7 tháng 1, 2012

CHÚNG NÓ ĐANG RÉT, RÉT LẮM!

Trần Đăng Tuấn - Sáng sớm hôm qua (6/1) đọc bài của Lana, của Sống Thật chậm về chuyến đi Pa Cheo. Bài của Sống Thật chậm chưa kể gì đã nói ngay về chuyện vui mà cũng ”nặng lòng”. Quà cho Mầm Non chu đáo hết mực, chuyến đi thật thành công, mà nặng lòng thì là sao?.

Mình nói thật là chỉ đọc đến đấy, mình đoán ngay rồi. Đã đi nhiều các trường, mình biết là Pa Cheo hơi khác ở chỗ Mầm Non không ở độc lập như ở Dền Thàng, Y Tý, A Lù hay Sín Thầu, Mường nhé, Mường Nhà…..mà "ở nhờ” tiểu học và các lớp lớn hơn. Pa Cheo nghèo thế thì chắc chắn nhìn bọn Tiểu học cũng sẽ rất xót lòng.

Mình cũng đã gặp nhiều tình huống bọn anh chị học Tiểu học hay đẾN lớp bọn Mầm Non đợi em để cùng về.

Khổ nỗi chúng nó cũng chẳng nhỉnh hơn lũ Mầm Non là bao, nên nhiều khi, như ở Điện Biên, tiếng là phát áo cho Mầm Non, nhưng cũng ” tặc lưỡi” phát cả cho chúng nó.

Vì vậy mà lên Điện Biên bọn mình đã mang số áo lên nhiều hơn danh sách, để còn phòng bị. Mà cũng chẳng đủ đâu !
Lớp ghép

Đọc tiếp thấy đúng là vậy.

Đọc bài  Lana lại càng hiểu cái tâm trạng ấy. Rồi bài của Mẹ Còi còn cụ thể hơn về cái khổ tâm khi không che chắn cái rét được cho những đứa ngay ở bên.

Không biết , không nhìn thấy thì thôi, chứ nhìn thấy rồi, khó mà về Hà Nội ăn Tết ngon được đâu.

Mình gọi điện cho anh Khôi, nói có lẽ vẫn phải mua áo cho Tiểu học Pa Cheo , lại vay nợ đi, dù áo Điện Biên chưa hết nợ.

Nhưng anh Khôi nói cả đoàn đi Pa Cheo trên đường về đã sục sôi chuyện đó rồi. Bên đó sẽ lo vụ này. Nói thật, cũng nhẹ người, vì trong ngày hôm nay (6/1) còn phải mua 240 áo cho mầm non Suối Giàng nữa.

Trên đường đi làm , rẽ qua cửa hàng quần áo. Cô chủ tên Lan, hóa ra chồng là quay phim bên Hãng phim truyền hình ( VFC). Áo rất đẹp. Các cháu mặc thế này quá mốt so với…Hà Nội. Giá nhập hàng là 135.000 đ/ cái. Loại này thấy bày bán ở ngoài cỡ 200-250 ngàn. Cửa hàng chỉ thu 100.000 đ/ cái, còn lại coi như góp phần ” cho chúng nó”.
"Cơm thịt viên" cũng biết dạy các con đấy
Chở áo về, nhờ các bạn ở Công ty lên phân loại, mừng là áo đẹp.

Về phần mình, anh chị em ở đây lẳng lặng rủ nhau góp tiền, hỏi nhỏ mình : Anh giới thiệu  một điểm trường chúng em mang quà Tết lên ”cho chúng nó”.

Cậu đại diện cho nhóm ấy nói đến đây gãi đầu gãi tai , rồi thêm : ” Điểm…be bé thôi, anh ạ, chứ bọn em …ít tiền”.

Mình giới thiệu Lao Chải, có 60 đứa. Thế là cũng đi mua áo rét, rồi khăn mặt, xà phòng, chậu….

Lên đó, còn phải huấn luyện thì chúng nó mới biết đánh răng, rửa mặt đấy. Cả cái Tiểu học Lao Chải, lên chẳng thấy có cái khăn nào vắt cả. Đánh răng chắc càng không.

Mình để ý, thấy chúng nó ( tức là bọn trong Công ty ấy) cứ ngóng ngày phát lương. Hình như náo nức đăng ký tham gia nhiều, nhưng đa số nói sẽ nộp tiền luôn vào ”ngày ấy”.

Quân mình ở đây lương không thấp, thậm chí là cao, so với mặt bằng làm báo, nhưng mà vào thời điểm như thế này, không lại được với các khoản chi tiêu mà giá cả cứ tăng lên chẳng dần dần. Mình ngờ chúng nó vẫn đi mua, nhưng toàn kiếm chỗ quen để... mua chịu.
Lana đã khóc, trước "cơm không thịt" của Tiểu học Hán Nắng (Bát Xát, LC)

Dù sao thì đã có 300 áo mới xếp đày phòng. Lại cho người ghé xuống kho Cầu Diễn của Thúy, lấy về khá nhiều quần áo cũ được chọn lọc rất kỹ. Cũng thêm một thùng 10 áo rét mới cứng nữa một bạn đã ủng hộ.

Vì thế lúc nghỉ ăn trưa cũng thấy thoải mái. Pa Cheo có người lo rồi. Lao Chải và Suối Giàng đủ áo rồi, có thể cả Nậm Khắt nữa, nếu cố chút nữa.

