia duy nhất đến thời điểm này công khai nói ra một điều thực tế, hiển nhiên, tưởng rất đơn giản đó.
Những người làm ngoại giao, làm chính sách liên quan đến Biển Đông hẳn sẽ là những người luyến tiếc nhất. Mình tin vậy.
Tạm biệt Thủ tướng!..

(Đức Thiện)

GIỮ MỐC BIÊN GIỚI PHÍA BẮC - KỲ 3: SÓC GIANG CĂNG NHƯ DÂY ĐÀN

Mốc 646, ngày xưa người dân túc trực ngày đêm giữ đất
(Báo Thanh Niên) - Cửa khẩu Sóc Giang nằm cách khu di tích Pắc Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) chỉ chục km với hệ thống nhà cửa, đường sá khang trang như bao cửa khẩu quốc tế khác. Ít ai biết, mỗi ngôi nhà ở đây xây lên đều trầy trật vì sự ngăn cản từ phía… Trung Quốc.

Xây nhà trước họng súng

Ngày 28.8.1996, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức lễ mở cửa khẩu Sóc Giang - Bình Mãng và dự kiến xây dựng trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu ở vị trí cách mốc 114 khoảng 25m về phía Việt Nam. Thời điểm này, tình hình khu vực vẫn đang phức tạp nên UBND tỉnh Cao Bằng đã xin ý kiến của cấp trên. Ngay sau đó, Ban Biên giới Chính phủ đã có chỉ đạo bằng văn bản số 875/Bg (7.12.2006) và 101/Bg (25.2.1997), trong đó có ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trần Đức Lương, đồng ý với xây dựng trạm ở địa điểm dự kiến. Ngày 3.6.1997, bên ta chính thức khởi công xây dựng trạm.

“Ngay khi ta làm lễ động thổ, phía Trung Quốc đã phản ứng quyết liệt”, ông Nông Văn Nhà (57 tuổi, Trưởng xóm Nà Sát, Sóc Hà, Hà Quảng, Cao Bằng) nói. Ông Nhà nhớ lại: Ngày 7 và 8.6.1997, phía Trung Quốc đóng cửa biên giới, xua đuổi dân ta đi chợ Bình Mãng bên đó và mắc 2 loa phóng thanh công suất lớn hướng sang khu vực ta đang thi công, liên tục phát thanh tuyên truyền xuyên tạc, kích động, vu khống đe dọa ta.

Cũng thời điểm này, phía Trung Quốc cho một đại đội vũ trang đào công sự từ mốc 113 đến mốc 115, áp sát trước cửa khẩu và triển khai trên các nhà cao tầng đối diện và chĩa súng vào khu vực trạm Biên phòng (BP) của ta trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Trưởng xóm Nông Văn Nhà kể lại câu chuyện bảo vệ công nhân xây nhà
Đặc biệt, sáng ngày 7.6.1997, sau khi bố trí đội hình chiến đấu, phía Trung Quốc cho 10 binh sĩ mặc quần áo rằn ri mang súng AK tràn qua cửa khẩu vượt mốc 114 và dí nòng súng vào ngực cán bộ chiến sĩ BP và nhân dân đang đấu tranh ngăn chặn. “Mỗi ngày sau đó, họ huy động tới 150 người thường trực tập trung ở cửa khẩu định sang ngăn cản, phá hoại việc thi công của ta. Số này hò hét, đe dọa hòng làm công nhân xây dựng lo sợ, bỏ về”, ông Nhà kể.

“Hôm ấy tôi đang làm nương, thấy ai đó hô: Lính Trung Quốc tràn sang đất mình, không cho mình xây nhà. Ra giúp bộ đội đi”, ông Nông Văn Niêm (81 tuổi, ở thôn Nà Sát, Sóc Hà, Hà Quảng, Cao Bằng) nhớ lại những ngày đầu tháng 6.1997 và tỉ mỉ: “Mọi người dù đang làm nương, buôn bán, nấu ăn đều rầm rập kéo ra cửa khẩu, chỗ mốc 114 (nay là mốc 647). Tới nơi đã thấy lính Trung Quốc mặc quần áo rằn ri tràn sang đất ta, qua cả cột mốc và chĩa súng vào hàng đầu ngăn cản là bộ đội BP và cán bộ huyện xã đang khoác tay nhau đứng chặn, vừa không cho họ đi vừa giải thích.

