21 tháng 5, 2011

"TỰ ỨNG CỬ KHÔNG PHẢI TRÒ CHƠI DÂN CHỦ"

Quán bia hơi Hà Nội chào mừng ngày Bầu cử HĐND các cấp: Uống 2 cốc, được tặng 1 cốc
Mai Thanh Hải Blog - Mai là ngày "đi bầu, đi bầu ta đi bầu", nhưng hôm nay không khí rộn ràng lắm rồi. Sáng dậy muộn đi ăn bún ốc, đã thấy trước ngõ, cổng sắt của Học viện Hành chính đóng im ỉm cả năm, bọn sâu bia lý bí hay gí vào đó đái khai mù, hôm nay mở rộng, cờ hoa biểu ngữ khẩu hiệu xanh đỏ tím vàng rực rỡ, chữ nghĩa hô hào vuông vắn và dĩ nhiên, không thiếu phần loa đài ầm ĩ "Hôm nay đi bầu cử, bầu trời trong xanh hơn..."... Rất có nhiều điều để nói về bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và mình chắc rằng, trước sau, cũng sẽ phải có sự cải tiến - đổi mới về cách chọn "đại biểu của dân" bởi yêu cầu dân chủ sẽ ngày càng được coi trọng, thấm nhuần. Trước ngày bầu cử, xin trân trọng giới thiệu bài viết cũ của Nhà báo Đào Tuấn về vấn đề này. 
-----------------------------------------

"TỰ ỨNG CỬ KHÔNG PHẢI TRÒ CHƠI DÂN CHỦ"

Câu này là của ông Đặng Văn Khoa, còn gọi là “Hội đồng Khoa” trả lời nhà báo Đoan Trang 5 năm trước, ngay sau khi ông “tự nguyện” viết đơn xin rút khỏi cuộc bầu cử Quốc hội khoá XII.

Một người không thể đóng hai vai


Từ chối công việc với mức lương hàng ngàn USD, để có nhiều thời gian hơn cho công việc của một Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), “Thật sự mong muốn được đóng góp một cách trong sáng, không vụ lợi, không tham vọng chính trị” trong tư cách một đại biểu của dân. Nhưng khi phải viết đơn “xin rút”, ông Khoa đã đưa ra lý do lãng xẹt: "Một người không thể đóng hai vai". Rằng: "Bản thân và gia đình chưa thu xếp được". 



Cứ tin vào lý do “không có thời gian”- Có ý nghĩa như một điểm tựa, mà dù sao ông Khoa cũng đã nói ra, lại càng thấy ông là người có trách nhiệm. Và vì thế, 5 năm trước, dư luận có lý do để tiếc cho một ĐB thực tâm, thực tài, mà họ gửi gắm.

Không một người “không có thời gian” nào lại tự ứng cử ĐBQH, dù lý do xin rút vì “Không có thời gian” lại là lý do phổ biến nhất trong việc họ xin rút. Một trường hợp “Không có thời gian” khác là ông Đàm Xuân Anh (37 tuổi, Thạc sĩ ngành Kinh tế phát triển, Giám đốc Cty TNHH Thi Anh), người đã giành tới 97,56% số phiếu tín nhiệm của cử tri. Nhưng cũng như ông Hội đồng Khoa, ông Anh cũng “bất ngờ” xin rút và cũng với lý do thời gian: “Đang tham gia giảng dạy tại một số trường, vừa nghiên cứu khoa học, làm luận án Tiến sĩ... nên không đủ điều kiện làm tốt, nếu trúng cử ĐBQH”.


Có lẽ những lá đơn xin rút vì “không có thời gian”, sẽ hợp lý hơn rất nhiều nếu người viết, và ký bên dưới, là một vị Bộ trưởng, một Chủ tịch UBND tỉnh…Nhưng thực tế cho thấy chưa có bất cứ vị Bộ trưởng nào xin rút vì lý do thời gian, vì “Một người không thể đóng hai vai”. Không lẽ công việc quản lý của một Bộ trưởng vẫn cho ông 3-4 tháng họp QH, hoặc các vị Bộ trưởng thì... khoẻ hơn các ông Hội đồng?. Có lẽ lý do dễ thuyết phục nhất là vì họ "đã được phân công".


Nếu muốn có một QH thực sự chuyên nghiệp, thực sự đại diện cho dân; một QH phân biệt tương đối rõ ràng giữa lập pháp và hành pháp, thì có lẽ nên giảm tối đa số ĐBQH hai vai. Và khi cuộc Bầu cử là thực sự dân chủ, thì có lẽ sẽ không còn những lá đơn xin rút vì: “Không có thời gian”, hay “Không đủ sức khoẻ”.


Tín nhiệm


Một "người đương thời" khác, cũng tên Khoa, năm đó cũng viết đơn ứng cử ĐBQH. “Là người trong ngành, tôi thấy giáo dục có quá nhiều tồn tại. Do vậy, ra ứng cử để muốn nói lên tiếng nói trung thực nhất cùng QH khắc phục triệt để những bất cập, tồn tại đó...”- Thầy Đỗ Việt Khoa từng phát biểu nhiệt tình và đầy tâm huyết. “Chẳng có ưu điểm gì nhiều ngoài tính trung thực, thẳng thắn, gần gũi thầy cô, học sinh, sẵn sàng online chia sẻ mọi vấn đề với các thầy cô và các em học sinh... Mặt khác, tôi còn biết sử dụng máy tính và Internet”- Như lời ông tự nhận xét, ông Khoa cũng hứa sẽ “tăng cường tiếp xúc cử tri hơn”, sẽ thường xuyên trao đổi với cử tri qua mail, chat, sẽ “công khai địa chỉ nhà riêng để tiện trao đổi”, bởi việc tiếp xúc cử tri là "điểm thiếu" của nhiều ĐBQH khóa trước.


Ông Khoa nói rất đúng, bởi một một ĐB mà không thường xuyên tiếp xúc với dân, không hiểu được tâm tư, nguyện vọng của dân, không gần dân thì ĐB đó nên làm... Bộ trưởng.