Rồi bỗng nhận được cái nhắn tin của Mai Thanh Hải : ” Em vừa đưa lên blog của em bài về Dền Thàng”. Mở ra đọc luôn.

Đọc xong thấy đắng cả miệng, không muốn ăn nữa. Có nhiều lý do để bọn mình luôn quan tâm đến Dền Thàng. Trước hết, vì Dền thàng nghèo nhất ở Bát Xát. Thứ nữa, "Chiến dịch cơm thịt cho Mầm Non” bắt đầu chính ở đây mấy tháng trước. Dền Thàng đã nổi lửa nấu cơm có thịt, đã có chăn, có đệm xốp, có áo, có phích đựng nước nóng….

Nhưng hồi đó mùa thu, mới mua áo nỉ. Trên ảnh thấy có đứa vẫn mặc loại áo đó. Nhưng giờ đã là mùa  đông cũng đã. Lại gọi cho anh Khôi, người cũng rất sốt ruột trước những gì đã thấy.
Cơm không thịt của Tiểu học Hán Nắng, Bát Xát, Lào Cai

Gọi lên gặp cô giáo, có ý trách cứ. Nghe cô giáo nói như mếu, chùng lòng lại. Các cô không có lỗi khi trẻ chưa có tất, có giày. Có lý do gì đó mà vào thời điểm mọi người đến, các cô chưa trải thảm xốp, khiến chúng nó lạnh. Chỉ có thể trách điều đó thôi.

Nhưng chúng ta đến rồi đi, còn các cô hàng ngày ở đó, họ đâu có chắc rằng những tấm thảm này rách, thì sẽ có tiền mua cái mới .

Nói với anh Khôi : Phải mua áo cho bọn Dền Thàng ngay thôi. Nhất trí rồi. Nhưng nguồn cô Lan lại chỉ còn áo con gái, ít áo con trai lắm. Và nếu nói về tiền, thì hơi be bét.

Định trong ngày lo đủ mấy chục triệu ứng cho áo Suối Giàng trước đã. Thêm 250 cái áo nữa, là hơi gay.

Do vậy buổi chiều, khi thằng bạn gọi điện rủ đến một quán nhậu ” tất niên sớm”, mình thậm chí hơi cáu, nói rằng thôi, tao đang bận. Nó cứ hỏi , nên cũng nói tao đang phải mua kỹ được ít áo. Nó oang oang trong điện thoại : ” Cho chúng nó chứ gì ?. Anh đến đây, em ủng hộ ngay 5 chục triệu”. Mình đổi giọng ngọt ngào "Thế ở đâu , xong việc anh tới?”.
Lạnh đến 8 độ C đấy

Tối về, cập nhật ủng hộ trong ngày, thấy kể cả 5 chục triệu ( và 5 triệu nữa một ông bạn ngồi đó góp thêm) thì số tiền ủng hộ trong ngày , kể cả vào tài khoản, kể cả trao trực tiếp để mua áo, lên tới cỡ 85 triệu.

Con số khá kỷ lục của ” Cơm có thịt”. Thực ra, nếu tính hết, thì đóng góp của mọi người không phải ở mức trên 1,5 tỷ đâu.

Thực tế nó nhiều hơn, do tiền quần áo ủng hộ trực tiếp ít phản ánh trong tài khoản.

Còn nhớ lần trước một bạn mua ủng hộ 300 cái áo nỉ, có thống kê vào số tiền ủng hộ đâu, mà là hiện vật. Rồi 200 cái áo cho Suối Giàng nữa cũng được bạn bè ” cho không biếu không”.

Tất nhiên, cũng có một số bạn gửi vào TK ủng hộ nói rõ là để mua áo. Cái tiền ấy mình hiểu các bạn chữa cháy cho mình và anh Khôi, luôn ” mua trước, trả sau” vụ áo rét.

Tính ra, đủ tiền mua cho Dền Thàng rồi. Vụ áo cho Điện Biên rồi chắc cũng sẽ gom đủ tiền thôi, nhưng cấp bách hơn là Dền Thàng. Bàn với anh Khôi ngày chở đi Dền Thàng.

Về cuối, anh này ” tương” luôn một câu”: Anh xem, hay là ta nhân chuyến đi, mua thêm áo cho bọn trẻ Vàng Ma Sáo. Ngay gần đấy ít cây số, mà chúng nó cũng …rét, rét lắm !”
Chúng nó quá xinh

Bây giờ lại phải hỏi, xem  ao tốt mà rẻ còn ở đâu. Còn tiền…lại vay thôi.

Mình chợt nhận ra mấy anh em dạo này hay quy mọi cái thành.. áo. Ăn ốc, ngao vỉa hè xong, trả tiền, cũng có cậu buột miệng : "Dạo này đến ngao ốc cũng đắt, ăn mất ba cái áo của chúng nó rồi !”.

Đi trên phố, nhìn thấy người ta làm đồ hàng mã cúng cầu gì đó, cũng sốt ruột : ” Giời ạ, đốt cái kia có khi là đốt cả mấy chục cái áo của chúng nó ! “

Chúng nó đang rét. rét lắm. Lạ thật, cũng chỉ là cơm no, có chút thịt, và áo ấm thôi. Chúng nó bé lắm, có đòi hỏi gì hơn đâu. Và thương nhất là trẻ miền núi nói chung chẳng bao giờ đòi hỏi cả. Rét thì chúng ngồi khoanh tay, cố hát theo lệnh cô ( như Mai Thanh Hải miêu tả).