Dân Hà Quảng này nghèo tiền nghèo bạc, chứ tinh thần giữ đất và không sợ Trung Quốc, thì giàu lắm!

Bà con của thôn chừng gần 100 người ùa ngay vào, đứng ngay sau bộ đội thành khối đông đặc, đẩy lính Trung Quốc sang bên kia cột mốc. Khoảng 10 phút sau, hàng trăm bà con các thôn Quý Xuân, Trường Hà, Xuân Hòa cũng rùng rùng kéo lên, nối thành vòng người chắn dọc biên giới. Ai nấy đều bừng bừng sắc mặt, giơ nắm tay hô: “Đất này của Việt Nam! Lính Trung Quốc về đi!”, khiến lính Trung Quốc chùn chân, chỉ giơ súng dọa và lùi dần chứ không dám tiến lên đẩy người, định đánh đập công nhân xây dựng như lúc trước…”.

“Lúc ấy, tốp lính tràn sang lăm lăm súng chĩa thẳng vào dân ta. Ở mấy nhà cao tầng bên kia biên giới, lính của họ chạy hết ra công sự, nép sau nhà cao tầng chĩa cả súng máy, súng trường xuống chúng tôi. Tôi hô bà con: “Mình mấy trăm người, nó mấy chục người, nếu có bắn cũng không bắn được hết cả nghìn người của xã này đâu. Bà con đừng sợ” và lao lên đẩy bật thằng đang chĩa súng vào ngực tôi. Bà con thấy vậy cũng ào ào lao lên, miệng hô phản đối, giống như biển người”, ông Niêm cười sảng khoái: “Dân Hà Quảng này nghèo tiền nghèo bạc, chứ tinh thần giữ đất và không sợ Trung Quốc, thì giàu lắm!”…

Ông Nông Văn Niêm (giữa) kể chuyện giữ Nà Khum
Căng thẳng nhất đối với lực lượng thi công và bảo vệ là từ 6-10.6.1997, mỗi ngày phía Trung Quốc cho 150 người thường trực tập trung ở cửa khẩu ngay sát biên giới và có lực lượng dự bị phía sau định tràn sang ngăn cản, phá hoại việc thi công của ta. Phía Trung Quốc có những hành động lời nói đe dọa, khiêu khích lực lượng đấu tranh của ta để tạo cớ tràn sang phá hoại công trình. Đối mặt với họ là hàng nghìn người dân Hà Quảng, chia làm 3 tuyến giăng hàng bảo vệ các công nhân và việc thi công trạm liên hợp. Đến giữa tháng 7.1997, khi công trình xây xong phần thô và đổ trần tầng 1, phía Trung Quốc mới ngưng việc tập trung người”, ông Hoàng Thế Vinh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sóc Hà kể lại.

Bảo vệ Nà Khum

Ngay từ năm 2003, các đơn vị thi công của tỉnh Cao Bằng đã tiến hành mở tuyến đường tuần tra biên giới theo kế hoạch của Chính phủ và hoàn tất thi công từ mốc 116 sang hướng đông mốc 115, sát khu vực Nà Khum (Sóc Hà, Hà Quảng).

Tháng 8.2004, đội thi công tiếp tục mở tuyến từ hướng đông mốc 114 (nay là mốc 647) sang hướng tây mốc 115 (nay là mốc 644-1), cách khoảng 100m thì phía Trung Quốc ngăn cản, không cho thi công. Ròng rã gần 1 năm trời hội đàm khẳng định chủ quyền và viết thư phản kháng phía Trung Quốc ngăn cản vô lý, tháng 1.2005, UBND huyện Hà Quảng quyết định thi công tuyến đường, trong các ngày 29-30.1.2005 với 150 bộ đội, nhân dân bảo vệ 10 công nhân.