Kết quả như thế nào thì ai cũng biết. Ông Khoa được 0% tín nhiệm của các cử tri tại nơi công tác. Con số 0% này có nhiều điều đáng nói: Nếu các vị thực sự là những người đương thời chống tham nhũng, lại chống ở chính nơi mà mình công tác, xin ở nhà... đắp chăn cho khoẻ. Ngay cả các vị đã trúng rồi mà còn muốn tái cử thì cũng nên nhớ một câu: "Đánh đĩ 9 phương…". Mà tốt nhất là không chống gì cả.


Rào cản này cũng ứng với ứng viên tự ứng cử họ Cù khi ông bị đánh trượt từ vòng gửi xe.

Bởi thế, những "chiến sĩ trên mặt trận chống tham nhũng" mà tự ứng cử thì hầu như không có tí cơ hội nào, dù đó là người đương thời, được Huân chương. Nhiều khi đơn giản vì bà con thấy ghét, hoặc bị bảo phải ghét.


Theo quy định trong Luật Bầu cử, việc tự ứng cử cực kỳ đơn giản. Bất kỳ ai muốn tự ứng cử chỉ cần nộp vào Ủy ban Bầu cử Ðơn xin ứng cử kèm sơ yếu lý lịch và một bản tiểu sử tóm tắt. Không cần ký quỹ, cũng không cần thu thập chữ ký như quy định rắc rối và “phi dân chủ” của "bọn khoai Tây". 



Nhưng rõ ràng nhìn vào con số 1, trong hơn 360 người tự ứng cử - trúng cử ĐBQH, cho thấy đường đến "Nghị trường" của các ứng viên tự ứng cử không dễ tí chút nào.

Trên tường nhà ông Hội đồng Khoa treo một bức thư pháp “Đức tâm thánh thiện gia đình thịnh. Tài trí thanh liêm Tổ quốc hưng” do bà con cư xá Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh tặng.


Có lẽ, cần phải sửa 2 từ “Tổ quốc”. 



Nguồn: Đào Tuấn Blog (Tuanddk)

20 tháng 5, 2011

"NGÀY VUI BẦU CỬ"...

Mai Thanh Hải Blog -Vừa đăng bài "Trước ngày hội bắn", đã có bạn đọc cung cấp: "Nghe bài hát NGÀY VUI BẦU CỬ đi. Kinh hoàng!" và kể: Ở nơi bạn đọc sinh sống, cả tháng nay phải nghe bài hát này. Không chỉ qua hệ thống loa phóng thanh mà còn trên Chương trình Truyền hình địa phương và màn hình lớn vật vã ở Quảng trường Trung tâm TP suốt ngày phát với công suất cực lớn, khiến mấy cửa hàng bán cà phê - giải khát xung quanh đó phải dọn đồ, đóng cửa vì không khách nào dám vào uống nước.

Mình tò mò tìm bài hát và nghe thử. Chết thật, bây giờ mới biết có bài hát thế này. Mình đúng là phải tìm tòi thêm về ca nhạc mất. Nghe xong, thật không biết nói gì. Mọi người nghe thử tý đi. Nhưng nhớ nghe xong, đừng mắng mình nha. Mình không sáng tác và cũng không biết hát bài này...

Nhớ mỗi câu điệp khúc: "Đi bầu! Đi bầu! Ta đi bầu!". Ke! Ke! Ke!..
---------------------------------------------------------------------------

NGÀY VUI BẦU CỬ 

Sáng tác: Lê Đăng Khoa 
Hôm nay đi bầu cử, bầu trời trong xanh hơn
Hôm nay đi bầu cử, màu cờ thắm tươi hơn
Hôm nay đi bầu cử trong niềm vui hân hoan
Hôm nay đi bầu cử trong niềm vui dâng tràn

Đi bầu ta đi bầu cùng mọi người hướng tới tương lai
Ta đi bầu đi bầu lựa chọn người có đức có tài
Đi bầu ta đi bầu là nghĩa vụ của mỗi công dân
Ta đi bầu đi bầu là quyền lợi của công dân mình


TRƯỚC NGÀY HỘI BẮN

Hà Nội đỏ rực trước ngày bầu cử
Mai Thanh Hải Blog - Ngày kia mới Bầu cử, nhưng trước đó cả tháng, khu Tập thể nhà mình đã... rộn tiếng hát phát ra từ đôi loa phóng thanh mới được lắp trên cột điện, ở đầu và cuối khu. Tuyên truyền về "Đi Bầu cử là quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi công dân". Hết đọc danh sách - kêu gọi - hô hào là đến phần ca nhạc. Tua đi tua lại, đều như vắt chanh. 

Gần 1 tháng nghe loa phát ra rả, cả Khu lại đâm ra... yêu văn nghệ mới chết chứ. Cứ chiều đến, các ông bà già xắn quần tới bẹn, tay quạt phành phạch tiết kiệm điện; thanh niên nam nữ quần soóc, váy ngắn tay bấm điện thoại nhắn tin chiu chíu, liếc nhau chan chứa yêu thương; lũ trẻ con mồ hôi ướt đẫm, đẩy xe đạp đồ chơi rầm rầm... ra đứng cửa, lượn đầu - cuối ngõ, tụ dưới gốc cột điện trên loa phóng thanh, cùng ngơ ngáo nhìn nhau, ngắm người đi đường và lẩm nhẩm hát theo cô ca sĩ Anh Thơ nghe đâu là Hoa Thanh Quế.

Mà lạ lắm nhé, trên tivi thì không nói, chứ đến rất nhiều Hội nghị, trước khi khai mạc và trong lúc giải lao, người ta toàn mở đĩa Anh Thơ rộn hết cả ràng Hội trường. Ngay dịp họp Quốc hội, mình để ý các kỳ họp khóa 12, trước giờ vào Hội trường họp và 15 phút nghỉ giải lao giữa giờ, quay đi quay lại cũng toàn... Anh Thơ. Ai không tin, hỏi cánh báo chí theo dõi Quốc hội mà xem.