Một cuộc điện thoại đem lại niềm vui : Tại Vàng Ma Sáo, mới chuyển tiền hỗ trợ tháng 1 được một ngày, các cô báo là có  thêm nhiều phụ huynh nghe thấy vậy đã đưa con đến lớp. Sĩ số tăng lên 8 cháu.
2 chị em sinh đôi đấy

Đêm xem email. Đây là một vài thư trong số đó. Nhóm cơm thịt chẳng bao mệt mỏi đâu, vì hai lẽ : nhìn thấy trẻ con và nhận được những lời như thế này từ những người chưa gặp lần nào.

“Chúng tôi là 3 chị em ruột : Chị Hiền – anh Hiển – và tôi là Hợi.  Lũ chúng tôi là dân Saigon xưa đã về hưu được hơn chục năm rồi.Đọc và được xem những tấm hình chụp các trẻ em ở trên cao .. đau lòng quá.. buồn quá..  may mà có các anh nên đời còn .. dễ thương nhiều lắm

Các cháu thiếu ăn – thiếu mặc – thiếu dép giầy .. nghèo – đói – rét – lạnh .. nhưng dung mạo tươi tắn  mắt trong veo má hồng đào thấy thanh  sạch và tinh khiết lắm.  Trẻ em thành thị của chúng ta ít có vẻ hồn nhiên trong sáng này..

 Cầu xin chư Phật chư Bồ Tát chư hiền thánh tăng độ cho các anh đặng mọi sự an bình may mắn vững bước trên các ngả đường quanh co lên những miền cao hóc hiểm mang món quà nhỏ của mọi người cho các cháu có chút niềm vui trong bữa cơm hàng ngày.

 Công đức này – nói hơi quá một chút – thật là đội đá.. xây niềm tin… xứng đáng cho sự an tâm trao gữi lòng tin quý của mọi người.

 Kính chúc các anh và quý quyến nhiều sức khỏe.. nhiều an lành.”
Chân trần đấy nhé

” Kinh thua anh Tuan qua cac trang blog tinh co em co doc duoc bai viet cua anh ve tre con vung cao,da nhieu lan em muon lien he voi anh nhung thuc tinh em song o xa nen cung chua biet bat dau tu dau.Dau thu cho em xin duoc tu gioi thieu em ten la Trinh song cung chong va 2 con tai Duc ,em muon trinh bay voi anh mot van de em muon ca gia dinh em cung nhau hang thang chia se nhung kho khan cung cac chau ,nhung thong qua tai khoan cua anh em khong chuyen duoc ,em chua ro ly do nen nhan tien co chi ban sang cong tac em gui truoc ve 200 eur , sau do em can xin anh so dien thoai de cho chi ban em lien lac chuyen tien.Tiep theo em muon xin anh tai khoan co the chuyen tu nuoc ngoai ve duoc vi moi thang em muon gui 50 eur ve dong gop.Em mong anh tra loi thu som ,vi song o nuoc ngoai lau cau chu co phan lung cung xin anh thong cam cho em nhe .Xin chao anh chuc anh va gia dinh luon manh khoe!

Gia dinh Giang, Trinh, Nhung ,Hoang! “
Hết giờ học, mỗi đứa 1 ghế về thôi

” Kính chào anh Tuấn

 Em muốn góp cho chương trình khoảng 200 chiếc áo ấm, là áo đồng phục 2 lớp cho các học sinh tiểu học, cỡ áo dành cho trẻ từ 5 dến 8 tuổi.Vậy anh cho em biết là em sẽ liên hệ với ai, địa chỉ, số ĐT?Và bao giờ các anh đi? đi vùng nào ạ? Nếu xe có chỗ và nếu em sắp xếp đi được thì cho em đi cùng với có được không?

Mong anh sớm trả lời

 Trân trọng!

 HOÀNG VĂN HÀO

Chuyên viên Khách hàng tài chính Cá nhân
-------------------------------------------


BÁO CHÍ PHƯƠNG NAM

Mai Thanh Hải - Dạo này, chả quan tâm đến Thời sự - báo chí nữa. Có lẽ vì do công nghệ mạng, lướt phát là ra tỷ thông tin. Nhưng quan trọng nhất là báo chí chả có thông tin gì mới, bổ ích như các trang mạng xã hội, bờ lốc bờ leo... 

Chiều qua ngồi họp ở Sheraton, trong phòng họp tầng 4 chán như con gián nên lẻn ra ngoài, đuổi cu Thắng vào chụp ảnh - quay phim, để mình làm chân... đón tiếp báo chí.

Mình hóa thân vào vai nhân viên Đối ngoại cũng oách ra phết: Nhoẻn miệng cười duyên khi các "quý anh chị báo chí" bước chân rầm rập, mặt vênh lên đưa danh thiếp; nhẹ nhàng, cung kính trả lời những yêu cầu của các "quý anh chị" và 2 tay lễ phép đưa tài liệu cho "các anh chị" tham khảo viết bài...

Ấy thế mà khi trả lại ghế cho cu Thắng, mình đếm được cả thảy 130 phóng viên đến dự Hội nghị với 1 gang tay dày khự, toàn danh thiếp đủ mọi kích cỡ, màu sắc, cách trình bày nhá!. Mấy đứa trong Văn phòng phía Nam cười lăn: "Bác làm giả như... thật!".