“Đúng như dự đoán, công nhân vừa đến thì lính BP Trung Quốc đã ra ngăn cản và sau đó, 90 lính Trung Quốc cải trang thành dân binh ào ra khiêu khích, chửi bới, kích động”, ông Hà văn Bình, Bí thư Chi bộ xóm Trúc Long (Sóc Hà) kể lại và nói thẳng: “Lính họ đi lại phía bên kia biên giới suốt, cách chúng tôi vài chục mét nên lạ gì mặt! Họ cải trang thành dân binh, chúng tôi phát hiện ngay. Dân binh gì mà dùng cuốc xẻng gậy gộc thành thạo như đánh lưỡi lê, bánh súng vậy?”.

Giằng co suốt gần 1 ngày, những người dân và bộ đội BP Sóc Hà xếp thành vòng cung bảo vệ công nhân và đẩy đuổi lính Trung Quốc tràn sang. Không thể phá vỡ vòng vây bảo vệ, lính Trung Quốc chĩa súng vào ngực những người dân, bộ đội BP Sóc Hà dọa bắn, nhưng vòng cung càng thêm chắc chắn. Bất lực và hèn hạ, lính Trung Quốc dùng gạch đá ném như mưa vào đội hình, khiến nhiều người bị thương, đổ máu. Không run sợ trước áp lực của Trung Quốc, cả trăm người kiên quyết bảo vệ việc thi công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ông Nông Văn Niêm (thôn Nà Sát, Sóc Hà) chỉ cho tôi xem vết thương ở ngực, do gạch đá lính Trung Quốc ném tới tấp, khi tham gia nhiệm vụ bảo vệ Nà Khum ngày 29.2.2005: “Tôi đi giám định, bị thương tật 21% và được công nhận thương binh” và bảo: “Thương binh vì giữ đất như tôi, ở vùng Sóc Hà này nhiều lắm. Đất của Tổ quốc, dân Cao Bằng dù chết cũng quyết giữ, đâu cần danh hiệu này kia!”…

(Còn nữa)

Mai Thanh Hải

Kỳ 4: Sắt son Nho Quế

Sông Nho Quế chảy vào Việt Nam tại xã Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) và trước khi chính thức chảy hẳn vào nội địa nước ta để đổ nước vào Sông Gâm (Cao Bằng), vẫn quặn dòng cả chục km làm ranh giới 2 nước Việt Nam - Trung Quốc. Ở đoạn biên giới sông thẳng đứng hẻm vực này, còn lưu giữ bao câu chuyện về những người Mông địa đầu Tổ quốc tay không chống chọi với lính Trung Quốc giữ xóm làng, mét nước, bờ sông.

NỤ CƯỜI TRONG LỬA ĐẠN, MIỀN BẮC 1973


Những đứa trẻ Nghi Tàm phấn khích khi được chụp ảnh.



(REDS.VN) - Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27/1/1973 đã chấm dứt trên danh nghĩa sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Việt Nam.

Trong khoảng thời gian này, người dân miền Bắc bắt đầu thực hiện nỗ lực xây dựng lại đất nước sau những đợt ném bom rải thảm của quân đội Mỹ bằng pháo đài bay B52 vào cuối năm 1972…

Có mặt tại miền bắc Việt Nam trong tháng 3/1973, nhiếp ảnh gia Werner Schulze đã ghi lại nhiều hình ảnh quý giá về công cuộc tái dựng miền Bắc.

Xuyên suốt các bức ảnh của ông, người xem có thể cảm nhận được tinh thần lạc quan và hi vọng tràn đầy của quân và dân miền Bắc qua những nụ cười rạng rỡ.

Nụ cười tươi rói của một chàng trai trẻ đang thực hiện công việc sửa chữa cầu Long Biên, bắc qua sông Hồng ở Hà Nội. Cây cầu này đã bị hư hại nặng nề sau nhiều đợt không kích của không quân Mỹ.

Một người lính bế đứa con gái nhỏ. Anh được giao nhiệm vụ sửa chữa đoạn đường Quốc lộ 1 tại địa phận Hà Nội.
Một thanh niên xung phong làm nhiệm vụ xây cầu tạm bên một bờ sông ở Đồng Hới, cách vĩ tuyến 17 – ranh giới phân chia miền Nam và miền Bắc Việt Nam không xa.