Khẩu hiệu tuyên truyền ngày bầu cử
Hội nghị Quốc hội, Chính phủ còn yêu Anh Thơ như thế. Chả trách cấp dưới cũng học tập theo. Gần tháng nay, ở đâu không biết, chứ những con đường quận Đống Đa, mình qua lại hàng ngày, từ sáng đến đêm, mưa cũng như nắng, lúc nào cũng thấy bập bõm tiếng cô ca sĩ Anh Thơ trong bim bim tiếng còi xe, gầm gừ động cơ, xao xát tiếng người đi đường mưu sinh kiếm sống. Đấy là nhờ hệ thống loa phóng thanh mới được lắp đặt trên các cây cột điện, vội vã đến mức có những chỗ hở cả đầu dây xanh đỏ, xoắt xuýt đến ghê. Và cả công của các cô chú Phòng Văn hóa - Thông tin của quận nữa chứ

Quay lại chuyện Khu Tập thể nhà mình. Đến bây giờ, hình như 100% cư dân trong Khu đã trở thành Fan hâm mộ của ca sĩ Anh Thơ. Trong tất cả các ca khúc mà Anh Thơ đã hát trong gần 1 tháng qua, Khu mình thuộc nhất bài "Trước ngày hội bắn", vì bài này được phát đi phát lại liên tục trong ngày. Này nhé: Các ông bà già thì chuyên lẩm nhẩm: "Quê hương ta hỡi núi cao suối ngàn của ta/ Mùa xuân hoa thắm núi đồi/ Rừng xanh in bóng hai người/ Và hai cây súng đang ngồi bên nhau"; các bác trung niên, hơi cao tuổi thì gân cổ ngân theo: "Ới cô nàng mà anh yêu mến/ Song ngựa vàng cùng anh xuống núi/ Ngày mai anh quyết thi tài/ Cả ba viên trúng vòng mười/ Thì em đây sẽ là người của anh"... Riêng bọn thanh niên trai tráng thì cứ đợi các em xinh xinh tan học, về ngang qua và gào lên: "Ngày mai anh bắn ra ngoài/ Thì hoa em sẽ tặng người... Phường bên". Vui ra phết! Đúng là trước ngày Bầu cử.

Tối qua về nhà, thấy con gái đang ngồi trong bàn học, cắm mặt nhìn sách nhưng miệng vẫn lẩm nhẩm: "Ai tin anh nói, sớm mai bắn vào điểm đen" theo tiếng hát của cô ca sĩ thân thuộc Anh Thơ ngoài đường vọng vào. Điên hết cả người: "Học ngay! Mai thi cuối kỳ đấy! Đen đỏ gì?"..
-----------------------------------------

TRƯỚC NGÀY HỘI BẮN

Sáng tác: Trịnh Quý
Trình bày: Việt Hoàn - Anh Thơ.

Tiếng chim rừng chào mừng bình minh
Hót trên cành rộn ràng đây đó
Hạt sương thắm ướt cành đào
Tưởng như ta bước lạc vào động tiên.

Quê hương ta ới
Núi cao suối ngàn của ta
Kìa ai như bóng anh chàng
Ngày mai thi bắn xuống làng làm chi?!

Ới cô nàng mà anh yêu mến
Có xuống làng ngựa vàng anh đón,
Kìa sao không cất súng về
Cùng anh đi xuống chợ mà nàng ơi.

Sao anh không nhớ
Sáng mai bắn thật rồi sao?
Ngày mai anh bắn ra ngoài
Thì hoa em sẽ tặng người bản bên.

Ới cô nàng mà anh yêu mến
Nếu mai mà đạn kia anh bắn
Cả ba viên kia trúng vòng mười
Thì hoa em sẽ tặng người nào đây?

Ai tin anh nói
Sớm mai bắn vào điểm đen?!
Vì sao em nói đi nào.
Vì hôm nay vẫn xuống làng,
Thì mai tay súng vững vàng làm sao?!

Nếu anh ở lại tập cùng em ?
Có ai mà lại tin anh nói
Vì sao ơi hới cô nàng?!
Vì anh đã có ngựa vàng của anh

Em sao không rõ thế cây súng này của ai?
Còn kia hai chú ngựa vàng
Là anh mang đến đón nàng cùng đi.

Ới cô nàng mà anh yêu mến
Song ngựa vàng cùng anh xuống núi
Ngày mai anh quyết thi tài
Cả ba viên trúng vòng mười
Thì em đây sẽ là người của anh.

Quê hương ta hỡi núi cao suối ngàn của ta
Mùa xuân hoa thắm núi đồi
Rừng xanh in bóng hai người
Và hai cây súng đang ngồi bên nhau.

BẢO VỆ CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh
Mai Thanh Hải Blog - Chắc chắn 1 điều, những cán bộ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ rất tự hào và càng thêm kiên định khi đọc những câu chữ mà Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh đã tuyên bố. Bởi đó là tiếng nói trái tim, là mệnh lệnh của mỗi người lính. 

Xin trân trọng giới thiệu Bài viết này, mới đăng tải trên Vnexpress:

--------------

"PHẢI LÀM THẤT BẠI MỌI ÂM MƯU XÂM PHẠM CHỦ QUYỀN"

Đó là một trong những nhiệm vụ cơ bản của đối ngoại Quốc phòng Việt Nam được Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định sau khi vấn đề đối ngoại Quốc phòng lần đầu tiên được đề cập trực tiếp tại đại hội Đảng 11 vừa qua.

Trước thềm Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN lần thứ 5 (ADMM-5) tổ chức ngày 19/5 tại Jakarta (Indonesia), Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã có bài viết gửi VnExpress, nêu rõ quan điểm, nội dung và chiến lược đối ngoại quốc phòng của Việt Nam trong thời gian tới. VnExpress trích đăng:

"Lần đầu tiên trong các kỳ đại hội của Đảng, Đại hội 11 đã đề cập trực tiếp đến công tác đối ngoại quốc phòng đó là: "Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh".