Tối, ngồi vỉa hè Lê Đại Hành cùng mọi người. Câu chuyện loanh quanh, lại bàn về báo chí. Ai cũng "chửi" Tuổi trẻ và bàn nát việc Hoàng Khương.

Ôi Giời!. Lâu lắm rồi, nghề báo mới được nhắc nhiều đến như thế. Vụ này, dễ chừng là chiêu PR của Tuổi trẻ, để người đọc nhớ lại cái tên...

Thế nhưng nói gì thì nói. Đất Sài Gòn hợp với mọi việc làm ăn, kinh tế và nhất là làm báo.

Chả thế mà 1 Hội nghị xoàng xoàng, cũng có tới 130 phóng viên đến dự (chả biết khi về có đưa tin không).

Cầm 1 tờ báo phía Nam, cũng thấy thoáng đãng, dễ gần và cũng còn có những chuyện dân sinh đáng đọc, khác với tờ báo phía Bắc, nặng trịch, chữ đen sì rối mắt và nội dung rặt chính trị - chính em, rức hết cả đầu...

Nhân chuyện báo chí dịp này, mình khoe mọi người ít hình về "công tác phát hành - quảng cáo" của các báo trong phía Nam, để báo Bắc biết mà học.

Làm báo mà cứ trông mong vào Cty Phát hành báo chí Trung ương, thì sớm muộn cũng chết sặc tiết, vì cái kiểu trông chờ, dựa dẫm thời bao cấp xa xưa...

Chặn gạch và bày bán ngay trên vỉa hè

Báo Đảng địa phương (Báo Vĩnh Long) cũng ra được sạp, lên tay bán dạo đấy nhé

Ấn phẩm dành cho Khoai Tây

Sách giáo khoa
Thêm chú thích

Báo "Đầu ti" ngày xưa oách dư này chứ. Bây giờ thì chả được 1 phần móng tay tý tẹo...







SAU CUỘC CHIẾN

Hình ảnh được chụp tại Đông Hà, Quảng Trị năm 1985 và đăng trên trang Corbis. Cách "mang vác" 6 khẩu AK của người lính này và 5 khẩu bị tháo hộp tiếp đạn, nói lên rất nhiều điều về ước vọng hòa bình...

6 tháng 1, 2012

SÀI GÒN GÓP ÁO ẤM CHO DỀN THÀNG

Mai Thanh Hải - Cả ngày lu bu họp hành, tiếp xúc nhưng vẫn tranh thủ giờ nghỉ trưa, post câu chuyện lít nhít trẻ con run cầm cập vì rét, tại Dền Thàng (Bát Xát, Lào Cai).

Từ khi bài lên trang, điện thoại của mình cứ rung lên bần bật suốt vì những bạn bè mình, bạn đọc của mình hỏi chuyện Dền Thàng. Hình như, ai cũng khóc, giống như mình. Và ai cũng muốn góp 1 thứ đồ gì đấy, cho những lít nhít vùng cao đỡ rét.

Xúc động lắm. Cu Sơn, Giám đốc 1 doanh nghiệp nho nhỏ ở tận Sóc Sơn (Hà Nội) hớt hải: "Em góp 2 củ (2 triệu đồng), anh mua áo rét và tất cho chúng nó nhé!". Mở email, rưng rưng nhất là email của bạn đọc Nguyễn Kim Thanh (để nguyên văn): "Chi vao blog cua em doc tin ve bon tre thuong qua,em cho chi so dt cua em de chi gui 2 trieu mua them ao ret cho chung no nhe,chi muon gui tan tay vi biet bon em lai chuan bi di nua,so dt cua chi 0906231968,em goi luc nao chi se mang toi dua em,chi o kim ma". Xin cảm ơn mọi người...


Và bây giờ, mình đang ngồi ở quán vỉa hè 31, Lý Tự Trọng, P. Bến Nghé, Q.1 với mấy người bạn Sài Gòn. Mọi người đều nghèn nghẹn nhắc lại chuyện Dền Thàng và đều muốn góp ít gì đó, cho bọn trẻ con vùng cao. 


Đang ngồi nói chuyện về bọn lít nhít vùng cao, chợt thấy 2 bạn trẻ ngồi cạnh nhìn sang hỏi: "Anh là Mai Thanh Hải, mới viết về bọn trẻ con sắp chết rét vùng cao?". Thì ra, ai cũng quan tâm đến trẻ con và 2 bạn là vợ chồng.  Chồng tên Thanh, làm Kiến trúc sư. Vợ tên Phương, làm Cty Quảng cáo. Ối Giời! Vậy thì ghép lại chung bàn và cùng góp mỗi người 1 tý, cho bọn trẻ con vùng cao Tây Bắc Dền Thàng nhé!..


Vậy là mình lại muốn khóc, cho bọn lít nhít Tây Bắc Dền Thàng lạnh đến 3 độ C ở nơi Sài Gòn ấm áp và nóng đến 25-26 độ.


Xin cảm ơn mọi người!.. Và đừng để mình lại nghèn nghẹn thêm nữa, vì những đứa bằng tuổi con chúng mình...