Các học sinh ở miền Bắc Việt Nam đều đeo khăn quàng đỏ.

Một học sinh nữ trên sân trường.

Những người lính Bắc Việt đang ghép một chiếc cầu phao gần vĩ tuyến 17.

Những người dân dắt xe đạp qua phà ở phía Đông Nam Đồng Hới.

Cũng là một nụ cười trên đất Bắc Việt, nhưng là của một lính Mỹ. Anh là một trong 116 phi công và nhân viên quân sự Mỹ bị bắt sống tại miền Bắc, được trao trả cho Mỹ theo thỏa thuận 12/2/1973.

Các bé gái đang chuẩn bị một bữa ăn trưa đạm bạc bên những gian nhà tạm ở phố Khâm Thiên, dãy phố đã bị không quân mỹ san phẳng vào cuối năm 1972.

Một người công nhân trên công trường sửa chữa cầu Long Biên.



5 tháng 4, 2016

TÌM CÔ BỘ ĐỘI, NGÀY 30.4.1975

Cô bộ đội từ rừng vào phố, quá trẻ và quá ngỡ ngàng bên hàng kem, nước giải khát sau khi vào Sài Gòn, ngày 30.4.1975.
Ai có nhận ra cô và giờ cô ở đâu, thì chỉ mình với?..


(Photo: Jean Claude Labbe, PV Pháp).

GIỮ MỐC BIÊN GIỚI PHÍA BẮC - KỲ 2: RẬP RÌNH BẢN GIỐC

Một bè du lịch Việt Nam chở khách thăm Thác Bản Giốc
Các mốc 835, 836 (chính - phụ) được cắm tại khu vực Thác Bản Giốc (Đàm Thủy, Trùng Khánh, Cao Bằng) năm 2001 đã tạm chấm dứt các vụ tranh chấp. Nhưng với người dân Đàm Thủy, tinh thần cảnh giác vẫn luôn thường trực và sẵn sàng có mặt bên mốc giới - đường biên, chỉ sau 3 tiếng kẻng.

Tiếng kẻng giữ đất

Ông Lý Viết Coỏng, nguyên Đồn trưởng Biên phòng (BP) Đàm Thủy, về nghỉ hưu năm 2007 khi là thượng tá, Phó trưởng phòng Trinh sát, Bộ Chỉ huy (BCH) Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cao Bằng nhớ lại: Thác Bản Giốc là thác nhiên nhiên thuộc xã Đàm Thủy (Trùng Khánh, Cao Bằng), nhưng phía Trung Quốc cũng nhận của họ và gọi tên là thác Tắc Then, thuộc công xã Thạch Long, huyện Đại Tân (tỉnh Quảng Tây). Khu vực Thác Bản Giốc tính từ các thửa ruộng Thoong Bốc đến sát chân núi nhánh song cực Bắc của thác. Các cồn đất của thác gồm: Pò Thoong, Pò Rư, Pò Bắc, Lũng Chang đều do nhân dân ta ở các bản đó quản lý và sản xuất canh tác. Khu vực này có mốc 53, 53 phụ và mốc 54.

Toàn cảnh Thác Bản Giốc - Ảnh: Độc Lập
“Từ năm 1965, phía Trung Quốc đã có ý đồ lấn chiếm Thác Bản Giốc, xây dựng trạm thủy điện ngay cạnh nhánh sông cực Bắc và ngăn nước trên nhánh sông này hòng thay đổi dòng chảy, có lợi cho họ. Những năm sau đó, lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc nhiều lần xâm nhập lãnh thổ ta, ngăn cản BĐBP và nhân dân ta đi lại với mức độ ngày càng tăng, diễn biến rất phức tạp, nhất là trong năm 1975-1976. Thậm chí họ còn ngang ngược nhận đường biên giới đi qua dòng phía Nam của thác, Cồn Pò Thoong là lãnh thổ của họ”, ông Cỏong rành mạch vậy và chi tiết: “Từ lúc ký Hiệp ước Biên giới đất liền tháng 12.1999 đến cuối 2004, phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ làm cầu khu vực thác, làm bè mảng để đưa dân và du khách vào chân thác tham quan du lịch và nhất là xâm nhập Cồn Pò Thoong, làm đường ra mốc 53 lấn sang đất ta”.
Ông Trần Quý Sơn, nguyên trưởng thôn Bản Giốc
“Cuộc đấu tranh ở khu vực Cồn Pò Thoong và đoạn từ đỉnh thác nối đến mốc 53 là ác liệt nhất và tiên phong là người dân các thôn ở Đàm Thủy”, nguyên Đồn trưởng BP Đàm Thủy nói.