Trên cơ sở định hướng quan trọng đó của Đảng, cần nhận thức sâu sắc về mục tiêu của hội nhập quốc tế trên lĩnh vực quốc phòng, nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Mục tiêu này chính là lợi ích quốc gia, dân tộc và phải được xem là thước đo hiệu quả của mọi hoạt động đối ngoại nói chung và nói riêng.
Để bảo vệ lợi ích quốc gia, công tác đối ngoại quốc phòng trước hết cần nắm vững và vận dụng quan điểm của Đảng về đối tượng, đối tác được nêu rõ trong Nghị quyết trung ương 8 (khoá 9) về Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Từ quan điểm nêu trên, việc xác định đối tượng, đối tác để hợp tác và đấu tranh trong công tác đối ngoại quốc phòng phải lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm tiêu chí cơ bản.
Ảnh: Nguyễn Hưng.
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Quan hệ quốc tế về quốc phòng nhằm đem lại và bảo vệ các lợi ích quốc gia về chính trị, ngoại giao, quốc phòng an ninh, khoa học - công nghệ, kinh tế... phục vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đó chính là lợi ích cơ bản của đất nước, và cũng là mục tiêu cơ bản của công tác đối ngoại quốc phòng, trên nguyên tắc giữ vững độc lập, tự chủ, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác phát triển, cùng có lợi.

Cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế, giữa bảo vệ lợi ích quốc gia với đóng góp cho hoà bình, ổn định của khu vực và trên thế giới. Trong quá trình hợp tác khu vực và quốc tế, do sự đan xen và mâu thuẫn về lợi ích, tất yếu sẽ dẫn đến những điểm đồng và bất đồng giữa các nước đối với các vấn đề an ninh - quốc phòng. Chúng ta cần chủ động, tích cực phát huy các điểm đồng, có giải pháp phù hợp khắc phục bất đồng nhằm thúc đẩy hợp tác để vừa bảo vệ được các lợi ích cơ bản của đất nước, vừa bảo đảm lợi ích chính đáng của các đối tác và lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế. 

Tất cả các điểm đồng đều phải hướng về một điểm cơ bản là đồng về lợi ích - ở đây là lợi ích chính đáng của đất nước ta, của các nước bạn bè, đối tác, lợi ích chung của khu vực và thế giới chứ không phải là lợi ích cục bộ theo kiểu “được mình, hại người”, ngược lại, càng không thể vì lợi ích “chung chung” mà quên đi hay coi nhẹ mục đích lợi ích cơ bản, tiên quyết, đó là lợi ích của dân tộc mình. 

Giữ vững độc lập tự chủ là nguyên tắc cơ bản, bất di, bất dịch và cần được quán triệt trong mọi kế hoạch, biện pháp công tác đối ngoại quốc phòng, là cơ sở để nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trong quan hệ quốc tế, là điều kiện để hội nhập thành công. 
Trung tướng Nguyễn Thành Cung, PCNTCCT trên đảo Thuyền Chài

Hội nhập quốc tế trên lĩnh vực quốc phòng nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng của đất nước cả về tiềm lực và thế trận, để giữ vững độc lập, tự chủ của đất nước. Ngược lại, giữ vững độc lập, tự chủ là điều kiện thuận lợi cơ bản để tăng cường hội nhập quốc tế về quốc phòng. Nếu không có độc lập, tự chủ thì không thể hội nhập thành công, và dù có “thân thiện” đến mấy cũng không đem lại lợi ích đích thực cho đất nước, mà sẽ càng ngày càng sa vào lệ thuộc. 

Khi chúng ta giữ độc lập tự chủ, giành lợi ích cho đất nước thì cũng phải tôn trọng độc lập tự chủ và lợi ích của các nước khác. Nếu một nước đối tác không có độc lập tự chủ thì khó có thể hợp tác bền vững và đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Đồng thời phải giữ cho được quan hệ bình đẳng, không phân biệt giữa nước lớn và nước nhỏ. 

Thấm nhuần tư duy của Đảng về hội nhập quốc tế, công tác đối ngoại quốc phòng trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chính sau: Một là, hợp tác quốc phòng trong những năm tới cần được tiến hành đồng bộ với hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực khác để tạo thành một thể thống nhất trong chiến lược chung của quốc gia, giữ vững mối quan hệ hữu cơ giữa xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đối ngoại quốc phòng không chỉ nhằm tăng cường khả năng quốc phòng của đất nước mà còn phải tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước hết và trên hết, công tác đối ngoại quốc phòng phải đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình, ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước, đóng góp tích cực cho hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Thượng tướng Bùi Văn Huấn, nguyên PCNTCCT trên đảo Nam Yết

Hai là, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia. Đối ngoại quốc phòng phải trở thành một trong những lực lượng nòng cốt cùng toàn dân thực hiện thắng lợi chiến lược bảo vệ tổ quốc. Đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các đối tác để có thể giải quyết hiệu quả các vấn đề an ninh có liên quan, đẩy mạnh hợp tác với các nước láng giềng để bảo vệ an ninh biên giới, giữ vững chủ quyền của tổ quốc. Phối hợp chặt chẽ với ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh ngoại giao với đấu tranh trên thực địa để làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam.

Hợp tác và đấu tranh trong quan hệ quốc tế, trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích quốc gia là hai mặt của một vấn đề, không thể xem nhẹ mặt nào. Chúng ta đấu tranh không khoan nhượng trên những vấn đề có tính nguyên tắc nhưng lại mềm dẻo, linh hoạt trong các vấn đề cụ thể để có thể hợp tác giải quyết các bất đồng, thông qua hợp tác để tác động, đấu tranh nhằm hạn chế các hoạt động xâm phạm chủ quyền của tổ quốc. Cần phải công khai minh bạch về chính sách đối ngoại quốc phòng để xây dựng lòng tin trong bạn bè quốc tế và phát huy tối đa sức mạnh chính nghĩa của ta. 

Ba là, công tác đối ngoại quốc phòng góp phần quan trọng trong đấu tranh chống diễn biến hoà bình, chống bạo loạn lật đổ; bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và ổn định chính trị của đất nước. Thông qua mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả hợp tác, đối ngoại quốc phòng tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa quân đội và nhân dân ta với quân đội và nhân dân các nước, làm cho các nước hiểu rõ hơn đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa. Như vậy, đối ngoại quốc phòng có thể làm thất bại ngay từ bên ngoài các luận điệu tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa của các thế lực thù địch. Mặt khác, đối ngoại quốc phòng phải đấu tranh có hiệu quả đối với âm mưu nhằm phi chính trị hoá quân đội, tách quân đội khỏi sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, phòng và chống các hoạt động tuyên truyền phản cách mạng, các tác động tiêu cực của hội nhập quốc tế đến tư tưởng của quân đội.