Cập nhật số ủng hộ tại chỗ cho bọn lít nhít:


1/ Nguyễn Đức Sơn (TK 15, xẹc 55 Nguyễn Cảnh Chân, P Cầu Kho, Quận 1): 1,000.000.00
2/ Nguyễn Phúc Ấn (Giảng viên Khoa Xây dựng và Điện, ĐH Mở, TP. Hồ Chí Minh): 500,000.00
3/ Vợ chồng Lý Quốc Thanh (Cty Serenity) + Tran Ho Lien Phuong (Cty Ambient) : 500,000.00
4/ Blogger Hãy Dành Thời Gian: 500,000.00
5/ Đoàn Thị Ngọc Thư (SV năm thứ 4, ĐH KHXH&NV): 100,000.00
6/ Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc: 50,000.00.
---------------------------------------------------
Tổng cộng: 2,650,000.00


Vợ chồng Thanh - Phương đang nghe bác Ấn kể chuyện "xưa và nay"







ĐÃ BẬT KHÓC, NGAY TẠI DỀN THÀNG

Chân không tất, giữa trời 3-4 độ C
Mai Thanh Hải - Trường Mầm non Dền Thàng (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), điểm trường chính nằm ngang lưng chừng dốc, trên đường từ Mường Hum nhẫn nại ngược lên đỉnh cao Y Tý hun hút sương mây.

Trời càng về trưa, càng lạnh đến nhức óc. Đã thế, mưa còn đổ xuống ào ạt từ sáng, phụ họa thêm cho khí lạnh giữ cứng những giọt nước đọng trên lá, trên cây đóng thành băng...

Ngồi trong xe, bật điều hòa nóng, trùm hết các loại mũ khăn, áo khoác lụng thụng, nhưng vẫn run lẩy bẩy. Ngước mắt nhìn đồng hồ đo nhiệt độ, sững sờ: 3 độ C. Thảo nào mà rét đến vậy...

Dừng xe trước điểm Trường, đúng lúc mưa rào rào đổ xuống trận cuối, khiến ai cũng ướt lướt thướt.

Gần trưa, cả 3 lớp học của Trường đóng cửa kín mít, nhìn từ khe cử vào như nhìn vào... kho thóc, bởi mấy bóng điện thắp sáng bị... cháy sạch.

Thứ duy nhất để phân biệt kho thóc với lớp học là tiếng trẻ ê a hát hò, học bài theo tiếng vỗ tay lẹt đẹt - run run của cô giáo.
Chân đất giữa thời tiết 4 độ C

Vào cái lớp học được ngăn đôi bằng tấm vải xanh, nửa bên này là lớp học - nửa kia là nơi họp hành, làm việc, tiếp khách của Ban Giám hiệu Trường Mầm non, sững sờ khi đẩy cửa, thấy hơn 20 lít nhít im lặng ngồi co ro, phong phanh áo mỏng, tím tái, run lẩy bẩy.

Nhất loạt chúng nó, đều khoanh tay trước ngực.

Không phải ngoan ngoãn chào khách, mà chúng khoanh tay, tự ủ ấm cho mình, chống cái lạnh.

 Lạnh 3 - 4 độ C. Nền nhà gạch men tỏa hơi lạnh ngắt. Đi tất dày khự mà vẫn cảm nhận được hơi lạnh xuyên qua gan bàn chân, như đi trên đá lạnh. Thế nhưng tất cả bọn trẻ, đều diện chân trần trên nền đá lạnh ấy. Chỉ vài đứa có tất, mặc ấm - nghe nói là con em của cán bộ xã.

Cô giáo chúng nó bảo: "Chỉ vài đứa có ủng - dép, còn lại đi chân đất từ nhà đến trường!". Chỉ mấy tấm lót cao su xếp trong góc: "Sao không lót đệm cho các cháu đỡ lạnh chân?".
Trải đệm lót, cho các con đỡ lạnh

Cô giáo ngắc ngứ: "Những tấm thảm của Cơm có thịt tài trợ đấy. Những chúng em tiết kiệm. Chỉ dùng khi đi ngủ, lót xuống sàn làm giường, cho các em ấm lưng!".

Giời ạ!. Tiếc của kiểu này thì quá là phản tác dụng. Rải hết ra, cho chúng nó đỡ lạnh chân. Hỏng mấy tấm này, có tấm khác ngay - Nói đi liền với làm. Mấy bạn trong đoàn bê hết cả đống cao su, lót xuống nền nhà và đẩy từng đứa khỏi cái tư thế ngất nghểu trên ghế gỗ, ngồi khoanh chân trên sàn lót ấm, chen vai nhau truyền hơi ấm.

Lẩn thẩn sờ vai từng đứa trẻ đang run lẩy bẩy, lòng bàn tay chợt rụt lại khi đến bé gái tóc bết vào mặt, môi tím ngắt. Giời ạ! Nó ướt như 1 con chuột.

Lao lên xe, mở balô bới tìm chiếc áo sạch duy nhất còn lại, thay cho chiếc áo khoác mỏng đã ướt sũng, nặng trịch nước mưa. Con bé đã bớt lạnh nhưng răng vẫn đánh lập cập.

Giời ơi! Cái áo của mình là áo ngắn tay mỏng, mặc trong phòng, sao đủ ủ ấm?.

Ầng ậc nước dâng trên mi mắt, chợt giãn ra khi bàn tay ai đó choàng lên con bé chiếc khăn màu tím, dài thượt như thể cái chăn ấm ôm chặt thân hình bé nhỏ.
Sùng Thị Súa (đầu tiên, phải qua) đã ấm áp trong áo - khăn

Ngoái nhìn lại: Cô bạn có tên LaNa úp mặt vào tướng nức nở, cổ và đầu trống hoác, chẳng còn khăn.