Tay không giữ cồn Pò Thoong

Ông Trần Quý Sơn (57 tuổi), nguyên Trưởng thôn Bản Giốc hồi tưởng: “Nóng nhất là thời điểm 1998-2000, khi manh nha các dịch vụ du lịch dưới chân thác, bè chở khách Trung Quốc đi qua đường trung tuyến, áp sát bờ sông phía Việt Nam, thậm chí còn định cho người Trung Quốc nhảy lên. Ngăn cản các hành động này, hàng trăm người dân thôn Bản Giốc đã cắt cử nhau ra trực ven bờ sông Quây Sơn” và cắn môi: “Chúng tôi chuẩn bị sẵn gậy gộc. Cũng chỉ dọa và sử dụng trong trường hợp họ nhảy lên đất ta. Nhưng bên họ thì dùng gạch đá ném thẳng vào chúng tôi làm nhiều người bị thương”.
Ông Nông Tài Nghĩa (phải) và PV Thanh Niên bên mốc cũ 53 

“Hồi ấy, có 1 doanh nghiệp dựng quán bán hàng dưới chân thác, bên họ còn định tràn sang ngăn cản nên dân chúng tôi cũng hô nhau ra giữ đất. Sau 2-3 ngày căng thẳng ném đá, họ lợi dụng đêm tối bơi sang đốt hết quán xá”, ông Trần Quý Sơn kể.

Trên đỉnh thác Bản Giốc có gần 100 hộ dân thôn Cô Muông bao năm canh giữ mốc giới cùng tổ công tác BP của Đồn BP Đàm Thủy.
Dẫn tôi ra thăm chợ tự phát đường biên, ông Nông Tài Nghĩa chỉ cột mốc 53 bằng đá cũ kỹ được cắm từ thời Pháp - Thanh đứng ngay ngắn cạnh mốc 835 và kề đó là mốc 835 (1), bảo: “Hồi hoàn thành phân giới cắm mốc, phía Trung Quốc đòi nhổ mốc 53 cũ nhưng bên ta kiên quyết không cho” và cười: “Dân họ chỉ đi vào mấy bước là dân mình ngăn chặn ngay. Không cần đến BĐBP”.

Phía TQ ghi “Dẫn đường cho nhân viên khủng bố là hành vi phạm tội”
Còn ở ngọn núi sau Tổ Công tác BP của Đồn BP Đàm Thủy, vẫn sừng sững chòi canh xây gạch cũ kỹ, đối mặt với cả các cột camera nhìn chòng chọc sang đất ta. Đại úy Nông Tiến Hùng, Tổ trưởng công tác BP nghiêm nghị: “Anh em ngày đêm canh gác. Ở trên đây, không bao giờ được mất cảnh giác, không được để Tổ quốc bị bất ngờ”…

(Còn nữa)
 
Mai Thanh Hải

Kỳ 3: Sóc Giang căng như dây đàn

Cửa khẩu Sóc Giang nằm cách khu di tích Pắc Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) chỉ chục km với hệ thống nhà cửa, đường sá khang trang như bao cửa khẩu quốc tế khác. Ít ai biết, mỗi ngôi nhà ở đây xây lên đều trầy trật vì sự ngăn cản từ phía… Trung Quốc.

Chòi gác trên núi của Tổ Công tác Biên phòng gần đỉnh thác Bản Giốc - Ảnh: Độc Lập
Cờ Tổ quốc tung bay trên Trạm Kiểm soát BP Bản Giốc - Ảnh: Độc Lập