Bốn là đối ngoại quốc phòng tích cực góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, tiếp thu các kiến thức quân sự hiện đại của thế giới. Mặt khác, thông qua các cơ chế hợp tác công nghiệp, khoa học kỹ thuật, thương mại quốc phòng, tranh thủ các nguồn lực về vốn, khoa học - công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến…, để trang bị cho quân đội các loại vũ khí, khí tài ngày càng hiện đại, phù hợp với điều kiện và nghệ thuật quân sự Việt Nam, làm cho đất nước ngày càng tự chủ về khoa học, kỹ thuật quân sự, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện trong thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật.

Trong thời gian tới, cần tập trung phát triển các mối quan hệ quốc phòng theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng. Kết hợp chặt chẽ giữa hợp tác song phương và đa phương. Quan hệ quốc phòng song phương với các nước láng giềng cần được ưu tiên và không ngừng phát triển ngày càng sâu sắc, phát huy các điểm đồng về lợi ích kinh tế, mô hình phát triển, nhu cầu hợp tác xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, bảo vệ an ninh chung và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định… 

Quan hệ quốc phòng với Lào và Campuchia dựa trên cơ sở tình hữu nghị truyền thống, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, nâng cao hiệu quả, đi vào thực chất đáp ứng nhu cầu bảo vệ an ninh của mỗi nước. Trong điều kiện các nước bạn còn có những khó khăn, nền kinh tế - quốc phòng còn chưa phát triển… nhưng trên cơ sở tôn trọng độc lập tự chủ và lợi ích của bạn, chúng ta cần xây dựng mối quan hệ hợp tác vừa đem lại lợi ích cho đất nước mình, vừa tạo điều kiện giúp bạn mạnh lên, đồng thời tăng cường mối quan hệ truyền thống đoàn kết, gắn bó thêm sâu sắc, bền vững và lâu dài.

Cần coi trọng và tập trung đầu tư cho quan hệ hợp tác quốc phòng với Trung Quốc - quốc gia láng giềng có truyền thống quan hệ hữu nghị tốt đẹp, hiện là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, đồng thời cũng đang tồn tại những vấn đề khác biệt - nhất là những vấn đề trên biển Đông cần được giải quyết trong tình đồng chí, anh em, láng giềng gần gũi, bằng biện pháp hoà bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, công khai minh bạch, trên cơ sở tôn trọng và tin cậy lẫn nhau.

Ở đây, quan hệ quốc phòng có một ý nghĩa và tác dụng rất đặc biệt để tăng cường hợp tác phát triển về mặt chiến lược, vừa để đấu tranh giải quyết những khác biệt, hướng tới một quan hệ thật sự tốt đẹp, bình đẳng, ổn định, bền vững, lâu dài. Muốn có được mối quan hệ tốt đẹp như vậy, hoà hiếu chưa đủ, mà quan trọng hơn cả là ta phải giữ cho được độc lập tự chủ và tìm kiếm lợi ích chung trên con đường phát triển của hai nước. Thực tế cho thấy trong thời gian qua, khi chúng ta giữ vững độc lập tự chủ, tôn trọng lợi ích của bạn thì chúng ta đã tăng cường quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, từng bước nâng cao hiệu quả hợp tác, đồng thời bàn bạc giải quyết những bất đồng còn tồn tại. 

Quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam với các thành viên của ASEAN cần chú trọng hiệu quả trong quá trình xây dựng cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN, cần đặt trọng tâm vào những nội dung gắn với an ninh của Việt Nam như vấn đề an ninh biển, vấn đề sông Mê Kông... Cần chú ý thích đáng để mở rộng hợp tác với các đối tác lớn như Nga, Ấn Độ, Mỹ... và dần dần đi vào thực chất ở các khía cạnh, nội dung và mức độ khác nhau, đáp ứng nhu cầu quốc phòng của đất nước. Chúng ta cũng coi trọng và tiếp tục phát triển quan hệ quốc phòng với các nước bạn bè truyền thống như Cuba, các nước Đông Âu, Liên Xô cũ…

Quan hệ quốc phòng đa phương cần phát huy các thành tích đã đạt được trong năm Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN, tiếp tục khẳng định vai trò của cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), cũng như tiếp tục nghiên cứu để tham gia ngày càng sâu hơn vào các hoạt động hợp tác quốc phòng đa phương khác trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc. 

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ nêu trên, cần chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại quốc phòng, tiếp tục đưa các mối quan hệ quốc tế về quốc phòng đi vào chiều sâu. Trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, công tác đối ngoại quốc phòng cần tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước, bám sát sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, chủ động, tích cực phát triển đồng bộ, toàn diện, có chiều sâu, lấy hiệu quả làm thước đo thực hiện nhiệm vụ của quân đội, nhiệm vụ quốc phòng của đất nước, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc".

Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

19 tháng 5, 2011

"GỬI EM Ở CUỐI SÔNG HỒNG"

Lên chốt, 1983
Mai Thanh Hải Blog - Đêm thành phố đầy sao, nghe chống chếnh lời hát "Gửi em ở cuối Sông Hồng" từ tiếng chuông điện thoại của cậu bạn ở chung phòng. Tự dưng lại nhớ lời thơ uất nghẹn của người lính trên tuyến đầu đánh trả quân xâm lược Trung Quốc, trong những ngày đầu nổ súng và bài viết của mình, về người viết những lời thơ ấy, về bài thơ ấy, không biết khi nào được đăng tải trên báo...

Trân trọng giới thiệu bài viết
---------------------------
Trong tuyển tập "Văn học dân tộc và miền núi" do Nhà Xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1998, bài thơ "Gửi em ở cuối sông Hồng" được giới thiệu cùng 87 bài thơ của các tác giả khác. Tuy nhiên, những dòng giới thiệu về tác giả rất ngắn ngủi: "Dương Soái, dân tộc Kinh; tên khai sinh: Dương Văn Soái; sinh năm 1950; quê quán: tỉnh Hà Nam"...