Cô giáo Dền Thàng kể: Bé gái tên Sùng Thị Súa, 5 tuổi, nhà ở cách trường 2 quả đồi, người lớn đi bộ trong điều kiện thời tiết hanh khô, đường cực dễ đi cũng phải mất gần 1 tiếng đồng hồ.

Những ngày này, bé Súa phải dậy sớm, một mình đi học từ 6 giờ sáng và dính trời mưa, chả có chỗ nào trú, phải đội mưa đến trường, nên mới ướt lướt thướt, như hôm nay.

Ở cái lớp Mầm non 5 tuổi của Dền Thàng, mình cứ vẩn vơ bên cạnh 2 anh em Tráng A Chao (sinh năm 2004) và Tráng Thị Lan (sinh năm 2006). 2 anh em mặt tròn xoe, giống nhau như tạc và mắt chúng, lúc nào cũng buồn rười rượi, như chực khóc.
Anh Tráng A Chao và em Tráng Thị Lan (đầu tiên, trái qua)
Mà không khóc sao được khi mẹ chúng, sau thời gian sang đất Trung Quốc làm thuê đã mất ngay tháng trước (12/2011). Bố chúng, sau cả tuần khóc vợ, lại khăn gói sang Trung Quốc làm thuê, kiếm tiền nuôi con ăn học.

Những ngày này, 2 anh em cứ dắt nhau đến từng nhà trong bản ngủ nhờ, ăn nhờ và sống lờ nhờ, trong cuộc đời áo cơm rất thật.

Thật đến mức: Cu anh Tráng A Chao lẽ ra đã học lớp 1 rồi, nhưng các cô cũng đành để nó... "lưu ban" lại Mầm non, để đợi em, trông em và sáng chiều, lẫm chẫm dắt nhau kiếm từng miếng cơm, ngụm nước...

Mình đọc danh sách học sinh, thấy con bé Tráng Thị Lan sinh cùng ngày sinh với mình (23/10/2006). Gọi ngay điện thoại về nhà, nói chuẩn bị ít quần áo để gửi lên cho đứa bé.

Quay vào, đã thấy cô bạn Khanh - tình nguyện viên của Chương trình "Cơm có thịt", đang làm ở Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, lúi húi đếm tiền đưa cho cô Hiệu trưởng. Thì ra Khanh sắm cho tụi trẻ con, mỗi đứa 1 đôi tất. 260 đứa lít nhít ở Dền Thàng là 260 đôi tất với tổng số tiền là 1.620.000 VND.
Các Tình nguyện viên Quỹ "Cơm có thịt" bàn việc chuyển hàng cho các bé

Chưa kịp cảm ơn Khanh, điện thoại đã rung lên bần bật, Tiến sĩ Lê Việt Đức ở Thụy Sĩ, mới về thăm nhà tại Hà Nội, rủ rỉ đầu dây bên kia: "Hà Nội lạnh 9 độ, học sinh được nghỉ hết. Trên đấy trẻ con có nghỉ không ông?".

Mình nghèn nghẹn kể chuyện chân trần - áo mỏng Dền Thàng. Đầu dây bên kia lặng phắc một lúc, giọng Tiến sĩ Đức khàn lại: "Mai tôi bay sang kia rồi, cho tôi góp thêm 4 triệu đồng, để mua cho mỗi đứa Dền Thàng 1 đôi ủng, ông nhé!"...

Mình quay ra ngoài cửa. Nước chảy tràn trên má. Hình như nước mưa lạnh buốt?. Không phải! Hình như mình đã khóc. Khóc vì những thân phận áo cơm lít nhít vùng cao và khóc, cả vì những ấm áp mà bạn bè mình, đã sẻ chia với chúng, nơi cao vút - xa tít Dền Thàng...
----------------------------------------------------------------------------------------------------------
Lên Y Tý, Dền Thàng trong thời tiết có lúc lên đến 3 độ C

Chân trần bọn trẻ

Một miếng bánh, tấm áo để con tạm ấm lòng


Chân đất, lạnh lắm con ơi

Khoanh tay trước ngực, để chống rét

Lớp 5 tuổi khác ở Dền Thàng, học trong nhà tranh, nền đất nên các con được... đi dép. Người lớn còn co vòi, nữa là...