Tôi lên biên giới phía Bắc tìm hiểu mới biết, tác giả của "Gửi em ở cuối sông Hồng" hiện đang là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Yên Bái. Xin số điện thoại và gọi xin gặp, ông bỏ cuộc liên hoan, ngồi đợi tôi và rưng rưng kể lại những cảm xúc đã viết thành bài thơ, được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc cho bài hát cùng tên, vẫn nguyên giá trị đến hôm nay.

Nhà thơ Dương Soái
Năm 1979, ông mới tròn 29 tuổi đời và đang công tác tại Đài Phát thanh - truyền hình Hoàng Liên Sơn (khi đó chưa tách 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái), sau khi đã phục vụ thời gian dài trong ngành địa chất và làm thơ, cộng tác với nhiều đầu báo, được khá nhiều giải thưởng về thơ ở cả tỉnh và Trung ương.

Hồi tưởng lại thời điểm tháng 2-1979, ông kể: Hồi đó đúng dịp sau Tết, ông mới đi công tác cả tháng trời tại các xã của mấy huyện vùng cao Văn Chấn. Mù Căng Chải, Nghĩa Lộ... Mới về đến cơ quan vài ngày và viết xong bài phản ánh về công tác chuẩn bị vào vụ lúa đông xuân thì sáng 17-2-1979, ông được tin có chiến sự nổ ra ở biên giới. Cấp trên yêu cầu: "Phải có ngay bài phản ánh về tình hình" khiến lãnh đạo Đài cuống quýt tìm và rút cục phải gọi "cậu phóng viên trẻ, khoẻ, đi miền núi xa xôi - gian khổ nhiều hơn đi đường nhựa" lên động viên, giao nhiệm vụ "lên ngay biên giới".

Nhận lệnh, ông xách balô, đi nhờ xe bộ đội ngược lên Lào Cai. Buổi chiều 17-2 lên đường, tờ mờ sáng ngày 18-2-1979, ông đã có mặt tại huyện lỵ Cam Đường, Lào Cai (bấy giờ là Hoàng Liên Sơn).

Vừa chân ướt chân ráo, ông đã "dính đủ" trận pháo của đối phương và chứng kiến cảnh 1 chiến sĩ Cảnh sát bảo vệ Trạm thu phát sóng của Đài Phát thanh bị thương nặng, máu loang đỏ cả nền đất, mấy giẻ xương sườn gãy vụn. Hết trận pháo, ông đi bộ lên phía súng nổ và ngược dòng người sơ tán lên cây số 4. Ông cùng một số anh em bộ đội tìm ra tuyến trên và chứng kiến cảnh người dân gồng gánh tài sản, ngơ ngác - gào khóc tìm người thân con cái, trên mặt ai cũng biểu lộ sự ngỡ ngàng, không hiểu nổi những gì vừa mới và đang xảy ra ở mảnh đất họ đã "chôn nhau, cắt rốn"..
Thám báo Trung Quốc bị bắt sống

Đi đến khu vực Cty Dược thị xã Lào Cai, cách biên giới chừng 2 km, bộ đội ta ngăn lại, không cho ông đi tiếp dù có trình bày là phóng viên. Không thể quay lui, ông tìm đến Sở Chỉ huy Tiền phương (SCH) của mặt trận Hoàng Liên Sơn, lúc đó đang đóng tạm tại khu vực Cam Đường, thị xã Lào Cai để... xin vào vùng chiến sự.

Dẫu là "người nhà" nhưng ông vẫn không được phép vào khu vực chiến sự, chỉ được ở lại SCH lấy thông tin, viết bài. Cũng tại đây, ông đều đặn chuyển các tin bài về cho Đài tỉnh kịp thời phát sóng. Loanh quanh ở SCH, cứ thấy bộ đội, dân quân từ mặt trận về tập trung, ông lại sán đến hỏi han, chi chép làm tư liệu viết bài.

"Kỷ niệm tôi không thể nào quên là gặp những chiến sĩ C117, Công an Vũ trang bảo vệ mục tiêu Thị uỷ rút về SCH thay quân!" - Nhà thơ Dương Soái nghẹn ngào: "Người ở tuyến dưới lên cứ tưởng đồng đội mình hy sinh hết. Khi gặp nhau cứ ôm nhau khóc, mặc cho máu từ các vết thương chảy ròng ròng!". Các chiến sĩ Công an Vũ trang nói với ông: "Anh là nhà báo, nói hộ với người thân của là chúng em vẫn sống và đang bảo vệ đất của mình!".

Những ngày ở SCH, nhà thơ Dương Soái đã chứng kiến cảnh các đơn vị bộ đội thay quân, đưa người bị thương về tuyến sau, đưa người còn khoẻ lên tuyến trước và các chiến sĩ tranh thủ gặp gỡ, nhắn nhủ ngay trước khi di chuyển. Cũng chính ông thành người được bộ đội gửi gắm, nhắn nhủ nhiều nhất. Ai cũng nhờ ông gửi thư, đánh điện về báo tin cho gia đình: Người nhờ chuyển phong thư đã viết sẵn; người lại "bắt" ông ngồi đợi để xin mảnh giấy, cây bút ghi vài chữ về cho gia đình; có người quá vội, chỉ đưa ông mảnh giấy ghi địa chỉ người thân và nhờ "Anh cứ viết báo tin là em vẫn còn sống, vẫn chiến đấu!"; người nói sơ qua nội dung thư và nhờ ông... viết báo tin. Rút cục, sau mấy ngày ở SCH, những lá thư bộ đội nhờ ông gửi hộ, được đựng đầy chặt chiếc túi 3 đồng, mậu dịch bán lúc bấy giờ.
Công an Vũ trang phục kích đón lõng thám báo

Hôm rời Lào Cai về Yên Bái, trong lúc ngồi đợi tàu tại sân ga Phố Lu, ông mang thư của bộ đội ra sắp xếp lại: Thư đã có tem, địa chỉ cụ thể; chưa có tem; chưa có phong bì; chưa có nội dung... Khi đã "phân loại" hàng trăm lá thư, ông ngỡ ngàng bởi hầu hết bộ đội ta đều quê ở các tỉnh nằm dọc theo bờ sông Hồng (Yên Bái, Phú Thọ, Hà Tây, Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam...) và đa số thư đều gửi cho vợ, người yêu ở những địa phương nằm dọc sông Hồng.

Ngỡ ngàng và liên hệ đến tình hình chiến sự đầu thắng 2 -1979, cảm nhận cái giá rét - gió mùa Đông Bắc hiện tại, nhớ màu nước sông Hồng quanh năm đỏ rực phù sa và tháng 2 đúng mùa con nước... ông quặn lòng nhớ tới vợ con ở Duy Tiên, Hà Nam cũng chung tâm trạng như hàng vạn, hàng triệu người vợ - người mẹ - người yêu khác, đang mong ngóng, lo lắng tin của chồng, con, người yêu nơi biên g...

Xúc động, Dương Soái ngồi bệt xuống sân ga Phố Lu viết bài thơ "Gửi em ở cuối sông Hồng" chỉ trong đúng 2 tiếng đồng hồ. "Vừa viết, nước mắt tôi vừa chảy ra giàn giụa!" - Ông đỏ hoe mắt và ngước mắt nhìn cây đào núi nở hồng rực ngoài cửa sổ.

Giữa đường hành quâ
Nhà thơ Dương Soái kể: Về thị xã Yên Bái, ông dành nửa ngày để ra bưu điện cây số 5 gửi điện, viết thư hộ lính và mua tem, phong bì "hoàn thiện" những lá thư chưa đủ "quy chuẩn". Hôm đó, thùng thư bưu điện cây số 5 đầy chật thư bộ đội do ông gửi và cô nhân viên bưu điện đã phải gom thêm bao tải..

Bài thơ "Gửi em ở cuối sông Hồng" của Dương Soái mãi thời gian sau mới được đăng tải bởi ông lại tất tả ngược lên biên giới phía Bắc làm nhiệm vụ của phóng viên chiến trường. Ngay sau khi được gửi đi, bài thơ đã được in ở rất nhiều báo, tạp chí và các tuyển tập thơ văn khác và trở thành bài thơ... truyền thống với bộ đội ta lúc đó.

Tuy nhiên, mãi đến năm 1980, bài thơ mới trở nên nổi tiếng sau khi được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc với cái tên "Gửi em ở cuối sông Hồng". Dương Soái cũng chỉ biết "đứa con tinh thần" của mình... thành danh khi nghe lời nhắn của 1 người bạn: "Bài thơ được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam vừa phát! Hay lắm!".
Cột mốc biên giới Cao Bằng
Vài năm sau, Dương Soái mới gặp nhạc sĩ Thuận Yến tại nhà Giám đốc nhà máy Thủy điện Thác Bà, Yên Bái nhân dịp nhạc sĩ lên công tác. Nhà thơ rất xúc động khi được biết: Vừa lên đến Yên Bái, nhạc sĩ Thuận Yến đã hỏi ngay địa chỉ của Dương Soái để tìm gặp cảm ơn và nói lời tri kỉ... Mặc dù, nhạc sĩ Thuận Yến đã không giữ nguyên một số câu chữ trong bài thơ của Dương Soái, nhưng vẫn giữ nguyên được hồn của bài thơ và thổi bùng vào trong đó sức sống mãnh liệt. Chẳng thế mà bài thơ - bài hát đó vẫn sống cho đến bây giờ.

Trong lời bình bài thơ "Gửi em ở cuối sông Hồng", tác giả Ngô Vĩnh Bình đã viết: "Tứ của bài thơ không có gì mới, nhưng lời thơ lại rất mới, rất thời sự và thật Việt Nam. Bài thơ cũng nói về nỗi nhớ của người ở đầu sông với người ở cuối sông nhưng là nỗi nhớ của người lính đnag chiến đấu bảo vệ biên cương với người thương nơi quê nhà. Nỗi nhớ, niềm thương được biểu hiện bình dị, nhưng nỗi nhớ, niềm thương ấy cũng thật lãng mạn... Bài thơ đến với đông đảo bạn đọc không chỉ ở sự bình dị mà còn được chắp thêm cánh bởi giàu nhạc điệu và giàu chất dân ca".

(15-2-2009)

------------------------------------------

Gửi em ở cuối sông Hồng

(Dương Soái)

Anh ở Lào Cai

Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt

Tháng Hai, mùa này con nước

Lắng phù sa in bóng đôi bờ


Biết em năm ngóng, tháng chờ

Cứ chiều chiều ra sông gánh nước

Nên ngày ngày cùng bạn bè lên chốt

Anh lại xuống sông Hồng cho thoả nỗi em mong


Đài báo gió mùa, em thương ở đầu sông

Đỉnh đồi cao chiến hào anh gặp rét

Biết mùa màng đồng quê chưa cấy hết

Tay em ngập dưới bùn, lúa có thẳng hàng không?


Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng...

Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy

Em ra sông chắc em sẽ thấy

Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông.


Nhưng thơ ngây đâu còn ở chúng mình

Khi Tổ quốc trao anh lên tuyến đầu chặn giặc

Khi biên cương trong anh đã trở thành máu thịt

Đạn lên nòng anh giữ trọn nguồn sông


Nỗi nhớ cho em chưa viết được đôi dòng

Đạn quân thù bỗng cuồng điên vào thị xã

Xe tăng thù nghiến mặt sông êm ả

Nhịp cầu thù chặt đứt chờ mong


Bão lửa này mang sức mạnh hờn căm

Phá cầu thù, xé vụn xe tăng giặc

Giữa dòng sông nghìn xác thù ngã gục

Máu giặc loang ố cả một vùng



Thì hỡi em yêu ở cuối sông Hồng

Nếu gặp dòng sông ngàu lên sắc đỏ

Là niềm thương anh gửi về em đó

Qua màu nước sông Hồng, em hiểu chiến công anh

Lào Cai, 1979

PHẢI TÔN TRỌNG QUYỀN TỰ DO BẦU CỬ CỦA CÔNG DÂN

 
Sinh nhật Bác năm nay có trùng hợp là sát ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Vì thế không chỉ giới sử gia và các đảng viên lão thành, nhiều người đã kể lại cho con cháu nghe những mẩu chuyện về việc thực thi dân chủ trong bầu cử của Bác.