5 tháng 1, 2012

LẦN ĐẦU TIÊN BIẾT BÁNH MỲ VÀ SỮA

Tối qua, sau 4 ngày đêm lăn lóc nơi núi cao, dình luôn 1 đêm phải ngủ đêm trên xe ôtô ở Trường Mầm Non Sàng A Sáo do lở núi, vùi đường, mình mới từ  vùng biên giới núi cao Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) và về tới TP. Lào Cai. Kịp uống 1 cốc nước trà đặc, ăn 2 bát cơm bụi và lại phi lên tàu 21h về Hà Nội. Tàu chậm, tới ga lúc 5h30 sáng, vào nhà chỉ kịp thay quần áo, tắm 1 phát và kéo đồ ra đường, gọi taxi ra sân bay, kịp bay vào Sài Gòn chuyến 8h15. Hiện giờ đang ngồi nghỉ ở Tân Sơn Nhất, lát về KS để đầu giờ chiều bắt đầu chuỗi làm việc lu bu trong miền Nam cuối năm. Tranh thủ post tấm hình những chíp hôi Pa Cheo, Bát Xát, Lào Cai lần đầu tiên được biết bánh mỳ và sữa, do "Gánh hàng xén lên Pa Cheo" của "Cơm có thịt", vượt gió rét, đường xa mang đến. Nhìn bọn trẻ con run cầm cập vì đói, vì rét đến 3-4 độ C, chợt cười sung sướng - hớn hở và líu ríu nói cười, má hồng rực phinh phính, khi được ăn  giữa giờ học (mình gọi là... "giữa ca"), món bánh mỳ. Tụi mình vui và quên hết mọi mệt nhọc, sau chặng đường đi bộ trơn tuột, ngã oành oạch từ trên đường đất (đi được xe máy), xuống với lớp học lưng chừng núi của chúng. Lu bu công việc và mệt quá, sẽ cố gắng đêm nay thức viết, kể lại chuyến đi, nhìn bọn trẻ miền núi đói rét, ai cũng rớm nước mắt, rưng rưng... 

NGUYỄN VĂN HẢI, HOÀNG KHƯƠNG VÀ TUỔI TRẺ

Đào Tuấn - Ngày 12/5/2008 có lẽ là một ngày đáng nhớ của làng báo khi hai Nhà báo Nguyễn Văn Hải, (tờ Tuổi trẻ), và Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) bị khởi tố bắt tạm giam vì những thông tin về vụ tiêu cực PMU18 mà họ viết trên báo.

Thanh Niên và Tuổi trẻ sau đó đã phản ứng dữ dội.

Ngay sáng 13/5, Tuổi trẻ đăng tải bài viết “Hai Nhà báo chuyên viết đấu tranh chống tham nhũng bị bắt”. Nhà báo Bùi Thanh, mượn thái độ của các “blogger, Nhà báo từ Nam chí Bắc” sử dụng hai từ: Buồn và phẫn nộ.

“Họ phẫn nộ vì biết rõ đồng nghiệp vừa bị bắt của mình là ai, đã sống và viết như thế nào để bảo vệ cuộc sống tươi đẹp này trước lũ sâu mọt”…“Chiều qua nhiều nhà báo đã tự hỏi mình về sự chùn bước và ý chí chiến đấu chống tham nhũng ấy, khi những đồng nghiệp tử tế và trong sáng của họ được xe cảnh sát đưa vào trại giam”.
Những trang báo của Tuổi trẻ những ngày sau đó tràn ngập những bài viết với những cái tít: Quá sức kỳ lạ - Quá sức ngỡ ngàng và phẫn nộ; Sao lại giết "Lục Vân Tiên"?; “Đừng để lòng tin bị sói mòn”; “Công lý bị nhạo báng”…

Trong ngày 16/5, ngay cả mục “Thế giới” của Tuổi trẻ cũng  khởi đăng loạt bài “Khi nhà báo rơi vào vòng lao lý”. Xin hãy đọc những dòng tít sau đây: “Cái giá của thông tin”; “Không phải người cầm micro cho vua”. “Thà ngồi tù, không lộ nguồn tin”…

Trong một sự liên hệ đầy chủ ý, Ban Biên tập Tuổi trẻ đã cho đăng câu văn sau đây: (Báo) Cicero đã phản ứng một cách mạnh mẽ. Tổng Biên tập Wolfram Weimar tuyên bố ủng hộ lập trường của Phóng viên Schirra và khẳng định mục tiêu của giới báo chí là rất rõ ràng: "Nhà báo không phải là người giữ micro hoặc người ghi chép tài liệu cho nhà vua”... “Nhiệm vụ của họ là đưa những sự thật khó chấp nhận ra ánh sáng, bất chấp những người có quyền lực có thích hay không, và Otto Schily (tên của Phóng viên viết bài về thủ lĩnh của tổ chức khủng bố Al Qaeda tại Iraq từ các nguồn của Văn phòng Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức) cũng không phải là ngoại lệ".

Một Nhà báo cựu trào từng làm việc cho Tuổi trẻ từng ca ngợi tờ báo của mình là rất giỏi giấu chính kiến bằng một thứ siêu ngôn ngữ: Nói về một điều nhưng không có từ ngữ nào trực tiếp nói đến điều đó.

Nhưng trên hết, những phản ứng, không cần phải giấu chính kiến, của Tuổi trẻ vào tháng 5/2008, dù sau đó, một số người trong Ban Biên tập cũng phải hầu tra…đã khiến làng báo nể phục. Và những Phóng viên của Tuổi trẻ, có lẽ, chỉ cần đọc những dòng tít báo như vậy đã có thể sẽ sẵn sàng hy sinh sinh mạng của mình, cả nghĩa đen và nghĩa bóng - cho tờ báo.

Nhưng sáng nay, cũng ngay sau khi Pột phóng viên của Tuổi trẻ bị bắt, tờ nhật báo hàng đầu này chỉ có một bản tin 619 chữ, tính cả tên tác giả.

Không còn bài nào ký tên Bùi Thanh. Không Nguyễn Quang A, Phạm Viết Đào. Không ý kiến Hội Nhà báo. Không ý kiến luật sư. Thậm chí không cả một dòng của bạn đọc. Bói cũng không thể biết quan điểm bản báo xung quanh việc Phóng viên của mình bị bắt.
Tuổi trẻ giờ “khách quan” đến nỗi đưa tin Phóng viên của mình bị bắt mà tưởng đó là câu chuyện xảy ra ở  ở Campuchia.