Trong đó, không thể không nhắc lại một chuyện tròn 42 năm trước, ngày 27-4-1969, ngày bầu cử HĐND cấp huyện và xã. Bác Hồ đã trực tiếp đi bỏ phiếu tại hòm phiếu số 6, Tiểu khu 1, khu phố Ba Đình, Hà Nội (đặt tại nhà thuyền Hồ Tây). Khi Bác đến, tổ bầu cử có ý để mọi người chờ Bác bỏ phiếu trước, song Bác gạt đi: “Ai đến trước, bầu trước. Bác đến sau, Bác chờ” – Người nói và đứng đợi đến lượt mới lấy phiếu bầu. Khi đó có một phóng viên định chụp ảnh, Người đã lấy tay che lá phiếu và nói: “Không ai được vào đây. Đây là phòng viết phiếu kín của cử tri. Phải tôn trọng cử tri. Phải tôn trọng tự do và bí mật của công dân!”.

Còn trước đó 23 năm, tại cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên (Quốc hội khoá I) năm 1946, Bác Hồ ra ứng cử tại Hà Nội. Gần đến ngày bầu cử có 118 vị là Chủ tịch Ủy ban Hành chính đồng lòng đề nghị Bác không phải ra ứng cử và họ nhất trí ủng hộ, suy tôn vĩnh viễn Bác là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”. Cử tri cả nước cũng có nguyện vọng như vậy. Song Bác Hồ đã viết một bức thư ngắn cảm tạ đồng bào và đề nghị để mình thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, bởi Bác “không thể vượt qua thể lệ của cuộc Tổng tuyển cử đã định”.

Những câu chuyện nho nhỏ như thế dù đã lùi xa vào lịch sử, song có lúc, có nơi nếu được đem ra kể nó lại trở nên vô cùng thời sự với nhiều cử tri. Tôn trọng quyền tự do lựa chọn, xếp mình bằng với tất cả những thường dân khác – những việc ấy tưởng dễ mà khó. Bởi chính hành động của Bác đã nói rằng: sự vĩ đại của một nhà lãnh đạo không phải thể hiện ở việc sử dụng quyền lực hay đưa ra những lời lẽ đao to búa lớn dạy bảo nhân dân, mà nó đến từ sự ứng xử bình thường, giản đơn nhất.

Phan Lợi (theo Bút lông’s Site)

18 tháng 5, 2011

TRỒNG RAU TRÊN... BIỂN

Trên đảo chìm Tốc Tan A
Mai Thanh Hải Blog - Biển xanh ngằn ngặt, hơi muối mặn chát bào mòn cả bê tông sắt thép, gió lốc ngày đêm lồng lộn bứt đi mọi thứ tung hê lên cao, đá san hô sắc nhọn như những con dao lam khổng lồ, cứa nát chân trần của lính... Tất cả khắc nghiệt, gian lao hiển hiện nơi đầu sóng: Trường Sa. Ấy thế nhưng càng gian khổ, nhọc nhằn, những mầm sống càng kiên cường trỗi dậy, trong sự chở che, ấp ủ, mong đợi nghẹn ngào. Ở nơi mắt lúc nào cũng phải mở to, tai phải căng hết cỡ, màu xanh tươi nõn của những lá rau không chỉ làm vơi bớt nỗi nhớ đất liền, mà còn khiến ta thêm gắn bó với chân đảo, cơn sóng và hy vọng vào những điều tốt đẹp hơn, yên bình hơn, từ những mầm sống - cây rau. 
 
Trồng rau trên biển - Đó cũng là đặc trưng hiếm có ngoài đảo Trường Sa, nhà giàn DK.

Xin trân trọng giới thiệu chùm ảnh về "Rau cỏ Trường Sa":
------------------------
Rặng mồng tơi trên đảo Trường Sa Lớn

"Xả láng" ăn rau vì mới có tàu tiếp tế ra đảo

Vườn rau của riêng bộ phận Cơ yếu - Ra đa trên đảo Song Tử Tây

Thụ phấn nhân tạo cho vườn mướp hương

Rau cải xanh trên đảo chìm Đá Tây

Trồng rau muống trong khay nhựa

Trồng rau trong thùng mùa bão biển

Có cả 1 dự án nghiên cứu cách trồng rau xanh cho bộ đội Trường Sa

Rau trồng trong nhà kính

Rau mầm, ăn ghém

Vườn nhà trên đảo

Chồi non mới nhú

Bí bầu rợp mát ban trưa

Rau - cây trên đảo Phan Vinh

Ớt tươi trên đảo chìm Tốc Tan A

Trước là công sự, phía sau là vườn rau Thanh niên

Đinh lăng làm thuốc, cải xanh làm... canh

Lá mơ kèm với... mộc tồn

Thơm như húng quế đảo chìm

Canh gác biển trời, đảo nhỏ và... rau cỏ

Che chắn rất kỹ cho vườn rau dền

Tận dụng mọi chỗ trồng rau. Lá này, lũ chó nhìn thấy, lảng xa ngay

Bắt sâu chứ không nhổ cỏ

Có lá chanh nhưng rất hiếm... thịt gà

Phên dậu Tổ quốc. Hi! Hi!

Sờ rau trên đảo Tiên Nữ

Vuốt ve


Vườn rau trên đảo An Bang

Không đâu có: Rau, thịt bảo quản trên tàu vận tải, tiếp tế cho các đảo

Bắp cải, bầu bí và cả dừa tươi uống nước, kho thịt

Vườn rau trên đỉnh nhà giàn DK1

Lại sờ và lại chỉ cho... đẹp

Tổ nuôi quân nhặt rau muống, chuẩn bị bữa ăn trên tàu

Vì là của hiếm nên phải chia từng lát

Rau - hoa - cây trên tàu chiến đấu