Tuổi trẻ giờ “giấu quan điểm” giỏi đến mức không ai, không ai có thể biết quan điểm của họ.

Câu hỏi “Ai sẽ là người bảo vệ các Nhà báo?” - Chua chát thay, cũng không phải do Tuổi trẻ đặt ra.

Hôm qua, trước khi lên xe vào trại giam Chí Hoà, Hoàng Khương đã cười. Có lẽ, vì anh chẳng có gì phải xấu hổ, vì anh tin tưởng vào sự “tử tế và trong sáng”, vào sự “bất vụ lợi” của mình. Nụ cười này, năm 2008 đã từng xuất hiện khi Nhà báo Nguyễn Việt Chiến chia tay đồng nghiệp trước khi vào trại.

Có điều, rất khó để có thể tin rằng sau khi hết án, Hoàng Khương sẽ quay trở lại tờ báo cũ - như Nguyễn Việt Chiến quay lại Thanh Niên, tờ báo mà sau khi anh bị bắt đã giật tít kín trang 1 “Phải trả tự do cho các Nhà báo chân chính”, và như trước đây, cũng ở chính Tuổi trẻ, là Nguyễn Văn Hải...
---------------------------------------
* Hình minh họa của các đồng nghiệp, ghi lại thời điểm Nhà báo Hoàng Khương bị bắt và đưa khỏi nhà riêng, đến Công an Quận để về Trại giam Chí Hòa (TP. Hồ Chí Minh).

4 tháng 1, 2012

RỚT NƯỚC MẮT NHÌN "CƠM KHÔNG THỊT" Ở HÁN NẮNG

Điểm trường Mầm non Hán Nắng (Pa Cheo, Bát Xát), tiện thể thăm mấy lớp Tiểu học của Điểm Trường Hán Nắng, sững sờ trước bữa cơm trưa không thịt của bọn trẻ con học lớp 1 - 2 ban trưa. Toàn cơm trắng, không có cả tý muối trắng. Đứa "giàu" nhất, cũng chỉ có ít rau cải luộc. Tranh thủ post, để lại đi tiếp lên Dền Thàng, Y Tý và ngược trời mưa, lạnh đến 3-4 độ C về lại Hà Nội. Đêm qua, cả đoàn đã bị kẹt lại giữa rừng, phải co quắp ngủ trên bàn - đệm của các cháu, ở Điểm Trường Mầm non Sàng A Sáo...

2 tháng 1, 2012

HÀNG LÊN PA CHEO

Từ Yên Bái lên Lào Cai, trời ngày càng lạnh. 12 độ đã thấy buốt hết cả tai. Từ TP. Lào Cai lên Sa Pa và vượt đèo Ô Quý Hồ, xuyên qua xã Bản Khoang để đến với xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, nhìn đồng hồ đo nhiệt độ mà cóng hết cả người: 10, 9, 8... và đến xã Pa Cheo, đúng 6 độ C. Muốn đi nhanh nhưng không đi nổi, cứ dò dẫm nhích từng mét dưới quầng sáng vàng vọt của đèn soi sương. Có khi, phải mở cửa kính để thò đầu ra, nhìn đường đi giữa 1 bên núi cao vút, 1 bên vực sâu hút. Căng thẳng và nơm nớp... Thở phào khi đến Pa Cheo. Nhưng đường vào Trường chính đang làm dở, xe không vào nổi, các thầy cô - dân quân xã đứng sẵn ven đường, mỗi người 1 chiếc xe máy để thồ hàng vào Trường. Đành vậy. Đường sá, thời tiết này không đi nổi. Nhờ các thầy cô mang quà trước vào trường, cả đoàn rút về thị trấn Sa Pa đang đặc quánh sương mù, để sáng mai vào lại Pa Cheo và ngược Y Tý - Mường Khương... Tranh thủ post mấy hình trước và chui vào bếp sưởi tý vậy, tay lạnh cóng bởi 5 độ C. Nhưng ấm trong lòng bởi ngày đi học đầu tiên của năm mới, tụi lít nhít Pa Cheo sẽ có chăn đệm, giường chiếu, quần áo, đồ chơi và nhất là cơm thịt. Thế là ấm, là no rồi!...

Chia hàng cho từng điểm trường
Có chăn cho học sinh rồi, thầy vui lắm
Giữa rừng núi thế này, cả ngày chả có ai qua nên không phải đứng trông... chăn đệm cho các cháu đâu
Cô đợi nhận hàng mang về trường, cũng run cầm cập
Có cả bóng chuyền
Và có cả... giát giường
"Bà" mặc áo đen, phong phanh không mũ nón, tất tả đi lại là... chủ "gánh hàng xén lên Pa Cheo"
Cười sung sướng khi "kiểm tra chất lượng sản phẩm", của "bọn miền xuôi" mang lên cho con cháu mình
Chở nhanh về, kẻo sương mù làm ẩm hết
Xong rồi, về thôi
Logo của "Cơm có thịt" đây nhá!. Làm nền là... cái nồi nấu cơm cho Mẫu giáo Pa Cheo
Tốc độ về bản?.
Hàng này của điểm trường Kin Sáng Hồ đấy nhá
Mai các cô chú lại nên nữa, mang quà cho chúng cháu nhé!..